trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
18.3.2006
Việt Trường Giang
Góp ý với Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam
 1   2 
 
Mở đầu

Hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng với một niềm hy vọng lớn lao vào những đổi thay có tính chất quyết định từ Đại hội, sẽ nâng cao thực sự năng lực lãnh đạo của Đảng, để thực hiện thành công nhiệm vụ lãnh đạo sự nghiệp xây dựng một đất nước Việt Nam giàu có, thịnh vượng; xây dựng một xã hội Việt Nam công bằng, dân chủ, văn minh; phát triển một dân tộc Việt Nam của những con người khỏe mạnh, thông minh, yêu hòa bình, cùng chia sẻ với các dân tộc khác khát vọng xây dựng một thế giới đại đồng.

Căn cứ vào: Hướng dẫn của Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về bản Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng.

Sau khi đã đọc và nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội toàn quốc lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam (gọi tắt là dự thảo báo cáo), tôi xin trình bày những góp ý của mình với bản dự thảo báo cáo, theo những nội dung chính sau đây:

  • Chủ đề của Đại hội
  • Kiểm điểm 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ IX
  • Đánh giá khái quát 20 năm đổi mới
  • Mục tiêu và phương hướng phát triển đất nước 5 năm 2006-2010

1. Chủ đề của Đại hội

Trước tiên có thể khẳng định nội hàm của chủ đề Đại hội như nêu trong dự thảo đã thể hiện đầy đủ vai trò và trách nhiệm của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, ngoại diên của chủ đề theo tôi là cần rút gọn như sau: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, sớm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển”.

Như vậy, chủ đề này khẳng định một mục tiêu bao trùm (như tên chủ đề) và thể hiện 3 nhiệm vụ cơ bản cần thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội X:

  • Thứ nhất: nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng
  • Thứ hai: tập hợp và phát huy sức mạnh của tòan dân tộc Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
  • Thứ 3: đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển
Việc hoàn thành nhiệm vụ thứ nhất sẽ là cơ sở để thực hiện nhiệm vụ thứ hai và nhiệm vụ thứ ba; và đương nhiên sẽ hoàn thành nhiệm vụ thứ ba nếu chúng ta làm được hai nhiệm vụ đầu, vì nhiệm vụ này chỉ đơn thuần thể hiện kết quả tất yếu của hai nhiệm vụ trên.

Có mấy lý do khiến tôi đề xuất việc rút gọn ngoại diên của chủ đề Đại hội:

Thứ nhất: Đảng ta đang lãnh đạo toàn diện đất nước, đồng thời những phân tích đánh giá cho đến nay đang chỉ ra những bất cập nghiêm trọng về năng lực lãnh đạo. Hơn nữa, để đáp ứng được những yêu cầu của một đảng cầm quyền, trong tương lai đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục và thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo. Việc xác định đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu sẽ thể hiện sự sáng suốt trong việc phân tích, đánh giá thực lực của Đảng và sự khiêm tốn cần thiết của một đảng cầm quyền, một tổ chức “cung ứng dịch vụ” lãnh đạo chính trị cho quốc gia.

Thứ hai: về nội dung “nâng sức chiến đấu”. Bản chất của sức chiến đấu ở đây chính là “năng lực cạnh tranh”. Trong hiện tại, và trong tương lai, Đảng khẳng định rằng mình được nhân dân Việt Nam giao cho sứ mệnh là Đảng chính trị duy nhất, lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vì vậy việc xác định nhiệm vụ “nâng cao năng lực cạnh tranh” sẽ dễ dẫn đến những nhận thức sai lầm trong nhân dân và trong đảng về sứ mệnh lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Hơn nữa, nội dung “nâng cao năng lực lãnh đạo” đã bao hàm nội dung “nâng cao năng lực cạnh tranh”, vì vậy việc đưa thêm nội dung “nâng cao sức chiến đấu” vào mục tiêu là trùng lắp.

Thứ ba: nhiệm vụ “đẩy mạnh công cuộc đổi mới” là việc đương nhiên cần phải thực hiện, và bản thân khẩu hiệu “đổi mới” đã hoàn thành sứ mệnh của mình sau 20 năm, chúng ta không cần nhắc lại. Những thành tựu của hai mươi năm qua khẳng định “đổi mới” là bản chất của quá trình vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng trong quá trình thích nghi với những tác động của môi trường và những mâu thuẫn nội tại, vì vậy, nhiệm vụ tiếp theo là chuyển tải khẩu hiệu đổi mới vào trong 3 nội dung của chủ đề Đại hội :

  • Đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng,
  • Đổi mới phương thức tổ chức vận động để phát huy toàn diện sức mạnh của dân tộc, và
  • Việc “đưa đất nước nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển” chính là thể hiện cụ thể của “đổi mới”.
Việc dùng từ “đất nước” thay cho từ “nước ta” sẽ hợp lý hơn, vì Đảng Cộng sản Việt Nam đương nhiên là lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam, không cần phải nhắc lại “nước ta”. Vì vậy, từ “đất nước” đảm bảo chuẩn mực và ngữ nghĩa tiếng Việt hơn.

Tóm lại, mục tiêu bao trùm và các nhiệm vụ cụ thể sẽ là cơ sở chủ yếu để chúng ta tiến hành các bước cơ bản trong quá trình xác định các mục tiêu bộ phận và các giải pháp thực hiện cũng như giám sát và điều chỉnh. Như vậy, với vai trò là bản “quy hoạch tổng thể công tác lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn 2006-2011” dự thảo báo cáo chính trị cần thể hiện được các nội dung sau:

  • Bước 1: Đánh giá hiện trạng và phát hiện vấn đề cần giải quyết trong công tác lãnh đạo của Đảng (kiểm điểm 5 năm và 20 năm đổi mới)
  • Bước 2: Xác định mục tiêu cho công tác lãnh đạo của Đảng (5 năm 2006-2011)
  • Bước 3: Đánh giá và lựa chọn giải pháp thực hiện mục tiêu
  • Bước 4: Đề xuất phương thức và kế hoạch tổ chức thực hiện các giải pháp.
  • Bước 5: Đề xuất các quy trình và công cụ kiểm tra giám sát và điều chỉnh


2. Kiểm điểm 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội IX

Có thể nói đây là phần việc chính của bước thứ nhất (đánh giá hiện trạng và phát hiện vấn đề), hết sức quan trọng nhằm trả lời chính xác và đầy đủ 3 nhóm câu hỏi:

  1. Đảng ta lãnh đạo các mặt chính trị (xây dựng nhà nước), kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng - ngoại giao như thế nào trong 5 năm qua? Đâu là những bất cập của năng lực lãnh đạo trong 4 mặt đó?.

  2. Việc tập hợp sức mạnh toàn dân tộc của Đảng trong 4 mặt cơ bản nêu trên trong 5 năm vừa qua? Những gì còn bất cập trong vấn đề đoàn kết tập hợp sức mạnh toàn dân?

  3. Các chỉ tiêu cụ thể của các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, an ninh-quốc phòng- ngoại giao đã thực hiện trong 5 năm vừa qua như thế nào? Các chỉ tiêu đó thể hiện rằng nước ta còn đang ở tình trạng kém phát triển như thế nào?
Khi nào trả lời được 3 nhóm câu hỏi trên một cách đầy đủ, thì khi đó chúng ta mới thấy được những gì đã đạt được, những gì còn thiếu sót cho đến thời điểm hiện tại.

Nhìn vào nội dung kiểm điểm trình bày trong dự thảo, ta thấy mới chỉ có các câu hỏi thuộc nhóm thứ 3 là được trả lời, nhưng vẫn chưa đầy đủ. Hai nhóm câu hỏi đầu tiên chưa được trả lời một cách rõ ràng, có thể nói là thiếu. Việc không trả lời hai nhóm câu hỏi đầu tiên khiến cho việc trả lời nhóm câu hỏi cuối cùng không có ý nghĩa nhiều.

Nếu phân tích sâu thêm vào những nội dung được trình bày trong dự thảo báo cáo thì giống như là những nội dung báo cáo công tác của Lập pháp (Quốc hội), Hành pháp (Chính phủ), Tư pháp và Mặt trận Tổ quốc, không thể hiện rõ được đâu là tác động của công tác lãnh đạo của Đảng. Nếu dùng lý do “đảng lãnh đạo toàn diện” để bào chữa cho những nội dung trên thì sẽ là bao biện.

Việc dự thảo báo cáo không chỉ ra được những tác động cụ thể của công tác lãnh đạo của Đảng đối với thành quả hay là thất bại của 4 mặt nêu trên, sẽ khiến cho chúng ta không thể nào khẳng định được vị thế của Đảng ta với tư cách là một đảng cầm quyền xứng đáng nhất, cũng như không thể phê bình một cách chân thành và có hiệu quả.

Khi chúng ta phân tích phần công tác xây dựng Đảng (mặt thứ 5) thì có lẽ nên chăng là chúng ta trả lời được nhóm câu hỏi: Số lượng đảng viên và chất lượng lãnh đạo của tổ chức đảng được thể hiện như thế nào trong việc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo 4 mặt chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng - ngoại giao? Chúng ta cần tăng thêm hay bớt đi đảng viên ở đâu? Chúng ta cần nâng cao chất lượng lãnh đạo của tổ chức đảng ở mặt nào, chỉ tiêu nào?

Việc đánh giá chung chung như trong dự thảo sẽ không giúp cho Đảng ta tìm ra được câu trả lời xứng đáng và nội dung dự thảo cho chúng ta thấy rằng: Ta làm được tất cả mọi việc và Ta còn yếu kém ở tất cả mọi nơi.

Tóm lại, chúng ta nên kiểm điểm những việc mà 3 triệu Đảng viên đã làm và những việc đó ảnh hưởng đến thành tựu cũng như những thất bại mà toàn thể 87 triệu người Việt trong nước và kiều bào đã làm được và làm được trong 5 năm qua như thế nào.

Cụ thể hơn, cần phân tích rõ ràng những việc mà Đảng làm được chứ không phải là những việc các cơ quan nhà nước làm được, những thất bại có nguyên nhân do các quyết định của Đảng chứ không phải của nhà nước.

Tại sao dự thảo báo cáo không thể hiện được điều đó?

Việc này có quá sức với năng lực của Đảng ta hiện nay hay không? Việc này có quá khó đối với bất kỳ ban soạn thảo văn kiện Đại hội Đảng nào hay không? Việc này có phải là quá nhiều đối với chương trình của một Đại hội hay không?

Từ những nhận xét trên tôi có câu hỏi như sau: Phải chăng nhược điểm lớn nhất của Đảng ta cho đến nay là chưa xác định được nhiệm vụ (dịch vụ) nào mà nhân dân (thị trường) đỏi hỏi ở một ĐẢNG CẦM QUYỀN (tổ chức cung ứng dịch vụ lãnh đạo chính trị)?; và nhiệm vụ nào mà Đảng ta có thể thực hiện (cung cấp) với chất lượng tốt nhất (vì chúng ta là duy nhất)?

Băn khoăn này của tôi tìm thấy lời giải đáp đôi chút ở phần cuối cùng của dự thảo (XIV.5) khi đề cập đến vấn đề “đổi mới phương thức lãnh đạo”. Có lẽ đây chính là vấn đề cốt tử, và đây mới là động cơ giúp chúng ta “nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng” để rồi Đảng có thể “phát huy sức mạnh của toàn dân tộc”, tiến tới toàn dân tộc sẽ “đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển”.

Đây chính là câu trả lời thực sự cho câu hỏi dịch vụ mà nhân dân Việt Nam cần ở một Đảng cầm quyền, đó là: “Xây dựng một nhà nước”, ở đây chúng ta đã xác định là “Nhà nước pháp quyền XHCN” chứ không phải là “Nhà nước chuyên chính vô sản” cũng không phải là nhà nước “Quân chủ lập hiến”.

Hơn nữa có thể khẳng định nhân dân không cần Đảng là Nhà nước mà cần Đảng xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN, rồi Nhà nước Pháp quyền XHCN đó sẽ tạo ra môi trường luật pháp cũng như các dịch vụ quản lý nhà nước để cho người dân xây dựng cuộc sống “ấm no, tự do, hạnh phúc” và thực hiện “bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia”.

Đây mới chính là nội dung cần phải kiểm điểm đối với năng lực lãnh đạo của một Đảng cầm quyền.

Đáng tiếc thay, trong toàn bộ nội dung kiểm điểm 5 năm thực hiện nhiệm vụ nghị quyết IX những phần kiểm điểm đánh giá về “phương thức lãnh đạo”, vai trò của Đảng quá mờ nhạt trong “công tác xây dựng nhà nước” chỉ được tóm lược một đoạn rất ngắn (I.4). Không thấy chỉ tiêu nào phản ánh phương thức lãnh đạo của Đảng, không thấy kết luận nào chỉ ra được “phương thức lãnh đạo” của đảng chưa phù hợp ở đâu? Việc phê bình các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực chỉ thể hiện được mức độ nhận thức nông cạn đối với những biểu hiện bên ngoài, không cho thấy được các nguyên nhân bên trong.

Chúng ta cũng có thể cho rằng những nội dung kiểm điểm trên là đúng đắn vì chúng thể hiện “các đánh giá việc thực hiện nghị quyết Đại hội IX”, và nghị quyết Đại hội IX đã nêu ra những chỉ tiêu đó, vì vậy cần đánh giá như thế.

Như vậy câu hỏi đặt ra ở đây là: Phải chăng nghị quyết Đại hội 9 không thể hiện được cái mà một Đảng cầm quyền như Đảng ta cần làm?

Và như vậy, nội dung kiểm điểm cũng cần trả lời các câu hỏi: Bao nhiêu nghị quyết, chỉ thị, công văn chỉ đạo của Đảng là “làm thay” việc của 3 cơ quan nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án) ở cấp trung ương và địa phương trong nhiệm kỳ Đại hội IX? Thậm chí bao nhiêu văn bản đó là vi phạm Hiến pháp và pháp luật hiện hành? Lý do tại sao? Khắc phục thế nào? Bao giờ khắc phục xong?

Dự thảo báo cáo của Đại hội Đảng sao giống như bản kế hoạch 5 năm của Chính phủ cũng như kế hoạch lập pháp của Quốc hội. Bản dự thảo này liệu có đúng với tinh thần Hiến pháp 1992: Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng hoạt động trong khuôn khổ của Pháp luật hay không?

Nội dung kiểm điểm trong dự thảo đi ngược với chính đường lối của Đảng là “Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng không bao biện, làm thay nhà nước; trái lại phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, sáng tạo của nhà nước trong quản lý đất nước và xã hội.” Điều này dẫn đến việc xác định mục tiêu cho nhiệm kỳ Đại hội X (2006-2011) cũng mang tính “bao biện, làm thay”. Như vậy, theo tôi cần thay tiêu đề của mục này từ “Kiểm điểm 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội IX của Đảng” bằng “Kiểm điểm công tác lãnh đạo đất nước của Đảng trong nhiệm kỳ IX”. Tiêu đề này là cơ sở để những nội dung kiểm điểm đi đúng trọng tâm là công tác lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.


3. Đánh giá khái quát 20 năm đổi mới

Về phần đánh giá khái quát hai mươi năm đổi mới, tôi hoàn toàn đồng ý với đánh giá chung là “công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử”.

Trong đó thành tựu lớn nhất và có tính chất quyết định đối với tất cả những kết quả khác đồng thời thể hiện rõ nét nhất vai trò lãnh đạo chính trị của Đảng đó là: Giữ vững ổn định chính trị.

Hình 1: Thay đổi về quy mô nhà nước và sức mạnh tổng hợp quốc gia ở một số nước trong giai đoạn 1980-2005


Việc nước ta duy trì thành công các dịch vụ quản lý nhà nước cơ bản (một nhà nước tương đối lớn) và chuyển dần dần các dịch vụ và chức năng kém hiệu quả (không phù hợp cho vai trò của nhà nước) cho khu vực tư nhân trong quá trình chuyển đổi giúp cho toàn xã hội không bị rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc do hẫng hụt các dịch vụ công cộng như đối với các nước Đông Âu và Liên Xô cũ. Đời sống của đại đa số nhân dân Việt Nam hôm nay tốt hơn 20 năm trước đây, các dịch vụ an ninh, quốc phòng, quản lý kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì ở một mức tương đối tốt là kết quả tất yếu của một nhà nước nhiều chức năng và có thể nói là chấp nhận được ở tầm vĩ mô. Có lẽ đánh giá này tương đồng với nhận định của các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác về Việt Nam và là động lực cho họ quyết định hợp tác và hỗ trợ quá trình đổi mới ở Việt Nam.

Đây chính là bài học “đổi mới từng bước và phù hợp với tình hình” đã được tổng kết trong phần đánh giá hai mươi năm đổi mới. Có thể khẳng định, cho dù đảng nào, lãnh đạo đất nước nào, trong tình hình như nước ta trong hai mươi năm đó mà không làm được vấn đề giữ ổn định chính trị và duy trì một nhà nước với khá đầy đủ các chức năng cần thiết, thì đều dẫn đến sự thất bại và hỗn loạn. Một nhà nước mạnh chính là nhu cầu của toàn thể công dân trong một vùng địa chính trị nhằm đảm bảo cho họ tránh được “một cuộc chiến của tất cả mọi người chống lại tất cả mọi người” như Hobbes đã nói (Fukuyama, 2004). Thêm nữa, nhà nước yếu là mảnh đất màu mỡ cho các băng nhóm tội phạm có tổ chức và khủng bố quốc tế, đây chính là hình ảnh của Đông Âu và Liên Xô trong giai đoạn 1990-2000, và là hình ảnh hiện nay của một số quốc gia châu Phi và Mỹ La tinh. Các chính phủ Phương Tây sau những năm tháng háo hức với sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống XHCN Đông Âu và Liên Xô hôm nay đang thực sự đau đầu với tình trạng tội phạm có tổ chức, tình trạng nhập cư trái phép, tình trạng tham nhũng đang lan từ Đông sang Tây Âu. Các chính phủ phương Tây và người dân đang chưa kịp vui mừng với một thành tựu Cách mạng Cam của ông Yushchenko ở Ukraina và Cách mạng Nhung của ông Saakashvili ở Gruzia thì đã phải đối mặt với nạn tham nhũng và mất ổn định của chính quyền ông Yushchenko. Còn người dân Gruzia hiện đang dần nhận ra rằng họ đã đặt niềm tin nhầm chỗ, vào một nhà lãnh đạo dân tộc cực đoan mới, và cũng là một kẻ tham nhũng hoang phí. Chính quyền của ông Shlikasvilli sẵn sàng vay tiền để mua khí đốt của Iran với giá 240 USD/1000m3 thay vì mua với giá 110 USD/1000m3 của Nga vì lý do “Không thích bất kỳ cái gì của Nga”, đây chính là biểu hiện rõ ràng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, mù quáng, và bất chấp lợi ích của nhân dân. Cá nhân ông Tổng thống còn sử dụng chuyên cơ của Chính phủ để lấy nước thánh từ Jerusalem (Israel) mang về chữa bệnh cho mẹ, đó là thể hiện cao nhất của tham nhũng, hoang phí và mê tín. Bên cạnh đó, khi nhiều người tin rằng những mô thức dân chủ kiểu phương Tây là phổ quát và duy nhất đúng với toàn thế giới thì chiến thắng của Hamas ở Palestine đã thực sự là một cú sốc lớn. Mô hình bước lên vũ đài chính trị một cách dân chủ của một tổ chức vũ trang Hồi giáo cực đoan này rất giống với chiến thắng của Đảng Quốc xã của Hitler năm 1933. Tiến trình hòa bình Trung Đông đang đứng trước một nguy cơ đổ vỡ.

Đồng thời, các chính phủ và các nhà tư tưởng của thế giới tự do đang đau đầu giải quyết mâu thuẫn giữa những giá trị “tự do cá nhân tuyệt đối”, “nhân quyền cao hơn chủ quyền” mà họ tôn sùng, với sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít mới ở ngay chính Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Canada, những kẻ coi người da đen và người Ả-rập là “rác rưởi”, và cần phải “quét sạch”. Lợi dụng việc pháp luật bảo vệ những giá trị “tự do cá nhân tuyệt đối”, những tổ chức phát xít mới có quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do hành động, tự do mua sắm vũ khi, tự do phát triển lực lượng và tạo nên phong trào trong xã hội. Hôm nay, những giá trị luật pháp còn được tôn trọng vì những tổ chức kia còn yếu ớt, nhưng với đà phát triển như hiện nay, một cuộc “nội chiến” sẽ xảy ra trong tương lai gần, như chính tuyên bố của những thành viên của mạng lưới phát xít mới C.18 ở Bắc Mỹ và Châu Âu.

Qua những phân tích trên đây có thể khẳng định, nếu Việt Nam trong hai mươi năm vừa qua không giữ vững ổn định chính trị và duy trì được một nhà nước tương đối mạnh thì có phải chăng ngày hôm nay Việt Nam đang vật lộn với một nhà nước với ông Chủ tịch Khánh “trắng” và ông Thủ tướng Năm Cam, Bộ trưởng Ngoại giao Thuyết “buôn vua”, ông Bộ trưởng Tài chính Thọ “Đại Úy”, Bộ trưởng Công an Hải “Bánh”…, chứ không có một xã hội tương đối ổn định như hôm nay để đổi mới, để phát triển, để ai đó kêu gọi “dân chủ hóa”, kêu gọi “xóa độc quyền”.

Tuy nhiên, cần sáng suốt khẳng định rằng thành tựu gốc “ổn định chính trị” 20 năm đổi mới không chỉ do năng lực lãnh đạo của Đảng, hay nguồn gốc từ nhân dân mà ra của Đảng, mà còn do sức sống mạnh mẽ của những giá trị Khổng giáo trong xã hội. Tinh thần trung-hiếu-tín-nghĩa, những giá trị như trung quân, ái quốc, và tinh thần nhường nhịn, cam chịu của người dân đối với quyền lực chính trị đã ăn sâu, bám rễ và hình thành những đặc thù văn hóa của những xã hội Khổng giáo nói chung và Việt Nam nói riêng. Chúng ta có thể thấy những quốc gia thành công ở châu Á trong nửa cuối thế kỷ 20 đều có một đặc điểm chung là sự ổn định về tâm lý xã hội với nền tảng của Khổng giáo. Tinh thần này giúp cho Đảng ta và nhà nước có thời gian và cơ hội để tiến hành đổi mới từng bước, điều chỉnh dần dần mà không xảy ra những bùng phát, rối loạn xã hội như các nước Đông Âu. Những giá trị truyền thống cũng giúp chúng ta một tay để làm nên thành tựu hôm nay.

Tóm lại, tất cả những bài học đã được tổng kết trong dự thảo báo cáo đều có ý nghĩa quan trọng, nhưng thứ tự ưu tiên của các bài học có thể sắp xếp lại cho đúng với logic tự nhiên như sau:

Bài học thứ nhất: Đổi mới vì lợi ích của nhân dân, dựa trên thực tiễn sức mạnh và nguyện vọng của toàn dân tộc (đảm bảo đúng nguyên tắc trình độ lưc lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất), toàn tâm, toàn ý thực hiện khát vọng phát triển đất nước, chấn hưng dân tộc Việt Nam sánh ngang với các dân tộc anh em trên thế giới, xây dựng đất nước Việt Nam là nơi hội tụ của dân chủ, công bằng, ấm no, hạnh phúc, là bạn bè và đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới. Bài học này hoàn toàn phù hợp với nhận định của Giáo sư chính trị học Fukuyama của Đại học Cornell, rằng “nhu cầu nội tại của một quốc gia là động lực cơ bản và là điều kiện cần quan trọng nhất để tiến hành cải cách và xây dựng nhà nước”.

Bài học thứ hai: Đổi mới toàn diện nhưng thực hiện từng bước, có kế thừa và cách làm phù hợp. Trước tiên là giữ vững ổn định chính trị và duy trì một nhà nước tương đối mạnh, cung ứng ở một mức độ tối thiểu những dịch vụ công cộng cơ bản nhằm tránh sự hụt hẫng cho toàn xã hội do sự biến mất của các dịch vụ công cộng đang được nhà nước cung cấp trong khi các lĩnh vực tư nhân và phi chính phủ chưa được chuẩn bị để thay thế. Sau đó là, từng bước xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN.

Bài học thứ ba: Dựa vào phát huy nội lực là quyết định, kết hợp khai thác ngoại lực, đảm bảo hiệu ứng cộng hưởng có lợi nhất cho quá trình đổi mới. Những thành tựu của hai mươi năm đổi mới của Việt Nam là một minh chứng hùng hồn cho kết luận của Fukuyama (2004) là “các hỗ trợ hay can thiệp của nước ngoài luôn là thứ yếu và sẽ thất bại trong quá trình cải cách thể chế và phát triển một quốc gia nếu bản thân chính các cơ quan nhà nước của quốc gia đó không thực hiện một cách có hiệu quả chức năng của mình”.

Bài học thứ tư: Không ngủ quên trong hào quang của thành tựu, liên tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bằng việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những giá trị tinh hoa của chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh và những thành tựu mới nhất về khoa học chính trị, kinh tế, xã hội của thời đại nhằm phát triển một phương thức lãnh đạo hiệu quả giúp đảng thực sự xứng đáng với vai trò đảng cầm quyền mà nhân dân hằng tin yêu và lựa chọn.

Chúng ta đã từng ngủ quên trong hào quang chiến thắng của cuộc chiến tranh gần đây nhất, hậu quả là dân tộc Việt Nam đã có một “đêm truớc đổi mới” kéo dài 10 năm trong lịch sử hiện đại của mình. Vì vậy, chúng ta không được phép ngủ quên với những thành tựu mà chúng đạt được trong 20 năm đổi mới.

Các bài học này thể hiện logic phát triển bền vững cho năng lực và vị trí lãnh đạo của Đảng ta như sau:

  • Bài học thứ nhất: Đổi mới vì dân, đây chính là bài học về việc đảm bảo tính khách quan của động lực đổi mới, dựng xây và phát triển đất nước.

  • Bài học thứ hai: Phương pháp thông minh, hợp lý, đây chính là bài học về nắm được bản chất vận động và phát triển của sự vật và hiện tượng.

  • Bài học thứ 3: Công cụ sẵn có, vận dụng sáng tạo, đây chính là bài học lớn trong việc kế thừa truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc.

  • Bài học thứ 4: Ngày càng hoàn thiện chính mình, đây chính là bài học đảm bảo tính biện chứng trong quá trình vận động phát triển của sự vật và hiện tượng.
Việc đúc kết được những nội dung cơ bản trong các bài học trên tạo nên sự tin tưởng mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên và trí thức, vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước và chấn hưng dân tộc.

Vấn đề ở đây là chúng ta sẽ vận dụng các bài học trên như thế nào trong các bước đi tiếp theo của quá trình đổi mới.

Ở đây tôi xin trích dẫn nguyên văn câu kết luận của Fukuyama (2004) “Policymakers in the development field should at least swear the oaths of Doctors to “do no harm” and not initiate programs that undermine or suck out of institutional capacity in the name of building it” (Những nhà hoạch định chính sách trong phát triển cần ít nhất là lập lời thề như các bác sĩ là “chữa bệnh không đau” và không bắt đầu những chương trình mang danh xây dựng nhà nước mà chính bản thân chúng ảnh hưởng tiên cực hay triệt tiêu sức mạnh nhà nhà nước).


4. Mục tiêu và phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn 2006-2011


4.1. Nguy cơ và thách thức đối với Đảng ta trong 5 năm (2006-2011) và trong tương lai

Theo tôi, đây là một thiếu sót của bản dự thảo báo cáo. Để xác định rõ mục tiêu nhiệm vụ cho 5 năm tới và tương lai, việc xác định nguy cơ và thách thức đối với Đảng ta là việc cần thiết và quan trọng không kém việc kiểm điểm kết quả công tác lãnh đạo của Đảng trong 5 năm vừa qua cũng như kiểm điểm 20 năm đổi mới. Phần này đáng ra phải được tổng kết trên cơ sở những kiểm điểm hoạt động lãnh đạo của Đảng trong nhiệm kỳ IX, phân tích môi trường địa chính trị và kinh tế trong nước và quốc tế (gọi tắt là môi trường trong nước và quốc tế) và những tác động của môi trường trong nước và quốc tế đối với công tác lãnh đạo của Đảng, từ đó xác định được những thách thức thực sự đối với sự thành bại của Đảng ta trong vai trò lãnh đạo chính trị của đất nước.

Trên cơ sở những phân tích của cá nhân và tham khảo những phân tích của các tác giả trong và ngoài nước, có thể khẳng định nguy cơ và thách thức lớn nhất đối với Đảng ta trong 5 năm và trong tương lai, đó là “Sự bất cập về trình độ lãnh đạo chính trị của toàn đảng”.

a. Vài nét về thực tiễn của sự bất cập

Sự bất cập về trình độ thực sự là nguồn gốc của hiện tượng nhận thức lệch lạc, thiếu khách quan về sự vật hiện tượng, những giá trị chân thực của đạo đức và văn hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, thậm chí cả trí thức. Bên cạnh đó, cần khẳng định sự yếu kém về trình độ của cán bộ lãnh đạo Đảng và nhà nước khi so sánh tương quan với lãnh đạo các nước láng giềng và các quốc gia có trình độ tương đương.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta có thể thấy những ví dụ nhan nhản những Đảng viên từ trung ương đến địa phương đi lễ xin lộc đền này, chùa kia. Rồi ông cán bộ này chi vài ngàn đô la để mua cái biển số xe lộc phát, ông giáo sư “đáng kính” kia mang bê tông chặn cửa một trường học vì sợ nhà mình bị ám, rồi hàng chục ngàn cán bộ đảng viên chen vai thích cách đi lễ đề chùa để cầu mong được thăng quan tiến chức… Đấy không phải là những giá trị truyền thống văn hóa đáng trân trọng mà đó là sự ngu dốt và mê muội. Nếu nói thêm về những vi phạm các chuẩn mực đạo đức thông thường thì có thể viết vài trăm trang giấy không hết những ví dụ về các cán bộ, đảng viên tham nhũng, hối lộ, sống đồi trụy, dâm ô, làm con bất hiếu, làm cha làm chồng bất nghĩa.

Hiện tượng Phó Thủ tướng Vũ Khoan trả lời phỏng vấn trực tiếp bằng Tiếng Anh lưu loát với các kênh thông tin quốc tế trong dịp ông tháp tùng thủ tướng Phan Văn Khải đi thăm Hoa Kỳ năm ngoái là một ví dụ hiếm hoi và có thể nói là lâu lắm rồi kể từ thời bác Hồ đi đàm phán tại Paris. Đấy là một hiện tượng đáng mừng, tuy nhiên nếu chúng ta xem ông Hugo Chavez tranh luận về dân chủ với các phóng viên CNN, xem ông Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ, hay một ông Chủ nhiệm Ủy ban chống Tham nhũng của Kenya tranh cãi về công bằng thương mại hay về sự khó khăn trong đấu tranh chống tham nhũng với các phóng viên mục Hard Talk của BBC, thì chúng ta khẳng định rằng các lãnh đạo của chúng ta còn phải học hỏi nhiều lắm. Hay nói cách khác, thế hệ lãnh đạo hôm nay của Đảng ta và của nhà nước còn thua kém rất nhiều các đồng nghiệp quốc tế.

Câu hỏi đặt ra, chúng ta sẽ khắc phục những thua kém này bằng cách nào?; liệu chúng ta có thể kỳ vọng vào các nhà lãnh đạo trẻ hay chăng?; và họ là ai?

Ông Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trong lần gặp gỡ đầu xuân với sinh viên có kết luận: “Thanh niên ngày nay thiếu kiên nhẫn và thiếu khiêm tốn”.

Ông Bí thư này cũng giải thích việc danh sách thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ mới thiếu người trẻ là do “người trẻ còn non kém”.

Mặc dù ông Bí thư đó phát biểu với tư cách cá nhân, tuy nhiên những phát biểu của ông cũng khiến cho nhân dân và thanh niên đặt câu hỏi: Đó phải chăng là câu trả lời cho niềm tin và hy vọng của Đảng vào thanh niên?

Hôm 11.02.2006, trang tin VietnamNet có đưa về một điển hình lãnh đạo trẻ, ông Hà Phước Thắng, Phó chủ tịch Phụ trách Kinh tế của Quận III, TP. HCM, đầu tàu đổi mới của nước ta. Trong phần trả lời, chính ông Thắng thừa nhận mình không được đào tạo bài bản và không có kinh nghiệm gì về Kinh tế cả. Đồng thời, chính phần giới thiệu của VietnamNet về ông Thắng cũng thể hiện điều tương tự. Phải chăng bổ nhiệm lãnh đạo là bổ nhiệm một “người bảo người khác làm việc” chứ không phải là nhận “một người học việc”? Nhìn lại một vài năm gần đây, hàng loạt cán bộ lãnh đạo Đoàn thanh niên từ cấp trung ương đến địa phương bị kỷ luật về tham nhũng và tiêu cực, cho thấy rằng những nghi ngờ về năng lực của cán bộ trẻ (có nguồn gốc từ hoạt động đoàn) của lãnh đạo Đảng các cấp là hoàn toàn thực tế.

b. Về lý luận cho một định hướng xã hội chủ nghĩa

Nói về vấn đề này thì có thể thấy rằng nhiệm vụ “nắm vững định hướng xã hội chủ nghĩa” được đưa ra một một cách cực kỳ mơ hồ. Việc xác định một cách đầy đủ nội hàm cho khái niệm “chủ nghĩa xã hội” là việc mà các nhà lý luận của chúng ta chưa làm được. Trong đó, các nhà lý luận chưa giúp người đọc phân biệt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” của ta có khác với mục tiêu “quốc phú, dân cường” của Khổng giáo như thế nào, rồi mục tiêu “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” của ta khác với “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” của nhà nước cộng hòa của Cách mạng Pháp ở đâu. Đâu là những giá trị xã hội chủ nghĩa Liên Xô, đâu là những nội hàm thể hiện ta kế thừa, và đâu là những nội hàm thể hiện sự phát triển. Vậy ta định hướng XHCN là đi đâu? Về với Nghiêu Thuấn của Khổng tử hay về với Nhà nước cộng hòa của Cách mạng Pháp? Về với Nhà nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô của Lênin và Stalin? Hay là ta định hướng đến một cái gì đó mới mẻ hoàn toàn chưa thể khái niệm đầy đủ, mới chỉ có ngoại diên mà chưa có nội hàm?

Về vấn đề kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, ta nói vậy nhưng sao ta bỏ cái mô hình “nhà nước chuyên chính vô sản” của Lênin đi để thay bằng “nhà nuớc pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Quả thực cái khái niệm “nhà nước chuyên chính vô sản” của Lênin còn rõ hơn cái khái niệm “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” của ta rất nhiều. Vì những nội hàm của nó đã được trình bày về lý thuyết và áp dụng trong thực tế trong 70 năm XHCN ở Liên Xô. Những giá trị mà nhà nước Liên Xô đạt được và những ảnh hưởng tích cực của nó đối với sự đổi thay bên trong của thế giới tư bản hiện đại đã được thừa nhận. Mặc dù bản thân cái mô hình nhà nước Liên Xô đã thất bại. Chúng ta nghiên cứu đến đâu, những kết quả đó trả lời cho chúng ta những câu hỏi nào?

Nhưng có thể thấy rõ ràng câu trả lời tường minh và thuyết phục cho câu hỏi: Xã hội chủ nghĩa là gì? Đâu là mô hình cho nhà nước pháp quyền XHCN? vẫn còn đang ở phía trước Đảng ta.

Nhìn tổng quan, bản dự thảo báo cáo này cho thấy những nội dung được chuẩn bị thể hiện một cách chung nhất là sự bất cập trong hiểu biết về vai trò của một đảng lãnh đạo trong một nhà nước pháp quyền. Dẫn đến những kiểm điểm, những đánh giá, những mục tiêu thể hiện toàn là những nội dung công việc của các cơ quan nhà nước. Hay nói cách khác là sự bất cập trong công tác lý luận của Đảng (tôi xin phân tích thêm trong phần sau).

Tại sao vậy? Có lẽ câu hỏi sau đây sẽ là gợi mở cho câu trả lời: Có bao nhiêu giáo sư của Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đọc thông, viết thạo, nói giỏi thực sự Anh ngữ, Pháp ngữ và Đức ngữ?

Sao lại là những ngôn ngữ đó? Vì đó là những thứ ngôn ngữ cơ bản được các nhà khoa học chính trị và kinh tế trên thế giới sử dụng để trình bày những tác phẩm phê bình rất sâu sắc, những giá trị chân thực, hữu ích, những khiếm khuyết, những gì cần phải hoàn thiện của triết học Mác-Lênin, trong hơn một thế kỷ qua.

Có bao nhiêu tác phẩm phê bình gay gắt những nhược điểm mô hình nhà nước Liên Xô, Trung Hoa và ngay cả của chúng ta đã được các giáo sư của chúng ta đọc, nghiên cứu, phân tích, mổ xẻ và rút kinh nghiệm? Hay là cái nào khen cộng sản thì ta xem, chê cộng sản thì ta bỏ?

Tự chúng ta thực hiện bao nhiêu nghiên cứu thực sự để trả lời câu hỏi của chính chúng ta là: căn cứ nào để khẳng định Xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu tương lai của loài người, dù mô hình nhà nước chủ nghĩa xã hội Liên Xô đã thất bại hoàn toàn? Hay chúng ta chỉ hô khẩu hiệu suông: chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch muôn năm?

Có bao nhiêu nhà nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh phát hiện ra những gì còn khiếm khuyết trong những trước tác của Người? Có ai đó mang câu nói về dân chủ của Bác Hồ ra như là một giá trị phổ quát “Dân chủ tức là để cho dân được mở miệng nói ra”? Tại sao, hoàn cảnh nào khiến cho một trong những nhà dân chủ vĩ đại nhất thế kỷ 20 lại diễn giải khái niệm về “dân chủ” một cách phong kiến như vậy? Nếu quả thực Bác nói điều này, thì phải chăng đây là một lỗi trong sử dụng ngôn từ của Hồ Chí Minh? Người phát ngôn câu này giống như một ông vua trong Khổng giáo, hay đó là cách diễn đạt theo thực tế văn hóa xã hội thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám?

Trong 5 năm thực hiện chương trình 322 - Gửi du học sinh ra nước ngoài học tập bằng ngân sách nhà nước - chúng ta đã có bao nhiêu nghiên cứu sinh đi nước ngoài nghiên cứu về chính trị học và triết học? Trong số những nhà nghiên cứu hiếm hoi đó, có bao nhiêu luận án về các hướng “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và “phát triển hệ tư tưởng Việt Nam trong thiên niên kỷ mới”? Phải chăng câu trả lời là: không có ai?!

Xin đặt câu hỏi thêm cho các môn học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong trường đại học và trong hệ thống giáo dục quốc gia: liệu cách giáo dục chính trị như chúng ta đang làm có thực sự là “khách quan”, là “khoa học”, là “dân vi bản” như ta vẫn tụng niệm theo các nguyên tắc của triết học Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh? Có bao nhiêu giảng viên các môn học trên thực sự có động lực khách quan trong nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo khoa học trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của mình? Có bao nhiêu sinh viên, học sinh thấy các môn học trên là có ích, và họ cảm thấy thực sự ham thích học tập các môn học đó?

Nên chăng chúng ta hãy đặt Mác và Lênin cũng như Hồ chí minh đứng chung trong hàng ngũ những triết gia, những nhà tư tưởng lớn trong lịch sử nhân loại để sinh viên, giảng viên được thực sự nghiên cứu và trả lời câu hỏi: phải chăng triết học Mác là chân lý, chủ nghĩa Mác-Lênin thực sự là kim chỉ nam, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng?

Chúng ta thì như thế, bạn bè của chúng ta thì sao?

Ngoảnh về Bắc thì thấy các chương trình hợp tác giữa Đại học Harvard và trường Đảng Trung ương Trung Quốc, trông xuống phương Nam thì thì thấy sừng sững ông Mahathir, ông Lý Quang Diệu, phía Tây có ông Thaksin với chỉ tiêu “chỉ số hạnh phúc quốc gia”, trông ra phía đông: biển cả bao la không thấy bờ!

Những phần tôi trình bày trên đây là những thể hiện cho sự bất cập về trình độ lãnh đạo, cả thực tiễn và lý luận của toàn Đảng ta.

Nếu chúng ta không nhận thức một cách sâu sắc nguy cơ này và nhanh chóng tìm giải pháp khắc phục, thì sự thất bại thảm hại là không thể tránh khỏi. Lúc đó những Đảng viên của thế hệ này sẽ là những tội đồ của Đảng, chúng ta sẽ đạp đổ hết những thành tựu, những vinh quang mà các thế hệ đảng viên tiền bối đã hy sinh bao nhiêu máu xương và mồ hôi để dựng nên. Hơn nữa, nhân dân không cho đảng ta có quyền lãnh đạo mãi nếu Đảng không nhận ra và vượt qua được thách thức này.


4.2. Vận động tiến lên chủ nghĩa xã hội vẫn tiếp tục là xu thế lớn của thời đại

Có thể khẳng định cho đến nay, chưa có chủ nghĩa xã hội hiện thực theo đúng với những gì mà Mác dự báo. Tuy nhiên, nếu nhìn sang những xã hội như Hoa Kỳ hay các nước châu Âu và Liên Xô trước đây, chúng ta sẽ thấy rất họ có nhiều yếu tố chủ nghĩa xã hội đã được Mác dự báo trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản:

a. Mức độ công nghiệp hóa, chuyên môn hóa và trình độ phân công lao động đã đạt đến mức cao: Có thể khẳng định chỉ tiêu công nghiệp hóa này đã hoàn toàn đạt được ở Hoa Kỳ, nhiều nước châu Âu và Nhật Bản, Liên Xô trước đây cũng có thể nói là đã đạt được, mặc dù mức độ chưa cao như các quốc gia kia. Tính chuyên môn hóa và trình độ phân công lao động đạt đến mức cao một cách tự nhiên do vận động, tương tác, đấu tranh đã có ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản. Trình độ chuyên môn hóa ở Liên Xô trước đây đã có nhưng mang tính phi tự nhiên, là hệ quả của các công thức kế hoạch hóa tập trung. Vì vậy, nước Nga ngày nay và nhiều nước Đông Âu không còn duy trì được mức độ chuyên môn hóa và phân công lao động cao như trước đây nữa.

b. Giai cấp công nhân thực sự là giai cấp lãnh đạo: Ai là lãnh đạo ngày nay ở các nước Hoa Kỳ, Đức, hay Thụy Điển nếu không phải chính là giai cấp công nhân, hay nói cách khác là những người làm công ăn lương. Trình độ phân công lao động cao khiến cho giai cấp công nhân được phân chia thành nhiều nhóm khác nhau theo chuyên môn của mình. Có nhóm thực hiện các công việc lao động trực tiếp, như đứng máy, hay bán hàng, hay nuôi trồng trong nông nghiệp. Có nhóm thì thực hiện các lao động kỹ thuật tri thức như thiết kế nhà cửa, cầu đường, máy móc, tính toán tài chính, thị trường chứng khoán hay viết phầm mềm. Có những nhóm thì thực hiện các lao động quản lý chính trị và kinh tế, như tham gia ứng cử để thực hiện các công việc quản lý chính quyền, ví dụ như các ông Bush, Clinton ở Hoa Kỳ, hay các ông Chirac, Schroeder ở Châu Âu, hay tham gia quản lý kinh doanh như các ông tổng giám đốc điều hành các tập đoàn xuyên quốc gia nữa. Tất cả họ đều là những người làm công, ăn lương và họ chính là những người ra quyết định đích thực chứ không phải những ông chủ tư bản. Thành tựu này có và tồn tại từ bạo lực cách mạng trong thời gian đầu ở Liên Xô, nhưng sau đó đã mau chóng bị biến mất với cơ chế lãnh đạo tập trung và quan liêu kiểu Stalinnít. Cơ chế này đã biến đội ngũ những nhà lãnh đạo đảng và nhà nước Liên Xô, Đông Âu thành những ông chủ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vì thế sự thất bại của lý tưởng XHCN ở các nước này là không tránh khỏi vì chính những đội ngũ lãnh đạo đảng cộng sản ở các nước này phản bội lại lý tưởng cộng sản.

Có thể nói sâu hơn, ở Hoa Kỳ và các nước châu Âu, một bộ phận khá lớn giai cấp tư sản cũng đã được cải tạo triệt để và họ trở thành người làm công ăn lương cho chính mình. Tiền bạc, tài sản mang tên họ nhưng không phải là họ giữ trong túi quần hay chôn dưới nền nhà, mà được mang ra để tạo công ăn việc làm và tạo ra của cải cho xã hội. Tiền bạc, tài sản của các nhà tư sản đã được công hữu hóa một cách tự nhiên, như Mác dự báo. Và các nhà tư sản bây giờ được phân công nhiệm vụ xã hội “quản lý và kinh doanh tài chính” như những công nhân thực thụ.

Từ những phân tích trên đây có thể tự tin mà khẳng định: Những dự báo của Mác về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã được chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.

c. Những giá trị về nhân quyền ngày càng phổ quát: Những giá trị về quyền tự do, bình đẳng của con người, mức độ đảm bảo phúc lợi xã hội, vấn đề an ninh công cộng tốt… là những gì mà chúng ta có thể nhìn thấy được ở Hoa Kỳ hay châu Âu, hay ở Liên Xô hôm qua, Cuba, Venezuela hôm nay…, khá rõ rệt. Có thể khẳng định một điều: tự do, bình đẳng, bác ái là khát vọng chân chính của nhân loại và là động lực chân chính của tất cả các quốc gia. Nhưng khả năng thực hiện đến đâu, phương pháp thực hiện cụ thể thế nào, là tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của các nước, của các dân tộc. Những khát vọng đó cũng chính là những giá trị mà Mác đã đúc kết và đưa nó vào khái niệm về chủ nghĩa xã hội của mình.

Nhưng chúng ta không nên đánh đồng những gì đã đạt được ở các quốc gia kể trên là tất cả những gì nhân loại đã sáng tạo ra. Cũng không nên vì một vài giá trị đạt được mà đã vội khẳng định mô hình xã hội của bất kỳ quốc gia nào nói trên đã thực sự là hoàn hảo và thực sự là phương thuốc cho tất cả các nước đang phát triển. Sự thất bại của Liên Xô và Đông Âu, những khó khăn trong các xã hội Châu Âu và Hoa Kỳ hiện nay chứng tỏ rằng quá trình vận động, hoàn thiện mô hình xã hội vẫn đang tiếp diễn từng ngày, từng giờ ở mọi nơi, mọi lúc, mọi đất nước, mọi dân tộc. Sự kế thừa và rút kinh nghiệm lẫn nhau để có thể tiết kiệm được thời gian, các nguồn lực, và không phạm phải những sai lầm đáng tiếc là nhiệm vụ của bất kỳ lực lượng lãnh đạo quốc gia nào.

Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định làn sóng toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay chính là quá trình đấu tranh trên thế giới để cùng nhau xây dựng những giá trị phổ quát về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa cho toàn nhân loại. Không quốc gia nào, không dân tộc nào có thể tách mình khỏi cơn đại hồng thủy này. Theo tôi hiểu, đó chính là cuộc cách mạng vô sản toàn cầu được Mác dự báo và đó chính là quá trình vận động tiến đến một thế giới đại đồng.

Cần phải nhận thức được rằng những giá trị XHCN đạt được trong các xã hội Hoa Kỳ hay châu Âu (nơi mà các chính trị gia thường tự nhận mình là những người đối lập với chủ nghĩa cộng sản) là kết quả của một lịch sử phát triển hàng trăm năm, với bao nhiêu xung đột và chiến tranh giữa các nền văn minh, là quá trình học hỏi từ chính những thực hành chính trị - xã hội của cả loài người. Những giá trị xã hội chủ nghĩa có được trong các xã hội nêu trên minh chứng sự đúng đắn của những dự báo của Mác. Đồng thời, những kết quả đó có một nguyên nhân quan trọng từ quá trình vận động cạnh tranh của mô hình chính trị - xã hội phương Tây với mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu. Ngược lại, sự thất bại của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu trước đây, hay ở Việt Nam và Trung Quốc trước đổi mới, nhắc nhở chúng ta nghiên cứu lại dự báo của Mác là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản chỉ có được nếu xã hội có được các tiền đề kinh tế xã hội: mức độ công nghiệp hóa, chuyên môn hóa và trình độ phân công lao động đã đạt đến mức cao, trở thành phổ quát và tự nhiên trong xã hội; giai cấp công nhân phải thực sự trưởng thành và trở thành lực lượng ưu tú nhất trong xã hội; những giá trị nhân quyền (tự do, bình đẳng, bác ái) đã được nhận thức tường minh và rộng rãi trong xã hội; nhận thức về mối quan hệ tương hỗ giữa xã hội loài người và môi trường tự nhiên đã trở nên phổ biến.

Những phân tích trên đây, giúp chúng ta khẳng định tiến lên xã hội chủ nghĩa là quy luật tất yếu của quá trình vận động lịch sử, muốn hay không, loài người cũng tiến về cái đích đó. Như vậy, việc mang tên “chủ nghĩa xã hội” đã không là điều kiện tiên quyết nữa nếu xã hội nào đã có được những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó, cần khẳng định rõ ràng là: nếu xã hội nào đó không có những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội thì việc “tự phong danh chủ nghĩa xã hội” chính là hành vi phản động và là một hành động xỉ nhục những lý tưởng cao cả của chủ nghĩa xã hội.

© 2006 talawas