Lúc này, ngoài cửa phòng, một nam thanh niên đi đi lại lại như nhắc nhở cả chủ lẫn khách: trời đã tối, cần giữ gìn sức khỏe cho nhà thơ.
Có lẽ biết rõ sự nhắc nhở tế nhị ấy, Tố Hữu bảo:
“Thôi, tôi nói một số ý kiến nữa, rồi ta nghỉ.”
Sau mấy cơn ho ngắn, nhà thơ nói tiếp:
“Suýt nữa tôi quên mất anh
Nguyễn Hữu Đang, người được Bác Hồ trao cho nhiệm vụ trọng đại Trưởng ban Tổ chức Lễ Tuyên ngôn Độc lập mồng 2-9-1945. Anh Đang suốt đời trung thành với Bác Hồ và với lí tưởng Độc lập–Tự do của dân tộc. Anh Đang đóng góp nhiều cho cách mạng những đóng góp lặng lẽ. Anh Đang có nhiều hi sinh đáng quý. Những hi sinh ấy chính là tấm gương ngời sáng treo cao trước mắt chúng ta.
Đã bao lần tôi ngây ngất trong
Tiếng địch sông Ô của Phạm Huy Thông. Với
Tiếng địch sông Ô, Phạm Huy Thông đã xây thêm một tầng cao nữa cho ngọn tháp thơ nguy nga của dân tộc. Với
Tiếng địch sông Ô, Phạm Huy Thông chắp thêm đôi cánh hùng tráng và lãng mạn cho thơ Việt Nam thế kỉ 20.
Phạm Huy Thông còn sáng lên trong niềm say mê khảo cổ học và đáng kính trong công tác đào tạo cán bộ khoa học trẻ.
Tôi cũng muốn gợi lại vào lúc này hình ảnh họa sĩ tài hoa Nguyễn Sáng
. Anh Sáng thành công ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ, nhưng cũng thành công khi khắc họa vẻ đẹp cao sang của người phụ nữ thành thị Việt Nam. Nguyễn Sáng chỉ đi trên một con đường: vẽ con người Việt Nam chiến đấu vì Độc lập dân tộc và người phụ nữ Việt Nam mềm mại, thơm tho. Nguyễn Sáng đã thắng mọi cay cực về đời sống vật chất. Anh là tiếng gọi của tình yêu nghệ thuật.
Giờ phút này, tôi xin dâng lên Nguyễn Sáng một
nén hương lòng.
Tôi xin được thay mặt giới trí thức bày tỏ sự kính trọng và khâm phục tài, đức và bầu máu nóng của nhà cách mạng xuất sắc–nhà sử học cự phách Trần Văn Giầu
.
Xin được dành một phút tưởng niệm trước
hồn thơm nhà yêu nước–nhà nghiên cứu–nhà giáo Đặng Thai Mai
. Cả về tài năng lẫn đạo đức, ông đều xứng đáng là một trong những người anh lớn của giới trí thức và giới văn nghệ học nghệ thuật thời chống Pháp và chống Mỹ. Một trong những công lao rất to lớn của Cụ Mai là đã lãnh đạo việt xây dựng lớp
Hán–Nôm đầu tiên của nước ta theo quyết định sáng suốt của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Đặng Thai Mai là cây thông trong những tháng năm đất nước chuyển rung sau ngày giải phóng Miền Nam.
Tôi sẽ thiếu sót rất nặng nếu không bày tỏ cảm nghĩ của mình về học giả lớn và nhà yêu nước Đào Duy Anh.
Từng là Tổng bí thư và sau đó, là một trong những người thuộc bộ phận tiên tiến của Tân Việt Cách mạng Đảng, Đào Duy Anh đã lặng lẽ và bền bỉ hiến dâng toàn bộ tài năng và nhiệt huyết của mình cho độc lập và tự do của dân tộc đến hơi thở cuối cùng.
Hàng chục tác phẩm của ông bao gồm các loại từ điển và các công trình nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, v.v. trở nên một hạt ngọc trong chuỗi ngọc di sản văn hóa dân tộc.
Hồi kí của ông là hình ảnh trung thực của chính ông và của các đồng chí, đồng nghiệp cùng thế hệ ông suốt mấy chục năm bão táp đấu tranh cứu nước.
Trên mặt trận văn hóa và tư tưởng Việt Nam thế kỉ 20, Đào Duy Anh được nhìn nhận như một nhà yêu nước, một nhà đạo đức, một bậc hiền tài.
Tôi say mê Lê Yên với
Ngựa phi đường xa (tức
Kị binh Việt Nam). Tôi mơ màng với
Cô lái đò (nhạc: Nguyễn Đình Phúc, thơ: Nguyễn Bính). Tôi ngẩn ngơ với
Biệt li của Doãn Mẫn
.
Tôi cảm ơn nhạc sĩ Võ Đức Thu đã phổ nhạc xuất sắc bài thơ bất tuyệt
Tống biệt của Tản Đà. Tôi không thể nào quên bài hát nổi tiếng
Cung kèn rạng đông của Hùng Lân
được hát nhiều trong thời điểm ngay sau cách mạng Tháng Tám. Võ Đức Thu và Hùng Lân tuy không đi theo cách mạng nhưng hai anh đã để lại cho đời một số bài ca sáng giá.
Chúng ta cần nghiên cứu và đánh giá công bằng các tác giả và tác phẩm văn học nghệ thuật vùng tạm chiếm thời chống Pháp và nhất là thời chống Mỹ.
Đối với tôi, tuần báo
Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) là một trong những hình ảnh thân thương nhất. Tôi đã gắn bó với nó ngay từ số đầu tiên và ngay từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Trong bối cảnh vô cùng phức tạp của thế giới và của đất nước hiện nay, sau khi Liên Xô sụp đổ, Ban biên tập đã
nắm chắc đường lối Đổi Mới của Đảng, cố gắng giữ vững tính chiến đấu và tính nhân văn vốn có của tờ báo. Một trong những thành công của
Văn nghệ là không nhân danh bất cứ một lí do gì để thương mại hóa, tầm thường hóa cơ quan ngôn luận của Hội. Tôi cũng biết Ban biên tập vừa phải lo đến kinh tế của cơ quan, vừa phải lo đến sự có mặt của các cây bút lớp trước trên diễn đàn của Hội. Tôi biết Ban biên tập vừa phải lo đến kinh tế của cơ quan, vừa phải lo đến sự có mặt của các cây bút trẻ và các cây bút lớp trước trên diễn đàn của Hội. Tôi cũng biết Ban biên tập chưa hài lòng về chất lượng nội dung và chất lượng nghệ thuật của nhiều bài trên tờ báo. Điều chưa hài lòng đó của Ban biên tập là điều đáng mừng.
Tuy nhiên,
tiếng Việt trên tờ
Văn Nghệ (Hội nhà văn Việt Nam) đang mất dần sự trong sáng, đang xa dần cái gốc dân tộc. Một thứ tiếng Việt tạp nham, hổ lốn và nửa tây nửa ta đang tràn vào nhiều bài thuộc các thể loại trên tờ báo của Hội. Phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt theo gương Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, v.v.
Nhiều người còn bảo tôi: Hội Nhà văn Việt Nam và báo
Văn Nghệ được trao cho mấy biệt thự loại A và loại B nhưng từ ngày Đổi Mới, các biệt thự đó “
bị” nâng cấp và “
bị” mở rộng, trở thành quê mùa, lai căng, lố lăng, dị hình dị dạng! Tôi hoàn toàn nhất trí với nhận xét sâu sắc và chính đáng đó.
Xin đặc biệt cám ơn báo
Nhân Dân, tờ báo của Đảng và của nhân dân đã đăng và đăng rất trân trọng nhiều bài thơ của tôi ngót năm chục năm nay.
Xin hết lòng cảm ơn báo
Quân Đội Nhân Dân và tạp chí
Văn Nghệ Quân Đội, hai cơ quan ngôn luận, bằng nhiều cách, đã góp phần nuôi dưỡng và phát triển năng lực sáng tác của tôi trong khói lửa cuộc chống Mỹ.
Xin kính gửi lời biết ơn của tôi tới hàng triệu bạn đọc các thế hệ, các giới, nhất là giáo giới, bằng mọi cách, đã đọc, đã ngâm, đã truyền bá thơ tôi.
Mãi mãi ngời sáng trong trái tim tôi hình ảnh Hồ Đắc Di, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Văn Cao, Tô Ngọc Vân, Tú Mỡ, Vũ Ngọc Phan, Nam Cao, Thế Lữ, Thôi Hữu, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Khoa, Tô Hoài, Nguyễn Thị Kim, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Nguyễn Sáng, Nguyễn Đỗ Cung, Dương Bích Liên, Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Đăng, Thanh Tịnh, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Phạm Huy Thông, Phan Kế An, Tạ Mỹ Duật, Ngô Huy Quỳnh, Huy Du, Hồ Bắc, Thương Huyền, Hoài Thanh, Từ Bích Hoàng, Doãn Mẫn, Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Hồng Nghi, Kim Lân, Diệp Minh Châu, Vũ Cao, Hoàng Vân và rất nhiều văn nghệ sĩ và trí thức khác.
Cuộc đời và văn nghiệp hai bậc trưởng lão Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan cần được nghiên cứu kĩ lưỡng
gấp đôi, thận trọng gấp ba so với trước đây và hiện nay.
Đống rác cũ, Hỗn canh hỗn cư và
Nhớ gì ghi nấy của Cụ Hoan đều có giá trị hiện thực cao và trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, càng trở nên có giá trị.
Trong số những nhà phê bình cách mạng trước cách mạng Tháng Tám, tôi nhớ nhất Hải Triều. Hải Triều Nguyễn Khoa Văn thẳng thắn và rộng lượng. Dòng chữ cuối cùng của anh vào lúc hấp hối:
Trước khi chết, nhớ Bác quá. Dòng chữ ấy đã bao lần làm cho trái tim tôi nặng trĩu niềm nhớ thương và kính phục Hải Triều. Đồng chí Trường Chinh có lần kể với tôi: Bác Hồ đã rớm lệ khi đọc dòng chữ ấy.
Trong các tạp chí chuyên ngành, mấy năm nay, tạp chí
Kiến Trúc của Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã nổi bật lên như một điểm sáng. Nhiều bài viết về tính dân tộc trong kiến trúc thủ đô và cả nước về việc giữ gìn di sản kiến trúc của cha ông. Nhiều bài phê phán hàng loạt điểm yếu của kiến trúc Việt Nam hôm nay (như trưởng giả học làm sang, lố lăng, lai căng, quê mùa, v.v.). Nhiều bài phê phán việc xây dựng nhà “
hàm cá mập”, phê phán việc xây dựng
Khách sạn Vàng, phê phán việc phá vỡ không gian kiến trúc của thủ đô, v.v. Những bài đó chính là biểu hiện của một cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ và quyết liệt của các tác giả và của tòa soạn cho một nền kiến trúc Việt Nam vừa sáng tạo cái mới, vừa tiếp nhận tinh hoa của kiến trúc dân tộc vừa tiếp nhận cái đẹp của kiến trúc thế giới. Tiếc thay, cuộc đấu tranh ấy trên tạp chí “
không lại được” với thực tiễn hỗn tạp và lai căng triền miên của kiến trúc và quy hoạch cả nước, nhất là ở Thăng Long-Hà Nội, Thừa Thiên-Huế và một số miền đất khác nổi tiếng về kiến trúc dân tộc!
Tòa soạn tạp chí
Kiến Trúc đã nắm bắt được nhiều vấn đề thực tiễn vừa to lớn vừa nóng hổi tính thời sự của kiến trúc và quy hoạch xây dựng nước ta. Tòa soạn đã đăng nhiều bài sắc sảo về kiến trúc dân tộc Việt Nam. Đây là một trong những thành công lớn của tạp chí bởi gần đây, người ta đang đua nhau sao chép vụng về phương Tây ngay giữa thủ đô Hà Nội.
Tính lí luận đã được tòa soạn chú trọng đúng mức. Nhiều bài đã làm rõ về mặt lí luận vấn đề gìn giữ di sản. Nhiều bài đã làm rõ về mặt lí luận vấn đề học tập nước ngoài. Tính chiến đấu, tính thực tiễn, tính lí luận, tính dân tộc của tạp chí
Kiến trúc đã bước đầu thuyết phục được bạn đọc.
Tuy nhiên, tạp chí
Kiến trúc chưa đi vào công chúng. Dù có giải thích bằng bất cứ một lí do nào, tòa soạn vẫn phải thấy rằng việc tạp chí đưa đến tay quần chúng là một hạn chế lớn. Tôi và nhiều bạn đọc yêu kiến trúc và yêu quy hoạch xây dựng không biết tạp chí
Kiến trúc của anh Nguyễn Trực Luyện bán ở đâu. Chẳng lẽ lại gọi điện thoại đến Hội để xin một cuốn!?
Tôi được nâng tầm hiểu biết của mình qua hai công trình nghiên cứu về
nhà tranh nông thôn miền Bắc và về
chùa Tây Phương của Nguyễn Cao Luyện, một trong những kiến trúc sư đầu đán cả về sáng tác lẫn lí luận ở nước ta. Đó là hai cuốn sách góp phần khơi dậy trong các kiến trúc sư niềm khao khát tìm về cội nguồn dân tộc. Đó là hai cuốn sách bàng bạc chất thơ và dồi dào thực tiễn. Những phát hiện của Nguyễn Cao Luyện về nhà tranh miền Bắc, về ánh sáng trong các gian chùa Tây Phương, v.v. thật tinh tế và trí tuệ. Về kiến trúc dân tộc, viết như Nguyễn Cao Luyện mới là viết.
Xin gửi anh linh bậc đàn anh Nguyễn Cao Luyện niềm cảm phục của tôi đối với cuộc đời phấn đấu hết sức hết lòng vì một nền kiến trúc dân tộc của anh. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh người lãnh đạo ngành kiến trúc tận tụy và năng động Nguyễn Cao Luyện trong những cuộc họp ở núi rừng Việt Bắc hồi chống Pháp.
Tôi cũng không thể nào quên những lần anh Nguyễn Cao Luyện gặp tôi để yêu cầu Nhà nước phải có chính sách đặc biệt đối với các di sản văn hóa trong đó có di sản kiến trúc.
Anh đã từng thẳng thắn nói với tôi: tính dân tộc của đồ án thiết kế Lăng Bác và đồ án thiết kề Bảo tàng Hồ Chí Minh còn mờ nhạt, do đó hai công trình này sẽ trở nên nặng nề và không thanh nhã.
Giờ đây, ý kiến của anh đã trở thành
lẽ phải.
Tôi cũng xin được nghe anh nói: bản thiết kế Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô xa lại với tổng thể kiến trúc Pháp thanh nhã xung quanh.
Lẽ phải, giờ đây, cũng thuộc về ý kiến của anh.
Nói chuyện thẳng thắn với tôi, anh Nguyễn Cao Luyện còn tỏ rõ sự bực bội về việc di sản danh tiếng Chùa Một Cột bị chìm khuất và bị lấn át giữa các công trình mới xây nặng nề bao bọc xung quanh.
Tôi hiểu nỗi lòng của anh nhưng bản thân tôi không đủ thẩm quyền xem xét các ý kiến sáng suốt và đầy thiện chí đó. Tôi đã trực tiếp trả lời anh Nguyễn Cao Luyện trên tinh thần như vậy.
Cần thừa nhận một sự thật: tất cả các kiến trúc sư và họa sĩ tốt nghiệp
Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương trước cách mạng Tháng Tám, trong đó có Nguyễn Cao Luyện, ngay ở tuổi thanh niên, đã là những nghệ sĩ có tinh thần dân tộc sâu sắc, tâm hồn trong sáng, đạo đức cao, tài năng lớn và rất am hiểu cái hay, cái đẹp của kiến trúc dân tộc, không một ai sùng bái phương Tây, không một ai sáng tác lai căng, mất gốc.
Trong khi đó, cũng cần thừa nhận một sự thật khác: các kiến trúc sư do ta đào tạo, nhìn chung, kiến thức không vững vàng, ngoại ngữ rất yếu, hiểu biết về văn hóa dân tộc và kiến trúc dân tộc, kiến trúc Thăng Long Hà Nội rất lơ mơ. Do đó, các công trình mới xây ở Hà Nội hiện nay đều lai căng với những mức độ khác nhau, không hòa nhập vào tổng thể kiến trúc xung quanh của Thăng Long Hà Nội ngày trước. Điều đó làm cho kiến trúc Hà Nội hôm nay trở nên chắp vá lòe loẹt, xanh xanh đỏ đỏ giữa một Thăng Long Hà Nội xưa thanh nhã tinh tế.
Phá chợ Đồng Xuân là phá một di tích lịch sử. Bào chữa thế nào cũng chỉ là ngụy biện. Kiến trúc chợ Đồng Xuân hôm nay có cái gì vừa thô sơ, vừa xáo xáo.
Phá một phần công trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội (tức Tòa Đốc lý, tức Tòa Thị chính thời Pháp) cũng là phá một di tích lịch sử. Bào chữa thế nào cũng chỉ là ngụy biện. Kiến trúc trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội hôm nay và những kiến trúc mới xây quanh hồ Hoàn Kiếm góp phần làm hỏng tổng thể kiến trúc vốn rất thanh nhã quan Hồ Hoàn Kiếm có lịch sử nhiều thế kỉ.
Thật không thể hiểu nổi!
Phá cửa hàng Bách hóa Tổng hợp (tức
Gô-đa cũ) tức là phá một công trình kiến trúc cân xứng với hàng chục công trình kiến trúc gần với Hồ Hoàn Kiếm.
Phá gần hết Hỏa Lò để xây một khách sạn lạc lõng với các công trình kiến trúc xung quanh là phá một di tích về tội ác của thực dân Pháp.
Thật không thể hiểu nổi!
Tôi được biết chất lượng việc sửa chữa và nâng cấp Nhà Hát Lớn, một di tích lịch sử vĩ đại và một di tích kiến trúc xuất sắc, không tương xứng với kinh phí khổng lồ một trăm năm mươi tỉ đồng (vào thời điểm khoảng năm 1995). Thật không thể hiểu nổi!
Sau lưng Tòa án Nhân dân Tối cao, một kiến trúc trang nghiêm và tinh xảo, gần đây, người ta cho xây trụ sở Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội lai căng, thô sơ và chắp vá.
Thật không thể hiểu nổi!
Cũng không thể hiểu nổi tại sao căn biệt thự cao nhã vốn là nơi ở của anh Xuân Thủy lại bị “cải tạo” thành bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với những công năng hoàn toàn trái ngược với công năng của một biệt thự!
Kiến trúc bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nói trên đúng là tiêu biểu cho sự lai căng và pha tạp. Người thiết kế Bảo tàng Phụ nữ và những người liên quan, theo tôi nghĩ, không hiểu gì về văn hóa và kiến trúc Thăng Long Hà Nội ngày trước.
Thật không thể hiểu nổi!
Phá không ít biệt thự ở thủ đô để xây dựng
công trình mới cao lênh khênh và lạc điệu chính là góp phần hủy hoại di sản văn hóa của đất ngàn năm văn vật.
Thật không thể hiểu nổi!
Tôi rất lo ngại một ngày nào đó, vin vào cớ này cớ nọ, người ta sẽ phá
Hội trường Ba Đình thanh nhã, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử vĩ đại bậc nhất của nước ta thời chống Mỹ với sự có mặt của Bác Hồ.
Số phận của
Thành Cổ Hà Nội, của di tích
điện Kinh Thiên, của
Tổng hành dinh của cuộc chống Mỹ trong Thành cổ Hà Nội, v.v. sau này sẽ ra sao trong cái tình hình bát nháo hiện nay? Tôi hết sức lo ngại.
Tôi được biết những tin tức đáng buồn về việc giữ gìn di tích
Tân Trào và
Pác Bó. Xin nhắc lại: vô cùng lo ngại. Không biết số phận của hàng loạt di tích ấy và các di tích vô giá khác trong đó có di tích Huế và di tích Lam Sơn sẽ thế nào. Về các di sản tinh thần, các di sản không hình ở cả nước, tôi được biết: mất mát nhiều lắm. Thăng Long Hà Nội có vô số di tích đủ loại: quân sự, chính trị, giáo dục, văn học, nghệ thuật, y tế, tôn giáo, v.v. Nhưng việc giữ gìn và tu bổ còn quá nhiều khiếm khuyết. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu những nhà quản lý thật sự có năng lực, thật sự có tinh thần trách nhiệm và thiếu nhà chuyên môn thật sự có kiến thức về di sản tinh thần (tức di sản
không hình) và di sản vật chất (tức di sản có
hình) của đất nước. Tiền bạc bị mất mát mỗi năm ở cả nước trong các dịch vụ tiêu cực là mấy chục vạn tỉ đồng, vậy chúng ta đâu có thiếu tiền!
Đến đây, tô muốn nói: tôi đã bị thu hút khi đọc những trang nghiên cứu sâu sắc về kiến trúc Thăng Long Hà Nội thế kỉ 19 và thế kỉ 20 của Đặng Thái Hoàng.
Tôi cũng được nghe một số tin tức đau xót về chất lượng cán bộ quản lý ngành giáo dục, về chất lượng bằng cấp và thi cử. Giáo dục xuống cấp nghiêm trọng về mọi mặt như hiện nay chính là dấu hiệu của sự suy vong, chớ có coi thường! Bác Hồ ngay sau cách mạng Tháng Tám đã nói: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.
Nhân đây, tôi đặc biệt hoan nghênh những thành công quan trọng bước đầu của tạp chí
Xưa Và Nay dưới sự chỉ đạo của anh Dương Trung Quốc.
Xưa Và Nay đã làm sáng tỏ khá nhiều vấn đề lớn trong lịch sử nước ta và góp phần giải oan cho không ít nhân vật lịch sử.
Xưa Và Nay đi đúng con đường đoàn kết toàn thể dân tộc Việt Nam mà Bác Hồ đã chỉ rõ.
Tôi rất mong tòa soạn cho đăng những bài nghiên cứu về các đề tài mới. Chẳng hạn đề tài những sáng tạo của Hồ Chí Minh đối với chủ nghĩa yêu nước truyền thống của các nhà nho nước ta nhiều thế kỷ trước. Chẳng hạn đề tài tư tưởng đối ngoại của Hồ Chí Minh, đề tài đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh, đề tài Hồ Chí Minh mong muốn đặt quan hệ nhiều mặt với chính phủ Mỹ ngay sau cách mạng Tháng Tám, v.v.
Bên cạnh đó, là hàng loạt đề tài khác. Chẳng hạn đề tài chủ nghĩa thành phần và tác hại của nó trong công tác tổ chức cán bộ, đề tài cải cách ruộng đất, đề tài cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc năm 1958 và ở miền Nam năm 1978. Tôi cũng muốn được đọc trên tạp chí những bài nghiên cứu về sự phân hóa giàu nghèo ở thành thị và nông thôn Việt Nam từ sau Đổi Mới, sự phân hóa giai cấp ở thành thị và nông thôn Việt Nam từ sau Đổi Mới. Cần phân tích để thấy rõ: một giai cấp tư sản đang hình thành nhanh chóng trong quá trình đổi mới và một hệ tư tưởng của giai cấp tư sản mới ở Việt Nam cũng đang xuất hiện. Những mặt tích cực và tiêu cực của giai cấp tư sản đang nhanh chóng hình thành đó là gì? Giai cấp tư sản mới đó gồm những ai và những thành phần nào? Điều này đang và sẽ ảnh hưởng ra sao đến sự phát triển của nước ta hiện nay và trong những thập kỉ sắp tới? Điều này đang và sẽ ảnh hưởng ra sao đến vai trò độc tôn của hệ tư tưởng Mác-Lê-nin ở nước ta? Giai cấp tư sản
mới này đã có đại diện yêu nước và sáng tạo như
Bạch Thái Bưởi, như ông bà
Trịnh Văn Bô-Hoàng Thị Minh Hồ, v.v. hay chưa? Sự ra đời tất yếu của giai cấp chủ trang trại (trước đây, ta gọi là
địa chủ) trong quá trình Đổi Mới cũng đang và sẽ đem lại nhiều đảo lộn vừa tích cực vừa tiêu cực như thế nào ở nông thôn nước ta hiện nay và trong những thập kỉ sắp tới? Mặt tích cực là chính hay mặt tiêu cực là chính? Giai cấp địa chủ
mới này đã có những đại diện nào sánh kịp những
nhà điền chủ yêu nước nồng nàn thời kháng chiến chống Pháp hay chưa? Tất cả những vấn đề đó cần được nghiên cứu trên tạp chí. Ngoài ra, còn vô số vấn đề nữa tạp chí cần tổ chức tranh luận để góp phần rút ra bài học thắng lợi và thất bại trong cách mạng giải phóng dân tộc vừa qua cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay và sắp tới.
Xưa Và Nay cần được Nhà nước giúp đỡ một cách cụ thể và gấp bội về cơ sở vật chất. Thật khó hình dung một tạp chí quan trọng đặc biệt như thế lại không được Nhà nước cho thuê, dù chỉ một căn buồng, để làm trụ sở! Xưa Và Nay cần sớm trở thành tạp chí ra hàng tuần và phát hành rộng rãi để đáp ứng yêu cầu học tập và nghiên cứu của các nhà giáo, nhà nghiên cứu, tướng sĩ, cán bộ quản lý các ngành, cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp, anh chị em sinh viên và đông đảo bạn đọc nói chung.
Xưa và Nay cần hướng vào thế hệ trẻ, một thế hệ đang mơ hồ về truyền thống văn hóa rực rỡ và truyền thống quân sự oanh liệt của dân tộc do sự quan tâm còn nhiều hạn chế của chúng ta đối với lớp người thừa kế. Lo ngại về thế hệ trẻ, điều đó hoàn toàn không phải là chuyện quá lo xa, hoàn toàn không phải là vấn đề hốt hoảng.
Thực tế mới đây thôi, trên thế giới đã có nơi:
Cả đàn sói chồm lên cắn vào lịch sử
Cào chiến công, xẽ cả xác anh hùng.
[1]
Lai căng, tôn thờ phương Tây, học đòi phương Tây, bỏ quên quá khứ giữ nước và dựng nước đau thương và oai hùng của dân tộc, xa rời truyền thống văn hóa cao đẹp của dân tộc, coi thường ý nghĩa dân chủ to lớn và độc đáo của Đại hội Quốc dân Diên Hồng thời Trần tức là trái với học thuyết Hồ Chí Minh, hoàn toàn trái ngược với học thuyết Hồ Chí Minh và như thế, đồng nghĩa với tự sát.
Chắc anh còn nhớ tấm ảnh đồng chí Võ Nguyên Giáp mặc bộ com-plê, đội mũ phớt, quần xắn cao đang tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đội chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong rừng Trần Hưng Đạo theo chỉ thị của Bác Hồ. Thế mà có người khoe: khi in tấm ảnh lịch sử đó, người ấy đã cắt bỏ hình đồng chí Võ Nguyên Giáp. Người ấy tuyên bố: đã cắt bỏ xong cái mũ phớt!
Như vậy, ngay trên đất nước ta đã xảy ra hiện tượng ngang nhiên cắn vào lịch sử rồi đấy chứ! Tôi đâu có quá lo xa, tôi đâu có hốt hoảng!
Sự phân hóa dữ dội trong xã hội và sự thiếu tổ chức trong văn hóa, trong văn học, hội họa, hát, múa, nhạc, trong kiến trúc, trong quy hoạch xây dựng và rất nhiều lĩnh vực khác trên đất nước ta đang ngày càng trầm trọng. Tôi hầu như không thấy các nhà sử học, các nhà nghiên cứu-lí luận-phê bình về văn học nghệ thuật, các nhà quy hoạch xây dựng và các nhà văn hóa phê phán những biểu hiện ấy và đề xuất hướng giải quyết để đổi mới chất lượng cuộc sống của đất nước. Đây chẳng những là một trong những mối lo ngại lớn của tôi mà còn là một trong những mối lo ngại lớn của biết bao đồng chí khác cùng thế hệ với tôi.
Tôi rất mong Nhà nước giúp đỡ nhiều gấp bội cho các tạp chí Nghiên Cứu lịch sử, Khảo Cổ Học, Văn Hóa Và Nghệ Thuật, Mỹ Thuật, Âm nhạc, Triết Học, Sân Khấu, Văn Học, các tạp chí khoa học kĩ thuật, các tạp chí về quân sự và các tờ báo, tạp chí của ngành giáo dục. Báo Khoa Học Và Tổ Quốc, do tấm quan trọng của nó, nên được chuyển thành tuần báo.”
Khoảng gần 20 giờ 30.
Ngoài cửa phòng, người thanh niên nào đó vẫn đi đi lại lại như nhắc nhở nhà thơ nên kết thúc buổi trò chuyện đã quá kéo dài để giữ gìn sức khỏe.
Tố Hữu lại ho nhưng đôi mắt vẫn lim dim, thơ mộng và gương mặt vẫn dịu dàng, không biến sắc. Vẫn với giọng Huế lôi cuốn nhưng vẫn yếu, chậm và rõ, ông nói như để chuẩn bị chia tay:
“Một lần nữa, tôi cảm ơn sự đánh giá cao và chân thành của anh đối với Nước non ngàn dặm và mấy bài thơ khác của tôi. Tri âm tri kỷ. Tôi đặc biệt xúc động về việc anh thuộc lòng hai bài thơ Mười năm và Tiểu đội anh hùng mà chính tôi hoàn toàn không nhớ mình là tác giả. Nhờ anh chép lại nguyên văn cả hai và gửi cho tôi. Tôi cũng cảm ơn sự tin yêu của anh. Chính vì sự tin yêu ấy, anh đã cất công từ trong Nam ra đây với Tố Hữu.
Bất cứ một người nào, nếu tìm cách này hoặc cách khác “đánh” đồng đội và đồng nghiệp thì người đó sớm muộn sẽ chết trong trái tim của thế hệ cùng thời hoặc các thế hệ mai sau.
Đến bây giờ, tôi đã có đầy đủ căn cứ thực tế để khẳng định: Hầu hết các nhà trí thức nho học và tây học tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc đều vô cùng chân thành, vô cùng yêu nước, luôn luôn vững như bàn thạch trong bất kì hoàn cảnh bão táp nào của cách mạng, luôn luôn say mê phấn đấu vì cái thật, cái tốt và cái đẹp (chân, thiện, mĩ) và luôn luôn vượt qua tất cả những khó khăn quá lớn, quá kéo dài về vật chất và cả về tinh thần để sáng tạo, sáng tạo và sáng tạo.
Đến bây giờ, tôi đã có đủ căn cứ thực tế để khẳng định: Trần Đại Nghĩa, Văn Cao, Trần Văn Giầu, Trần Huy Liệu, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, v.v. xứng đáng được truy tặng hoặc tặng Huân chương Sao Vàng vì những đóng góp to lớn của các anh cho nền khoa học kĩ thuật, nền khoa học xã hội và nền văn học nghệ thuật dân tộc.
Đến bây giờ, tôi đã có đầy đủ căn cứ thực tế để khẳng định: Trần Đức Thảo, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Bính, Quang Dũng, Hoài Thanh, Hoàng Việt, v.v. xứng đáng được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh vì những đóng góp độc đáo của anh cho nền văn hóa dân tộc.
Danh sách trên chắc chắn sẽ kéo dài thêm nếu đối chiếu tác phẩm của một số văn nghệ sĩ và trí thức khác với tiêu chuẩn có đóng góp to lớn cho nền khoa học kĩ thuật, nền văn hóa, nền văn nghệ, dân tộc theo tư tưởng lớn của Bác Hồ.
Tôi cũng đầy đủ căn cứ thực tế để khẳng định: các bậc đại trí thức Nho học và Tây học tham gia đại nghiệp cứu nước được trao nhiều trọng trách lãnh đạo như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, v.v. xứng đáng được truy tặng Huân chương Sao Vàng.
Trong những nhà cách mạng là trí thức theo Đảng và sau này được Đảng trao cho trọng trách lãnh đạo cấp cao xứng đáng được truy tặng Huân chương Sao Vàng, tôi thấy có Kiến trúc sư Phó thủ tướng Huỳnh Tấn Phát và Bác sĩ Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch.
Huân chương Sao Vàng cần sớm truy tặng nhà lãnh đạo lỗi lạc Hoàng Văn Thụ và trao tặng hai địa phương có công lớn bậc nhất Pác Bó, Tân Trào.
Thiên hồi kí cách mạng Anh Hoàng Văn Thụ ra pháp trường của nhà cách mạng mẫu mực Trần Đăng Ninh có sức truyền cảm mãnh liệt. Sự chân thực lạ lùng, sự giản dị lạ lùng, đó là hai trong nhiều đặc điểm nổi bật của thiên hồi kí. Dưới ngòi bút đầy tính chiến đấu của anh Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Thụ hiện lên đúng như một nhà lãnh đạo Đảng vừa có trí tuệ vừa có ý chí gang thép làm cho thực dân Pháp phải kính nể. Anh Hoàng Văn Thụ ra pháp trường xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa.
Trước khi gửi đăng bài báo viết về buổi trò chuyện thân mật này, anh nên gửi bản thảo đến chị Nghiêm Thúy Băng (tức chị Văn Cao), chị Quang Dũng; gia đình các anh Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, v.v. Ngoài ra, nên gửi đến các anh Tô Vũ, Vũ Cao, Hoàng Cầm, Từ Bích Hoàng, Lê Đạt, Chính Hữu, Hoàng Như Mai, Hồ Phương, Từ Sơn, Vũ Tuyên Hoàng, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trực Luyện, Viễn Phương, Chim Trắng và các báo cùng các tạp chí mà ở trên tôi vừa nhắc tới.”
“Thưa anh, viết xong, tôi sẽ đưa anh xem lại.”
“Thôi, không cần. Bài viết cứ giữ nguyên những điều tôi nói. Tuy nhiên, cách viết và hành văn, những cái đó tùy thuộc ở anh. Nên viết sao cho sinh động vì bài này rất dài. Về hình thức, đây là một cuộc phỏng vấn. Nhưng về thực chất, đây là một buổi trò chuyện nhẹ nhàng. Nên hiểu những điều tôi vừa nói như những lời tâm sự. Như vậy thân tình hơn.”
Nhà thơ lại ho nhẹ và liên tục. Từ từ đứng dậy, đi chầm chậm vài ba bước, tới cửa phòng khách, ông dừng lại.
Tôi cũng đứng dậy, lướt nhìn hai chiếc ngà voi ơn nghĩa của đồng bào Tây Nguyên một lần nữa, rồi bước về phía Tố Hữu.
Đan mười ngón tay vào nhau và nắm lại, kính cẩn cúi chào ông, tôi đọc:
Chia tay lưu luyến mắt nhìn
[2]
Và đọc tiếp:
Nhà thơ 77 tuổi im lặng khẽ gật đầu tỏ vẻ hài lòng, đôi mắt vẫn lim dim và thơ mộng, gương mặt vẫn không biến sắc và vẫn dịu dàng.
Ông đưa tay ra. Hai bàn tay tôi nắm chặt bàn tay hơi lạnh của ông.
Biệt li nhớ nhung từ đây. [4] Tôi đọc chậm lời ca nổi tiếng ấy. Tố Hữu chợt mỉm cười nhưng vẫn im lặng nhìn tôi.
Gần 21 giờ. Trời đã tối từ lâu… Tôi đi một mình ra sân, lấy xe đạp.
Một cô gái trẻ, dáng hiền lành đã chờ ở sân, đi với tôi ra cổng. Tới cổng, tôi mỉm cười: Chào cháu. Cô gái lễ phép chào lại.
Tiếng ve sầu vẫn rền rĩ khắp đường phố.
Cổng đóng từ từ. Trên hè, chưa đi, tôi nhìn lại căn biệt thự kiểu Pháp xinh xắn nhưng rất đậm nét dân tộc Việt Nam. Bên trong căn biệt thự ấy là cách bày biện và cách trang trí thanh cao, là một gia đình nền nếp và nho nhã gợi nhớ một Thăng Long Hà Nội hào hoa và thanh lịch đã mãi mãi bị đẩy lùi vào dĩ vãng !!! Trái tim tôi bỗng quặn lên một nỗi luyến tiếc, xót xa…
Hà Nội, tháng 5-1997
Viết tiếp vào tháng 2-2004
Cuối tháng 2-2004, tôi gặp chị Vũ Thị Thanh (tức chị Tố Hữu) tại nhà con gái anh chị (phố Huỳnh Thúc Kháng-quận Đống Đa-Hà Nội). Chị nhã nhặn tiếp tôi và bảo:
“Theo gương Bác Hồ, nhà tôi suốt đời yêu thương đồng chí và đồng nghiệp, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ghét bỏ bất cứ người nào.
Đối với nhạc sĩ Phạm Duy, nhà tôi cũng đã tiếp chuyện và ủng hộ nguyện vọng của anh Duy muốn trở về tổ quốc ở hẳn để sáng tác.
Đúng là anh Lành đã nói với anh: anh Lành, suốt mấy chục năm, chụp chung nhiều ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhìn lên tấm ảnh Tố Hữu treo trên tường, chị Thanh xúc động nói: Anh Lành nhiều lần khẳng định với không ít đồng chí có trách nhiệm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp xứng đáng được tiến cử làm Chủ tịch Nước hoặc một chức vụ nào đó tương đương vì sự trung thành rất cao của Đại tướng đối với tư tưởng Hồ Chí Minh và vì uy tín rất lớn của Đại tướng trong nước và trên thế giới.”
Anh Lành kính mến, thế là tôi đã gặp chị Thanh và bây giờ, tôi xin gửi những điều tâm sự của anh tới các địa chỉ mà anh dặn…
Hà Nội, tháng 2-2004
[1]Chân lý vẫn xanh tươi (Thơ Tố Hữu-tập Một tiếng đờn, 1992)
[2]Nước non ngàn dặm (Thơ Tố Hữu-tập Ra trận-1972)
[3]Đường của ta đi (Thơ Tố Hữu-tập Máu và hoa -1977)
[4]Biệt li (Nhạc và lời: Doãn Mẫn)