trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ TrẻVăn học Việt Nam
15.7.2004
Nguyễn Hữu Hồng Minh
Thơ Việt: Quay về Panthéon, thẳng tiến Postmodernism? Hay thời trang trên xác ướp?
Tranh luận với nhà thơ Hoàng Hưng
 1   2 
 
III. Thơ hiện đại và những thử thách tiếp nhận

Với cách nhìn trong cảm quan “hoài cổ” như thế, Hoàng Hưng đã có những nhận định chưa thật đúng và sát với thơ hôm nay. Ví như khi nhắc đến Nguyễn Quang Thiều, một nhà thơ theo tôi là khá quan trọng trong đổi mới thơ hiện đại, Hoàng Hưng viết: “Trường hợp Nguyễn Quang Thiều sử dụng lối tạo hình mang tính hiện thực huyền ảo để nói về số phận lầm than của người dân quê muôn thuở, và có lẽ do đó cũng dễ được chấp nhận hơn”. Và ở đây ông lại “chua” thêm một câu khó hiểu, mang nặng thành kiến, dù chỉ chú thích bỏ trong ngoặc kép: “Thậm chí khi cần có thể được giải thưởng Hội Nhà Văn”.

Việc tập thơ Sự mất ngủ của lửa (Nxb.Lao Động 1992) của Nguyễn Quang Thiều được giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1993 là một việc rõ ràng không còn “thậm chí” hoặc “khi cần” gì nữa. Tôi không tin tưởng lắm vào những tập thơ được giải thưởng của Hội Nhà Văn nhưng như thế không có nghĩa tất cả những tác phẩm được giải đều vứt đi. Thơ Nguyễn Quang Thiều rơi đúng vào trường hợp đó.

Hoàng Hưng đã tinh tế ngầm bộc lộ quan điểm của mình ở một đoạn khác nhưng người đọc biết ngay là ám chỉ cái chưa bao giờ có trong thơ Nguyễn Quang Thiều: “Đáng ghi nhận hơn thế nhiều, gây phản ứng mạnh mẽ hơn thế nhiều, chính là bản lĩnh cá nhân thể hiện trong thái độ đối với chính mình và đối với xã hội của nhà thơ”. Tôi rất ngạc nhiên vì theo tôi, thơ Nguyễn Quang Thiều bộc lộ điều đó rất rõ. Chúng ta hãy đọc thi phẩm mới nhất của anh Bài ca những con chim đêm (Nxb. Hội Nhà Văn 1999).

Ở tập thơ, toàn bộ là tiếng nói của người nghệ sĩ với không gian làng quê mà y đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Nhưng nói như nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc là “một nhà thơ lớn là nhà thơ có tính chất cá thể đồng thời phải có tính chất nhân loại. Tính chất cá thể phải được nhân loại hóa. Tính chất nhân loại phải được cá thể hóa.” [1] . Cái lớn lao của tập thơ này theo tôi là đã vượt qua những cái “thể nghiệm nho nhỏ” mà Hoàng Hưng cho là “bản lĩnh cá nhân”, “thái độ đối với chính mình” nhưng thực ra vẫn đặc sệt tâm lí “tiểu nông”, vẫn nằm trong tinh thần mặc cảm “Hậu thuộc địa” chưa bao giờ thoát ra được.

Thật khó phân định chia cắt những bài thơ trong Bài ca những con chim đêm hay cần nhập chúng vào làm một. Như bài “Nhân chứng của một cái chết” liên hoàn 19 khúc, “Hồi tưởng” gồm 12 khúc. Những bài còn lại như “Độc thoại”, Đoản ca về buổi tối”, “Cái chết”, “Những chiếc áo”…vẫn liền lạc, đạn quyện nhau, nối vào tập thơ như một tổng thể. Cách tiếp cận chúng không còn đơn giản. Nếu không tìm được đường dây hay chìa khóa dẫn vào tác phẩm thì: “Mở đến rách mắt/ Những người lang thang / Không tìm thấy đường về nhà / Họ đứng trước bức tường / Gọi mãi bóng mình bằng cái tên xa lạ”. Tất cả cách đọc cũ, kinh nghiệm tiếp nhận xử lí văn bản truyền thống đều không còn thích hợp: “Họ lục tìm trong túi áo / Lấy ra một mảnh giấy nát nhàu / Có thể đó là một bài thơ / Có thể là bản di chúc / Nhưng họ không thể nào đọc được / Những dòng chữ viết trong bóng mảnh giấy trên tường (Những người lang thang).

Trong một bài viết gần đây trên eVăn, tôi có bàn đến nhịp tim, nhịp nội tại cho mỗi bài thơ [2] . Nhà thơ, trước khi làm mới bài thơ hãy cố gắng làm mới suy nghĩ và giác quan chính mình. Huống hồ “giác quan Việt” từ bao lâu nay bị bao phủ bởi quá nhiều thành kiến chính trị, văn hóa, truyền thống, nghi kị. Nguyễn Quang Thiều xới tung, làm mới lại giác quan đó qua bút pháp huyền ảo của châu Mỹ mà những nhà văn như Octavio Paz, Jorge Luis Borges, García Marquez…là những tiêu biểu cho phong cách bậc thầy hoàn hảo. Việc vận dụng phương pháp đó vào không gian thơ Việt làm huyền bí hơn hiện thực vốn nhếch nhác, cù nhầy, đơn điệu và nhàm mòn. Thậm chí, tăng thêm bóng ảo cho chiều sâu văn hóa. Đó là một “yếu tố lai” cần thiết trong tình trạng bất động bi thảm của văn học.

Cũng ở phần về Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Hưng đưa ra một nhận xét: “Mới về cách nói chứ chưa phải mới về cái được nói”. Lập luận này lướt qua được nhưng đọc kĩ lại thì không ổn. Nên chăng cần làm rõ hơn. Thi pháp là gì? Phải chăng bàn về thi pháp trước tiên chính là bàn về “cách nói”, cách thể hiện mà chưa cần đặt ra câu hỏi sâu với nội dung. Bởi đó chính là “giọng”, là “phong cách” của tư tưởng như một bài dịch gần đây của chính Hoàng Hưng về Louise Gluck, nữ nhà thơ hiện đại Mỹ. Xin dẫn lại ý kiến của Louise Gluck: “Giọng chưa hề có chỉ có thể xuất phát từ cuộc đời chưa hề có. Cuộc đời hoàn toàn trải nghiệm, dù phiêu lưu hay khép kín, và không có sự đơn giản hóa về tình cảm, cái khái quát lâu bền liên tục bắt nguồn từ đời sống cá nhân được chấp nhận…” [3]

Nhà thơ Hoàng Hưng đã có nhiều nhận xét về thơ của nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh rất sắc sảo.“Nguyễn Quốc Chánh gần đây đưa thơ từ phòng tự biệt giam “siêu thực” ra đường phố, thoải mái tung hoành “graffiti” phơi trần, lộn trái bộ mặt xã hội với giọng điệu đặc “văn hóa pop”. Anh cũng là người không chấp nhận “tự biên tập, tự kiểm duyệt” để chui lọt cửa hệ thống xuất bản chính thức, mà ngang nhiên “samizdat” thơ mình”.

Những ai đọc Nguyễn Quốc Chánh, một tinh thần văn hóa, một nhà thơ đặc sắc và xuất sắc nhất đại diện cho tinh thần tự do, dân chủ của Sài Gòn sau 1975 đều dễ nhận thấy từ Đêm mặt trời mọc (Nxb Trẻ 1989) đến Khí hậu đồ vật (Nxb.Trẻ 1997) mỗi tập thơ của anh là một bước cấp tiến thấy rõ của thi pháp, sự hủy hoại triệt để của ngôn ngữ Hậu hiện đại. Tôi thấy một sự thật, các nhà phê bình Hà Nội đều rất khó khăn khi tiếp cận với thơ Nguyễn Quốc Chánh. Cụ thể như Nguyễn Thanh Sơn với bài viết Xác ướp trở lại [4] cách đây chưa lâu. Và cuộc trao đổi về thơ anh trên talawas cuối năm 2002 thì đã biến thành cuộc phê phán, chỉ trích vào câu cú, chính tả và ngữ pháp của một nhà thơ dị thực bội trương. Ngôn ngữ hầm nguội theo lò tái chế kí ức cộng với cái oi ngạt phù phép của một xã hội thiếu dân chủ đã đem đến tinh thần phản kháng của thi phẩm thứ ba Của căn cước ẩn dụ (11.2001) của anh. Và Nguyễn Quốc Chánh là người đầu tiên ở Sài Gòn tự quan niệm chính danh xuất bản theo kiểu văn hóa photo chứ không phải là nhóm Mở Miệng. Cần xác định lại việc này để thấy ý thức về nhu cầu và thực trạng “Người gọi là trí thức, lẽ ra là những cá nhân tự do chủ nghĩa hoàn hảo nhất. Nhưng thực tế họ chỉ là thành phần dật dờ, tự thỏa mãn ẩn ức bằng những chuyện tiếu lâm. Rồi lui về hợp thức hóa cái thân phận đoan trang bằng cách bói, suy tôn và thần thánh hóa truyện Kiều. Từ bản dịch lục bát một cuốn truyện Tầu, thế mà đã mấy thế kỉ vẫn còn là sách gối đầu giường. Hay nói đúng hơn, nó là cái hầm mộ tập thể, không ngớt mai táng cho những số phận tinh thần của trí thức Việt Nam…” [5]

Một bài thơ tiêu biểu của Nguyễn Quốc Chánh, bài Tai nạn:

Tôi bị cưỡng hiếp bởi quần màu da bò
(Những con bò rừng kị màu đỏ

Tôi bị cưỡng hiếp bởi áo màu cỏ úa
(cỏ của tháng giêng đất đai ngơi nghỉ

tôi bị cưỡng hiếp bởi giày vải bẩn
(những hạt bụi nhiễm trùng thơ mộng)

tôi bị cưỡng hiếp bởi khí hậu buồng tắm
(bọt xà phòng là mây trắng vô tận)

tôi bị cưỡng hiếp bởi trí nhớ dai dẳng

(------------------------------------------)

Từ Của căn cước ẩn dụ với phần lớn những bài thơ đã được các nhà thơ Mỹ gốc Việt như Đinh Linh, Mộng Lan dịch ra tiếng Anh như Nhạc Ráp, Sân khấu quay, Triển lãm bản địa, Trong cuống họng của rừng…vẫn còn có thể tìm thấy khuynh hướng siêu thực, ngôn ngữ tàng hình trong vỏ bọc của nó. Nhưng đến những bài gần đây, “Phỉnh”, “Hai lần uốn lưỡi một lần thở phào”, “Từ email của già Gaxia Macket” [6] khi ngôn ngữ được lộn trái, trần trụi, siêu cấu trúc, mở rộng tính liên kết văn bản thì những bài thơ anh lại là sốc, trở về đầy rẫy những thành kiến trong các nhận định. Sự nửa vời của Hoàng Hưng tiếc thay, lại lộ rõ ngay ở đoạn sau, khi ông ngầm ý chỉ trích thơ Nguyễn Quốc Chánh, ngược lại toàn bộ đánh giá ở trước: “Có nên nói chăng là: sẽ thất bại nếu anh không xuất phát từ những thôi thúc thật sự của chính anh, của đời sống Việt Nam, của tiếng Việt, mà chỉ bắt chước, vay mượn sống sượng. Thử so sánh thơ “siêu thực” giống như các bài tập siêu hình của Nguyễn Quốc Chánh buổi đầu với những bài thơ gần đây của anh ngổn ngang tâm trạng, rất “đời” và cũng rất hợp với lối cắt dán, xới tung chữ nghĩa, văng ra hàng đống khẩu ngữ lề đường”.

Tôi không cho rằng thơ Nguyễn Quốc Chánh là những “bài tập siêu hình”. Nhận xét thơ anh buổi đầu là “siêu thực, giống như các bài tập siêu hình” thì lại càng khó hiểu. Ai cũng có thể thấy Siêu hình (Metaphysics) và Siêu thực (Surrealism) là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Siêu hình vượt qua được những giới chấp của thực tại để đưa thơ đến ngưỡng hợp nhất giữa Lý và Trí. Nó đạt đến độ minh triết, uyên sâu của cõi thường hằng, ca ngợi sự bất tử của ngôn từ và tư tưởng. Có thể thấy rất nhiều tác phẩm của Jorge Luis Borges, Octavio Paz là đỉnh cao của tinh thần này. Hay nói nhà thơ Charles Olson (Mỹ): “Một tri giác phải tức thời và trực tiếp dẫn tới một tri giác xa hơn”. Siêu thực chưa bao giờ tách khỏi hiện thực, mà chính hiện thực là nền tảng để hư hóa, phì đại, đầy chất ẩn dụ. Như phát biểu của A.Breton, chủ soái trường thơ siêu thực “Thơ phải là một tan băng của trí tuệ” (La poésie doit être une débâcle de l’intellect). Đúng hơn, dù “siêu” đến mức nào cũng vẫn có thể dò xét, tìm thấy trong nó những dấu vết của đối tượng “thực” cụ thể. Thơ Nguyễn Quốc Chánh trước sau như một, là phản kháng với thực tại, cái thực thể mà anh cho rằng “chằng chịt giáo điều”, “cơn mê đầm lầy” cho dù có phân thân, quái dị như “Trong câu chuyện cổ, tôi là kẻ sống sót đã nhìn thấy cái đầu dưới đáy hũ mắm” (Chuyện cổ tích) thì đối tượng không vì thế mà mờ nhạt đi. Khi Hoàng Hưng cho rằng “thử so sánh thơ siêu thực giống như các bài tập siêu hình của Nguyễn Quốc Chánh buổi đầu” thì theo tôi ông đã có nhầm lẫn quan trọng giữa nội dung và đối tượng.

Về thơ trẻ, Hoàng Hưng đã có nhận xét về thơ tôi như sau: “Nguyễn Hữu Hồng Minh, một ý chí hiếm hoi trong lớp trẻ đeo đuổi cuộc truy tìm yếu tính thơ, đã đi đến chỗ coi khai thác ‘vỉa từ’ là công việc của người làm thơ nhưng tập thơ của anh mới chỉ là tiểu luận về con đường ‘vào lò’ chứ chưa cho ta một thành phẩm ‘ra lò’”.

Thế nào là “vào lò” và thế nào là “ra lò”? Hoàng Hưng quan niệm làm thơ như bột và bánh mì (!). Bột vào lò và bánh mì ra lò. Và đôi khi bột nằm mơ thấy mình sẽ trở thành bánh mì vĩnh cửu. Tôi giễu cho vui vậy thôi. Đây không phải là lần đầu tiên Hoàng Hưng có nhận xét về thơ tôi. Mà hầu như mỗi tập thơ của tôi ra đời ông đều ưu ái cho ý kiến. Tập thơ đầu tay Giọng Nói Mơ Hồ (Nxb. Trẻ 1999) của tôi được ông viết giới thiệu. Tập Chất Trụ (Nxb.Thuận Hóa 2002) được ông nói đến cùng nhiều nhà thơ trẻ khác trong bài trả lời phỏng vấn trên tạp chí Sông Hương Xuân 2003 và sau đó đã đăng lại trên talawas. Và bây giờ đến tập Vỉa Từ. Những ai được đọc những nhận xét này của Hoàng Hưng đều thấy rõ bao giờ ông cũng khen một câu và chê tiếp một câu. Ví dụ như “Phan Huyền Thư hé ra một lối thơ “giễu cợt” sắc sảo nhưng số bài thơ theo đường lối ấy còn quá mỏng, và lẫn giữa các bài thơ man mác mỹ cảm cũ, để có thể trở thành một giọng thơ thực sự mới lạ”. Văn Cầm Hải thì “đã làm cho người đọc, dù chấp nhận hay không, cũng bị ấn tượng với lối liên kết các hình ảnh, các khái niệm rất xa nhau, phi lô gích” nhưng “đã theo chân các nhà siêu thực Pháp khá lộ liễu”. Nhóm Mở Miệng Lý Đợi Bùi Chát thì “Không ngại những xì-căng-đan, cực đoan trong các quan niệm phản-thơ, phản-ngôn-ngữ, phản-thẩm-mỹ, phi luân phi lí. Coi mình là một nhát cắt thời đại, họ phủ nhận ngay cả những nhà thơ được coi là mới trước đó” nhưng rốt cuộc “Song phải chăng cái mới trong thơ trẻ bắt buộc phải đồng nhất với cái gây sự, gây chuyện, gây tai tiếng?” Cách phê bình như thế vào thơ Trẻ là không sòng phẳng. Bởi nó cho thấy cái cực đoan của người viết đã nấp sẵn đâu đó chỉ thừa dịp là xổ ra. Hoàng Hưng không hề chứng minh lấy một câu thơ, bài thơ, thậm chí chỉ cần nhắc đến tên một bài thơ của các tác giả này để so sánh, chứng minh cho thấy cái Tâm, cái Tài, cái Tình của người viết ông cũng không làm được. Nếu như tôi có thể thuộc những bài thơ độc đáo và ghi chép gần hết những cái hay của thi pháp Ngựa biển, của Bóng chữ, của Cổng tỉnh, của 36 Bài tình…để tìm ra những hạn chế, những trường ảnh hưởng, những lai căng của thơ thế hệ đàn anh đi trước để bứt phá, phục đạn và vượt lên thì không lẽ chúng tôi lại quá đơn giản để không được xứng đáng được ghi nhận dù chỉ một dòng hay sao? Sự chủ quan đáng phê phán đó chỉ làm sai lạc thêm khi vội vàng đưa ra những nhận định. Ghi nhận cái mới nửa vời, chấp nhận nửa vời, tranh chấp hay có tham vọng bành trướng sự ảnh hưởng toàn trị của mình lên các thế hệ khác. Như trên tôi đã nói, chính thơ Hoàng Hưng cũng ảnh hưởng sâu nặng từ những trường ảnh hưởng của người khác. Và ngay cả Thơ Mới, Nhân Văn-Giai Phẩm, Trần Dần, Dương Tường, Lê Đạt…đều ảnh hưởng thơ Pháp hay các quan điểm thơ của họ tự “chi phối”, “quán triệt” lẫn nhau. Hoàng Hưng nhiều lần phát biểu tôi ảnh hưởng thơ ông. Tôi là người kính trọng ông, xem ông như là thầy của mình, nếu có ảnh hưởng, thì tôi chịu ảnh hưởng bởi tinh thần dấn thân, hết mình vì nghệ thuật Thi ca của ông chứ làm sao ảnh hưởng thơ của ông được? Sự nhầm lẫn pha chút ảo tưởng này cho thấy thầy của tôi đã già. Ông không còn nhận ra bản chất cuộc sống là sự vận động và thời đại đổi thay rất nhiều trong chủ thức và hành động.

Những nhận xét của Hoàng Hưng về Vỉa Từ cho thấy sự mâu thuẫn ấy. Khi ông khẳng định “Nguyễn Hữu Hồng Minh, một ý chí hiếm hoi trong lớp trẻ đeo đuổi cuộc truy tìm yếu tính thơ” thì rõ ràng “yếu tính” ấy không hẳn chỉ thuần túy về ngôn ngữ. Ngôn ngữ chỉ là một phần nghiệm sinh của tập thơ. Như tôi đã trả lời phỏng vấn của báo Việt Nam Net, tôi thực hành quan điểm của Roland Barthes: “Dưới mỗi chữ trong thơ hiện đại tồn tại một vỉa địa chất sinh tồn mang tất cả các nội dung của Từ, chứ không chỉ một nội dung có tính chọn lọc như trong văn thơ cổ điển.” [7]

Hoàng Hưng cho việc đó“đã đi đến chỗ coi khai thác “vỉa từ” là công việc của người làm thơ” thì không sai nhưng tập thơ còn thể hiện nhiều cái mới trong thi pháp và quan điểm. Chính xác hơn là tư tưởng, là triết luận. Cái mà tôi cho rằng rất thiếu trong các tác phẩm thơ của các nhà thơ thuộc thế hệ Hoàng Hưng và ngay chính bản thân ông. Nói một cách «banh trần», đây là một thế hệ vắng bóng tư tưởng hay không có tư tưởng. Do hoàn cảnh bi tráng của xã hội một lớp nghệ sĩ tài hoa đã bị hay tự tình nguyện hoạn thiến trong suy nghĩ, kiểm soát giấc mơ và ý chí để tự trở thành những thợ thủ công lành nghề trong nghệ thuật. Lực lưỡng như Trần Dần có thể thoát ra nhưng nỗi sợ hãi đã làm ông tê liệt. Những tác phẩm của ông không nói được nhiều hơn khi ông đã đối đầu, chọn cái chết như một cách phát biểu. Lê Đạt là một tài năng lớn nhưng cuối cùng trở thành một bi kịch cho chính mình khi nhận “phu chữ” là quan điểm số một của thi ca. Ông tự an bài biến không gian đa chiều ảo hóa kì diệu của thơ thành một khu vườn có nhiều hòn non bộ và cây cảnh. Nhà thơ thành kẻ vặt lá tìm sâu, chẻ sợi tóc ra làm tư trong rừng chữ, mùa chữ. Như nhiều bài trong Bóng chữ (Nxb. Văn Học 1995). Có thể trích dẫn tiêu biểu:

Nắng mười tám
gió bờ đê con gái
Cây ải cây ai
Gió sải
Tóc buông thề
Em đứng chéo vòm đêm
Tóc vườn xanh góc mộng…

Hay:

Nợ cũ khối xương rồng hoa trả đỏ
Hương thắp gọi ba lần
Không đáp lửa
Hồn có nhà
Hay bát mộ đi xanh…

Tài hoa và thông thuật cổ kim như Dương Tường mà còn nhầm lẫn chính trị với tư tưởng, hay thơ tuyên truyền chính là thơ tư tưởng [8] . Không rõ điều này vô tình hay cố ý? Chính trị theo tôi, thuần túy chỉ là một ý thức hệ. Nhưng tư tưởng thì khác hơn. Nó cho phép nhà thơ bao quát trong những không gian rộng lớn với những chính kiến nhân văn sâu sắc. Trong văn học không có tư tưởng thì không thể “bơi qua” thử thách của thời gian. Nhìn nhận ở một phía nào đó, những thể nghiệm mà Hoàng Hưng đề cao của nhóm này như “dòng chữ”, “con âm”, “vụt hiện”, “phi biểu hình”, “bóng chữ”…chỉ là những thể nghiệm “bì phu” bên ngoài, đẽo câu gọt chữ diêm dúa bóng bẩy để trá hình hay ẩn nấp “cầu an” trong cái bạo lực của thời thế. Con âm hay thi pháp âm bồi chính là lối nói ngấp ngứ, mê sảng, thoắt đúng thoắt sai. Thơ vụt hiện giải tỏa tức thì cái tâm trạng ngột ngạt ứ đầy chứ Thiền luận, Siêu hình hay Tư tưởng thì không thể “vọt trào” hay “thoát xác” được. Gần đây nhất, nhà thơ Nguyễn Duy sau một thời gian dài tuyên bố bỏ thơ đã có tiết lộ “muộn” rằng, đến bây giờ mới nhận thấy thơ muốn tồn tại qua thời gian không phải minh họa, hô hào phong trào mà cần phải có… tư tưởng, có tính triết học (!?) [9] .

“Vỉa Từ” ý thức rất rõ khi đặt lại vấn đề đó. Trước hết nó định lượng lại giá trị và vai trò của những nghệ sĩ avantgarde dám đi tiên phong trong cái mới. Không còn bàn cãi gì nữa, phải mới, phải khác, từ hình thức, cấu trúc đến nội dung thể hiện. “Thi ca, với những thể nghiệm của tôi ư? Những tiếng nói phơi mở trong một hình thức mới. Đó là thuyết tác ngôn (speech-act theory) trong phá cách luật (deconstruction)

Những cái mới sẽ tiếp tục mang đến những ảo tưởng mới “Là kẻ sáng tạo y tin chứ! Kiếp trước y là Thượng đế” nhưng có một cái các thi sĩ hiện đại hoàn toàn không ảo tưởng như các thế hệ trước đó. Họ xác tín toàn phần để triệt để li gián dù đang buộc phải treo lửng lơ trên cây thập giá chữ: “Những kẻ mang sứ mệnh tìm đường không bao giờ được đi trở lại trên chính con đường đã tìm ra của mình.” Nó khác Chúa Jêsu hay những kẻ nhân danh mình đang “tử vì đạo” ở chỗ ấy. Lại nữa, nó khẳng định lại vai trò trớ trêu của Thơ, thiêng liêng có, nhăng nhố có và trên hết chính là chất giễu nhại hay sự bi hài “Thơ như một tôn giáo. Không! Hơn cả tôn giáo vì nó chưa hề có giáo chủ.”

Như thế cần xác tín lại sự vô luân dã man của Thơ bằng luận điểm “Nghệ thuật là cuộc đảo chánh các thế hệ” thừa nhận công khai cái tiến trình tất yếu tồn tại và phát triển của Thi ca Việt hiện đại, nhiệm vụ quan trọng của các thi sĩ trẻ: “Chôn Thơ Mới? Không, công việc chúng tôi sẽ làm là tiếp tục chôn cả những người đã định chôn Thơ Mới.”

Nhiều vấn đề khác về phong cách (Những phong cách đã thành hình chỉ là những phong cách đã chết. Những người muốn tiếp tục sùng bái xác chết thì đào bới lại chính nó), hình thức (Thơ không có hình thức thật sự. Khi anh phẫn nộ cới những hình thức là anh đang phẫn nộ với những gì anh tưởng tượng ra), nhịp (“Tôi không cố tình phá vỡ hình thức (formalism) thơ. Nhịp mạnh (Strong measures) trong thơ tôi đã phá vỡ nó”, “Vâng! Tôi đồng ý mỗi bài thơ đều có nhịp. Nhưng tôi coi trọng nhịp loạn. Nhịp phá vỡ quy tắc thông thường”), ngôn ngữ (Sự thật của một nhà thơ không phải chế tác Từ mà phản bội Từ), ngữ pháp (Ngữ pháp của nhà thơ là ngữ pháp của quỉ. Anh điều chỉnh lại toàn bộ hệ thống hoặc phải từ bỏ chính nó), quan điểm (Sự chuẩn mực là thuốc độc của tinh thần sáng tạo), siêu hình (Sự chuẩn mực là thuốc độc của tinh thần sáng tạo)...

Hoàng Hưng cho rằng “Vỉa Từ” chỉ là “tiểu luận của con đường ‘vào lò’ chứ chưa cho ta một thành phẩm ‘ra lò’” thì tôi biết rằng ông rất khó tiếp nhận được những thơ tư tưởng của Stanislaw Jerzylec (Ba Lan), Roberto Juarroz, Antonio Porchia (Argentina)…với những tiếng nói vọt trào từ căn rễ, những suy tư rối bù hay những mảnh đoạn thẳng đứng dựng ánh sáng trong máu mà gần đây qua bản dịch của nhà thơ, dịch giả Diễm Châu đã gây “choáng váng” cho nhiều độc giả Tiền Vệ. Cũng tương tự như thế nhà thơ cấp tiến Inrasara cũng không tiếp cận được với Vỉa Từ khi nhận xét rằng “Nguyễn Hữu Hồng Minh dàn trải tất cả ra bề mặt, trong sống và nhất là trong hành động sáng tạo. Lượm nhặt các dụng ngữ, đặc ngữ, thuật ngữ đây đó, hiểu chúng theo kiểu mình, anh tự tin chắp vá ghép vào hệ thống của mình - một hệ thống vụn, vỡ, phân mảnh đầy tính…bề mặt: bề mặt của Nguyễn Hữu Hồng Minh”. Và Inrasara kết luận khô khốc và vô cảm: “Khuấy đục dòng nước cạn để mang vẻ đẹp sâu thẳm – cái F.Nietzsche cảnh giác, nhà thơ trẻ này làm. Triệt để” [10] . Đó là thứ thơ nghiêng về ánh sáng của tư tưởng và chiều sâu của tư duy. Hình thức của bài thơ đã được cách điệu hay giản lược hóa. Tự điều tiết và hài hòa trong một chỉnh thể với nội dung, vấn đề, ngôn ngữ của chính nó chứ không còn vay mượn bất kì một thể thức có sẵn nào khác. Sự thuyết phục của nó là gì? Nó trở lại với vấn đề cội rễ của thơ là tự thân nó sẽ ghim chặt vào tư duy trí nhớ của bạn từ lúc nào không biết. Như Robert Graves khái quát trong “The White Goddess”, gọi là thứ huyền thuật tiềm ẩn: “Hành động sáng tạo thơ đích thực cần một trí óc nhạy bén và thông tuệ kì diệu để có thể, qua một chuỗi những gì không-chỉ-là-trùng-hợp-ngẫu-nhiên, biến những mảnh chữ thành một khối đầy sức sống - một bài thơ tự trường tồn và lan tỏa (suốt nhiều thế kỉ sau cái chết của tác giả, có lẽ thế), và tác động đến người đọc với thứ huyền thuật tiềm ẩn trong chính nó…” [11] .

Tôi muốn nói thêm về Thơ Trẻ Sài Gòn qua bút pháp của một nhà thơ mà tôi đánh giá khá “nặng kí” thời gian gần đây là Phan Bá Thọ, rất tiếc đã không được Hoàng Hưng chú ý đến hay ông chưa có tư liệu về nhà thơ này. Cá tính như Lynh Bacardi, nhưng Phan Bá Thọ lại thể nghiệm về một hướng khác. Những bài thơ tự thân mở rộng và liên kết với những không gian rộng lớn, một đặc tính rất ít thấy trong thơ Việt Nam. Đó chính là tính liên văn bản (Intertextuality) trong tinh thần văn nghệ Hậu Hiện Đại. Tập thơ đầu tay của Phan Bá Thọ được lưu truyền trong những người yêu thơ thể nghiệm Sài Gòn có nhan đề Chuyển động thẳng đứng gần như cũng đã nói được tính triệt để về quan điểm thơ của một bút pháp. Rất tiếc sự chuyển động “pít-tông” dữ dội này đã bị từ chối ở các nhà xuất bản trong nước vì lí do cấp tiến của nó. Những bài thơ gần đây của anh như Lặn tự do 6 phút trong cái vũng có tên gọi là màu xanh lãng quên, & tất cả có mặt lúc này vì anh yêu em, Giấy bạc và cừu… thể hiện rõ tinh thần Intertextuality. Tôi muốn lấy dẫn chứng cụ thể với bài Hemingway & bướm - Nguyễn & xe tăng. Ở bài thơ này có một sự liên đới không gian từ truyện ngắn của Hemingway ở Mỹ đến Phan Khôi Việt Nam. Từ Descartes đến De Castrie, từ Nguyễn Du tới Nguyễn Đăng Thường…và “chia nhỏ” cho mỗi nhà thơ mang tinh thần hiện đại khác. Cách viết rất khinh khoái, du đãng văn nghệ. Trích dẫn một đoạn:

“Ông ấy không phải là hạng xoàng nên, sau khi thất trận & hồi cố quốc, vì rảnh rỗi + với lương bổng của một thiếu tướng rất ư bảnh chọe, ông đâm ra nhậu nhẹt & chơi bời đĩ điếm liên tù tì [cho hết mẹ thời gian + tiền bạc đi, nhưng cũng đếch xong, nên] thỉnh thoảng để đổi món cho đỡ nhạt mồm miệng, ông lại dắt ngựa đi đua, tiện thể quăng ra vài ba cuốn triết học [làm thế giới đảo điên lộn xộn cùng cực] chơi, đến độ đâu là vịnh con heo đâu là vịnh bắc bộ cũng chẳng có ma nào phân biệt nổi” [12] .

Thời gian dị hình, quá khứ - hiện tại, sự thật - siêu hư cấu, giễu nhại - lắp ghép… đều chồng lớp và bội trương hóa. Nó đem đến một hỗn thức cho việc tiếp nhận đồng thời mở rộng chiều kích cảm quan mới chưa từng thấy trước đó.


IV. Văn hóa Đông Tây, Phật giáo, Thiền học qui chiếu qua một điểm nhìn

Tôi nghĩ các nhà thơ trẻ hôm nay rất kính trọng tài năng và tác phẩm của các nhà thơ đi trước như Trần Dần, Văn Cao, Hoàng Cầm, Lê Đạt…cả những nhà thơ về sau này mang dấu ấn của sự cách tân đổi mới như Hoàng Hưng, Phan Đan…nhưng không có nghĩa họ phải “thần bái” những người đi trước như những tượng thờ. Thi ca không phải là tôn giáo nên không thể xảy ra hiện tượng tín ngưỡng. Nghệ thuật là một sự dấn thân vào hiện tại để tìm ra những phong cách mới, tinh thần mới của một thời đại mới. Và Tôn giáo cũng không phải là địa hạt thuần túy của thi ca nên cũng khó có thể chấp nhận được những triết lý nửa vời như Hoàng Hưng khi ông viết về tôn giáo, mà cụ thể ở đây là Phật giáo: “Gần đây Phật học bắt đầu được phục hồi ở nước ta. Trong thơ bây giờ những từ ngữ “sắc - không”, “vô ngôn”…đếm được không đến nỗi ít. Có điều chúng chỉ là “chữ chữ chữ” chỉ phản ánh một kiểu cách suy diễn duy lí tư biện của “trí phân biệt” nhìn chung là nông cạn và nhiều khi lại là một mốt mới (liên tưởng tới “mốt” treo mấy chữ “nhân”, “nhẫn” đầy tường các đại gia, “mốt” vẽ tranh ông sư chú tiểu bày bán đầy các lallery).”

Nếu gọi là “Phật giáo phục hồi” thì Hoàng Hưng cần phải chỉ rõ ra là phục hồi như thế nào? Bởi theo tôi, Phật giáo ở Việt Nam đến thời điểm này “chẳng lên” mà cũng “chẳng xuống”. Mà chắc chắn sẽ còn ở tình trạng phập phù, phập phưỡng như vậy rất lâu.
Ở phần viết về nhóm Mở Miệng, Hoàng Hưng có đề cao việc “bình đẳng giữa các từ” của nhóm này khi họ “đặt lại vấn đề bản chất của thơ” thì rõ ràng những từ như “sắc-không”, “vô ngôn”, …xuất hiện trong các bài thơ chưa hẳn đã là tinh thần Thiền và Phật giáo. Tôi nghĩ đó chỉ là những từ “trống” chưa được “đổ đầy” bởi một ý niệm nào cả. Mà muốn “đổ đầy” những ý niệm đó cũng không phải dễ. Nó phụ thuộc rất nhiều vào sự tu tập hay tài năng của mỗi người.

Từ cách nhập “kiết già” như trên Hoàng Hưng dẫn giải, khuyên răn như sau: “Thiền là tâm ấn, là kiến tính, bất khả tư nghị. Phải có một đời sống thiền thực sự mới mong có cơ hội kêu một tiếng lạnh cả thái hư…”

Nếu đúng Thiền là “tâm ấn”, là “bất khả tư nghị” như Hoàng Hưng đã lĩnh giáo thì không thể nào đặt ra trong một tiểu luận bàn về những cái Mới của thơ trên phương diện để có thể cùng nhau trao đổi, bàn bạc hay giải thích. “Tâm ấn” hay “bất khả tư nghị” thuộc về nội hàm bên trong. Trí năng chừng nào thì lĩnh hội chừng ấy. Đó là tinh thần “Sùng Phật giết Phật” rất triệt để và cao siêu của Phật giáo. Vì thế về mặt ý nghĩa câu trên của Hoàng Hưng đã rất loạng choạng. Nó báo hiệu một sự sụp đổ tất yếu về sau này của ông do “duyên khởi” không thành. Căn chưa có, cơ duyên tu tập ít, khó có khả năng thành chính quả. Ham nói về Thiền nhưng chưa đốn ngộ về Thiền chẳng khác gì một lực sĩ cử tạ quá ham thành tích, muốn nâng một trọng lượng vượt quá sức mình trước sau gì cũng sẽ bổ nhào vào barie hay lá chắn. Việc đưa câu này ra đã phản tinh thần Thiền luận từ ngay trong bản chất rồi. Trở lại vấn đề Thiền xin bắt đầu bằng hai mẩu chuyện như sau: (1) “Một thiền sư hỏi con chó “Mi có muốn biết con đường đưa đến giác ngộ hay không?” Rồi thiền sư đưa chân đá con chó. Chó sủa ầm lên” [13] . (2) “Một thiền sư bước vào một ngôi chùa và phun nước miếng vào Tượng Phật. Lúc bị người khác trách móc, ông ta trả lời “Xin vui lòng chỉ chỗ để tôi khạc nhổ, hãy chỉ chỗ nào mà không có Phật đấy!” [14] . Như vậy theo Hoàng Hưng xác tín thế nào mới gọi là “phải có một đời sống Thiền thực sự?”. Còn nếu đặt câu trong ngữ cảnh là “tâm ấn”, là “kiến tính” thì chỉ có thể “ngộ” hay “không ngộ” chứ không thể “phải có”. Thiền có vô vạn cách lĩnh hội, tiếp kiến, ứng ngộ đúng như tinh thần của nó chứ làm sao tồn tại một cái bất nhất để có thể ung dung tự tại, tự mãn gọi là “đời sống Thiền thực sự”?

Phạm Công Thiện khi viết về Thiền, đạo Phật Zen và ở ngay trong tinh thần đó, ông đã hoài nghi, đã “khai tử” ngay chính những gì đã vừa viết ra của mình. Ông tư biện như sau: ““Ý nghĩa” không thể là “ý nghĩa” được nếu “ý nghĩa” không đứng chống đối lại với cái gì không phải là “ý nghĩa”; cần phải có “vô ý nghĩa” để làm ra ý nghĩa; “ý nghĩa” có nghĩa là “vô ý nghĩa” ở trong “ý nghĩa”. Khi “ý nghĩa” muốn có nghĩa thì nó đã ra ngoài ý nghĩa, nghĩa là “vô ý nghĩa”. Nếu “ý nghĩa” không chứa đựng bên trong cái không phải là nó thì “không ý nghĩa”, không thể nào ra ngoài “ý nghĩa” để làm ra “ý nghĩa” trở thành có ý nghĩa”. [15]

Như ở phần trên tôi đã nói, Hoàng Hưng về sau này có khuynh hướng “quán tưởng” thơ theo tinh thần của nhóm Beat Generation gồm Allen Ginsberg, Jack Kerouac, Lawrence Ferlinghetti, Gregory Corso… và nhiều thi sĩ Mỹ khác theo trường phái Thiền ( Đạo Zen) của phương Đông. Điều đáng lưu ý ở đây không chỉ các nhà thơ mà rất nhiều trí thức tiền phong của Âu Mỹ như Salinger, Heidegger, C.G. Jung, Karen Horney đều bị hấp lực và nghiên cứu nó. Tại vì sao vậy? Hoàng Hưng chưa làm rõ được vấn đề quan trọng này trong lúc có tham vọng thực nghiệm nó vào cuối đời và quảng bá cho nhiều người. Ông viết như sau: “Song mặt khác, Thiền hiện đại trong đời sống công nghiệp, đô thị không thể giống như Thiền truyền thống trong đời sống nông nghiệp thiên nhiên.” Đương nhiên rồi. Làm sao có thể tu tập Thiền bây giờ giống hệt như cách đây hàng trăm năm? Như vậy mấu chốt của nó, Thiền Hiện đại là gì? Rất tiếc, Hoàng Hưng không giải thích triệt để. Ông lại “phơi” một cách ỡm ờ rằng “Thiền hiện đại không thể đơn giản tiêu diệt cá tính để đạt đến “vô ngã”.(!?) Đã có mâu thuẫn đấy! Có thể làm rõ hơn một chút nữa được không? Và đến đây người đọc thấy Hoàng Hưng bồi thêm mấy nhát tự đưa cái vấn đề đã hé mở ra của mình từ “lấp lửng” và đến “chết thiệt” ở chỗ tối ngòm: “Đây là một mâu thuẫn căn bản thiết tưởng chỉ có thể giải quyết bằng chính tư tưởng không phân biệt cao siêu của Phật giáo”.

Tôi nói có mâu thuẫn là ở những điểm này: (1) Như thế nào là tiêu diệt cá tính để đạt đến vô ngã? Đó có phải là “điểm chết” của Thiền không? Nếu đúng như thế Hoàng Hưng phải coi lại với tinh thần phá chấp toàn diện Thiền cổ súy quan niệm “Hãy giết Phật đi! Hãy giết Phật đi!”. Với tinh thần phá chấp triệt để, đôi khi chính những Thiền sư cũng phải đốt tượng Phật, giết mèo, bắt tôm bắt cá. (2) Tư tưởng “không phân biệt cao siêu của Phật giáo” là gì? Liệu có thể cao siêu đến mức không thể lĩnh hội, không thể giải thích được hay không? Nếu không lĩnh hội được thì làm sao biết “cao siêu? Nếu biết cao siêu thì có nghĩa đã lĩnh hội được thì làm sao Hoàng Hưng không chịu khó giải thích? Tôi nghĩ những “điểm mù” bắn vào trong tranh luận chỉ đem lại phản khoa học, sự khủng hoảng hay phù phiếm của các vấn đề do chính đối tượng đã tự đặt ra.

Và sau đây tôi trích lại câu trả lời của Phạm Công Thiện để giải quyết câu hỏi mà Hoàng Hưng đặt ra về Thiền hiện đại, nguyên nhân vì sao Phương Tây tìm về phương Đông nhưng chính ông cũng không giải quyết nổi bằng cái tạm thời gọi là “tư tưởng cao siêu của Phật giáo”. Chỉ xin lưu ý những quan điểm này của Thiện viết từ năm ông mới 18 tuổi: “Tôi có thể trả lời rất dễ dàng, rất nhanh chóng, không hề lúng túng: Bởi vì đạo Phật Zen chẳng có ý nghĩa gì cả. Tại sao? Bởi vì còn ý nghĩa là còn nằm trong vòng nhị nguyên đối đãi; “ý nghĩa” đối nghịch với “vô ý nghĩa”, như thế còn bị ràng buộc trong danh từ, trong tiến trình biểu tượng (processus symbolique), do đó:

  1. Đạo Phật Zen chống thuyết nhân bản, bởi vì thuyết nhân bản vẫn chỉ là sắc thái của ý thức phân biệt.
  2. Đạo Phật Zen chống luận lý học, bởi vì luận lý học còn lệ thuộc trong lãnh vực ngôn ngữ.
  3. Đạo Phật Zen chống những giá trị, bởi vì những giá trị chỉ là đánh giá thực tại.
  4. Đạo Phật Zen nhận rằng con người chỉ có thể giải thoát nơi cuộc đời này, nơi một trần gian duy nhất (là trần gian này), nói theo danh từ triết học của Heidegger thì ta gọi là trần thế tính (Weltlichkeit) của nhân tính (Menschsein) phủ nhận thế giới “bên kia” (Jenseits) và chỉ nhận “bên này” (Diesseits).
  5. Đạo Phật Zen không tôn thờ đức Phật như là giá trị tối thượng, bởi vì tôn thờ đức Phật là một giá trị thì đức Phật sẽ trở thành đối tượng cho sự đánh giá của con người. (nói như Heidegger là “Gegenstand für die Schätzung des Menschen”).
  6. Đạo Phật Zen chống lại những gì mà nhân loại tôn sùng thờ phụng như là thiêng liêng quí báu…” [16]

Thực ra tôi không muốn triết lí về Thiền trong một bài viết thế này. Những quan điểm trên của Phạm Công Thiện có nhiều điểm đã quá cũ, không thuận lắm với những suy nghĩ của tôi nhưng thôi, tôi sẽ viết trình bày hẳn những vấn đề này trong một bài khác. Đó cũng là tâm tính của Thiền. Vì tôi có cách đọc và cách tiếp kiến của riêng tôi. Nhưng vì Hoàng Hưng đã đi từ chỗ “giảng Thiền” qua việc đặt lại vai trò của thơ Việt tương lai nên tôi nghĩ phải bắt đầu trở lại từ những yếu tính căn bản của nó. Vì tôi cho rằng Hoàng Hưng đang nhầm lẫn tính minh triết, nội lực của Thi sĩ với thái độ Thiền, “nhập bàn” thuần túy của một Đạo sĩ. Hoàng Hưng cho rằng Thiền để có cơ hội “kêu một tiếng lạnh cả thái hư!”. Nếu vẫn còn kêu thì có cần Thiền không và có còn đúng với bản chất của Thiền không? Theo tôi, đây là vấn đề cần tiếp tục được tranh luận.

Ở một đoạn khác Hoàng Hưng viết: “Cho đến nay, mọi nỗ lực cách tân hầu như vẫn theo hướng “Tây hóa”, trong khi phương Tây đang khủng hoảng sâu sắc và sự phát hiện phương Đông đang mở ra cho nó một lối thoát. Vậy con đường cách tân nối mạch lại với phương Đông sâu thẳm, với thơ Thiền Lý Trần thì sao nhỉ?”.

Theo tôi nghĩ, nhận xét cho rằng mọi nỗ lực cách tân Thơ Việt hiện nay “hầu như vẫn theo hướng “Tây hóa” không sai nhưng vẫn chưa thỏa đáng. Bởi chúng ta cần xét tính thực tế trong bình diện hiện tại. Thơ Việt thiếu các thông tin do một thời gian quá dài thiếu hẳn sự giao lưu bên ngoài thành ra khi có cơ hội tiếp nhận đã tạo nên tính trương phình hay phì nhiễu là cần thiết và có lí. Sự nối kết giữa tinh thần văn hóa giữa Đông và Tây như Octavio Paz đã hình dung là “Từ chân trời một phía nhìn ra chân trời nhiều phía” [17] . Những trường hợp cụ thể như văn chương của Jorge Luis Borges, Octavio Paz dễ làm người đọc nhìn thấy Trang Tử, Lão Tử trong tinh thần văn chương và văn hóa của các ông. Trong lập luận này của Hoàng Hưng tôi lại nhìn thấy một giá trị khác của Nguyễn Quang Thiều cụ thể trong thơ. Đó là anh đã từ cực Đông để hướng về Tây. Và cũng từ Tây anh đã tiếp cận được một thi pháp mới để giải quyết những vấn đề về thi pháp vốn chậm thay đổi như Việt Nam. Vậy không phải là một sự cần thiết đáng ghi nhận sao? Và thật ngạc nhiên khi Hoàng Hưng không đánh giá cao sự phối ngẫu đó. Tiếp nhận và giao lưu văn hóa không thể xảy ra một phía mà phải từ hai phía. Đó là tinh thần giao hòa giữa hai cực vậy.

Những suy tư đầy thị kiến và suy nghĩ rách nát như vậy về Phật giáo, về Thiền học thật đáng tiếc lại nằm trong một bài viết tâm huyết về Thơ Hiện Đại. Tôi cho rằng Hoàng Hưng chưa chú ý gì nhiều về Thiền và Phật giáo hay chỉ hiểu, chỉ tiếp cận theo cách “nhất thời” của riêng ông chứ hoàn toàn không mang một tinh thần chung ở một bài viết có tham vọng đặt một cái nhìn tổng thể, bao quát về thơ Việt. Bởi trước hết là ông mâu thuẫn với chính những lập luận ông tự đưa ra.

Thực ra tinh thần này tôi cũng đã buộc phải nghĩ đến và đã thể nghiệm rất nhiều, rất rõ trong hai tập thơ Chất TrụVỉa Từ. Khi buộc phải viết những dòng về mình tôi không có ý gì khác muốn nói rằng, các nhà thơ trẻ đã thấy được những điểm mấu chốt cơ bản đó và đã có những thể nghiệm đi xa hơn, vượt xa hơn. Thoát ra khỏi cái bóng quanh quẩn dưới chân mà bấy lâu nay những nhà thơ thế hệ trước vẫn ảo tưởng là vẫn còn nằm trong vùng “quán tưởng” của họ. Bi kịch chính ở chỗ vẫn bằng một giọng điệu kẻ cả và cảm tính họ vẫn dạy dỗ hay phán vào thơ như phán vào khoảng trống. Chỉ thấy vẻ đẹp giả sơn của những hòn non bộ hay những con cá kiểng. Quên luôn một vũ trụ đang chuyển động ảo hóa quanh mình.

“Người viết bài này thực lòng ngóng chờ cái ngày một tinh thần Phật giáo hiện đại trở thành nền tảng cho một cuộc đại phục hưng văn hóa Việt Nam, và từ đó, thơ Việt Nam”. Tôi rất ngạc nhiên khi đọc đoạn này vì lí do sau: Như thế nào là tinh thần Phật giáo hiện đại trở thành nền tảng cho cuộc đại phục hưng văn hóa Việt Nam?

Nhưng phải chăng những tranh luận về thơ rốt cuộc sẽ khó đi đến một ngã ngũ cuối cùng mà chỉ có thể nhìn thấy nhiều con đường, nhiều ngã rẽ thâm sâu, huyền bí, giản đơn hay phức tạp của thơ? Tôi lại muốn trích lại định nghĩa của nhà thơ Max Jacob để có thể kết tiểu luận về một đề tài phức tạp, ảo hóa khôn lường này: “Thơ hiện đại vượt qua mọi lời giải thích” (La poésie moderne saute les explications).

Và vai trò tối hậu của người nghệ sĩ sáng tạo vẫn không thay đổi. Đó là “nội lực: sức mạnh tinh thần bên trong, sự giác ngộ bên trong” [18] . Thơ Việt không thể chỉ dừng lại với những đền đài yên vị trong Panthéon mà phải tiếp tục trên đường Postmodernism. Nếu như không muốn tân trang, tô điểm cho những bệ thờ hay thuần túy chỉ phục chế những bộ thời trang cho xác ướp.

Pháo đài Thơ, Cà Mau 28.6.2004.

Sài Gòn, 8.7.2004

© 2004 talawas




[1]Nghĩ về thơ - Nguyễn Hưng Quốc - Nxb. Văn Nghệ - California 1989
[2]Lửa sâu cõi đá của Vương Huy: cuộc lữ hành tìm về một thiên đường đã mất - Nguyễn Hữu Hồng Minh - eVăn 15.5.2004
[3]Thơ là giọng, là phong cách của tư tưởng - Louise Gluck - Hoàng Hưng giới thiệu - Thi san Thơ Hội Nhà Văn Việt Nam số 12 tháng 6.2004
[4]Xác ướp trở lại - Phê bình văn học của tôi - Nguyễn Thanh Sơn - Nxb.Trẻ 2002
[5]Của căn cước ẩn dụ - Nguyễn Quốc Chánh - Hợp Lưu số 72. 2003
[6]Tham khảo thơ Nguyễn Quốc Chánh trên www.tienve.org
[7]“Ainsi sous chaque Mot de la poésie moderne git une sorte de géologie existentie lle, où se rassemble le contenu total du Nom, et non plus son contenu électif dans la poésie classique.”(Le degré zéro de l´écriture - Độ không của lối viết - Roland Barthes).
[8]).“Về thơ Việt hôm nay” - Dương Tường trả lời phỏng vấn. Trong câu hỏi:-“Anh là người theo dõi kĩ tình hình thơ ca trong nước, xin anh phân tích tình trạng hiện nay của thơ ca Việt Nam về cả hai phía: người đọc và người sáng tác, có người cho rằng đây là một sự kéo dài của nền Thơ Mới (đã cũ). Thưa anh, anh nghĩ thế nào?” Dương Tường trả lời như sau: “Ở ta, hiện có rất nhiều thi sĩ, thậm chí là quá nhiều nữa, trong đó phải nói thực là không thiếu tài năng. Nhưng hình như trong cuộc đời cái gì cũng phải trả thuế: một nhà thơ hay phải cõng độ dăm chục, thậm chí hàng trăm nhà thơ dở. Đó là một thứ thuế mà thơ phải trả (mà hình như ở đâu cũng thế). Cái mặt bằng thơ ta hiện nay, theo tôi là trung bình, lác đác những tác phẩm hay giữa một biển thơ dở và trung bình, như những cù lao cô đơn vậy. Thành thật mà nói, tôi thấy thơ Việt hiện nay thiếu cái mới. Rất ít thấy những cố gắng cách tân, phần lớn chưa thoát ra khỏi thi pháp của phong trào Thơ Mới hồi 1939-1945 về sáng tác cũng như thưởng thức, mà Thơ Mới thì thật ra chịu ảnh hưởng nặng thơ lãng mạn Pháp thế kỉ 19 thôi. Về mặt thi pháp cũng như kĩ thuật, ở ta, văn xuôi triển diễn hơn nhiều. Từ một Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách đến bất kì tác phẩm nào của Nguyễn Huy Thiệp hay Phạm Thị Hoài, văn xuôi đã đi một chặng đường khá dài, còn thơ thì vẫn trong quĩ đạo của Thơ Mới. Thật là khó hiểu: sáu mươi năm rồi mà vẫn còn được gọi là mới, nghe cũng khá mỉa mai. Cho nên bọn tôi thường gọi đó là Thơ Mới Cũ. Thơ Việt Nam hiện nay, dòng chủ lưu vẫn gọi là thơ ý niệm, thơ tư tưởng. Phần đông các nhà thơ ta chủ yếu quan tâm đến ý tưởng, hình tượng mà nhẹ về lao động ngôn ngữ. Số người khổ công làm việc với chữ không nhiều” - Phỏng vấn Dương Tường - Thụy Khuê thực hiện - Đài RFI 4.2.1996.
[9]“Dù ở đâu Tổ Quốc vẫn trong lòng” - Nhà thơ Nguyễn Duy trả lời phỏng vấn Lưu Trọng Văn. Có đoạn ông bộc bạch suy nghĩ của mình về “Nhà văn thật”: “Nhà văn thật? Ở anh nhà văn thật ấy có một nhà hiền triết, một nhà văn hóa, một nghệ sĩ. Thực ra cái lõi của văn chương là Triết. Từ cả những chuyện đùa cợt, tầm phào nhất cũng có thể phả triết học vào, có thế mới dội lại được cuộc đời. Chỉ khác nhà triết học trình bày triết học của mình bằng lí lẽ khoa học, còn nhà văn bằng cảm xúc” – Báo Thanh Niên thứ Bảy ngày 3.4.2004.
[10]).“Nguyễn Hữu Hồng Minh - Truy đuổi hoang từ như là một nổi loạn vào khoảng rỗng” - Inrasara phê bình tập Vỉa Từ - eVăn 16.3.2004. Gần đây với bài viết “Khoảng tối của Thi ca” Inrasara đã nói rõ quan điểm trên của F.Nietzsche mà anh tiếp nhận (đồng thời như làm rõ hơn ám chỉ phê phán Vỉa Từ) như sau: “Tệ hại không kém là khuynh hướng tự khuấy đục là ra vẻ sâu thẳm của những dòng nước cạn. Sức hấp dẫn của thơ không chỉ ở bề nổi nơi tất cả được bày ra giữa ban ngày mà chính là ở đường biên ẩn khuất của đêm sáng huyền nhiệm, nơi cuộc chiến trong tâm hồn con người còn nóng hổi hơi thở ” - eVăn 6.7.2004. Việc khen chê đối với một tác phẩm Thơ đều bổ ích. Nhưng ở đây tôi muốn nói là sự khó khăn ở phương pháp tiếp cận với cái mới, tư tưởng trong hình thức cô đọng, nén, gần với siêu văn bản. Inrasara có thể tham khảo thêm các tác phẩm ở loại hình này của các nhà thơ Stanislaw Jerzylec (Ba Lan), Roberto Juarroz, Antonio Porchia (Argentina), Octavio Paz (Mexico), Jorge Luis Borges (Argentina)…đã bước đầu được giới thiệu trên www.tienve.org xem thử có cần thay đổi (hay nâng cao) phương pháp phê bình không? (NHHM).
[11]Robert Graves - The White Goddess “Bạch Nữ Thần”- Trích theo bản dịch của Trần Tuệ Minh - www.tiềnvệ. org.
[12]“Hemingway & bướm - Nguyễn & xe tăng” - Thơ Phan Bá Thọ - www.tienve.org
[13]L’Essence du Bouddhisme - DT.Suzuki.
[14]Chinese Thought From Confucius to Mao Tse-Tung – H.G. Creel.
[15]Ý thức mới trong văn nghệ và triết học - Phạm Công Thiện - Nxb. Lá Bối 1964.
[16]Nghĩ về ý nghĩa Phật giáo thiền tông qua vài suy luận triết học Heidegger - Phạm Công Thiện.
[17]Octavio Paz - Thơ văn và tiểu luận - Nguyễn Trung Đức dịch và chủ biên - Nxb. Đà Nẵng 1998
[18]Xác lập cơ sở cho đạo đức (Đối thoại với Mạnh Tử với một nhà triết học khai sáng)
- Francois Jullien - Hoàng Ngọc Hiến dịch - Nxb. Đà Nẵng 2000