trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
29.8.2008
Trần Văn Trạng
Mấy lời với ông Phùng Nguyễn
 

Tôi thật sự ngạc nhiên về phản ứng của ông với mấy ý kiến trong bài viết của tôi. Tôi hình dung ông đang bừng bừng đỏ mặt tía tai vì cảm thấy cái vị trí “trí thức lương thiện” và cao sang (ở hải ngoại) của mình đang bị bị một tên cựu “cán binh Việt cộng” (nội địa) vô danh tiểu tốt như tôi xúc phạm! Ông lặp đi lặp lại hàng loạt chữ nghĩa mạt sát cay cú với cá nhân tôi, lu loa, ồn ào, kêu cả talawas và xóm làng bu lại bêu rếu, đọc xong ai cũng có cảm giác cái “lương tri” mà ông hay đem ra khoe đã biến đi mất vì giận dữ!

Nhưng do quá tự thị và nổi nóng đến nỗi muốn ném tôi vào một chỗ nào đó giống như cái thùng rác trong nhà của ông nên không thèm đọc kỹ bài viết của tôi, ở đó có một câu hỏi mà tôi đặt ra từ đầu như một tiên đề về lập luận để tất cả những thứ khác đi theo đó sẽ được coi là tất yếu về mặt logic - và câu hỏi ấy là: qua bài viết về Lữ Phương ông có thật sự muốn “đối thoại một cách công bằng và… văn minh” với ông ta hay không hay chỉ làm bộ nói như vậy để trong thực tế tìm mọi cách thiết lập một bản “luận tội chính trị mang tính chất tư tưởng hệ” cho ông ta với tư cách là một cựu đảng viên cộng sản. Thưa ông Phùng Nguyễn, ông hãy bình tĩnh lại để hiểu rằng tất cả vấn đề rút lại chỉ là như thế và những gì ông cần trả lời cũng chỉ là như thế.

Ông không quan tâm đến điều khởi đầu trong bài viết lần trước của tôi là tôi không tin ông thật lòng muốn “tử tế” đối thoại với ông Lữ Phương mà chỉ tìm mọi cách truy bức về cái “vũng lầy trách nhiệm” của ông ta trong việc thủ tiêu, xoá bỏ cả một nền “văn hoá miền Nam”, trách nhiệm ấy là rất nặng nề, nên dù về cá nhân, ông ta có thiện chí nhưng xét cho cùng ông ta vẫn là một thứ công cụ của Đảng Cộng sản thực hiện một chính sách mà ông theo ai đó gọi là “khủng bố văn nghệ sĩ trí thức miền Nam sau 30.4.1975”. Tôi cho rằng với cái cách truy bức như thế thì cái thực tại chính trị mà ông muốn kết án là gì nếu không phải là toàn bộ chế độ cộng sản Việt Nam với tất cả những gì liên hệ đến nó (kể cả những cá nhân đảng viên có “thiện chí”, những người cộng sản đã thay đổi về quan điểm chính trị). Còn với cái thực tại chính trị cùng với cái bảng giá trị mà ông muốn dựa vào để kết án cộng sản là gì nếu không phải là cái “miền Nam” mang tên là Việt Nam Cộng hoà đi theo đường lối chống cộng từ đầu mùa cho đến cuối mùa? Tại sao ông không nói toẹt ra mọi thứ cho minh bạch mà lại phải uốn éo quanh co!

Tôi thấy ông không đàng hoàng khi muốn biện hộ cho sự tồn tại của cái thực tại Việt Nam Cộng hoà ấy như một giá trị có thể dựa vào để chống cộng sản, ông đã mang cho cái thực tại chính trị ấy một ý nghĩa khái quát bằng cách đồng hoá nó với cả một thực tại gọi là “miền Nam”, ở đó sự có mặt của cuộc chiến tranh huỷ diệt của người Mỹ đã không hề được biết đến như một nhân tố rất quan trọng trong sự nghiệm xét về lịch sử. Ông không quan tâm gì đến lý lẽ của ông Lữ Phương nêu ra để giải thích cả một xu hướng đi theo cộng sản ở miền Nam hồi đó, chủ yếu cũng chỉ để nói “không” với cuộc chiến tranh huỷ diệt của Mỹ, trong khi đó khi nhắc đến cuốn Cuộc xâm lăng về văn hoá của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam của Lữ Phương, ông đưa ra nhận xét về điều gọi là “bị ảnh hưởng bởi mục tiêu định sẵn”, không chứng minh nhưng bây giờ lại được thổi lên thành một “phân tích rạch ròi”, cố ý tạo một sự tin tưởng nào đó nơi người đọc, nhưng thực tế lại chẳng có gì gọi được “nghiêm túc” so với những gì ông Lữ Phương đã “nhìn lại” một cách sòng phẳng cái cuốn sách đã xuất bản gần 30 năm về trước, trong chính bài viết mà ông đã đọc. Một thái độ như vậy mà ông gọi là “tử tế” sao, và luôn nhân danh sự “tử tế” ấy để dạy dỗ người khác sao?

Ông Phùng Nguyễn đả kích nhiều lần về cái mà ông gọi là “lập luận lươn lẹo” và “khả năng tư duy vô cùng ấu trĩ” của tôi nhưng qua những gì mà tôi trình bày trên đây thì xem ra các thứ chữ nghĩa “trí thức” ấy có vẻ xứng đáng với ông nhiều hơn. Tôi hoàn toàn có lý do để nghĩ như vậy, bởi vì tôi thấy trong nóng giận ông đã đánh mất sự khôn ngoan cần thiết để hiểu rằng mấy thứ gọi là “luận cứ” mà tôi đưa ra như những giả thiết (“Nếu sự tóm tắt nôm na - khỏi phải vòng vo bằng những uyển từ - trên đây của tôi là đúng…” ) chỉ có ý nghĩa và gắn liền với sự nghi ngờ của tôi với cái thiện chí “đối thoại” của ông với ông Lữ Phương: ông chỉ muốn ông ta thừa nhận tội lỗi của mình với miền đất gọi là Việt Nam Cộng hoà rồi sau đó quay về tôn phục cái “chính nghĩa” tiềm ẩn của cái “miền đất” đã không còn tồn tại nữa! Nếu ông không phủ nhận điều đó thì tôi đề nghị ông trả lời câu hỏi này: không dựa vào những luận cứ có những nội dung như vậy thì ông lấy đâu ra lý lẽ để “luận tội” ông Lữ Phương với tư cách là một đảng viên cộng sản và cả cái Đảng Cộng sản trước đây của ông ta?

Tôi cho rằng chính từ cái “khả năng (rất) hạn chế” trong việc theo dõi cái mạch lập luận của tôi mà ông đã rơi vào một sai lầm có thể nói là sơ đẳng nhưng lại cực kỳ trầm trọng. Đó là việc ông lu loa cho rằng đã đọc được cái “tâm địa đen tối” của tôi khi tôi “lươn lẹo” chụp cho ông nhiều cái mũ trong đó có cái mũ “Mỹ+Nguỵ” tạo ra bằng sự truy xét “lý lịch ba đời”! Có thể bỏ qua thái độ “quá giận mất khôn” của ông nhưng tôi không thể nào thừa nhận sự “nghiêm túc” của ông khi ông cố tình đồng hoá một biện pháp lập luận với một sự gán ghép chính trị, từ đó ông đồng hoá cái khả năng kém cỏi của mình về nhận thức với sự huênh hoang cho là mình đã có được trong tay một thứ ý nghĩa đích thực nào đó về chính trị và lịch sử để coi việc làm của người khác là “trá nguỵ” là thiếu “tử tế”, là tạo ra “những nọc độ văn hoá” - một cách quá dễ dãi và quá rẻ tiền.

Với tôi đó mới thật là sự là “chụp mũ”, là lấy “tâm địa đen tối” của mình suy ra tâm địa người khác. Và đó mới thật là môt “trá nguỵ” đúng nghĩa! Khi kết án mà gọi là “đối thoại”, đứng hẳn về phe chống cộng một cách quá rõ ràng nhưng lại làm ra cao sang với những thứ triết lý vớ vẩn để che giấu mà không gọi là “trá nguỵ” thì là gì?

Phùng Nguyễn không giấu được thái độ độc đoán và trịch thượng về chân lý trong tranh luận. Ông luôn nhắc đi nhắc lại không biết mệt những chữ “trí thức”, “lương thiện trí thức”, “lương tri” “chân lý đích thực”, “lịch sử chân thực”…, “văn hoá dân tộc”, “tử tế”… những chữ trừu tượng và phổ biến nhưng trong minh định cụ thể về nội dung thì lại không dám thừa nhận minh bạch là mình đã ngả hẳn về phía những lực lượng chống cộng. Với một cách lập luận như vậy thì những thứ gọi là “lương tri” và “tử tế” làm sao có thể đứng về phía những người như Lữ Phương đã theo cộng sản để chống Mỹ! Khi dựa vào mấy chữ ấy để khuyến dụ (nhưng lại vờ vịt không dám nói ra) những người như Lữ Phương phủ nhận quá khứ của họ, ông Phùng Nguyễn muốn gì nếu không phải là kêu gọi “chiêu hồi”, kêu gọi “sám hối” theo một thứ chủ đề quen thuộc trên các website chống cộng ở hải ngoại?

Có vẻ như Phùng Nguyễn không muốn xếp hàng với những thứ luận điệu đó nhưng cái giá trị đạo đức mà ông dựa vào để kết án cộng sản đã tự bộc lộ rõ rệt. Ai đọc qua cái thứ ngôn ngữ xỏ xiên, hằn học trong hai bài viết của Phùng Nguyễn về cộng sản đều nhận ra điều đó, tôi không cần phải dẫn chứng, phân tích.

Với một thái độ như vậy mà lại muốn giành hết mọi thứ về phần mình và cho sự lựa chọn chính trị của mình, coi đó là giá trị đạo đức để phê phán, đả kích, khuyến dụ, chiêu hồi người khác nhưng lại không dám thừa nhận, thì sự vơ vào mọi thứ đó của Phùng Nguyễn đã bao hàm ý nghĩa của môt cách chơi thiếu sòng phẳng, giả dối, nếu không nói là “nguỵ quân tử”. Không thích cái trò ỡm ờ trong viết lách nên tôi nói toẹt mọi thứ ra cho đúng với “tên gọi” vốn có của sự việc, như nói “con mèo là con mèo” thôi. Đề nghị Phùng Nguyễn, muốn tiếp tục đưa cuộc tranh cãi đến những kết đúng với ý nghĩa của sự đối thoại, nên tập thói quen thẳng thắn, đàng hoàng và bỏ đi thái độ tự thị, những thủ đoạn xỏ xiên, õng ẹo và làm dáng cao thượng đi.

Đêm Lisbon, tôi chưa đọc, Phùng Nguyễn đã đọc rồi thì nên tỏ ra “văn minh” hơn bằng cách suy ngẫm nhiều hơn về mình trước khi lên lớp dạy đời những người khác!

© 2008 talawas