“Em yêu ơi! nhớ em kỳ lạ, ao ước vô cùng được gặp lại em, được nhìn vào đôi mắt thân yêu, được ôm em trong lòng.” (Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, 25/03/1969)
“Miệng em cười và lời yêu thương muộn màng không nói. Tôi chọn em làm đối tượng một đoạn đời ngắn ngủi. (…) Từ đêm em đi là hết, là hết.” (Vòng tay học trò, Nguyễn Thị Hoàng, 1966)
Nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm, cũng như mọi nhật ký, được viết theo dòng thuận của ngày tháng, và vì vậy người viết không hề biết cái gì sẽ đến với cô trong tương lai. Mặt khác, nó là một lối viết riêng tư, thầm kín
[1] . Nhưng bi kịch, chính ở chỗ, hôm nay, nhật ký đó được chúng ta đọc theo chiều nghịch của thời gian, đọc khi đã biết cái
kết của người viết, ở đây là cái
chết của Đặng Thuỳ Trâm. Hơn nữa, nó bị mở tung ra, tuyên truyền rộng rãi, thậm chí thêm bớt tuỳ tiện
[2] , với những mục đích và động cơ khác nhau, điều mà Đặng Thuỳ Trâm, khi sống, có lẽ chẳng bao giờ ngờ tới, và chắc không đồng tình.
Sau khi được đặt tên, in ấn, phát hành, nó đến tay người đọc như là một
sản phẩm hoàn chỉnh. Bài viết này, ngược lại, sẽ xem xét nó trong dạng nguyên sơ – những “trang sổ nhỏ” (chữ của Đặng Thuỳ Trâm) mất phần đầu và bỏ dang dở. Đặc biệt, tôi muốn tìm hiểu nó như một hành động, một hoàn cảnh, một nhu cầu:
viết.
1. Hợp đồng giữa “tôi” và “tôi” Các “trang sổ nhỏ” này có nghĩa gì với Đặng Thuỳ Trâm? Đó là câu hỏi không ngừng ám ảnh tôi.
Bản chụp di cảo
[3] cho ta thấy một ý thức làm đẹp. Có thể lấy trang đầu của cuốn nhật kí năm 1970 được trình bày nắn nót, làm ví dụ. Hai chữ “nhật ký” được viết to, theo lối chữ in. Sau đó là ba chữ “Xuân Canh Tuất” khá bay bướm. Tiếp đó là hai dòng: “
Những ngày rực lửa /
Vui, buồn đọng giữa tim ta”, có lẽ thể hiện tâm trạng của người viết. Cuối cùng là chữ ký. Nét chữ của Đặng Thuỳ Trâm đều tăm tắp. Ngày tháng ghi rõ ràng. Các trang được đánh số cẩn thận. Đôi lúc, cô chép lời của các nhân vật nổi tiếng mà cô tâm niệm, như Hoàng Văn Thụ, Ostrovsky, Hồ Chí Minh, Tố Hữu… Ta cũng gặp trong đó thư từ của một số người bạn thân, hay những tranh cắt dán thể hiện hoa lá. Nói chung, về hình thức, không có gì khác những cuốn sổ lưu niệm của thanh niên trai gái thời đó. Nhưng nó toát lên sự nâng niu trìu mến của chủ nhân dành cho cuốn sổ.
Đặng Thuỳ Trâm trò chuyện với nhật ký của mình: “Nhật ký ơi! Đừng trách Thuỳ nghe nếu như Th. cứ ghi vào nhật ký những dòng tâm sự nặng trĩu đau buồn” (15/06/1968). Không vô tri vô giác, nhật ký trở thành người thân thương – “bây giờ bên ngọn đèn khuya với trang sổ nhỏ Th. lại rưng rưng nước mắt” (23/12/1968), có mặt trong những giây phút hiểm nguy nhất – “giữa trận càn bom pháo tới tấp xung quanh ngồi giữa kẽ đá mình cũng vẫn ghi nhật ký” (26/02/1969), ở bất cứ nơi đâu – dù là một “chiếc hầm chật chội ướt át” (26/11/1969). Hơn cả bạn đồng hành, nhật ký là kỷ vật duy nhất Đặng Thuỳ Trâm muốn gửi cho “gia đình” trong trường hợp cô “không về nữa” (05/06/1969). Vậy với cô, nó là phần hồn, sau khi xác đã mất.
Như thế, nhật ký đối với Đặng Thuỳ Trâm vừa là vật chất vừa là tinh thần. Khác một tác phẩm thông thường, đọc nhật ký, nhất là di cảo, người ta phải chú ý cả nội dung văn bản lẫn hình thức: chính cái vỏ bọc này nhắc độc giả rằng những dòng chữ bên trong nó mang một tính chất đặc biệt, nằm ngoài khái niệm văn học nói chung, và vì vậy phải được đối xử khác thường.
Điều đó dẫn đến nhân xét thứ hai: nhật ký là kết quả của công việc viết, nhưng tự nó không là
tác phẩm. Nếu bất cứ tác phẩm văn học nào cũng ngầm mang một
hợp đồng với độc giả
[4] , Đặng Thuỳ Trâm viết cho chính mình, không hướng tới một công chúng nào hết. Đương nhiên, trong lịch sử văn học có không ít các nhật ký được xuất bản theo ý muốn của tác giả
[5] . Nhưng đó không phải là trường hợp của phần đông những người viết nhật ký, trong đó có Đặng Thuỳ Trâm. Dẫu rằng cô đã muốn trao nó lại cho người thân, nếu chẳng may phải chết, như trên đã nói, thì đó là những người gần gũi chứ không thể là đám đông độc giả vô danh vô tình.
Viết cho riêng mình, chỉ cho riêng mình
[6] , là
hợp đồng mà người viết nhật ký thoả thuận với chính anh ta
[7] .
2. “Tôi” không là một hằng số Tại sao Đặng Thuỳ Trâm lại có mối quan hệ gắn bó, thân thương, gần như lén lút, với cuốn nhật ký của mình? Nói cách khác, cô viết nhật ký với mục đích gì?
Lời đề từ ở trang đầu cuốn
Nhật ký 1970 đã nói khá rõ: viết, trước hết, với Đặng Thuỳ Trâm, để ghi lại kỷ niệm “những ngày rực lửa”. Nhưng viết cũng để quên những phút giây buồn chán giữa hai cơn mưa rừng hay trong những đêm nhớ nhà. Để đôi lúc “lật những tờ nhật ký cũ” (12/11/1968). Để “sau này mở lại những trang sổ” (26/11/1969). Nhật ký là đĩa cứng, là bộ nhớ, của người viết.
Nhưng có lẽ Đặng Thuỳ Trâm dùng nhật ký, trên hết, để viết về mình, trò chuyện với mình. Cô kể về cuộc sống hàng ngày, về niềm vui, nỗi buồn, thất vọng, hoài nghi, giấc mơ, tình yêu, những điều không biết chia sẻ cùng ai. Cũng không có gì lạ, vì cái “tôi” là chủ đề lớn nhất của mọi nhật ký. Vậy ở lĩnh vực này, nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm có đặc điểm gì?
Đây là giả thuyết của tôi: Chính cuộc sống gò bó về tinh thần và lý tưởng của miền Bắc xã hội chủ nghĩa những năm 1960-1970, chính cuộc chiến nghiệt ngã mà cô tham gia với tư cách một đảng viên, thậm chí là một bí thư chi bộ, đã đưa Đặng Thuỳ Trâm đến với thể loại nhật ký, làm thành nơi ẩn nấp cho bản thể của cô, để kháng cự lại cái “chúng ta”, cái “quần chúng”, cái “tập thể” đang ngự trị xung quanh. Khung cảnh chung này giải thích vì sao nhiều bộ đội miền Bắc viết nhật ký
[8] . Nhưng Đặng Thuỳ Trâm có lẽ là cô gái lãng mạn, nhiều suy tư, đầy tưởng tượng và năng khiếu viết, đã biến những “trang sổ nhỏ” thành một nơi thí nghiệm cái “tôi”, đưa nó ra phân tích, khảo sát, lục vấn, thậm chí khám phá và hư cấu những cái “tôi” mới.
Đọc
Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, tôi thường kinh ngạc bởi khối lượng khổng lồ những chấm hỏi. Hầu như ngày nào cũng có câu hỏi, đôi khi ba bốn câu liên tiếp. Chất vấn người khác: “Anh có thấy điều đó trong cái nhìn lo âu của tôi không? Có thấy bàn tay tôi dịu dàng đặt nhẹ trên vết thương, trên đôi tay xanh gầy của anh đó không?” (10/04/1968). Chất vấn người sống, và cả người đã chết: “Khiêm ơi có cách nào nghe được lời Thuỳ nói một lần nữa hay không?” (19/08/1968). Nhưng nhiều nhất vẫn là những chất vấn dành cho bản thân: “Những ngay u uất của tâm hồn. Cái gì đè nặng trên trái tim ta? Đâu phải chỉ có một nỗi buồn của vết thương rỉ máu của con tim đó đâu? Mà còn có những gì nữa kia?” (25/05/1968).
Hầu như các câu hỏi đều không có lời đáp, đôi khi người viết phải thú nhận: “Họ hỏi mình vì sao không đấu tranh cho quyền lợi chính trị. Tại sao mình rất xứng đáng là một đảng viên mà chi bộ không kết nạp. Vì sao và vì sao ư? Ai mà trả lời được (…) Quả tình tôi không trả lời được” (04/05/1968). Nhưng ấn tượng nhất vẫn là những ngày kết thúc bằng những câu hỏi bỏ ngỏ: “Tại sao mọi người thương mến cảm phục mà Đảng lai khắt khe hẹp hòi với mình?” (04/05/1968), “Tại sao Th. cứ suy nghĩ hoài khi mà Th. biết rằng chuyện đó Thuỳ làm đúng? Cuộc sống đâu phải chỉ có tình cảm mà phải có lý trí, có hiểu thế hay không hở cô gái bướng bỉnh?” (09/05/1968).
Người ta hay đặt câu hỏi vì thiếu thông tin. Nhưng những câu hỏi của Đặng Thuỳ Trâm thường bộc lộ một cái “tôi” ngờ vực, bất an, nhiều ẩn ức, “không bao giờ thoả mãn” như chính cô tự nhận (13/05/1969). Nhiều khi cô thốt lên: “Tại sao ta không được thoải mái khi mà tình cảm trong trái tim ta vẫn trong sáng và xanh tươi kỳ diệu” (04/06/1970), “Công việc bộn bề làm mình đau đầu hay còn vì một việc gì nữa. Việc gì mà cảm thấy không thoải mái trong lòng” (06/01/1970). “Càng nghĩ càng buồn, muốn tâm sự với những người thân về nỗi bực tức ấy nhưng rồi mình lại lặng thinh, nói ra liệu có ai hiểu hết cho mình hay không? Có ai phải sống những ngày nặng nề u uất như mình hay không?” (25/05/1968).
Những câu day dứt ám ảnh: “Mình là gì?” (26/02/1969), “Cái gì làm mình khác mọi người?” (30/03/1970), “Anh nghĩ gì về đứa em miền Bắc này hở anh Năm?” (03/08/1969), “Mình… trong mắt mọi người thực chất mình ra sao?” (06/12/1968). Đặng Thuỳ Trâm hạch hỏi trái tim, đẩy đến tận cùng những mâu thuẫn của nó. Về tình cảm với Thuận, người “em trai nuôi”, cô viết: “Đâu phải chỉ là tình thương? Tình thương không thể có được cái nóng bỏng thiết tha, không thể có sức mạnh chi phối toàn bộ suy nghĩ tình cảm của một con người. Vậy thì nói sao đây?” (17/6/1969). Trong thư gửi Thuận, cô dường như cũng hay đặt câu hỏi: “Thư chưa đến, nếu đến chắc em sẽ đau buồn vì những câu hỏi của mình” (02/11/1968).
Ở Đặng Thuỳ Trâm, những câu hỏi gắn liền với một khả năng phân thân hiếm có. Anne Frank đã bịa ra nhân vật Kitty để trò chuyện. Nhưng trong nhật ký của mình, Đặng Thuỳ Trâm thể hiện một bản thể còn bất định hơn. Ta thấy cô tự đối thoại với mình: “Mình là gì? Là một đứa con gái ướt đẫm tình cảm” (26/02/1969). Phép nhị hoá nhân cách bộc lộ rõ khi cô gọi tên mình “Thuỳ ơi”, giọng điệu lúc thì dạy dỗ khuyên bảo – “Ôi! cô bé của tôi (…) Phải giảm bớt đi cái yêu thương thơ mộng, giảm bớt đi cái lòng tin trong trắng thơ ngây về cuộc đời. Phải thêm vào cái suy tính, cái thủ thế trên cương vị công tác...” (24/04/1969), lúc thì thủ thỉ tâm tình – “Vẫn buồn ư Th.?” (30/04/1968), “Thuỳ ơi! Th. chịu thua sao?” (15/06/1968).
Thường xuyên, Đặng Thuỳ Trâm nói về mình như nói về kẻ khác: “Đêm nay, bên ngọn đèn khuya Th. ngồi trầm ngâm suy nghĩ” (24/11/1968), “cô Thuỳ khó tính và bướng bỉnh” (30/04/1968), “Ơi cô gái sống với nhiều suy nghĩ kia ơi” (04/06/1968), “sao M. cứ gieo đau buồn lên trái tim một người con gái sôi nổi yêu thương và tràn đầy hy vọng ở cuộc đời” (08/08/1968). Đôi lúc trong một đoạn ngắn, Đặng Thuỳ Trâm sử dụng cả ba ngôi (thứ nhất, thứ hai và thứ ba) để nói với mình và nói về mình: “giữa mùa khô 67 mình đã đi vững vàng và ở đây giữa trăm nghìn thử thách với một đứa tiểu tư sản, một cô bác sĩ mới rời ghế nhà trường tập sự làm cán bộ lãnh đạo mình cũng đã vượt qua. Mong Thuỳ hãy phát huy ưu điểm…” (01/11/1968).
Tương tự, Đặng Thuỳ Trâm tưởng tượng ra các cuộc đối thoại với những người đàn ông cô gần gũi yêu thương. Và với mỗi người, cô có những giọng điệu khác nhau. Nhật ký là nơi cô thì thầm với họ những điều cô không dám nói thẳng trước mặt họ. Ví dụ với M., người yêu chính thức từ thời sinh viên nhưng trong quan hệ đã có nhiều “rạn nứt”: “M. ơi, anh đang ở đâu (…) Ta thật sự xa nhau rồi đó ư anh? Sao em vẫn cảm thấy con tim mình rỉ máu” (09/03/1969). Với Năm Tân, bí thư huyện uỷ mà cô thầm yêu và hình như cũng được đáp lại: “quanh anh lúc nào cũng là người và việc! Làm sao để có một buổi dành trọn cho anh em mình hả anh Năm? Không lẽ suốt năm suốt tháng anh em mình cũng chỉ tâm tình với nhau qua những trang thư và nhật ký thôi sao? Không, em không chịu đâu anh Năm à. Phải có một buổi nào anh nói cùng em nghe tất cả nghe anh!” (04/09/1969).
Với Thuận, chàng trai 21 tuổi, cô yêu say đắm nhưng không dám thú nhận: “em yêu ơi! nhớ em kỳ lạ, ao ước vô cùng được gặp lại em, được nhìn vào đôi mắt thân yêu, được ôm em trong lòng” (25/03/1969). Với Nghĩa, một “người em trai nuôi” khác nhưng đã “bội bạc”: “Buồn biết bao nhiêu những gì em đã hứa em quên rồi sao? Một đêm trên bờ biển Phổ Hiệp bốn chị em đã nói những gì? Những lá thư, những món quà em gói trọn tình thương trong đó… bây giờ! Hãy trả lời đi em, phải chăng em đã tự tách ra khỏi mối dây ràng buộc em với khối tình thương của chị rồi” (12/03/1969).
Nhiều đoạn trong
Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm làm tôi ngỡ đang đọc
Vòng tay học trò (1966) của Nguyễn Thị Hoàng: “Con đường rừng một buổi hoàng hôn nào đó. Rặng hoa đào và bóng dáng mùa xuân. Mười ngón tay em và những chiếc áo len màu. Miệng em cười và lời yêu thương muộn màng không nói. Tôi chọn em làm đối tượng một đoạn đời ngắn ngủi. Từ đêm em đi là hết. Là hết. Những đoạn đời kế tiếp của em không thuộc về tôi nữa (…) Từ đêm em đi là hết, là hết. Cuộc phân ly vĩnh viễn giữa em với tôi, giữa tôi với đời, giữa tôi và bản ngã đam mê của thú rừng thức giấc”
[9] .
Đâu là điểm gặp giữa hai người đàn bà cùng thời, cùng tên Trâm? Một bên cô giáo Trâm, nhân vật hư cấu, phảng phất hiện sinh của văn học Sài Gòn trước 75, mệt mỏi bởi cuộc sống đô hội, bỏ lên xứ sở sương mù. Bên kia cô bác sĩ Trâm bằng xương bằng thịt, lớn lên trong lòng Hà Nội xã hội chủ nghĩa trước khi bị chiến tranh cuốn đi. Nhưng cả hai cùng mang một trái tim đa tình, lãng mạn. Như thế đó, giữa những năm đầy biến động của đất nước 1965-1970, hai người phụ nữ không xa về địa lý (Quảng Trị cách Đà Lạt khoảng vài trăm cây số), nhưng xa về vật chất và lý tưởng, hai cô Trâm đã yêu theo cùng một cách: đam mê cuồng nhiệt những chàng trai trẻ mặc cho tuổi đời và vị trí xã hội cách biệt. Chẳng phải “bản chất sôi nổi thèm sống, thèm yêu đến tột cùng, đến vô bờ vô bến”
[10] , chứ không phải bất cứ cái gì khác, đã đưa hai người đàn bà này vượt thời gian để trở thành huyền thoại?
Trở lại với
Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm. Cũng thật bất ngờ khi so sánh các mối tình của mình với những thiên tình sử trong thơ ca tiểu thuyết, Đặng Thuỳ Trâm thường hoá thân vào các nhân vật nam. Cô tưởng tượng mình là Pavel của
Ruồi trâu: “Em
[11] nhìn mình cháy bỏng lo âu và thiết tha vô hạn. Mình quay đi không dám nhìn vào đó nữa. Trong đôi mắt đó có lời nói của Khơ-riu-chia nói với Paven giữa ngục tù. Lòng xao xuyến xót thương, thương em và thương cả chính mình nữa. Nhưng có cách nào khác đâu, mình cũng đã làm như Paven trong trường hợp đó” (25/06/1969). Cô nghĩ mình là chàng trai chia tay người yêu trong một bài thơ tình nổi tiếng: “Cuộc chiến còn dài, chị em mình đều là những người lính đứng ở tuyến trước. Ai biết rồi sẽ ra sao nhưng cứ tin đi, như Simonov trước đây đã tin trong bài thơ ‘Đợi anh về’. ‘Em ơi, đợi… chị về! Đợi chị hoài em nhé…” (13/9/1969).
Khi cô ví mình với Jean Valjean còn những “em trai nuôi” là Cosette trong
Những người khốn khổ, thì quả là độc đáo: “Mình hiểu tình cảm của mình... y hệt như Giăng Van Giăng đối với Côdét, đó là tình cảm của một người cha đối với con, tình một người anh đối với em và là tất cả yêu thương an ủi, hy vọng của cuộc sống. Mình không như Giăng Van Giăng vì mình không cô đơn nhưng đứng về mặt nào đó mình lại y như ông già ấy. Và họ cũng y như Côdét thôi, cô gái mồ côi đau khổ ấy đã lớn lên trong tình thương bao la của ông già nhưng dù cô thương ông già đến đâu đi nữa rồi cô cũng có một cuộc đời riêng của cô - Ma-ri-uýt sẽ đến với cô. Vậy đó. Nhưng Th. ơi, Th. đừng như Giăng Van Giăng” (01/03/1970).
Rõ ràng ở đây ta bắt gặp một Đặng Thuỳ Trâm thích phân thân, ưa huyễn hoặc. Cô viết nhật ký như người ta soi gương hay đóng kịch, để mê mải ngắm những cái bóng và ảo ảnh của mình, để tự hỏi mình là ai, để thích thú nhầm lẫn thật và giả. Dù Đặng Thuỳ Trâm thổ lộ đã từng là diễn viên trên sân khấu đại học, thì chúng ta vẫn giật mình khi đọc những dòng này: “Đèn từ những khu căn cứ rực sáng, mình đi giữa cánh đồng Phổ Thuận, ba bên là ba nguồn sáng rực rỡ, núi chóp, núi xương rồng và những ngọn pháo sáng treo lơ lửng phía trước mắt. Những nguồn sáng ấy theo các ngả làm bóng mình nghiêng theo các hướng, mình có cảm giác như một
diễn viên [12] đang đứng trên sân khấu như những ngày còn là cô sinh viên Y khoa trong các buổi biểu diễn ca nhạc. Bây giờ mình cũng là một
diễn viên trên sân khấu của cuộc đời, mình đang thủ vai một cô gái vùng giải phóng với bộ quần áo đen, đêm đêm theo du kích đi hoạt động giữa vùng ta và gần sát bên địch” (04/08/1969)
[13] .
3. Từ chỉnh huấn đến tự kiểm duyệt Nhưng có lẽ khả năng phân thân của Đặng Thuỳ Trâm không chỉ là bẩm sinh nơi cô, nó còn là kết quả của một nền giáo dục, một môi trường sống. Bao nhiêu năm đào tạo dưới nhà trường xã hội chủ nghĩa rồi trưởng thành trong Đoàn trong Đảng, dù muốn hay không Đặng Thuỳ Trâm phải thấm nhập hệ tư tưởng chính thống. Ta thấy những dao động của cô sau mỗi lần “chỉnh huấn”: vừa muốn bảo vệ cái “tôi” của mình vừa muốn làm theo lời lãnh đạo. Ngày 08/01/1970, cô viết: “Chỉnh huấn Đảng. Thấy sai lầm của đồng chí mà mình rùng mình. Đừng bao giờ nghe Th.! Đừng bao giờ để chi bộ phải có những cuộc họp kiểm điểm như vậy đối với Th.” Nhiều lần, cô ra lệnh cho mình phải “nguỵ trang”.
Bởi thế, đọc những dòng Đặng Thuỳ Trâm ca ngợi công cuộc tranh đấu cho quê hương, về lý tưởng cao đẹp, về tình đồng chí trong sáng, tôi thường tự hỏi: trong những câu hô khẩu hiệu này, phần nào là trung thực, phần nào là ngây thơ, phần nào là tự kiểm duyệt? Trong tự kiểm duyệt, chỗ nào do xấu hổ với bản thân, chỗ nào do sợ bị đọc lén? Và đương nhiên, không ai trả lời được những câu hỏi này, có lẽ cả Đặng Thuỳ Trâm. Đây là một thí dụ về tính “nhập nhằng” khi cô viết về mối quan hệ với Thuận, “em trai nuôi”: “Cứ mỗi lần nghe em nói về tình thương của em với chị, chị lại thấy kỳ lạ. Tại sao những người làm cách mạng lại có thể thương nhau đến mức ấy được nhỉ, một tình thương sâu thẳm và mênh mông như biển cả. Một tình thương trào dâng như những đợt sóng bạc đầu, một tình thương trong trắng, chân thành vô hạn” (8/11/1968).
Đặng Thuỳ Trâm hoàn toàn ý thức rằng xung quanh cô, tồn tại nhiều kẻ “xoi mói ghen tị” (25/02/1970), “những đôi mắt dòm ngó”, “những lời nói ra nói vào rất đáng ghê tởm” (17/04/1969, đến độ cô phải thốt lên: “Kẻ thù phi nghĩa không sợ mà sợ những nọc độc của kẻ thù còn rớt lại nơi đồng chí của mình” (15/06/1968). Có phải đó là một phần lý do của sự tối nghĩa, khó hiểu trong những dòng chữ sau: “Những kỷ niệm không bao giờ quên, không thể nào quên nhưng ta sẽ nghĩ gì khi nhớ lại kỳ niệm đó? Buồn? Vui? Ân hận? Hay là gì hở Th.? Hở cô gái đã từng biết xử trí một cách đúng đắn trong mọi tình huống khi mà cuộc sống tình cảm diễn ra phức tạp hết sức!” (16/06/1969). “Những kỷ niệm” đó là gì? Tại sao sẽ “không bao giờ quên” nhưng lại phải “ân hận”? Tại sao nó vừa “vui” vừa “buồn”? Điều gì nhắc cô phải “xử trí một cách đúng đắn” trong “cuộc sống tình cảm phức tạp”? Tại sao cô không kể cụ thể mà lại ám chỉ? Đương nhiên, một trong những đặc tính của nhật ký là người ta chỉ viết cho bản thân, nên không cần kể lại những điều mình đã biết. Nhưng dường như trong đoạn trên, Đặng Thuỳ Trâm ngần ngại không muốn nói hết sự việc và ý nghĩ của mình.
Và chính trong cái không rõ ràng, không đồng nhất, người ta nhận thấy tính chân thành của nhật ký Đặng Thuỳ Trâm. Bản thân cô tự nhận mình “phức tạp” và tự hào về điều đó: “Tâm tình những đứa tiểu tư sản bao giờ cũng phức tạp, có điều lạ, mình vẫn muốn như vậy hơn là cái giản đơn rành mạch chất phác của người nông dân” (08/07/1968). Nếu cô cứ đen trắng rõ ràng từ đầu đến cuối, có lẽ sẽ đáng ngờ hơn. Con người ta, ai không đầy mâu thuẫn? Hơn nữa, Đặng Thuỳ Trâm sống trong một xã hội mà áp lực của tập thể, “kiểm điểm”, “kiểm thảo”, “chỉnh huấn”, “phê và tự phê” thuộc vào nếp sống hàng ngày, ở đó giữa “trung thực” và “gian dối” biên giới thật mong manh. Đọc cô, người ta sợ hãi trước bằng chứng hiển nhiên về sức phá huỷ ghê gớm của một cơ chế cực quyền thời chiến. Nhưng cũng đọc cô, để lấy lại niềm tin về khả năng đề kháng của phần cá nhân, tính bản thể trong mỗi con người.
Nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm không là câu chuyện một nữ “anh hùng” với “niềm tin tưởng như chỉ có ở tôn giáo - thứ niềm tin mang đầy cảm giác thánh thiện”
[14] . Nó, tự thân, hoàn toàn xa lạ với mọi hào quang mà hôm nay người ta ồn ào sơn phết. Đó đơn thuần là tự sự của một con người, bình thường như mọi người, nhưng sống trong hoàn cảnh cùng cực của chiến tranh. Người phụ nữ trẻ này mang trong mình ánh sáng và bóng tối, vừa cao đẹp vừa trần tục, dạn dầy nhưng ấu trĩ, cả tin nhưng lại nhiều giằng xé, mâu thuẫn, hoài nghi.
Đọc nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm, ta có cảm giác đang luồn lách vào những hang vực sâu hiểm nhất của nội tâm tác giả. Nhưng dù có săm soi từng trang viết, lục vấn tất cả các nhân chứng, đối chiếu hàng núi tài liệu liên quan, thì ta vẫn đứng trước một cánh cửa đóng kín. Không chỉ là những dòng “đầy yêu thương, hi vọng”, “chân phương, mộc mạc”
như người ta nhận xét trên báo chí
[15] , nó ngổn ngang những câu hỏi, những im lặng, những bí mật. Không phải để làm dáng: Đặng Thuỳ Trâm có viết nhật ký cho ai đâu ngoài chính cô? Chúng ta hôm nay chỉ là những kẻ đọc
trộm. Nó phản ánh nhu cầu nội tại của bản thân tác giả, một tâm hồn bất ổn, bất định. Và đây chính là giá trị lớn nhất của cuốn nhật ký này.
Đặng Thuỳ Trâm là một biến số, một ẩn số. Bốn mươi năm sau và mãi mãi.
Sống để dạ chết mang theo… Bản tiếng Việt © 2008 talawas
[1]Đây là điểm khác cơ bản giữa nhật ký và hai thể loại tự sự khác là tự truyện và hồi ký. Tự truyện và hồi ký được viết theo chiều nghịch của thời gian, có cấu trúc hoàn chỉnh (mở đầu và kết luận), có tính tổng kết và lý giải (một đoạn đời, một cuộc đời, một thế hệ, một thời đại). Hơn nữa, chúng hướng tới một công chúng nào đó, vì thường được viết để xuất bản. Có lẽ chính vì thế mà nhật ký có vẻ “trung thực” hơn tự truyện và hồi ký (dù trung thực là một khái niệm tương đối. Trong phần tiếp theo của bài viết này, tôi sẽ chứng minh rằng, ngay nhật ký không phải bao giờ cũng bao gồm toàn sự thật). Vì vậy, khi một số người kêu gọi viết tự truyện hay hồi ký chiến tranh với mục đích “bảo tồn được rất nhiều ký ức quý báu cho dân tộc”, tôi e rằng công việc này mắc phải một nguy cơ khá lớn: tính thiếu chính xác. Các cố gắng tổng kết và lý giải đều mang tính chủ quan. Khoảng cách thời gian cũng làm phai mờ nhiều kỷ niệm, có thể dẫn đến việc “hư cấu” quá khứ. Tóm lại, tinh thần phê bình cần thiết cho việc đọc mọi văn bản.
[2]Xem Phạm Hoàng Quân: “Biên soạn nhật ký?” (talawas, 5/10/2005), Nguyễn Ngọc Giao: “Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm: so sánh nguyên tác và ấn bản” (talawas 21/10/2005).
[3]Theo bản chụp của The Vietnam archive (Texas tech University).
http://annonymous.online.fr/Upload/Nhat%20ky%20Dang%20Thuy%20Tram/DTT1.pdf http://annonymous.online.fr/Upload/Nhat%20ky%20Dang%20Thuy%20Tram/DTT2.pdf[4]Trong thể loại tự truyện chẳng hạn, bao giờ cũng có một hợp đồng ngầm giữa tác giả và người đọc: tác giả cam kết sẽ chỉ kể sự thật. Dường như có một câu nói cất lên ngay từ lúc mở đầu tác phẩm: “Tôi tên là X., tôi sẽ kể cho các bạn nghe sự thật đời tôi…” (xem Philippe Lejeune,
Le pacte autobiographique, Paris, Seuil, 1975). Khi trên bìa một cuốn sách có ghi hai chữ "tiểu thuyết", thì có nghĩa là tác giả của nó muốn độc giả coi đó như một câu chuyện hư cấu.
[5]Như
Nhật ký của Gide.
[6]Tolstoi viết nhật ký, vợ ông đôi lúc mở xem. Ta được biết rằng, cuối đời, không chịu nổi đôi mắt tò mò của bà, nhà văn đã viết song song một cuốn nhật ký thứ hai, và lần này viết “chui".
[7]Ý kiến này cũng được Nguyễn Hoà nói đến trong bài “Qua
Mãi mãi tuổi hai mươi và
Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm – nghĩ về văn hoá đọc”:
(
http://www.tinhdoanqnam.vnn.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=469&Itemid=64)
[8]Lời của Nguyễn Trung Hiếu, người đã tìm thấy hai quyển nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm: “Nhật ký chiến trường rất nhiều, theo tôi, phải đến 40% lính miền Bắc viết nhật ký" (
Tuổi Trẻ 19/10/2005).
Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc (NXB Thanh Niên, 2005),
Nhật ký chiến tranh của Trình Văn Vũ (NXB Hội Nhà văn, 2006) là hai thí dụ.
[9]Nguyễn Thị Hoàng,
Vòng tay học trò[10]Nguyễn Thị Hoàng,
Vòng tay học trò[11]Trong bút tích, từ này đọc không rõ. Nhưng ta có thể đoán là “Em”.
[12]Do tôi (ĐCT) in đậm.
[13]Bản gốc, số 4 không rõ, nhưng có thể đoán đó là 4 hay 5, vì trước đó người viết ghi ngày 3/8 và sau đó là ngày 6/8.
[14]Xem Vương trí Nhàn, “Lời giới thiệu”,
Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, NXB Hội Nhà văn, 2005.
[15]Robert Whitehurst (site
Sức sống Đặng Thuỳ Trâm)