trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
11.2.2008
Nguyễn Đức Sơn
Xóm chuồng ngựa
(tập truyện ngắn)
 1   2   3 
 
Mục lục

  • Con chuột cống
  • Thiên đàng Địa ngục hai bên
  • Đêm tiệc trần gian
  • Ý tưởng chiều tà
  • Xóm chuồng ngựa
  • Phụ lục

Con chuột cống

Nó vùng dậy với tất cả nỗi oan ức nghiệt ngã tuyệt đối không đời nào được phơi bày. Nó, con chuột cống, đang mang một mũi tên có lẽ là một chiếc đũa bếp sắt… chạy chạy qua qua lại lại như chứng nhân cho tất cả sự ngược đãi, độc ác, gạt gẫm, xỏ lá. Luân cảm thấy tức tối đến cực điểm. Luân quăng chiếc xe đạp của mình trên lề đường, nhét vội hai trăm gờ ram thịt bò vừa mới mua ở chợ Bến Thành vào bánh xe, xông vô đám đông vô tâm đang lúc nhúc.

Bên kia là mặt tiền nhà ga Sài Gòn. Buổi sáng tương đối yên tĩnh mặc dù xe cộ vẫn không ngớt bóp còi qua lại liên miên. Một vài người đàn ông thất nghiệp và hành khất - ở đâu mà chẳng có cái nạn này trừ những nước theo xã hội chủ nghĩa - bơ phờ uể oải Có người đi qua đi lại chờ đợi và rình mò. Định cướp cái vật gì chăng? Khó lòng lắm các người ạ. Chỉ vì đói quá các người không nhận chân tình thế xung quanh. Bởi khu này có nhiều cảnh sát và nhân viên công lực. Thôi nhé, hãy nằm xuống bực thềm đó nghỉ một chút, và đánh một giấc ngắn hay một giấc ngàn năm cũng được. Ta bất lực trước các ngươi. Cứ đánh một giấc đi, rồi tính chuyện mưu sinh bằng mọi cách các ngươi có thể nhân danh cái đói thảm khốc. Ta cũng mưu sinh chật vật và thống khổ lắm đây. Nhưng hiện giờ ta có hai trăm gờ ram thịt bò - lại thịt bò con nữa mới tốt chứ – mới mua ở chợ Bến Thành. Ta rất đói nhưng không thể chia cho các ngươi. Bởi vì ta có chịu chia cho, chẳng lẽ mỗi người trong các ngươi chỉ sẽ nhận một… nguyên tử thịt bò. Các người đông quá. Cứ mỗi ngày đi qua ta đã thấy xuất hiện thêm những bộ mặt lạ rồi. Hình như từ dưới đất độn lên hay trên trơi cao rớt xuống. Còn những người cũ đã bỏ đi đâu? Chắc các người đã ngã quỵ ở một xó nào đó và trở về cát bụi. Thôi, vậy là xong. Ta không biết tính sao. Tính gì khi ta đã thấy trái đất nó quay, nó quay, nó quay. Thôi, ta sẽ mua thêm khoai tây về chiên và một ít sà lách Đà Lạt, làm một bữa bíp téc cho đã đời để nhìn trái đất này nó quay.

Sau một thoáng nghĩ ngợi lan man, tiếng động ở bên này đường Lê Lai kéo Luân về thực tại. Những xe cộ thì cứ thản nhiên băng qua. Những xe nhỏ như vec-pa, mô-tô, mô-by-lết cũng thản nhiên băng qua. Hầu hết những người đi bộ cũng thản nhiên đi qua. Có một số người thản nhiên cố ý một cách đáng bắn nhất. Họ ngửng mặt lên trời, xem những sự việc xảy ra ở dọc đường không những không can hệ gì đến họ mà còn đáng khinh như đa số những tên linh mục và thầy tu và những tên trí thức học phiệt xuẩn động của thế kỷ. Một số khác, cũng đông đảo như vậy, thản nhiên đi qua vì họ không trông thấy và không hay biết chi cả. Hình như họ sướng nhất trần gian. Họ trải qua khoảng một trăm năm ngắn ngủi và êm đềm. Như đời một công chúa trong hoàng cung. Như đời một tên mọi ở một bản thổ cô lập và heo hút. Như đời một sinh viên nhà giàu, mặt mày, tâm hồn và đầu óc đều trắng bệu như bột, thường học rất giỏi và nhiều lúc cả gan lý luận nữa nhưng tuyệt đối không bao giờ dám hành động và xuống đường. Nhưng nói chung họ là những kẻ tốt phúc nhất như họ vẫn nghĩ.

Chỉ có một số người nhìn lại đám đông, có trông thấy cảnh tượng một con chuột cống bị đâm ngang từ miệng đến hông. Rồi một số trong bọn này cũng bỏ đi. Một số lê la lại nhìn.

"Mẹ ơi, coi kìa!"

"Gì thế hở Mai?"

"Người ta xem đông quá mẹ ạ!"

"Thây kệ họ chúng ta không nên chen vào."

"Nhưng tụi con nít và cả người lớn nữa vỗ tay vui quá, vào xem thử chuyện gì hở mẹ!"

"Mẹ đã bảo phí thì giờ. Chúng ta còn phải vào chợ mua không biết bao nhiêu món ăn. Hôm nay Chúa nhật phải đông lắm. Con quên rằng anh con mới công du ở Mỹ về và nay mai lại sắp lên đường lại rồi sao? Mẹ phải lo cho anh con ăn đúng giờ giấc chứ."

"Thôi mẹ đứng chờ, con vào xem thử chuyện gì?"

Vừa lúc đó, đám đông dãn ra về một hướng. Rồi đám đông bóp lại thành một hình thuẫn.

"Ối, cái gì cháy khét đó Mai con ơi!"

"Thưa vâng mẹ ạ, nhưng không sao hết, người ta đốt một con chuột cống còn sống kia mà."

"À ra thế. Tưởng gì quan trọng. Chuyện có vậy mà cũng làm nháo cả phố lên!"

Cái đám đông vỗ tay reo hò. Một nhân viên cảnh sát huýt còi tiến khá chật vật vào đám đông.

"Cái gì vậy, cái gì vậy, xê ra, xê ra!"

"Xếp ạ, có cái gì đâu người ta đốt một con chuột cống."

"Thôi giải tán đi. Ai đốt đó, làm ơn cho tôi biết với."

Một nhân viên cảnh sát khác cũng tiến đến từ phía công trường của khu chợ Bến Thành. Rồi một nhân viên nữa từ bến xe lam. Rồi một nhân viên nữa mang kiếng trắng, tóc hớt cao, dạng chừng cấp bậc lớn hơn. Ông này điềm tỉnh đi vào, không nói năng gì cả.

Lúc này, Luân đã khóa kỹ xe đạp. Nó nhặt ở vỉa hè bên hông nhà ga một hòn đá đen lớn, rất bẩn, tiến về phía con chuột cống.

"Kìa anh Luân mẹ ạ!"

"Có phải không, con nhìn kỹ lại."

"Đúng rồi mẹ ạ."

"À, ra đúng thằng Luân. À, à, bây giờ mẹ mới thấy nó. Té ra nó chỉ là một đứa đứng đường. Vậy mà đến nhà xin dạy kèm theo lời rao của mẹ đăng ở báo, nó ăn mặc tươm tất, tỏ ra rất hiền, ngoan và chăm học, À, mẹ trông thấy rồi. Chính thằng Luân. Mai thứ Hai nó sẽ đến nhà ta phải không?"

"Vâng, mai anh Luân có đến."

"Mai là ngày mười hai phải không? Mai nó đến vứt cho nó một tuần lương rồi a lê xúp luôn! À, té ra cái thằng ngỗ ngáo, đứng đường mà từ lâu mẹ cứ tưởng là sinh viên nghèo, chăm học như nó vẫn nói. À ra thế. Đúng là cái mặt nó rồi."

Hai mẹ con xa dần ra khỏi đám đông.

Đám đông lại nháo lên vỗ tay. Con chuột cống nhảy lẫn cẫn đi qua đi lại bất kể hướng nào. Nó kiệt sức nên không thể giãy giụa như lúc đầu, Luân nhìn kỹ thấy rõ ràng một chiếc đũa bếp sắt đã đâm thẳng từ mồm vào họng nhưng chưa lủng qua bên ngoài. Miếng da bên dưới nách một chân phình chông ra, trắng phếu. Luân cũng chú ý thấy một cái lồng bằng lưới sắt mà nó nhớ đã giẫm phải một lần khi tiến vào đám đông. Luân đoán ngay tức khắc và đoán rất đúng: người ta đã đánh bẫy được con chuột cống vào lồng rồi người ta dí chiếc đũa bếp sắt vào mồm nó và đâm thẳng xuống hông. Con vật quá nhỏ và thất thế hoàn toàn nên chịu cái cực hình dã man và rừng rú đó. Luân mường tượng nghe những tiếng sực sự và xèo xèo khi chiếc đũa nóng đỏ đâm qua tim, phổi và những sớ thịt.

"Cái lè phải đăm cho nó chết cho lâu, chết từ từ mới được."

"Phải rồi, đừng có đăm lủng qua bụng nó sẽ chết ngay, phải đăm sơ sơ như vậy thì nó mới lâu chết, coi mới sướng chứ!"

Hai tên các chú nói chuyện với nhau. Đó là hai kẻ chủ chốt trong vụ hành quyết có thể gọi là hợp pháp nhưng vô cùng phi nhân và dã man thuộc hạng nhất thế gian đó. Hai tên chắc hẳn ở sát nhà nhau. Chắc hẳn là hai tên đó đều có nhiều cộng đồng sinh tồn nhỏ và lớn trong cuộc sinh hoạt ẩm thực và kinh tế hằng ngày. Chính những liên quan hạ đẳng đó thường dễ cấu kết con người với nhau. Đó cũng chính là cái mà xã hội vẫn quen mồm gọi là tình tương thân tương ái.

Luân đau nhói ở trong tim, trong ruột, trong linh hồn, trong suốt cả con người nó. Nó không dằn được nữa. Nhưng Luân không biết ném hòn đá vào ai. Trước kia Luân chỉ có ý định ném vào đầu con chuột cho nó chết ngay tức khắc. Bây giờ Luân chưa quyết định đối tượng. Ném vào con chuột cho nó chết thật nhanh, đành rồi, như ý nghĩ mạnh mẽ căn bản của Luân. Nhưng còn phải ném vào bất cứ ai trong đám đông. Ném vào hai tên chủ mưu Ba Tàu. Ném vào mấy viên cảnh sát không có thái độ. Ném vào người chủ nhà Luân đến giúp việc được mấy tháng nay hay ném vào chính ngay mặt con gái của bà, Mai, đứa con gái học đệ tứ? hay ném vào tất cả? hay ném lên trên trời? ném phủng trời cao? Luân đã sôi máu. Khắp người rung chuyển rất mạnh. Cùng lúc con chuột giựt giựt mấy cái thật mạnh. Máu ứ bật ra khỏi mồm. Nhắm mắt lại, Luân ném mạnh hòn đá lên đầu con vật khốn đốn nhưng không trúng. Luân lại càng sôi máu hơn. Nó thấy quá bất lực và hét lớn.

"Tại sao các ông không giết ngay tức khắc?"

A ha! Ô hô! A ha ha! cả bọn con nít và cả người lớn ở khu Lê Lai lao xao. Mọi con mắt bỗng đổ dồn đến Luân. Luân hoàn toàn bị vây kín bởi một thông đồng đầy đặc, lấp kín và ngu xuẩn của đám đông. Luân không thoát ra được. Mấy nhân viên cảnh sát đang xem tiến về phía Luân:

"Ê cậu kia, cậu định làm loạn đây sao?"

"Không, tôi không phải ở đây. Tôi chỉ là một người đi đường. Tôi không thể chịu thấu cảnh dã man rừng rú phi pháp và cực kỳ vô nhân trong vụ hành quyết này nên tôi có thái độ, hành động và tôi can thiệp."

Cả đám đông cười ồ lên. A ha! Ô hô! A ha ha!

Đợi cho tiếng cười la của đám đông tan dần, viên cảnh sát với cấp bực cao và có vẻ học thức mới hỏi tiếp Luân, giọng mai mỉa, hằn học và khinh bỉ. Trên đời này có biết bao nhiêu kẻ nhân danh cho tối tăm, ngu xuẩn cũng vênh mặt khinh bỉ kẻ khác.

"Ông can thiệp cho con chuột?"

"Thì ông đã thấy."

"Tôi chưa nghe ai nói bênh vực cho một con chuột cống bao giờ, ở các nước văn minh Âu Mỹ, người ta cũng chỉ bênh vực cho những con vật hữu ích nào đó hay ít ra một thân xác to lớn nào đó."

Nói xong, nhân viên công lực trí thức đó ngó thẳng vào mặt Luân, đưa tay nâng nhẹ đôi gọng kính, cố tạo cái vẻ đắc thắng và khoan dung. Đám đông lại chăm chú vào người Luân. Trong một khoảnh khắc, Luân thấy rõ đối tượng của đám đông bu lại ở khu phố này đã chuyển trọn vẹn từ con chuột sang Luân. Luân chỉ biết nhìn chiếc áo sơ mi của nó đã rách một vạt và dính nhiều đất. Những tiếng cười ồ di động từng chụm hai ba cái đầu này đến hai ba cái đầu khác trong đám đông. Cái thông đồng dầy đặc của đám đông càng ngày càng bít bùng. Thái độ độc nhất của người công chính trong trường hợp này là phải yên lặng, yên lặng hoàn toàn. Luân cảm thấy rõ điều đó và cho đó là cách thế phải giữ tương đối khôn ngoan nhất. Nhưng không dằn được trước những tiếng cười ngu xuẩn và khiêu khích không dứt được, Luân trả lời:

"Các ông mà hiểu cái gì. Các ông lầm hoàn toàn."

"Ông hãy nói ngay tôi lầm thế nào. Ý ông muốn bảo con chuột cống có ích hoặc có một thân xác to lớn như con mèo con chó chăng. Ông không biết những thứ bệnh ngặt nghèo do chuột cống gây ra sao? Như trong mùa dịch hạch lăm le Sài Gòn vừa qua, ông có hiểu nguyên nhân và thủ phạm độc nhất là ai không?"

Nói xong, nhân viên lại nâng nâng gọng kính, nhướng đôi mắt ra vẻ đắc thắng và khoan dung hơn. Nhưng Luân phản ứng ngay:

"Ông không được xúc phạm đến tôi bằng cách lập lại và lập lại một cách quá thiếu sót bài vệ sinh khoa học thường thức lớp tư lớp ba."

"Tại ông ngu quá!" Nhân viên đáp cộc cằn, không còn đeo cái mặt nạ khoan dung đối với một thanh nhiên chưa đầy hai mươi tuổi là Luân nữa.

"Chính ông mới ngu vì ông đem cái hiểu biết của một đứa học tiểu học nói chuyện với tôi."

"Vậy xin hỏi trí thức của ông đến đâu?"

"Không đến đâu cả. Không có nghĩa gì cả. Chắc chắn không có nghĩa gì cả. Nhưng ít ra còn dạy cho ông nhiều lắm ông ạ. Đây, thẻ sinh viên đây."

Viên cảnh sát giựt lấy rồi gật gật :

"À, à, sinh viên năm thứ ba y khoa."

Đám đông trở nên yên lặng. Viên cảnh sát nói thao thao, nói lấy nói để, hy vọng nói thật nhiều sẽ lấp kín sự thiếu sót nông cạn của mình:

"À, á, sinh viên, càng chứng tỏ ông ngu. Ông đã làm náo động cả khu phố này, ông đã ném đá vào con chuột cống đang bị người ta đổ xăng đốt. Ông hành động với mục đích gì nếu không phải là ngỗ nghịch hay cố ý gây rối. Ông không khinh tởm thứ chuột này hay sao? Ông học y khoa mà không biết chuột cống là nguyên nhân độc nhất sinh ra bệnh dịch hạch đe dọa ở Sài Gòn này hay sao?"

"Thưa ông tôi biết. Tôi rất nhờm tởm thứ chuột này, Tôi cũng quá biết rằng nguyên nhân chính của trận dịch hạch vừa qua là do loại bọ chét ở trên mình thứ chuột này. Nhưng vấn đề ở đây không phải là vấn đề đó. Xin ông hiểu rõ. Hơn nữa đâu phải bởi chuột cống là nguyên do chính và là thủ phạm để chúng ta - con người - tiêu diệt một cách thù hằn và dã man."

"Chứ cái gì là nguyên nhân chính."

"Thì tôi đã nói chính những con bọ chét trên lưng chuột mới được tạm gọi là nguyên nhân chính. Con chuột đâu có muốn bị thứ bọ chét kia ẩn vào mình nó hút máu và truyền nhiễm. Chính loài chuột cống là nạn nhân kia mà. Hơn thế nữa chính những con bọ chét kia cũng không phải là thủ phạm, con bọ chét có muốn sinh ra làm.... con bọ chét đâu. Con bọ chét có muốn có vi trùng dịch hạch ở trong người đâu. Và con vi trùng dịch hạch có muốn làm... con vi trùng dịch hạch đâu!"

Đám đông lại ngơ ngác không hiểu gì, kể cả viên cảnh sát đang đối đáp với Luân và mấy viên cảnh sát khác. Đám đông cục cựa, nhúc nhích, như một con thú lớn thù lù với cái đầu là viên cảnh sát có vẻ trí thức. Đến khi viên cảnh sát này nhếch mép cười thì toàn thân con thú cũng rung lên: cả đám đông lại cười lên nhao nhao: Ô hô! A ha!

Luân hối hận sao mình không giữ thái độ im lặng ngay từ lúc đầu và cứ để mặc cho mọi việc xảy ra. Luân, Luân, mày có nên im lặng hoàn toàn trên mặt đất này cho đến khi cái bóng của mày nhỏ dần, nhỏ dần, rồi mất hút hay không? Cái đuôi, cái thân của con thú, của thế kỷ này là con – thú–đám–đông rung lên làm cái đầu của nó càng chồm đến phía trước. Thật ra Luân đã hiểu cay đắng rằng con–thú–đám–đông bắt đầu hiện hình khi loài người biết sống thành đoàn thể, xã hội. Viên cảnh sát nói tiếp bằng giọng trấn áp.

"Ông ngỗ nghịch hay cố ý gây rối. Trong cả hai trường hợp, xin mời ông lên xe đến bót. Ở đó ông sẽ thấy lời lẽ thiệt hơn. Tôi có thể cũng không đủ quyền phán xét ông. Nhanh lên, xin mời ông."

Luân nhào tới lượm chính hòn đá nó vừa ném đập mạnh một lần nữa lên đầu con chuột đang ngất ngư vùng vẫy yếu ớt mang đám lửa cháy dở khắp toàn thân. Đám đông hoảng sợ dãn ra. Tất cả lô nhô, xao động. Họ tưởng Luân làm gì. Ai ngờ Luân chỉ đập mạnh hòn đá lên đầu con chuột. Máu tiếp tục búng ra và óc phun tóe ra. Con vật trúng chổ hiểm quật lên một cái rồi lịm luôn. Luân cũng ngất đi nhưng liền đó cảm thấy bình an. Xong, Luân không cần hoặc chưa muốn giải thích hành động của mình thì viên cảnh sát với nhiều người trong đám đông đồng la lớn:

"Này, này, sao ông độc ác và dã man như thế. Vậy mà hồi nãy ông nói ai dã man?"

Cái đám đông cười rồ lên. Luân không biết nói gì thêm. Một cái hố ngăn cách dựng ngược lên trước nó và đám đông. Không còn tình cảnh nào tuyệt vọng hơn tình cảnh không thể giải thích hay bày tỏ gì nữa ở thế kỷ này.

"Nó mất trí!"

"A, thằng điên!"

"Con cái nhà ai tội nghiệp!"

"Trông mặt mày khôi ngô đó chứ, lại sinh viên này nọ nữa."

" Có cái gì điên khùng trong mặt nó!"

"Đồ dã man!"

"Độc ác đến thế là cùng!"

"Đem mà giết nó đi cũng vừa!"

"Đồ quỹ yêu hiện hình."

Không biết bao nhiêu tiếng nói, giọng nói của đàn ông, đàn bà, trẻ con vang vọng đây đó, thốt ra từ cái thân thể nhầy nhụa của con–thú–đám–đông. Tất cả đều đắc ý, tự cho mình là những người bình thường, tốt, trong mọi xã hội trên mặt đất này.

Con chuột cống bây giờ đã hoàn toàn nằm yên một chỗ. Lửa còn cháy lem lém, càng ngày càng bớt khét vì lông lá đã rụng hết. Người ta hoàn toàn không chú ý đến con chuột nữa mà chỉ chú ý đến Luân. Luân là cái tụ điểm cho con mắt đám đông chĩa vào. Thế nhưng Luân không nhức nhối. Luân chỉ hối hận đã không can thiệp cho con chuột sớm như ý muốn, đã không giúp nó trở về bụi cát cho nhanh. Ôi mỗi một giây khắc cực hình trôi qua đối với một con chuột đang bị hành quyết một cách cực kỳ dã man như vậy là một ý nghĩa gì dưới trần gian này và trên cao thâm kia? Vậy mà Luân, mày đã cãi cọ phân bua với con–thú–đám–đông và vô tình để cho những phút đau đớn của con vật khốn đốn kia kéo dài. Những đau đớn đó, cố thể có một ân huệ nào ở trên cao rơi xuống để bồi hoàn không? Mọi con mắt đã hoàn toàn đậm chĩa vào Luân. Thế nhưng, sau đó, dần dần, Luân hết nhức nhối. Nó đứng vững như một hòn núi đặt giữa đại dương, mà chân núi ăn thủng qua ruột trái đất. Bão táp, thủy triều cứ trồi lên lấp xuống. Núi vẫn là núi. Đứng y nguyên một chổ. Luân thật sự đã hết nhức nhối.

"Ê, thôi đi cho kịp giờ." Một viên cảnh sát khác lại nói với Luân bằng một giọng truyền bảo.

"Xin hỏi: ông bắt tôi về lý do gì?"

"Ông phá rối trật tự, thế thôi."

"Thế nào là trật tự, ông?"

"Ông khỏi lý luận ở đây."

"Nhưng tôi phải biết lý do tôi bị bắt."

"Xin ông cứ về bót rồi biết."

Phải nói về bót mới biết. Nhưng Luân đứng vững như núi đá giữa đại dương kia.

Đám đông tan ra, tan ra. Hồi nãy giờ Luân hoàn toàn quên bà Ngạn – mẹ của Mai – và Mai, đứa con gái nó đến kèm học. Luân cứ tưởng hai mẹ con đã vào chợ Bến Thành rồi. Bây giờ Luân đã trông thấy Mai khi nhướng mắt lên một chút về phía trước. Mai đứng một mình tươi mát giữ đám đông hôi hám, dơ dáy. Luân đoán chắc bà Ngạn phải đứng ở ngoài đám đông sợ phiền phức và đang tức giận con gái mình dù là đứa con gái được chiều chuộng. Luân muốn tránh đôi mắt của Mai. Đôi mắt hết sức trong, hết sức xanh, dễ in vào bất cứ ấn tượng xấu tốt nào do xã hội chấp nhận. "Mai ơi, làm sao em hiểu được tôi. Mai hãy đi xa đi và coi như không gặp tôi sáng nay." Luân muốn truyền phóng ý nghĩ đó cho Mai. Rồi Luân đứng một mình, muôn đời một mình. Không cần phải giải thích và phân bua với ai. Luân thấm thía hiểu rằng trong cái số người chịu lê la đến xem cảnh tượng hành quyết rất cực kỳ dã man con chuột cống này - trong số có cả Mai - không ai đứng về phía Luân, hiểu nó. Luân bình tĩnh nói với nhân viên cảnh sát bên cạnh.

"Tôi có xe đạp. Nhờ ông cho lên xe luôn."

"Được rồi, nhưng nhờ ông cho xem thẻ căn cước và trưng binh luôn."

"Được rồi, về bót hẳn hay."

Luân bình tĩnh trả lời, dùng ngay lời một nhân viên khác đã nói với nó. Luân bình tĩnh cho đến phút chót. Đám đông tan dần, tan dần, tan dần. Những người đến chậm đều tỏ vẻ muốn hiểu nguyên nhân và cảnh tượng xảy ra. Một ông người Bắc di cư hỏi:

"Cái gì vậy thưa các ông?"

Một ông khác cũng người Bắc di cư trong đám đông tỏ vẻ rất biết chuyện, lấy giọng kẻ cả, bề trên, đai diện cho đám đông, cho phán xét và tiếng nói cuối cùng, đáp rất ư là gọn:

"Một người điên khùng gì đó."

Luân im lặng, Luân im lặng, Luân im lặng. Luân là môt hòn núi ngầm. Biển đã tràn ngập lên người nó. Bão tố đã tràn ngập người nó đến muôn đời.


Thiên đàng Địa ngục hai bên

Ai khôn thì lại ai dại thì qua
Đêm nằm nhớ chúa nhớ cha
Đọc kinh cầu nguyện kẻo xa linh hồn
Linh hồn phải giữ...

Thằng Tâm mới đọc đến đó thì bọn trẻ dàn ra. Ở khi đất này bọn trẻ đã chế biến một thứ trò chơi của hầu hết trẻ con miền Nam với bài hát đọc được như trên. Đó là trò chơi "Bắt linh hồn" theo thằng Phước hoặc giản dị hơn, cứ lấy theo câu đầu của bài hát như con Nhạn đề nghị, trò chơi "Thiên đàng địa ngục hai bên".

Thiên đàng địa ngục hai bên
Ai khôn thì lại ai dại thì qua

"Này Tâm, dại thì qua cái gì mày?" Thằng Phước hỏi, và chưa kịp để thằng Tâm suy nghĩ trả lời, nói tiếp:

"Dại thì xa chứ?"

"Xa cái gì?" Thằng Tâm cãi.

"Xa địa ngục chứ xa cái gì nữa!"

"Vậy mày nói xa địa ngục là dại à? vì như thế bài hát nói "Ai khôn thì lại Thiên đàng và ai dại thì sa Địa Ngục".Vậy ai cũng khôn chứ có ai dại!"

"Khôn cái gì! Dại cái gì!"

Lão Phồn lên tiếng thình lình làm lũ trẻ mất hồn vía. Chúng không ngờ trong lúc nói chuyện chúng đã xê dịch lại gần túp lều của lão mài dao trong khu đất Mả Tây này. Con Nhạn thất kinh bỏ chạy trước. Sau thấy mấy đứa bạn trai chỉ dang ra thôi, nó từ từ từ tiến lại, núp sau lưng một đứa nhìn ông lão:

"Khôn cái gì! Dại cái gì! lão thích nhất là ăn cơm. Ăn cơm ngon lắm. Tụi bây đứa nào ăn cơm chưa?"

"Chưa!"

"Tôi rồi!"

"Tôi chưa!"

"Tôi ăn hồi năm giờ."

"Tôi chín giờ tối mới ăn. Nhưng mẹ tôi thường cho tôi ăn trước." Con Nhạn nói sau hết.

"Đứa nào ăn cơm rồi thì khôn, đứa nào chưa ăn thì dại , đúng vậy không?" Ông lão vừa nói vừa ngắm nhìn từng khuôn mặt trẻ, vẻ mặt ông nửa thật nửa chơi. Lũ trẻ không hiểu rõ thái độ của ông. Mà chính ông cũng không hiểu ông nói thật hay nói đùa nữa.

Lúc này Ái, chị của Nhạn, cũng vừa tiến đến. Ái được coi như bà tiên đối với tụi trẻ ở khu đất này không phân biệt giàu nghèo hay tôn giáo nào cả. Ái học đệ lục, rất xinh, rất ngoan. Ái nói với Nhạn.

"Mẹ gọi về tắm rửa.”

"Không, em chỉ muốn về ăn cơm thôi.”

"Ừ, tắm xong rồi ăn cơm. Sao bữa nay đòi cơm sớm thế?"

Cả bọn biết ý khúc khích cười. Riêng Nhạn – có lẽ trẻ nhất đám – không biết diễn ý làm sao đành nín thinh.

Thằng Phước lém lĩnh:

"Nhạn nó muốn khôn đó chị Ái ạ!"

Ái không hiểu gì ngơ ngác.

Lão Phồn thấy vậy nói lại:

"Đứa nào ăn cơm thì khôn đứa nào không ăn thì dại chứ không phải gần địa ngục hay thiên đàng gì hết.”

"Ồ vậy thì tụi mình đứa nào cũng khôn hết.” Tâm nói nhanh giữa tiếng cười reo của bọn trẻ.

Ái đứng một mình không hiểu lão Phồn nói chơi hay nói thật. Hình như nói chơi mà cũng hình như nói thật. Cũng như nhiều lời khác của lão mà Ái nghe được.

"Chiều nay mày chưa khôn phải không Nhạn? Chín giờ tối mày mới khôn, tao khôn hồi năm giờ rồi kia!" Phước cất tiếng làm Ái bật cười. Ái dẫn cả bọn đến bức tường đổ ngồi chơi.

Lúc đầu mới dọn nhà đến đây, Ái rất sợ cái Mả Tây này. Với tuổi mười ba, tâm hồn nó thực sự đang nẩy nở cùng với những sự dò hỏi thắc mắc về chính bản thân mình, về ngoại cảnh, về những hiện tượng ở ngoài tầm hiểu biết của cả người lớn. Ái không đời nào dám đi đâu gần Mả Tây. Nó nghi ngờ nhiều thứ. Nào là ma. Nào là bệnh phong cùi mà nó được biết có thể gây ra nếu gặp hơi mả bốc lên khi trời mưa. Nào là thể diện của một đứa con gái... sau cùng nó đã làm quen. Nó thấy tất cả tụi trẻ trong khu đất đều ra đó chơi. Chúng trèo lên mả thả diều. Chúng chơi đạp lon, cút bắt ở giữa những chiếc mả lớn. Có đứa nhà nghèo chiều tối ra nằm ngủ ngay trên mả trần hoặc những cái lăng nhỏ. Ở đây có cây cỏ, có dế, có chuồn chuồn. Đúng là một công viên. Đúng là một ấu viên nếu người ta dựng một tòa nhà, trồng thêm những cây đu, những ghế xích đu, những cái thang tuột cho trẻ. Đặc biệt nhất ở đây đã an nghỉ những linh hồn của nhiều nòi giống. Đầu tiên là mả của tụi lính Tây, lính lê dương đánh thuê cho Pháp như Ý, Đức, Ảrập... trong thời kháng chiến oai hùng và thần thánh vừa qua. Rồi sau đó, không ai cai quản, vùng đất này được dùng để chôn cất cả những xác chết người Tàu, người Ấn, người Ma Lai, người Campuchia, v.v. và dĩ nhiên có cả người Việt. Linh hồn của những kẻ quá cố ắt hẳn đã theo đủ những tôn giáo chính như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo, v.v. nên sau đó dân vùng có khuynh hướng gọi là Mả Lớn hơn là Mả Tây hay Mả Thánh. Vâng, nếu cái nghĩa địa này không rộng lớn lắm ở bề mặt, ở diện tích, ở sự nguy nga của những kiến trúc mồ mả thì ít ra cũng rộng lớn về phương diện linh hồn, đạo giáo như vừa nói. Vào lễ Phật Đản, tụi con nít trong khu đất đã trốn nhà vào đây làm lễ. Vào lễ Giáng Sinh, tụi chúng cũng không từ chối dựng cây Nô-en nơi đây, với cả bánh, trái và nhũng thức ăn hỗn tạp của tụi con nít giàu, nghèo. Đây mới đích thực là một cộng đồng rộng lớn. Cộng đồng xã hội giữa những trẻ con không biết giai cấp. Cộng đồng tử sinh giữa những người chết và người sống (mặc dù hai bên không biết nhau). Cộng đồng tôn giáo, về những kẻ đã khuất được chôn chung trong một khu đất có vòng thành hẳn hoi và về phía rực rỡ nhất của những tâm hồn trong trắng đang hòa vui với nhau trong những dịp lễ lớn của Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Và thật ra nếu có đứa nào chịu tổ chức một đại lễ nào thuộc Bà La Môn giáo hay Hồi giáo hay Ma giáo gì gì cũng được bọn trẻ hoan nghênh mặc dù sự cấm đoán của cha mẹ, những bậc hiện thân dầy đặc của thành kiến. Lâu rồi một vài đứa trẻ con của những Mỹ kiều trắng và đen cũng ra đó chơi. Chúng phá phách không kém những đứa trẻ bản xứ. Chúng cũng trèo lên đầu mả thả diều, hát bô lô ba la, chúng cũng bắt chước bọn trẻ chấp tay cầu Phật mặc dù cha mẹ chúng biết. Thực là một cộng đồng rộng lớn và chân thực mà ở đó không ai muốn chiếm ưu thế cả.

"What do you play here?"

Thằng John bây giờ chạy ra nhập với bọn trẻ lựa một câu dễ nhất để hỏi nhưng tụi trẻ bản xứ không tài nào biết trả lời kể cả Ái, học đệ lục ban Anh Văn. Dù vậy thằng John cũng nhập bọn cố gắng chơi chung một cách thật hòa hợp, thân mật.

Ai khôn thì lại, ai dại thì qua.
Đêm nằm nhớ chúa nhớ cha
Đọc kinh cầu nguyện…

Đọc đến đó thì thằng Tâm quay sang hỏi lão Phồn:

"Thưa ông. Ông đã bao giờ đọc kinh cầu nguyện chưa?"

Ông lão chỉ nghe được tiếng chưa rồi đoán chừng đáp:

"Chưa, lão chưa… ăn cơm. Lão thích nhất là ăn cơm. Ăn cơm rất ngon.”

Ái chăm chú nhìn lão Phồn, nhìn cái gian nhà lá dừa dựng sát bên vòng thành nghĩa địa như sợ gió bay. Như một số nhà của những phu xích lô, thợ hồ. nhưng những người nghèo này chỉ dựng nhà ở mặt tường ngoài của nghĩa địa. Còn nhà của lão Phồn ở ngay bên trong.

"Thưa ông, ông ở đây lâu chưa?" Ái hỏi.

"Gần hai mươi năm cháu ạ!" Ông lão dịu giọng.

"Sao ông không bệnh? Ông không sợ bệnh phong cùi ở hơi mả sao?"

"Bệnh sao được. Phật, Trời phải phù hộ chứ. Lão chỉ thường mắc phải một thứ bệnh.”

Ái chưa kịp hỏi thì Phước đã xen vào, vẻ hối hả như sợ lây bệnh:

"Thưa ông bệnh gì vậy?"

Lão Phồn nhìn ra cái mả lớn ở ngay trước nhà lão. Cái dáng lão xiêu vẹo trong chạng vạng đi một hơi thất sắc, xê ra. Ái chú ý thấy một cái chén và một đôi đũa úp trên đầu mả, sau cái thánh giá. Ái biết ngay đó là tất cả đồ dùng để ăn cơm của lão.

"Thưa ông bệnh gì vậy?" Ái hồi hộp hỏi lại.

"Bệnh đói cháu ạ!"

Ái, Nhạn, Tâm, Phước và cả John sau đó đều bật cười. Ái biết Lão Phồn đói thật nhưng Ái không hiểu thật ra ông có ý hài hước không? Nhìn khuôn mặt lạnh như bàn thạch của ông lão, Ái không đoán được mảy may ý nghĩ của ông:

Thiên đàng, Địa ngục hai bên
Ai khôn thì lại…

Tâm chưa dứt lời thì Phước nhìn ông lão:

"Thưa ông Thiên đàng là gì?"

"Thưa ông, Địa ngục gì ạ!" Con Nhạn cũng bắt chước hỏi theo.

"Ông tin có ma không ông? Ông gặp ma ở đây chưa?" Ái không để Lão Phồn trả lời, hỏi xen vào.

Ông lão loạng choạng sách một cái đấu ngắn bước ra phía mả, nơi có phơi cái chén và đôi đũa. Lão kê sát ghế vào thành mả, ngồi xuống thì vừa tầm với cái chén và đôi đũa. Cái mả biến thành bàn ăn.

"Thưa ông Địa ngục là gì ạ?" Phước hỏi lộn câu hỏi của Nhạn.

"Thưa ông Thiên đàng là gì ạ?" Nhạn đành phải hỏi câu hỏi của Phước.

Ông lão chưa biết trả lời sao thì Tâm đã đọc mấy câu hát.

Đêm nằm nhớ chúa nhớ cha
Đọc kinh cầu nguyện kẻo xa linh hồn
Linh hồn phải giữ linh hồn
Đến khi…

Cả bọn – kể cả Ái – đồng thanh:

Đến khi gần chết được lên Thiên đàng

Cả bọn im lặng. Nhạn liếng thoắng:

"Thiên đàng ở đâu hở ông?"

Tâm không mong gì ông lão trả lời nên hát lại:

Thiên đàng, Địa ngục hai bên
Ai khôn thì lại ai dại thì qua

"Qua cái gì mày? xa chứ, bắt tao chữa lại mãi sao? Nghe đây:

Thiên đàng Địa ngục hai bên
Ai khôn thì lại ai dại thì ra”

Bấy giờ ông lão mới lên tiếng như trở lại điệp khúc:

"Khôn cái gì? Dại cái gì?"

Nghỉ một lát lão tiếp:

"Địa ngục với Thiên đàng ở đâu mà chẳng có.”

Cả bọn chụm lại lắng nghe, kể cả John, tưởng ông lão sắp giảng nghĩa.

"Lão thích nhất là cơm. Ăn cơm ngon nhất.”

Câu nói của lão làm cả bọn cụt hứng, cười bù. Nhưng chợt lão tiếp:

"Hãy tìm đâu cho lão một chén cơm, một con cá và nếu được một xị rượu lão chỉ ngay cho.”

"Thưa ông, ông chỉ ngay cái gì vậy?" Bọn trẻ đồng nói, quên hẳn những câu hỏi của chúng chưa được ông lão trả lời. Chỉ một mình Ái nhớ lại.

Khuya đó lão Phồn kiệt sức gục đầu bên thành mả.

Nước giải chảy một dòng đặc trên thành xi măng lấp lánh ánh trăng non. Lão đã kiệt lực trong suốt một ngày mài dao mà không kiếm ra khách. Chỉ có một mình Ái lẻn ra đây với một đĩa cơm, một chén thịt hầm và một ly rượu thuốc rót trộm của ba nó. Chỉ có một mình Ái chứng kiến cảnh phục sinh kỳ diệu của lão Phồn. Một sự phục sinh thực sự chứ không phải trong cổ tích hay thuộc loại thần thánh. Và lần đầu tiên trong thảm cỏ xanh nhung của tâm hồn Ái mơ hồ vẽ ra ý niệm đầu tiên về biên giới thô sơ nhưng nền tảng biết bao nhiêu giữa Thiên Đàng và Địa Ngục trên thế gian này.
Nguồn: Tập truyện ngắn Xóm chuồng ngá»±a của Nguyá»…n Đức SÆ¡n, nhà xuất bản An Tiêm ấn hành lần thứ nhất tại Sài Gòn tháng 06 năm 1971. Tác giả giữ bản quyền. Bản Ä‘iện tá»­ do LÆ°u Đức Tiệp thá»±c hiện, talawas biên tập.