trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
24.1.2008
Hà Vũ Trọng
Guerrilla Girls – Những nữ du kích trong nghệ thuật
 
Năm 2007 đánh dấu sự nâng cao ý thức trong các thiết chế nghệ thuật. Bảng danh sách năm nay về những cuộc triển lãm chính, nhiều sách vở và hội thảo về nghệ thuật nữ quyền đang phản ánh sự trỗi dậy của các nữ giám tuyển, các sử gia nghệ thuật, và nổi bật là giới bảo trợ đang thực hiện công cuộc thay đổi những thiết chế từ ngay bên trong. Có thể kể ba trung tâm nghệ thuật chính: Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại ở Los Angeles, Bảo tàng Nghệ thuật ở New York, và Bảo tàng Brooklyn đều có chương trình và sự kiện lớn dành cho tầm ảnh hưởng đến lịch sử của phong trào nữ quyền - một phong trào tác động lên quá khứ, hiện tại và trong tương lai. Nữ nghệ sĩ lừng danh Judy Chicago nhấn mạnh: “Phong trào nữ quyền những năm 1970 không chấm dứt, mà nó đã lan rộng khắp thế giới. Tác phẩm nữ quyền sản sinh ra có tính toàn cầu – và qua những cuộc trưng bày này ta đối diện với thế giới nghệ thuật New York – đó là phong trào nghệ thuật quan trọng nhất ở cuối thế kỉ 20”. Trong lãnh vực tư tưởng, Simone de Beauvoir từ năm 1949 đã viết cuốn Giới tính thứ hai (Le Deuxième Sexe) ngày nay được coi như sách gối đầu giường cho những người bênh vực nữ quyền. Trong văn học, nữ sĩ Doris Lessing từ 1962 đã viết tiểu thuyết tranh đấu cho nữ quyền Sổ tay hoàng kim (The Golden Notebook) mà 45 năm năm sau Hàn lâm viện Thuỵ Điển mới trao giải Nobel cho bà ở tuổi 88.

Hãy giải phóng những nghệ sĩ nữ!
Các bảo tàng trên khắp thế giới đang giam họ trong nhà kho, không trông thấy.
Yêu cầu các bảo tàng trưng bày thêm nghệ thuật của phụ nữ ngay bây giờ!
Một trong những nhóm nghệ thuật nữ quyền mà hoạt động dấn thân của họ làm thay đổi, khuấy động về mặt nghệ thuật, văn hoá, chính trị và xã hội, phải kể nhóm Guerrilla Girls (Những Nữ Du kích). Làm sao chúng ta nhận diện ra họ? Đây là lời báo danh: “Chúng tôi, những kẻ phục thù (avengers) đeo mặt nạ của trào lưu nữ quyền trong truyền thống hành hiệp vô danh như Hiệp Sĩ Rừng Xanh Robin Hood, Người Đàn Bà Kì Diệu Wonder Woman và Người Dơi Batman. Làm sao chúng tôi lại bày tỏ sự phân biệt giới tính, kì thị chủng tộc và sự thối nát trong chính trị, nghệ thuật, phim ảnh và văn hoá đại chúng?”.

Guerrilla Girls có thể là bất cứ ai và họ có thể ở khắp mọi nơi.


Từ guerrilla đến gorilla

Là những nghệ sĩ nữ quyền thuộc mọi lĩnh vực, nhưng họ là những guerrilla trước khi đội lốt gorilla (tinh tinh hay khỉ đột) vì thành viên nhóm này luôn đeo mặt nạ tinh tinh khi xuất hiện. Lịch sử của nhóm Guerrilla Girls khởi đầu năm 1985 ở New York trong dịp Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York (MoMA) triển lãm nhằm điểm lại nghệ thuật đương đại với tiêu đề: “Tổng quan quốc tế về hội hoạ và điêu khắc”. Trong số 169 nghệ sĩ tham dự, chỉ có 13 phụ nữ. Nhóm Guerrilla Girls đã biểu tình chống sự bất quân bình này ngay trước viện bảo tàng. Các nữ du kích này đeo mặt nạ, những chiếc mặt nạ tinh tinh được gợi hứng từ King Kong, một hình ảnh thích hợp về sự thống trị trị cường mạnh của giống đực mà hình tượng King Kong như là sự hiện thân đối địch và kẻ “khủng bố nghệ thuật” này làm đám đông kinh hãi, vừa gây nên quang cảnh buồn cười về sự phân bố quyền lực.

Nhóm “hiệp nữ” Guerrilla Girls khoác danh xưng của những nữ nghệ sĩ và nhà văn nữ nổi tiếng đã mất (như Frida Kahlo, Eva Hesse, Kathy Kollwitz, Alice Neel, Paula Mordersohn-Becker,...) nhằm gây chú tâm đến thành tựu của các tên tuổi này. Họ che giấu căn cước và xoáy vào những vấn đề hơn là nhân thân của mình. Giữa những năm 1985 và 2000, gần 100 phụ nữ đã lao vào làm việc tập thể một cách vô danh với những dự án để làm cho phong trào nữ quyền tươi vui và hợp thời, họ chế tạo nhiều bích chương, sticker, bảng quảng cáo, những hành động nơi công cộng, tổ chức việc biểu tình, thư phản kháng, tạo ra những giải thưởng giả để phơi bày cơ chế thị trường nghệ thuật...

Ở bước ngoặt sang thiên niên kỉ 2000, đã có ba nhóm tách ra độc lập và vừa liên hiệp để tạo nên những mặt trận mới cho nữ quyền. Những nhóm này do các thành viên sáng lập, dùng những văn bản, và câu chữ có tính khiêu khích, các tác phẩm thị giác và châm biếm phục vụ cho trào lưu nữ quyền và sự thay đổi xã hội. Họ viết nhiều sách và tạo nên những dự án trong thế giới nghệ thuật, điện ảnh, chính trị và văn hoá đại chúng. Họ đi khắp thế giới, nói chuyện về những vấn đề và kinh nghiệm riêng của mình trong tư cách những kẻ phục thù đeo mặt nạ, tái tạo chữ “f”: feminism đi vào thế kỉ 21. Họ thành lập một đoàn kịch công du khắp nơi, khai triển những vở kịch mới độc đáo, những màn trình diễn và lớp sáng tác, những hành động kịch nghệ trên đường phố và những chương trình chuyển thể kịch bản về lịch sử của phụ nữ, đồng thời nêu ra sự thiếu cơ hội cho phụ nữ và nghệ sĩ da màu trong những ngành nghệ thuật trình diễn. Các hoạt động của nhóm khác chú trọng đến việc đấu tranh với sự kì thị giới tính, chủng tộc và sự bất công xã hội, thăm dò các chủ đề cấm kị khác cùng những hoạt động tương tác trực tiếp qua hệ thống mạng.

Phụ nữ có cần phải trần truồng để được vào Bảo tàng Metropolitan? 16 năm sau... Có gì thay đổi? 1-9-2004, nhóm Guerrilla Girls đã đếm lại, trong khi họ đinh ninh rằng mọi thứ đã được cải thiện. Điều ngạc nhiên là tỉ lệ ít hơn 3% số nghệ sĩ trong những gian Hiện đại và Đương đại trong Bảo tàng Metropolitan là phụ nữ (so với 5% năm 1989), trong khi 83% bức khoả thân là nữ (85% năm 1989).

Một trong những bích chương nổi tiếng dán đầy các trạm xe buýt ở New York năm 1989 với cái tít: “Phụ nữ có cần phải trần truồng để được vào Bảo tàng Nghệ thuật Thủ đô không?” (Do women have to be naked to get into the Metropolitan Museum?). Nhóm Guerrilla Girls đã đếm số các hình tượng khoả thân nam và khoả thân nữ trong các nghệ phẩm, cũng như các con số nghệ sĩ nam trong bộ sưu tập này. Trong khi chưa có đến 5% số nghệ sĩ trong Bảo tàng này là nữ, nhưng có đến 85% hình khoả thân là nữ. Thiết kế của tấm bích chương này đã bị Quỹ Nghệ thuật Công cộng từ chối, vì vậy các Guerrilla Girls đặt nó như tấm quảng cáo thuê tại các trạm xe buýt ở thành phố New York. Năm 2005, các Guerrilla Girls đã quay lại để đếm, và họ phát hiện rằng giờ đây càng có ít nghệ sĩ nữ được trưng bày tại bảo tàng Metropolitan, nhưng có thêm những hình tượng khoả thân nam. Một bích chương khác nổi tiếng nhất của nhóm là “Những lợi thế khi làm một nghệ sĩ nữ” (The Advantages of Being a Woman Artist) phổ biến khắp thế giới và được in ra bằng 18 thứ tiếng.

Những lợi thế khi làm một nghệ sĩ nữ:
  • Làm việc mà không bị áp lực về thành công
  • Không phải triển lãm chung với nam giới
  • Có lối thoát khỏi thế giới nghệ thuật bằng nghề tự do cả bốn hướng
  • Biết rằng sự nghiệp của bạn có thể thăng hoa sau khi bạn 80
  • Yên trí rằng bất cứ loại nghệ thuật nào bạn làm cũng sẽ bị gán nhãn hiệu nữ tính
  • Không bị mắc kẹt vào chức vụ giảng dạy tại chức trọn đời
  • Nhìn thấy ý tưởng của mình tiếp tục sống sống trong tác phẩm của người khác
  • Có cơ hội chọn giữa sự nghiệp và chức năng làm mẹ
  • Không bị nghẹt thở vì những điếu xì-gà to tướng hoặc vẽ trong bộ đồ Ý cầu kì
  • Có thêm thời gian làm việc hơn khi người bạn đời bỏ rơi bạn để theo một người trẻ hơn
  • Được bao gồm trong những phiên bản của lịch sử nghệ thuật có nhuận chính
  • Không phải chịu sự bối rối khi được gọi là một thiên tài
  • Có chân dung trong các tạp chí nghệ thuật mang lốt con tinh tinh
Thông điệp phục vụ công cộng từ Guerrilla Girls lương tâm của thế giới nghệ thuật
www.guerrillagirls.com


Chị em chung một tinh thần

Lịch sử là một văn bản lưu hành và liên tục thay đổi, không chỉ là một chủ đề cho sự sửa sai và xác minh. Lịch sử nghệ thuật được viết bởi nhóm Guerrilla Girls chắc hẳn không bao gồm nhiều nghệ sĩ nam quen thuộc. Thay cho việc giảm trừ nghệ thuật thành một ít “kiệt tác” (masterpiece) và “thiên tài” (genius), đó chính là sự tạo chỗ cho số nhiều. Guerrilla Girls không đòi hỏi 50% số nghệ sĩ trong những triển lãm phải là nữ hoặc là thành viên của các nhóm thiểu số, mà chỉ thuần nêu lên rằng con số thực sự chưa tới 10%. Họ đã phản kháng lại ngôn ngữ phê bình nghệ thuật, họ phản đối khuôn mẫu phụ quyền của “master” trong “masterpiece” cho một bộ lạc của những linh trưởng thèm khát. Chữ Latin genius (thiên tài) cũng như genos là nguồn gốc, đặc biệt là nguồn gốc sinh học, từ đó chỉ tiên tổ mang tính thần linh, rồi bị nam giới độc chiếm và giải thích một cách sai lầm rằng chỉ có giống đực mới có khả năng sinh dòng giống và sáng tạo (điều này giải thích tại sao “thiên tài” hiếm khi dùng cho phụ nữ), còn giống cái chỉ có khả năng như một bình chứa rồi đẻ (quan niệm này ở phương Đông trước đây được công thức hoá thành “cha sinh mẹ dưỡng” hoàn toàn sai lạc và trái với khoa học ngày nay là bào thai được hoàn thành bởi nhiễm sắc thể của cả giống đực và giống cái).

Nhóm Guerrilla Girls lập luận rằng nghệ thuật do nữ giới và các nghệ sĩ thiểu số tạo ra thực sự khác với những đồng nghiệp nam giới. Nếu nghệ thuật là một phản ánh của kinh nghiệm, và nếu chúng ta đồng ý rằng tính dục và chủng tộc ảnh hưởng đến kinh nghiệm này, vậy theo hợp lí, thì nghệ thuật của họ cũng phải khác biệt. Tất cả những gì nhóm Guerrilla Girls mong muốn là bảo tàng và gallery nghệ thuật cần phải phản ánh bức tranh đích thực của lịch sử văn hoá, chứ không đơn thuần là một bộ phận do nam giới đóng góp, và rồi tạo ra các giới buôn bán, giám tuyển, phê bình, sưu tập chịu trách nhiệm cho sự mất quân bình này.


Một số bích chương Guerrilla Girls tại triển lãm Venice Biennale 2005

Chào mừng Triển lãm Lưỡng niên Nữ quyền!
  • Gian hàng Pháp có màn độc diễn do một người đàn bà! Ai cần quan tâm rằng đó là lần đầu trong 100 năm!
  • Cuối cùng có đạo diễn đàn bà! Ai cần quan tâm nếu họ được giới thiệu là đám con gái Tây Ban Nha trong hội thảo báo chí!
  • 38% nghệ sĩ nữ trong triển lãm tập thể được giám tuyển! Ai cần quan tâm khi bao nhiêu gian hàng quốc gia chỉ trưng bày đàn ông!
  • Có nhiều quốc gia hơn bao giờ hết! Ai cần quan tâm nếu châu Phi, ngoại trừ Morocco và Ai Cập, là Hoa Kì (vắng mặt trong nghệ thuật)!

Những nữ nghệ sĩ của Venice ở đâu?
- Phía dưới đàn ông.

Sự ra đời của chủ nghĩa nữ quyền
Bình đẳng bây giờ!
Họ đã làm nữ quyền nhìn tốt. Rất tốt!

Guerrilla Girls cho rằng thế giới cần một vũ khí mới: Bom Estrogen/kích thích tố nữ

Hãy thả quả bom đó lên Washington và rồi những gã trong chính quyền sẽ quăng súng, họ ôm lấy nhau, nhận đã phạm mọi lỗi lầm, cuối cùng họ bắt tay làm việc về nhân quyền, giáo dục, y tế và chấm dứt sự nghèo đói trên thế giới. Có còn dư các viên estrogen? Hãy gửi cho Bush, Cheney, và Rumsfeld, 1600 Pennsylvania Ave. Washington DC 20500

Cởi xiềng cho các đạo diễn nữ!
Phụ nữ chỉ đạo diễn 7% trong số 200 phim hàng đầu của năm
Chưa từng đạo diễn nữ nào được giải Oscar.
Chỉ có 3 người được đề cử giải này

Phụ nữ ở Hoa Kì chỉ thu nhập 2/3 so với nam giới.
Nghệ sĩ nữ chỉ thu nhập 1/3 so với nam giới.

Trang một bìa sách: Sách bạn cùng giường của Guerrilla Girls về lịch sử nghệ thuật phương Tây

Một trong những tấm bảng chống kĩ nghệ tặng thưởng của Hollywood, vạch ra những bất công trong việc trao giải thưởng, kì thị da màu và giới tính.

Tượng Oscar chính đáng về mặt cơ thể học.
Hắn da trắng và giống đực, giống hệt những kẻ thắng giải!
  • Đạo diễn xuất sắc nhất chưa từng thưởng cho một người đàn bà
  • 94% các giải thưởng về kịch bản trao cho đàn ông
  • Chỉ có 3% giải thường về diễn xuất trao cho người da màu


Tài liệu tham khảo
Nguồn: Mỹ Thuật và Đời sống, số tháng 10/2007