trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
15.9.2007
Hoàng Ngọc Hiến
Nụ cười người lính Thời máu xanh
 
Sau khi cởi áo lính, Nguyễn Thuỵ Kha viết lời tự bạch. Đó là bài thơ “Cởi” được tác giả chọn làm bài thơ – đề từ cho tập thơ Thời máu xanh:

Toàn bài tự bạch giản dị như hai câu mở đầu của nó:

Thế là tôi đã cởi áo lính
Một thanh xuân vô tư

Trước khi mặc áo lính Thuỵ Kha là “một thanh xuân vô tư”. Cởi áo lính anh muốn trở lại tuổi thanh xuân, muốn “hồi sinh tuổi đôi mươi hồn nhiên”. Nhưng đã muộn.

Ôi thanh xuân cỏ dại ngụt men
Mọc lang thang khắp thời gian xứ sở
Tôi không tiếc, nhưng bây giờ tàn úa…
(“Bụi”)

Tuy nhiên, chưa phải là vô vọng. Bỗng những ký ức “hồi sinh và hát”, “chợt cháy lại thanh xuân”… Lửa thanh xuân loé sáng và tắt. Lại bùng lên và tắt… Nhưng không bao giờ tắt ngấm.

Vẫn thói quen ở rừng
Chúng tôi nhóm lửa
Đêm cuối đông gió lạnh tràn phố xá
………
Lát nữa lại đi xa
Những người lính cũ
Ngồi sát nhau xoè tay vào lửa
Lòng bập bùng thương nhớ cánh rừng xưa
Có Trường Sơn hiện giữa phố Vân Hồ
Cái ngọn lửa chẳng thế nào giấu giếm
Bất cứ ở đâu cũng hết mình cháy sáng…
(“Sưởi lửa”)

Cởi áo lính là “cởi năm 72 đẫm máu”, cởi “năm 75 đẫm máu”, cởi “năm 79 đẫm máu”…

Tôi cởi năm 72 đẫm máu
Vương một sợi diễm xưa

Mùa hạ 72, người lính có mặt ở Cổ thành Quảng Trị.

Thành cổ nát tan tành cùng hàng phượng
Dọc đường Nguyễn Hoàng mà em vẫn hát “Diễm xưa”
Hương ơi! áo dài trắng cây ghi-ta bé bỏng
Chai la-de đầu tiên anh uống cùng đá lạnh
Tanh nồng mùi máu, mùi xương
……………………………….
Cái giọng khàn khàn giai điệu lạ lẫm
Đã hoà em vào trong ký ức của anh

Hoà cả mùa hạ 72 cùng đồng đội trẻ măng
Những binh nhì hy sinh ngày lính mới
Mưa vẫn hay mưa… nắm cơm thiu vắt vội
Diễm xưa… Quảng Trị xưa… mùa hạ xưa …
Còn mất đến bao giờ?
(Biệt trăm năm, [1] “Mùa hạ diễm”)

Lời trần tình của tác giả:

“… Tôi đã hát thầm ‘Ướt mi’ bao lần để đến mùa hè đỏ lửa 1972 – khi là người binh nhì ở mặt trận Quảng Trị sau khi tốt nghiệp đại học, tôi mới biết thêm ‘Diễm xưa’, ‘Biển nhớ’, v.v… của Trịnh Công Sơn. Nhưng lạ hơn là nghe được ‘Đại bác ru đêm’ từ một đêm đen kịt, sũng nước của mùa mưa năm ấy. Giai điệu lời như cứa vào đêm, như cắt chiến trường ra từng mảnh vụn buồn bã: ‘Đại bác đêm đêm dội về thành phố - Người phu quét đường dừng chổi lắng nghe… Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng… Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn… Hàng vạn chuyến xe claymoi, lựu đạn… từng vùng thịt xương có mẹ có em’. Đêm ấy không hiểu những người lính cộng hoà nghe giai điệu này sẽ nghĩ gì về cuộc chiến tranh mà họ đang có mặt ở một phía. Riêng chúng tôi những người lính Bắc kỳ thì tự nguyện nhận thêm vào con tim đầu duy lý của mình một phía nhìn chân thực về cuộc chiến mà khi ấy không thể nào có được trong các hành khúc của các nhạc sĩ miền Bắc. Và tự nhiên thấm thía hơn một cái gì nhân bản, một cái gì thân phận ở cõi người. Và bước tiếp…” [2]

Thế là năm 72 đẫm máu “vương một sợi diễm xưa”. Cái sợi mong manh và tinh diệu này đã làm Thuỵ Kha thay đối cách nhìn về chiến tranh, cảm nhận sâu sắc thân phận con người của những người lính ở cả hai phía. Thuỵ Kha xem “Diễm xưa” chợt nghe ở chiến trường Cổ thành khốc liệt như một cái mốc để bước tiếp…

Tôi cởi năm 75 đẫm máu
Rượu uýt-sky thơm nhức mùa mưa.

Lại “đẫm máu”. Lại “mùa mưa”. Một Thuỵ Kha “cảm giác mạnh”, “phóng túng”. Thuỵ Kha thích uống rượu mạnh. Nhưng “mùa mưa” “đẫm máu” này, rượu uýt-xki thơm nhức

Tôi cởi những thập niên máu xanh
Đến bao giờ máu tôi đỏ lại.

Chưa biết “đến bao giờ” nhưng le lói hy vọng “máu tôi đỏ lại”. Quãng đời lính chiến của Thuỵ Kha được gọi là “thời máu xanh”. Trong những bản trường ca của Thuỵ Kha, màu xanh có nhiều ý nghĩa: ”trời xanh”, “biển xanh”, ”tổng phổ xanh”, “bời bời lúa xanh”, “khúc sông xanh”… nhưng “thời máu xanh”, “những thập niên xanh”, “giọt máu xanh”, “độc hành xanh”… đã trở thành một chùm ẩn dụ mà ý nghĩa biểu trưng được tạo ra bởi một loạt liên tưởng: áo xanh của lính Trường Sơn hoà vào sắc xanh của rừng Trường Sơn, những năm tháng cơ cực, “sắn mọc xanh khắp Trường Sơn xanh” đã nuôi sống họ, cả lá sắn xanh “vò”,”ủ”, “muối thành dưa” đã giúp họ cầm hơi…, nhìn bộ mặt xanh xao ví đói khát và sốt rét của họ, ngờ rằng máu trong huyết quản họ có khi không phải là “máu đỏ”… Mỗi người lính Trường Sơn là một “giọt máu xanh”. Và “những giọt máu xanh/ chảy lặng lẽ trên thân hình bán đảo” (“Máu xanh”). Bản trường ca của Thuỵ Kha là những suy ngẫm trả lời câu hỏi “Đến bao giờ máu tôi đỏ lại”.

Bài thơ – tự bạch được chốt lại bằng ba nỗi niềm của người lính Thuỵ Kha, cả ba đều mang sự ám ảnh của cái chết:

Nỗi đau của anh: “Thật đau đớn khi làm lính mà không chết”

Nỗi buồn của anh: “Thật đau buồn khi làm lính mà lên tướng”.

Không khỏi liên tưởng đến một câu thơ Hán cổ, câu thơ mang sự ám ảnh “vạn cốt khô”.

Niềm hạnh phúc của anh: “Thật sung sướng khi được chết/ như một thường dân”.

Ngay quan niệm của người lính về hạnh phúc cũng vẫn xoay quanh chủ đề cái chết.

Về những người lính “coi cái chết nhẹ như lông hồng”. Nguyễn Thuỵ Kha có cách nói riêng của anh:

Các anh trong veo như mưa
Nhập ngay về đất
Khi người lính tự nguyện chết
Họ đâu biết ai còn sống đến hôm nay.
(“Trước nghĩa trang Núi Bút”)

Cũng có những người nhắm mắt không yên:

Có người “đêm qua nhắm mắt”, bài thơ “vẫn mở trừng trên khung báo máu loang” (xem “Khung báo
góc rừng”)

Ai ai cũng nghĩ ngợi về cái chết, không thể ngoại trừ những người lính Thời máu xanh. Họ đến Trường Sơn… “chia nhau cuộc đời”, “chia nhau cái chết” (Chính Hữu)

Tránh cái chết do bom đạn, ngoài kinh nghiệm lính còn có sự may rủi. Làm thế nào thắng cái chết ngay trong tâm tưởng? Ở những người lính Trường Sơn có những sức mạnh nào còn mạnh hơn cái chết? Đọc thơ viết về chiến tranh của Thuỵ Kha tôi chợt nghĩ đến một suy tưởng của Thomas Mann về “yêu” và “chết”:

Tình yêu đứng đối lập với cái chết. Chính tình yêu, chứ không phải lý trí, mới mạnh hơn cái chết. Chỉ tình yêu, chứ không phải lý trí mới cho ta những tư tưởng êm ái. Và chỉ có từ tình yêu và những tư tưởng êm ái hình thức mới đến…” [3]

(Tôi hiểu hình thức ở đây là sự diễn đạt hoàn hảo, trọn vẹn nhất những “tư tưởng êm ái” -HNH).

Trong Thời máu xanh, tình yêu và tình đồng đội là những “tư tưởng êm ái” mạnh hơn cái chết. Cũng phải nói thêm rằng bản thân “hình thức thơ” của tác phẩm này mạnh hơn cái chết. Rất có thể nhờ khát vọng yêu, nhờ tình đồng đội, nhờ cảm hứng thơ mà Thuỵ Kha sống sót. Nhưng giả sử như không may anh “nằm xuống” thì tình yêu, tình đồng đội trong thơ anh vẫn còn lại.

Hình như Thuỵ Kha đi chiến trường để yêu.

Bom tuôn rồi lại bom cày
Tiêng em “dạ” vẫn nhẹ lay vào hồn
(“Tôi yêu nơi ấy”)

“Tiếng hát át tiếng bom”. Hoá ra “tiếng em” còn mạnh hơn tiếng hát. “Tình em” lại còn diệu kỳ hơn “ tiếng em”:

Chiến trường dốc ngược cao thêm
Tình em lá vẫn đỏ nguyên đỉnh rừng
(nt)

Biểu trưng “lá đỏ” bất hủ của Nguyễn Đình Thi đã được biến hoá thần tình trong câu thơ Thuỵ Kha (tính từ “đỏ” được động từ hoá).

Trong hào khí chiến công có tiếng hát của “em”.

Hết ngày mưa đơn vị chiếm điểm cao
Em lại đến bàng hoàng trong nắng
Cao mênh mông là câu hò xứ Quảng
…………………………………….
(Biệt trăm năm, “Điệp khúc mùa thu”)

Câu hò gợi kỷ niệm mùa thu trở thành điệp khúc mùa thu. Và điệp khúc là cầu nối những chiến công.

Điệp khúc mùa thu ngân dài đến mùa đông
Mặt trận càng lan sâu, điệp khúc càng tươi tắn
Đường chúng tôi đi đến ngàn ngàn trận đánh
Có điệp khúc làm cầu nối giữa những chiến công

Trở lại chiến trường xưa Cổ thành Quảng Trị, người lính chỉ thấy ngổn ngang đổ nát và nhớ lại ”mùa hè ấy gạch chảy ra như máu”…, chợt gặp lại “em” ngày ấy và bức tranh điêu tàn bỗng sáng loà:

Em làm chi? Em xếp gạch đằng xa
Em ghép lại mặt trời mùa hè ấy…
(“Nhớ nắng”)

Cuối cùng chỉ có em là niềm an ủi cho “dĩ vãng trẻ măng”, “dĩ vãng binh nhì”… ”suốt đời không gặp lại”.

Trong tập Thời máu xanh, nhiều bài thơ thực sự là “tình ca”. Thuy Kha nói với tôi một trong những ca khúc hiện đại anh thích nhất là bài “Tình em” của Huy Du (Thơ Ngọc Sơn). Mô-típ chủ của bài hát bất hủ này:

Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn mầu xanh.
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi

Có gì đâu em ơi!
Tình yêu là sự sống…

Trong tập tiểu luận Nguyễn Thiên Đạo, nhạc sĩ bị giời đầy [4] , ở phần phân tích vở ôpêra Mỵ Châu-Trọng Thuỷ, cảnh 4, giới thiệu những giai điệu tình ca Mỵ Châu-Trọng Thuỷ, Nguyễn Thuỵ Kha nhận định: “Tình ca là bất tận, bất tử” (tr. 130), “tình ca nâng đỡ sự chết” (tr. 132), tình ca cao hơn mọi âm mưu chiến tranh và gian kế chính trị; kết luận của cảnh 5, cảnh cuối cùng là: tình yêu của Mỵ Châu “đã hoá giải hết mọi âm mưu, mọi căm thù, mọi ân oán”, “chỉ có tính yêu là vĩnh cửu” (tr. 133).

Trong thơ của Nguyễn Thuỵ Kha tình đồng đội cũng “êm ái” và bất tử như tình yêu.

Đi qua đời lính dài thử thách
Đôi khi muốn gục ngã bên đường
Mỗi đồng đội lại như cột mốc
Như cây bên lối mòn đỡ tôi thuở Trường Sơn
(Biệt trăm năm, “Cõi đồng đội”)

Ra đi bao người tốt
………………….
Nhắm mắt rồi hồn vẫn luôn có mặt
Trong những người còn lại hôm nay
(“Đêm rừng cây chết đứng”)

Câu thơ Thuỵ Kha “rưng rưng niềm đồng đội”... Trong chiến tranh tình đồng đội đỡ người lính không “gục ngã”. Sau chiến tranh, “hồn đồng đội” đỡ người lính khỏi sa ngã. Cả trong chiến tranh và sau chiến tranh tình đồng đội mạnh hơn cái chết.

Giới thiệu bài “Nhạc điệu”, một thứ tuyên ngôn thi pháp của Xuân thu nhã tập. Nguyễn Thụy Kha nhấn mạnh một “ý tưởng cao sang” về quan hệ giữa Nhạc và Điệu.:

Điệu không hoà theo Nhạc chỉ là Điệu giả
…………………..
Nhạc phát sinh muôn ngàn khúc điệu, tiết tấu trong vạn vật ,trong văn thơ, nghệ thuật, trong tư tưởng , hành vi.
…………………..
Không có Nhạc là không có gì hệt. Bài thơ sẽ chỉ còn là kể lể, bức tranh chỉ là những màu trơ trẽn, bản đàn chỉ là những tiếng vu vơ, lâu đài, điện các là những khối gạch đá vô dạng, nhữn hành vi chỉ còn là xảo trá hay xuẩn động…….

Một nỗi lòng sương phụ, một thiên tình hận lâm ly, một cảnh điền viên, một bước đường luân lạc, đều có ngụ phảng phất một ý Nhạc u ẩn, sâu xa. Phải hội đựợc ý Nhạc kia, mới tìm được một đường diễn tả thật nhịp nhàng, những giọng văn thích đáng, mới tạo được một Điệu huyền diệu, thực hiện và truyền diễn được ý Nhạc mong manh…” [5]

Hiểu ý Nhạc như thế nào? Chẳng hạn, đọc bài “Đêm ngàn” của Văn Cao, Thuỵ Kha cảm nhận có “một ám ảnh dịu mờ” ẩn trong câu “Cái gì cũng thấy chơi vơi”. Câu này, theo Thuỵ Kha là “câu Văn Cao tóm được tinh thần sống của mình, của cả dân tộc trước cách mạng” [6] Ám ảnh “dịu mờ”,”chơi vơi” là ý Nhạc của bài “Đêm ngàn” cũng như của nhiều giai điệu thơ và nhạc của Văn Cao trước Cách mạng. Một trường hợp khác. Cái “chơi vơi” ở Văn Cao khiến tôi liên tưởng đến cái “thì thầm” ở Thuỷ Êa Sôla: “Trong mỗi người Việt đều có một chút gì đó thì thầm. Thì thầm cái gì đó.Tôi không hiểu rõ từng người. Tôi vẫn lắng nghe. Hình như tôi vẫn nghe được nó. Vì chính nó đã vực tôi lên[7] Phải chăng “cái thì thầm” là ý Nhạc của những vở kịch múa nổi tiếng của Thuỷ? Đọc Thời máu xanh của Nguyễn Thuỵ Kha tôi ngờ rằng có một ý Nhạc lửng lơ, “chính xác và mơ hồ” (Verlaine) ẩn trong câu thơ “…nụ cười nghèn nghẹn xa xăm” (“Bê Trọc”).

Ở người lính “thời máu xanh” nụ cười niềm tin trước sau vẫn còn đấy…

Vì sao nụ cười nghèn nghẹn?

Vì thời hậu chiến, trước mắt người lính là một thực tại ngoài sức tưởng tượng, đất nước mang đầy thương tích, những vết thương trên thân thể cũng như những chấn thương tâm thần, bom đạn không còn nữa, nhưng chiến tranh vẫn ập vào những giấc mơ, vấn len lỏi vào ngóc ngách tâm hồn… Tác giả viết về một khung cảnh thơ mộng: có những vạt đồi “dập dềnh cỏ mượt”, có “giếng lưng đồi trăng soi… óng ánh”, có “gió” và “hương”, có “em” và “anh”…, em “tung vành nón ngang mây”, anh say sưa thổi sáo… Trong một khung cảnh yên bình và nên thơ như vậy, chiến tranh vẫn lẻn vào thi ảnh:

Tôi thổi bằng vết thương chưa khép miệng
Trăng bé bằng cái lỗ sáo kề môi
(“Trăng Ba Vì”)

Một thực tại khác thời hậu chiến, hết sức bất ngờ đối với những người lính “thời máu xanh”: kinh tế thị trường còn man dại và sỗ sàng bày ra khắp nơi bao sự ngang trái.

Nhức nhối nhất vẫn là tình cảnh điêu đứng, khốn nạn của những người đồng đội xấu số.

Không chịu ra khỏi tôi những số phận thiệt thòi
Bao người hy sinh cốt xương chưa tìm thấy
Người về mang tật thương mùa từng mùa
buốt nhói
Người ngỡ nguyên lành lại bị vô sinh
Người không vô sinh di chứng chuyển vào con
Bao trẻ thơ khiếm, thiểu năng, dị dạng
Và bao năm qua vẫn mất dần bè bạn
Bệnh ung thư cướp trắng cuộc đời
Ngỡ đã được sống bình thường thầm lặng
Thì cái chết vẫn rập rình doạ dẫm
Trong nghèo nàn trong oan khuất đâu đây
Chót trung thực như lính rồi thì gắng chịu đoạ đầy.
(Năm tháng và chiều cao, Ch. VII: “Chín muộn”) [8]

Suốt “thời máu xanh”, người lính “cắn chặt răng không khóc”, nhiều lắm là “ứa nước mắt”. Đến tháng ngày này, người được gọi là “thiền sư thời xoáy lốc” mới bật khóc:

Giữa cơn sốt vơ vét Sài Gòn
Tôi cô đơn ôm sốt rừng một thuở
Bao tủi mừng còn đầm đìa đường phố
Sao quay cuồng ôm mặt khóc mình tôi.
(“Cơn sốt ở Sài Gòn”)

Người “ôm mặt khóc mình tôi” lạc lõng và long đong giữa đời không khỏi cảm thấy hẫng hụt, hoang mang:

Và bao năm tôi thành người mắc nợ
Cứ lang thang khắp xứ sở kiếm tìm
Kiếm tìm gì sự thật hay niềm tin
Ở cuộc chiến tranh? Làm sao tôi biết?
Tôi thành kẻ đại gàn, kẻ thần kinh,
kẻ “hấp lìm” âm lịch
…………………
Ngoài từng trải mọi thứ đều dang dở
Chỉ mong một sớm mai tỉnh ngủ
Bỗng quên sạch sành sanh cả quá khứ muộn sầu
(Năm tháng và chiều cao, Ch. VII)

Đứng trước những thực tế phũ phàng, lại nhớ đến “những ngày lính đã qua” như “một phàn thân thể mất đi”, người lính làm sao yên lòng được. Nên chốc chốc “chợt nhoi nhói buồn thương”, “chợt se sắt nhớ thương”. “chợt nhói sâu một cái gì xót xa, âm ỉ”. Nên ở người lính “nụ cười nghèn nghẹn

Vì sao ở người lính “nụ cười nghèn nghẹn xa xăm”?

Chiến tranh chấm dứt, vang dậy tiếng reo hò mừng rỡ của những người đã qua sông. Nhưng, nói như Hoàng Phủ Ngọc Tường, “một dòng sông khác lại hiện ra trước mặt và con người phải cất bước khởi đầu trở lại mọi hành trình” [9] . Lần qua sông này là một thử thách lịch sử quá lớn lao và mới mẻ: “Đất nước… phải trăn trở lột xác mình đứng dậy” (“Trước nghĩa trang Núi Bút”), Và tất cả mới chỉ là khởi đầu. Và cũng chỉ khi nào thấy dược “toàn bộ sự thật chảy máu và bi kịch đau đớn” của chuyến vượt sông vừa qua chúng ta mới hiểu được “nụ cười nghèn nghẹn xa xăm” trên gương mặt những người lính Thời máu xanh, những Sisyphus [10] hiện đại, họ lại xoay trần vượt sông lần nữa, tiếp tục cuộc hành trình.

© 2007 talawas



[1]Nguyễn Thuỵ Kha, Biệt trăm năm, Nxb Đà Nẵng, 2004
[2]Nguyễn Thuỵ Kha, Bóng thế kỷ, Nxb Đà Nẵng, 2002, tr.74
[3]Chuyển dẫn từ Frederick Turner, Culture of Hope, 2006, ch. 6
[4]Nguyễn Thuỵ Kha, Nguyễn Thiên Đạo, nhạc sĩ bị giời đầy, Nxb Đà Nẵng, 2003
[5]Nguyễn Thuỵ Kha, Nguyễn Xuân Khoát, người anh cả của Tân nhạc, Nxb Đà Nẵng, 2000, tr.27-28
[6]Xem Nguyễn Thuỵ Kha, Văn Cao, người đi dọc biển, Nxb Đà Nẵng, 1993, tr.425
[7]Trần Nguyên Anh, “Thuỷ Êa Sôla: Thì thầm – Đấy là thì thầm”, Báo Tiền phong chủ nhật, số 34, 24/8/1993, tr.12
[8]Nguyễn Thuỵ Kha, Năm tháng và chiều cao, Nxb Thanh niên, 2000
[9]Chuyển dẫn từ Nguyễn Thiên Đạo, sách đã dẫn, tr. 314
[10]Trong thần thoại Hy Lạp, Sisyphus, vua xứ Corinth bị thần Zeus trừng trị đầy đến một vùng núi Âm phủ, tội đồ phải lăn một tảng đá nặng lên đỉnh một ngọn đồi dốc, nhưng mỗi lần gần tới đỉnh thì tảng đá lại lăn tuột xuống chân đồi, thế là phải làm lại từ đầu công việc cực nhọc lăn tảng đá lên đỉnh núi. Cứ phải làm lại hoài… Sisyphus vĩnh viễn bị “giời đầy”. Trong tiểu luận Huyền thoại Sisyphus, Camus cho rằng Sisyphus dẫu sao có biết cái hạnh phúc duy nhất của con người vì ông chấp nhận những giới hạn của lý trí và kiếp người.