trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
6.8.2007
Dmitriĭ Likhachëv
Phẩm tính trí thức
La Thành dịch và chú thích
 1   2   3   4 
 
3.

Vậy, những trí thức Nga đầu tiên là ai?

Giá như Vladimir Monomakh [1] không viết Huấn ca chủ yếu dành cho các quân vương, thì sự liêm chính của ông và việc ông biết đến năm thứ tiếng có thể đã là căn cứ để xếp ông vào hàng những trí thức đầu tiên. Nhưng phẩm hạnh của ông đã không luôn luôn phù hợp với những quy tắc phổ quát và vĩnh cửu của đạo đức. Lương tâm của ông chỉ giới hạn trong việc phụng sự vương quyền.

Nói cho xác đáng thì nhà trí thức đầu tiên ở Nga La Tư [2] – vào cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVI – là Maksim Grek [3] , tục xưng trước khi xuất gia là Mikhail Trivolis, người được thụ giáo hai nền học vấn Ý, Hy Lạp và ở trong nhóm học giả của Aldo Manuzio [4] . Ở Nga ông từng bị truy nã, bị giam cầm và rồi chỉ được phong thánh chí tôn sau khi chết. Bằng cuộc đời mình, ông có lẽ đã vạch đường cho nhiều, rất nhều trí thức của nước Nga.

Hoàng thân Andreĭ Kurbskiĭ [5] cũng có thể đã là một trí thức nếu như ông – nguyên là một vị tướng – không trốn chạy khỏi Ivan Groznyĭ [6] . Là một vương công ông có quyền lựa chọn tôn chủ của mình, nhưng là một chiến binh chỉ huy quân đội, ông đã đào tẩu như một kẻ bất lương.

Cho đến cuối thế kỷ XV, trên đất Nga La Tư chưa có trí thức thực thụ. Những người được đào tạo theo khuôn thước Âu châu thì có, nhưng những nhà trí thức khả kính của một thời đại mới trong khung cảnh một nước Nga trung cổ thì chưa.

Sẽ vô nghĩa nếu đặt ra câu hỏi: nền văn hoá của Nga La Tư trước Pëtr [7] là lạc hậu hay không lạc hậu, cao hay chưa cao? Việc so sánh các nền văn hoá theo “độ cao” là điều lố bịch. Nga La Tư – với tư cách là xứ sở đã sản sinh ra một nghệ thuật kiến trúc tuyệt diệu, cực kỳ phong phú về những đặc trưng phong cách, đã tạo lập nên một nền âm nhạc hợp xướng đáng nể, những nghi lễ thờ cúng tráng lệ, những bức bích hoạ và i-côn (icône) trứ danh nhưng lại chưa biết đến khoa học hàn lâm – thực ra đã thể hiện mình như một kiểu hình văn hoá đặc biệt với một thực tiễn nghệ thuật và tôn giáo thịnh đạt.

Cũng không đúng nếu cho rằng tầng lớp trí thức đã xuất hiện ngay sau khi nước Nga chuyển trí sang địa vị một nền văn hoá Tây Âu. (Nó vốn dĩ luôn luôn là một nền văn hoá Âu châu rồi.)

Thời Pëtr chưa có giới trí thức. Để tạo ra nó, cần có sự liên kết giữa các tri thức hàn lâm với với nếp tư duy tự do và một phẩm chất thế giới quan tự do. Pëtr e ngại sự xuất hiện của những con người tự do. Ông dường như tiên liệu được sự nguy hiểm của họ đối với nhà nước. Trong thời gian những cuộc lữ hành và lưu trú tại Tây Âu [8] , Pëtr luôn tránh những cuộc gặp gỡ với các nhà tư tưởng Tây Âu mà chỉ quan tâm trước hết tới giới chức nghiệp: những nhà hoạt động nhà nước, các quân nhân, những nhà thầu khoán, các thợ mộc lành nghề, dân đi biển – bao gồm giới chủ tàu buôn, các thuỷ thủ và thợ đóng tàu –, nghĩa là tất cả những ai có thể giúp thực hiện các ý tưởng của ông mà không làm ra ý tưởng! Vì vậy, có lẽ đối với Pëtr việc kết tình thâm giao với các kiến trúc sư có năng lực tầm tầm thì hay hơn nhiều so với làm bạn cùng J.-B. A. Le Blond [9] , người đã đệ trình đồ án xây dựng Peterburg. Có thể Pëtr đã có lý. Nghiên cứu lại những sắc chỉ của ông, đôi khi kèm theo những phác thảo vặt vãnh, người ta không khỏi sửng sốt vì tính độc lập của ông trong quan niệm về kiến thiết đô thị: ở giữa những chuyên gia thực hành năng nổ, Pëtr cảm thấy mình thoải mái hơn là ở giữa các nhà lý luận và nhà tư tưởng.

Châu Âu hoan hỷ thời Pëtr trị vì nước Nga bởi lẽ, ở một mức độ nhất định, Pëtr đã thành công trong việc khôi phục tuyến đường “từ xứ Varangia [10] tới Hy Lạp” [11] và xây Peterburg ở đầu tuyến đường này, tuyến thông thương mậu dịch vốn bị đình đoạn bởi ách đô hộ Mông-Thát [12] . Chính ách đô hộ này đã dựng nên một bức tường không thể vượt qua, ngăn cách Nga La Tư với Phương Tây, nhưng lại chưa thiết đặt được những gắn kết văn hoá chắc chắn với Phương Đông – mặc dù quốc vương Nga đã thâu nạp vào quyền cai trị của mình hai hãn quốc Kazan và Astrakhan [13] sau khi thừa nhận các tiểu vương và quý tộc cận thần của họ. [14]

Pëtr đã phục hồi các liên hệ với châu Âu, nhưng cũng đồng thời bãi bỏ luôn các nghị hội toàn vương quốc [15] , thủ tiêu tước hiệu đại giáo chủ [16] và tăng cường nô dịch nông dân.

Không phải Đông hay Tây, mà Bắc hay Nam mới luôn luôn là vấn đề cốt yếu đối với nước Nga, ngay cả trong các cuộc chiến tranh Balkan, Caucasian và Turkestan [17] mà Nga can dự hoặc tiến hành. Việc bảo vệ Ki-tô giáo đối với nước Nga cũng tức là bảo vệ những nguyên tắc Âu châu của văn hoá: cá nhân, nhân tính và tự do trí thức. Chính vì vậy mà giới trí thức Nga đã lãnh nhận việc giải phóng các dân tộc Ki-tô giáo ở Balkan với một niềm hân hoan vô bờ bến, còn bản thân họ lại hứng chịu sự tầm nã bởi ngay những nguyên tắc Âu châu ấy.

Những trí thức thực thụ đầu tiên, mang chất Nga điển hình, đã xuất hiện vào cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX: Sumarokov, Novikov, Radishchev, Karamzin. Không nên xếp Derzhavin vào với họ – ông quá lệ thuộc vào chính quyền. Pushkin thì hiển nhiên là trí thức. Ông không nhận các hộp thuốc lá vàng [18] , và mặc dù sống chủ yếu bằng những khoản tiền thù lao, trong các sáng tác của mình ông không tỏ ra bị hệ luỵ bởi chúng. Ông đi một con đường tự do và sống bằng bản thân mình.

Giới trí thức đã tuyên cáo về mình như một cộng đồng tinh thần vào ngày 14 tháng Mười Hai năm 1825, trên quảng trường Petrova. Cuộc nổi dậy này của những-người-tháng-Mười-Hai [19] đã minh chứng sự xuất hiện của một số lượng lớn những con người tự do về tinh thần. Các dekabrist đã ra quân chống lại chính những quyền lợi đẳng cấp và quyền lợi nghề nghiệp của bản thân mình (trong số họ có các quân nhân). Họ đã hành động chỉ theo mệnh lệnh của lương tri, còn những liên minh bí mật của họ thì không hề ép buộc họ phải đi theo một “đường lối đảng tính” nào.

Trong cùng thời gian đó, chủ nghĩa khủng bố cũng đã làm nảy sinh ở nước Nga những “nhà cách mạng chuyên nghiệp”; tất cả những Tkachëv [20] và Nechaev [21] này (và, có lẽ, cả những Chernyshevskiĭ [22] nữa chăng?) đều đã là những nhân cách phản trí thức một cách thậm tệ. Không phải là trí thức cả những người đã uốn gối trước “nhân dân” và “giai cấp công nhân”, trong khi họ chẳng hề thuộc về bên nào trong đó cả. Ngược lại, chính người lao động, một khi có tầm nhìn nghiệp vụ và phi nghiệp vụ đủ xa rộng cùng với sự liêm chính thiên bẩm (người như thế đã từng có không ít trước khi bắt đầu diễn ra những tội ác dưới danh xưng “giai cấp công nhân”), đã có thể rất gần gũi với cái mà chúng ta gọi là phẩm tính chung của trí thức.

(Còn tiếp 1 kì)


Bản tiếng Việt © Khánh Long Translations, 2007



[1]Vladimir Monomakh, tức Vladimir II Vsevolodovich Monomakh (1053–1125): nhà hoạt động nhà nước, nhà chỉ huy quân sự, nhà tư tưởng chính trị và nhà văn Đông Slav thời trung đại, đại quận công (velikiĭ knĭaz’, xem chú thích [39]) Kiev từ 1113 đến 1125, con trai của ‘quận công Kiev và toàn Nga La Tư’ Vsevolod Ĭaroslavich và cháu ngoại (với một chút nghi vấn về sử liệu) của hoàng đế Byzantium Kōnstantinos IX Monomakhos. Trước năm 1113, khi còn chưa nắm vương quyền ở Kiev, Vladimir Monomakh đã lập nhiều công trạng về chính trị và quân sự trong việc chấm dứt (bằng cả vũ lực lẫn thương thuyết) cảnh huynh đệ tương tàn giữa các lãnh chúa phong kiến Đông Slav, tập trung lực lượng đánh đuổi người Kypchak – một sắc tộc du mục trung cổ nói tiếng Turkic, từng sinh sống trên những thảo nguyên steppe giữa Kazakhstan và Nam Sibir’ ngày nay – nhằm giải phóng (hoặc mở rộng) đất đai ‘Nga La Tư’ (xem chú thích [14]). Sau cái chết của quận công Kiev Svĭatopolk Izĭaslavich (1113), một cuộc nổi dậy của dân chúng nổ ra, tầng lớp trên của xã hội Kiev đã yêu cầu Vladimir Monomakh lên nắm vương quyền. Trở thành đại quận công Kiev, Vladimir Monomakh đã đàn áp cuộc nổi dậy, song cũng điều chỉnh một số luật lệ để xoa dịu tầng lớp dưới. Ông được biết đến như một nhà văn chủ yếu nhờ tác phẩm Pouchenie (Huấn ca), được ca ngợi là “một tượng đài chói lọi của cổ văn Nga” (Đại toàn thư Liên Xô ‘БСЭ’), có nội dung kể lại những chiến dịch quân sự mà ông cùng với các lãnh chúa lớn đã tiến hành nhằm khuất phục các lãnh chúa nhỏ hơn, chỉ giáo các công tử vương tôn về nghệ thuật triều chính, răn dạy các con em thứ dân về bổn phận công dân và bề tôi, v.v... Sau khi Vladimir Monomakh qua đời (1125), Đông Slav đã rơi trở lại vào cảnh ly loạn.
[2]“Nga La Tư”: lựa chọn dịch thuật đối với danh từ riêng Rus’ (Русь). Theo Đại toàn thư Liên Xô ‘БСЭ’, trong cách dùng phổ biến, danh xưng Rus’ tương ứng với cộng đồng chủng tộc / ngôn ngữ / lãnh thổ của các cư dân Đông Slav cho đến trước thế kỷ XVI. Từ giữa thế kỷ XVI, sau khi đại quận công Moskva Ivan IV Vasil’evich (tức Ivan Groznyĭ”, xem chú thích [18]) tự tấn phong ngôi tsar’ (‘quốc vương’ hay ‘sa hoàng’, 1547), danh xưng Rossiĭa (Россия) bắt đầu được sử dụng thay cho Rus’ để gọi tập hợp các vùng đất nằm trong thành phần của nhà nước trung ương tập quyền đóng đô ở Moskva hoặc (trong những giai đoạn 1712–1728 và 1732–1918) Sankt-Peterburg, tương ứng với các thuật ngữ địa chính trị - pháp lý Russkoe (hay Rossiĭskoe) Tsarstvo (Vương quốc Nga, 1547–1721), Rossiĭskaĭa Imperiĭa (Đế quốc Nga, 1721–1917), Rossiĭskaĭa Sovetskaĭa Federativnaĭa Sotsialisticheskaĭa Respublika (acronym RSFSR – Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Liên hiệp Xô-viết Nga, 1917–1991), và Rossiĭskaĭa Federatsiĭa (acronym RF – Liên bang Nga, từ 1991). “Nga La Tư” là cách đọc Hán-Việt của phiên pháp quan thoại É-luó-sī (Hán tự“俄罗斯”), nguyên tương ứng với cả Rus’Rossiĭa. Tuy nhiên, trong bản dịch này, người dịch lựa chọn cách dịch phân biệt: Rus’ --> “Nga La Tư” / “nước Nga trung cổ (hoặc trung đại)” / “Đông Slav”; còn Rossiĭa --> “nước Nga” hoặc “Nga”.
[3]Maksim Grek (tiếng Nga ‘Максим Грек’, tiếng Hy Lạp ‘Μάξιμος ο Γραικός’ [Máximos o Graikós], tiếng Anh Maximus the Greek hoặc Maksim Grek, circa 1475–1556): học giả, nhà chính luận, nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học và nhà hoạt động nhân văn người Đông Slav gốc Hy Lạp. Xuất thân quý tộc tại thành phố cổ Arta ở tây-bắc Hy Lạp, một thời gian dài thời trẻ Maksim Grek được thụ huấn về ngôn ngữ cổ, triết học và lễ nghi tôn giáo ở Italia. Tại đây, ông đã quen biết học giả và nhà in sách Aldus Manutius (xem chú thích [16]), nhà Hy Lạp học Constantine Lascaris (một trong những thầy dạy sau này của ông) cùng nhiều nhân vật lỗi lạc của thời Phục Hưng; ông cũng đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi những bài thuyết pháp của linh mục dòng Dominic và nhà cải cách Girolamo Savonarola. Trở về Hy Lạp (1507), Maksim Grek đã tuyên thệ xuất gia tại tu viện Vatopedi trên núi Athos (đông-bắc Hy Lạp). Ông tu hành ở đây khoảng mười năm, cho đến khi đức cha tu viện trưởng nhận được đề nghị (vào 1515 hoặc 1518) của đại quận công Moskva Vasiliĭ III Ivanovich về việc cử tới Moskva một thầy tu để giúp biên dịch một số tài liệu tôn giáo sang ngôn ngữ điển lễ Slav. Vì lẽ vị tu sĩ mà Vasiliĭ III mời đích danh đã quá già, cha tu viện trưởng bèn quyết định cử Maksim Grek trẻ trung và năng nổ thay thế, kèm theo lời bảo đảm về năng lực. Ở Moskva, ông đã tham gia nhóm dịch thuật cùng một số đồng nghiệp Đông Slav, chỉnh lý những tài liệu tế lễ và thành lập thư viện của vương gia. Trong thời gian ‘công khoá Moskva’ này, Maksim Grek đã quan sát thấy những thối nát và bất công trong xã hội Nga La Tư – hoàn toàn trái ngược với các lý tưởng Ki-tô giáo. Là người có học vấn rộng trong thời đại của mình, Maksim Grek đã tập hợp quanh mình những người có cùng quan điểm, thảo luận rốt ráo không chỉ những vấn đề lý luận tôn giáo, mà cả chính sách đối nội và đối ngoại của vương triều. Ông chỉ trích gay gắt sinh hoạt của giới tăng lữ Nga La Tư, phản đối sự chiếm hữu đất đai và làm giàu bất chính của nhà chung, lên án sự bóc lột nông dân của các lãnh chúa khoác áo tu hành, đòi bãi bỏ chế độ phục dịch các quan chức địa phương gọi là kormlenie (“chăm nuôi”) – một kiểu thuế hiện vật tuỳ tiện và dã man. Những hoạt động này đã khiến Maksim Grek bị thất sủng bởi cả triều đình lẫn giáo hội Moskva đương thời. Một sobor (nghị hội giám mục) năm 1525 đã khép ông vào các tội danh “bất phục tùng” (nonconformism) và “dị giáo” (heresy). Ông bị đầy vào tu viện Iosifo-Volokolamskiĭ (đông-bắc Moskva), bị giam trong hầm tối và cấm giao tiếp với bên ngoài. Sáu năm sau, một sobor khác (1531) tiếp tục cấm Maksim Grek được hưởng phép ‘đoàn khế’ (hay phép ‘hiệp thông’, communion) và phát vãng ông đến tu viện Otroch ở Tver’: ông bị lưu đày ở đây thêm 20 năm (hoặc 22 năm, theo một số account khác). Mọi nỗ lực thương lượng của các đại giáo chủ (xem chú thích [28]) ở Antioch, ConstantinopleJerusalem với nhà đương cục Moskva nhằm đạt được sự phóng thích Maksim Grek đều vô hiệu. Ông đã tự mình thỉnh cầu tsar’ Ivan IV “Groznyĭ” (xem chú thích [18]) và tổng giám mục Nga La Tư Makariĭ trả tự do cho ông. Cuối cùng, triều đình Moskva đã miễn cưỡng thả Maksim Grek vào năm 1551 (hoặc 1553, theo một số account). Ông sống những năm còn lại của đời mình trong đại chủng viện (lavra) Troitsko-Sergievskaĭa, trung tâm tinh thần quan trọng nhất của Chính Thống giáo Nga, ở Sergiev Posad (đông-bắc Moskva 90 km). Maksim Grek đã để lại một di sản văn học to lớn, với trên 150 tiêu đề, bao gồm những bài thuyết pháp, bài báo chính luận, luận văn triết học và thần học, công trình dịch thuật, v.v... Trong quá trình biên dịch những trước tác về ngôn ngữ học của Byzantium sang tiếng Nga La Tư, Maksim Grek đã viết nhiều chuyên khảo về ngữ âm và ngữ pháp tiếng Hy Lạp và tiếng Slav mà tác giả của chúng được giới nghiên cứu sau này thừa nhận là một chuyên gia kiệt xuất trong lĩnh vực này. (Theo Đại toàn thư Liên Xô ‘БСЭ’Wikipedia.)
[4]Aldo Manuzio (Latin version Aldus Manutius, tiếng Nga ‘Альд Мануций’ [Al’d Manutsiĭ], 1449/50–1515): chủ nhà in và học giả người Italia. Là người được đào tạo tốt và có học vấn uyên bác, đặc biệt là về ngôn ngữ / văn hoá Latin và Hy Lạp, Aldo Manuzio sớm nuôi tham vọng bảo vệ các kiệt tác của Hy Lạp và La Mã cổ đại khỏi sự mai một. Được một thân vương trợ giúp tài chính và đất đai để khởi đầu sự nghiệp, Manuzio đã sáng lập nhà in “Aldus” (tiếng Anh Aldine Press) nổi tiếng trong lịch sử ngành in, nơi đã in ra những “ấn phẩm Aldus” (Aldine editions) trứ danh của văn học Hy-La: tác phẩm của các tác giả cổ điển như Virgil, Xenophon, Homer, Euripides, Plutarch, Aristotle, Plato, Sophocles, Erasmus, Horace, Dante v.v... do Aldus xuất bản, nổi bật bởi vẻ đẹp ấn loát, sự chính xác học thuật và giá thành thấp. Để làm được như vậy, Manuzio đã thuê những học giả danh tiếng làm biên tập, sắp chữ và hiệu đính bản in thử. Ông được cho là người đã sáng tạo ra các kiểu chữ italic và small capital, dấu semicolon “;”, và khổ sách octavo. Aldo Manuzio và nhà in Aldus của ông được coi là đã tạo ra một cuộc cách mạng về phổ biến văn hoá, góp phần vào việc hiện đại hoá châu Âu. (Theo Encyclopædia Britannica 2005 Deluxe Edition CD, Encarta Premium Library 2005 DVD và những tài liệu khác.)
[5]Andreĭ Mikhaĭlovich Kurbskiĭ (1528–1583): quận công (knĭaz’), nhà hoạt động chính trị và nhà chỉ huy quân sự Nga danh tiếng thời cận đại (dưới triều tsar’ Ivan IV “Groznyĭ”, xem chú thích [18]), nhà văn. Andreĭ Kurbskiĭ xuất thân từ chi nhánh Smolensk-Ĭaroslavl’ của tôn thất Rĭurikovich (xem chú thích [38]). Ngay từ khi còn rất trẻ, ông đã nổi danh bởi tinh thần dũng cảm và những võ công trận mạc. Trong giai đoạn đầu trị vì của Ivan IV, Kurbskiĭ đã từng phò tá đắc lực vị tsar’ đầu tiên của nước Nga, được tsar’ sắc phong hàm boĭarin – phẩm trật cao nhất của hệ thống quan tước phong kiến Nga (và Đông Âu) thời trung/cận đại –, trở thành thành viên của “Tinh tuyển viện” (Izbrannaĭa rada) – tập thể cố vấn thân cận nhất của Ivan IV. Khi Ivan IV phát động cuộc chiến tranh Nga-Livonia (1558–1582) với mục tiêu khai thông cửa ngõ chiến lược ra biển Baltic (Livonia là miền đất lịch sử tương ứng với lãnh thổ của các quốc gia EstoniaLatvia ngày nay), quân đội do Kurbskiĭ chỉ huy đã lập công đầu trong việc làm thất thủ pháo đài Tartu (1558). Tuy nhiên, sau những thắng lợi quân sự ban đầu của Moskva, cuộc chiến tranh nhanh chóng phát triển thành xung đột giữa Nga và liên minh Litva - Ba Lan - Thuỵ Điển - Đan Mạch, những quốc gia sẵn có nhiều ảnh hưởng và lợi ích ở Livonia. Đương lúc ở trong nước, các đại thần vốn là thân hữu của Ivan IV và đồng liêu của Kurbskiĭ trong Tinh tuyển viện bắt đầu bị thất sủng, mất quyền hành khiển triều chính; đồng đảng của họ một số bị bắt và hành hình, một số đào tẩu sang Litva để thoát tầm truy nã. Trong khi đó, Kurbskiĭ nhận được thư chiêu an của quốc vương Ba Lan kiêm đại công tước Litva Zygmunt II August với những hứa hẹn hậu đãi. Sau một số đòi hỏi đãi ngộ không được Ivan IV đáp ứng, ngày 30.4.1564, Andreĭ Kurbskiĭ – đương chức tư lệnh quân đoàn phía Tây – đã quyết định đào nhiệm, đem theo tuỳ tùng và gia nhân bỏ chạy sang Litva, với lý do “để trốn tránh sự đàn áp” (của Ivan IV). Kurbskiĭ đã khai báo cho phía Ba Lan - Litva danh sách các nhân viên đặc vụ của Ivan IV ở Livonia, rồi, vào tháng Chín cùng năm, đã dẫn quân đội Ba Lan - Litva tấn công và tàn phá vùng Velikie Luki của nước Nga. Để trả thù sự phản bội của Kurbskiĭ, Ivan IV đã cho quân cướp bóc trang ấp, giết mẹ, vợ, con trai, em trai của vị cựu boĭarin và nhiều người khác ở Ĭaroslavl’. Quốc vương Ba Lan - Litva đã cấp cho Kurbskiĭ một số điền trang và cả thành phố Kovel (thuộc vùng Volyn’ của Ukraina ngày nay). Ở đấy, Kurbskiĭ sống những năm còn lại của đời mình trong thanh bình, giữ gìn đức tin Chính Thống giáo (người Ba Lan và Litva theo Ki-tô giáo Catholic), tái hôn hai lần và có một con trai – Dmitriĭ Kurbskiĭ – với người vợ thứ ba. Sau khi Kurbskiĭ chết (1583), chính quyền Ba Lan - Litva đã thu hồi hầu hết các điền sản đã cấp cho Kurbskiĭ, chỉ để lại cho Dmitriĭ một phần nhỏ. Người con này của Kurbskiĭ về sau đã cải đạo sang Catholicism. Là một học giả thông tuệ, giỏi ngoại ngữ và có tài viết văn, Kurbskiĭ là tác giả của cuốn pamphlet Truyện về đại quận công xứ Moskva (Istoriĭa o velikom knĭaze moskovskom) kể về những tội ác của Ivan Groznyĭ, và nổi tiếng với những bức thư đầy lời lẽ chua cay gửi cho vị tsar’ này – những văn phẩm mà ngày nay còn có ý nghĩa như một nguồn sử liệu độc đáo. Mặt khác, bên cạnh những phẩm chất đã khiến ông quay lưng lại Ivan IV, Kurbskiĭ còn là một lãnh chúa khắt khe, đến nỗi nông nô của ông đã từng nổi loạn giết chết viên quản gia của ông. (Theo Wikipedia, nhánh tiếng Nga.)
[6]Ivan (hoặc Ioann) IV Vasil’evich Rĭurikovich (1530–1584): đại quận công của Moskva và toàn Nga La Tư (velikiĭ knĭaz’ Moskovskiĭ i vseĭa Rusi, 1533–1547), sa hoàng (đầu tiên) của toàn Nga La Tư (tsar’ vseĭa Rusi, 1547–1584), một trong những nhà chính trị có ảnh hưởng nhất của lịch sử Nga thời trung-cận đại, nổi tiếng trong sử sách truyền thống Nga với danh hiệu Ivan Groznyĭ (“Ivan Đáng Gờm”). Ivan IV là người đã chấm dứt giai đoạn phân quyền của chế độ phong kiến ở nước Nga trung đại, thâu tóm quyền lực chính trị vốn bị chia xẻ giữa các tập đoàn boyar (“đại quý tộc”) trên lãnh thổ Đông Slav vào tay triều đình Moskva, và là người đầu tiên trong các quân vương Nga chính thức xưng tsar’ (thường được dịch sang tiếng Việt qua phiên pháp Hán Việt “sa hoàng”), tước hiệu được coi là ngang hàng với król / König / king / roi / … của các quốc gia phong kiến khác ở Tây Âu đương thời. (Trước đó, ông chỉ là một velikiĭ knĭaz’ – “đại lãnh vương” hay “đại quận công” –, thực tế chỉ ngang hàng với các lãnh chúa phong kiến khác cát cứ trên lãnh thổ Nga La Tư.) Thời kỳ trị vì của tsar’ Ivan IV được đánh dấu bởi võ công chinh phạt và sáp nhập hai hãn quốc Kazan’ (1552) và Astrakhan’ (1556) của người Tatar ở lưu vực sông Volga vào Nga La Tư – điều đã biến vương quốc Nga lần đầu tiên trở thành một đế quốc đa sắc tộc và đa tôn giáo / văn hoá –, bắt đầu chinh phục Sibir’ – nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào đã giúp Nga trở nên một cường quốc sau này. Tuy nhiên, Ivan IV cũng để mất một số lượng lớn đất đai phía Tây, bất lực trước địch hoạ Krym từ phía Nam, trong khi lại dấn sâu vào các hoạt động trấn áp / tàn sát nội bộ, gây nên những chấn thương đầy kịch tính trong xã hội Nga, đẩy một trong các trọng thần và thân hữu tài giỏi là Andreĭ Kurbskiĭ chạy sang địch quốc (xem chú thích [17]). Cuối đời, trong một lần nóng nảy không kiềm chế, tsar’ Ivan IV đã đánh truỵ thai vợ của hoàng tử kế vị có cùng tên Ivan vì cho rằng người con dâu ăn mặc không đứng đắn. Khi Ivan con đến gặp vua cha sau sự cố này, Ivan IV đã giận dữ ném cây quyền trượng đầu bịt sắt trúng thái dương của thái tử, khiến người con trai thình lình tử vong (1581). Tai nạn thảm khốc này đã khiến Ivan IV trở thành vị quân vương áp chót của nhà Rĭurikovich (xem chú thích [38]). Người thừa kế ngai vàng sau khi Ivan IV qua đời (1584) – Fëdor I Ioannovich – là một kẻ thiểu năng trì độn. Chết năm 1598 trong tình trạng không con cái và thân thích đồng tông, Fëdor I đã đánh dấu điểm cuối cùng trên cây phả hệ của tôn tộc Rĭurikovichi, mở đường cho nhà Romanovy lên chấp chính vào năm 1613. Ivan IV đi vào lịch sử không hẳn chỉ như một bạo chúa. Ở trong số những người có học thức nhất đương thời, ông là một người có trí nhớ phi thường, một nhà hùng biện, một học giả thần học uyên bác và một tác gia – soạn giả của một bản nhạc và trích giảng thánh kinh cho Ngày i-côn Thánh Mẫu Vladimir, một khúc ca-nông cho Thiên sứ trưởng Mikhail, cùng một số lượng lớn thư từ (trong đó có những bức thư gửi Kurbskiĭ, xem chú thích [17]). Sa hoàng đầu tiên từng là sở hữu chủ của một thư viện lớn nhất châu Âu, là người đã ra lệnh mở ở Moskva xưởng in sách đầu tiên, và xây dựng trên quảng trường Đỏ thánh đường Vasiliĭ Blazhennyĭ (“Vasiliĭ Thánh thiêng”) – một trong những biểu tượng kiến trúc của nước Nga vẫn còn đến ngày nay. (Theo Wikipedia, nhánh tiếng Nga.)
[7]Pëtr I Alekseevich Romanov, hay Pëtr Velikiĭ (“Pëtr Vĩ Đại”, 1672–1725): quốc vương (hay sa hoàng) Nga La Tư (Russkiĭ tsar’, từ 1682) và sau đó, hoàng đế (imperator) đầu tiên của Đế quốc Nga (Rossiskaĭa Imperiĭa, từ 1721), người được coi là gắn liền với công cuộc Tây Âu hoá nước Nga bắt đầu từ cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII, đưa Nga từ một vương quốc chậm phát triển thời trung-cận đại trở thành một trong những cường quốc đế quốc chủ yếu ở châu Âu và thế giới. Sự kiện nổi tiếng và độc đáo trong thời trị vì của Pëtr I và cả trong lịch sử Nga là “Đại đại-sứ-đoàn” (tiếng Nga Velikoe posol’stvo, tiếng Anh Grand Embassy) – cuộc viếng thăm châu Âu của một phái đoàn ngoại giao lớn của triều đình Moskva đông đến 250 người từ tháng 3.1697 đến tháng 8.1698, trong đó đích thân tsar’ Pëtr I (khi đó 25 tuổi) đã vi hành trong thành phần của sứ đoàn dưới danh nghĩa sĩ quan cận vệ Pëtr Mikhaĭlov. Lần đầu tiên, trong một chuyến viễn du hải ngoại kéo dài 18 tháng, tsar’ của nước Nga đã tận mắt chứng kiến sự thịnh vượng về kinh tế và sự cởi mở về xã hội của Tây Âu, đối lập với một nước Nga tuy rộng bao la về đất đai nhưng lại đắm chìm trong cảnh lạc hậu và bảo thủ, làm chỉ vừa đủ ăn, giẫm chân ở tình trạng trung cổ trong sự cô lập với thế giới bên ngoài. Pëtr nhận ra một phần trong những nguyên nhân quan trọng của sự khác biệt đó: sự thiếu vắng của thương mãi, kỹ nghệ và hàng hải ở nước Nga. Trong thời gian “Đại đại-sứ-đoàn”, Pëtr I đã tuyển mộ được khoảng 800 chuyên gia người Tây Âu – phần lớn trong số này là người Hà Lan, bao gồm thợ lành nghề, thầy thuốc, quân nhân v.v... – theo ông đến nước Nga để đào tạo người Nga và giúp ông chấn hưng đất nước. Những cải cách của Pëtr theo hướng Tây phương hoá, ở chung cuộc, đã biến đổi mạnh mẽ nước Nga trung cổ trên nhiều lĩnh vực: từ chính trị - hành chính, văn hoá - xã hội đến kinh tế và sức mạnh quân sự. Dưới thời Pëtr I, cương giới nước Nga đã được mở rộng chưa từng thấy. Đặc biệt, Pëtr đã thực hiện được khát vọng của nhiều đời quân vương Nga La Tư là khai thông cửa ngõ lãnh thổ ra biển Đen / Địa Trung hải và biển Baltic. Trên phần lãnh thổ viễn bắc giành được từ tay đế quốc Thuỵ Điển, Pëtr đã thành lập (1703) và kiến thiết Sankt-Peterburg (“thành phố Thánh Peter”) theo phong cách baroque thời Hậu Phục hưng, rồi đổi kinh đô của đế quốc Nga từ Moskva sang thành phố này (1712) để khẳng định ý chí hướng về châu Âu / thế giới phương Tây và hiện đại hoá nước Nga. Pëtr I được coi là người sáng lập hải quân và ngành hàng hải Nga, và là người đặt nền móng cho Viện Hàn lâm Nga. Tuy nhiên, động cơ nguyên thuỷ trong mọi cải cách của Pëtr I là tăng cường tiềm lực quân sự để thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ, vì vậy những chính sách cải tổ nhìn chung đều được ban hành dưới áp lực của những cuộc chiến tranh được Pëtr phát động triền miên trong suốt cuộc đời cai trị của ông – khoảng chừng bốn thập niên. Là người có học vấn chỉ đủ biết đọc biết viết, Pëtr I thực hiện ý chí “đại tu” nước Nga của mình bằng những giải pháp tình thế ‘ad hoc’, mang nặng dấu ấn của nhiệt huyết hơn là sự trù tính mạch lạc của một ý thức mang tầm tư tưởng. Thời Pëtr trị vì là một thời ngột ngạt về sưu thuế: để có tiền ném vào chiến tranh và xây cất Sankt-Peterburg, thuế thân được đánh cả vào những người lang thang vô gia cư. Nông dân Nga thời Pëtr bị bóc lột và bị trói buộc thân phận nhiều hơn vào giới chủ đất bởi những luật lệ nông nô nghiệt ngã. Để ngăn chặn / đè bẹp sự chống đối, Pëtr I đã huỷ bỏ vĩnh viễn các “nghị hội toàn quốc” (zemskiĭ sobor, xem chú thích [27]), và đã từng tự tay tham gia hành quyết gần 1200 binh sĩ tạo phản can dự cuộc “Binh biến 1698”. Bản thân con trai của Pëtr I, thái tử Alekseĭ Petrovich Romanov (1690–1718), cũng bị triều đình Sankt-Peterburg bắt giam và kết án tử hình vì đã chống lại các kế hoạch cải cách của cha mình. Alekseĭ đã chết trong ngục trước khi án quyết được chính thức thi hành, với nguyên nhân cho đến nay vẫn chưa được xác định. (Theo Encarta Premium Library 2005 DVDWikipedia.)
[8]“Những cuộc lữ hành và lưu trú tại Tây Âu” của Pëtr I: tác giả ngụ ý đến cuộc vi hành châu Âu từ tháng 3.1697 đến tháng 8.1698 của Pëtr I trong thành phần của “Đại đại-sứ-đoàn” (xem chú thích [19]).
[9]Jean-Baptiste Alexandre Le Blond (1679–1719): kiến trúc sư và nhà thiết kế vườn người Pháp, học trò của nhà kiến trúc phong cảnh lừng danh André Le Nôtre (1613–1700). Ở Pháp trước năm 1716, Le Blond được mệnh danh là “kiến trúc sư của nhà vua” với các công trình như quần thể thác - bồn - vòi phun nước ở vườn thượng uyển Saint-Cloud, các khách sạn tư gia Clermont và Vendôme (tất cả đều ở Paris). Tháng 8.1716, Le Blond đến Sankt-Peterburg theo lời mời của tsar’ Pëtr I (xem chú thích [19]) và tại đây, ông đã được trao một chức vụ chưa từng có là “Tổng kiến trúc sư trưởng” (Architect-General). Những công trình chính trong sự nghiệp ngắn ngủi của ông ở nước Nga gồm có dinh thự của bá tước đô đốc Fëdor Apraksin trên bờ sông Neva, thiết kế cung Konstantinovskiĭ ở Strel’na, các thác nước trong quần thể cung điện và vườn thượng uyển Peterhof. Tuy nhiên, những đồ án kiến trúc quan trọng nhất của ông về xây dựng Sankt-Peterburg đã không được Pëtr phê chuẩn. Sau khi nhà kiến trúc đột ngột qua đời vì bệnh đậu mùa (1719), công trình ở Strel’na bị bỏ dở và bị thay đổi thiết kế vài lần. Cung Apraksin thì sau khi Pëtr chết cũng bị đập bỏ để lấy chỗ xây cung điện Mùa Đông. Thiết kế trang viên (formal garden) của Le Blond ở Strel’na chỉ được thực hiện sau ba thế kỷ, khi tổng thống Nga Putin ra lệnh phục chế cung Konstantinovskiĭ theo thiết kế nguyên thuỷ của Le Blond vào dịp kỷ niệm 300 năm thành lập Sankt-Peterburg (2003). Tháng 7.2006, G8 Summit lần thứ 32 đã được tổ chức tại Strel’na. (Theo Wikipedia.)
[10]“Xứ Varangia”: xứ sở / bản quán của ‘người Varangia’ (tiếng Anh Varangian, tiếng Nga ‘варяг’ [varĭag], tiếng Hy Lạp ‘Βάραγγοι’ [Várangoi], tiếng Norse Cổ Væringjar). Theo những nguồn tham khảo khác nhau, ‘người Varangia’ là danh xưng mà người Đông Slav hoặc người Hy Lạp thời trung cổ dùng để gọi những kiều dân (immigrant) – có thể thuộc nhiều gốc gác – đã di cư vào các lãnh địa Đông Slav và/hoặc lãnh thổ của đế quốc Đông La Mã (hay ‘đế quốc Byzantium’, tiếng Anh Byzantine Empire), thường hành nghề thương lái, lính đánh thuê, vệ sĩ tư gia hoặc cướp bóc. Nhiều tài liệu khẳng định rằng người Varangia là những nhóm dân ngụ cư (‘ngụ cư’ theo quan điểm của người Đông Slav và Đông La Mã) có gốc gác Scandinavia, và như vậy, “xứ Varangia” có nhiều khả năng là một vùng đất trung cổ nằm trên bán đảo Scandinavia. Một số tài liệu thì đồng nhất ‘người Varangia’ với người Viking. (Theo Đại toàn thư Liên Xô ‘БСЭ’, Hutchinson Encyclopedia, Wikipedia và những tài liệu khác.)
[11]“Đường từ xứ Varangia đến Hy Lạp” (tiếng Nga và Ukraina ‘путь из Варяг в Греки’ [put’ iz Varĭag v Greki], tiếng Anh Trade route from the Varangians to the Greeks): một trong những tuyến đường thuỷ mậu dịch thời Trung cổ, xuất phát từ các trung tâm buôn bán ở Scandinavia (được cho là bản quán của ‘người Varangia’, xem chú thích [22]), vượt qua biển Baltic, vịnh Phần Lan, đi qua các sông hồ chính của Kievskaĭa Rus’ (quốc gia của các bộ lạc Đông Slav thời trung đại, được xem là tiền thân của cả Nga, Ukraina và Belarus sau này), tiến vào biển Đen rồi đi tới Byzantium (kinh đô của đế quốc Đông La Mã, có lãnh thổ bao trùm lên Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Theo nhiều sử liệu, tuyến giao thương này xuất hiện từ đầu thế kỷ IX, thịnh đạt trong các thế kỷ X–XI, gắn liền với sự phát triển kinh tế và văn hoá của các vùng đất Đông Slav, thậm chí còn ảnh hưởng quyết định đến sự ra đời của các nhà nước phong kiến ở đây. Tầm quan trọng của “đường từ xứ Varangia đến Hy Lạp” có thể so sánh với những tuyến giao thương nổi tiếng khác trong lịch sử như Con đường Tơ lụa, Tuyến đường Gia vị, Tuyến đường Trầm hương, Con đường Hổ phách v.v... (Theo Đại toàn thư Liên Xô BSĖ và những tài liệu khác.)
[12]“Ách đô hộ Mông-Thát” (tiếng Nga mongolo-tatarskoe igo, tiếng Anh Mongol-Tatar yoke): sự mất độc lập của các công quốc (xem chú thích [39]) Đông Slav từ năm 1243 đến năm 1480 như một hậu quả của cuộc chinh phạt và chiếm đóng của đế quốc Mông Cổ (tiếng Nga Mongol’skaĭa imperiĭa, tiếng Anh Mongol Empire) trên lục địa Á-Âu trong các thế kỷ XIII–XV. Từ tố -tatar- trong các thuật ngữ tiếng Nga hoặc tiếng Anh đã dẫn là một danh xưng có đến vài nghĩa. Thời trung cổ, Tatar được dùng để gọi tập hợp các bộ lạc du mục trên thảo nguyên Mông Cổ (Mongolia) liên kết lại dưới quyền cai trị của Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan). Ở Việt Nam, vào thế kỷ XIII (đời nhà Trần), quân đội xâm lược Mông Cổ được gọi là giặc “Thát Đát” (một phiên pháp Hán-Việt của Tatar) theo nghĩa này. Ngày nay, Tatar được giới nhân chủng học dùng để chỉ các nhóm cư dân nói chung một ngôn ngữ gọi là “tiếng Tatar” (Tatar language, thuộc tiểu ngữ tộc Turkic, ngữ tộc Altaic), được coi (hoặc tự coi mình) là hậu duệ của các bộ lạc du mục Trung Á nói các ngôn ngữ Turkic trung đại, có lẽ đã hợp huyết với các sắc dân Tatar trung cổ từng di cư theo chân (và đóng góp nhân lực vào thành phần) quân đội viễn chinh đa sắc tộc của đế quốc Mông Cổ trong quá trình bành trướng của đế quốc này vào các thế kỷ XIII–XV, rồi được kẻ thực dân để lại cho danh xưng. Bộ phận tập trung nhất của người Tatar (chừng 2 triệu người) hiện cư trú tại xứ cộng hoà Tatarstan, một chủ thể liên bang nằm ở phía nam phần lãnh thổ Đông Âu của nước Nga. Dưới ách đô hộ Mông-Thát, các lãnh địa Đông Slav không bị sáp nhập thực sự vào đế quốc Mông Cổ: các lãnh vương Slav (knĭaz’) vẫn giữ được bộ máy quyền lực sở tại của mình và quân đội Mông Cổ cũng không có mặt thường xuyên trên các lãnh địa của họ, trừ khi họ tỏ ra cứng đầu không chịu khuất phục. Hoạt động của các lãnh vương Đông Slav bị kiểm soát bởi các baskak (“khâm sứ”) đại diện cho các hãn Mông Cổ - Tatar. Để đổi lấy quyền tự trị, các lãnh vương Slav phải trả tiền cống nạp cho các hãn: thoạt đầu (từ 1243 đến 1266) là cho các đại hãn Mông Cổ, sau đó (từ 1266 đến 1480) là cho các hãn của “hãn quốc Kim Trướng” (tiếng Nga Khanstvo Zolotoĭ Ordy, tiếng Anh Khanate of the Golden Horde) – một trong bốn đế quốc gốc Mông tách ra từ đại đế quốc Mông Cổ sau cái chết của đại hãn Ögöödei (con trai và người kế vị của Genghis Khan). Từ thập niên 1390 đến thập niên 1440, những cuộc giao tranh với đế quốc lân bang Timurid rồi sau đó, nội chiến đã khiến hãn quốc Kim Trướng suy yếu và phân rã thành nhiều hãn quốc nhỏ hơn, tiếp tục chèn ép và bắt các công quốc Nga La Tư nạp triều cống. Tuy nhiên, vào năm 1480, đại quận công xứ Moskva Ivan III Vasil’evich (1462–1505) đã từ chối tiếp tục triều cống cho các hãn quốc Tatar, chính thức khôi phục nền độc lập của Nga La Tư. (Theo Đại toàn thư Liên Xô BSĖ, Hutchinson EncyclopediaWikipedia.)
[13]Sự “thâu nạp hai hãn quốc Kazan và Astrakhan”: nhắc nhở đến các võ công của tsar’ Ivan IV “Groznyĭ” (xem chú thích [18]) chinh phạt và sáp nhập Kazan’Astrakhan’ – hai hãn quốc của người Tatar tách ra từ đế quốc Kim Trướng (xem dưới) – vào Nga La Tư hồi giữa thế kỷ XVI. Sau khi Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan) qua đời (1227), đế quốc Mông Cổ lần lượt bị phân ly thành bốn đế quốc nhỏ hơn là đế quốc Nguyên (Yuan Empire, lấy Trung Hoa lục địa làm lãnh thổ chính), đế quốc Kim Trướng (Empire hoặc Khanate of the Golden Horde, có kinh đô ở khu vực hạ lưu sông Volga), hãn quốc Il (Il-Khanate, có trung tâm đặt tại Iran) và hãn quốc Chagatai (Chagatai Khanate, định đô ở khu vực Trung Á). Trong bốn đế quốc đó, hãn quốc Kim Trướng (Khanate of the Golden Horde) là thiết chế gắn liền với lịch sử Nga La Tư trung-cận đại: nó chính là chủ thể của cái mà sử sách Nga gọi là “ách đô hộ Mông-Thát” (xem chú thích [24]). Trong khi chèn ép và bóc lột các công quốc Đông Slav, Kim Trướng quốc ngay từ khi hình thành (giữa thế kỷ XIII) đã liên tục bất ổn bởi tình trạng phân tán quyền lực. Bản thân nó cũng bị đế quốc lân bang Timurid xâm lấn. Trong nửa cuối thế kỷ XV, đế quốc Kim Trướng lần lượt bị rã tách thành tám nhà nước phong kiến lớn nhỏ, trong số đó có hãn quốc Kazan’ và hãn quốc Astrakhan’ – với các kinh đô là các thành phố cùng tên ngày nay thuộc Liên bang Nga. Về phía Nga La Tư, quá trình thống nhất các công quốc Đông Slav đã được đánh dấu bởi sự kiện đại quận công Moskva Ivan IV Vasil’evich tự đăng quang ngôi tsar’ (“quốc vương” hay “sa hoàng”) của toàn Nga La Tư vào năm 1547. Trong những chiến dịch quân sự sau đó để mở mang lãnh thổ, Ivan IV đã lần lượt thôn tính Kazan’ (1552) và Astrakhan’ (1556). Sự sáp nhập hai hãn quốc Tatar này vào Moskovskaĭa Rus’ đã biến nó trở thành một nhà nước đa sắc tộc, đa tôn giáo và đa văn hoá, tức là một đế quốc trên thực tế. (Theo Wikipedia.)
[14]Đánh giá về ảnh hưởng của ‘sự đô hộ Mông-Thát’ (xem chú thích [24]) lên lịch sử Nga / Đông Slav có những ý kiến bất đồng. Giới sử học chính lưu – vận dụng công cụ chủ nghĩa duy vật lịch sử marxist – cho rằng ách thực dân Mông-Thát (kéo dài khoảng 240 năm) chỉ có ảnh hưởng tiêu cực: trình độ thấp hơn về lực lượng sản xuất của kẻ xâm lược đã kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất ở các công quốc Đông Slav bị đô hộ, vốn đã phát triển tương đối cao từ trước khi bị chiếm đóng. Đây là một trong những nguyên nhân chính đã khiến Nga La Tư bị tụt hậu về cả kinh tế, chính trị lẫn văn hoá so với các quốc gia Tây Âu. Thêm vào đó, người Mông Cổ - Tatar cũng bị buộc tội đã huỷ diệt nền văn minh Kievskaĭa Rus’, làm tan vỡ khối thống nhất nhân chủng Đông Slav nguyên thuỷ thành ba sắc tộc (Nga, Ukraine, Belarus), và du nhập vào xã hội Đông Slav “chủ nghĩa chuyên chế Đông phương” (oriental despotism). Như đã thấy rõ qua bài viết, tác giả Dmitriĭ Likhachëv là người ủng hộ mạnh mẽ những quan điểm này. Tuy nhiên, một số sử gia – trong đó có Lev Gumilëv [xem “Phẩm tính trí thức (phụ lục)”] – đã đưa ra những luận chứng phản bác rằng Kievskaĭa Rus’ không hề là một thực thể đồng nhất về chủng tộc, văn hoá và chính trị; rằng quân đội Mông Cổ chỉ đơn thuần giúp đẩy nhanh quá trình tự tan rã của khối Kiev vốn đã bắt đầu từ trước khi nó bị chinh phạt; và rằng nếu không có sự diệt vong của Kievskaĭa Rus’ thì cũng không thể có sự xuất hiện của Moskovskaĭa Rus’ và đế quốc Nga sau này. Hơn nữa, sự có mặt của lực lượng chiếm đóng Mông Cổ đã kiềm chế và loại trừ cảnh huynh đệ tương tàn giữa các lãnh chúa Đông Slav mà rất có thể đã dẫn tới sự tự huỷ diệt, đồng thời thúc ép các thành bang Nga La Tư còn sót lại nhìn về phía tây để tìm kiếm đồng minh và kỹ nghệ hầu phát triển và phòng thủ. Trong “kỷ nguyên Mông Cổ”, Con Đường Tơ Lụa trên bộ xuyên qua Trung Á – một trong những tuyến giao thương đông-tây nổi tiếng thời trung cổ (xem thêm chú thích [23]) – trở nên an toàn hơn và tấp nập hơn bao giờ hết, một điều kiện đã giúp cho nhiều đô thị ở lân cận nó trở nên phồn thịnh, trong đó có các đô thị Đông Slav như Moskva, Tver’, Novgorod v.v... Chính trong thời kỳ này, Moskva đã phát triển cho mình mạng lưới bưu chính, kỹ thuật điều tra dân số, hệ thống tiền tệ, tổ chức quân sự và lớn mạnh lên thành một thế lực nhà nước, lần lượt thống nhất các lãnh địa Đông Slav rồi quay lại thôn tính chính các hãn quốc Tatar, đặt tiền đề cho sự ra đời của quốc gia Nga hiện đại. (Theo Đại toàn thư Liên Xô BSĖ, Hutchinson EncyclopediaWikipedia.)
[15]“Nghị hội toàn vương quốc” (tiếng Nga zemskiĭ sobor): thiết chế tư vấn lập pháp dưới chế độ quân chủ Nga, tồn tại trong các thế kỷ XVI–XVII. Zemskiĭ sobor có tính chất của một “nghị viện đại biểu danh sĩ”, thường bao gồm các đại diện của ba loại cư dân: giới quý tộc / quan lại cao cấp, giới cao tăng Chính Thống giáo, giới thương nhân và thị dân. Zemskiĭ sobor được tsar’ Ivan IV “Groznyĭ” (xem chú thích [18]) triệu tập lần đầu tiên vào năm 1549. Sau đó, nó còn được vị tsar’ này tái tập vài lần trong thời ông trị vì, chủ yếu như một công cụ để ông thông qua / ban hành những ý chỉ mà ông đã hoạch định sẵn, hoặc để ông quyết định những vấn đề còn gây tranh cãi. Khi nhà Rĭurikovichi cáo chung (xem chú thích [38]), một zemskiĭ sobor có cả đại diện của nông dân đã đưa nhà Romanovy lên chấp chính (1613), khởi đầu bằng tsar’ Mikhail Fëdorovich (1596–1645). Khi triều đình Romanov còn yếu, zemskiĭ sobor được triệu tập mỗi năm một lần. Nó trở nên mất vị thế ngay khi nhà Romanovy đã vững mạnh trên quyền lực. Từ thời Pëtr I (xem chú thích [19]), zemskiĭ sobor đã bị huỷ bỏ một cách lặng lẽ. Nó được tái tập lần cuối cùng duy nhất vào ngày 23.7.1922 tại Priamursk (gần Vladivostok) bởi tướng Bạch quân Mikhail Diterikhs, để tấn phong Đại quận công Nikolaĭ Nikolaevich Romanov (1856–1929) lên ngôi tsar’, trong một nỗ lực tuyệt vọng của phe bảo hoàng hòng giành lại giang sơn đã bị những người bol’shevik tước đoạt từ tháng 11.1917. (Theo Wikipedia.)
[16]“Đại giáo chủ” (tiếng Nga ‘патриарх’ [patriarkh], tiếng Hy Lạp ‘πατριάρχης’ [patriarchēs], tiếng Anh patriarch): tước hiệu của người đứng đầu hệ thống nhà thờ Chính Thống giáo tự quản ở một loạt quốc gia Đông và Nam Âu. Trong Ki-tô giáo, tước hiệu “đại giáo chủ” được lập ra vào năm 451 tại Nghị hội nhà chung Chalkidikē ở Hy Lạp. (Trong tiếng Hy Lạp patriarchēs có nghĩa là “cha cai quản”.) Sau cuộc Ly Giáo của đạo Ki-tô vào năm 1054 thành Ki-tô giáo Tây phương (Gia Tô giáo hay Catholicism) và Ki-tô giáo Đông phương (Chính Thống giáo hay Orthodoxy), tước hiệu patriarkh / patriarch gắn với bậc trưởng phụ của toàn thể giáo hữu chỉ còn được lưu lại trong Chính Thống giáo. Ở Đông và Nam Âu, khi các nhà nước Slav độc lập theo Chính Thống giáo (Bulgaria, Serbia v.v...) xuất hiện, patriarkh / patriarch trở thành tước hiệu của người đứng đầu giáo hội Orthodox trong từng quốc gia.
Ở Nga, tước hiệu này – được gọi đầy đủ là “đại giáo chủ Moskva và toàn Nga La Tư” (patriarkh Moskovskiĭ i vseĭa Rusi) – được nghị hội trưởng phụ của các nhà thờ Nga La Tư bầu ra lần đầu tiên vào năm 1589. Trong các thế kỷ XVI–XVII, các đại giáo chủ Nga là những lãnh chúa phong kiến lớn, can dự tích cực vào sinh hoạt chính trị của đất nước, thậm chí có quyền lực cạnh tranh với chính quyền thế tục. Dưới triều tsar’ Pëtr I (xem chú thích [19]), sau khi đại giáo chủ Adrian qua đời (1700), Pëtr từ chối ấn định việc bầu chọn đại giáo chủ mới, và đưa một thân hữu của mình – tổng giám mục Rĭazan’ Stefan Ĭavorskiĭ – ra đứng đầu giáo giới với tước hiệu mới “thượng phụ bảo vị” (mestoblĭustitel’ patriasheskogo prestola, nghĩa là “người tập chức ngôi cha bề trên”), để rồi vào năm 1721, Pëtr cho thành lập Svĭashchennyĭ sinod (Linh thánh viện), một hội đồng giáo sĩ thay thế tước vị patriakh đứng đầu Giáo hội Chính Thống Nga. Hoạt động của Sinod được giám sát bởi một quan chức thế tục có chức danh ober-prokuror (kiểm sát trưởng). Mọi thành viên của Sinodober-prokuror đều do Pëtr chỉ định. Ông cũng cấm lập thêm tu viện mới để giảm thiểu số lượng tu sĩ, đồng thời đánh thuế mạnh vào lợi tức từ đất đai thuộc sở hữu của nhà thờ. Bằng những biện pháp đó, Pëtr I đã khuất phục được giới tăng lữ dưới quyền lực chính trị của mình. Sau khi chế độ tsarist sụp đổ (tháng 2.1917), Giáo hội Chính Thống Nga đã khôi phục việc bầu chọn patriarkh, và từ tháng 6.1990, khôi phục danh xưng đầy đủ patriarkh Moskovskiĭ i vseĭa Rusi (đại giáo chủ Moskva và toàn Nga La Tư). Không phụ thuộc vào sự thay đổi địa chính trị sau khi Liên bang Xô-viết tan rã (tháng 12.1991), patriarkh Moskovskiĭ i vseĭa Rusi (hiện nay là Aleksiĭ II) có tư cách nhà lãnh đạo tinh thần của các giáo phận Chính Thống thuộc Nga, Ukraina, Belarus, các nước SNG và nhiều giáo khu Orthodox trên khắp thế giới. (Theo Đại toàn thư Liên Xô BSĖWikipedia nhánh tiếng Nga.)
[17]“Chiến tranh Balkan”: ngụ ý cuộc chiến tranh Balkan lần thứ nhất (Pervaĭa Balkanskaĭa voĭna, 9.10.1912–30.5.1913) của các quốc gia thuộc “Liên minh Balkan” – bao gồm Bulgaria, Hy Lạp, Serbia và Crna Gora (tức Montenegro) – chống lại đế quốc Ottoman, nhằm xoá bỏ ách thực dân nhiều thế kỷ của người Thổ Nhĩ Kỳ đặt lên các dân tộc Balkan. Đế quốc Nga không tham gia cuộc chiến tranh này, song hàng loạt trí thức Nga đã tình nguyện sang chiến đấu và phục vụ chiến đấu cho Liên minh Balkan với lý tưởng (hoặc ảo tưởng) “giải phóng các dân tộc Balkan” (theo Ki-tô giáo Chính Thống) khỏi chủ nghĩa thực dân của người Thổ Nhĩ Kỳ (sắc tộc thống trị trong đế quốc Ottoman, theo Islam giáo). Cùng lúc, các trí thức này cũng là kẻ thù chính trị của chế độ tsarist ở Nga do tư tưởng chống chuyên chế của họ.
“Chiến tranh Caucasian” (Kavkazskaĭa voĭna, 1817–1864) và “chiến tranh Turkestan” (Turkestanskie voĭny, trong thế kỷ XIX) thực chất là những cuộc chiến tranh thực dân bành trướng lãnh thổ do đế quốc Nga tiến hành, mặc dù giới sử học chính lưu Nga thường nhấn mạnh khía cạnh tích cực của những cuộc chiến tranh này là “giải phóng nhân dân các dân tộc Caucasian và Turkic” khỏi phương thức sản xuất phong kiến chủ nghĩa, bảo vệ quyền tự do truyền giảng và thực hành giáo lý Orthodox.
“Vấn đề Bắc - Nam”: trong văn học chính trị, cặp khái niệm “Bắc” - “Nam” ngoài ngữ nghĩa địa lý thông thường còn tương ứng với “đã phát triển” - “chưa phát triển”, “văn minh” - “lạc hậu”, “hiện đại” - “lỗi thời”, “tân tiến” - “cũ kỹ”, v.v... Là một học giả hướng Âu chủ nghĩa (eurocentric), Dmitriĭ Likhachëv đã dứt khoát khẳng định phẩm chất Tây Âu của nền văn hoá Nga, coi “vấn đề Đông - Tây” là đã được giải quyết và không còn là chủ đề để bàn cãi. Song mặt khác, trong đoạn văn này, bằng một diễn đạt hết sức hàm súc ông đã kín đáo thừa nhận rằng nước Nga chưa thể được xác quyết là một quốc gia “phương Bắc” trong ý nghĩa ẩn dụ của khái niệm này.
[18]“Hộp thuốc lá vàng” (tiếng Nga zolotaĭa tabakerka): hộp đựng sợi thuốc lá hít bằng vàng, được các vua chúa châu Âu thời cận đại dùng làm tặng vật ban cho những quý tộc thân cận hoặc người có công trạng, thường đi kèm với những danh/tước hiệu hoặc phần thưởng vinh dự khác. Đối với người được tặng thưởng, zolotaĭa tabakerka là một trong những biểu tượng của danh vọng và/hoặc thế lực trong các xã hội phong kiến ở châu Âu. Lưu ý rằng Pushkin xuất thân là một quý tộc thế truyền.
[19]“Những-người-tháng-Mười-Hai” (hay các dekabrist) và “những liên minh bí mật”: “những-người-tháng-Mười-Hai” hay các dekabrist là những người đã tham gia cuộc khởi nghĩa vũ trang ngày 14 (lịch Julian, tức ngày 26 lịch Gregorean) tháng Mười Hai năm 1825 ở Sankt-Peterburg của các sĩ quan / binh lính đối lập và đồng minh của họ, nhằm ngăn chặn sự chấp chính của Nikolaĭ I sau cái chết của tsar’ Aleksandr I, yêu cầu triều đình Romanov phải ban hành hiến pháp, chấm dứt sự cai trị chuyên chế và chế độ nông nô. (Trong tiếng Nga dekabr’ là “tháng Mười Hai”.) Tất cả các dekabrist đều là quý tộc, phần lớn là các sĩ quan đã tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1812 chống lại cuộc xâm lược của Napoléon Bonaparte và tham gia các chiến dịch sau đó (1813–15) ở châu Âu. Việc tiếp xúc với trật tự châu Âu đã trang bị cho các sĩ quan này những nhãn quan chính trị mới. Trở về nước, họ tổ chức một số câu lạc bộ và bắt đầu bí mật truyền bá trong giới quý tộc những tư tưởng tự do. Từ những nhóm này sau đó đã hình thành một số hiệp hội được tổ chức theo khuôn mẫu các ‘hội cộng tế’ (tiếng Việt còn gọi là ‘hội tam điểm’, tiếng Nga masonskaĭa lozha, tiếng Anh masonic lodge), có tên gọi bắt đầu bằng “liên minh…”: “Liên minh cứu tế” (Soiuz spaseniĭa), “Liên minh no ấm” (Soiuz blagodenstviĭa), … Các “liên minh” bí mật này theo đuổi một vài xu hướng chính trị khác nhau, nhưng cùng chung một cứu cánh là lật đổ nền quân chủ chuyên chế, xoá bỏ chế độ nông nô và hiện đại hoá nước Nga. Do nhiều nguyên nhân, đồng thời bị Nikolaĭ I đàn áp thẳng tay, cuộc khởi nghĩa tháng Mười Hai đã nhanh chóng thất bại. Ngoài những người đã hy sinh ngay trong quá trình binh biến, năm trong số các dekabrist bị treo cổ trước công chúng, số còn lại bị đầy đi Sibir’, Kazakhstan và Viễn Đông. Chế độ tsar’ chuyên quyền tiếp tục tồn tại thêm một thế kỷ sau đó. (Theo Wikipedia, nhánh tiếng Nga.)
[20]Pëtr Nikitich Tkachëv (1844–1886): nhà báo, nhà phê bình văn học và nhà lý luận của chủ nghĩa dân tuý Nga (narodnichestvo) theo tư tưởng Gia-cô-banh (jacobinism). Trong phê bình văn học, Tkachëv triển khai thuyết “phê bình thiết thực” (real’naĭa kritika): đòi hỏi tác phẩm nghệ thuật phải có tính tư tưởng và ý nghĩa xã hội cao, coi nhẹ giá trị mỹ học của tác phẩm. Ông buộc tội I. S. Turgenev đã “xuyên tạc bức tranh đời sống nhân dân”, không thừa nhận nghệ thuật trào phúng của M. E. Saltykov-Shchedrin, gọi L. N. Tolstoĭ là “nhà văn sa-lông”. Về triết học chính trị, Tkachëv tin rằng nguồn gốc của các chuyển biến lịch sử là ý chí của “một thiểu số tích cực”, từ đó – theo Tkachëv – cách mạng quy về việc giành chính quyền và thiết lập “nền chuyên chính của một thiểu số cách mạng”. Là một nhà dân tuý chủ nghĩa, ông hình dung về một tương lai xã hội chủ nghĩa của nước Nga gắn liền với nông dân, giai cấp xã hội mà theo ông vốn “cộng sản ngay từ bản năng và truyền thống”.
[21]Sergeĭ Gennadievich Nechaev (1844–1886): nhà hoạt động cấp tiến của phong trào hư vô chủ nghĩa (tiếng Nga nigilisticheskoe dvizhenie, tiếng Anh nihilistic movement) ở nước Nga nửa sau thế kỷ XIX, nổi tiếng bởi sự chuyên tâm theo đuổi mục tiêu chính trị bằng mọi phương tiện khả dĩ, kể cả những biện pháp bạo lực cực đoan nhất như ám sát và/hoặc thủ tiêu. Thời kỳ đầu của sự nghiệp, Nechaev là một trong những môn đệ hăng hái nhất của M. A. Bakunin, nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa lừng danh theo đường lối vô chính phủ (anarchism) và đối thủ chính trị của Marx / Engels. (Bakunin, như được mô tả, từng “mê tít” Nechaev.) Về sau, Nechaev đã vượt Bakunin về mức độ cấp tiến cả trong triết lý (nihilism thay cho anarchism) lẫn trong hành động (đa nghi, xảo quyệt, tàn bạo). Nechaev chia sẻ một lý tưởng về chủ nghĩa xã hội mà Marx gọi là “chủ nghĩa cộng sản trại lính”. Năm 1872, Nechaev bị cảnh sát Zurich bắt, bị dẫn độ về Nga và lãnh án 20 năm tù khổ sai vì tội giết người. Ông chết trong tù (1886) khi mới thọ được hai phần ba mức án. Tuy Nechaev “công chưa thành”, nhưng có thể nói các “phương pháp cách mạng” của ông sau này đã được Vladimir Lenin và Iosif Stalin thực hành rất thành công.
[22]Nikolaĭ Gavrilovich Chernyshevskiĭ (1828–1889): nhà văn và phê bình văn học, nhà báo, nhà triết học duy vật theo đường lối xã hội chủ nghĩa không tưởng, nhà hoạt động cách mạng Nga thế kỷ XIX. Ông được coi là cha đẻ của narodnichestvo (chủ nghĩa dân tuý Nga), vận động lật đổ chế độ tsarist chuyên chế để thay bằng một xã hội xã hội chủ nghĩa trên nền tảng các obshchina (công xã nông thôn Nga) cổ truyền. Cũng như Marx, ông tin rằng đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội, và quần chúng là chủ trò sáng tạo nên lịch sử. Ông nổi tiếng với thành ngữ “càng tệ càng tốt” (chem khuzhe chem lutchshe), hàm ý rằng điều kiện sống của dân chúng càng tồi tệ thì càng tốt cho cơ hội để cách mạng nổ ra. Trước tác Làm gì? (Chto delat’?) của Chernysheskiĭ đã được Lenin coi là một trong những giáo trình cách mạng đầu tiên của mình.
Nguồn: Д. С. Лихачёв,