© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
19.4.2005
Nguyễn Bá Trạc
Chuyện của một người di cư nhức đầu vừa phải
8 kỳ
 1   2   3   4   5   6   7   8 
 
5.

Nàng tiên ở dưới nước

Thủy Tiên, tên tiếng Việt: Nàng tiên ở dưới nước là thứ hoa mọc từ những củ trông như củ hành tây. Lá Thủy Tiên dẹp, ngắn hơn lá hành. Hoa Thủy Tiên màu trắng nhụy vàng, tất nhiên đẹp hơn hoa hành vốn là thứ hoa cục mịch không có lấy màu sắc gì rõ rệt cứ trổ đại trên đầu những ngọn lá mà người ta không kịp nhổ mang ra chợ. Nhưng đối với những người có tinh thần thực dụng, có quan tâm đến vấn đề ẩm thực (nói riêng), kinh tế (nói chung), Thủy Tiên chỉ là một thứ hoa vô bổ, vô ích, vô dụng. Không người Việt Nam nào xào thịt bò hay nấu phở với lá Thủy Tiên. Không người Mỹ nào dọn món hamburger mà lại dính dáng chi tới củ Thủy Tiên. Giữa hai miếng bánh mì hình tròn, người ta kẹp vào thịt bò bằm, lát cà chua, đổ thêm nhiều sốt đỏ lầy nhầy, rồi những lát hành thái mỏng chứ không phải là những lát Thủy Tiên và yum-yum-yum, cái cách của người Mỹ muốn nói ngon ơi là ngon.

Trong một thế giới lưỡng phân, một bên Mỹ, một bên Nga, cả hai chế độ Tư Bản-Cộng Sản cùng nhau tranh thắng ở tinh thần duy vật và chủ nghĩa thực dụng, đua nhau cân nhắc tính toán chi li giữa tổn phí và hiệu năng thì một chậu Thủy Tiên càng kém giá trị hơn hành, kém hơn bột mì, có lẽ kém cả cái đinh ốc chứ đừng nói gì đến một viên đạn.

Nguyễn Văn X. định bình phẩm như thế khi Cookie mang đến biếu một chậu Thủy Tiên đang nở. Ông cũng định nói đùa: Nhân dịp gia đình tôi đoàn tụ, giá bà chịu khó ra chợ thực phẩm Ðông Phương mua cho một chai nước mắm hay một bao gạo Texas hột dài thì chúng tôi sẽ hoan nghênh và cảm kích hơn.

Cái chậu bằng đất nung màu nâu xẫm thường bán ở tiệm Nhật trong đó sáu củ Thủy Tiên Mỹ Narcissus trồng chụm vào nhau trên cát, vươn lên những ngọn lá xanh mọc thẳng, những cụm hoa nở ra xúm xít. Cookie trồng chậu hoa này có lẽ cách đây từ hai tháng khi nghe X. thường hay nhắc nhở về những ngày Tết ở Hà Nội, những cành đào màu hồng và cách ông thân sinh của X. tỉa hoa Thủy Tiên. Mười cái Tết xa nhà. Một cái Tết nữa sắp đến. X. nghĩ. Bà ta ngồi bên lò sưởi giương mắt thao láo nhìn và nghe X. say sưa trong một dĩ vãng đầy khói nhang trầm, những tờ giấy bạc mới của người lớn mừng tuổi cho trẻ con, và ông X. bấy giờ - hơn ba mươi lăm năm trước ở cái xứ sở xa xôi lạ lùng kia hãy còn là một đứa bé với những phong tục tập quán khác biệt, ông ta chạy tung tăng trong góc phố ở một cái chấm nhỏ trên bản đồ Ðông Nam Á, cái gì ở đấy cũng khác ở đây: thịt gà thì dai và đậm đà hơn thịt gà Mỹ, thịt lợn cũng vậy. Cá tươi hơn. Tôm hùm to hơn, ngon hơn. Trẻ con dễ dậy hơn. Người già được săn sóc và kính trọng. Vợ chồng không mấy khi ly dị. Ði làm không vất vả quá, không bị lo đuổi sở hay mất việc. Tiền kiếm ra ít thôi nhưng vật giá nói chung đều rẻ. Ðời sống không có nhiều áp lực. Con người kém logic nhưng không đối xử với nhau lạnh nhạt quá. Toàn là những thứ Cookie không có và muốn có.

"Thủy Tiên ở xứ tôi khác ở đây. X. nói. Cách chơi hoa cũng thế. Ngày Tết ba tôi hay tỉa củ Thủy Tiên rồi trồng trong nước. Ở miền Bắc Việt Nam ngày Tết nhà nào cũng có cành đào hoặc một chậu Thủy Tiên, cũng như ở Mỹ nhà nào cũng có cây thông vào dịp Giáng sinh."

Chữ tỉa, X. giải thích một cách khó khăn. Chính X. cũng không biết tỉa như thế nào. Trước khi Việt Nam chia đôi vào năm 1954, X. và gia đình ở Hà Nội. Lúc ấy ông mới có 12 tuổi. Trí nhớ của ông càng ngày càng lờ mờ trong khi bệnh nhức khớp xương ngày càng tệ hại. X. nói với Cookie: Hình như ở chợ Tầu San Francisco người ta có bán củ Thủy Tiên gửi từ Ðài loan hay Hồng kông sang. Giống Thủy Tiên này khác với Thủy Tiên ở đây. X. nhắc lại. Hai người rủ nhau đi San Francisco tìm khắp các tiệm bán hoa lẫn tiệm bách hóa nhưng không có. Chưa có. Shui Sin hả? Shui Sin phải đến tháng Giêng tháng Hai mới có. Họ nói.

Cái gì ở đây cũng khác. X. nghĩ. Ðề tài dĩ vãng này không đơn giản mỗi khi phải đặt định giá trị tùy theo lúc ông suy tưởng cái gì. Về tình cảm? Chính trị, kinh tế? Văn hoá hay xã hội? Có hôm ông nghĩ đến những người làm công ở Việt Nam, những người ở. Gần như ở Việt Nam gia đình nào tại thành thị truớc đây cũng có một người ở, thường là các con bé dưới quê lên. Lương bổng không là bao. Ăn ngủ tại nhà chủ. Giờ làm việc không nhất định. Có thể 24 giờ mỗi ngày, 365 ngày mỗi năm. Mỗi năm chủ may cho hai bộ quần áo. Rộng rãi hay không tùy người. Cơm chủ nhà ăn xong, người ở bưng mâm cơm dọn xuống bếp ăn. Chủ bảo gì làm nấy.

X. nghĩ đến khu La Kai ở Chợ Lớn buổi tối đầy thực khách ngồi bên những bàn ăn ngoài trời. Mùi mì vịt tiềm bốc lên thơm phức lẫn mùi cua nướng, sò nướng, mùi sầu riêng chín. Dưới ánh đèn điện và đèn khí đá, người ta nhồm nhoàm ăn uống trong khi bọn ăn mày đứng vây quanh. Những đứa bé chỉ chờ người ta ăn xong là giành nhau miếng xương vịt hay chút nước còn sót lại. Những người phế binh què quặt. X. nghĩ. Nhất là những người phế binh què quặt. Phế binh ở khắp nơi.

Các điều này, X. ít nói trong việc trao đổi văn hóa với Cookie. Có thể ông có nói nhưng không nhấn mạnh. Ông có nói về quy luật tàn khốc của chiến tranh, những tội ác cả hai phía Quốc Gia lẫn Cộng Sản. Nhưng không nói nhiều. Lúc xót xa cho bạn hữu thân nhân đã 10 năm sống dở chết dở trong các trại cải tạo Cộng Sản, ông cũng không nói nhiều. Lúc nghĩ đến xứ sở suy sụp, những đứa trẻ gầy gò thiếu ăn, cũng không nói nhiều. Trí suy tưởng có bộ máy thắng biết lọc lựa, biết dừng lại cho người ta có thể sống sót, không bị ưu uất quá nặng, không bị đau dạ dày quá nhiều, không mất ngủ quá lâu, hàng ngày có thể tiếp tục đi làm như cái máy dầu mỡ trơn tru, cuối tháng lãnh lương trả tiền thuê nhà, tiền điện, hơi nóng, đồ ăn, xăng nhớt, trả góp cái xe, tiền mua những hộp đồ tiếp tế gửi về Việt Nam gồm có: vải đen, thuốc trụ sinh, thuốc đau tim cho bà cụ, thuốc tê thấp cho ông cụ, đôi khi kèm vài món quà tình cảm linh tinh. Những cái ấy có nói lên vài điều nho nhỏ nhưng cụ thể và có thể làm được.

Hôm ông gọi điện thoại báo tin cho Cookie biết ông bà cụ sắp sang được Mỹ trong chương trình Ra đi có trật tự, bà reo lên "Oh my God. Chúa ơi. Really? Thực sao?". Bà ta hỏi hàng chục câu hỏi làm ông không kịp trả lời. Trong mấy năm quen biết, Cookie khá rành rẽ về gia đình ông X., những người ở bên kia quả đất: Một ông chú đi cải tạo trong hốc núi rừng Việt Bắc hơn sáu năm sau đau phù thũng về đến Sài Gòn ba ngày thì chết. Một bà thím viết thư cho hay các em đi vượt biên bị bắt cả, thím một mình đã lớn tuổi nay không thể làm ăn gì, anh làm ơn bố thí cho thím một ít thuốc men để bán đi lấy tiền sinh sống qua ngày. Bố mẹ còn kẹt lại. Nửa gia đình ở ngoài Bắc từ trước 1954. Nửa gia đình trong Nam nhà nào cũng tan tác. "Oh my God. Chúa ơi. Really. Thực sao?". Cookie lại nói. Vâng X. nói. Tết năm nay gia đình tôi sẽ đầy đủ. Ông trầm ngâm. Tất nhiên không trọn vẹn. Ông nghĩ ngợi. Nhưng chúng tôi cứ cảm ơn tất cả những gì Trời đã ban cho chúng tôi. X. nói. Ðáy lòng ông nói. Ông nghĩ đến tất cả những người bạn quen biết, những người Việt Nam tan tác trên đất Mỹ, Pháp, Gia nã đại, Anh, Úc...mỗi người một phương. Những gia đình chia cách vợ chồng con cái. Những người vợ đã muời mùa xuân chờ đợi mỏi mòn. Lúc ôm áo quần lên đường đi học tập những người chồng có hẹn 10 ngày, hay ba tháng sau anh sẽ trở về. Những người đàn bà, trẻ con chết chìm trên vùng biển Thái lan, Mã lai, Nam dương. Những cướp bóc hãm hiếp. Vâng. X. nói. Tôi cảm ơn Trời.

Tôi cảm ơn Trời mặc dù tôi vẫn hỏi có Trời hay không có Trời? Không có Trời sao người qua được bên đây? Nếu có Trời sao người bị ở bên đây? Nếu có Trời, Việt Nam sao khổ mãi? Không có Trời, ai sống đến ngày nay?

Những lưỡi lê cắt tuột bàn tay
Miếng thịt da chết chẳng vẹn thây
Ngọn chông đâm suốt qua thân thể
Tiếng khóc con thơ tiếng đoạ đầy

Việt Nam ơi,
Có mây in bóng dòng sông cũ
Có tiếng em thơ gọi lúa về
Có trưa nhắm mắt nằm mơ ngủ
Có tiếng người đêm vắng khóc tỉ tê

Những cái tên trên những mặt bàn
Những bạn bè những cuộc hợp tan
Những kẻ hy sinh ngoài chiến trận
Những thây người phanh ruột đổ gan

Người đói, người tù. Không chăn chiếu thuốc thang. Người bỏ xác đại dương. Vậy có Trời hay không có Trời? X. vẫn nói: Cảm ơn Trời. Những bài thơ cũ của X. có hỏi gì thì cứ hỏi, bây giờ X. vẫn nên nói cảm ơn Trời khi gặp lại ông bà cụ thân sinh sau mười một năm chia cách. Một lần nữa: Cảm ơn Trời.


*


San Jose, 14 tháng 1 năm 1986

Anh B. thân,

Còn bao nhiêu ngày nữa đến Tết Bính Dần? Ðể đếm lịch xem. Hai mươi lăm ngày nữa. Tết năm nay nhằm Chủ nhật mùng 9 tháng Hai tây. Khỏi đi làm. Ờ nhà ăn Tết, đỡ lắm. Ông Pharmacy Kim có cho một quyển lịch ngày tây ngày ta, có đề rõ: Tết Nguyên Ðán Bính Dần, nên thắp hương xuất hành hướng Ðông Bắc hoặc Tây Nam lúc nửa đêm Giao thừa, tức làø khoảng 12 đến 3 giờ sáng. Vậy năm nay chắc chắn sẽ có đi chùa lúc nửa đêm.

Ông bà cụ tôi qua, dẫu thiếu tiền cũng cứ đi vay để ăn Tết lớn, để cúng tạ tổ tiên. Tất phải có bánh chưng, có thể nấu lấy, gói lấy. Ði ra cái công viên gần nhà thiếu gì ø củi. Cái mục nửa đêm canh nồi bánh chưng ngoài vườn thú lắm nhá. Tất phải có các thứ mứt, chợ Việt Nam đã đủ thứ mứt bí, mứt gừng, mứt quất. Chỉ sợ không tiền mà mua. Mấy hôm nay bà cụ tôi hái sạch đám chanh Mỹ, ông cụ cạo vỏ, bà cụ đem phơi làm chanh muối. Có lẽ phải yêu cầu bà cụ muối dưa hành lẫn dưa cải. Phải có thịt lợn ngâm nước mắm, hay thịt gà nấu đông.

Thú thực với anh bây giờ ngồi viết đến đây tôi mới bắt đầu nghĩ ra mùi Tết chứ hàng ngày đi làm cùi cụi có nghĩ đến Tết nhất gì đâu.

Ông bà cụ tôi qua như thế đã được gần một tháng rồi. Tất nhiên, biết bao là cảm xúc.

Sáng nay tôi thức dậy sớm ngồi uống trà với ba tôi, đọc lá thư của một cậu em họ ở Hà Nội gửi qua Tiệp Khắc nhờ người gửi sang đây cho tôi. Chú em lúc chia tay nhau ở Hà Nội năm 1954 mới có 10 tuổi. Tôi nhớ ông cụ nó, chồng cô tôi, lúc gia đình tôi sắp di cư vào Nam có cười bảo: Thế là mày dô Nam với Bảo Ðại. Còn tao ở lại với cụ Hồ? Bà tôi cho biết sau này một đứa em của nó sinh ở Hà Nội lúc nhà tôi đã vào Nam, đi bộ đội và chết ở chiến trường miền Nam. Dạo ở Hà Nội ngày Tết anh em quây quần với nhau trong căn nhà bà nội tôi ở đường Hàng Bông Thợ Nhuộm, trước mặt vườn hoa Cửa Nam. Tết nào bà tôi cũng muối củ cải. Ðể nguyên củ, nén chặt trong cái vại lớn. Muối cả cà bát rồi ngâm tương. Ba tôi thì hay tỉa Thủy Tiên. Lúc vào Nam ba tôi không tỉa nữa. Bà tôi ở lại ngoài Bắc với ba người con gái, một người có chồng theo kháng chiến đi từ 1945 mãi đến 1975 mới về. Lúc ba tôi cùng chú tôi và hai người cô nữa vào Nam, bà nội tôi vẫn nghĩ là û con cháu ra đi chỉ hai năm trở về, vì sẽ có hiệp thương, vì sẽ có tổng tuyển cử, và mọi người rồi sẽ lại quây quần với nhau ở căn nhà đường hàng Bông Thợ Nhuộm.

Sáng nay tôi có hỏi ba tôi cách tỉa hoa Thủy Tiên. Ba tôi nói phải kiếm một cái gọng ô, đập dẹp ra mài nhọn làm dao tỉa. Củ Thủy Tiên có nhiều nhánh dính vào nhau. Mỗi nhánh tỉa dọc ra một khía, bóc từng lớp cho đến khi thấy giò hoa thì ngừng lại. Tỉa phía nào, giò hoa sẽ mọc theo hướng ấy, mọc uốn xuống chứ không thẳng lên nếu không tỉa. Như thế một cụm hoa tỉa khéo sẽ có những cuộn lá cong, lượn vòng rất đẹp. Lúc ba tôi nói, tôi hình dung lại được một bát Thủy Tiên như thế. Những cái rễ trắng muốt mọc dài trong nước. Những cái lá xanh cong toả ra như ngón tay. Hoa vươn lên với cánh trắng nhụy vàng tỏa mùi thơm nhẹ nhàng dễ chịu trong không gian trộn lẫn mùi nhang trầm phảng phất suốt mấy ngày Tết trong khi ngoài đường tiếng pháo nổ râm ran.

Nghe hai bố con ngồi ở bàn nhà bếp nói chuyện, mẹ tôi thức dậy. Mấy hôm nay San Jose rất lạnh. Cả thung lũng đặc nghẹt sương mù. Mẹ tôi có vẻ mệt, co ro đi ra đi vào. Cụ bưng cái chậu Thủy Tiên mọc thẳng của tôi mở cửa ra để ngoài vườn.

Bà cụ nhăn mũi lại nói: "Thủy Tiên ở đây đẹp thì có đẹp nhưng mà hôi không chịu nổi."

Hy vọng bài tôi gửi kịp cho anh đánh chữ. Nhân dịp báo Tết, tôi cũng xin nhờ anh cho viết thêm ít giòng. Năm mới cầu chúc tất cả các độc giả của tôi nếu gia đình chia cách thì sẽ sớm được đoàn tụ và xin cầu chúc tất cả mọi người hạnh phúc an vui.


6.
Ðêm hiện dần lên những chấm sao

San Jose, ngày 2 tháng 1 năm 1986

Anh Q.D.,

Từ hai tháng nay sau khi anh ngỏ ý muốn tôi góp bài cho tờ Tuổi Hoa tục bản ở Mỹ, gần như mỗi ngày tôi đều cảm thấy cái hối thúc của một món nợ: lời hứa riêng đối với một người bạn, bổn phận chung đối với con em Việt Nam chúng ta.

Tới nay, tôi vẫn chưa gửi cho anh được, một phần như anh đã rõ: gia đình tôi may mắn đoàn tụ, ông bà cụ tôi vừa đến Mỹ với con cháu sau hơn mười năm xa cách. Mấy tuần nay cả gia đình tôi lúc nào cũng chộn rộn và bận bịu với niềm vui ấy.

Mặt khác, thú thực với anh trước đó tôi đã có viết được hơn tám trang giấy nhưng bỏ dở không viết tiếp. Những gì đã viết đều lỏng lẻo mông lung, không thực sự cảm thấy nói với ai. Ai sẽ là người đọc tờ Tuổi Hoa? Ai sẽ đọc bài viết của tôi? Ðó là những em bé hay là các thanh niên thiếu nữ? Ðó là con em vừa ở Việt Nam sang Mỹ đợt sau này, hãy còn nói, đọc và viết chữ Việt rành rẽ? Hay đó là những bạn trẻ độc giả của những tờ báo như Tuổi Hoa xưa và bây giờ đã có con cái tay bồng tay mang? Các em hiện ở trung học mà gia đình sang Mỹ đợt 1975 thì lúc rời Việt Nam phần lớn mới sáu, bảy tuổi. Cứ cho là trên dưới mười tuổi. Các em ấy đọc chữ Việt rất khó khăn. Nhiều em đã vào đại học, có lòng muốn đọc sách báo chữ Việt để học hỏi và chia sẻ với cha anh, nhưng việc đọc của các em cũng đã vất vả. Nhiều em phải dùng tự điển tra từng chữ kép, từng chữ Hán Việt phổ thông, nói gì đến những chữ có điển tích như cầu Ô hay sông Ngân.

Sau hơn mười năm ở Mỹ, cái lo lắng làm sao cho con em thông thạo Anh ngữ để bắt kịp chương trình nhà trường không còn tồn tại nữa. Nhưng cái lo làm sao duy trì chữ Việt cho con em không bị cắt đứt với cha anh và tổ quốc thì càng ngày càng đáng được quan tâm hơn. Trong mối quan tâm ấy chúng ta đang lúng túng như người đánh gươm với cối xay gió.

Lớp đàn anh đàn chị có thiện chí xung phong đi làm công tác mở lớp Việt ngữ không phải là thiếu. Nhiều anh chị còn chịu khó lái xe đến tận nhà đưa đón các em đi học vào cuối tuần. Nhưng các lớp học vẫn vắng thưa. Chưa có phương pháp tổ chức tốt? Hay chưa có công thức sư phạm hữu hiệu? Và như thế các cố gắng càng ngày càng lẻ loi và trở nên... lãng mạn?

Tôi lúng túng trong đêm khuya khi ngồi xuống viết tám trang giấy cho tờ Tuổi Hoa về những núi non làng mạc xa xưa, những con khướu, con sáo, chim sơn ca bay vụt lên giữa cánh đồng. Tuy vậy, theo lời anh yêu cầu, tôi đã cố gắng viết, cố tưởng tượng ra một cô bé Việt Nam để nói chuyện, để kể câu chuyện các con đường xưa cũ ở Hà Nội về mùa hè trời đầy sao, ở Huế nơi tôi sinh ra trong một mùa nước lụt, bà ngoại tôi phải chồng hai cái giường lên nhau cho khỏi ướt và cắt rốn cho tôi bằng cái mảnh chai.

Ngồi trong đêm mùa đông lạnh lẽo, trầm ngâm với trang giấy trắng, tôi đi ngược quá khứ về bên kia quả đất, về tận những ngày ba mẹ tôi mới gặp nhau. Ba tôi rời Hà Nội vào Huế làm việc cho sở Thiên văn năm hai mươi ba tuổi: hàng ngày ông thả những quả bóng bay lên trời xem gió mây đi về hướng nào. Huế là nơi ba tôi sửa soạn đi hỏi bà chị ruột của mẹ tôi, nhưng một người sau này là dượng tôi đến gặp yêu cầu ngưng đám hỏi lại: dượng tôi đã quen biết dì tôi từ trước và cũng đã định đi hỏi dì. Ba tôi đồng ý, cuối cùng đi hỏi mẹ tôi bấy giờ mới có mười tám tuổi, “chưa biết gì” như sau này mẹ tôi thường kể lại một cách vui vẻ. Tất nhiên, tôi bỏ bớt chi tiết, không kể hết những chuyện như ông ngoại tôi có hai vợ, cả ba ông bà tôi đều chung sống dưới một mái nhà với tất cả các cậu mợ cô dì tôi một cách êm ả hạnh phúc. Tôi tránh nói về đề tài này cũng như ở Mỹ nhiều người Việt tránh không nói về chuyện ăn thịt chó.

Tôi gọi tên cô độc giả của tôi là Mỹ Phương.

Tôi viết tám trang giấy dở dang dưới hình thức một lá thư:

Cháu Mỹ Phương, thế nào là nơi chôn nhau cắt rốn? Ðó là nơi người ta sinh ra đời. Bà ngoại tôi đã chôn cái cuống nhau của tôi dưới một gốc cây đào trong căn vườn của bà ở Huế.

Cháu Mỹ Phương,

Còn thế nào là quê cha đất tổ? Ðó là nơi xuất phát gốc tích ông cha bên ngành nội. Ðó là nơi trái tim ta hướng về nguồn cội dẫu có khi ta chưa hề may mắn có dịp đặt chân đến. Ðối với tôi đó làng Mọc thuộc tỉnh Hà đông. Ðối với cháu, giản dị là nước Việt Nam dẫu cho nếu cháu có sinh ra ở Mỹ.

Cháu Mỹ Phương, sau khi ra đời được hai tháng, ba mẹ tôi ẵm tôi xuống tàu hỏa về Hà Nội. Làng Mọc thuộc tỉnh Hà đông chỉ cách Hà Nội có 10 cây số tức là khoảng sáu dặm Anh. Những ngôi mộ của ông nội và tổ tiên tôi đều nằm trên một cánh đồng bên ngoài làng. Cánh đồng này có lúc lúa mạ mọc lên xanh mát, có mùa lúa chín vàng bốc lên mùi đất dịu tỏa rộng khắp không trung.

Tôi kể cho Mỹ Phương nghe về Hà Nội, nơi tôi lớn lên trong một căn gác:

"Tôi ở Hà Nội, ngõ Tân Hưng, góc đường Ga hàng Cỏ, trước cửa nhà là một gốc hoàng lan, mùi hương thơm sững sờ giấc ngủ, ba chục năm rồi hoa vẫn còn thơm."

Sau này tôi viết như thế trong một quyển sách đánh dấu mười năm rời khỏi nước với tất cả những cảm xúc chân thật. Tôi không chỉ nghĩ đến mùi hoa ngọc lan, hoa móng rồng hay mùi đất, mùi lúa. Tôi cũng nghĩ đến mùi đêm khuya, con đường phố Hà Nội mùa hè trên trời đầy sao, dưới đất những con ve thô kệch bám vào gốc cây, cột đèn. Những con ve đau đớn quặn mình để thoát khỏi cái vỏ cứng sau bảy năm dưới bùn đất đợi chờ, đợi chờ chờ đợi như chúng ta bây giờ, cho đến một buổi sáng mùa hè ấm áp tươi đẹp kia ve lột vỏ thoát ra với đôi cánh óng ả, bay lên cất tiếng hát vang khắp các phố phường, trên những cây phượng, cây hoa gạo nở tràn trề ánh sáng.

Phố phường Hà Nội nhỏ bé thôi.

Sau chiến cuộc 1945 nhà bà nội tôi ở phố cửa Nam sập mái. Nhiều căn nhà khác cũng vậy. Lính Ma Rốc, da đen rạch mặt, lính Lê Dương da trắng vẫn thường uống rượu say sưa phá phách ngoài đường. Bấy giờ tôi học vỡ lòng ở trường Khuông Việt, chùa Quán Sứ. Lớn hơn một chút, vào trường tiểu học Sinh Từ. Gần đấy là Văn Miếu, nơi tôi hay đến chơi với những bức tường rêu cũ kỹ, những rễ đa rườm rà buông xuống. Ðây là nơi thờ phượng những người soi sáng văn học Việt Nam. Công nghiệp những vị ấy mãi mãi còn ghi trên bia đá. Tôi không đọc được chữ Nho nhưng tôi thích ở đấy trong cái không khí trầm mặc của những mái ngói tường rêu, mặt nước hồ xanh màu đồng cũ, những hàng cột uy nghi, cỏ bông lau bay trong gió mùa thu mưa phùn gây gấy lạnh.

Hà Nội cũng như Huế là nơi có nhiều thi sĩ.

Cháu Mỹ Phương, Thi sĩ là gì? Họ là những ngôi sao.

Họ rung động trong chúng ta như chấm sáng rung động trên bầu trời cao, xa.

Những bài thơ của họ là ánh sáng mỏng manh trong lòng có khi sáng lên rực rỡ có khi mờ nhạt đi.

Cháu Mỹ Phương, Thi sĩ là ai? Ai cũng là thi sĩ trong một đêm nhìn lên bầu trời đen tối thấy lòng đợi chờ và rung động, thấy xao xuyến và hy vọng, thấy tỏa ra ánh sáng lấp lánh nhịp nhàng.

Anh Q.D.,

Viết đến đây tôi bỏ dở. Quả thực nó lỏng lẻo và mông lung.

Nói cho ngay tôi không biết rõ Mỹ Phương.

Mỹ Phương bao nhiêu tuổi? Cháu sinh ở Mỹ hay ở Việt Nam?

Cháu sinh ra ở một trại tị nạn hay trên một con thuyền vượt biên lênh đênh giữa biển?

Bố mẹ cháu còn sống hay đã chết?

Bố cháu có còn ở trong trại tù cải tạo ở Việt Nam?

Mẹ cháu có bị hãm hiếp cướp bóc trên vịnh Thái Lan?

Tôi không có bố cục cho những điều định viết. Làm gì có bố cục. Ý nghĩ của tôi suốt mấy hôm ấy cứ vẩn vơ: Ðêm hiện dần lên những chấm sao, lòng trời đương thấp bỗng nhiên cao. Tôi đọc đi đọc lại bài thơ của Nguyễn Bính nhan đề là „Ðêm sao sáng“ do người Cộng Sản in trong tập thơ Việt Nam 1945-1975 của nhà xuất bản Tác Phẩm Mới, Hà Nội 1976. Bài thơ này viết tháng 12, 1957 tức là hai năm sau khi đất nước chia đôi. Trong một quyển sách khác in tại miền Nam, người ta ghi Nguyễn Bính chết ngày 20 tháng 1 năm 1966 lúc 47 tuổi.

Ðêm hiện dần lên những chấm sao
Lòng trời đương thấp bỗng nhiên cao
Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh
Ai biết cầu Ô ở chỗ nào?

Tìm mũ Thần Nông chẳng thấy đâu
Thấy con vịt lội giữa dòng sâu
Sao Hôm như mắt em ngày ấy
Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tầu

Chùm sao Bắc Ðẩu sáng tinh khôi
Lộng lẫy uy nghi một góc trời
Em ở bên kia bờ vĩ tuyến
Nhìn sao thao thức mấy năm rồi!

Sao đặc trời sao sáng suốt đêm
Sao đêm chung sáng chẳng chia miền
Trời còn có bữa sao quên mọc
Anh chẳng đêm nào chẳng nhớ em!

Những sông Ngân, cầu Ô, sao Bắc Ðẩu, mũ Thần Nông, liệu Mỹ Phương có hiểu không? Và các biến cố lịch sử? 1945? 1954? Dòng sông Bến Hải, vĩ tuyến 17? Và cách trình bày, suy diễn các biến cố lịch sử, Mỹ Phương liệu có hiểu và tìm được cho mình một sử quan trung thực?

Mấy hôm ấy tôi cũng đang nghĩ rất nhiều về ba mẹ tôi. Tôi đã làm thủ tục bảo lãnh sang Mỹ đoàn tụ gia đình trong chương trình Ra đi có trật tự và chờ đợi năm năm rồi. Ba mẹ tôi cũng đánh điện từ hơn một năm trước cho biết đã có giấy xuất cảnh. Tôi lại nghĩ đến một người bạn thân từ thuở bé, đến nay gần 10 năm vẫn bị giam cầm không xét xử trong trại tù Cộng Sản mà người ta cứ gọi là trại Học tập. Nhiều bạn cũ của N. và tôi muốn nhờ những cơ quan Văn bút quốc tế can thiệp cho N. đoàn tụ với vợ con hiện ở Texas nhưng tôi cứ chần chừ băn khoăn cầm mãi mớ giấy tờ không biết có nên hay không nên. Rồi lại những sông Ngân, cầu Ô, những chia cách mòn mỏi đợi chờ ám ảnh trong trí tôi. Lại Huế, Ðà Nẵng, Hà Nội... Bất ngờ quá, một buổi sáng nhận tin: Ba mẹ tôi đã sang đến trại tị nạn Thái Lan, ở đó 10 ngày. Hiện đã sum họp với gia đình tôi như anh đã biết.

Ba tôi năm nay 73 tuổi. Cụ vẫn mạnh khỏe nhưng đi đứng khó khăn vì sưng khớp xương. Mẹ tôi không ốm yếu nhiều như tôi tưởng. Ngày gặp gỡ vui mừng khôn tả. Hôm nay sau hai tuần lễ gặp mặt, gia đình tôi vẫn còn cái không khí nôn nả cảm động của một cuộc hội ngộ sau hơn 10 năm trời.

Ba tôi nhìn thấy trong nhà những bài báo và quyển sách mới xuất bản của tôi ở Mỹ nhưng không có vẻ quan tâm. Cụ lấy trong tủ sách cuốn Dọc đường gió bụi tức là cuốn Kiến văn lục của cụ Trần Trọng Kim ngồi đọc lại mấy hôm nay.


Anh Q.D.,

Rời khỏi nước sang đến Mỹ tôi mới xuất bản được một quyển sách văn chương nhưng nói ra, anh đừng cười, con đường văn nghiệp của tôi kể cũng khá dài.

Dạo ở Hà Nội năm 1952, hai năm trước khi di cư vào Nam, ba tôi có tập cho tôi viết lách. Lúc ấy tôi mười tuổi, viết cái truyện ngắn đầu tiên nhan đề là „Con sáo“. Ba mươi ba năm trôi qua, tôi chỉ còn nhớ được cái nhập đề: “Tôi có nuôi một con sáo” để tả lại con chim mà tôi nuôi chăm chút, hàng ngày lang thang trên các bãi cỏ vỉa hè Hà Nội bắt châu chấu cho nó ăn, nó thân thiết với tôi như thế nào và khi nó chết tôi buồn bã như thế nào.

Sáng qua khi thức dậy sớm tôi thấy ba tôi đang ngồi uống nước trà, đọc một cuốn sách khác của một người bạn tôi mới xuất bản mang đến nhà tặng. Ba tôi vốn ít nói. Tôi ngồi xuống cạnh ba tôi. Cả hai bố con đều ngượng nghịu trong lúc chuyện trò. Tôi hỏi ba tôi có gặp lại hết các cô các chú ở ngoài Bắc không. Tôi hỏi về một đứa em họ mồ côi ở Hà Nội mà tôi có tự ý đăng nguyên lá thơ của nó trong quyển sách mới của tôi. Cuối cùng tôi hỏi: "Ba có nhớ cái truyện ngắn ‚Con sáo’ con đăng ở Hà Nội không. Ba có nhớ cái tờ báo ấy tên gì không?"

Ba tôi đáp: "Trẻ Việt."

Ðúng cái tên ấy. Cái tên mà mấy chục năm qua tôi không thể nhớ ra. Không ngờ ba tôi vẫn còn giữ được những chi tiết nhỏ bé ấy cho tôi từ trong một dĩ vãng xa vời.

Năm 1954, ba tôi đã một lần rời bỏ xứ sở miền Bắc và một nửa gia đình tại Hà Nội đem tôi di cư vào Nam. Bà nội tôi mất ngoài Bắc trong cuộc xa cách hơn ba mươi năm ấy. Năm nay, 1985, ba me tôi lại rời bỏ quê nhà. Tại sao cứ chia ly mãi.

Khi gặp mặt ở phi trường mọi người đều chảy nước mắt hàn huyên thăm hỏi. Me tôi vốn nói nhiều. Me tôi nói: Kỳ này đi thăm các con cháu, ông bà phải đi xa quá. Vượt cả một đại dương. Me tôi nhất định gọi đây là một cuộc đi thăm. Trên đường từ phi trường về nhà, me tôi cũng nói chuyện không ngớt. Me tôi bảo: Me mong sao sớm có ngày về. Ba me chỉ ước nguyện có thế thôi. Lập tức, tôi nghĩ đến cái cảnh chia ly giữa me tôi với bà ngoại tôi, các cậu các dì tôi ở Việt Nam, chắc cũng rất nhiều nước mắt.

Hôm qua Tết dương lịch, cũng là ngày sinh nhật thứ 24 của con gái tôi. Năm 1986 đã bắt đầu.

Trong lúc các cháu trổ tài nấu nướng, ba me tôi ngồi sắp xếp những tấm ảnh trắng đen mang từ Việt Nam. Hai cụ mang theo một cuốn trích lục gia phả, một cái nón lá, một xấp ảnh cũ. Tất cả chỉ có thế. Tôi giúp các cụ đóng khung một số hình. Những tấm ảnh ba me tôi từ ngày mới cưới, me tôi kẻ lông mày nhỏ và cong, tay vịn cành hoa. Tấm ảnh đen trắng tô thêm màu bằng tay. Lần đầu tiên tôi nhận ra ngày trẻ me tôi rất đẹp và ba tôi cũng vậy.

Những tấm ảnh xưa cũ ba me tôi mang theo đem tôi về lại những căn nhà có bốn năm bậc thềm cao để tránh lụt lội trong mùa mưa ở Huế. Xa hơn nữa, căn nhà ở phố cửa Nam Hà Nội, nơi ông tôi có xây cái bể cạn hình bán nguyệt gắn vào tường, dưới trang trí hình cá hoá long gắn bằng những mảnh sành, trên là một hòn giả sơn có trồng những bụi cỏ tóc tiên. Ba me tôi mang sang cho tôi tất cả thời thơ ấu: buổi trưa mùa hè Hà Nội, buổi sáng mùa thu ở Huế, những con ve, những người bạn tấm bé cả hai miền, những ngôi sao, con sáo và cả những tờ báo thiếu niên thủa xa xưa.

Tám trang giấy tôi không viết tiếp nữa. Tôi để dở dang dưới cái tên "Ðêm hiện dần lên những chấm sao", câu đầu trong bài thơ Nguyễn Bính, người khởi xướng Ðoàn Văn hoá Cứu quốc, rồi Phó Chủ tịch tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Rạch Giá, người đã ngủ nóp để sáng tác ở rừng U minh trong Ban Văn nghệ khu 8, đã phiêu lưu từ Bắc vào Nam rồi từ Nam ra Bắc - và, theo một người làm thơ có quen biết và chịu nhiều ảnh hưởng của Nguyễn Bính là Kiên Giang thì sau 1954 tập kết ra Bắc, Nguyễn Bính theo nhóm Ðất Mới và Nhân Văn Giai Phẩm nổi lên chống chế độ đỏ, bị bao vây và cầm tù, bị bắt buộc phải phản tỉnh.

Phần tôi tất cả những gì sâu đậm tôi nghĩ về Nguyễn Bính lại là những vần lục bát: Nhà ta ở dưới gốc cây dương, cách động Hương sơn nửa dặm đường hoặc là Hà Nội ba mươi sáu phố phường, lòng chàng có để một tơ vương... Hồi học tiểu học ở Hà Nội mỗi ngày ôm cặp da lấm mực qua lại đường Sinh Từ, tôi thường dừng lại một tiệm sách ngắm nghía một cuốn thơ in trên giấy thô, ngoài bìa vẽ ngọn sóng màu xanh nhạt. Ðó là Nguyễn Bính của “Lỡ bước sang ngang”. Ðó là Nguyễn Bính, thi sĩ đầu đời của tôi. Ðó là Nguyễn Bính trước thời chia cách Bắc Nam, thời ba tôi rời Hà Nội vào Huế đi làm ở Thiên văn, mỗi ngày thả bóng bay lên trời xem gió mây đi hướng nào. Thời xa lắc xa lơ đó trước một cuộc chia cách đông tây của chúng ta ngày nay với người chết chìm ngoài biển khơi và người ngắc ngoải trong nhà tù mà người ta cứ gọi là trại Học tập.

Anh Q.D.,

Tôi không viết tiếp được vì những lý do lung tung như thế, xin anh thứ lỗi. Nhưng nếu thấy lá thư này thích hợp và có thể xem như một bài viết cho tờ Tuổi Hoa tục bản ở Mỹ, anh tùy nghi sử dụng. Anh có thể đặt tên nó là Con Sáo hoặc cứ giữ cái tên mà tôi đã đặt cho tám trang giấy dở dang kia.

Năm 1957, Nguyễn Bính ở ngoài Bắc nhìn trời sao nhớ một người ở miền Nam vĩ tuyến. Bây giờ chúng ta đứng bên này quả đất nhìn sao mà nhớ cả quê hương.

Cuộc đời Nguyễn Bính thế nào, quả thực tôi không biết rõ ngoài những tài liệu rời rạc mất còn, tùy sử quan, tùy những trôi nổi đông tây nam bắc giữa các mâu thuẫn chính trị mịt mờ. Nhưng tôi biết, chúng ta vẫn có cùng một câu hỏi với Nguyễn Bính: Ai biết cầu Ô ở chỗ nào?

Vâng, ai biết cầu Ô ở chỗ nào?

Và các con em của chúng ta ở Mỹ đọc báo Việt liệu có hiểu những chữ cầu Ô và sông Ngân? Và khi hiểu rồi thì liệu chúng có trả lời được cái cầu Ô kia nó ở chỗ nào?

Thân ái.


7.
Tình hoang mang gợi tứ hoang mang

Trời đất bốn mùa xuân hạ thu đông. Mùa nào thức ấy. Xuân, hoa nở bướm bay. Hè,ø mặc quần cộc lái xe đi tắm hồ. Thu, nhìn lá rơi nghe chuông nhà thờ đổ. Ðông, lạnh co ro, bật hít tơ lên rồi mà sáng ngủ dậy vẫn nhức xương chết bỏ.

Thi sĩ, phần lớn làm thơ về mùa xuân. Lúc khí trời ấm áp chim chóc đậu trên giây điện như những nốt nhạc đứng trên khuông nhạc. Tiếng của chim líu lo đẩy người ta bước ra ngoài trời ngắm hoa đào hoa mận. Ðủ thứ hoa. Vô số là hoa.

Nói thế không có nghĩa là không có thi sĩ làm thơ về mùa thu, mùa hè hay mùa đông.

Thi sĩ mùa thu thích nói về lá vàng, lá khô và con nai. Thi sĩ mùa hè hay nói về hoa phượng đỏ, ve sầu kêu ra rả. Ðây là nói về các thi sĩ Việt Nam thuở đi học của những thế hệ 40, 50, 60, và ngay cả 70.

Còn mùa đông ở Mỹ? Thi sĩ Việt Nam buồn da diết.

Thi sĩ nhớ vợ, nhớ con, nhớ nhà.

Trời lạnh dưới không độ, nhìn ra chỉ thấy màu trắng xóa. Nửa đêm không ngủ, co cẳng ngồi sản xuất thiếu gì là thơ. Vần nào chẳng lạnh?

Nhưng nói chung, thơ có mùa.

Thơ có cơn như sốt rét ngã nước, hay nói rõ hơn, động kinh.

Thơ, có khi chỉ một lần.

Thơ có khi đi luôn: thi sĩ trở về làm cán sự xã hội, nhà buôn, thợ điện. Không bao giờ thi sĩ nữa.

Giang Yêm, đời Lương bên Tầu: lúc trẻ thơ văn được đời ca tụng. Lúc già, thơ văn chẳng lão luyện hơn mà lại thoái bộ đi. Ấy người ta đồn: Giang Yêm bơi thuyền ngừng ở bến nước mà ngủ, mộng thấy một ông bước tới đòi xấp lụa. Chàng Giang rút trong người ra tám thước lụa trả lại. Tại sao tám thước, ai ø biết? Từ đó văn thơ chẳng ra gì. Cái đó kêu là Giang Lang Tài Tận.

Tất nhiên cũng có những thi sĩ suốt đời. Thi sĩ bốn mùa. Mùa nào cũng thơ. Ði ba bước: bài ngắn. Bẩy bước: bài dài. Vòng trở lại là thơ Liên hoàn. Chợt chụm chân dừng lại: thơ Yết hậu. Diêm Vương phán hỏi mang gì đó? Be.

Thơ là nhạc. Nhạc là nhịp. Thơ thoát ra từ tiếng trống.

Trống của trẻ con Việt Nam là trống múa lân. Múa sư tử. Nó đơn giản:

Bằng bằng

Bằng bằng

Bằng bằng trắc bằng bằng.

Tiếng bằng gõ trên mặt trống. Tiếng trắc gõ trên thành trống. Ðiệu thơ của bé thơ là điệu thơ mạnh khoẻ. Mỗi nhịp thơ gọn như nhịp trống tùy theo tiếng dùi gõ trên da trống tùng tùng hay thành trống cắc cắc.

Tùng tùng cắc cắc suốt một thời thơ ấu trong những buổi trưa hè kia lúc bé thở bé thơ thiu thiu ngủ, bà mặc yếm ôm cháu nằm trên võng, tóc bà trắng, tóc bà bay phất phơ. Bà quạt nhè nhẹ cái quạt giấy. Bà cất tiếng ru à ơi. Tiếng láy trong bài ru làm cho những nhịp thơ đơn giản của tiếng trống sư tử trở nên mịn màng như những đường cong.

Cái cò...là cái (à) cò vàng
Mẹ đi đắp đàng, con ở (ơi à) với...(à) ai?

Ðột nhiên, bà bảo: Con ở với bà, bà không có vú. Con ở với chú, chú là đàn ông. Rồi lại lục bát. Song thất lục bát. Bẩy chữ. Năm chữ. Thơ dong chơi du lịch trong sách vở sang tận đời Ðường đời Tống bên Tầu.

Bằng bằng trắc trắc trắc bằng bằng
Trắc trắc bằng bằng trắc trắc bằng

Thơ ủ dột. Thơ cho người buồn phiền. Thơ cho đau thương cô quạnh. Thơ đuổi giặc. Thơ khẩu hiệu. Thơ quảng cáo. Thơ cho mọi mục tiêu.

Phẫn chí làm thơ mà đắc chí cũng làm thơ, thế là thế nào?

Thế là thơ kiêu kỳ. Thơ khinh mạn. Thơ vĩ đại. Thơ nhỏ nhen. Thơ khúm núm. Thơ khiêm tốn. Thơ dịu dàng. Thơ giận dữ hùng tráng. Thơ dỡn chơi. Thơ âu yếm và yêu thương.

Thơ nghĩa là thơ nghĩa là thơ
nghĩa là một buổi thấy bơ vơ
một tay cái bút tay tờ giấy
ta giết ta đâm hết thì giờ.

Vậy, thơ đến từ lúc nào? Tất có người biết mà có người không biết.

Cô gái kia da mặt đậm đà như trái bàng quân, thời xuân trẻ cô khoác một sợi giây đỏ trên mái tóc thề. Cô làm thơ từ hồi đi học. Cô đâu có biết? Chàng thi sĩ hai buổi đến trường nhìn cô. Chàng chờ cô về.

Nhưng thơ vẫn không hay.
Thơ đi không ai biết.
Thơ đến không ai hay.

Ði luôn như đã nói. Có khi lại về. Ði đi rồi lại về về, đi đi về về ấy cũng là thơ. Thơ lục bát tự do:

Nhưng cũng là thơ vẫn là thơ
những giòng trôi suôn sẻ như mơ
với lòng yêu thích tôi ghi xuống
với nhiệt tình và với hững hờ.

Ðây là nói về những ngày âu sầu thơ đi qua Mỹ.

Ðời xưa, thi sĩ không làm việc vất vả. Họ có nhiều thì giờ rong chơi đi đi về về với thơ. Họ khoái làm thơ liên hoàn bởi lẽ như thế. Còn các ông sư: tụng kinh thì nhiều mà nói thì ít. Ấy họ hay làm thơ thiền, ba bốn câu ngắn ngủn.

Thơ là người, người cũng là thơ.

Người là thơ, người không cần phải viết. Nếu đời là thơ, trời cũng là thơ. Nếu trời là thơ, ngủ một giấc cũng là thơ. Ðồi núi là thơ. Hoa lá một buổi sớm mai vươn vai thức dậy, ấy cũng là thơ.

Ðời vốn là thơ cần chi viết?

Dấu lặng cũng là nhạc. Nhạc tức là thơ.

Chắc gì chàng thi sĩ làm thơ tình kia đã là tình nhân?

Có những tình nhân đắm đuối.

Có những mối tình lớn và đẹp hơn hết thẩy những mối tình lại không có lấy một giòng thơ.

Cũng như những sinh mạng Việt Nam hàng trăm ngàn vùi thây ngoài biển cả, trong trại tù, hàng triệu trên bãi chiến trường. Không có lấy một quyển sách đáng giá bi thương.

Khi người ta yêu nhiều và yêu thật, người ta làm gì có thời giờ viết thơ tình? Người ta chỉ yêu thôi. Chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì.

Còn khi đau thương?

Khi đau thương tuyệt độ? Người ta làm sao kể lể? Ta chỉ đau thôi chẳng nói gì.

Thơ của đau thương là tiếng khóc. Vần của đau thương là nước mắt. Chữ của đau thương là đêm đen. Nhịp của đau thương là giấc ngủ mơ hồ trên xương máu, trên chia ly mà những ngón tay không gõ.

Ðó, vì sao một thi sĩ Việt Nam, Quách Tấn viết: Tình hoang mang gợi từ hoang mang.