© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
12.4.2005
Nguyễn Bá Trạc
Chuyện của một người di cư nhức đầu vừa phải
8 kỳ
 1   2   3   4   5   6   7   8 
 
Lời nói đầu

Cuốn sách này bắt đầu viết lúc những người Việt đầu tiên đến Mỹ được 10 năm (1985), chấm dứt lúc người viết rời Mỹ đi làm việc ở đảo tỵ nạn Pulau Bidong, Mã Lai (1987). Bấy giờ ở Mỹ cũng đã có các phương tiện thông tin Việt ngữ, nhưng hãy còn thô sơ và chưa rộng rãi. Viết trước hết là viết cho mình trong thời gian phần lớn rối rắm và buồn bã, nếu có nghĩ đến đối tượng người đọc cũng chỉ nghĩ hạn chế trong bạn hữu và một số người Việt lưu lạc ở hai vùng nam, bắc tiểu bang California.

Ba mươi năm sau khi rời khỏi nước, nhiều biến cố đã xẩy ra, nhiều cảm xúc và suy nghĩ đổi khác, các kỹ thuật truyền thông đã hoàn toàn thay đổi. Nhưng cuốn sách nhỏ này vẫn đứng nguyên tại chỗ, như một tấm ảnh đen trắng cũ, chụp bằng phim âm bản lỗi thời, nay được chụp lại bằng máy digital để đưa lên internet.

Nguyễn Bá Trạc
San Jose, 15 tháng Ba, 2005


1.

Thung lũng nở hoa Quince

San Jose 1985.

Khi nhìn ra đường phố, cây cối, nhà cửa để nhắc mình về thời gian và không gian này đây, ông X. ghi nhận: Xuân đã trở về từ cuối tháng hai. Những mầm lá đâm vội khắp thung lũng, hoa quince đỏ nở rực rỡ.

Hình như cũng có thứ hoa quince mầu trắng.

Ông không biết chắc, nhưng sau mười năm ở Mỹ, ông bắt đầu biết đến loại hoa tựa như hoa mai, hoa đào nở đầu xuân. Tên nó là hoa quince.

Hoa quince nở.

Tiếng khánh thủy tinh trong gió kêu leng keng.

Mỗi khi ngưng suy nghĩ, bước ra khỏi thế giới chìm đắm bên trong, ngắm nhìn mọi thứ bên ngoài: nắng đã trở về, hoa quince nở rực rỡ, thì ông cũng ý thức là thỉnh thoảng ông vẫn quan sát cuộc đời và quan sát mình như người này quan sát người kia trong lúc người ấy quan sát một người khác.

Tách rời khỏi mình, nhìn mọi người hững hờ hoặc cuồng nhiệt quay vòng vòng vô thức theo hình trôn ốc của đời sống (của vũ trụ, của con đường sữa) cùng tất cả những gì thế giới cứ ràng buộc chằng chịt lên nhau, ông thấy: Không có gì thực hoàn hảo. Những nghịch lý lẫn vào giấc mơ. Cơn cháy bùng rồi tắt rụi. Mọi người vụng về khỏa lấp hỏng hụt của mình rồi lại chìm đắm vào cơn mơ vì người ta thích kết luận đơn giản hơn là chấp nhận suy nghĩ phức tạp hoặc giả, dám tin hẳn vào trực cảm.

Những lúc như vậy: Mặt trời, ánh nắng, hoa lá và ngay những con chim mockingbird kêu rộn trong bầu trời trong vắt cũng không làm thay đổi các cảm xúc tiêu cực bên trong.

Lúc ấy người ta khó ghi nhận bằng thẩm mỹ tươi sáng.

Người ta chụp bắt nhanh hơn cái u ám hoặc hằn học của một gã say sưa khốn khổ, người thực khách uể oải nuốt từng sợi phở trong góc quán, nụ cười sầu thảm, bộ mặt giả hình, tham vọng che giấu, những khao khát hèn kém mù mờ.

Và dù người ta có từ chối cũng không tránh được vòng quay đường trôn ốc. Cái vòng toả rộng từ điểm sâu hút, nơi một ngày kia mỗi linh hồn sẽ trở về trong khi tất cả những tinh cầu, ngôi sao, mặt trăng, mặt trời, những thuộc tinh của mặt trời cứ tiếp tục xoay đến vô cùng.

Ðêm nay trời sáng trăng.

Họ ngồi trong khu vườn nói chuyện lẫn với tiếng côn trùng.

Ông X. bồn chồn nói với bà bạn về cái vòng trôn ốc:

"Bạn tôi, một hoạ sĩ" - ông X. nói - "sau mười ngày thoát khỏi Việt Nam, trôi lênh đênh trên mặt biển với bão tố, đói khát và tuyệt vọng. Mở mắt ra thấy một hòn đảo Nam Dương vừa lúc sức lực đã cùng kiệt. Ông ta như một tờ giấy thấm, ào một cái, ghi nhận tất cả những mảng mầu. Những người đàn bà Nam Dương mặc sà rông vàng tím đi trên mảng đất nâu non. Lá cây mầu xanh chàm. Ông bảo trong phút chốc những mảng mầu ấy tràn ngập tất cả phần còn lại của tâm hồn, cho nên bây giờ đến Mỹ không còn chỗ để ghi nhận thêm gì nữa."

Ông X. mô tả:

"Bạn tôi cười đấy rồi khóc đấy. Giữa cười và khóc không một lằn ranh. Tấm giấy thấm từng in bao đau thương: Khói lửa, tù đầy, chia cách, bão tố, chợt một cái-đời sống lại hiện ra với mảng mầu tươi rói trên hòn đảo.

Thưa bà, làm sao ông còn có thể vẽ với quy ước thông thường?

Tất cả những xáo trộn? Nó đột xuất.

Tâm hồn dễ rung như cái dây đàn.

Ông ta cười và khóc vì chia cách và mất mát thôi ư?

Tôi e đây chỉ là kết luận đơn giản, không phải cái đơn giản chất phác mà sâu sắc. Nhưng là cái đơn giản của trực giác cùn nhụt, mất tinh tế.

Bạn tôi ý thức được đường di động của cuộc đời và mọi tinh cầu chung quanh ông.

Linh hồn ông quay vòng theo đường trôn ốc mà chỉ mẫn nhuệ mới cảm thấy với đủ ý thức, còn chúng ta có lẽ không.

Ðêm nay có phải ta đã nói chuyện phiếm về giới hạn của lý trí? Cái sai lệch của lý luận như Achille chạy đua với con rùa? Thưa bà, phần tôi chỉ dám nói:

Kìa, hôm nay trăng tròn. Tôi không đòi hỏi gì. Không nóng quá. Không lạnh quá. Ðêm nay, chính vào giây phút này đây mọi sự rất bình thường."

Khi ông X. dứt lời, bà bạn bật cười. Cả hai chỉ tay vào mặt nhau mà nói:

"Hãy nhớ lấy."


*


Thơ của Nguyễn Văn X.

Tháng Tư

(1)

Bước đi trong đêm dài
đường thơm mùi dạ lý
chẳng biết buồn hay vui.

Không gian đầy hoa trắng
thu mình dưới lá xanh
lá xanh và hoa trắng
bóng đêm và ánh trăng.

Bước đi trong đêm dài
đường thơm mùi dạ lý
biết thèm ngụm nước trong
biết thôi đừng suy nghĩ.

Bốn phương trời im vắng
hai bên bờ lá xanh
biết lòng còn lẫn lộn
bóng đêm và ánh trăng.

Bước đi trong đêm dài
màn sương mờ bụi đất
biết lòng mình mệt nhoài
biết không tìm cũng gặp
thời gian và tương lai.

(2)

Bây giờ đầu mùa xuân
thung lũng nở hoa quince
người đàn bà áo trắng
lướt qua như thủy tinh.

Dưới những gốc cây sồi
một người già nằm xuống
những bài thơ sống lại
một đứa trẻ ra đời.
Giấc mơ và tiếng nói
bóng đêm và ánh trăng
trong những hòa âm mới
giữa những người và người.

Bây giờ đầu mùa xuân
thung lũng nở hoa quince
bước về từ dĩ vãng
những mối tình thức dậy
lướt qua như thuỷ tinh.
Bây giờ là mùa xuân
không gian đầy hoa trắng...


*


Anh Y.,

Nhiều lần tôi tưởng ra một đêm, như nhiều đêm cô quạnh chúng ta tìm đến nhau nói tiếng Việt, lái xe đi uống cà phê, mà tôi thì sẽ chủ động để nói chuyện cái lỗ tai.

Việt Nam 1945.

Hai triệu người chết đói. Người Pháp, người Nhật tranh nhau chiếm xứ này. Lúa nhổ đi để thay bằng đay, gai. Gạo trong Nam không được chở ra Bắc. Xác người nằm la liệt khắp đường phố Hà Nội. Người ta thuê nhà thầu dùng xe bò lượm xác, chở về toà thị chính đếm và lãnh tiền rồi mang đi chôn.

Các nhà thầu gian lận bằng cách đếm xác hai lần. Họ chở xác đi một vòng rồi quay về đếm lại để lãnh tiền thêm lần nữa.

Người ta giải quyết sự gian lận bằng cách đánh dấu xác chết: Xác nào đã đếm rồi thì cắt cái lỗ tai.

Anh bạn thân mến,

Xin lỗi anh về tính mỉa mai trêu ghẹo. Nhưng tôi không có ý bất kính với những xác chết đau thương. Mà nhiều đêm cứ trằn trọc khi nghĩ đến hành trình liên tục của con người để phản ứng chống dục vọng. Của cá nhân, của tổ chức, của xã hội. Dục tình. Ham muốn chiếm hữu đất đai, của cải, quyền lực, danh vọng. Cuộc chống chọi ấy dắt đến những quy ước luân lý, sắp xếp xã hội, luật pháp, các chế độ chính trị. Và tôi thấy hình như ai cũng cố vươn lên để đạt thẩm mỹ, chống chọi với dục vọng, đạt tới hoà bình, ấm no và công chính. Mọi hình thái luân lý, luật pháp, chính trị và nhất là tôn giáo và triết học đều cùng có cố gắng như vậy. Cái đỉnh chung chung ấy có thể đi nhiều lối khác nhau chăng? Nhưng kết quả?

Là vòng tròn mâu thuẫn, xác chết, những cái lỗ tai cắt rời?

Là những cuộc thánh chiến và chủ nghĩa anh hùng?

Vậy thì tiết, giới hay là phóng?

Tư bản hay Cộng sản? Phật giáo? Hồi giáo? Do Thái giáo? Thiên Chúa giáo hay Tin lành?

Thật tối tăm mặt mũi với tất cả nghịch lý vì những người yêu công chính lại quay về cào xé nhau, mà chống lại con người.

Anh bảo suy nghĩ thế ai mà chẳng biết.

Thưa anh, tôi Nguyễn Văn X., xin chọn một cái gì giữa sự đơn giản thái quá (tên là ngu ngốc) và sâu sắc thái quá (tên là mông lung quỷ quyệt).

Tôi muốn ngắm nhìn vẻ đẹp giữa ánh sáng rực rỡ và bóng đêm tối tăm.

Tôi muốn bay theo thời gian vĩnh cửu để nhìn đời sống một cách tổng quát toàn diện hơn, nhưng tôi vẫn vướng mắc vào các vấn đề chi tiết và ngắn ngủi của hiện tại như cơm áo, chiến tranh, ý nghĩ về những sợi phở, bọn khả ố, cái lỗ tai xám ngoét.

Thú thực với anh, nửa đêm có lúc tôi thức dậy soi gương. Có hôm tôi đeo cả con dao găm vào thắt lưng xem mình có vẻ là chiến sĩ hay không? Thè lưỡi méo mồm xem mình có phải là một thằng hề?

Tôi muốn thử tất cả các bộ dạng khác nhau để tìm một gã sinh ra phía bên kia quả cầu với thời ấu thơ mầu trắng, mầu xanh, rồi trôi đi, vùi dập trong mầu tím thẫm, mầu đỏ, mầu nâu đất, mầu xám rồi đen đục.

Nhưng câu chuyện càng dài dòng hơn với lý luận. (Không bao giờ người ta có thể di chuyển từ điểm A đến điểm B vì luôn luôn còn phải vượt qua cái điểm giữa của nửa chặng đường còn lại). Tương đối, có lẽ tương đối là mấy bài thơ gần hơn với sự thực của người kể chuyện. Vì nó chở cảm xúc. Vì nếu dối trá thì cũng thành thực dối trá trong lúc cảm xúc tràn đến lừa bịp tâm hồn.

Bây giờ là mùa xuân, sao tôi cứ nghĩ mãi đến những đêm hè trắng xanh.

Mùa hè ở đâu? Quê ta, Việt Nam? Bây giờ lúc nào? 1945, hai triệu người chết đói? 1955, Việt Nam vừa cắt làm đôi? 1965, lúc chúng ta rời đại học, lăn vào bụi đất trên chiến trường? 1975, lúc mấy trăm ngàn người Việt tung ra khỏi nước, vùi mình dưới đại dương, trôi khắp năm châu?

Không, thưa anh bây giờ là tháng Tư. San Jose 1985.

Ðúng ba ngày sau hôm ông K. mất thì tôi vừa có thêm một đứa con gái.

Tôi đặt tên nó là Mê Linh Mélinda.

Mê Linh, làng Hạ Lôi, đất của Trưng Trắc Trưng Nhị, của những người đàn bà Việt Nam anh hùng phất cờ chống ngoại xâm.

Mélinda, tên mẹ nó, dòng giống Bắc Âu. Xứ của băng tuyết và những ngày tháng lạnh lẽo.

Khi nhìn mẹ nó đau đẻ: mồ hôi toát ra, run rẩy từng chập, tôi chìm vào dĩ vãng và cũng cảm thấy mình xoay theo vòng trôn ốc. Tôi cảm thấy tất cả chúng ta nằm trong tay thiên nhiên và suốt tuần nay tâm hồn tôi trắng xanh.

Tôi đứng nhìn người đàn bà, người mẹ, rung lên như một cành lá từ buổi chiều, suốt một đêm trắng với bộ mặt xanh nhợt. Ðứa nhỏ bị nhau quấn vào cổ, nhịp tim có lúc muốn tắt và đập rất thấp trong bụng mẹ, không ra lọt ra được ngưỡng cửa cuộc đời.

Cái máy đo tim cho đứa bé đặt áp trên bụng mẹ tic-tac-tic-tac suốt đêm: 99, 100, 150, 151, 80, 50, 40. Cơn đau kéo dài cho đến hôm sau không suy suyển.

Khi trời mờ sáng, tôi nhìn ra từ từng lầu năm của nhà thương thấy mặt trời hiện dần lên trên đồi núi xanh thẳm dưới đôi cánh dang rộng của các thần linh. Và đây là núi đồi châu Mỹ.

Tám giờ sáng, các bác sĩ quyết định mổ. Chừng 30% trẻ con ở đây ra đời như thế. Ðứa bé được kéo ra khỏi bụng mẹ qua đường dao cắt. Nó cũng xanh nhợt, mặt mày nhăn nhúm, lo lắng, bất an.

Thưa anh, dù là một đứa bé mới đẻ, chúng cũng có thể nói và nghe. Nó nói bằng tiếng khóc và đôi mắt. Nó nghe bằng sự cọ xát của bàn tay và làn da. Tôi đặt tay lên đầu nó, nói với tấm lòng yên lặng:

«Ðây, hãy bước ra và đi. Ði giữa tất cả các anh chị em để đương đầu với đau khổ và biết nắm giữ lấy hạnh phúc.»

Lúc ấy đứa bé quẫy lên.

Tất nhiên tôi còn nói vài điều nữa. Nhưng xin khỏi mô tả đề tránh những xuyên tạc hẹp hòi.

Sau khi ra khỏi nhà thương, tôi ghé đến thăm ông K. nằm ở nhà xác trong một cái quan tài đầy hoa. Ông nhắm mắt yên nghỉ giữa những đoá hoa châu Mỹ, không chừng có cả hoa quince. Ông có năm người con trai. Người đầu tiên, sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hoà thất lạc từ 1975 khi Cộng Sản chiếm trọn miền Nam Việt Nam. Người thứ ba chết trong trại cải tạo công sản. Bây giờ ở châu Mỹ, ông nhắm mắt với khuôn mặt yên nghỉ bên những người bạn và những người học trò cũ đến thắp hương nghiêng mình.

Anh Y, tâm hồn tôi lại đầy màu trắng và màu xanh, hương hoa dạ lý trong một đêm hè quê cũ. Tôi lẫn lộn thời gian với không gian cùng mùi thơm của tất cả các loài hoa ở bên này bên kia trái đất. Ðôi khi một cách hững hờ, tôi cũng bắt gặp cả cảm giác mỏng manh như những mối tình màu trắng, dễ vỡ như thuỷ tinh.

Ðêm về tôi nằm chìm đắm với bài thơ lẫn lộn màu trắng, màu xanh, thị kiến về đường đời, những mối tình, đoá hoa, cảm xúc cổ điển của thi ca lãng mạn, dằng xé của tất cả cuộc đời và vũ trụ xoay theo hình trôn ốc. Một đường xoay đến tận vô cùng.

Một đường xoay chuyển dịch trên bầu trời như những ngôi sao mà anh có thể nhìn thấy ban đêm trên cánh đồng, trong một khu rừng.

Một đường xoay trên đám mây trôi đi từ thủa ấu thơ, trong những ngày đi bộ trên con đường đất, hai bên là lúa vàng và những đàn chim mía trở về kêu ríu rít.

Nửa đêm, tôi khát nước kinh khủng.

Ở vùng này, nước đang bị nhiễm độc vì hóa chất từ các nhà máy điện tử thấm ra. Chúng tôi phải mua nước uống bán ở các siêu thị.

Nước này trong và sạch vì nó là nước cất.

(Ký tên: Bạn anh, Nguyễn Văn X., một người di cư nhức đầu vừa phải).


2.

Hoa dủ dẻ

1995 Ðà Nẵng thức dậy một buổi sớm mai trong trẻo, bãi cát vắng hoe.

Còn buổi trưa? Thành phố vẫn ngái ngủ trong ánh sáng lấp lánh trôi trên sông Hàn từ Non Nước đổ ra Tiên Sa, trôi ra biển.

Ðêm đêm, người ta trải chiếu trên bãi, ngồi dưới rặng phi lao ăn chè đậu xanh, hoặc bắc cái chõng ra giữa vườn nhìn sao sáng.

Tất cả những con đường, bây giờ tôi vẫn nhớ. Làng mạc, núi non, vùng quê chung quanh trồng lúa, sắn, thuốc lá, vùng Cẩm Lệ, Phong Lệ chạy đến các quận Ðiện Bàn, Vĩnh Ðiện, Mỹ Thị, Mỹ Khê, ngọn núi Sơn Chà, dãy núi Phước Tường với những bụi cây chà-là dại.

Bấy giờ, tôi còn là một gã thiếu niên tóc ngắn, mặc quần cộc, đi guốc xà-lan hoặc dép cao-su lốp, cùng bạn hữu đua xe đạp chung quanh trường, hoặc một mình vào buổi chiều vừa huýt sáo vừa phóng xe từ đỉnh dốc Cầu Vồng thả xuống bờ sông, loanh quanh trên các con đường đầy bóng cây trước khi trở về nhà chong đèn ôn bài vở.

Nhà tôi ở xóm chính phủ.

Ðây là khu nhà rẻ tiền xây với quỹ viện trợ: nhà gian liền vách, mái lợp tôn xi măng, nơi tôi đã sống những tháng ngày sung sướng, chiến tranh hãy còn lắng đọng sau khi đất nước vừa cắt làm đôi.

Nhà của Thu Nhi khang trang, không xa nhà tôi. Căn nhà sát chùa Tỉnh Hội, tường gạch mái ngói, trước mặt là tấm bình phong tỉa bằng cây, hai bên hai gốc dừa, sau lưng bốn gốc cau. Cái gì cũng cân đối, bình thản.

Tôi và Thu Nhi học một trường. Nhi học dưới tôi một lớp. Nhi mặc áo dài trắng bằng vải thường, kẹp tóc, tay đeo vòng đá làm ở Non Nước. Mắt Thu Nhi đen nhánh. Tóc Thu Nhi cũng vậy. Nhưng cái áo và khuôn mặt nhẹ nhõm hiền hậu lúc nào cũng toả ra một màu trắng toát.

Cho đến năm ấy, tôi chưa từng biết trên đời có ai xinh đẹp hơn.

Trường tôi lúc đó mới xây, chỉ có tám phòng, toàn những lớp trung học đệ nhất cấp, ngày nay kể là lớp sáu đến lớp chín. Mỗi lớp trung bình có 50 học trò, mười cái bàn, ghế, xếp làm hai dãy. Cứ năm đứa ngồi sát vai một bàn. Ða số học trò trai. Con gái chỉ chiếm hai bàn đầu bên dãy trái. Những học trò trai siêng năng thường ngồi bàn đầu bên tay phải, nơi đó chúng giơ tay trả lời các câu hỏi một cách ngoan ngoãn lẹ làng.

Sau hai năm từ bàn đầu tôi tìm cách lui xuống bàn thứ hai, cuối cùng lọt hẳn xuống bàn chót. Nơi đây chúng tôi thì thào nói chuyện, chuyền nhau những mảnh giấy vụn, quay lên quay xuống, rung bàn, làm những thằng khác có muốn nắn nót cũng không viết ra chữ.

Học trò bàn chót ít khi xếp hạng cao, trừ phi chúng tôi có dịp giữ sổ điểm. Lúc ấy chúng tôi dùng thuốc tẩy: một lọ màu trắng, một lọ màu đỏ, sửa những con zéro thành số 9, số 10, có đứa còn tự cho mình điểm tối đa 20 trên 20.

Nhưng lũ học trò bàn chót lại là những ngôi sao sáng về đá banh, đua xe đạp. Về văn nghệ: đóng kịch, ca hát, đánh đàn mandoline hoặc đàn ghi-ta, làm bích báo - trong đó có thơ phú, tuỳ bút, tranh khôi hài. Có đứa còn sáng tác cả kịch thơ và âm nhạc.

Buổi sáng, chúng tôi dậy sớm đi tắm biển. Ðua xe đạp về những tỉnh nhỏ lân cận vào cuối tuần. Chúng tôi học tổ, năm ba đứa đến nhà nhau làm toán chung, đứa dốt chép đứa giỏi. Chúng tôi huênh hoang nói chuyện tầm phào, đứa này chưa dứt, đứa khác đã ôm bụng lăn ra cười.

Thỉnh thoảng, chúng tôi rủ nhau đi bộ trên đường quê, hai bên là tre và vườn sắn, thăm những ngôi chùa cổ trong xóm làng chung quanh. Thường chúng tôi về chùa bà Quảng, một ngôi chùa cũ kỹ ẩm ướt, mái và tường loang lổ rêu xanh.

Ông giám thị trường tôi, một người ít khi cười, không bao giờ đi nhanh, thường mặc một bộ vét cũ nhưng sạch sẽ. Ông nổi tiếng nghiêm trang trong việc giữ kỷ luật hiệu đoàn. Ông cũng là người được chúng tôi đặt cho nhiều biệt hiệu hơn tất cả các giáo sư và nhân viên khác trong trường.

Sáng hôm ấy, sau giờ học đầu, chúng tôi ngồi thẳng người, hai tay đặt lên bàn giả vờ chăm chú nghe giáo sư giảng bài. Nhưng tất cả mọi cặp mắt thỉnh thoảng đều liếc ra sân: Ông giám thị đang đi nhanh hơn thường lệ, ông te tái tới lui tìm kiếm hoảng hốt. Ông tìm cái gì? Ông mất cái xe “đuy ra”, lúc ấy ít ù người sắm nổi. Chiếc xe đạp bằng nhôm của Pháp vừa đẹp vừa nhẹ, mạ kền bóng loáng, không một tay đua nào trong trường không mơ ước.

Ông giám thị đến từng phòng, cuối cùng vào lớp tôi gõ cửa.

Ông lom khom run giọng hỏi:

"Có trò nào thấy cái xe của thầy?"

Cả lớp im lặng. Bọn bàn đầu ngồi ngay ngắn hơn. Bọn bàn cuối láo liên. Cuối cùng, tất cả ồ lên cười: Chiếc xe đạp láng bóng trong nắng, lắc lư nhè nhẹ theo chiều gio, nóù được treo tòn ten trên đỉnh cột cờ.

Năm đứa chúng tôi bị phạt cấm túc: đứng thẳng như trời trồng giữa sân, cổ đeo tấm bảng "vô kỷ luật". Ðứng ngay dưới cột cờ, nơi chúng tôi đã tháo lá quốc kỳ long trọng mà kéo cái xe đạp của thầy giám thị lên đỉnh cột.

Vào giờ ra chơi, trong lúc khinh bỉ nhìn lũ bạn vây quanh trêu chọc, tôi gặp phải cặp mắt đen nhánh.
Cặp mắt tức giận mà hiền hậu, buồn bã mà lại muốn bật cười. Cặp mắt chiếu những cảm xúc trái ngược làm tôi ngượng ngập và thắc mắc cho đến khi hiểu chính cô ta là con gái ông giám thị.

Từ đấy tôi biết hôm nào Thu Nhi mặc áo gì. Xe đạp cô ta có hai sợi cao su móc trên cái “pooc-ba-ga” chở đồ, cô ta gài tà áo sau vào cho khỏi vướng bánh xe. Cô ta đeo một cái vòng đá làm ở núi Non Nước. Mắt cô ta đen nhánh.

Khi học bài, tôi bắt đầu lơ đãng nhìn ra trời, những ngọn cây, nghe trái sầu đông rơi lộp độp trên mái nhà. Không biết từ lúc nào tôi bắt đầu viết tên tắt của Thu Nhi lên trang vở.

Tôi đổi chữ ký. Nét cuối ngoắc thành một chữ N vướng vít. Tôi mượn các bạn những quyển thơ chép tay trên giấy pơ-luya mỏng. Tôi bớt đua xe đạp. Tôi bỏ thì giờ đọc những câu: "Ta là con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hát chơi". Bây giờ tôi bâng khuâng: "Chiều nay bướm trắng ra nhiều quá". Tôi thấy mây bay là tà áo trắng, mắt Thu Nhi ở khắp nơi trên đường phố, trên nhánh phượng, trên luống rau cải xanh mướt khi gió đông về, những con bướm màu da cam bay chập chờn khắp không trung.

Nói cho ngay, tôi không bao giờ đến gần.

Cô ta đi với bạn, tôi đứng nhìn ở góc lớp. Cô ta ở bên kia đường, tôi đứng bên này, chân tay vung vẩy.

Tôi thay guốc xà-lan, thay đôi dép cao su lốp. Tôi mặc quần tây dài, đi xăng-đan đế da. Nhưng như thế càng thêm ngượng nghịu.

Tết năm ấy, tôi bạo dạn đến gần hơn.

Tôi làm quen với Liên, bạn của Thu Nhi. Hai cô đều ở trong ban văn nghệ, họ thường họp nhau tập múa, hát, để chuẩn bịcho buổi liên hoan tất niên của nhà trường.

Ðang là tay đua xe đạp, tôi rút khỏi ban thể thao, gia nhập ban văn nghệ. Không hát, không đóng kịch ngâm thơ thì lãnh phần kéo màn: đập chân đồm độp để báo hiệu trên sàn gỗ rồi kéo màn ra, đóng màn vào. Tôi cũng lăng xăng như mọi người để chuẩn bị buổi trình diễn mùa xuân.

Ðêm hôm ấy, Thu Nhi và Liên trình diễn một điệu vũ. Thu Nhi sẽ mặc một cái quần tây. Xin nói rõ: Thủa ấy con gái Ðà Nẵng không mặc quần tây, không mặc váy. Họ đều mang áo dài và cái quần rộng kiểu cổ bằng vải Mỹ A. Chẳng may cái quần tây Thu Nhi mang theo lạc đâu mất trong đám dụng cụ âm nhạc ngổn ngang.

Tôi không nhớ thực sự mình đã trả lời gì khi Liên chạy lại góc sân khấu hỏi mượn cái quần tôi đang mặc cho Thu Nhi, nhưng tôi nhớ rõ đêm hôm ấy tôi mặc cái quần vải “sharkskin” Nhật Bổn màu nâu bóng. Ðứng lom khom sau tấm phông vẽ cánh đồng với mái nhà tranh, tôi cởi ngay cái quần đang mặc, thò tay đưa cho Liên. Tay kia tiếp tục nắm giây màn sân khấu, tôi ngồi thụp xuống che cặp chân và cái quần lót sau tấm phông, tôi kéo màn lên, thò đầu ra sung sướng nhìn Thu Nhi mặc cái quần của tôi vén ống.

Hai cô con gái nhịp nhàng nhẩy một điệu hát vui tươi.

Bây giờ đã ba mươi năm qua, mười năm đi khỏi nước, mỗi lúc nhớ lại điệu nhạc rộn rã đêm ấy, trong lòng tôi lại tưởng ra cái sân khấu gỗ dựng sơ sài trong sân trường, tất cả học trò trai gái và dân chúng trong tỉnh: ngồi, nằm, bò dưới đất, trên các bờ tường, trẻ con leo lên cành cây, còn trên sân khấu, dưới ánh đèn mầu xanh lục, mầu hồng tươi, những khuôn mặt vô tư rạng rỡ, mồm họ là những chữ O, linh hồn họ làm bằng pha lê, họ vui sướng ca hát nhịp nhàng cho tuổi thiếu thời và những mùa xuân bình ổn.

Xuân năm ấy, mùa xuân cuối cùng chúng tôi gần nhau. Ðà Nẵng chưa có trường trung học đệ nhị cấp. Tôi ra Huế trọ học rồi vào Sài Gòn.

Thỉnh thoảng mới có dịp về thăm nhà và không bao giờ gặp lại Thu Nhi nữa.