© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
19.4.2008
Kiệt Tấn
Sự đời
Bài 18
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
 
Sáng giăng em tưởng tối giời
Em ngồi để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời!

Nghĩ lai rai – Ba hai

1. Thử bàn về cái nhìnquan niệm của con người về những gì xảy ra trong đời sống của chính mình và quanh mình. Cái mà đôi khi triết học gọi là nhân sinh quan vũ trụ quan.

Có cái nhìn thực tiễn, đứng trong thế giới mà chiêm nghiệm và tìm cách thích ứng. Đó thường là cái nhìn của con người phương Đông, muốn tìm cách sống hoà thuận với thiên nhiên.

Lại có cái nhìn đứng ngoài thế giới mà nhìn vào rồi đề ra những ý niệm. Và sau đó tìm cách hành động và tổ chức thế giới theo ý niệm của mình. Đó thường là cái nhìn của con người phương Tây, muốn bắt thiên nhiên phải phục vụ con người.

Thoạt đầu, ý niệm chỉ là một cái gì hết sức trừu tượng. Nhưng khi con người bắt đầu bàn cãi và tranh luận thì cái trừu tượng đó dần dần khoác lên mình những lớp da lớp thịt hư giả, và ý niệm lột xác biến thành một cái gì (tưởng chừng như) có thiệt. Có thiệt tới mức nó thay thế hẳn thực tại: người ta chỉ chú tâm tranh cãi nhau về cái ý niệm trừu tượng, còn cái thực tế của đời sống thì không còn đó nữa. Nó có thiệt tới mức con người sẵn sàng chết cho ý niệm, chết cho lý thuyết, chết cho chủ nghĩa mà mình tin tưởng. Người là con thú duy nhứt chấp nhận chết cho ý tưởng. Và hơn nữa lại cho đó là “siêu”! Là cái đặc thù của giống Người. Là cái làm nên con Người. Và ca ngợi hết lời.

Tuy nhiên, lịch sử nhân loại đã từng cho thấy, những ý tưởng mà con người cho là chắc chắn đúng, hùa theo và hy sinh cả tánh mạng (chết cho lý tưởng!), nhưng than ôi! sau khi rõ ra thì cái ý tưởng mà mọi người đã liều mạng binh vực, nó sai bét, nó xuẩn ngốc hết chỗ chê. Vậy mà thiên hạ đã đua nhau mà chết như ruồi! Vả lại, không có gì bảo đảm một trăm phần trăm là một ý tưởng nào đó hoàn toàn đúng và đúng hoài hoài. Ý tưởng chỉ là sản phẩm của não óc, và có thể là não óc của một thằng ba trợn kinh niên, điên khùng tận mạng. Loại ý tưởng đó, mỗi giây phút cái “đỉnh cứt cao trí tuệ” nó ỉa ra hàng đống, không biết đổ đâu cho hết. Hơn nữa, đầu óc con người nó lăng xăng như con khỉ mắc phong, thay đổi “tư zuy” xoành xoạch, thấy phát chóng mặt. Không tin, thử tự quan sát cái hoạt động của trí não mình thì biết. Nói tóm, ý tưởng nó rất là vô thường, cũng như mọi thứ khác trên đời. Chết cho cái ý tưởng vô thường, phỏng có nên chăng? Thà chết cho tình yêu vậy mà còn “được” hơn. Nhưng nghĩ cho cùng, đừng có “thà chết” cho một cái gì hết là khỏe nhứt! Là an toàn… cho tánh mạng nhứt! Và tốt nhứt!

2. Bởi lẽ đó, chết cho ý niệm, chết cho ý tưởng cũng có nghĩa là chết cho hoang tưởng. Cái bản chất của “đỉnh cao trí tuệ” vốn nó là thế đó: hoang tưởng. Và hơn nữa, nó rất kiêu ngạo. Kiêu ngạo tới mức mù quáng. Kiêu ngạo hết thuốc chữa. Tuy nhiên, mặc dù là hoang tưởng, nhưng cái tác hại của ý tưởng, của ý niệm lại hết sức là có thiệt và tàn phá khủng khiếp. Thử nhìn vào những cuộc tranh chấp phát sinh từ những ý niệm của con người (như tổ quốc, biên giới, dòng giống…) từ tiền tài, quyền lực, cách tổ chức xã hội (như chủ nghĩa, lý thuyết, thánh thần, tôn giáo…). Muốn biết, chỉ cần nhìn vào các cuộc chém giết triền miên, thảm sát dài dài suốt trong lịch sử nhân loại, cho đến cuộc Đệ nhứt Thế chiến, Đệ nhị Thế chiến kết thúc bằng hai trái bom nguyên tử. Và tiếp theo là các hoả ngục do chính con người đã đốt lên và đang duy trì ngay trong đầu thế kỷ 21 rải rác trên khắp địa cầu (Rwanda, Darfour, Iraq, Afganistan, Palestine…), cùng với những tổ chức bóc lột kinh tế, bóc lột lao động chết người đại qui mô trên khắp thế giới hiện nay.

Trong thời điểm hiện tại, con người lúc nào cũng hờm sẵn để dội lên đầu nhau những vũ khí nguyên tử tàn độc nhứt. Cái mà con người tưởng là thực tế (như đất đai, quặng mỏ, tài nguyên, dầu hoả…), nghĩ cho cùng cũng chỉ là hoang tưởng. Bởi lẽ cái mà con người thực sự rượt đuổi chính là sự “giàu có”, nghĩa là biến mọi thứ thành tiền để bỏ vô nhà băng! Bởi lẽ không một ai có thể trực tiếp ăn sắt hoặc uống dầu hoả hết. Hưởng thụ ư? Sức hưởng thụ của cá nhân mỗi người vốn rất giới hạn. Phần còn lại chỉ là để “le lói” với thiên hạ. Le lói mà không phải là hoang tưởng ư? Con người rượt đuổi theo hoang tưởng cũng giống như là đứa con nít rượt đuổi theo chân trời. Ngất ngư! Nhưng lại lấy đó làm lẽ sống, làm ý nghĩa cho đời mình.

Con người bày đặt ra những ý niệm và mưu toan bắt Trời đất phải uốn nắn theo ý niệm của mình. Khi bị trái ý, con người phán rằng Trời đất vận hành như vậy là không “hợp lý” một chút nào hết. Con người bèn ra tay sửa đổi. Cái lý ở đây dĩ nhiên là cái lý phát sinh từ “« đỉnh (cứt) cao trí tuệ” hiu hiu của con người. Và cũng bởi lẽ cái “đỉnh cao” nó cao quá mức nên thường khi nó bị mây gió cuốn bay đi tuốt luốt. Phát sinh từ hoang tưởng, rốt cuộc “đỉnh cao trí tuệ” trở về với hoang tưởng. Đã có lần bần tăng viết trong một bài Sự đời: Nền văn hoá và văn minh của con người được xây dựng trên hoang tưởng.

“Đỉnh cao” đã hiểu chưa? Anhđượcxítten? Compờrenđô?

3. “Trong thời điểm hiện tại, con người lúc nào cũng hờm sẵn để dội lên đầu nhau những vũ khí nguyên tử tàn độc nhứt”. Chắc không?

Thiệt ra thì hiện nay, đầu thế kỷ 21, các quốc gia chỉ dùng vũ khí nguyên tử để hù doạ nhau. Ngoài những vụ nổ nguyên tử để thử nghiệm, cho đến nay chỉ có hai quả bom nguyên tử đã thiệt sự được Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki để buộc Nhựt Bổn đầu hàng năm 1945, chấm dứt Đệ nhị Thế chiến. Hai trăm ngàn người chết liền tại chỗ. Còn chết dài dài về sau thì con số có thể lên tới hơn triệu người. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân loại ý thức được sức huỷ diệt khủng khiếp của loài ác quỷ mà chính tay mình đã chế tạo ra: vũ khí nguyên tử.

Người ra lịnh ném bom nguyên tử: Tổng thống Truman – cái tên có nghĩa là “Người thực”. Và quả nhiên chỉ có con Người mới thực sự hành động như vậy, loại con người thực sự có bộ mặt Người. Cái bộ mặt Người nó khủng khiếp như vậy đó, hãy ngó vào gương cho thiệt kỹ và chiêm ngưỡng dung nhan. Hãy ngó cho thiệt kỹ và ý thức để khỏi chụp mũ “con thú” lên những hành động táng tận lương tâm của con người, như chém giết dã man, khủng bố tàn độc, tra tấn hiểm ác, làm nhục tận cùng, tàn sát hàng loạt cả triệu người, trả thù khủng khiếp, thảm sát con nít, dội bom san thành bình địa cả một thành phố, rải thuốc độc, bỏ cho chết đói chết khát hàng triệu người… Kể sao cho hết! Tất cả những hành động đó đều có “bộ mặt Người”, và chỉ thuộc riêng về con Người. Bởi lẽ không một loài thú nào trong trời đất hành động như vậy hết. Nếu có, thì đó là con thú đi trên hai chân, không có lông, không có nanh, không có móng vuốt, không có nọc độc, không phát ra điện, nhưng lại có một cái độc nhứt mà không một loài nào có: “đỉnh cứt trí tuệ”!

4. Khi ném hai quả bom nguyên tử xuống nước Nhựt, trước dư luận thế giới, Mỹ chính thức tuyên bố là để buộc Nhựt đầu hàng nhanh chóng hầu tiết kiệm máu xương của lính Mỹ – ước lượng khoảng một triệu thương vong nếu Mỹ thực sự đổ quân lên đất Nhựt để đánh chiếm dằng dai và cam go. Nhưng biết đâu hai quả bom nguyên tử đó chẳng qua là để dằn mặt cộng sản Nga đang càng lúc càng mạnh lên và lăm le chinh phục trọn cả thế giới. “Thấy rõ chưa? Ta có bom nguyên tử giết người khủng khiếp như vậy đó. Mi hãy liệu hồn!”

Quả nhiên, Nga đã giựt hết cả mình mẩy! Bèn lật đật đóng cửa âm thầm chế tạo cấp tốc vũ khí nguyên tử để kình chống với Mỹ. Đặc biệt là loại hoả tiễn hạch nhân có nhiều đầu nổ nhắm vào các thành phố lớn của Mỹ như Washington, New York, Chicago, Los Angeles… Suốt nửa thế kỷ dài, nhân loại sống trong hồi hộp, ngày đêm ngay ngáy lo sợ một trận lửa nguyên tử nóng hơn một triệu độ của cuộc “Chiến tranh lạnh” (mẹ rượt!) chụp xuống đầu mình. Lý thuyết: dùng vũ khí nguyên tử đe doạ nhau để ngăn ngừa… chiến tranh nguyên tử. “Tao mà chết cha thì mầy cũng bỏ mẹ! Anhđượcxítten? Kôprốp kôprốp? Chớ có dại dột ra tay!”

Tuy nhiên, đâu phải chỉ có đe doạ nhau khơi khơi cho vui vậy thôi. Cuộc chạm trán nguyên tử giữa Nga và Mỹ suýt nữa đã thiệt sự bùng nổ năm 1962, khi Nga lén lút và hồn nhiên đưa hoả tiễn nguyên tử vào đặt ở đảo Cuba của đồng chí Castro để tiện bắn vào đất Mỹ cho nó gần, như vậy đỡ tốn xăng và tiết kiệm được nhiều giờ bay – “thì giờ là tiền bạc”! Trước đó nhiều năm, Mỹ cũng đã công khai và ngây thơ hồn nhiên giàn hàng loạt hoả tiễn nguyên tử tại các quốc gia đồng minh Âu châu xung quanh đất Nga. Và các hoả tiễn nguyên tử này đều chăm chăm ngó vào các thành phố Leningrad, Stalingrad, Kiev, Mourmansk… một cách hết sức là tình cờ không có sắp đặt trước. Thì cũng giống như các em nhỏ hậu phương đã hồn nhiên ngây thơ và tình cờ khoét một trái tim rộng trên ngực áo của mình vậy đó. Dĩ nhiên, lỗi là tại hết mấy cha nội đực rựa bị mắc cái bịnh dòm voidơrít kinh niên. “Quỷ sứ! Người ta khoét thì thây kệ người ta. Ghét ghê! Có bị lọt tròng té nổ thì cũng phải rán mà chịu cho nó quen đi mấy anh hai. Ai biểu! Nghèo mà ham!”

5. Từ 2007 cho tới đầu năm 2008, thế giới bị náo động vì vụ Iran có thể chế tạo vũ khí nguyên tử. Phải khẳng định ngay rằng bần tăng chống vũ khí nguyên tử dưới mọi hình thức và bất luận của quốc gia nào. Nhứt định chống và chống tới cùng. Bởi lẽ hoả tiễn nguyên tử có từ đâu và từ xứ nào phóng tới đi nữa thì lửa tam muội nó cũng đốt rụi hết cái mớ lông đầu của bần tăng – đó là chưa kể hai cái trứng gà “la cót” trở thành vô dụng. Đời tàn trong ngõ hẹp!

Chống Iran chế tạo vũ khí nguyên tử? Đồng ý! Và hoan hô hết mình. Nhưng thử bình tâm xét lại cái “vũng lầy nguyên tử” của chúng ta mà coi. Liệu cái việc chống nó có hợp lý và có khả thi hay không đã? Thoạt kỳ thuỷ, khi đã chế tạo vũ khí nguyên tử được khá bộn rồi thì Nga và Mỹ bèn bày đặt chơi cha: cấm các quốc gia khác chế tạo võ khí nguyên tử để được tiện bề mà thao túng. Hai đầu sỏ bèn bày ra “Thoả ước cấm phổ biến” võ khí nguyên tử. Rồi khuyến dụ hoặc ép buộc các nước khác ký kết. Nhiều nước đã hạ bút ký. Nhưng Tàu không ký. Ấn không ký. Pháp không ký. Cũng vì vụ này mà Pháp và Mỹ sinh ra lục đục. Tướng De Gaulle đã nổi giận đùng đùng, xua tay đuổi Mỹ và đồng minh OTAN ra khỏi đất Pháp. Rút qua Bruxelles, Bỉ.

6. Đã có lần bần tăng bàn về cái hiện tượng sòng đời là một canh bạc lận. Trong sòng bạc, khi đã có một thằng bất lương và khôn vặt (đỉnh cao!) nào đó bắt đầu đánh lận rồi thì mấy thằng khác cũng bắt buộc phải đánh lận theo nếu không muốn cháy túi và đứng dậy ở truồng mà ra về – hơn nữa còn bị cả bọn trong sòng bạc xúm lại chê cười và chửi cho là “đồ ngu... quá cỡ thợ mộc!”

Nga Mỹ đưa ra cái đòn “Thoả ước cấm phổ biến » để đánh lận rồi thì các nước khác cũng bắt chước đánh lận theo. Kết quả: Tàu có võ khí nguyên tử. Rồi Ấn cũng có. Pháp cũng có. Pakistan cũng có. Và còn nước nào đã có hoặc sẽ có nữa? Do Thái cũng có khả năng chế tạo võ khí nguyên tử. Sao không cấm Do Thái mà lại đi cấm Iraq, Iran? Nếu gạt qua một bên lý do quyền lợi riêng tư và bè đảng, thử giải thích cái thái độ thiên vị kỳ quặc và trắng trợn đó thử coi. Một điều nghịch lý: Khi xưa, Pháp chống Mỹ để được tự do chế tạo võ khí nguyên tử. Giờ đây Pháp đứng về phe Mỹ và doạ đem quân hùa theo Mỹ đánh Iran vì lý do Iran lăm le chế tạo võ khí nguyên tử. Vậy mà hợp lý chăng?

Giả thử bây giờ có một quốc gia nào đó bỗng dưng có sáng (tối) kiến và muốn tự sát, bất chấp Liên hiệp quốc, tự ý kéo quân sang đánh Mỹ vì Mỹ có võ khí nguyên tử (cái này thì có thiệt!) Hoặc đổ quân “đì”» Do Thái vì Do Thái có khả năng chế tạo võ khí nguyên tử (cũng có thiệt). Có quốc gia Văn Vỹ nào thấy như vậy “phải quá”, bèn xua quân hùa theo “xin ủng hộ gà nhà” một tí chăng? Ấy vậy mà Bush con đã bất chấp cái quyết nghị “no” của Liên hiệp quốc, đùng đùng tung máy bay liệng bom Bagdad tưới sượi rồi liền đó xua quân ùn ùn xâm lăng Iraq. Phải! Xâm lăng. Vì đúng là một cuộc xâm lăng qui mô, với mục tiêu kiểm soát dầu hoả Iraq. Cái chiêu bài “mang dân chủ” tới cho Iraq chỉ gạt được bà già con nít và những thằng hăngđicáp nặng, nhắm mắt đeo “theo voi ăn bã mía”. Bọn này nhiều lắm. Có cả đám Á nàm dành vàng khè của ta. Mẹ rượt!

Đập cho Iraq một trận tơi bời hoa lá cành, xong Bush con tuyên bố vô cùng mặt chai mày đá là Iraq không có “võ khí tiêu diệt tập thể”. Và trơ trẽn đổ thừa là tại CIA báo cáo láo. Trong một cuộc họp báo, bộ trưởng Quốc phòng Rumphen thời đó đã nhấn mạnh: “Tôi biết chắc chắn Iraq có võ khí tiêu diệt tập thể. Tại vì sao?” Rumphen dừng lại, đoạn cười mỉm chi rất ư là “mặt trơ răng bóng” rồi dứt điểm: “Vì chính Mỹ đã bán cho Iraq các võ khí đó!” Thiệt là “chó đểu”! Thiệt là cynique hết cỡ nói! Tới mấy em gánh nước, mấy em chằn ăn trăn quấn, mấy em tráo chúa lộn chồng cũng không thể qua mặt được Rumphen ta. Mà quả thiệt vậy: chính Mỹ, Pháp và Đức đã bán kỹ thuật và cung cấp đồ nghề cho Iraq, Iran, Do Thái (và còn ai nữa?) chế tạo võ khí nguyên tử. Tuy nhiên, Rumphen còn thua xa cái cynique của xếp mình. Khi thấy Bush con đang sa lầy tại Iraq như ở Việt Nam hồi trước, quốc hội Mỹ yêu cầu tổng thống nhà ta rút quân ra khỏi Iraq. Bush con đã kiên cường quyết liệt hiên ngang không sợ chết, vỗ ngực thùm thụp mà tuyên bố phom phom trước báo chí: "Ngày nào vợ tui và con chó của tui còn ủng hộ thì tui còn nhứt định uýnh Iraq!" Cha nội nào có thể tuyên bố xuẩn ngốc hơn tên cao bồi cầm đầu cái quốc gia hùng mạnh nhứt thế giới, bần tăng nguyện sẽ bao cho ăn phở đặc biệt freefreefree (and with VAT of course!), bao cho đi bia ôm và bao luôn em út đầy đủ... mút mùa lệ thuỷ trọn đời.

7. Nhưng than ôi! Chỉ có những phường cẩu trệ tới mức đó mới nổi bật được trong cái thế giới chính trị “có bộ mặt người” chó má nầy! Tại sao ai nấy cũng đua đòi trang bị võ khí nguyên tử? Dễ ợt: tại vì có võ khí nguyên tử thì thiên hạ mới nể nang. Chẳng hạn như trường hợp Bắc Hàn. Cái tên ba trợn Kim Dung In (có bà con với cao thủ võ lâm Kim Dung của “Cô gái còi lông”?) đã bỏ đói dân mình để gom góp tiền bạc chế tạo hoả tiễn nguyên tử, bất chấp Mỹ hăm dọa mẻ răng, và Kim cũng ỉa luôn vào mặt thế giới. Ấy vậy mà một khi đã phóng thử được hoả tiễn nguyên tử thành công rồi thì Mỹ bèn xuống nước nhỏ nhẹ một cái rụp và tự nguyện viện trợ nhân đạo dồi dào cho Bắc Hàn để cứu đói (giảm nghèo?), hầu khuyến dụ Kim Dung In từ bỏ chương trình chế tạo võ khí nguyên tử. Nhân tiện dọn đường cho Bắc Hàn thống nhứt với Nam Hàn trong một tương lai gần xịt. Không biết dân Nam Hàn nên buồn hay nên vui trước cái viễn ảnh thống nhứt đất nước này.

Thử nhìn lại trường hợp các nước khác: Đông Đức đã phá bỏ bức tường “ô nhục”, ào ào tràn qua thống nhứt với Tây Đức: kinh tế Tây Đức suy sụp thê thảm cả chục năm liền. Bắc Việt xua quân “thống nhứt” (!) với miền Nam: dân miền Nam ào ào vượt biên, phần ở lại lay lắt trong các vùng kinh tế “mới” (!) và ăn bo bo thay gạo dài dài. Ấy vậy mà tại Bắc Hàn lại xảy ra thêm một điều hi hữu khác nữa: tên ba trợn (có bằng cấp) Kim Dung In mới đây đã thẳng thừng thành thật thút thít tuyên bố với đám nhân dân khốn khổ dưới ách thống trị của mình: “Ta nguyện sẽ noi gương “Đổi mới” của nước “Việt Nam – Chủ nghĩa xã hội – Khuynh hướng kinh tế thị trường” để mà phát triển Bắc Hàn!” Còn nước “Việt Nam – Xã hội – Thị trường” ta thì sẽ noi gương “Cu Ba (Cu má?) – Xã hội Mác Lê – Chính hiệu”… con nai vàng ngơ ngác chăng?

Xin ông Trời trên cao ngó xuống mà coi! Và cũng xin bà con ta thử nghĩ về cái cặp bài trùng: “Kim Dung đó, Bush con đây / Kẻ kia tám lạng, người nầy nửa pound!” Tức là mỗi tay được chẵn chòi 226,50 cờ ram óc não đó vậy. Nên biết, trung bình mỗi người chúng ta có từ 800 tới 1200 g não óc.

Sau khi phân tích tâm lý các phe gây hấn, giờ đây gẫm lại mới biết cái hội chứng “võ khí nguyên tử” nó dễ lây như là dịch hạch chuột cống, hay là dịch cúm gia cầm vậy đó. Chỉ khác nhau ở chỗ mỗi lần bịnh dịch lây từ cá nhân này sang cá nhân khác thì chỉ có mỗi một người chết, hoặc một con gà chết (oan sích canh đoi!) Còn mỗi khi dịch nguyên tử lây thì có cả trăm ngàn người chết. Với tiến bộ kỹ thuật ngày hôm nay, sẽ có cả triệu người chết cùng một lúc. Nhưng cấm nó lây làm sao được mà cấm? Bởi lẽ đó, võ khí nguyên tử cứ tiếp tục lan tràn bất cưỡng như một loài nấm độc. Ngày nào trong lòng người còn tham lam, ngày nào lòng người còn gây hấn thì cái dịch hạch nguyên tử còn hoành hành trên mặt đất này bất kể biên giới. Bà con ta hãy bắt đầu đào hầm cho thiệt sâu và đổ bê tông cho thiệt dày đi là vừa.

8. Nhân loại vừa lập thêm một thành tích mới trong năm 2007: 1200 tỉ đô! Đó là trị giá khối lượng vũ khí bán ra cho khắp thế giới bởi các quốc gia sản xuất (Mỹ, Nga, Tàu, Pháp, Anh, Đức...) trong năm 2007. Tăng 15 % so với năm trước.

Để có một ý niệm về con số kếch sù 1200 tỉ đô này, thử so sánh nó với nội sản thô (PIB) của một vài quốc gia tiêu biểu trong năm 2007. PIB của Nga: 1420 tỉ, Canada: 1300 tỉ, Brésil: 1270 tỉ, Nam Hàn: 1020 tỉ. Với con số PIB khiêm nhường 83 tỉ đô, nước Việt Nam – Xã hội – Thị trường của ta phải mất 15 năm cặm cụi cắm đầu sản xuất mà không “ăn ngủ đ. ỉa” gì hết ráo mới mong đạt được con số 1200 tỉ đô, nếu không kể lạm phát. Và món tiền khổng lồ này đặc biệt chỉ dành để giết nhau! Nếu bổ đồng giết một người tốn 100 000 đô, thì khối tiền 1200 tỉ hạ thịt được 12 triệu người (nếu tốn 10 000 đô/người thì thịt được 120 triệu). Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ! Đó là chưa tính những món tiền thiệt hại, tang tóc, tàn phá, mua hòm và mướn người chôn cất 12 triệu người chết do chiến tranh gây ra.

Thấy thiên hạ làm ăn được quá, bần tăng cũng muốn thử thời vận: đốt chùa, để tóc, gom hết chuông đồng trong xứ ta nấu chảy đúc súng cà nông bán đại hạ giá để cạnh tranh với Nga, Tàu, Mỹ, Pháp. Xin bà con hãy chúc cho bần tăng làm ăn phát tài. Bần tăng nguyện sẽ lấy tiền bán súng dắt bà con ta đi karaôkê, đi bia ôm, và bao thầu luôn hết các “dịch vụ” linh tinh khác.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu
Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu?
Phen này ắt hẳn gà ăn bạc
Đồng rụng đồng rơi lọ phải cầu!

9. Trong Sự đời / Bài 15, bần tăng có viết là chính sách toàn cầu hoá hiện nay đã đưa tới nền tư bản tài chánh, lấy TIỀN làm cứu cánh. Nền tư bản này đã tạo ra hai hậu quả tai hại: bất ổn và bất công.

Bất ổn dẫn tới khủng hoảng kinh tế – tài chánh liên miên. Bất công khiến cho kẻ giàu càng giàu khủng khiếp, còn kẻ nghèo thì càng nghèo sặc máu. Nhưng khi nghĩ kỹ lại, đằng sau bất ổn và bất công, chính lòng tham muôn thuở của con người là nguồn độc. Chính lòng tham đã tạo ra biết bao là tang tóc trong nhân loại từ xưa tới nay, mà bất ổn và bất công hiện nay là hai hệ quả lộ liễu nhứt.

Lòng tham, khởi từ chế độ tư bản, giàu bóc lột nghèo. Sang chế độ cộng sản, kẻ nắm quyền tham nhũng công khai. Tới chính sách toàn cầu hoá với nền tư bản tài chánh, kẻ có tiền dùng tiền chỉ để tạo ra tiền, làm giàu thêm. Cho mình, dĩ nhiên. Bất kể tai hại và khổ đau trút lên đầu kẻ khác. Chế độ nào cũng vậy thôi. Lòng tham lúc nào cũng ngự trị khắp mọi nơi, và ở mọi thời… Bần tăng đã có lần cảnh cáo: Chính lòng tham của con người, cuối cùng, sẽ hủy diệt con người.

Cũng trong Sự đời / Bài 15, bần tăng có hứa là sẽ bàn về vấn đề “nợ Mỹ”

Năm 2007, trong tổng số tín dụng (nợ vay) trên thế giới, Mỹ chiếm 60 % (chính xác hơn là 59,6 %). Năm 2005, Mỹ mắc nợ thế giới 2550 tỉ đô, tương xứng với 20,4 % PIB của mình. Vẫn trong năm 2007, theo tờ The Economist thì mỗi người dân Mỹ mắc nợ ngân hàng trung bình là 128 690 đô. Gấp 3 lần số lợi tức (PIB / người) 47 330 đô của mỗi công dân Mỹ. Điều này có nghĩa là dân Mỹ tiêu xài nhiều hơn tiền mình kiếm được: làm được 1 đô, mượn thêm 3 đô để tiêu xài! Hơn nữa, món tiền vay mượn này lại do các nước nghèo hơn Mỹ cung cấp. Đem nhơn món nợ này với con số 304,8 triệu dân thì cả nước Mỹ mắc nợ 39 225 tỉ đô, gấp 3 lần PIB của Mỹ (14 400 tỉ đô)

Người ta thường cho rằng Mỹ là quốc gia giàu nhứt thế giới. Điều này đúng. Nhưng phải nói thêm: Mỹ giàu là nhờ… mắc nợ. Sở dĩ thiên hạ khoái cho Mỹ vay tiền là vì tin tưởng ở nền kinh tế Mỹ và tưởng (bở) rằng Mỹ giàu (mặc dù nợ như Chúa Chổm!) Cho tới lúc bừng tỉnh và rõ ra rằng mình đã trao duyên lầm tướng cướp thì than ôi!... đã rồi đời trinh nữ! Nhưng (lại than ôi!) thiên hạ vẫn khoái cho Mỹ vay tiền hơn là cho Việt Nam – Xã hội – Thị trường ta mắc nợ, dù là vay ít hơn rất nhiều. Mới biết, người ta chỉ cho kẻ có tóc mượn tiền chớ không bao giờ cho kẻ trọc đầu thiếu nợ. Để còn có cái mà níu chớ! Như bần tăng đây thì kể như vô phương ai cho thiếu nợ (no way!), mặc dù bần tăng lương thiện có bằng cấp Ph. D do chùa Thiếu Lâm chính cống bên Tàu đóng dấu. Một ví dụ: Mỹ mắc nợ Tàu 1400 tỉ đô, qua các công khố phiếu mà Tàu mua của Mỹ. Tàu phải giúp cho Mỹ có tiền để Mỹ mua hàng hoá… của Tàu (Hồi thời chiến, Mỹ cũng đã buộc Việt Nam dùng tiền “Viện trợ Mỹ” để mua hàng hoá của Mẽo). Giống như trong truyện Tam quốc: “Giáo Tàu đâm Chệt!” Bởi lẽ đó, để quân bình cán cân thương mại của mình, mấy năm trước đây Mỹ đã ép buộc Tàu tăng giá đồng yuan của mình lên.

Mà đâu phải chỉ có một mình Trung Quốc cho Mỹ vay. Cả thế giới đều làm như vậy hết, nếu có phương tiện. Một cách giản lược, guồng máy kinh tế tài chánh của thế giới vận hành theo mô thức sau: Thế giới đưa than đốt (tiền) cho dân Mỹ đốt lò (tiêu thụ). Hơi nóng làm chạy máy phát điện (kinh tế) Mỹ. Máy phát điện Mỹ chuyền điện làm vận hành guồng máy bizinết thế giới. Nhờ đó thế giới thu được tiền (than). Thế giới lại đưa than cho Mỹ đốt lò. Rồi cứ thế… cứ thế… Như trò chơi đèn kéo quân. Cũng giống như hoạt cảnh trong sách Quốc văn giáo khoa thư: “Cơm sốt canh nóng, bát đũa sạch sẽ, cả nhà ăn uống ngon miệng, no nê”. Vậy là đề huề vui vẻ cả làng! Nên cứ thế mà tiếp tục, tiếp tục…

Bây giờ chưa mãn cuộc vui
Anh em chưa vác dùi cui ra dìa!

Viết tới đây, trong lòng bần tăng chợt loé lên một tia hy vọng le lói: Biết đâu bà con ta bỗng dưng có sáng kiến đưa “củi” cho bần tăng chụm lò để mái chùa tranh của ta được thêm phần ấm áp? Bần tăng nguyện sẽ đem củi ra nấu đậu hũ có nhưn thịt chay cho bà con ta dùng cho thêm được nhiều phước đức. Bà con cứ dùng tự nhiên. Xin bà con cầm đũa!

10. Tới đây, một vấn đề tâm lý được đặt ra: Khi cho vay quá nhiều, chủ nợ sợ điều gì xảy ra nhứt? Quá dễ: sợ con nợ bất thần lăn ra chết. Đùng một cái! Mất cả chì lẫn chài. Vì lẽ đó mà “phải lấy nợ nuôi nợ”. Và Mỹ biết rõ điều đó.

Mỹ giống như một con bịnh kinh niên mà các quốc gia trên thế giới phải gắn ống thở, ống máu, ống nước, ống dinh dưỡng, ống thuốc… để duy trì sự sống giả tạo trường kỳ. Tất cả nền kinh tế của Mỹ đặt trên nền tảng gồm 2 cột trụ: tín dụngtiêu thụ. Ở xứ của Uncle Sam, mỗi người dân Mỹ có trung bình là 6 thẻ tín dụng. Càng có nhiều thẻ tín dụng, càng mắc nợ nhiều, càng thêm le lói. Có tín dụng (có mắc nợ) mới có tiêu thụ. Có tiêu thụ mới có sản xuất. Có sản xuất mới có hoạt động kinh tế. Có hoạt động kinh tế mới có tạo công ăn việc làm. Có công ăn việc làm mới có khả năng vay nợ. Nghĩa là được cấp tín dụng. Chung qui, có tín dụng mới có… tín dụng. Tín dụng nuôi dưỡng tín dụng. “Nợ nuôi nợ” (cqfd). Chủ nợ là người nắm tiền. Như vậy, tiền nuôi (đẻ ra) tiền. Tư bản làm giàu cho tư bản. Tư bản làm giàu bằng cách bóc lột lao động của kẻ khác, tức là bóc lột giới lao động. “A di đà Phật!”, điều này không phải bần tăng nói mà là sư tổ Các Mác đã nói hồi nẵm. Không tin cứ hỏi nại “Tra zà rân tộc” yêu rấu (vốn nà Trủ tịch Đảng Nao động) của trúng ta thì biết.

Một điều nghịch lý: Thế giới cho quốc gia giàu nhứt thế giới vay nợ. Nhà nghèo cho nhà giàu (Mỹ) mượn tiền để sống phây phây. Liệu tình trạng này còn tiếp tục và có thể kéo dài được bao lâu nữa?

Bên cạnh vấn đề phải cho Mỹ vay tiền để sống, thế giới còn tùy thuộc ở trị giá của đồng đô la Mỹ. Các mậu dịch trên thế giới được tính bằng đô Mỹ và thanh toán bằng đô Mỹ (giờ thì có đồng euro cạnh tranh). Bởi lẽ đó, các quốc gia đua nhau trữ tiền đô. Người ta thường nói: “Khi Mỹ hắt hơi thì thế giới bị cảm lạnh” là cũng bởi lẽ đó. Phải nhận thức một điều: cũng như mọi tiền giấy khác, đồng đô la là một tờ giấy nợ do Mỹ phát hành. Nợ, nhưng mà là nợ không phải trả tiền lời. Chẳng hạn, một quốc gia nào đó trữ 100 tỉ đô tiền mặt, thì 10 năm sau, số tiền này cũng vẫn trị giá 100 tỉ đô. Nếu tính lạm phát 2 % một năm thì Mỹ đã lời được 20 tỉ sau 10 năm. Ngon lành chưa?

Khi đồng đô giảm giá thì dân Mỹ bớt tiêu thụ và bớt đi chơi. Nhưng mặt khác, Mỹ xuất cảng nhiều hơn vì hàng Mỹ rẻ. Và đồng đô mất giá cũng là một cách gián tiếp để cho Mỹ quịt nợ các nước trữ đô la Mỹ, như Tàu, Âu châu, Singapour, Á Rập, Nhựt Bổn… Chẳng hạn nếu đồng đô Mỹ giảm giá 10 % thì trên số nợ 1400 tỉ đô, Mỹ quịt của Tàu 140 tỉ – hay ít ra là từ 70 đến 100 tỉ, sau khi bù trừ. Ngon ơ! Lấy trường hợp của bần tăng đây. Vừa rồi về Việt Nam chơi, bần tăng có đổi và lận theo 1000 đô la Mỹ. Giúp cho kinh tế thị trường nước ta: nhậu nhẹt, bia ôm, karaôkê… Trở về Pháp, kết toán còn lại được 15 đô. Nay đồng đô sụt giá (1 euro = 1,52 đô), bần tăng đang lo sợ phen này mình sẽ… sạt nghiệp!

Nhân tiện, nhắc lại một chuyện cũ thời chiến ít ai biết đến hoặc còn nhớ. Thời Mỹ tham chiến ở Việt Nam (1960 – 1975), lính Mỹ được trả lương một phần bằng đô la xanh (đô thiệt), và một phần bằng đô la đỏ (đô giả). Đô đỏ chỉ có trị giá ở Việt Nam, và trong một thời hạn rõ rệt (3 tháng chẳng hạn). Sau thời hạn đó, đô đỏ chỉ còn là một tờ giấy lộn giống như giấy tiền vàng bạc để đốt cúng cô hồn. Lính Mỹ xài đô đỏ để nhậu nhẹt trong các bars và chi cho các em bạc mạng Thúy Cầu da vàng của ta. Hết hạn định, nếu đổi đô đỏ ra đô xanh không kịp (chỉ cho đổi có vài ngày) thì các em Thúy Cầu chỉ còn nước… ôm mề mà khóc thét! Hồi miền Nam sập tiệm năm 75, biết bao người đã sạt nghiệp vì trữ đô đỏ và ôm sang Mỹ khi bỏ chạy. Quả là của Tào đem đổ âm ty! Vậy mà hồi đó, dân Á nàm dành ta cứ tưởng bở, coi lính Mỹ là một lũ nhà giàu ngây thơ dễ gạt. Hoá ra Mỹ là một tên điếm ba da quốc tế! Chưa biết ai đã gạt ai. Và gạt một cách hiên ngang trắng trợn: In tiền giả một cách (bất?) hợp pháp.

Mới biết, về cái Đạo thờ TIỀN thì Mỹ là con đẻ của dân Do Thái. Cũng bởi lẽ đó mà Bush con đã tận tâm tận lực báo hiếu phụ vương hết mình. Rất xứng đáng được ghi chép sổ vàng là “Gương hiếu thảo thứ 25”, thêm vào danh sách 24 gương “Nhị thập tứ hiếu” của Ba Tàu vậy. Dưới suối vàng, Đức Khổng tử phen này chắc sẽ mừng hết lớn!

Tin giờ chót:

Trong vụ khủng hoảng bất động sản subprime tính tới hôm nay (tháng 3/2008) cả thế giới thua lỗ tổng cộng là 2000 tỉ đô, gần gấp đôi PIB của Nam Hàn năm 2007 (1020 tỉ đô). Để cứu vãn tình thế, quỹ Dự trữ liên bang Mỹ Fed lại vừa sụt lãi suất xuống thêm 0.75 điểm (sau khi đã bớt 0.75 điểm hồi đầu năm), tổng cộng là bớt 1.50 điểm. Vô tiền khoáng hậu! Lãi suất chỉ còn 2.75 %. Lý do: để chữa cháy cho kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia lo âu là ở Mỹ sẽ xảy ra một vụ khủng hoảng trầm trọng như hồi năm 1929. Và hậu quả suy sụp tai hại sẽ tràn lan qua Á châu, rồi tiếp đó sẽ ào xuống Âu châu như cái tsunami ở Ấn Độ dương hồi năm 2002. Cái lối sống dựa trên “mắc nợ” của Mỹ nó tai hại cho toàn thể thế giới như thế đó, Xanh kia thăm thẳm từng trên / Vì ai gầy dựng cho nên nỗi này? Tuy nhiên, không phải chỉ một mình mình mà Mỹ tạo ra được cái cảnh “tàn sát Alamo” như vậy. Trên thế giới có rất nhiều đồng loã. Nhiều không đếm hết. Có khi chính bà con ta cũng đã tự tay mình “mài búa cho đao phủ” hồi nào không hay. Tới khi bị rụng đầu mới giựt mình khóc thét: “Tạo hoá gây chi cuộc hí cầu / Đến nay thấm thía cái phao câu!” Khi nghĩ kỹ lại thì bởi lẽ ai cũng tham tiền hết nên mới ra tới nông nỗi đó.

Kể từ khi xảy ra khủng hoảng subprime, hiện nay tại Mỹ còn ối đọng 2 500 000 ngôi nhà bị tịch thu vì con nợ không trả nổi, bị trục xuất. Nhiều gia đình tan nát, nhiều đời người sụp đổ, trong đó có đông đảo sinh viên và học sinh. Những căn nhà này được đem ra bán đấu giá từ 30 % đến 50 % rẻ hơn trị giá khi mua. Trị giá 2,5 triệu căn nhà này tính ra xỉu xỉu là 250 tỉ đô hiện đang bị kẹt cứng tại chỗ. Đó là chưa kể món tiền phải bỏ ra để bảo trì 2,5 triệu ngôi nhà trống, và trị giá nhà bị giảm sút theo thời gian. Cũng xỉu xỉu một món tiền khiêm nhượng là 25 tỉ đô mỗi năm.

Mặt khác trong Sự đời / Bài 14, bần tăng quên giải thích rõ vì sao vụ khủng hoảng subprime xảy ra bên Mỹ mà các ngân hàng khác trên thế giới cũng bị kéo sập tiệm theo. Sự thể là như vầy:

Sau khi tung ra hàng ngàn tỉ đô cho dân Mỹ vay bừa bãi, kể cả những người không đủ điều kiện hoàn trả, các định chế tài chánh Mỹ đã dùng “phép thuật” biến các tỉ đô nợ này thành một loại chứng khoán vô cùng phức tạp, không mấy ai hiểu nổi. Kế đó, đem ra bán tưới sượi trên các thị trường chứng khoán thế giới cho thiên hạ mua. Và quả nhiên, thiên hạ vốn hằng tin (như Chúa bị đóng đinh!) vào đại ca Mỹ nên cứ tưởng bở, nhào vô mua rần rần – cũng giống như dân Á nàm dành ta ùn ùn chạy mua chim cút và bị Ba Tàu Chợ Lớn gạt cho sạt nghiệp hồi thời Việt Nam cộng huề vậy đó (mua với giá mắc không tưởng nổi, nhưng một thời gian ngắn sau đó bán lại không ai mua). Đến khi hàng triệu dân Mỹ không trả nợ nổi, bị trục xuất, nhà bị tịch thâu, đưa tới khủng hoảng subprime, các ngân hàng ngoài nước Mỹ (Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ…) đã trót đầu tư hằng trăm tỉ vào chứng khoán subprime bèn bị vạ lây vì không thâu lại được vốn, bị kéo sập tiệm theo. Lôi chìm theo luôn các tư nhân “cành cạnh” đã tin tưởng và góp tiền đưa cho ngân hàng của mình làm ăn: Cụt vốn!

Kết quả của vụ “khủng bố” subprime: Chết rạt! Chết khắp nơi! Chết liệt địa! Nhiều ngân hàng lớn và uy tín của Mỹ sập tiệm. Ngân hàng Northern Rock của Anh sạt nghiệp. Các ngân hàng lớn bên Pháp lỗ tổng cộng 11 tỉ euros. Ngân hàng Bavière Đức 5 - 6 tỉ, ngân hàng Thụy Sĩ UBS lỗ cả chục tỉ (Singapore phải nhào vô cứu bồ). Ngân hàng trung ương Âu châu (BCE) hoảng quá, bắt buộc phải tháo khoán liền tù tì hàng trăm tỉ euros để chữa cháy. Và còn vạ lây tới nhiều ngân hàng khác nữa trên thế giới – không rõ con số lỗ lã là bao nhiêu. Cái đòn “chứng khoán subprime” của Mỹ thiệt là ngoạn mục! Giống hệt thủ pháp “Càn khôn đại nã di” của đệ nhứt võ lâm Vô Kỵ trong “Cô gái còi lông”: đánh bên Đông mà chết… bên Tây. Đánh châu Mỹ mà châu Âu bị phế hết 10 thành công lực! Cũng may, Việt Nam – Xã hội – Thị trường ta nhờ có “Võ Nghèo” nên thoát chết về cái thảm hoạ subprime trong đường tơ kẽ tóc. Viết tới đây sực nhớ cái chuyện ông thầy nghề võ thoát chết ở Trà Vinh.

Hồi đó, cái thuở bần tăng còn là học trò đi coi cọp ở rạp hát tỉnh lẻ. Lần đó, rạp hát chiếu tuồng western. Ngồi ở hàng ghế đầu là ông “Thầy Gồng” người Miên. Khi thấy trên màn ảnh đại vĩ tuyến “xi nê ma cờ lốp cốp” đám mọi da đỏ hung hăng rượt theo bọn cao bồi da trắng, bắn tên xoèn xoẹt và phóng ngựa ào ào ra khỏi màn ảnh như sắp đạp lên mình, Thầy Gồng ta hoảng quá bèn từ trên ghế ngồi nhào xuống đất liền một cái “bịch” để né. Nghe có tiếng người té, cô xếp chỗ lật đật chạy tới bấm đèn, hoảng hốt hỏi Thầy Gồng chớ có sao không. Thầy Gồng nằm chổng gọng dưới đất ngóc đầu lên trả lời liền một cách ngon lành: “Dơ! Không có nghề võ thì chết mẹ rồi!”

Kể từ đó, bần tăng bèn “giã nhà ôm cái áo màu” theo thọ giáo ông Thầy Gồng. Nhờ đó mà còn ngáp ngáp được cho tới bi dờ. Quả nhiên: “Không có võ nghèo gia truyền thì phe ta đã chết mẹ”… từ khuya!

Ngoài ra, các chuyên gia còn tiên đoán một vụ khủng hoảng tài chánh khác nữa chắc chắn sẽ xảy tới, không có cách gì tránh được trong cái sinh hoạt tự nhiên của thị trường chứng khoán, như vẫn từ xưa cho tới những nay. Mới biết: “Hết cơn bĩ cực, tới hồi… chết cha!” Cái lòng tham của con người nó tác hại loài người tàn độc dài dài như thế đó. Xin chúc bà con ta may mắn. ” A di đà Phật”!

© 2008 talawas