© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThể thao
Loạt bài: World Cup 2006
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
15.6.2006
Trà Đoá
Bóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
 
Bóng đá ra đời ở Anh hay ở Trung Quốc, chắc chẳng quan trọng gì. Ngày nay, nó đã trở thành môn thể thao có đông người hâm mộ nhất, và vì thế được các chính phủ “quan tâm” nhiều nhất. Một nơi bóng đá chẳng được bao nhiêu người ưa thích như Mỹ mà trước World Cup 2006, tổng thống G. Bush còn gọi điện động viên tinh thần cho huấn luyện viên Bruce Arena. Có thể ông Bush chẳng biết trái banh có “mấy múi” hay luật việt vị là gì, nhưng ông ấy thừa biết có rất đông cái đám “tiện dân”, đặc biệt là ở các quốc gia hạng bét ở châu Phi hay châu Á, đang hâm mộ quả bóng tròn cuồng nhiệt (chứ không phải quả bóng hình bầu dục!).

Nhưng vì sao bóng đá lại được nhiều người hâm mộ đến thế? Vì nó hấp dẫn - nhưng thiếu gì môn thể thao khác cũng hấp dẫn không kém, thậm chí còn hấp dẫn hơn. Vì nó đẹp - câu trả lời này chẳng thuyết phục được ai. Hay vì nó phù hợp nhất với sở thích “tiên thiên” của con người?

Chỉ có trời mới biết!

Bóng đá đem lại điều gì cho con người? Những phút giây sảng khoái, những xúc cảm kiểu “ta thắng, họ thua”.

Những cuộc “xuống đường” cũng xuất phát từ những xúc cảm này. Ở một quốc gia toàn trị khắc nghiệt như Việt Nam thì chuyện “xuống đường” hay thậm chí tụ tập hơi đông người là điều tối kỵ với chính quyền (dĩ nhiên trừ những cuộc mít tinh do chính quyền tổ chức). Nhưng bóng đá đã làm được chuyện đó. Những cuộc “xuống đường” này có hai cái lợi: đối với người dân, họ có được cơ hội thể hiện tinh thần yêu nước và sở thích hò hét của mình; đối với chính quyền, họ có thể yên tâm vì cái thăng hoa phù du này cũng tạm thời làm quên đi những bất công và nghèo khổ triền miên trong xã hội. Cả hai đều có lợi thì tội gì mà không khuếch trương nó lên! Những nhà lãnh đạo ở các quốc gia như Angola, Togo… khi lên tiếng ủng hộ bóng đá chắc cũng không ngoài các lý do trên. Chính trị ngày nay đá bóng rất mạnh!

Thế người ta còn thưởng thức cái đẹp trong bóng đá không nhỉ? Cũng có chứ, ngày nay khi xem Brazil hay các câu lạc bộ như Barca thi đấu…, chúng ta đều nhận thấy điều đó. Nhưng thiết nghĩ, những thứ triết lý bóng đá kiểu Ý, Đức đang chiếm ưu thế và… tội nghiệp cho cái đẹp khi nó chỉ là thứ yếu trong thứ bóng đá này. Nếu cho rằng có một thứ “cái đẹp thuần tuý” trong bóng đá thì ở những nền bóng đá kém phát triển, như ở Đông Nam Á chẳng hạn, cái đẹp nằm ở đâu khi mà rất hiếm cầu thủ có kỹ thuật cơ bản hoàn thiện?

Nhưng ngày nay bóng đá đã qua cái thời chỉ mang lại cảm xúc thuần tuý cho con người. Bóng đá ngày nay là cơ hội: cơ hội của cá nhân và cơ hội của quốc gia.

Những cầu thủ như Ronaldo, Didier Drogba, Wight York,… với xuất thân bần hàn trong những quốc gia kém phát triển và không được học hành nghiêm túc, nhưng ngày nay họ nổi tiếng và giàu có hơn một vị tổng thống. Ánh hào quang họ tỏa ra sáng đến mức đứng ở đâu trên trái đất này cũng nhìn thấy. Đối với số ít cá nhân này, bóng đá là phép màu thực sự. Và không ít những thanh thiếu niên ở thế giới thứ ba đang mơ về phép màu này.

Trước World Cup 2006 khởi tranh, tôi chắc chẳng có mấy người biết cái quốc gia Togo nằm ở đâu. Cũng tương tự đối với các quốc gia như Trinidad & Tobago, Angola, Ghana,… Nhưng bây giờ các quốc gia nghèo khổ và vô danh này đã bước vào “ánh sáng”. Thoát khỏi sự vô danh không phải là chuyện dễ đối với các quốc gia này, bởi ngày nay tên tuổi cũng là thứ đang được cạnh tranh quyết liệt và lợi ích mà nó mang lại chẳng nhỏ chút nào. Togo có thể nghèo đói, Angola có thể là quốc gia chẳng có gì ngoài nội chiến, nhưng họ đều muốn thế giới biết đến sự tồn tại của họ với một chút giá trị mang lại từ… bóng đá.

Đã từ lâu, thế giới này được tạo dựng theo một trật tự nhân tạo nhưng khá bền vững (ít nhất cũng vài thế kỷ rồi). Một thứ trật tự mà, ở những quốc gia nhược tiểu như Việt Nam, xem như là trật tự thần thánh. Đó là thứ trật tự: phương Tây khai hóa và đi đầu trong mọi lĩnh vực, còn đám nhược tiểu thì được khuyến khích theo cho có hội. Lâu lâu cũng có một vài ngoại lệ, như Nhật Bản chẳng hạn.

Từ 1930 đến nay, World Cup luôn đi theo một kịch bản rất chỉn chu và không thay đổi bao nhiêu:

Đã không ít lần, những nhân vật nổi tiếng trong làng bóng đá thế giới dự đoán một sự lật đổ cho châu Phi, khi họ đóng vai những kẻ phá bĩnh rất đạt. Như Cameroon năm 1990, Nigeria năm 1994, Senegal năm 2002. Nhưng rồi trước sau họ cũng chỉ là những kẻ phá bĩnh dễ thương mà thôi. Những đội châu Phi luôn mang lại một không khí nóng hừng hực cho một trận đấu, nhưng đó cũng là thành công duy nhất của họ.

Các đội châu Á luôn là những kẻ bị đánh giá kém nhất trong làng bóng đá thế giới. Với tố chất bẩm sinh thua kém, họ luôn bị hụt hơi trong trò chơi cần nhiều sức mạnh này. Sự thành công của Hàn Quốc năm 2002 chỉ mang lại sự ngờ vực hơn là sự khâm phục.

Dự đoán trước một kỳ World Cup luôn là một trò chơi thú vị của giới truyền thông. Các nhân vật nổi tiếng sẽ được mời, những lời dự đoán sẽ được đưa ra. Theo tôi, dự đoán của các nhân vật nổi tiếng này (điển hình như của Pelé) không đáng tin bằng của các hãng cá cược. Nhưng nói chung, các dự đoán này sai khác về tiểu tiết nhưng luôn theo cùng một kịch bản như trên: ứng cử viên vô địch luôn là Brazil, Argentina, Ý, Anh hay Đức…, kẻ ngáng đường là một đội châu Phi nào đó, còn mấy anh châu Á sẽ chỉ được xem xét xem anh nào có khả năng vào được vòng hai. Chấm hết!

Một kịch bản được diễn đi diễn lại nhiều lần, với các phân vai không thay đổi, nhưng vẫn cứ lôi cuốn người xem. Chỗ kỳ lạ của bóng đá (hay của cả thế giới này?) là ở đây. Nhưng riêng tôi cảm thấy rất nhàm chán… và đặt câu hỏi: khi nào thì kịch bản sẽ thay đổi?

Bởi nếu không thay đổi, bóng đá sẽ trở thành một môn thể thao nhàm chán, theo một trật tự nhàm chán và trong… một thế giới nhàm chán.

Sài Gòn, ngày 14/06/06

© 2006 talawas