© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
3.6.2008
Nguyễn Trí Hiệp
Đọc “Phượng hoàng” của Nhã Ca
 
Hơn một nửa người Việt trong nước và hơn một triệu người Việt đang sống ở nước ngoài sinh ra khi cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỉ 20 diễn ra trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về chiến tranh? Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Nguyễn Trí Hiệp, một thanh niên Mĩ gốc Việt, sinh viên Đại học U.C. Berkeley, California.
talawas
Tên truyện: Phượng Hoàng
Tác giả: Nhã Ca
Nhà xuất bản: Tạp chí Thứ Tư
Năm xuất bản: 1969
Số trang: 187
Ðịa điểm: Một thành phố ven biển (chắc là Nha Trang).
Thời gian: Không đề cập đến nên không rõ.


Các nhân vật chính

Phượng (Hoàng) - Người nữ sinh có mối tình không có thể công khai với thầy Tế;
Giáo Sư Tế - Hiệu trưởng và giáo sư triết trường Thủy Triều, đã ngoại tình với Phượng;
Phượng Giang - Người em gái tật nguyền sống trong bóng tối của Phượng Hoàng;
Khoa – Chàng trai si tình đã đeo đuổi Phượng (Hoàng) nhiều năm;
Bà Hòa - Mẹ của Phượng Hoàng và Phượng Giang, đã nhẫn nhục thờ chồng nuôi con;


Các nhân vật phụ

Diễm (Hạnh) - Người con gái nuôi của Ông bà Tế nhưng chính Diễm không biết điều đó;
Vũ - Thẩm phán mới ra trường, đã từng theo đuổi Phượng;
Bà Tế - Vợ của Ông Tế;
Hãn - Người trêu chọc Phượng về việc Phượng có thai và bị Giang dùng gậy đánh đầu;
Ngạn - Người bạn học nhiều chuyện của Phượng;


Mở đầu truyện

Vừa tan học, một nhóm nam học sinh đang cổ võ (trêu ghẹo) Khoa. Ai cũng biết là Khoa đang đeo đuổi Phượng, người con gái nổi tiếng đẹp và thông minh của trường. Khoa đang chờ Phượng để đi về chung. Nhưng kết cuộc thì Phượng không về chung với Khoa vì cô cho biết bữa nay cô bận chuyện phải lo. Khi học sinh đã về hết, hiệu trưởng Tế đến gặp Phượng. Phượng hẹn với thầy Tế là sẽ gặp ông ở chỗ cũ. Nơi hẹn thường xuyên của Phượng và thầy Tế là một nhà hàng và khách sạn của người ngoại quốc ở cuối bãi biển. Tuy thầy Tế đã năm mươi tuổi, Phượng lui tới với thầy Tế vì “vầng trán mênh mông của ông Tế đã quyến rũ Phượng” (trang 9). Phượng cảm thấy mình hợp với thầy Tế, vì cả hai đều “cách biệt hẳn với bọn học trò tầm thường ngu dốt” (trang 9). Nhưng cuộc gặp gỡ này khác hẳn những lần trước vì Phượng đang có tâm sự. Phượng không chịu nổi cảnh lén lút của hai người. Bây giờ Phượng muốn chính thức được sống với thầy Tế. Phượng báo tin cho thầy Tế là mình có mang và thúc giục ông ly dị vợ để sống chung với mình. Thầy Tế từ chối lời yêu cầu của Phượng. Tính sao thì tính, nhưng ly dị vợ thì nhất định thầy Tế không chấp thuận. Phượng tức giận và bỏ đi. Tuy thầy Tế nói sẽ lo cho Phượng, nhưng Phượng tỏ thái độ bất cần. Phượng đã từng nói khi hai người đến với nhau lần đầu tiên là Phượng sẽ không bao giờ đòi hỏi gì cả.


Nội dung truyện

Sau cuộc gặp gỡ với thầy Tế ở bãi biển về nhà thì Phượng thấy Khoa đang chờ mình. Hai người ra vườn trò chuyện. Khoa tỏ tình với Phượng. Phượng thẳng thắn nói với Khoa là Phượng không yêu Khoa mà lỡ yêu thầy Tế rồi và bây giờ thì đang có mang. Nói sự thật với Khoa thì còn dễ, nhưng mở miệng để nói với bà Hòa, mẹ của Phượng, thì rất khó. Sau khi nói với bà Hòa là mình đã có thai, Phượng im lặng nghe bà la hét, chịu đựng những cái tát vào mặt mà không khóc và tránh né. Khi dịu lại, bà Hòa nghĩ là phải sắp đặt cho Phượng. Vũ, con người bà quen biết và người đã từng đeo đuổi Phượng, mới từ Sài Gòn vào. Nếu Phượng chịu lấy Vũ thì sẽ xong chuyện. Bà Hòa vừa bàn chuyện đó với Phượng thì bà Tế đến nhà. Bà Tế đến nói chuyện rất khôn khéo. Đúng lời như ông Tế đã nói với Phượng ông sẽ lo việc này, giờ bà Tế đến coi chuyện để thu xếp. Nhưng dù bà Tế nói thế nào đi nữa thì bà Hòa không đồng ý. Bà Hòa hăm dọa là sẽ nhà luật pháp để trừng trị ông Tế. Tuy nói vậy nhưng bà Hòa vẫn hy vọng vào Vũ để giải quyết vấn đề.

Trời sắp chiều thì Khoa đến nhà Phượng, nhưng lúc đó chỉ có Giang ở nhà. Giang, người em tàn tật mười lăm tuổi của Phượng, luôn sống ở trong phòng tăm tối của mình nhưng nghe biết hết các chuyện gây gổ giữa chị và mẹ và sắp chịu không nổi. Giang rất tự ái về chuyện mình bị tàn tật và ghét ai thương hai mình. Ngoài điều đó ra, chị mình lại xinh đẹp thông minh làm cho mình cảm thấy không ngóc đầu lên được. Giang đã thầm yêu Khoa vì khi Khoa đến nhà chờ Phượng thì hay nói chuyện và đùa giỡn với Giang. Khi đang trò chuyện với Khoa, Giang lấy một mảnh thủy tinh vỡ trên nền nhà rạch mạnh một đường vào tay mình, làm Khoa hoảng hốt. Khoa băng bó cho Giang và chờ Phượng về. Khoa trở lại gặp Phượng để nói với Phượng là Khoa đã đi đến một quyết định. Cho dù Phượng đang mang thai với người khác, Khoa vẫn chấp nhận được và xin cưới Phượng. Nhưng Khoa chưa nói xong thì đã bị Phượng từ chối. Phượng lo Khoa không thể quên đi được chuyện này. Quan trọng hơn, Phượng không muốn “làm mất lòng yêu Khoa đã dành cho Phượng được” (trang 55). Nếu có lấy chồng thì Phượng sẽ lấy Vũ hoặc một người khác, nhưng nhất định là không lấy Khoa. Khoa bỏ đi, trong lòng đầy cay đắng. Khoa đi không lâu thì Vũ đến. Phượng không thể nào giấu Vũ được nên đã nói tình trạng của mình cho Vũ biết. Vũ tức giận nói phải bỏ tù ông Tế mới được. Phượng khuyên Vũ về và Vũ đã lạnh lùng bỏ đi. Bà Hòa nổi giận đánh Phượng khi biết Phượng đã nói sự thật cho Vũ nghe, nhưng khi đang đánh Phượng thì Giang trên giường hét lớn lên một tiếng rồi ngất xỉu. Phượng đưa Giang vào bệnh viện để điều trị.

Khi hai chị em xuất viện đang ngồi trên xích lô để về nhà thì có một nhóm thanh niên quen thuộc, những học trò trong xã, vừa đạp xe vừa đi bộ tiến lại để trêu chọc cái bầu của Phượng. Giang không chịu nổi và đã lấy cây nạng gỗ của mình đập vào đầu của Hãn, tên cầm đầu. Đám học trò kéo đến định gây chuyện thì thầy Tế đến và đuổi họ đi. Thầy Tế đến xin Phượng cho ông ta lo cho đứa con nhưng bị Phượng từ chối. Ông cũng đã sắp bỏ dạy học để ra tòa lãnh án vì bà Hòa đã kiện ông.

Ngay đêm bị Phượng từ chối, trong lòng bực tức nên Khoa tìm đến nhà ông Tế. Người mở cửa không phải là ông Tế như Khoa đã tưởng tượng, mà là Diễm. Đang trò chuyện với Diễm thì Khoa chợt nảy ra một ý. Khoa ôm lấy Diễm và hôn cô ta say đắm. Lúc đó Diễm đang hoang mang vì những tranh cãi giữa ba mẹ và những dư luận về gia đình cô, và đang cần lối thoát. Vì thế, cô đã vào tay Khoa. Diễm tưởng Khoa yêu mình, nhưng thật tội nghiệp cho Diễm vì Khoa chỉ đến với Diễm và cưới Diễm để trả thù ông Tế và Phượng. Sau khi lấy Khoa thì Diễm không có một chút hạnh phúc nào.


Kết thúc truyện

Phượng sinh được con trai, bà Hòa đặt tên là Phi. Ông Tế đến xin cho thấy mặt đứa con nhưng bà Hòa không cho. Đợi không có bà Hòa thì ông Tế đến nói chuyện với Phượng. Phượng nói là sau khi khỏe lại thì sẽ một mình vào Sài Gòn ở. Ông Tế xin Phượng nếu đi Sài Gòn một mình thì để lại con cho ông chăm sóc, nhưng Phượng trả lời là sẽ không bao giờ đưa con cho ông. Ông Tế lại xin cho thấy mặt con một lần, và Phượng đã chấp thuận.

Đêm Phượng sinh thì Khoa đến nhà Phượng để tìm những hình ảnh cũ. Giang rất vui mừng khi gặp Khoa vì đã sáu tháng rồi Khoa không tới, từ khi đêm bị Phượng từ chối. Giang nói với Khoa là Giang có điều muốn nói với Khoa, nhưng Khoa phải cúi xuống lòng giếng không nhìn Giang thì Giang mới nói. Khi Khoa đang cúi xuống thì Giang nói Giang yêu Khoa và bất thình lình dùng nạng gỗ của mình đập vào đầu Khoa nhưng Khoa đã né kịp. Khoa túm lấy Giang, nhưng Giang vụt khỏi được tay Khoa và nhảy xuống giếng. May thay, Khoa đã chụp lấy được áo của Giang và đỡ Giang lên. Khoa ôm chặt Giang như sợ cô ta sẽ điên lên một lần nữa. Trong khi đang ôm Giang trong tay, thì Khoa nghĩ đến Phượng, rồi thấy Phượng đang nằm trong tay Khoa. Khoa và Giang trải qua một đêm ân ái.

Sau khi khỏe lại thì Phượng mua vé máy bay đi Sài Gòn. Nhưng vì Giang uống thuốc tự tử và ngày xử án của vụ của Phượng đến, nên Phượng dời lại ngày đi để lo giải quyết mọi việc. Ngày ra tòa, trước quần chúng, ông Tế đã nhận tội là dụ dỗ học sinh. Nhưng khi đến phiên Phượng ra khai, thì Phượng đã khai sự thật. Phượng khai với quan tòa là không ai dụ dỗ cô và chính cô đã tự ý đến với thầy Tế. Sau khi nghị án, tòa tha bổng cho ông Tế nhờ lời khai của Phượng.

Trước khi vào truyện, tác giả có nói đến tên truyện Phượng hoàng. Phượng Hoàng là “tên một loài chim hiếm, bay cao hơn tất cả loài chim. Phượng Hoàng cũng lại chính là tên nàng Hộ Thị Phượng Hoàng. Có lẽ vì chót mang tên loài chim hiếm này, nên Phượng cũng bay cao hơn tuổi mười tám của mình.”

Truyện Phượng hoàng bắt đầu viết từ năm 1962 và xuất bản vào năm 1969 trong khi cuộc chiến Nam - Bắc đang xảy ra. Nhưng trong chuyện không hề đề cập đến chiến tranh. Đề tài chính truyện Phượng hoàng muốn đề cập tới không phải là chiến tranh, mà quyền lợi và sức mạnh của một phụ nữ. Phụ nữ bị ràng buộc bởi những lễ giáo phong kiến, cho nên tác giả viết truyện để phá vòng lễ giáo và giúp cho phụ nữ tự do hơn. Nhân vật Phượng Hoàng trong truyện đầy nam tính. Tuy nhiên, khi đọc thì ta thấy điều đó vẫn chưa rõ lắm, có lẽ vì đây có thể chỉ là sự bắt đầu. Tác giả thay phần kết đã viết một lá thư cho Phượng Hoàng. Theo tác giả, sự khó khăn băn đầu chỉ là thử thách thôi. Nhờ những thử thách này, sau này khi vào Sài Gòn, Phượng Hoàng sẽ tung cánh bay cao, như tên loài chim quý.

© 2008 talawas