© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
Loạt bài: World Cup 2006
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
29.6.2006
Jumana Farouky
Thổi còi
Nguyễn Tiến Văn dịch
 
Với phim Việt vị (Offside), đạo diễn Jafar Panahi tiếp tục cuộc trường chinh điện ảnh chống lại các tệ ác xã hội ở Iran và nêu câu hỏi tại sao trái bóng tròn chỉ dành riêng cho con trai.
Sáu cô gái đội mũ lưỡi trai của môn bóng chày và mặc áo thùng thình, thẫn thờ quanh quẩn trong một nhà tù dựng tạm ngay bên ngoài vòng tường của sân vận động Azadi ở thủ đô Tehran của Iran. Từ bên trong chiếc lồng giam mỏng manh mấy cô gái này có thể nghe được tiếng hò reo nổi lên từng chập khi Iran và Bahrain tranh đua vào chung kết để tham dự Giải Bóng đá Thế giới. Bị câu lưu vì đã tìm cách giả làm con trai để lẻn vào trận đá bóng, những cô gái này chờ đợi hình phạt - nhưng gần gũi một cách ngứa ngáy với trận đấu cũng đã đủ là một cực hình. Một trong những cô bị giam tranh luận với một người bảo vệ miễn cưỡng về lý lẽ của sắc luật cấm đoán phụ nữ vào sân vận động của Iran. Anh bảo vệ cãi: “Trong đó đầy đàn ông. Họ chửi thề và nói tục”. Không chịu nhường miếng nào, cô ta đáp: “Chúng tôi hứa không nghe”.

Trong bộ phim mới nhất của ông, nhan đề Việt vị, công chiếu ở Anh vào ngày 9 tháng 6, ngay ngày khai mạc Giải Bóng đá Thế giới, đạo diễn Jafar Panahi của Iran sử dụng những đôi co như thế để soi tỏ sự phi lí của một quy luật không cho phép phụ nữ thưởng thức môn chơi tuyệt vời kia. Nhưng cuộc đối thoại ấy cũng dễ dàng áp dụng luôn cho công nghệ điện ảnh của Iran nữa: Cộng hoà Islam (Hồi giáo) này là người bảo vệ nhà tù, bênh vực sự kiểm duyệt nặng đòn của nó như một cách để che chở cho các công dân, và những người làm phim như Panahi là những tù nhân mới phất lên tranh cãi rằng công dân phải được tự do để định đoạt đầu óc của mình. Panahi, 45 tuổi, nói: “Khi tôi tao ngộ một vấn đề trong xã hội làm tôi nhức nhối, thì bổn phận của tôi là làm một phim để đạo đạt vấn đề ấy. Tôi làm phim, trước hết, là để cho người Iran. Đây là vấn đề của họ, nên tôi muốn phô bày nó cho họ.” Cho đến nay, ông chưa làm được điều đó. Tất cả các phim của Panahi, kể cả Việt vị, đã bị cấm không cho trình chiếu tại các rạp công cộng của Iran.

Bị chối từ với khán thính giả tại quê nhà, số phận của Việt vị cũng là số phận của nhiều phim Iran khi chúng dám chất vấn hiện trạng; nó đã trở thành một phim được ái mộ trong vòng chuỗi lễ hội điện ảnh quốc tế và trong các rạp chiếu bóng nghệ thuật ở phương Tây. Nhưng một chuyện ngộ nghĩnh đã xảy ra trên con đường tới phòng bán vé ở nước ngoài. Việt vị được cấp cho một lần trình chiếu ở Liên hoan Điện ảnh Quốc tế Fajr tại Tehran năm nay do Bộ Văn hoá và Hướng đạo Islam tổ chức. Rồi đi trước Liên hoan Điện ảnh Quốc tế ở Berlin vào tháng 2.2006, nơi phim của Panahi nhận được huy chương Gấu Bạc. Một nhóm các nhà đạo diễn Iran tham dự được các viên chức của Bộ này bảo tha hồ phát biểu tự do với báo giới nước ngoài. Và tháng 4 vừa rồi, sau khi các phụ nữ biểu tình phản đối bên ngoài sân vận động Tehran, tổng thống Iran là Mahmoud Ahmadinejad bãi bỏ lệnh cấm phái nữ tham dự các trò thể thao. Một số người phản đối nêu tấm bảng đề dòng chữ: CHÚNG TÔI KHÔNG MUỐN BỊ VIỆT VỊ NỮA, sử dụng nhan đề của phim mà hầu như chưa ai được xem - nhưng ai nấy đều nghe nói - để nêu cao lý tưởng của họ.

Có thể nào đây là những xao động của một cuộc phục hưng văn hoá chớm nở? Chắc là không. Việt vị bị giáng hạ xuống “tiết mục khách” ở Fajr. Panahi nói: “Nó không được trình chiếu như một phim quan trọng. Họ không cho nó một giá trị nào.” Ngay cả với quyền tự do phát biểu những gì trong đầu, đạo diễn này cũng không nói điều gì dị nghị ở Berlin. Và hai tuần trước đây, giáo lãnh tối cao của Iran là Ayatollah Ali Khamenei đã phủ quyết sắc lệnh của Ahmadinejad, tái lập sự cấm đoán, không cho phép phụ nữ bén mảng tới các trận bóng đá. Tuy thế, nhưng dù sao cũng có những dấu hiệu cho thấy việc làm phim ở Iran có thể đang trở nên dễ dàng hơn đôi chút. Panahi nói: “Bởi chính phủ trước, dưới quyền tổng thống Mohammed Khatami, vốn ôn hoà, luôn luôn sợ làm những người bảo thủ bị xáo trộn. Bây giờ những người bảo thủ đang điều hành chính phủ, họ chẳng cần phải đối đáp với ai. Vậy nên họ rất có thể sẵn lòng cho phép chúng tôi làm và trình chiếu những loại phim như thế này”.

Những ánh le lói của sự mở cửa đã làm sửng sốt các nhà làm phim địa phương khác, vốn sẵn trông chờ sự đụng độ thêm nữa những bức tường dưới chính phủ mới. Ngay cả một nhà làm phim thuộc dòng chủ lưu như Saman Moghadam cũng phải tranh đấu mới đưa được các phim của ông vào rạp trong thời cai trị của Khatami. Khi Ahmadinejad nắm quyền vào tháng 8 năm ngoái, nhà đạo diễn này sợ rằng cuốn phim hài hước chính trị gần nhất của ông, nhan đề là Maxx, chắc chẳng bao giờ được xuất hiện ở rạp. Thay vì thế, phim này được cho phép phát hành ở ngay trong nội địa. Người Iran chen đầy các rạp để xem câu chuyện về một nhạc sĩ truyền thống được mời từ Hoa Kì về Iran để tham dự một buổi hoà nhạc vinh danh, và ngôi sao nhạc trẻ thô lỗ đã nhầm lẫn mà xuất hiện thế chỗ của ông. Moghadam nói: “Dưới thời của Khatami chúng tôi có một giai đoạn ngắn ngủi bừng nở rộ về nghệ thuật. Đó mới là thời hoàng kim chưa từng có trong lịch sử Iran. Nhưng phần thời gian còn lại, chúng tôi đã phải giáp mặt với nhiều hạn chế. Tưởng chừng như lẽ tự nhiên là một chính phủ bảo thủ ắt hẳn hạn chế khả năng làm việc của chúng tôi còn hơn thế nữa, nhưng điều đó dường như chưa xảy ra”.

Về phần mình, Panahi cảnh báo chớ nên quá khen chế độ hiện hành - đặc biệt là ông đang chờ xem phim Việt vị có được cho phép phát hành rộng rãi tạc các rạp chiếu bóng ở Iran hay không. Ông nói: “Nếu có thành quả nào đạt được trong ngành điện ảnh Iran, thì đó là nhờ tinh thần sáng tạo của những người làm phim. Họ đã quyết định khi nào và trong những hoàn cảnh nào để làm phim, và những đường lối nào họ có thể tìm ra được để sản xuất và trình chiếu những phim của họ.” Nhưng quá nhiều khi tinh thần sáng tạo có nghĩa là bỏ lại những mẩu nhạy cảm trên sàn của phòng cắt phim. Moghadam đồng ý biên tập lại một số chỗ cho phim Maxx – chính phủ đã tìm ra 140 điểm “đáng chất vấn” trong kịch bản phim 80 trang của ông – trước khi nó xuất hiện trên màn bạc ở Iran. Các nhà đạo diễn khác luân chuyển những dự án xã hội không ai được xem sang những phim gia đình ăn khách để tên tuổi của họ lưu truyền ở quê nhà. Nhưng Panahi từ khước cả việc tự kiểm duyệt lẫn việc bán đứng. Thay vào đó, ông tự nguyện đơn thân đảm nhận sứ mạng phóng chiếu những căn bệnh xã hội của xứ sở ông lên màn ảnh lớn. Ông nói: “Cứ ba năm tôi làm một phim mà tôi nghĩ là cần thiết và quan trọng. Nếu tôi không làm những loại phim này, ắt hẳn tôi kiếm được tiền nhiều hơn. Nhưng chỉ có điều đó không phải là đường lối của tôi”.

Panahi có thể còn chưa có được tiếng tăm quốc tế như những bậc đại sư của nền điện ảnh Iran là Abbas Kiarostami (phim Hương vị anh đào/ Taste of Cherry), giải Cannes, hoặc Mohsen Makhmalbat (phim Kandahar) – nhưng phong cách trừng trừng, gan góc của ông đã mau chóng biến ông thành nhà làm phim xã hội can đảm nhất xứ sở. Sự nghèo đói, việc kiểm duyệt, hệ thống công lý, quyền của phụ nữ, - những chủ đề mà ông đối chất dọc lên như một danh sách các đề xuất nóng bỏng bảo đảm làm nhà cầm quyền phẫn nộ. Trong cuốn phim truyện đầu tay của ông năm 1995 là Quả bóng trắng (The White Balloom), một bé gái đi mua một con cá vàng trở thành con mồi cho lũ con buôn tìm cách tách em khỏi món tiền. Phim Cái vòng (The Circle, 2000) thăm dò những câu chuyện đan chéo của những người đàn bà khác nhau, tất cả đều là nạn nhân của một xã hội phân biệt giới tính trọng nam khinh nữ. Và Vàng máu (Crimson Gold, 2003) là một sự phơi trần việc bất bình đẳng kinh tế gói trong một phim tội ác rùng rợn. Ông nói: “Tôi xem mình như một người làm phim xã hội, không phải một người làm phim chính trị. Nhưng mọi phim xã hội, từ nền tảng, tiếp cận với những vấn đề chính trị. Bởi vì mọi vấn đề xã hội thì rõ nét là do một sai lầm chính trị nào đó”.

Panahi bị từ chối giấy phép để quay phim Việt vị, thế nên, sử dụng một cái tên giả, ông gửi một bản tóm lược dỏm về một toán bé trai tham dự một trận bóng đá và được chấp thuận của Bộ. Không có thiết bị hoặc tài trợ mà chính phủ phân phát cho những đạo diễn khác, ông quay bằng máy quay kĩ thuật số nhỏ và nhóm ít người. Năm ngày trước khi quay xong, nhà cầm quyền khám phá ra rằng bọ bị lừa. Panahi nói: “Cảnh sát ở Tehran được lệnh bắt giữ chúng tôi nếu họ thấy chúng tôi quay phim. May thay, những cảnh quay duy nhất còn lại chỉ là trong một chiếc xe đò nhỏ, vậy nên chúng tôi lái xe ra khỏi ranh giới thành phố nơi họ không thể tìm ra chúng tôi”.

Mặc cho những quấy nhiễu đó, Panahi đã làm được một phim nhẹ nhàng hơn và sống động hơn bất kì phim nào ông đã thực hiện. Đó cũng là phim vui nhất của ông cho đến nay. Ông nói: “Dù sao đó cũng là một tình thế tức cười – 100.000 người đàn ông xem một trận bóng đá, nhưng tất cả những kẻ khác kia, bởi họ là phái nữ, không được xem. Tôi không cần thêm thắt gì vào đó nữa cả”. Panahi chưa quyết định phim kế tiếp của ông sẽ là gì, nhưng đánh cá chắc ăn là nhà cầm quyền sẽ không ưu ái nó. Nhưng ông không chịu bỏ cuộc. Panahi nói: “Năm 2004, tôi được Bộ Tình báo triệu tập và họ bảo rằng tôi đang làm những phim ‘đen’. Họ hỏi tôi tại sao tôi cứ ở lì tại Iran, và bảo tôi là nên bỏ đi. Tôi trả lời họ là tôi sẽ ở lại Iran chừng nào tôi còn làm phim được”. Và chừng nào ai đó, ở một nơi nào đó, còn đang xem phim đó.

Viết dựa trên tường thuật của Azadel Moaveni tại Tehran.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas
Nguồn: Time, 29.5.06, http://www.time.com/time/europe/magazine/article/0,13005,901060529-1196395,00.html