Xã hộiThể thao1.8.2005
Yoichi Funabashi
Nháºt Bản, bóng đá - tấm gÆ°Æ¡ng phản ánh biến chuyển xã há»™i
Hoà ng Dũng dịch
Những tiến bộ của đội tuyển quốc gia Nhật Bản, lọt qua vòng tuyển vào cúp bóng đá thế giới sắp tới, chỉ phản ánh sự thay đổi tâm tính của giới trẻ Nhật Bản, sống cá nhân hơn.
Đánh bại Bắc Triều Tiên 2-0 ở Bangkok, Nhật Bản chính thức đoạt vé dự cúp bóng đá thế giới diễn ra tại Đức vào năm tới. Bàn thắng đầu tiên của trận đấu ghi được do công của Atsushi Yanagisawa sau cú vô-lê và bàn thắng quyết định do Masashi Oguro ghi được sau khi đánh bại thủ môn đối phương. Chất lượng trận đấu rất cao và đội tuyển Nhật Bản xứng đáng giành chiến thắng. Cho dù vắng mặt năm tuyển thủ chủ chốt, các tuyển thủ Nhật đã chơi rất thành công ở mọi vị trí của đội tuyển. Các cầu thủ làm chủ trong suốt trận đấu, họ đã có cái nhìn chiến thuật và khả năng chịu đựng bền bỉ để chiến đấu suốt 90 phút. Biết lui về phòng thủ khi cần và tận dụng mọi sai lầm của đối phương để phản công. Tóm lại, trận đấu đã diễn ra theo ý của họ.
Tuy hài lòng với kết quả của trận đấu nhưng đội tuyển quốc gia vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết. Như khởi đầu, đội tuyển còn gặp rất nhiều khó khăn trong khâu ghi bàn. Có nhiều cầu thủ giỏi ở hàng tiền vệ nhưng hàng tiền đạo lại quá mỏng. Miếng chiến thuật tấn công biên quá lạm dụng đến nỗi quên bài đánh trực diện, tấn công trung tuyến. Mặt khác, tuổi trung bình của các tuyển thủ là 27, vấn đề đặt ra làm sao trẻ hoá đội tuyển trong vòng một năm.
Ưu tiên không phải là ghi bàn
Mùa hè vừa qua, nhân dịp cúp bóng đá châu Á tại Trung Quốc [đội tuyển Nhật đã bảo vệ thành công chức vô địch], một phóng viên Trung Quốc đã phỏng vấn Zico, HLV người Brazil của đội tuyển Nhật, rằng các cầu thủ Nhật đã đoạt cúp chẳng qua là do may mắn. Ông trả lời: "Khi ta tung đồng xu, cơ may có thể mỉm cười với bạn vì đồng xu chỉ có hai mặt. Nhưng trong bóng đá, người ta chơi với quả bóng tròn." Với quả bóng tròn, mọi chuyện có thể xảy ra, và phải dự trù hết mọi tình huống. Bóng đá là nghệ thuật làm chủ tình huống và thích ứng với mọi hệ quả xảy đến. Điều này không thể nói đến chuyện ăn may.
Trong trận đấu với Bắc Triều Tiên, ta thấy rõ nghệ thuật xây dựng một đội tuyển. Có vài thay đổi trong nhóm các cầu thủ. Cách thức Oguro ghi bàn là bằng chứng rõ rệt nhất: khi anh đối diện với thủ môn, anh bắt đầu bằng động tác giả trước khi đưa bóng vào lưới bằng chân trái trong khi anh là người thuận chân phải. "Ghi bàn đó là đặt bóng vào đúng chỗ mà không ai có thể ngăn cản", Zico nhấn mạnh. Bàn thắng của Oguro minh hoạ rõ nét chân lý này, nhưng nó cũng nhấn mạnh thông điệp hết sức quan trọng: tinh thần độc lập thôi thúc cầu thủ trong những tình huống diện đối diện là rất quý.
Người Nhật từ lâu nổi tiếng là kém trong những tình huống đấu tay đôi. Điều đó cho thấy sự bất khả trong phản ứng mang tính cá nhân trước những áp lực mạnh, sự bất khả này cũng còn do thiên hướng kém chấp nhận thử thách khi chỉ có một mình. Giải thích này hoàn toàn chính xác và nó không giới hạn trong bóng đá. Quy luật chung, tập thể mạnh nhưng cá nhân yếu. Chân lý này còn được áp dụng cho chính phủ, các công ty xí nghiệp, các trường đại học và các tổ chức phi chính phủ (ONG). Khi các cầu thủ Nhật nhận được bóng, việc đầu tiên họ nghĩ là làm sao phải chuyền bóng đi, thực hiện một đường chuyền; ưu tiên không dành cho việc ghi bàn. Họ dành phần lớn thời gian để tổ chức các đường chuyền qua lại giữa các cầu thủ. Nhưng vì quá tập trung cho cách thức chơi bóng này, nên họ quên mất cứu cánh của bóng đá. Họ có ấn tượng là đã hoàn thành nhiệm vụ khi thay mục tiêu bằng phương pháp. Nhưng bàn thắng quý giá của Oguro nhắc nhớ cho chúng ta đến tâm lý vững chắc trong những tình huống đấu tay đôi.
Như con sâu biến thành bướm, đội tuyển dưới sự dẫn dắt của HLV người Pháp Philippe Troussier đang trên đà cất cánh. Các cầu thủ của ông, trưởng thành từ một nền văn hoá thể thao mang đậm tinh thần tập thể trong các câu lạc bộ học đường, thoải mái với phong cách huấn luyện mà HLV người Pháp này áp đặt cũng như dễ dàng dung nạp những mệnh lệnh kỳ cục của ông. Tuy thế lối huấn luyện này có thể tạo sức cản cho các cầu thủ vốn được huấn luyện đa dạng và tích luỹ nhiều kinh nghiệm ở nước ngoài và đang phát triển phong cách riêng. Vì nhiều cầu thủ Nhật hiện đang chơi cho các câu lạc bộ châu Âu. Nếu đội tuyển bóng đá Nhật muốn thuộc vào hàng đầu thế giới, họ phải qua giai đoạn tiếp theo.
Sau đây là những gì mà Zico muốn truyền đạt. Thứ bóng đá của ông đặt nền tảng trên cá tính, tính đa dạng và sáng tạo, nhất là tôn trọng cá nhân. Ba năm qua, đội tuyển Nhật Bản đã cố gắng học hỏi và thích ứng với phong cách này. Con đường hoàn thiện còn dài nhưng đang đi đúng hướng.
Thứ bóng đá của Zico cũng góp phần quý giá cho xã hội Nhật Bản đang đánh mất phương hướng trong thời toàn cầu hoá. Nhật Bản không còn biết làm thế nào để có thể xây dựng những mối tương quan mới giữa cá nhân và tập thể, giữa cái riêng và cái chung. Nếu thế kỷ XX là thế kỷ của các tập đoàn, các nhóm, thì thế kỷ XXI sẽ thuộc về cá nhân có cá tính mạnh mẽ: đó là thông điệp của Dự án nước Nhật thế kỷ XXI phát đi vào năm 2000, trong bản tường trình "Những chân trời mới cho nước Nhật ở ngay trong lòng đất nước". Dự án nước Nhật thế kỷ XXI là uỷ ban tham vấn không chính thức được cố thủ tướng Obuchi Keizo thành lập.
Các tác giả của bản tường trình ý thức trước tính cấp bách trong việc hình thành và tăng cường cá nhân để đất nước khỏi bị chìm ngập trong làn sóng toàn cầu hoá ở thế kỷ XXI. Hơn thế nữa ngoài những bài học rút ra, nó còn nâng cao tối đa những giá trị, những phẩm giá và tính cạnh tranh của đảo quốc này. Họ còn nhấn mạnh đến tính cần thiết đào tạo những cá nhân tự chủ, tái thiết tinh thần tập thể và xây dựng đường lối quản trị dung hoà giữa hai tính chất này. Tăng cường cá nhân tính để tái khám phá tập thể tính: đó chính là yêu cầu đặt ra.
Nhật Bản chuyển đổi từ bóng đá Troussier sang bóng đá Zico, một sự thăng tiến được giải thích bằng tinh thần độc lập xây dựng trên cá tính mạnh mẽ. Nó đã làm loé sáng lên niềm hy vọng về một phong cách bóng đá riêng rất Nhật Bản. Niềm hy vọng phản ánh tinh thần thời đại của nước Nhật đang trên đường tìm kiếm chân dung Nhật Bản phù hợp với các lý tưởng.
© 2005 talawas
Nguồn: Shukan Asahi – Tokyo, bản tiếng Pháp đăng trên Courrier international no769, 28/7-3/8/2005