trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
7.10.2003
Đặng Tiến
Bùi Giáng, sơ thảo tiểu truyện
 
Des lisières lointaines
les cerfs ont bramé

Từ ven rừng xa
tiếng nai gào gọi
Apollinaire



Sơ thảo, gọi như vậy vì tính cách sơ lược của bài viết.

Vì một số dữ kiện nêu lên, không chắc chắn, dù cho người viết hết lòng tìm căn cứ. Chung quanh Bùi Giáng có nhiều giai thoại, dần dần trở thành huyền thoại, đồng thời với những tư liệu có khi không hợp lý, hay mâu thuẫn, không dễ gì kiểm chứng.

Sơ thảo, vì lối biên tập còn rườm rà, khi chúng tôi cố tình muốn đưa ra nhiều tư liệu, có lúc ngoài lề, để người khác có thể men theo và truy cứu thêm, về chuyện này hay chuyện khác.
Sơ thảo, tóm lại, không phải là lời từ tốn vào đề chiếu lệ, mà là lời mời gọi giới văn học và độc giả cải chính, bổ sung đào sâu hay nâng cao.

Bùi Giáng đứng tên trên khoảng 60 đầu sách, chủ yếu là 14 tập thơ, xen kẽ 19 dịch phẩm, 6 sách giáo khoa đầu tay, phần còn lại là biên khảo về triết học và thơ. Hiện nay còn khoảng 10 tập thơ và nhiều văn bản dịch, chưa in.

Trên cơ bản, Bùi Giáng là nhà thơ.

*

Bùi Giáng là tên thật. Có khi sử dụng nhiều bút danh khác: Vân Mồng, Bùi Bàng Giúi, Búi Bàng Giùi, Báng Giùi, Trung Niên Thi Sĩ, Ðười Ươi Thi Sĩ.

Ông sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926, Bính Dần, tại làng Thanh Châu, nay đổi thành Duy Châu vì thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam [1] .

Thân phụ là Bùi Thuyên, tục danh Cửu Tỳ, địa chủ giàu có; thân mẫu là Huỳnh Thị Kiền, còn tên là Hai. Cụ Bùi Thuyên có hai đời vợ, bà trước là con Phạm Tuấn, là một trong năm tiến sĩ đồng khoa 1898 cùng quê Quảng Nam, gọi là Ngũ Phụng Tề Phi [2] . Bà mất sớm khi hạ sinh người con thứ ba. Bà sau là cháu nội cụ Hoàng Văn Bảng, em ruột Hoàng Diệu, phó bảng khoa 1853, Thượng thư Bộ Binh, Tổng Ðốc Hà Ninh, tuẩn tiết tại Hà Nội năm 1882. Bà sinh được hai gái và bảy trai. Bùi Giáng là con thứ năm, kể cả con bà mẹ trước, nên còn tên là Sáu Giáng.

Những chi tiết này chứng tỏ Bùi Giáng xuất thân tự một giòng họ gia thế. Họ này gốc Nghệ An, di dân vào đây từ đời Hồng Ðức [3] .

Nhiều người trong giòng họ này nổi tiếng như bác sĩ Bùi Kiến Tín, sản xuất dầu khuynh diệp, kỹ sư Bùi Thạnh, hay giáo sư Bùi Xuân Bào, gia đình ra lập nghiệp tại Huế.

"Dòng họ Bùi giàu có bậc nhất trong vùng với những sở ruộng "cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi". Bùi Giáng trong mắt người dân thuở đó là một trang công tử. Dòng họ Bùi gốc ở Vĩnh Trinh lên ngụ cư ở Trung Phước khoảng những năm đầu của thập kỷ 40. Hồi đó, dòng họ có những căn nhà lầu đầu tiên ở xứ này. Trong nhà của họ có rất nhiều nô bộc. Sau này, nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân nhận xét rằng những dòng họ giàu có nổi tiếng ở xứ Quảng đều sinh sống dọc hai bên triền sông, tận dụng lợi thế "nhất cận thị, nhị cận giang" [4] .

Sông Thu Bồn quanh năm có lưu lượng cao, nối liền miền Thượng Du với cửa Ðại (Hội An), cửa Hàn (Ðà Nẵng) và cửa Kỳ Hà (Tam Kỳ) qua nhiều sông lớn khác. Do đó, Vương Quốc Chăm đã đóng đô tại vùng Trà Kiệu, bên sông này, khoảng thế kỷ IV. Nhờ kinh tế phồn thịnh, dân địa phương nhiều người học hành và đỗ đạt.

Bùi Giáng sinh ra và lớn lên giữa "những dãy nhà rộng thênh thang tường xây bằng đá" [5] . Thời niên thiếu giữa một thiên nhiên phong phú, nhiều sắc thái: sông hồ, đồi núi, ruộng nương là một thiên đường mà Bùi Giáng suốt đời hoài vọng, và gọi là cố quận. Trong Ngày Tháng Ngao Du, ông kể: "Hồi nhỏ, tôi được sanh ra và lớn lên trong miền quê hẻo lánh. Chung quanh có ruộng đồng sông núi trùng điệp, những đám cỏ chạy suốt tuổi thơ. Làng tôi xưa kia có nhiều cỏ mọc, cỏ mọc từ trong làng ra ngoài ruộng, tới những cồn, gò, đồi núi thật xanh. Từ đó về sau, tôi tìm kiếm mãi một màu xanh không còn nữa vì những trái bom và hòn đạn khổng lồ".

Có lẽ vì vậy mà mãi đến tuổi 71 ông mới về quê sau non 50 năm xa cách, qua bài thơ Tâm Sự, 1996, trong Ðêm Ngắm Trăng.

Về học trình của Bùi Giáng, tư liệu chi tiết nhất là bài diễn văn năm 1995 của Bùi Văn Vịnh, em ruột: "Thuở nhỏ, anh học trường Bảo An, tại Ðiện Bàn, Quảng Nam. Sau đấy, anh theo Trung học ở trường Thuận Hóa, Huế. Năm 1945, đang lớp đệ tứ thì gặp đảo chính Nhật, song anh kịp đậu Thành Chung (Diplôme). Cùng năm, anh lập gia đình riêng - chị qua đời ba năm sau. Việt Minh lên, anh trôi nổi khắp các tỉnh Nam Ngãi Bình Phú của Liên Khu V trong vùng kiểm soát này. Cho đến 1950, khi có kỳ thi Tú tài đặc biệt do Liên Khu V tổ chức ("đặc biệt" vì đề thi do Liên Khu IV gửi vào, thi xong bài thi gửi ra Liên Khu IV chấm), anh đậu Tú tài II Văn Chương, rồi lên đường ra Liên Khu IV, tới Hà Tĩnh, để tiếp tục vào học Ðại Học. Từ Liên Khu V ra Liên Khu IV phải đi bộ theo đường mòn trên núi, hơn một tháng rưỡi trời. Khi ra đến nơi, trong ngày khai giảng sau khi nghe ông Viện trưởng Ðại học đọc diễn văn, Bùi Giáng quay ngay về Quảng Nam - với một tháng rưỡi đi bộ nữa theo đường mòn trên dãy Trường Sơn. Và anh bắt đầu quãng đời "Mười lăm năm chăn dê ở núi đồi Trung Việt". Xin mở một ngoặc đơn: con số "15" được hiểu với nghĩa tượng trưng của điển " mục dương", và anh chăn dê chứ không bò hay trâu! Tháng 5-1952, gửi đàn dê lại cho... chuồn chuồn, châu chấu, anh băng qua Huế lấy Tú tài tương đương, để vào Sài Gòn ghi danh theo học Ðại Học Văn khoa. Lần này nữa, sau khi nhìn danh sách các giáo sư sẽ giảng dạy, anh quyết định chấm dứt việc học ở trường của mình tại đây" [6] .

Nhiều bài biên khảo sử dụng tư liệu này, vì tư cách của tác giả và những dữ kiện cụ thể được đưa ra. Nhưng cũng có người tự hỏi: Hà Tĩnh thì làm gì có đại học? Năm 1952, thì Sài gòn làm gì có đại học văn khoa [7] ?

Chúng tôi dò hỏi và đề nghị một học trình khác của Bùi Giáng:
  • Tiểu học: Bùi Giáng có học trường Viên Minh, Hội An,


  • 1940 ông bắt đầu vào Trung Học, trường Cẩm Bàng, Quy Nhơn. Trường tên như thế vì là tên làng của chủ trường, ông Lâm Tô Bông, người Quảng Ngãi.


  • 1941-1945: Bùi Giáng ra Huế, học trường Tư thục Thuận Hóa. Thầy là các vị Hoài Thanh, Ðào Duy Anh, Trần Đình Ðàn, Lê Trí Viễn...Hai ông sau là cùng quê với Bùi Giáng. Nhà thơ khâm phục và về sau có viết bài ca ngợi các bậc thầy này.


  • 1945: Nhật đảo chính.
    Ông đỗ bằng Thành Chung, thường gọi là Diplôme, sau khi thi hỏng năm trước, và ở lại lớp Tứ Niên C.


  • 1943: Bùi Giáng đọc trên báo Bạn Ðường, do Hướng Ðạo chủ trương, in tại Thanh Hóa, mấy câu thơ:

    Mịt mùng một nẻo quê chung
    Người về Cố Quận, muôn trùng ta đi.

    Theo Bùi Giáng "đây là một niềm tương ngộ, cuộc trùng phùng, những tao ngộ tình cờ trong một cuộc Hội Thoại".
    Có thể xem như là khởi điểm nguồn sáng tạo văn học của Bùi Giáng, như ông thổ lộ ở phần đầu Lời cố Quận (1972), mà không cho biết tên tác giả câu thơ.
    Tuy nhiên trước đó, trong Ði vào Cõi Thơ (1969), Bùi Giáng có trích hai câu này trong một đoạn 4 câu trong bài Cảm Thông (12 câu, 1940) và nói rõ là của Huy Cận. Bài này chưa bao giờ được in ở các thi tập đã xuất bản của Huy Cận.


  • 1945: ông về quê, cưới vợ, dọn lên Trung Phước, một làng Trung Du hẻo lánh.

Vợ ông tên Phạm Thị Ninh, trạc tuổi ông, sinh trưởng trong một gia đình công chức khá giả, ông bà Phán Trai, Hội An, ở gần Chùa Cầu, nay còn người em là Phạm Văn Hòa, 71 tuổi.

Bà Ninh qua đời năm 1948 vì bệnh dài hạn và đẻ non, đứa con cũng mất, tại làng Trung Phước. Người em, Bùi Công Luân, kể lại rằng khi mất, thì "chị không thấy mặt chồng. Anh Bùi Giáng bấy giờ đang ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên gì đó, nghe phong thanh anh đang đi học" [8] .

Chúng tôi lần theo, và được biết là giai đoạn này, Bùi Giáng tiếp tục học tại trường Nguyễn Huệ Bồng Sơn, tỉnh Bình Định. Trường này không dạy đủ lớp, chỉ dạy hai trên ba năm, bậc Tú Tài, và chỉ dạy chuyên khoa Toán Lý Hóa. Bùi Giáng có ra Hà Tĩnh - bài Kỷ Niệm, trong tập Mưa Nguồn, làm tại Hà Tĩnh, 1951- nhưng có thể để học tiếp ban Tú Tài văn chương, rồi bỏ dở.

Tháng 5-1952, Bùi Giáng về thành [9] . Rồi vào Sài Gòn dạy học.

Học trình Bùi Giáng, chúng tôi chỉ biết có vậy.
Trên cơ bản ông là người tự học và đã đạt tới một kiến thức uyên bác, làm nhiều người ngạc nhiên và kính phục.
Chúng tôi phụ chú thêm ba điểm :
  1. Việc hôn nhân: khi trả lời một bài phỏng vấn của báo Thời Văn, 1997, Bùi Giáng có tiết lộ: "phải thuận theo ý cha mẹ lấy cô vợ người thành phố Hội An, suốt đời không biết cày sâu cuốc bẫm là gì" [10] . Người em trai Bùi Công Luân xác nhận điều này trên báo Khởi Hành số 25 đã dẫn, nói rằng hai bên không yêu nhau.


  2. Việc chăn dê: khoảng 1948, tại Trung Phước, chúng tôi tin vào kỷ niệm của ông Phạm Văn Hòa: "Ông anh rể tôi kỳ lạ lắm. Hồi đó ổng mua một đàn dê khoảng 100 con và rủ tôi đi chăn cùng. Buổi sáng ông thường lùa dê vào Giáp Nam, Gò Om, sau đó hai anh em rủ nhau xuống khe (suối) Le ngồi dưới bóng của các lùm tre và...đọc thơ suốt buổi. Có những buổi ổng lang thang lên tận các quả đồi hái hoa, lá kết vòng thơ thẩn đeo vào cổ cho dê... " Ðặc biệt Bùi Giáng rất thương vợ. Sáng nào ông cũng vắt một bát sữa dê đem chưng lên cho vợ uống. Tôi chẳng hiểu hồi đó ông có tâm sự gì nhưng chỉ biết ông nuôi dê để chơi thôi, không thấy bán (vì nhà rất giàu, đâu cần tiền), cũng không thấy giết thịt vì ông rất yêu những con dê. Mỗi con ông đặt cho một cái tên, rất kỳ lạ. Chuyện Bùi Giáng chăn dê nhiều người còn nhớ. Ðấy là hình ảnh một thanh niên hàng ngày lặng lẽ lùa dê vào núi, trên tay ôm một cuốn sách tiếng Pháp dày cộp. Quãng đời du mục của Bùi Giáng kéo dài khoảng 3 năm thôi nhưng sau này khi viết Nỗi lòng Tô Vũ, thi sĩ đã đề từ "Kỷ niệm một đoạn đời 15 năm chăn dê núi đồi Trung Việt Nam Ngãi Bình Phú". Mười lăm năm - nhiều người cho rằng có thể Bùi Giáng lấy thời gian lưu lạc của nàng Kiều để nói về đời mình" [11] .


  3. Thời kháng chiến: ngày Toàn quốc Kháng Chiến chống Pháp, Bùi Giáng đúng 20 tuổi. Vậy ông làm gì? chẳng nhẽ chỉ chăn dê và làm thơ?

    Bùi Giáng có đi bộ đội, thời đó là Giải Phóng Quân. Trong lúc "vui lòng cởi mở" ở dưỡng trí viện Biên Hòa tháng 5-1969, ông có kể với các Bác sĩ trong viện: "trong thời trai trẻ, đi kháng chiến, một chiều nọ, mệt, đói, anh đang lê từ bước một với chiếc ba lô khá nặng sau lưng, thì vừa quẹo một đường mòn, anh chợt thấy một thiếu nữ thiểu số đang giặt áo bên bờ suối, anh vừa ngừng chân thì "Bông hoa rừng" nọ cũng vừa ngừng tay giặt, mỉm cười với anh và niềm nở hỏi chào anh. Anh tưởng mình như đang lạc vào suối Ðào-nguyên, và hình ảnh này vẫn không phai trong tâm khảm anh. Ðó là phần Cô em Mọi nhỏ; còn Hoàng hậu Nam-Phương thì đến với anh trên một bao thư: người mẫu nghi thiên hạ này, sau anh có gặp lại ở Huế - lần này, người thiệt, chớ chẳng phải là một con tem thư - nhưng thực và mộng vẫn không sai biệt." [12]

    Ðoạn văn được trích dài, để quy chiếu, về một chi tiết trong tiểu sử mà các tài liệu khác không đề cập, và trong chừng mực nào đó giúp ta hiểu thêm về hình ảnh người đàn bà - rất nhiều đàn bà - trong thơ Bùi Giáng.

*

1952 - 1960: về vùng "quốc gia", Bùi Giáng vào Sài Gòn lập nghiệp, dạy Pháp văn và Việt văn cho nhiều trường Tư Thục: Tân Thịnh, Vương Gia Cần...và gửi thơ đăng báo.

Ông cư ngụ tại đường Trương Tấn Bửu, nay là Trần Huy Liệu, gần chợ Trương Minh Giảng, cùng với các em, trong một ngôi nhà giữa vườn cây vú sữa [13] . Võ Phiến, ở gần đó, thường lui tới. Có lần Bùi Giáng chiêu đãi Ðinh Hùng tại nhà, mời ăn Mì Quảng, nhưng tại một căn nhà đường Dixmude, Ðề Thám, theo lời kể của Mặc Thu [14] .

Mì Quảng là món ăn quê hương mà ông tự hào và ưa thích. Có lần tuyên bố: "ta ăn hai ngàn tô mì Quảng nữa ta chết " [15] .

Thời gian dạy học, ông đã soạn 6 cuốn sách giáo khoa, do nhà Tân Việt ấn hành, về Bà Huyện Thanh Quan, Lục vân Tiên, Kiều (1957), Tản Ðà, Chu Mạnh Trinh, Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị (1959) chủ yếu cho học sinh cấp hai.

1960-1975 :
1960: xuất bản Tư Tưởng Hiện Ðại, biên khảo về tư tưởng phương Tây, chủ yếu là chủ nghĩa hiện sinh đang thời thượng. Có thể xem như là sáng tác đầu tay quan trọng.
Dường như từ thời gian này ông mới học tiếng Ðức, bắt đầu đọc Heidegger, do ảnh hưởng nhóm Phật giáo Vạn Hạnh với Thượng tọa Thích Minh Châu, Tuệ Sĩ, và Phạm Công Thiện. Hai cuốn về Heidegger, in 1963, trích nhiều tiếng Ðức.

1962: xuất bản tập thơ Mưa Nguồn, có bài làm từ 1950, thời chăn dê. Có lẽ Mưa Nguồn là tập thơ đều tay và giá trị nhất của Bùi Giáng. Liên tiếp, năm sau, là 4 thi phẩm: Lá Hoa Cồn, Ngàn Thu Rớt Hột, Màu Hoa Trên Ngàn và Sa Mạc Trường Ca.

Dường như sau đó có thời gian ông về ở chùa Phát Hội, một trung tâm nghiên cứu Phật Học, tiền thân của Ðại Học Vạn Hạnh, với Nhất Hạnh, Tuệ Sĩ, Phạm Công Thiện,...

1965: chiến tranh leo thang. Cùng với nhóm trí thức: Nhất Hạnh, Hồ Hữu Tường, Tam Ích,... Bùi Giáng tham gia kêu goị hòa bình. Dường như đây là hoạt động chính trị chính thức duy nhất trong đời Bùi Giáng. Nhưng lá thư gửi René Char của Bùi Giáng chỉ nói đến hòa bình chung chung.

Thời gian này ông chủ tâm dịch sách, xuất bản 13 dịch phẩm, nhiều nhất là Camus. Kịch bản Ngộ Nhận (le Malentendu) xuất bản 1967, đã đăng trên báo Bách Khoa từ 1963, và Bùi Giáng yêu thích Camus từ lâu. Dường như đôi bên có trao đổi thư từ.

1969: xuất bản 10 tác phẩm trong một năm, chủ yếu về thơ.
Ðồng thời xảy ra tai nạn lớn: một hỏa tai thiêu rụi căn gác ông ở và chứa sách, trong ngõ Phan Thanh Giản, bây giờ là Ðiện Biên Phủ. Căn gác này do tu sĩ Thanh Tuệ, chủ nhà xuất bản An Tiêm, thuê cho Bùi Giáng ở, chứa nhiều tư liệu và rất nhiều sách, Pháp, Anh, Ðức, Hán, có ghi chú. Hỏa hoạn xảy ra khoảng 3 giờ chiều, trước đôi mắt bất lực của Bùi Giáng và Thanh Tuệ, thiêu rụi tư liệu, bản thảo, và sách tặng của Camus, dường như có cả sách tặng của Heidegger.

Bùi Giáng, cuồng nhẹ từ trước, nổi cơn điên, được gia đình đưa vào dưỡng trí viện Biên Hòa đầu tháng 5-1969. Theo các bác sĩ của viện: "Người cầm bút cô độc này, bịnh đã chuyển từ cuồng nhẹ sang cuồng nặng" [16] . Không biết bệnh có di truyền hay không, vì thân sinh ông cũng bị cuồng nhẹ, theo lời người địa phương "thân sinh ông Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, thường gọi là Cửu Tỳ, Ông Cửu Tỳ cũng là một ngườ ... điên, hàng ngày thường làm bộ cưỡi ngựa bằng mo cau đi từ làng Trung Phước đến làng Cà Tang đọc thơ, làm câu đối và đặc biệt ông này rất thích chọc ghẹo...các cô gái có nhan sắc!" [17]

Ra khỏi dưỡng trí viện, Bùi Giáng sống lang thang nay đây mai đó. Từ đầu năm 1973, ông dọn về khu nội xá của Ðại Học Vạn Hạnh, đường Trương Minh Giảng, có phòng riêng ở lầu 3. Thời gian này Bùi Giáng thỉnh thoảng có dự những buổi đàm luận chính trị với nhóm trí thức chủ hòa thời đó: Nguyễn Đăng Thục, Tuệ Sĩ, Ngô Trọng Anh,...nhưng vẫn ăn ngủ đó đây và biểu diễn nhiều trò lạ mắt trong y phục thùng thình trên hè phố Sài Gòn. Thân hữu và gia đình vẫn ồ ạt xuất bản sách cho ông. Tạp chí Văn đã ra một số đặc biệt Bùi Giáng tháng 5-1973, và Mai Thảo, phụ trách tờ báo giải thích về sau: "Phải làm cái gì về ông. Ðể ghi nhận lại".

Mai Thảo còn kể tiếp: "chưa biết tìm Bùi Giáng ở đâu, thì thi sĩ bất ngờ ghé thăm tòa soạn. Ông chỉ còn là da bọc xương trong quần áo thùng thình, mái tóc dài đạo sĩ, cái túi vải còn thêm cây gậy (...) Mấy tháng trước biến cố 1975, chỉ thỉnh thoảng nghe thấy ông vẫn lang thang đây đó, một quán này, một bãi hoang kia, ngủ bất cứ ở đâu " [18]

1975-1998: Sau 1975 bệnh cuồng trầm trọng thêm, dù rằng vẫn có lúc ông sáng suốt. Sống nhờ bạn bè và trợ cấp của gia đình từ nước ngoài. Có lúc ở nhờ chùa Già Lam, xóm Gà, Gia Ðịnh.

Từ 1985, về ở với gia đình người cháu gái, đường Lê Quang Ðịnh, Tân Bình, Vợ chồng người cháu giúp Bùi Giáng định cư và định tâm, an dưỡng và sáng tác, đến ngày cuối đời. Hiện gia đình này còn giữ nhiều di cảo.

Từ 1992, tâm trí có phần ổn định, Bùi Giáng làm nhiều thơ trong năm 1993. Sau đó sáng tác cầm chừng, vẫn làm nhiều thơ.

1996 về thăm lại "Cố Quận" Quảng Nam khi đã 71 tuổi.

7-10-1998 (ngày 17 tháng Tám năm Mậu Dần): Bùi Giáng mất tại Sài Gòn vì bị tai biến mạch máu não.

Ðêm 23-9, ông có uống rượu, trượt té và vào hôn mê sâu. Giải phẩu tối 25-9, nhưng ông vẫn hôn mê, cho đến 14 giờ ngày 7-10 thì qua đời.

Tang lễ được tổ chức trọng thể tại chùa Vĩnh Nghiêm. Khoảng 600 người, phần đông là thanh niên, sinh viên đến canh thức, ngâm thơ. Một đám tang nhẹ nhàng, nhắc lời ông thường nói, để đời: "vui thôi mà".

11-10-1998: an táng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Ðức.

Hiện nay Bùi Giáng còn 10 tập thơ và dịch phẩm chưa in.


Viết cho ngày tưởng niệm Bùi Giáng, 7-10-2003, Sơ Thu Quí Mùi


© 2003 talawas



[1]Du khách đi thăm di tích Chàm ở Mỹ Sơn, từ quốc lộ số 1, lấy tỉnh lộ 610 khoảng 15 km sẽ đi qua làng Duy Châu. Ði thêm 30 km sẽ đến làng Trung Phước, nơi Bùi Giáng chăn dê, nay đổi là Quế Phước vì thuộc huyện Quế Sơn, phía mỏ than Nông Sơn. Cả hai làng đều nằm bên sông Thu Bồn, bờ bên này và bên kia.
[2]Năm người theo thứ tự là: Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn, Ngô Truân và Dương Hiển Tiến. Ngoại trừ Phan Quang huyện Quế Sơn, bốn người kia đều thuộc huyện Diên Phước, nay là Ðiện Bàn.
[3]Bùi Tấn, Chớp Biển, Sài Gòn, Anaheim 1996, tr. 35.
[4]Nguyễn Minh Sơn, báo Người Lao Ðộng, số Xuân Quý Mùi 2003, TPHCM.
[5]Bùi Công Luân (em ruột Bùi Giáng), báo Khởi Hành, số 25, tháng 11/1998, tr. 27, California.
[6]Bùi Văn Vịnh, trong Chớp Biển, sdd, tr. 90.
[7]Trường Ðại Học Văn Khoa, Sài Gòn, có từ 1958. Trước đó, có lớp Văn dạy tại Ðại Học Sư Phạm, 1956. Khoa trưởng cả hai trường thời đó là G.s Nguyễn Huy Bảo, mà Bùi Giáng tỏ lòng ngưỡng mộ, như đã tuyên bố ở trang 17, báo Thời Văn, 6-1997, Sài Gòn.
Tại Khu IV, khoảng 1948, chỉ có lớp dự bị Văn Khoa, 7 sinh viên học với g.s. Ðặng Thai Mai, Quần Tín, Thanh Hóa, và g.s. Cao Xuân Huy, Diễn Châu, Nghệ An. Cụ Huy là thầy Bùi Giáng môn Pháp văn, tại trường Thuận Hóa, Huế.
[8]Bùi Công Luân, trong Chớp Biển, sđd, tr. 15, có đăng lại trên báo Khởi Hành, số 16 tháng 2-1998, tr. 20, California.
[9]Cùng một thời điểm với nhà thơ Tạ Ký 1928-1979. Tạ Ký vào học trường Khải Ðịnh 1952, Huế, học đủ ba năm cấp ba, đậu Tú Tài năm 1955.
Tạ Ký cùng quê, và ở cùng xóm, trong làng Trung Phước với Bùi Giáng. Làng này đã trở thành một đề tài thi ca qua câu thơ Tạ Ký:
Trung Phước ơi, sông sâu dài uốn khúc,
Tình cheo leo cao vút một con đèo.
Trong chiến tranh, một chiều mưa bên bờ sông Vĩnh Ðiện, nhà thơ Tường Linh, quê ngoại ở Trung Phước, học trò Pháp văn của Bùi Giáng, nhìn về Trung Phước, có câu thơ cảm động :
Thấy gì đâu, chỉ thấy núi mây mờ
Lòng gọi mãi tên làng xưa Trung Phước!
Nhà văn Võ Phiến, 1986, có lời bình luận: "Làng Trung Phước, ngày còn ở trong nước tôi chưa đến bao giờ, chính dân làng còn khó về làng huống hồ người xa kẻ lạ. Từ khi xa nước, nghe nói tới Trung Phước càng thấy mơ hồ típ tắp. Tôi đinh ninh đó là một làng đáng tưởng nhớ, đáng mê say : dễ gì một ngôi làng nhỏ bé hẻo lánh, mà có được hai thi sĩ dễ thương ngoan lành như vậy ? Hơn nữa, ngoài Tạ Ký và Tường Linh, làng Trung Phước còn liên hệ dến một thi sĩ thứ ba rất quen thuộc là Bùi Giáng, người đã từng sống với đàn dê tại đây một thời gian thời kháng chiến chống Pháp "
(Võ Phiến, Văn Học Miền Nam - Thơ, nxb Văn Nghệ, tr. 3145, 1999, California.)
Khi mộ Tạ Ký được dời về Gò Dưa, Thủ Ðức, Tường Linh có đọc điếu văn.
Ngày nay cùng nghĩa trang với Bùi Giáng.
[10]Bùi Giáng, tạp chí Thời Văn, số 19, tháng 6-1997, tr. 26, TPHCM.
[11]Nguyễn minh Sơn, báo Người Lao Ðộng, sđd.
Chúng tôi chua thêm hai điều :
a. Mười lăm năm là cái "khớp" trong đời Bùi Giáng : mười lăm tuổi, rời thôn ấp về " thành phố " Huế, mười lăm năm sau, đất nước chia đôi, rồi 1969, vào dưỡng trí viện Biên Hòa, v..v...Ông có bài thơ Mười lăm năm:
Mười lăm năm ngọn tử phù
Mù sương cố quận chín tầng tầng rơi
Linh cảm, có thể quan hệ với thân phận Thúy Kiều.
b.Tâm sự u uất: Bùi công Luân xác nhận điều này, khi Bùi Giáng rời gia trang ở Thanh Châu miền trung du
Trung Phước chăn dê: "dường như anh muốn xa lánh trốn tránh, thậm chí đoạn tuyệt với một cái gì đó. Có thể
là một quá khứ với những kỷ niệm không phai. Có thể là một đoạn đời với nhiều bão giông còn âm "
Bùi Giáng có thơ:
Người điên mang một mối buồn
Chưa bao giờ biết cỗi nguồn từ đâu
(Một Lần Nàng Tiên)
[12]Thơ Ðiên, nxb Ki-Gob-Jó-Cì, Thái Bình Ðiên Quấc, năm Chó 70, tr. 81, 1970, Sài Gòn.
Sách do các bác sĩ dưỡng trí viện Nguyễn văn Hoài, Biên Hòa, thực hiện, 140 trang khổ 16x24 cm.
[13]Viên Linh, Khởi Hành số 25 bđd, tr. 23.
[14]Mặc Thu, Khởi Hành, số 25, tr. 25.
[15]Trần Hữu Cư, báo Thời Văn, bđd, tr. 71.
[16]Thơ Ðiên, sđd, tr. 80.
Giám đốc dưỡng trí viện là Tô dương Hiệp, con trai nhà văn Bình Nguyên Lộc. Bác sĩ chuyên trị Bùi Giáng và thân thiết, là Nguyễn Tuấn Anh.
[17]Nguyễn minh Sơn, báo Người Lao Ðộng, sđd.
[18]Mai Thảo, tạp chí Văn, số 26, tháng 8-1984, California, in lại trong Hợp Lưu, số 44, tháng 12-1998, tr. 15-16, California.