trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
28.3.2008
Phan Ngọc Như An
Ðọc tập truyện Chiều mênh mông của Nguyễn Thị Thuỵ Vũ
 
Hơn một nửa người Việt trong nước và hơn một triệu người Việt đang sống ở nước ngoài sinh ra khi cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỉ 20 diễn ra trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về chiến tranh? Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Phan Ngọc Như An, một thanh niên Mĩ gốc Việt, sinh viên Đại học U.C. Berkeley, California.
talawas
Tên truyện:
Chiều mênh mông
Tác giả:
Nguyễn Thị Thụy Vũ
Nhà xuất bản:
Kim Anh
Năm xuất bản:
1977
Số trang:
175


Chiều mênh mông gồm những truyện ngắn: “Trôi sông”, “Đêm tối bao la”, “Tiếng hát”, “Lìa sông”, “Chiều mênh mông” và “Cây độc không trái”.

1. Truyện “Trôi sông” kể về cuộc đời đầy éo le của hai nhân vật lão Tư và Kim Quít. Lão Tư suốt ngày say xỉn. Lão sống một mình trong một căn nhà nhỏ cạnh lạch nước trong làng. Không ai biết từ bao giờ lão về đây sống, ngay cả bản thân lão cũng không nhớ. Lão sống qua ngày bằng cách làm đủ mọi thứ công chuyện trong làng, từ sửa mái nhà đến chọc tiết heo, và công của lão chỉ tính bằng một bữa ăn hay vài xị rượu. Thời trẻ, lão Tư làm phu quét đường, một mình sống cảnh gà trống nuôi con. Đến khi đứa con gái độc nhất của lão về làm vợ quan tri phủ, lão về sống trong vựa lúa nhà quan. Lão Tư gọi đó là những ngày hiển hách nhất của đời lão. Ði đâu lão cũng tự hào mình là cha vợ quan tri phủ. Khi quan từ trần, con gái lão tái giá và theo chồng về Sài Gòn. Lão Tư bỏ vựa lúa của quan về làng này. Hàng xóm của lão Tư là Kim Quít. Bà từng là một cô đào nổi tiếng với một quá khứ oanh liệt, với nhan sắc nhiều người mê mệt. Khi danh vọng tuột dốc, nàng về làm vợ bé cho thầy cai tổng. Đến khi chồng chết, cuộc đời Kim Quít hoàn toàn thay đổi. Nàng phải ra đời làm ăn, nhan sắc tàn phai và bây giờ tuổi già lại nghiện rượu. Thời điểm chính xảy ra câu chuyện là ngày làng ăn lễ Kỳ Yên. Đêm đó có gánh hát tuồng về, cả lão Tư và Kim Quít đều say rượu. Khi lão Tư về gần đến nhà, lão vô tình nhìn thấy Kim Quít đang ngồi hát trước cửa nhà mình, nửa tỉnh nửa mê. Bị ảnh hưởng của rượu, và cũng vốn là một người say mê Kim Quít thời trẻ, lão Tư đã hãm hiếp bà. Câu chuyện kết thúc với buổi sáng hôm sau, khi Kim Quít tỉnh dậy, biết mình bị hãm hiếp đã khóc lóc như điên dại và lão Tư thì đã chết cong queo từ khi nào.

2. “Đêm tối bao la” là câu chuyện kể về hai cuộc đời tuy khác nhau nhưng cũng rất giống nhau của Linh và bà Điếc. Linh là một cô gái có tâm hồn lãng mạn, nhiều suy nghĩ và một đầu óc cay chua, nhạy bén. Ba má đi làm ăn xa, em gái đi lấy chồng xa, nàng sống một mình coi sóc căn nhà tổ to lớn, âm u, lạnh lẽo với bà Điếc. Nàng không đẹp: thân hình mập mạp, lùn, đường nét lại không kiều diễm với cái miệng rộng, đôi mắt ốc bươu... Vì thiếu một nhan sắc có thể níu giữ đàn ông, Linh lỡ làng với nhiều cuộc tình phất phơ. Thời điểm câu chuyện được kể lại, nàng đang có một tình nhân là Duy, một gã trai mà nàng không yêu thắm thiết. Bà Điếc sống với nàng là một người đàn bà lớn tuổi bị điên. Bà Điếc đã ở nhà Linh từ những đầu tiên. Bà là cô dâu phụ theo bà nội Linh về nhà chồng. Bà Điếc chết chồng chết con từ những ngày còn trẻ. Sau đó bà có nhiều nhân tình, và một trong những người tình ấy đã cho bà căn bệnh khiến bà nửa tỉnh nửa mê. Cả câu chuyện là một sự đan xen giữa những lời tâm sự, suy nghĩ của Linh về thân phận, tình yêu của chính bản thân nàng, với lời kể của nàng về cuộc đời bà Điếc và những kỷ niệm giữa nàng và bà. Cuối truyện, bà Điếc bị chai gan phải vào nhà thương. Sau một tháng tận tình chăm sóc của Linh, bà Điếc qua đời. Cùng với cái chết của bà Điếc, Linh phát hiện mình có thai với Duy nhưng Duy lại trốn tránh trách nhiệm rời bỏ nàng. Linh phá thai. Nàng sụt cân, thân thể gầy mòn, tinh thần ám ảnh bởi hình ảnh đứa con mà nàng đã chối bỏ, và lại bị cha mẹ ruồng bỏ. Trong những ngày tuyệt vọng đó, nàng vẫn không ngừng mơ ước đổi đời. Nàng muốn biến thành con người khác, đi đến một nơi khác để làm lại cuộc đời. Và quan trọng hơn, nàng vẫn cho Duy một cơ hội nữa, bởi vỉ theo nàng, hai người đã có một sự dây oan nghiệt ràng buộc từ kiếp nào.

3. Truyện “Tiếng hát” kể về Nguyệt - một cô gái xinh đẹp nhưng có một quá khứ ấu thơ không trọn vẹn. Má nàng là tình nhân của cha nàng và đã bị ông ruồng bỏ. Nguyệt sống với má từ nhỏ cho đến tuổi đi học thì nàng lên sống với gia đình ông bác họ. Khi má nàng tái giá, Nguyệt sống một mình trong một căn phòng trọ nhỏ. Sự thiếu vắng tình thương của của cha lẫn mẹ, sự phụ bạc của người tình đầu tiên, cộng với những ám ảnh dục tình nóng bỏng biến nàng thành một con người lạnh lùng, sống không cần tương lai. Nguyệt chỉ yêu những anh chàng vai u thịt bắp, nàng không cần những người đàn ông có tâm hồn. Cuộc sống đối với Nguyệt chỉ đơn giản là mối bận tâm hằng ngày chăm chút cho mình đẹp hơn những cô bạn chung sở và thoả mãn dục tình. Trong một lần theo Linh - cô em con ông anh chú bác - đi dự tiệc ở nhà một nhà thơ, Nguyệt vô tình gặp lại Hà - một nhạc sĩ lãng tử khá nổi tiếng. Đêm đó, khi nghe Hà hát và nhìn dáng điệu siêu thoát của anh lúc biểu diễn, Nguyệt cảm thấy mình bị thu thút bởi Hà, mặc dù anh không hề đủ tiêu chuẩn cho mẫu người đàn ông mà trước nay nàng thích. Sau bữa tiệc, Tùng - một thi sĩ trong đám bạn Linh - rủ Linh, Nguyệt và Hà cùng ngao du đường phố Sài Gòn ban đêm. Đêm khuya huyền diệu, nỗi cô đơn muôn thuở của con người vào lúc đêm khuya vắng và tiếng hát cuốn hút của Hà ban nãy khiến Nguyệt cảm thấy như nàng đã yêu Hà, yêu cái siêu thoát khác biệt ở anh. Chuyến ngao du kết thúc vào tinh mơ sáng hôm sau, khi Tùng đưa Linh về nhà và Nguyệt thì mời Hà lên căn gác trọ của mình. Cơn mệt mỏi đưa nàng vào giấc ngủ nặng nhọc với giấc mơ kỳ lạ giữa nàng và Hà. Khi tỉnh dậy, hàm răng đầy nhựa thuốc và tiếng ngáy của Hà đưa Nguyệt trở về thực tại. Nàng chợt nhận thấy tình cảm của nàng dành cho Hà chỉ là một cơn mơ: lời ca dưới ánh trăng non đã biến Hà thành ông hoàng trong lòng nàng. Nhưng giờ đây, thân thể xanh xao trơ xương kia của Hà - kết quả của một lối sống truỵ lạc mà nàng cũng đang sống - chỉ cho Nguyệt một nỗi trống rỗng trong tâm hồn thiếu tình thương của nàng.

4. Truyện “Lìa sông” là lời tâm sự đầy thú vị của một tân nương dành cho chồng của mình. Nàng kể lại cuộc sống của mình trước khi lấy chồng, duyên cớ đã đưa nàng về làm vợ chàng, cũng như những suy nghĩ của nàng về thân phận, trách nhiệm của một người phụ nữ, một người vợ. Nàng là một cô giáo dạy học ở một trường làng cách tỉnh đến hơn hai mươi cây số. Trường nhỏ xíu chỉ có ba lớp học do hai ông giáo già và nàng đảm nhiệm. Lớp học ở miền quê, lại ít khi có thanh tra đến kiểm tra, nên tác phong sư phạm hầu như không có mặt. Nàng và lũ học trò thân nhau như gia đình: cô giáo vừa dạy học vừa ăn sáng, còn lũ học trò thì bắt chí bắt rận cho cô. Nàng không đẹp: nàng ốm trơ xương, môi trớt còn tóc thì xù như ổ chim sẻ. Thế nhưng, nàng là một cô gái đảm đương, khéo việc bếp núc: nàng đã từng đoạt giải nhì trong cuộc thi làm bánh bông lan. Nàng lại là một cô gái tiết hạnh: nàng luôn giữ gìn trinh tiết của mình, một lòng chờ đợi đấng lang quân tương lai. Đối với nàng, người phụ nữ dù có lên đến bậc xử nữ mà không có tình yêu, suốt đời cô đơn thì nàng cũng chẳng ham. Chồng đối với nàng là bờ vai cho nàng nương tựa, là người sẽ đem đến cho cuộc đời của một người con gái một ý nghĩa thật sự. Nàng nguyện sẽ chung tình mãi mãi với chồng. Nàng sẵn lòng làm kẻ nằm dưới, làm người đứng sau và làm con chim nhốt trong lồng. Năm đó, nàng lại tham dự cuộc thi bánh mứt nhân dịp lễ Hai bà Trưng và đoạt được giải nhất môn bánh này. Một tuần sau ngày nàng đi nhận mảnh bằng vô địch, có một bà lão kỳ lạ đến nhà nàng mượn cớ hỏi thăm chỗ bán lá lợp nhà đề bắt chuyện với nàng. Bà ta hỏi han nàng từ chuyện làm bánh đến phương pháp dạy trẻ con. Tuy lấy làm lạ, nhưng nàng vẫn khéo léo trả lời. Cũng trong ngày hôm đó, khi nàng đạp xe đến thăm nhà cô bạn thân, lại có một ông lão đi theo nàng và cười với nàng. Sau đó một tuần, nàng nhận được lịnh của má nàng dọn dẹp nhà cửa đón khách quí. Và hai người khách đó không ai khác chính là hai ông bà lão kỳ lạ mà nàng gặp tuần trước - ba má của chồng nàng bây giờ.

5. “Chiều mênh mông”: Nhân là một người đàn ông ở tuổi trung niên. Chàng có bệnh suyễn từ nhỏ, sinh lực và thể chất yếu đuối, dáng vẻ bình thường và tính tình nhút nhát. Tuy đã có vợ và tám đứa con, nhưng Nhân lúc nào cũng thèm khát những giây phút hẹn hò hồi hộp của thời trai trẻ ngắn ngủi của mình. Mặc cho vợ nghi kỵ, Nhân vẫn hay lén lút tìm của chua của ngọt. Chàng muốn tìm một kích thích tố trong nếp sống buồn chán với vợ hơn hai mươi năm qua. Phương là một cô gái có nhiều người đàn ông đeo đuổi. Phương bốc đồng, tâm hồn dễ nổi loạn, dễ đau khổ nhưng cũng dễ nguôi ngoai. Từ khi người yêu nàng là Thành tử trận, Phương lao vào những cuộc tình chớp nhoáng. Nàng sẵn sàng dan díu với bất kỳ ai miễn người ấy có được một trong những điều kiện đơn giản của nàng. Nhân là một trong những kẻ đeo đuổi Phương. Đối với Nhân, Phương, với lối sống trẻ trung sôi nổi của nàng, là chất kích thích mà chàng đang tìm kiếm. Chàng sẵn lòng đưa Phương đi uống cà phê, xem phim; theo nàng đi chơi ở nhà những người bạn của nàng; đôi lúc chàng còn theo nàng đi thăm mộ Thành, hay thậm chí những đêm lang thang với nàng ở bến tàu chỉ để nghe nàng kể chuyện những người đàn ông khác. Sáng ba mươi Tết hôm đó, Nhân cảm thấy mệt mỏi và chán nản dù không khí Tết đang đến gần. Nhân lấy cớ đi thăm một người bạn để đi tìm gặp Phương. Chàng ghé vào chợ mua cho Phương lọ nước hoa mà nàng ưa thích và vội vã đến nhà nàng. Thế nhưng, Phương đã đi vắng đến sau Tết mới trở về. Nhân quay về nhà, trong lòng lẫn lộn nhiều suy nghĩ: chàng nghĩ đến nếp sống tẻ nhạt và hình ảnh người vợ hai mươi năm qua đang chờ đợi ở nhà, rồi nghĩ đến việc sau Tết chàng sẽ được gặp Phương. Bỗng dưng, Nhân cảm thấy mệt mỏi, chàng tự hỏi cuộc ngao du của chàng và Phương rồi sẽ đi đến đâu. Cuối truyện, Nhân quyết định đem lọ nước hoa về tặng cho vợ. Con đường chàng về xa lắc và Nhân thì “chới với trong buổi chiều mênh mông.”

6. Truyện “Cây độc không trái” kể về một cô gái làm nghề bán quán bar và ngủ với khách. Cuộc sống của nàng chỉ quanh quẩn với việc giữ gìn nhan sắc, quán rượu mờ ảo, khói thuốc và thân xác những người đàn ông xa lạ. Nàng đã có thai ba lần. Lần đầu tiên, nàng sinh đứa nhỏ ra nhưng nó đã chết khi mới sáu tháng tuổi vì bệnh. Hai lầu sau thì nàng phá thai. Những ngày Tết đang đến gần và nàng lại phát hiện mình có thai lần nữa. Thành - cô bạn cùng nghề - giới thiệu nàng một ông y tá chuyên môn phá thai không đau chỉ trong vòng nửa tiếng và sau hai ngày nàng sẽ trở lại bình thường. Chỗ phá thai nằm trong một con hẻm nhỏ, dùng phương pháp dơ bẩn không an toàn nhưng lại rất đông người.

Sau khi phá thai, nàng rất hân hoan và dự tính nhiều đến cuộc vui ngày Tết. Lần phá thai vừa rồi, nàng đã cố gắng quên đi cho đến một hôm khi Thành rủ nàng vào bệnh viện thăm Ánh - một cô bạn cùng nghề. Ánh phá thai quá nhiều lần nên tử cung bị lở lói và bây giờ phải cắt bỏ tử cung. Tin tức này khiến nàng thảng thốt. Nàng chợt nhớ Ánh; Ánh đã gần bốn mươi tuổi, và như vậy cô sẽ không có mụn con nào về già. Nàng lại nhớ đến Thành như vậy mà có bốn đứa con khác cha. Bỗng nhiên nàng khao khát một đứa con nít trong nhà và ao ước cuộc đời làm mẹ. Nhưng rồi ý nghĩ về cuộc sống phóng đãng hiện tại của mình khiến nàng do dự. Cuối truyện, nàng quyết định sẽ giữ một đứa con nít để coi thử nàng có thật sự thích làm mẹ hay không.

Trong tập truyện ngắn Chiều mênh mông, tôi thích nhất truyện “Đêm tối bao la” của Nguyễn Thị Thuỵ Vũ. Nhân vật chính của truyện - Linh - để lại cho tôi nhiều cảm xúc. Linh khác hẳn với các nhân vật nữ mà tôi thường gặp trong văn chương Việt Nam. Không xinh đẹp, trong trắng, ngây thơ hay hiền dịu, Linh là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Thân thể cô “giàu sang thịt mỡ, co kéo suông đuột như cây cột nhà” và đôi mắt thì được miêu tả như “mắt ốc bưu.” Linh không còn ở tuổi trăng rằm; cô đã lỡ thì với nhiều mối tình dang dở. Bù lại, Linh có một tâm hồn lãng mạn đầy tình cảm và một bộ óc nhạy bén với nhiều suy nghĩ trăn trở về đời sống. Cô khinh bỉ những “con đàn bà trống trải, ngu muội.” Cô chán ngán người tình nhạt nhẽo và muốn thoát khỏi cuộc sống tầm thường bó buộc của cuộc đời cô. Cô sống bất chấp dư luận và mong muốn tìm kiếm một tấm chồng, nhưng cuối cùng cô vẫn cô đơn. Khi bị Duy chối bỏ đứa con trong bụng và gia đình hắt hủi vì sự lỡ lầm của mình, Linh vẫn có đủ bản lĩnh để đứng lên làm lại cuộc đời. Một bản lĩnh như thế không thường được thấy trong các cô gái Việt Nam nhu mì, yếu đuối trong dòng văn học trước. Linh chính là đại diện cho những nhân vật nữ sôi nổi mà Nguyễn Thị Thuỵ Vũ và những nhà văn nữ khác cùng thời với bà đã tạo dựng nên để chất vấn cái nhìn khắt khe, lý tưởng hoá và những gì mà truyền thống văn hoá đã áp đặt lên họ.

Bên cạnh việc đại diện cho thế hệ những nhân vật nữ mới, Linh còn giúp tôi biết thêm về tình cảm, suy nghĩ của người dân miền Nam trong giai đoạn chiến tranh thời đó. Không khí chiến tranh không hề xuất hiện trong “Đêm tối bao la.” Không có những trận đánh kinh hoàng nào được miêu tả, không có người chết vì súng đạn, và cũng vắng tiếng đại bác ầm ì từ xa vang về như trong Đêm nghe tiếng đại bác của Nhã Ca. Chiến tranh không hề hiện diện nơi tỉnh nhỏ mà Linh sống. Chiến tranh chỉ thấp thoáng qua chi tiết Duy - người tình của Linh - sắp đi quân dịch. Tuy vậy, chiến tranh phản hiện rất rõ qua lối sống và cách suy nghĩ của Linh.

Linh nhìn đời cay cú, chán chường và thất vọng. Mọi thứ đối với cô đều mang màu sắc u ám và chết chóc: “mặt trời đang dãy chết bên kia sông” (trang 34) hay “mưa đêm ồ ạt, cơ hồ như muốn trút xuống trần gian để lôi cả nhà cửa trôi theo giòng nước” (trang 61). Cuộc đời đối với cô chỉ là “nếp sinh hoạt lạnh lẽo gồm nỗi cô đơn này xỏ khoen vào nỗi cô đơn khác như sợi dây lòi tói” (trang 36), là “ảo tưởng lạnh lẽo” và những “cái ám ảnh vu vơ, nặng nề đè tôi muốn nghẹt thở từ bao lâu rồi” (trang 35). Ngay cả tình yêu - một thứ ma lực mà muôn đời nay vẫn làm nhiều cô gái mơ mộng đắm say - cũng không thể làm cho Linh phấn khởi, yêu đời hơn. Người tình hiện tại, Duy, chỉ có thể đem đến cho cô “một không khí ấm áp ít ỏi không thể làm tôi yêu đời hơn một phân hay một ly nào” (trang 35) và chỉ là một ai đó để cô bám vào, “để lấp những ngày trống rỗng” (trang 44). Ngay cả những lần hẹn hò đôi lứa vốn đầy cảm xúc cũng chỉ khiến cô “cảm thấy sắp chết ngộp, cần phải dãy dụa để thoát.” Không chỉ mất lòng tin nơi tình yêu, cô còn đánh mất lòng tin nơi tín ngưỡng: “đôi mắt Phật Quan Âm lạnh lùng hướng về tôi” (trang 36).

Tại sao Linh lại có thái độ như vậy? Phải chăng cô chỉ là một cá biệt mà Nguyễn Thị Thuỵ Vũ tô vẽ nên? Không, Linh chính là đại diện cho những người mà Đinh Từ Bích Thuý gọi là "mắc chứng bệnh hiện sinh thời cuộc" trong bài tiểu luận "Nhã Ca trong văn học Miền Nam 1954-1975: Một huy hoàng trên cỏ mướt". [1] Họ là những người hoàn toàn vô cảm trước những điều thiêng liêng nhất của cuộc đời. Họ tiến tới tình yêu nhưng không có cái vẻ e dè, trịnh trọng nữa. Họ khinh mạn và coi đời nhẹ tênh. Lý do nào đã gây ra "căn bệnh hiện sinh thời cuộc" đó? Phải chăng đạo đức của xã hội đã suy đồi?

Không, không phải. Cơn bệnh đó thật ra chỉ lả bề trái của nỗi bế tắc trong số mệnh, trong đời sống. Họ đã trót sinh ra vào thời mà tình yêu và lòng tin đã trở thành những điều xa lạ, những món xa xỉ phẩm. Cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam cực kỳ ác liệt, tàn nhẫn; sự có mặt của hàng triệu quân nhân Mỹ tại Miền Nam, cuộc tiếp xúc đầu tiên của người Việt với nếp sống Mỹ là một kinh nghiệm hoàn toàn mới mẻ đối với dân tộc. Một tình hình như thế nhất định phải đưa đến những thay đổi sâu xa trong tâm hồn người dân. Thêm nữa, tập Chiều mênh mông được xuất bản lần đầu tiên năm 1968, mà giai đoạn 1963-75 lại tương ứng với một tình hình chính trị hỗn loạn, xã hội sa đoạ, kinh tế suy sụp, an ninh bất ổn nên cái thất vọng, chán nản, hoang mang trong lòng người dân là điều dễ hiểu, như Võ Phiến đã gọi những thế hệ sinh trưởng trong giai đoạn này “một thế hệ mất niềm tin.” [2]

Không chỉ phản ánh những ảnh hưởng sâu sắc của chiến tranh đến tâm trạng, cuộc sống con người, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ còn đi xa hơn với việc đưa ra một lời dự đoán ngầm cho tương lai của cuộc chiến qua tương lai mờ mịt của Linh. Bà Điếc đã sống một cuộc đời u tối như Linh nhưng cuối cùng bà đã qua đời; tuy trong điên loạn, cái chết đã mang lại cho bà những giây phút vui vẻ ảo tưởng, và giải thoát bà khỏi cuộc sống này. Nhưng Linh, Linh vẫn còn ở lại và cuộc đời cô trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tuy quyết tâm làm lại cuộc đời, nhưng liệu với quyết định chờ đợi Duy, cô có thể thật sự thoát khỏi bóng tối đã luôn bao trùm đời cô không? Hay cô chỉ càng lấn sâu thêm vào bóng đêm không lối ra? Có chắc gì Duy sẽ trở lại với cô? Dù Duy có trở lại, với một kẻ tính tình như Duy, chắc gì cô sẽ có hạnh phúc thật sự? Hay đơn giản, chắc gì Duy sẽ thoát khỏi cái trát đi quân dịch và chắc gì chàng sẽ sống sót trở về? Tương lai của Linh không có gì sáng sủa, xung quanh cô chỉ là “đêm tối bao la” - như số phận những người dân sống cùng thời với cô và như số phận của cuộc chiến.

© 2008 talawas


[1]http://damau.org/index.php?option=com_content&task=view&id=1883&Itemid=10171
[2]http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=3094