© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
21.3.2007
Thuận Thiên
Vài ghi nhận về Festival Mỹ thuật Trẻ 2007
 
1. Đã chính danh chưa?

- Không ít người thắc mắc: tại sao lại gọi sự kiện mỹ thuật này là "festival"? Cho đến nay, ở Việt Nam chỉ có các "triển lãm mỹ thuật" (của từng địa phương hay toàn quốc, của các "cụ", của các tác giả nữ, của trẻ, của quân đội…), thế giới thì có thêm các "biennale" (triển lãm hai năm một lần) như Venice, Kuangju… Từ "festival" thường gắn liền với hội hè, giải trí, trong nghệ thuật thì chỉ thấy dùng phổ biến cho các bộ môn có tính trình diễn, nghe - nhìn (nhất là điện ảnh) và mang tính định kỳ (thường là thường niên). Sau khi sự kiện khai mạc khá rôm rả tại khuôn viên trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội tối 15/3/2007, người ta có thể "đoán" ý ngầm của nhà tổ chức thế này chăng: vì trong sự kiện này có một số (tuy không nhiều) tác phẩm video art và performance art (nghệ thuật trình diễn), là điều mà các "triển lãm mỹ thuật chính thống" (do các hội nhà nước tổ chức) xưa nay không thừa nhận? Không biết đúng sai, nhưng dù sao, như lời một hoạ sĩ tham dự phát biểu trong cuộc toạ đàm ngày hôm sau: "Đúng là festival thật, vì rất vui!"

Hậu trường (installation + tranh) của Nguyễn Sơn

Quả là ít có sự kiện mỹ thuật nào đông vui như thế sau Quo bo, triển lãm mỹ thuật sắp đặt của 10 hoạ sĩ Đức tại khu triển lãm Vân Hồ dăm năm trước. Dù người đến xem chắc chắn đại đa số cũng chỉ là đồng nghiệp và người thân, bạn bè của 54 tác giả có tác phẩm trưng bày, cùng với cánh nhà báo vốn là lực lượng ủng hộ mạnh nhất cho các khuynh hướng mỹ thuật mới ở Việt Nam.

- Tại sao gọi là "Mỹ thuật Trẻ" mà một số tên tuổi về điêu khắc, tranh giá vẽ khá nổi ở trong độ tuổi mà nhà tổ chức qui ước là "trẻ" (dưới 35 tuổi) không hiện diện, trong khi đó lại có vài khuôn mặt "ngoại tứ tuần"?

Lại phải hiểu "ý ngầm" của nhà tổ chức qua lời chú bên dưới cái tên Festival Mỹ thuật Trẻ: "Với các hình thức nghệ thuật [1] đương đại tranh, tượng installation, performance, video art". Và qua lời giải thích của hoạ sĩ Đào Minh Tri, trưởng ban tổ chức: "Có giới thiệu một số anh em không còn trẻ nhưng đã bắt đầu làm nghệ thuật đương đại từ khi… rất trẻ (!)"

Vậy, từ "Mỹ thuật Trẻ" ở đây phải hiểu là "Mỹ thuật theo khuynh hướng đương đại" (Contemporary Art). Điều này thể hiện rất rõ trong sự áp đảo về số lượng của thể loại installation, còn một số ít tranh giá vẽ thì cũng "có sự biến đổi lớn về không gian đặt để, về tương hỗ giữa các chất liệu, về sự hướng dẫn trường nhìn của người xem, tức là có màu sắc đương đại" (nhận xét của hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn).

- Tại sao một sự kiện mỹ thuật huy động lực lượng cả ba miền (TPHCM, Huế, Hà Nội) lại không do một tổ chức cấp quốc gia mà do một Hội Mỹ thuật địa phương (TPHCM) đứng ra tổ chức (kèm theo ghi chú: với sự hỗ trợ của Bộ Văn hoá Thông tin, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam)? Đây là điều chưa có tiền lệ trong các hoạt động văn hoá xã hội ở một nước trọng tôn ti trật tự như nước ta, nhưng những ai am hiểu tình hình mỹ thuật Việt Nam dễ dàng "đoán" được lý do: Sau hơn mười năm phấn đấu tận lực của các nghệ sĩ thị giác (tôi muốn dùng từ này thay cho "hoạ sĩ" để thích hợp với các thể loại mỹ thuật mới mà họ làm) theo khuynh hướng đương đại, vượt qua nhiều thử thách - chủ yếu là sự nghi ngại của những người có trách nhiệm quản lý văn hoá, các thể loại mỹ thuật mới đã thành xu hướng lôi cuốn khá đông anh em trẻ trong giới mỹ thuật và được công chúng mỹ thuật tiếp nhận. Trong quá trình ấy, Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh là tổ chức chính thống duy nhất luôn luôn ủng hộ, khuyến khích xu hướng này. Đến hôm nay, Bộ Văn hoá, Hội Mỹ thuật Việt Nam không còn thể "làm ngơ", song họ vẫn "thận trọng", chưa ra mặt chịu trách nhiệm (ngại phản ứng của các thế lực bảo thủ?), mà chỉ đóng vai trò "hỗ trợ" về tinh thần và cấp những khoản tài trợ khiêm tốn (Bộ Văn hoá cho tiền thuê địa điểm và in vựng tập, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật cho 40 triệu đồng.)


2. Mỹ thuật bước sang giai đoạn mới?

Bầu sữa (installation) của Ly Hoàng Ly Tạp dề (ảnh chụp + installation ghép các miếng thịt sống) của Phan Thị Thảo Nguyên

Không khí tưng bừng đêm khai mạc "Festival" cũng như những phát biểu của các nhà tổ chức, của các nghệ sĩ tham dự, của các nhân vật trong giới mỹ thuật ghi nhận được trong buổi họp báo cũng như buổi hội thảo sau đó đều cho thấy nỗi vui mừng của "phe đương đại" trước sự kiện này.

Trước nhất, đó là lần đầu tiên mỹ thuật theo khuynh hướng đương đại có một "hoạt động được chính thức hoá" (lời hoạ sĩ Trần Lương, giám tuyển chính của sự kiện), "lần đầu tiên chính thức được Bộ Văn hoá Thông tin ủng hộ" (lời hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, Vụ phó Vụ Văn nghệ Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Đảng)… (Ôi, cái ám ảnh chính thức, cũng có nghĩa là chính thống, mới sâu nặng làm sao trong giới sáng tạo văn nghệ, những phần tử được coi là tự do nhất của xã hội!) Hoạ sĩ-nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cho là "mỹ thuật theo khuynh hướng đương đại đã trở thành nhu cầu xã hội, không thể không có".

Tuy nhiên, trước sự hào hứng quá mức của một số người mong muốn những "festival" như thế này sẽ trở thành sự kiện định kỳ do các tổ chức nhà nước đăng cai, Nguyễn Quân lại cảnh báo: "Việc hành chính hoá sẽ không có gì hay trong khi xã hội hoá, tư nhân hoá hoạt động văn hoá nghệ thuật đang là xu hướng tiến bộ". (Người viết bài này liên tưởng đến một sự kiện mỹ thuật đương đại lớn - Sài Gòn, thành phố mở - bị dở dang một phần do người chủ trì là tư nhân nên không được sự ủng hộ cần thiết của các cơ quan hữu trách.)

Thứ hai: chất lượng tổng thể của các tác phẩm tham dự khiến người ta có thể khẳng định mỹ thuật đương đại đã qua thời kỳ "thể nghiệm" để có chỗ đứng đàng hoàng trong đời sống văn hoá. Trần Lương cho rằng "có những tác phẩm của tác giả rất trẻ có thể đứng trong một triển lãm quốc tế". Nguyễn Quân nhận xét: "Các hoạ sĩ tham dự triển lãm đã nắm vững ngôn ngữ đương đại, thuyết phục được người xem". Ông còn đi đến mức khẳng định: "Festival báo hiệu mỹ thuật Việt Nam bước sang giai đoạn mới, giai đoạn thứ tư trong tiến trình mỹ thuật Việt Nam hiện đại… Thế kỷ XX đã khép lại với các khuynh hướng Mỹ thuật Đông Dương, hiện thực xã hội chủ nghĩa, đổi mới. Thế kỷ XXI bắt đầu với một thế hệ khác, khuynh hướng thẩm mỹ khác, mô hình hoạt động khác".


3. Kiểm duyệt và "pa-đờ-suy"

Theo quan sát của cá nhân tôi, chưa lần nào vấn đề kiểm duyệt được đem ra bàn luận công khai và chịu phản ứng mạnh mẽ của giới mỹ thuật như trong sự kiện "Festival Mỹ thuật Trẻ 2007".

“Những cành mỏi mệt” (hai trong ba bản khắc gỗ, bản bên phải bị kiểm duyệt bỏ) của Lý Trần Quỳnh Giang

Tác phẩm bị Hội đồng duyệt bác bỏ gây phản ứng nhiều nhất là bức ván khắc gỗ diễn tả hai người đàn bà trong tư thế như đang làm tình của nữ tác giả Lý Trần Quỳnh Giang. Bức này nằm trong chùm 3 bức mang tựa đề "Những cành mỏi mệt" được nhiều chuyên gia đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật. Nữ hoạ sĩ trẻ Kim Hoàn thắc mắc: "Vì sao chuyện đồng tính luyến ái có thể lên phim ảnh, có thể vào tiểu thuyết, thậm chí mang tính áp đặt người xem, mà mỹ thuật chỉ đưa lên một hình ảnh để người xem tự suy nghĩ lại bị cấm?". Ông Vi Kiến Thành, Vụ phó Vụ Mỹ thuật-Nhiếp ảnh Bộ Văn hoá trả lời: "Gọi là kiểm duyệt thì hơi nặng nề, trong quy định của ta có hội đồng xét duyệt triển lãm, cái gì chưa phù hợp thời điểm, chưa phù hợp thuần phong mỹ tục thì chưa nên đưa ra. Cá nhân tôi có thể chấp nhận nhưng có nhiều đồng chí (trong hội đồng duyệt) thấy không nên, tôi phải chấp hành ý kiến tập thể".

Các hoạ sĩ phản ứng gay gắt không kém về việc Ban kiểm duyệt ra lệnh thu hồi những bản "statement" đi kèm tác phẩm, vì ai cũng biết mỹ thuật đương đại mang tính "ý niệm" (conceptual) cao, ý tưởng do tác giả viết ra cũng là bộ phận của tác phẩm. Ông Vi Kiến Thành giải thích việc này như sau: "Khi xem hồ sơ các ý tưởng, thấy phần nhiều viết vênh giữa ý tưởng và tác phẩm, và điều nói ra lại không có lợi cho tác giả, trong tình hình hiện nay có những vấn đề chưa thống nhất được". Ông còn "tâm sự": "Tôi có người cháu gái làm thơ là Vi Thuỳ Linh, tiếng khen thì ít, tiếng chê thì nhiều. Tôi thường khuyên cháu: Đừng trách người ta vội, phải làm người ta hiểu cái đã, phải có bản lĩnh làm việc và dần dần để cái mới được hiểu". Thiện chí của nhà chức trách với các hoạ sĩ trẻ coi họ cũng như con cháu mình kể ra "cũng tốt" nhưng đó thật sự là biểu hiện hùng hồn nhất cho lối quản lý cảm tính tuỳ tiện không dựa trên một căn bản pháp lý nào!

“Ngoài kia là ánh mặt trời” (installation) của Lê Huy Cữu, tác phẩm bị kiểm duyệt bỏ

Cột chiến thắng” (installation) của Đinh Gia Lê (bản chữ bên dưới: "Vô cùng thương tiếc" bị kiểm duyệt bỏ)

(Còn hai tác phẩm khác bị Hội đồng duyệt bỏ: “Ngoài kia là ánh mặt trời” (installation của Lê Huy Cửu) dựng bốn bức tường (giả) có khoá xích (thật), bên trong là những đám người bằng đất nung nằm ngả ngốn quanh một cây đèn dầu cỡ lớn, hoặc đứng xếp hàng trước những tấm cửa khoá. “Sống chật” của Phạm Ngọc Viễn Thành là một performance trong một installation: Một buồng kính nhỏ hẹp chỉ đặt vừa cái bồn cầu, bên trên bồn cầu là chậu cây, phía trên đầu là lồng chim có con chim thật. Tác giả trình diễn trong đó: ăn bánh mì, đọc báo, vẽ… Hội đồng duyệt cho để phần installation nhưng không cho performance.)

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Như Hương bình luận: "Một số vị trong ban kiểm duyệt đầu óc có vấn đề. Báo chí nói nhiều chuyện mạnh hơn nhiều có sao đâu, mà nghệ thuật nói thì lại không được? Văn hoá kiểm duyệt phải được xem xét lại". Nhân đó, bà Hương nhắc đến vụ công an tháo bỏ tác phẩm "Bỉm" của Trương Tân trước đó: "Bỉm của Trương Tân rất bình thường mà họ lại sợ hãi, đi thu". Bà còn kết luận: "Nghệ thuật nước ta rất thiếu dân chủ, không cởi mở tự do như người ta nói trên diễn đàn". Không gay gắt như thế, nhưng số đông hoạ sĩ đều đòi hỏi cung cách kiểm duyệt phải đổi mới. Ông Đào Minh Tri nói: "Mới thế nào để mỹ thuật phát triển được, nghệ sĩ thoải mái… Con đường tất yếu là phải có luật chung, thể chế hoá, để nghệ sĩ hiểu và tự chịu trách nhiệm, mới tránh được tình trạng duỵệt theo cảm giác cá nhân, pa-đờ-suy [2] ". Nguyễn Quân hài hước: "Xin phép không được thì buồn, xin được thì mừng, nhưng đúng ra là không phải xin, khi đã có luật, thì không còn xin-cho."

Nhưng chẳng lẽ vai trò của nhà nước đối với nghệ thuật lại cứ quanh quẩn ở chuyện kiểm duyệt, cấm đoán? Lẽ ra, nhà nước phải nhanh nhạy đón bắt được cái gì là cái "tiên tiến", là cái cần khuyến khích phát triển để chủ động đầu tư, khuyến khích chứ? Những người am hiểu đều tin rằng mỹ thuật theo khuynh hướng đương đại là một tiềm năng không nhỏ của Việt Nam, có thể dẽ dàng hội nhập với thế giới; Việt Nam có khả năng trở thành một trung tâm mỹ thuật đương đại của khu vực rất sớm trước khi mơ có vị trí như thế trong kinh tế. Trước thực tế đó, hãy suy nghĩ về những con số tài trợ của nhà nước Việt Nam so với tài trợ của các tổ chức nước ngoài cho Festival Mỹ thuật Trẻ: Bộ Văn hoá Thông tin: 40 triệu đồng, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật: 40 triệu đồng. Quĩ Thuỵ Điển-Việt Nam Phát triển Văn hoá (SIDA): 210 triệu đồng, Quĩ Phát triển và Trao đổi Văn hoá Đan Mạch-Việt Nam: 120 triệu đồng.

© 2007 talawas



[1]Tôi muốn hiểu là "mỹ thuật"; lâu nay từ "art" thường được dịch lẫn lộn, khi thì "nghệ thuật" khi thì "mỹ thuật".
[2]Tiếng lóng: suy diễn