© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
29.12.2006
Trường Giang
Phải chăng ta còn hèn?
 
Có lần trò chuyện với anh Văn Như Cương về đặc điểm của trí thức mình, tôi nói trong sự dè dặt: “So với nhiều dân tộc trên thế giới, ta cũng thuộc diện thông minh, nhạy cảm nhưng lại thiếu can đảm, không dám mạnh dạn vượt qua những rào cản tầm thường trong cuộc sống để phát huy tính năng động sáng tạo của mình”, anh liền nói ngay một cách thẳng thắn: "Chúng ta hèn lắm."

Tôi hơi giật mình với cái từ “hèn” mà anh nói không do dự nhưng đêm về suy ngẫm tôi thấy đúng; tự nhìn bản thân càng thấy không sai tý nào.

Tại sao khi ta nói đúng, viết đúng mà có một đồng chí lãnh đạo cấp cao có ý kiến khác là ta cứ phải im lặng, thậm chí lại phải nhận thiếu sót để khỏi chạm. Tại sao khi phát hiện ra những điều đã lỗi thời trong các chủ trương, chính sách, trong các khẩu hiệu, thậm chí trong lý thuyết kinh điển, trong quan niệm truyền thống…, ta không dám nói, còn tệ hơn là cứ tiếp tục tư duy và hành động theo hướng minh hoạ cho cái điều không còn đúng nữa. Tại sao khi thấy lãnh đạo ngành mình sai, thậm chí tiêu cực, tham nhũng mà không dám tố cáo, cho là không phải việc của mình, sợ nói ra sẽ không yên thân… đến khi dư luận xã hội đề cập đến thì lại thanh minh giúp, cho đến khi có cơ quan pháp luật làm sáng rõ, không ai chối cãi được nữa thì mới nói ra một sự thật: đã biết chuyện này lâu rồi. Tại sao khi tự thấy bất cập, bất lực trước cái chức vụ, trách nhiệm trên giao cho quá cao, quá sức, nhất là khi đã thấy hậu quả nặng nề… mà không tự nguyện từ chức, tự nguyện đề xuất người có phẩm chất, năng lực hơn thay mình; tệ hơn còn tìm cách dối trá biện minh với cấp trên để bám giữ cái ghế đã lung lay. Tại sao khi đương chức không nói gì, đến khi về hưu mới nói vong mạng?

Tôi đã từng gặp chất vấn một vị giáo sư đã từng tham gia lãnh đạo ngành khoa học xã hội: “Tại sao ngành ta cứ tư duy lệ thuộc mà quá ít những đề xuất bổ sung sáng tạo mặc dầu Đảng ta đã phát động đổi mới tư duy?”, ông liền nói một cách tự nhiên: “Nói thế chứ cứ nêu lên vấn đề gì khác lạ thì cũng dễ bị chiếu tướng lắm; chưa nên đi trước thời đại quá sớm”. Có lần, một nhà báo hỏi ông chủ tịch một thành phố lớn: “Phiếu bầu vào Hội đồng Nhân dân của ông thấp như thế mà ông nhận đứng đầu chính quyền như thế, liệu có thuận không?”, thì ông liền trả lời: “Do Hội đồng Nhân dân cử chứ mình có ứng cử đâu, khi nào họ bảo mình thôi thì mình thôi”. Ngay tại đại hội của một ngành truyền thông, anh PL phát biểu rất mạnh dạn phê bình một số cái sai của lãnh đạo, nhiều người rất tâm đắc, tìm đến anh trong giờ giải lao để tỏ sự đồng tình nhưng trong những giờ trao đổi thảo luận tại đại hội thì không một ai dám nhắc lại ý của anh PL. Đến khi bầu ban chấp hành, ban tổ chức không giới thiệu anh PL mặc dầu anh vẫn có trong danh sách đề cử. Thế là mọi người không bầu cho anh dù biết rằng anh là một uỷ viên cũ nhiệt tình, có năng lực. Đặc biệt có một vị lãnh đạo cấp cao đã phát biểu nhiều lần với cấp dưới: “Tuy tôi giữ trách nhiệm đứng đầu như vậy nhưng bao nhiêu trường hợp thay đổi nhân sự trong bộ máy, tôi có biết gì đâu” rồi cười một cách thoải mái. Nhưng khi bước vào những cuộc họp lãnh đạo quan trọng thì ông không hề nói gì… Còn, còn có thể nêu ra nhiều dẫn chứng nữa để chứng minh cái nhận xét tổng quát nói trên của anh Văn Như Cương, tuy có phần mạnh bạo khó nghe nhưng rất chính xác.

Nếu nhược điểm đó không sớm được xoá bỏ thì sẽ tiếp tục kìm hãm sự phát triển tài năng của nguồn lực, nhất là giới trí thức và nhất định nó sẽ tiếp tục làm chậm quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tôi đã từng đọc những ý kiến của một số nhân vật quan trọng ở các nước tự nhận những cái xấu xí, tệ hại, kém cỏi của dân mình và kêu gọi cộng đồng nên phấn đấu khắc phục. Do vậy việc chúng ta tự khám phá, tự vạch ra một vài điểm yếu kém nào đấy để có hướng tu dưỡng rèn luyện hoàn thiện mình là một biểu hiện tích cực, không có gì phải xấu hổ.

Hy vọng chuyên mục “Ta là ai” trong Tạp chí Trí Tuệ sẽ được đông đảo bạn đọc tiếp tục hưởng ứng.
Nguồn: Đây là bài mở đầu chuyên mục "Ta là ai" của tạp chí Trí Tuệ, đăng ở số 8 (tháng 11/2006). Tác giả là Tổng biên tập tạp chí Trí Tuệ.