Nghệ thuáºtBà n tròn "MÄ© thuáºt Ä‘Æ°Æ¡ng đại Việt Nam Ä‘ang ở đâu"10.12.2002
Natalia Kraevskaia, Hoà ng Ngá»c Tuấn
Bà n tròn Talawas "Mỹ thuáºt Việt Nam Ä‘ang ở đâu?"
Natalia Kraevskaia:
Tôi cảm thấy trong cuộc thảo luận về mỹ thuật đương đại Việt Nam, chúng ta không những theo dõi đường chuyển động của nó, mà còn muốn xác định điểm xuất phát và hơn thế nữa, tính toán điểm tới đích của nó. Và đây, chúng ta đang quần tụ ở đích, với những khẩu hiệu: "Không được đụng đến những cội rễ Việt Nam!", "Bài trừ chủ nghĩa thực dân mới!" Và đi đầu tất cả là Kaomi: "Hãy ngừng mang ánh sáng ngoại bang tới Việt Nam!"Tôi e có người sẽ hiểu quá cứng nhắc những lời của anh và dừng phắt tất cả những nhà máy thuỷ điện do Nga xây dựng, và nếu thế thì tôi không gửi được thư này tới anh. Ô-kê, tôi sẽ đợi tới khi các bạn cùng thành phố của Nguyên Hưng sáng chế ra computer chạy bằng năng lượng than bùn. Hay là tất cả than bùn đã cháy sạch trong cuộc hỏa hoạn lớn vừa rồi - kết quả của chiến lược tháo nước các đầm lầy của địa phương? Tôi hy vọng Nguyên Hưng sẽ không áp dụng một phương pháp tương tự để tháo cạn cái đầm lầy mỹ thuật trong hình dung của anh.
Vâng, anh Kaomi và anh Hưng ạ, dù những phát biểu của Birgit có mùi gì đi nữa, và vâng, anh Huy ạ, bất kể anh tiếp tục cuộc tranh luận "bò" với Veronika bao lâu nữa (điều này phản ánh chính xác cái vấn đề tương tự trong nghệ thuật mà anh đã bàn cãi khi trước - phát biểu nhiều lời mà chẳng có gì để nói cả). Phải, trong chính trường hợp này, chúng ta có một thí dụ rằng thậm chí chỉ một người cũng có thể "mang ánh sáng" tới và gây một tác động lớn đối với sự phát triển của sự đa dạng trong sáng tạo và thậm chí trong chiến lược giảng dạy. Vâng, tôi, cũng như hàng chục các hoạ sĩ và cả Trường Mỹ Thuật Hà Nội nữa đã là nhân chứng.(Bàn tròn này không phải là chỗ để liệt kê tất cả các hoạt động của Veronika. Anh Kaomi, liệu anh có thể cho tôi số điện thoai để chúng ta tranh luận thêm? Và nhân tiện, anh có thể cho vài thông tin về những triển lãm mỹ thuật Việt Nam mà anh đã tuyển chọn hoặc tổ chức? Tôi rất quan tâm đến việc trao đổi thông tin với anh. Tôi phải viết cho anh bằng tiếng Nhật hay là anh chỉ nói tiếng Việt Nam?)
Trở lại chuyện ánh sáng. "Ánh sáng" nào - từ phương Tây hay phương Ðông - cũng đều tốt, miễn đó thật sự là "ánh sáng". Và trong nghệ thuật, tôi không nhớ có ai đã phàn nàn về truyện cái ông Munch người NA UY lại là cha đẻ của chủ nghĩa xuất biểu1 (expressionism) Ðức. Hoặc việc chủ nghĩa ấn tượng Pháp lan tràn khắp thế giới, đó có phải là triệu chứng của chủ nghĩa thực dân mới văn hoá không, thưa anh Laurent?
Vâng, mọi người đều biết rằng toàn cầu hoá (tôi dùng từ này thay vì chủ nghĩa thực dân mới, tôi đã đọc hàng chục bài tiểu luận về kinh tế và triết học - không có khác biệt đáng kể) cũng có những tác dụng tiêu cực: sự thống trị của các tập đoàn xuyên quốc gia, phi nhân hoá khoa học và kỹ thuật, tập trung vào phân phối hàng loạt và tiêu thụ hàng loạt, tiêu chuẩn hoá, vân vân... Nhưng chúng ta cũng đã được hưởng những chấn động như truy cập thông tin cao tốc, giao lưu năng động, đối thoại giữa các nền văn hoá. Tôi đã thấy trước câu trả lời của Kaomi/Nguyên Hưng: "Thế còn chủ nghĩa phương Tây?" Phải, phải, cái đó có tồn tại. Như vẫn tồn tại bảo tàng và nhà hát ba-lê, nhạc giao hưởng và lịch sử nghệ thuật - tất cả những khái niệm hoàn toàn Tây phương ấy. Ta có nên huỷ diệt chúng như Khmer đỏ chăng? Hoặc giả phương Tây có nên khước từ mọi thứ hàng làm từ giấy (sách, báo...) vì giấy là phát minh của Trung Quốc? (Trong khi thảo luận, chúng ta đã không chú ý đến "ý bổ sung" của Hoàng Ngọc Tuấn ngày 28/10 về ảnh hưởng tiêu cực của lòng tự hào dân tộc quá đáng và những ý niệm 'duy dân tộc trung tâm'. Rủi thay, anh đã biến khỏi bàn tròn, nhường chỗ cho tuyên truyền sô-vanh).
Tháng trước, có trại sáng tác quốc tế Á châu tại Trung tâm mỹ thuật đương đại Hà Nội nhằm tạo sự cộng tác giữa các hoạ sĩ, nhạc sĩ, diễn viên sân khấu và múa cùng các nghệ sĩ từ các nước châu Á khác. Trong thảo luận của nhóm tạo hình, nhiều họa sĩ Việt Nam đã phát biểu nỗi lo thông thường của họ - chúng tôi muốn dùng những hình thức mới của phương Tây, nhưng làm sao để biến chúng trở thành hoàn toàn Việt Nam. Những người khác (không phải Tây mà là châu Á) không đồng ý: "Nếu bạn làm sắp đặt hoặc trình diễn - những phát minh của phương Tây - bạn phải biết ngôn ngữ của những hình thức đó, bộ mã, rồi đắp vào đó những khái niệm và ý tưởng của chính bạn. Bằng không bạn sẽ không thể tạo được cơ sở để giao lưu. Nếu bạn muốn sáng tạo nên một cái gì hoàn toàn Việt Nam thì cứ làm đi, nhưng sáng tạo đó phải thực sự mới, độc đáo, chưa từng thấy."
Các hoạ sĩ của chúng ta (không phải của tôi, anh Huy ạ) bối rối; họ đầy năng lượng, đầy nhiệt tình, háo hức muốn thay đổi, biểu hiện, sáng tạo, nhưng... học ngôn ngữ mới đối với họ là một việc buồn tẻ, nghiên cứu tìm tòi một chút trước khi làm một sắp đặt trên một khái niệm không quen thuộc lắm thì chưa phải là thói quen của họ.
Mặt khác, những phần trình bày của các hoạ sĩ không phải là Việt Nam tại trại sáng tác này đã chứng tỏ một cách rất thuyết phục rằng văn hoá không phải bao giờ cũng đi vào những xã hội khác mà không thay đổi, mà có thể quyện vào với bối cảnh của văn hoá bản đia. Và tôi hy vọng điều đó đã có chút ảnh hưởng đối với ý niệm đơn giản của các hoạ sĩ Việt Nam về những hình thức nghệ thuật "mới".
Những hình thức nghệ thuật "mới", bộ ba sắp đặt - trình diễn - video: Laurent ạ, tôi đồng ý với nhiều kết luận có tính chất vỡ mộng của anh, nhưng đoạn cuối gây cho tôi bực bội thế nào ấy.
Tôi không bênh vực chủ nghĩa thực dân mới. Và tôi không tự tạo cho mình một thái độ rõ ràng đối với sự phối chủng văn hoá (tôi chỉ biết rằng sự phối chủng này tồn tại từ nhiều thế kỷ từ khi con người bắt đầu phát triển những con đường thương mại và do đó, nẩy sinh những hình thức văn hoá mới).
Nhưng không có cái gì xuất hiện hoặc được chấp nhận một cách ngẫu nhiên, vô cớ, ở chỗ trống không. Tất cả các phong cách, phương hướng, khuynh hướng và hình thức nghệ thuật đã được khuôn định bởi những nhân tố khác nhau - kinh tế, chính trị, xã hội cũng như bởi sự phát triển của lý trí và tri thức con người - khoa học, triết học, tâm lý học, văn học... Như vậy, Art Nouveau là kết quả của sự nổi loạn chống lại kỷ nguyên mới của cơ khí hoá và Jugendstil phản ánh khái niệm đồng nhất nghệ thuật với nghề thủ công và công nghiệp. Và chủ nghĩa vị lai dựa trên khái niệm văn học - phản ứng của trí thức trẻ chống lại sự trì trệ văn hoá và do đó, đòi hỏi giải tri - được đặc biệt ưa thích ở Italia và Nga, có lẽ vì, thời đó ở những nước này, ý tưởng và thực hành của chủ nghĩa vô chính phủ đang thịnh hành. Vân vân và vân vân. Những năm 60, Pop art như là phản ánh sự lan tràn của văn hoá Pop và sự tăng trưởng của môi trường công nghiệp và thương mại. Những năm 70 - trình diễn như là ý đồ nhằm giải phóng hoạ sĩ khỏi đối tượng nghệ thuật, vứt bỏ những hình thức truyền thống và mang tính thiết chế, tạo tiếp xúc trực tiếp với công chúng và biến nghệ thuật từ sản phẩm riêng biệt thành giao lưu thị kiến trực tiếp.
Phải chăng anh không nghĩ rằng việc các hình thức mới này được chấp nhận và ngày càng được ưa chuộng ở Việt Nam không phải là kết quả của tuyên truyền phổ biến, mà nó liên quan chặt chẽ tới những quá trình tương tự diễn ra trong những năm 60 và 70 ở châu Âu, với những thay đổi xẩy ra trong xã hội Việt Nam mà anh đã bàn tới? Sự tăng cường dân chủ hoá, giải phóng đầu óc khỏi lối tư duy rập khuôn, khao khát chối từ quá khứ, chia sẻ những giá trị toàn cầu, đó cũng là một khía cạnh của nước Việt Nam hiện đại. Và hiện thực mới này sẽ nhào nặn nên những hình thức nghệ thuật mới có khả năng biểu đạt tốt hơn những quá trình xã hội đó.
Những bước đầu tiên trong cái bộ ba sắp đặt - trình diến - video này là những bước đầu tiên của một hài nhi. Chưa học được ngôn ngữ, nhưng những tiếng đầu tiên đã được thốt ra. Chúng ta cần kiên nhẫn chờ nghe những câu cú có biểu đạt rõ ràng.
Còn cội rễ dân tộc, sẽ không ai trốc lên đâu. Nhưng nếu Kandinsky cứ suốt đời ngồi trên cái ghế đẩu bằng gỗ sồi ngắm những bức lubok (tương tự như tranh Ðông Hồ) yêu dấu của mình thì liệu chúng ta có được chủ nghĩa trừu tượng không?
(09.12.02)
Hoàng Ngọc-Tuấn :
Chào các bạn, tôi vắng mặt ở bàn tròn này một thời gian vì nhiều vấn đề và công việc cá nhân. Hôm nay tôi trở lại với vài ý tưởng.
1. Không cuộc bàn luận nào có thể đạt được một kết luận tích cực nếu không có ai chịu bước ra khỏi cái khung văn hoá/ý thức hệ của mình và cẩn thận lắng nghe những ý tưởng khác từ mọi phương hướng. Cố thủ một cách kiêu hãnh trong một cái khung, chúng ta từ chối lắng nghe những ý tưởng từ bên ngoài. Ðiều này làm chúng ta nghèo hơn và nghèo hơn mãi mãi. Chúng ta phải học hỏi từ những điều phía bên ngoài, bắt chước chúng, sử dụng chúng, và dựa vào chúng để khai triển những điều mới lạ, hoặc nắm chắc lấy chúng để vượt qua chúng.
Bàn tròn này đã ngẫu nhiên diễn biến quanh một cái khung: Việt Nam. Và, rủi thay, dường như nhiều người trong cái khung ấy rất ngại mở rộng cổng để bước ra. Thay vào đó, họ đứng lại đằng sau hàng rào và để "ngoại nhân" bước vào, từng người một, sau khi đã phát cho "ngoại nhân" những cái vé vào cổng có đánh dấu rõ ràng là "ngoại nhân". Và khi các "ngoại nhân" đang bước qua ngưỡng cửa, những kẻ đứng sau hàng rào lên tiếng: "Quý vị có tự do quan sát và nói năng, nhưng đừng bao giờ tưởng rằng quý vị có thể hiểu nổi chúng tôi."
Tất nhiên, tình hình có thể trở nên tệ hại hơn, nếu một trong những cảnh sau đây xảy ra:
Một "ngoại nhân" nói: "Này, các bạn rõ ràng là lạc hậu. Bước ra đây. Nhìn chúng tôi đi nào. Hãy cố hết sức để theo chúng tôi, nếu các bạn muốn tồn tại mạnh mẽ."
Một "nội nhân" nói: "Ê, đừng có ngạo mạn sai lầm như vậy. Chúng tôi không theo ai cả. Chúng tôi đã đánh bại quý vị trên nhiều chiến trường. Và chúng tôi đang tồn tại mạnh mẽ chả cần quý vị phải lưu tâm. Nếu chúng tôi có vấn đề, đó là vấn đề của chúng tôi và chúng tôi sẽ tự giải quyết. Quý vị hãy giữ im lặng, vào đây mà nhìn ngắm cho biết."
2. Thực tình, chúng ta muốn đạt được gì qua bàn tròn này? Tên gọi của bàn tròn là "Mỹ Thuật Việt Nam đang ở đâu?" Tôi thiết nghĩ chúng ta đều biết nó đang ở đâu. Tôi thiết nghĩ điều chúng ta muốn đạt được qua bàn tròn này là tiên đoán nó sẽ đi về đâu, và, hơn thế nữa, đề nghị một đường lối tích cực nào đó cho sự phát triển của nó.
3. Cuộc đàm luận của chúng ta có vẻ trở nên rất nhì nhằng bất cứ khi nào chúng ta đụng đến đề tài "bản sắc dân tộc". Tôi muốn đề nghị vài ý tưởng như sau:
Một là, để làm cho cuộc đàm luận của chúng ta trôi chảy hơn, chúng ta phải biết rõ chúng ta đứng ở chỗ nào để phát biểu. Ðứng lì bên trong để nói thì hiển nhiên là có vấn đề. Ðứng lì bên ngoài để nói thì cũng có vấn đề như vậy. (Xin lưu ý rằng có người bước vào bên trong mà vẫn ăn nói như thể đang còn đứng bên ngoài). Tôi đề nghị tất cả chúng ta nên đứng ngay trên hàng rào để nói.
Hai là, bản sắc dân tộc là một hạt nhân mà tất cả những ý nghĩa của các sinh hoạt của một dân tộc đều được xếp đặt chung quanh nó. Nhưng đôi khi hạt nhân này chỉ là một HUYỀN THOẠI, hoặc một CHẤT LIỆU GIẢ TẠO, hoặc ngay cả là một SỰ TRỐNG RỖNG.
Ða số người Việt Nam nghĩ rằng bản sắc dân tộc của họ là cái gì vĩnh hằng nhưng, thực ra, nó không phải vậy. Bản sắc dân tộc của chúng ta đã luôn luôn rất "uyển chuyển". Có những lúc, nó mang nặng mùi Trung Hoa. Có những lúc khác, nó bốc mùi Pháp, mùi Xô-Viết, mùi Mỹ... hoặc là một kết hợp nhuần nhuyễn của nhiều mùi.
Suốt hậu bán thế kỷ vừa qua cho đến những năm gần đây, cái mùi nặng nhất là mùi chủ nghĩa xã hội (dĩ nhiên, chủ nghĩa xã hội là cái gì đó chúng ta đã vay mượn từ nơi nào đó ở bên ngoài, và nó có thể hữu ích ở một mức độ nào đó). Thực ra, bản sắc dân tộc Việt Nam thậm chí đã trở nên đồng nhất với chủ nghĩa xã hội: "Yêu chủ nghĩa xã hội là yêu nước!" (Mọi đứa trẻ con đều đã thuộc nằm lòng điều này). Bất cứ người Việt Nam nào chống chủ nghĩa xã hội cũng đều bị dán nhãn là "không yêu nước" hay "phản bội dân tộc". Bản sắc dân tộc Việt Nam đã được định nghĩa là mang tính "cách mạng".
Gần đây, vì điều kiện bất ổn định của chủ nghĩa xã hội trong việc đương đầu với thị trường tự do và nền thông tin hoàn cầu hoá, cái bản sắc dân tộc này đã dần dần thay đổi để kết nạp thêm càng lúc càng nhiều những chất liệu huyền thoại và giả tạo, và ngay cả lối hùng biện rỗng tuếch. Như thế, giờ đây, nó là một kết hợp chua chát của cả chất "cách mạng" lẫn, (than ôi!) chất "truyền thống". Và, tôi phải thú nhận rằng, trong quan điểm của tôi, cả hai chất này đều là của giả. Nhưng không ít người Việt Nam, kể cả nghệ sĩ, đã dễ dàng rơi vào cái bẫy đó. Và một khi bạn đã để mình rơi vào cái bẫy đó và cảm thấy tự hào vì điều đó, thì thật là cực kỳ khó khăn cho bạn thoát ra.
Tôi đề nghị thay vì cố gắng vô vọng để chứng minh rằng Việt Nam có một bản sắc dân tộc thuần khiết và trường tồn, chúng ta có thể chọn quan điểm rằng Việt Nam có một bản sắc mang tính vạn hoa (a kaleidoscopic identity). Tôi thiết nghĩ quan điểm này có thể giúp chúng ta thoải mái hơn, lành mạnh hơn, và phong phú hơn. Tôi sẽ bàn về ý tưởng bản sắc mang tính vạn hoa này trong email lần tới.
(10.12.02)
1. Tôi dùng chữ "chủ nghĩa xuất biểu" thay v ì "chủ nghĩa biểu hiện" như mọi người thường dùng vì thấy nó trúng hơn, đạt ý hơn (Người dịch - Dương Tường)
© Talawas 2002