© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
19.9.2006
Thomas L. Friedman
Qui luật thứ nhất của nền chính trị dựa trên dầu mỏ
Phạm Minh Ngọc dịch
 
Tổng thống Iran phủ nhận Holocaust, Hugo Chavez coi thường các lãnh tụ phương Tây, còn Vladimir Putin thì thay củ cà rốt bằng cây gậy. Tại sao? Họ hiểu rõ rằng mức độ dân chủ tỉ lệ nghịch với giá dầu mỏ. Đấy là qui luật thứ nhất của nền chính trị dựa vào dầu mỏ, chính qui luật này xác định đặc điểm của thời đại chúng ta.

Khi nghe ông Mahmoud Ahmadinejad, Tổng thống Iran, tuyên bố rằng Holocaust chỉ là “huyền thoại”, tôi chợt nghĩ: “Liệu ông ta có dám nói như thế không nếu giá dầu không phải là 60 USD mà chỉ là 20 USD một thùng thôi?” Khi nghe ông Hugo Chavez, Tổng thống Venezuela, bảo thủ tướng Tony Blair “cút xéo”, rồi sau đó, khi phát biểu trước những ủng hộ viên, ông ta lại thoá mạ kế hoạch của Mĩ về việc thành lập khu vực tự do Bắc và Nam Mĩ, tôi lại tự hỏi: “Liệu tổng thống Venezuela có dám nói như thế không nếu giá dầu không phải là 60 USD mà chỉ là 20 USD một thùng và đất nước ông phải phát triển kinh doanh chứ không chỉ đếm những đồng tiền thu được từ việc khai thác dầu?”

Trong mấy năm gần đây, theo dõi các sự kiện diễn ra trong các nước cũng vịnh Ba Tư, tôi nhận ra rằng Bahrain là nước đầu tiên trong số các nước Arab thực hiện việc bầu cử công khai và trung thực, có sự tham gia của phụ nữ, là nước đầu tiên xem xét lại bộ luật lao động để nâng cao tỉ lệ người có việc làm trong dân chúng và giảm sự phụ thuộc vào dầu khí. Xin nói thêm là Bahrain là nước sẽ hết dầu mỏ trước các nước vùng Vịnh khác. Cũng chính Bahrain là nước vùng Vịnh đầu tiên kí hiệp định thương mại tự do với Mĩ. Tôi tự hỏi: “Chả lẽ đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên?”. Cuối cùng, khi nghiên cứu tình hình trong thế giới Arab và quan sát cách những người dân chủ Libanon đòi quân đội Syria rút về nước, tôi lại tự hỏi: “Có phải là sự trùng hợp vô tình không khi đất nước dân chủ duy nhất trong thế giới Arab lại là nước không có một giọt dầu nào?”

Càng suy nghĩ về những vấn đề đó tôi càng nhận thức được sự tồn tại của mối quan hệ, một mối quan hệ trực tiếp, có thể tính toán và phân tích được, giữa giá dầu mỏ và tốc độ, mức độ và sự ổn định của quá trình mở rộng hay thu hẹp của những quyền tự do chính trị và tự do kinh tế tại những nước nhất định. Mấy tháng trước, tôi đã đề nghị với ban biên tập tạp chí Foreign Policy thử thể hiện những dự đoán mang tính trực cảm của tôi dưới dạng đồ thị. Trên một trục là giá dầu trung bình của thế giới và trục kia là việc mở rộng hay thu hẹp các quyền tự do kinh tế và chính trị, được chuyển thành đơn vị đo lường theo phương pháp của các tổ chức khoa học phù hợp, thí dụ của tổ chức Freedom House. Tôi đề nghị lấy các thông số như tính chất của các cuộc bầu cử, việc mở hay đóng cửa các tờ báo, số lượng các vụ bắt người một cách tùy tiện, số lượng các nhà cải cách được bầu vào quốc hội, việc thực hiện hay đóng băng các cải cách kinh tế, tư nhân hoá hay quốc hữu hoá các công ty, v.v…

Tôi xin nói ngay rằng thí nghiệm của chúng tôi không thể coi là tuyệt vời về mặt khoa học vì sự thăng giáng của tự do kinh tế và tự do chính trị trong một xã hội không thể cân đong đo đếm chính xác được, chúng cũng không có tính chu kì hoàn hảo. Nhưng nhiệm vụ của tôi không phải là bảo vệ luận án mà chỉ là kiểm tra một giả thuyết, là khuyến khích các cuộc thảo luận; tôi cho rằng việc phân tích quan hệ giữa giá dầu và sự thăng giáng của quá trình dân chủ hoá, dù có một số thiếu sót về phương pháp luận, cũng không phải là việc làm vô ích. Vì trong tương lai gần, việc tăng giá dầu sẽ trở thành tác nhân quyết định trong các mối quan hệ quốc tế, cần phải hiểu nó tác động như thế nào và bằng cách nào đến tính chất và xu hướng của nền chính trị thế giới. Xin ghi nhận: Đồ thị do chúng tôi lập chứng tỏ mối liên hệ trực tiếp giữa giá dầu và sự thăng giáng của quá trình truyền bá tự do, mối liên hệ rõ ràng đến nỗi tôi muốn được đề nghị thảo luận qui luật thứ nhất của nền chính trị dựa trên dầu lửa do tôi phát kiến.

Qui luật đó như sau: Mức độ tự do của các quốc gia dầu mỏ tỉ lệ nghịch với giá dầu. Theo qui luật thứ nhất của nền chính trị dựa trên dầu mỏ thì giá dầu trung bình thế giới càng cao, tự do ngôn luận, tự do báo chí, các thiết chế về bầu cử tự do và trung thực, tinh thần thượng tôn pháp luật, sự độc lập của toà án và các đảng phái chính trị càng mờ nhạt. Xu hướng tiêu cực này càng bị khoét sâu thêm bởi tác nhân sau đây: giá dầu càng cao thì lãnh tụ các quốc gia dầu hoả càng quay lưng lại với dư luận của cộng đồng quốc tế. Ngược lại, theo qui luật này thì giá dầu càng thấp, các quốc gia dầu mỏ càng phải tiến gần đến thể chế chính trị minh bạch hơn, càng phải lắng nghe ý kiến của phe đối lập hơn, càng phải chú ý thiết lập các hệ thống chính trị và giáo dục cho phép các công dân của họ (cả đàn ông lẫn đàn bà) có cơ hội cạnh tranh, kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài một cách tối đa. Giá dầu càng thấp thì lãnh tụ các quốc gia dầu mỏ càng nhạy cảm với dư luận của cộng đồng quốc tế.

“Các quốc gia dầu mỏ” là thuật ngữ để chỉ các quốc gia không chỉ nhận được phần lớn thu nhập quốc dân nhờ vào việc khai thác và xuất khẩu dầu mỏ mà còn có các thiết chế nhà nước yếu kém và thể chế chính trị độc đoán. Chắc chắn tôi sẽ đưa những nước sau đây vào danh sách đó: Azerbaizhan, Angola, Venezuela, Ai Cập, Iran, Kazakstan, Nigeria, Nga, Saudi Arabia, Sudan, Uzbekistan, Chad và Ginea Xích đạo. (Các nước có trữ lượng dầu khí lớn nhưng đã thiết lập được thể chế nhà nước vững mạnh với các thiết chế dân chủ bền vững và một nền kinh tế đa dạng như Anh, Na Uy, Mĩ không chịu tác động của qui luật thứ nhất của nền chính trị dựa trên dầu dầu khí).

Tất nhiên là các nhà khoa học đã chỉ rõ những hậu quả nghiêm trọng về chính trị và kinh tế mà các nước giàu tài nguyên có thể gặp từ khá lâu rồi. Hiện tượng này được gọi là “căn bệnh Hà Lan” hay “sự nguyền rủa của tài nguyên”. Thuật ngữ “căn bệnh Hà Lan” là để chỉ quá trình suy sụp của ngành công nghiệp, hậu quả của những khoản thu nhập to lớn bất thình lình đổ về từ việc xuất khẩu nguyên liệu.

Lần đầu tiên khái niệm “căn bệnh Hà Lan” được phát biểu vào những năm 1960, khi người ta phát hiện được những mỏ khí đốt với trữ lượng lớn ở đất nước này. Tại các nước bị “bệnh Hà Lan”, đồng nội tệ tự nhiên tăng giá đột ngột vì nguồn ngoại tệ chảy vào từ việc bán dầu hoả, vàng, khí đốt, kim cương hay các nguồn nguyên liệu khác. Kết quả là: hàng công nghiệp xuất khẩu không còn khả năng cạnh tranh còn hàng nhập khẩu thì xuống giá trông thấy. Người dân rủng rỉnh tiền trong túi, bắt đầu đổ xô đi mua hàng nhập khẩu, nền công nghiệp trong nước chết yểu - đấy chính là quá trình suy sụp của nền công nghiệp. Thuật ngữ “sự nguyền rủa của tài nguyên” nói về quá trình này, cũng như nói về sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên có ảnh hưởng đến đời sống chính trị của đất nước, ảnh hưởng đến những ưu tiên về đầu tư và ưu tiên trong lĩnh vực giáo dục. Vấn đề lúc đó sẽ là ai kiểm soát “van dầu” và ai được chia bao nhiêu phần của cái bánh chứ không phải là làm thế nào để bảo đảm được khả năng cạnh tranh hữu hiệu, sáng kiến và sản xuất ra hàng hoá thực cho nhu cầu tiêu thụ thực.

Bên cạnh các lí thuyết đó, các nhà chính trị học còn nghiên cứu những vấn đề cụ thể hơn về ảnh hưởng tiêu cực của trữ lượng dầu mỏ đối với quá trình dân chủ hoá. Một trong những nghiên cứu sâu sắc nhất về vấn đề này mà tôi được đọc là của Michael L. Ross, nhà chính trị học của đại học California (Los Angeles). Sau khi nghiên cứu số liệu thống kê của 113 nước trong giai đoạn từ 1971 đến1997, Ross rút ra kết luận: “Nói chung, quá chú ý đến việc xuất khẩu dầu mỏ và các khoáng sản khác là một trở ngại đối với tiến trình dân chủ hoá đất nước nhưng việc xuất khẩu các hàng hoá khác lại không có hiệu ứng như thế; hiện tượng này được tìm thấy không chỉ ở bán đảo Arab, Trung Đông và phía Nam sa mạc Sahara mà còn xảy ra ở cả các nước nhỏ nữa”.

Theo tôi, điều đặc biệt có giá trị trong nghiên cứu của Ross là danh mục các cơ chế tác động tiêu cực của thu nhập quá nhiều từ dầu mỏ đối với tiến trình dân chủ hoá. Trước hết, đấy là “hiệu ứng thuế”: chính phủ các nước có nhiều dầu mỏ thường sử dụng các khoản thu nhập vào việc làm “giảm căng thẳng xã hội, nếu không có những khoản đó thì dân chúng nhất định sẽ đòi chính quyền phải có trách nhiệm báo cáo” với xã hội hoặc phải đưa thêm đại diện của dân chúng vào các cơ quan quyền lực. Nếu là tôi, tôi sẽ viết luận điểm ấy như sau: một trong những khẩu hiệu của cuộc Cách mạng Mĩ là: “Không đóng thuế nếu không có đại diện”. Các nhà cầm quyền độc tài của những quốc gia dầu mỏ lộn ngược khẩu hiệu này thành: “không phải đóng thuế thì không có đại diện”. Để giữ vững chế độ hiện hành, các nhà cầm quyền của các quốc gia dầu mỏ không cần bắt dân đóng thuế, họ lấy thu nhập từ dầu khí để bù vào khoản thiếu hụt đó, nhưng như vậy nghĩa là họ cũng không cần nghe ý kiến nhân dân, không đại diện cho quyền lợi của nhân dân.

Ross gọi cơ chế tác động thứ hai của dầu mỏ lên tiến trình dân chủ hoá là “hiệu ứng chi tiêu quốc gia”. Thu nhập từ dầu mỏ tạo cho chính phủ khả năng tăng các khoản “bao cấp” và bằng cách đó giảm được áp lực dân chủ hoá. Cơ chế tác động thứ ba là “hiệu ứng nhóm xã hội”. Các chế độ độc tài rủng rỉnh ngoại tệ thu được từ bán dầu có thể dùng tiền để gây khó khăn cho quá trình hình thành các tổ chức xã hội độc lập; các nhóm này thường hoạt động tích cực nhất trong việc đòi hỏi quyền lợi về chính trị. Ngoài ra, Ross còn khẳng định rằng các khoản thu vượt trội từ dầu hoả còn dẫn đến “hiệu ứng đàn áp”, nghĩa là, chính quyền có thể thoải mái chi tiền cho cảnh sát và các lực lượng đặc biệt khác nhằm đàn áp các phong trào dân chủ. Cuối cùng, còn một tác động nữa mà Ross gọi là “hiệu ứng chống hiện đại hoá”. Tiền thu được từ bán dầu có thể làm giảm đi động lực trau dồi nghề nghiệp, nâng cao trình độ học vấn, đô thị hoá, nghĩa là các xu hướng đồng hành với tiến bộ kinh tế và nâng cao ý thức của người dân, nâng cao khả năng tự tổ chức, khả năng đưa ra những đòi hỏi tập thể và phối hợp hành động, cũng như gây khó khăn cho việc tạo ra trong xã hội những trung tâm kinh tế độc lập với chính quyền.

Qui luật thứ nhất của nền chính trị dựa trên dầu mỏ được rút ra từ những luận điểm đó, nhưng qui luật này còn giúp ta hiểu được tương tác giữa dầu mỏ và các tiến trình chính trị nữa. Tôi phát biểu qui luật đó là để khẳng định điều sau đây: sự phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ không chỉ tác động tiêu cực đến sự phát triển của đất nước nói chung; có một mối liên hệ trực tiếp giữa sự thăng giáng của giá dầu mỏ với sự thăng giáng của tiến trình dân chủ hoá của các quốc gia dầu mỏ. Mối liên hệ này là một thực tế. Các đồ thị mà chúng tôi lập ra chứng tỏ: chỉ cần giá dầu tăng lên một cách tương đối cao là tiến trình dân chủ hoá lập tức bị chậm lại.


Trục dầu mỏ?

Lí do để chúng ta phải quan tâm đến mối liên hệ giữa giá dầu mỏ và tốc độ truyền bá tự do là vì có vẻ như chúng ta đang chứng kiến giai đoạn khởi đầu của quá trình tăng giá dầu trên toàn thế giới. Nếu điều đó thực sự xảy ra, mức giá dầu mỏ cao hơn chắc chắn sẽ có những tác động dài hạn đối với chính sách của các chính phủ yếu và các chính phủ độc tài. Đến lượt nó, điều này có thể sẽ cải biến thế giới theo hướng không phải là tốt nhất, như chúng ta từng thấy sau chiến tranh lạnh. Nói một cách khác, không chỉ Bộ trưởng bộ Tài chính Mĩ mà cả Bộ trưởng Ngoại giao cũng phải thường xuyên quan tâm đến sự thăng giáng của giá dầu.

Sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9, giá dầu thế giới tăng vọt từ 20-40$ lên 40-60$ một thùng. Nguyên nhân của việc tăng giá một phần là do cảm giác bất an vì những vụ bùng phát bạo lực ở Iraq, Nigeria, Indonesia, Sudan. Nhưng đấy chủ yếu là do hiện tượng mà tôi gọi là “quá trình làm phẳng thế giới” và việc tham gia vào thị trường thế giới của 3 tỉ người tiêu dùng từ Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và đế quốc Nga Xô cũ, tất cả những người đó đều mơ có nhà ở, có ô tô, có tủ lạnh và lò viba. Nhu cầu nhiên liệu của họ thật lớn và ngày càng tăng lên. Họ đã và tiếp tục gây áp lực lên giá dầu. Nếu phương Tây không có những biện pháp triệt để về việc bảo đảm nguồn khai thác và nếu không tìm được nguồn nhiên liệu thay thế thì trong tương lai gần giá dầu sẽ giữ ở mức 40-60$, mà có thể còn cao hơn.

Từ quan điểm chính trị, điều đó có nghĩa là một loạt quốc gia dầu mỏ với các thiết chế chính trị yếu kém hoặc có các chính phủ độc tài chắc chắn sẽ phải đối đầu với việc đánh mất tự do, đối đầu với tệ tham nhũng ngày một gia tăng cũng như sẽ phải chứng kiến các hành động độc tài, phi dân chủ của nhà cầm quyền. Lãnh tụ của các nước đó hoàn toàn có thể hi vọng vào sự gia tăng đáng kể thu nhập từ dầu mỏ, tiền sẽ giúp họ tăng cường lực lượng vũ trang, mua chuộc các nhà bất đồng chính kiến, mua phiếu của cử tri hay mua sự ủng hộ của xã hội và coi thường các tiêu chuẩn và trật tự quốc tế. Chỉ cần đọc bất kì tờ báo nào, trong bất kì ngày nào, ta cũng thấy sự hiện diện của xu hướng đó.

Lấy thí dụ bài đăng trong tháng 2 năm 2005 trên báo Wall Street Journal kể lại chuyện các giáo chủ ở Tehran đã nhận được nhiều tiền từ việc dầu tăng giá đến nỗi họ cho các nhà đầu tư nước ngoài “đằng sau quay” thay vì trải thảm đỏ mời họ vào. Bài báo có nói đến hãng điện thoại di động của Thổ Nhĩ Kì là Turkcell đã kí hợp đồng với Iran về việc thành lập công ty điện thoại di động đầu tiên tại nước này. Vụ làm ăn thật hấp dẫn: công ty đồng ý trả cho Iran 300 triệu dollar để được cấp phép thành lập xí nghiệp với vốn đầu tư 2,25 tỉ dollar và sẽ tạo ra 20 ngàn việc làm cho người Iran. Nhưng các giáo chủ trong quốc hội đã tìm cách đóng băng hợp đồng, họ viện cớ rằng các gián điệp nước ngoài sẽ lợi dụng mạng di động. Ali Ansari, một chuyên gia về Iran thuộc trường đại học Saint-Andrew (Scotland) kể với chúng tôi rằng các nhà phân tích Iran kêu gọi cải tổ kinh tế cả chục năm qua. “Nhưng tình hình ngày càng xấu đi”, Ali nói, “Họ đã nhận được tiền từ dầu mỏ và không cần cải cách kinh tế gì hết.”

Còn bài báo nói nữa về Iran trên tờ Economist ngày 11 tháng 2 năm 2006: “Khi bụng đã no thì người ta cũng dễ say mê tinh thần dân tộc lắm, Tổng thống Ahmadinejad là người gặp may hiếm có, ông ta tin rằng năm nay thu nhập từ dầu mỏ sẽ là 36 tỉ dollar, nhờ đó ông ta có thể mua được lòng trung thành của nhân dân. Trong dự thảo ngân sách đang được quốc hội xem xét, chính phủ đã hứa sẽ xây dựng 300 ngàn ngôi nhà mà hai phần ba trong số đó nắm ở bên ngoài các thành phố lớn và giữ nguyên mức bao cấp về nhiên liệu, riêng khoản này đã chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội rồi!”

Hay trường hợp Nigeria. Nước này qui định tổng thống chỉ được nắm quyền tối đa là hai nhiệm kì, mỗi nhiệm kì 4 năm. Olusegun Obasanjo được bầu năm 1999, sau giai đoạn cầm quyền của các quân nhân và sau đó được tái cử trong cuộc phổ thông đầu phiếu vào năm 2003. Ông ta đã giành được sự ủng hộ trên khắp thế giới vì đã cho tiến hành điều tra các vụ vi phạm nhân quyền của các tướng lĩnh Nigeria, đã thả các tù chính trị và những cố gắng trong việc loại bỏ tệ tham nhũng. Lúc đó, giá dầu là 25$ một thùng. Hôm nay, khi giá dầu là 60$ một thùng, Obasanjo cố gắng thuyết phục quốc hội thay đổi hiến pháp để ông ta có thể cầm quyền thêm nhiệm kì thứ ba nữa. Wunmi Bewaji, một trong các lãnh tụ đối lập, cho biết các nhà làm luật đã được đề nghị khoản hối lộ là 1 triệu dollar nếu họ đồng ý thông qua tu chính hiến pháp. “Hiện nay người ta đề nghị 1 triệu dollar một phiếu”, VOA News đã dẫn lại trong một bài viết đề ngày 11 tháng 3 năm 2006 như thế. “Chính các quan chức cao cấp tại Thượng và Hạ viện phối hợp làm việc đó”.

Clement Nwankwo, một trong những người tranh đấu vì công lí ở Nigeria, trong lần đến thăm Washington vào tháng 3 vừa qua, đã kể cho tôi nghe rằng: ngay khi giá dầu tăng, “các quyền tự do lập tức bị phương hại nghiêm trọng, việc bắt người diễn ra một cách rất tùy tiện, nhiều nhân vật đối lập bị giết, các thiết chế dân chủ bị ngưng hoạt động”. Dầu chiếm 90% xuất khẩu của Nigeria, ông nói thêm, điều đó phần nào giải thích việc tăng một cách đột biến số vụ bắt cóc người nước nước ngoài tại thung lũng có nhiều mỏ dầu là Niger. Nhiều người Nigeria tin rằng người nước ngoài ăn cắp “vàng đen” của họ vì quần chúng gần như không nhìn thấy bất kì thu nhập nào cả.

Trong các quốc gia dầu mỏ, thường không chỉ toàn bộ nền chính trị xoay vần quanh việc kiểm soát đường ống mà việc nhận thức tình hình trong xã hội cũng bị méo mó. Nếu dân chúng nghèo mà quan chức giàu thì đấy không phải là chính phủ không thể mở rộng giáo dục, sáng kiến, thượng tôn pháp luật và tinh thần kinh doanh. Đấy là do một số người nhận được tiền từ dầu mỏ, còn họ thì không. Dân chúng bắt đầu nghĩ rằng muốn giàu thì phải loại bỏ những người ăn cắp dầu, chứ không phải là xây dựng một xã hội biết đầu tư cho giáo dục, tinh thần kinh doanh và sáng kiến. “Nếu Nigeria không có dầu mỏ thì phương trình chính trị sẽ khác hẳn”, Nwankwo đã nói như thế. “Nếu dầu mỏ không bảo đảm được thu nhập thì vấn đề đa dạng hoá nền kinh tế sẽ được đặt ra, doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng hơn và dân chúng có thể phát triển khả năng sáng tạo của mình”.

Trên thực tế, giá dầu và tốc độ truyền bá tự do có mối liên hệ chặt chẽ đến nỗi ngay các nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng cũng có thể đình hoãn các cuộc cải cách kinh tế và chính trị một khi giá dầu tăng đột ngột. Xin nhớ lại trường hợp Bahrain, nước này biết rằng dầu mỏ của họ đang cạn kiệt và trở thành một thí dụ điển hình về việc giảm thu nhập từ dầu mỏ có thể khuyến khích công cuộc cải cách. Nhưng nước này cũng không đứng vững trước sức quyến rũ của việc tăng giá dầu. “Mọi việc hiện nay đều tốt vì giá dầu tăng. Điều này có thể tạo ra thói tự mãn cho các quan chức”, Jasim Husain Ali, trưởng phòng nghiên cứu kinh tế của trường đại học tổng hợp Bahrain đã nói như thế trong bài phỏng vấn của báo Gulf Daily News số ra gần đây. “Đấy là một xu hướng nguy hiểm vì thu nhập từ dầu mỏ là không ổn định. Có thể là theo tiêu chuẩn của vùng Vịnh thì Bahrain đã đa dạng hoá nền kinh tế nhưng theo tiêu chuẩn quốc tế thì chưa”. Tôi không lấy làm ngạc nhiên khi một nhà báo trẻ ở Tehran nói với tôi rằng: “Nếu chúng tôi không có dầu mỏ thì có thể chúng tôi đã như Nhật rồi”.


Địa chất quan trọng hơn tư tưởng

Dù rất kinh trọng Ronald Reagan, tôi vẫn không tin rằng ông ta đã tiêu diệt được Liên Xô. Liên Xô tan rã là do một loạt nguyên nhân, nhưng chắc chắn rằng việc hạ giá dầu trên thị trường thế giới vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 đã đóng vai trò chủ chốt. (Giáng sinh năm 1991, Liên Xô chính thức thôi tồn tại, giá dầu lúc đó là 17$ một thùng.)

Việc giá dầu tiếp tục hạ đã buộc chính phủ hậu cộng sản của Boris Yeltsin tuân thủ pháp luật và trật tự pháp lí, chứng tỏ sự cởi mở hơn đối với thế giới bên ngoài, cũng như tỏ ra sẵn sàng xây dựng một hệ thống lập pháp mà các nhà đầu tư quốc tế đòi hỏi.

Sau đó là Tổng thống Putin. Xin hãy suy nghĩ về những thay đổi trong con người Putin trong giai đoạn khi mà giá dầu tăng vọt từ 20$ một thùng lên mức 60$ như ngày hôm nay.

Khi giá dầu ở mức 20-40$, ông là một tổng thống mà tôi xin gọi là “Putin Một”. G. Bush, sau cuộc gặp lần đầu tiên vào năm 2001, đã nói rằng ông nhìn thấy “tâm” Putin, rằng đây là một người có thể tin được. Nếu Bush nhìn vào tâm Putin hôm nay, “Putin Hai”, “Putin – 60$ một thùng” thì ông sẽ thấy tâm ông ta đen đến mức nào, đen như một chai dầu mỏ vậy.

Ông sẽ nhìn thấy rằng Putin đã lợi dụng số của cải như tự trên trời rơi xuống để nuốt chửng (quốc hữu hoá) công ty dầu mỏ cực kì to lớn của nước Nga, công ty Gazprom, hàng loạt tờ báo và đài truyền hình cũng như các xí nghiệp và các định chế đã có thời tồn tại một cách độc lập.

Vào đầu những năm 1990, khi giá dầu còn thấp, ngay cả các quốc gia dầu mỏ Arab như Kuweit, Saudi Arabia, Ai-Cập là những nước có nguồn dự trữ khí rất lớn cũng đã nói đến cải cách kinh tế cũng như đã thực hiện những bước đầu chập chững theo hướng cải cách chính trị. Nhưng ngay khi giá dầu bắt đầu lên, toàn bộ quá trình cải tổ lập tức chậm lại, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị.

Cùng với việc các quốc gia dầu mỏ ngày càng tích lũy được thêm nhiều của cải, họ hoàn toàn có khả năng thay đổi toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế và tính chất của cơ cấu quốc tế đã hình thành sau chiến tranh lạnh.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, mọi người đều tin tưởng sâu sắc rằng đây là khởi đầu của một tiến trình phát triển không thể đảo ngược được của thị trường tự do và dân chủ hoá. Sự lan truyền trên khắp thế giới những cuộc bầu cử tự do sau đó đã tạo ra cảm giác rằng tiến trình này là một thực tế.

Nhưng hôm nay, tiến trình này gặp phải một làn sóng của chủ nghĩa độc tài dầu mỏ, sinh ra từ giá dầu là 60$ một thùng. Bất thình lình, các chế độ ở Iran, ở Nigeria, ở Nga và Venezuela bắt đầu ra khỏi tiến trình dân chủ hoá tưởng như không thể nào ngăn chặn được. Tại những nước đó, các nhà độc tài được toàn dân bầu lên sử dụng ngay những đồng dollar bất ngờ ập xuống đầu họ để làm mỗi một việc là được tự do sử dụng quyền lực, mua trọn gói những người bất đồng chính kiến và những ủng hộ viên, bóp cổ khu vực tư nhân.

Thế mà đã có lúc tưởng rằng tất cả những điều đó đã là quá khứ. Làn sóng dân chủ hoá đi theo sau sự sụp đổ của bức tường Berlin đã gặp phải làn sóng đen của chủ nghĩa độc tài dầu mỏ ngang sức ngang tài.

Mặc dù chủ nghĩa độc tài dầu mỏ không tạo ra mối đe doạ về mặt tư tưởng và chiến lược to lớn đối với phương Tây như chủ nghĩa cộng sản nhưng tác động lâu dài của cũng có khả năng phá vỡ sự ổn định trên thế giới.

Một số chế độ đáng ghét nhất trên thế giới sẽ có thêm phương tiện để làm những việc đen tối trong một thời gian dài nữa. Còn một số nước có chế độ chính trị dân chủ nghiêm chỉnh như Nhật Bản và Ấn Độ sẽ phải quị lụy trước các chế độ độc tài như Iran và Sudan và phải nhắm mắt trước các hành động của các nước này vì bị phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ của các nước đó. Đối với sự ổn định thế giới, việc đó sẽ chẳng hứa hẹn điều gì tốt đẹp cả.

Xin nhấn mạnh một lần nữa điều sau đây. Tôi biết rằng mối liên hệ mà những điều trình bày bên trên chỉ ra là không thật hoàn hảo và nhiều độc giả có thể dẫn ra hàng loạt ngoại lệ. Nhưng tôi cho rằng, những nguyên tắc nói tới bên trên thể hiện một xu hướng chung, được phản ánh trong các bản tin thời sự hàng ngày: sự gia tăng giá dầu mỏ đã có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ truyền bá tự do tại nhiều quốc gia. Khi số lượng các nước với tác động tiêu cực đủ lớn thì họ sẽ đầu độc nền chính trị thế giới.

Chúng ta không thể cản trở hay ủng hộ việc cung ứng dầu mỏ vào bất kì nước nào, nhưng chúng ta có thể tác động lên giá dầu nếu chúng ta khởi sự thay đổi số lượng và chủng loại năng lượng mà chúng ta tiêu thụ. Khi nói “chúng ta”, tôi có ý nói đến cả nước Mĩ cũng như các nước nhập khẩu dầu mỏ vì Mĩ tiêu thụ 25% năng lượng toàn cầu.

Suy tư về việc chúng ta sẽ làm gì để có thể thay đổi cơ cấu năng lượng tiêu thụ nhằm góp phần hạ giá dầu mỏ không còn là công việc và thú vui của các nhà bảo vệ môi trường hay vấn đề lương tâm của ai nữa. Hiện nay, đây đã là vấn đề an ninh quốc gia.

Như vậy là các chương trình thăng tiến dân chủ của Mĩ sẽ trở thành vô nghĩa và nhất định sẽ thất bại nếu không bao gồm các kế hoạch thông minh và dài hạn về việc tìm các nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ và làm giảm giá dầu.Hôm nay, điều quan trọng không phải là bạn ủng hộ chính sách đối ngoại nào. Tất cả và từng người chúng ta phải chấp nhận thế giới quan của “hoà bình xanh”. Không thể trở thành người thực tế trong chính sách đối ngoại và người bảo vệ dân chủ hữu hiệu nếu không đồng thời là người bảo vệ môi trường và suy nghĩ về việc sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng.


Bạn muốn biết thêm?

Những ai quan tâm đến vấn đề liên hệ giữa nguồn lợi dầu mỏ và sự phát triển của các hệ thống chính trị xin đọc bài viết Michael L. Ross, “Does oil Hinder Democracy?”, trên tờ World Politics số tháng 4 năm 2001. Còn Richard M. Auty trong tác phẩm Sustaining Development in Mineral Economies: The Resource Curse Thesis, xuất bản năm1993, New York: Routledge, đưa ra lí giải tại sao các nước giàu tài nguyên khoáng sản thường không phát triển được. Jeffrey D. Sachs và Andrew M. Warner cụ thể hoá các luận điểm này trong tác phẩm Natural Resource Abundance and Economic Growth, Washington: National Bureau of Economic Research, 1995. Nhà chính trị học Javier Corrales chứng minh giá dầu cao góp phần củng cố vị trí của các nhà độc tài hiện đại trong bài báo “Hugo Boss” trên tờ Foreign Policy số tháng 1-2 năm 2006. Moises Nairn trong bài “Globoquiz: Guess the Leader”, đăng trên tờ Newsweek International ra ngày 1 tháng 12 năm 2004 so sánh sự giống nhau đến kinh ngạc giữa Hugo Chavez và Vladimir Putin, và sự giống nahu đó đều do dầu hoả mà ra. Trong một bài báo khác trên tờ Foreign Policy số tháng 1-2 năm 2004, tác giả này phân tích sự dịch chuyển của Moskva về phía các quốc gia dầu hoả.


Thomas L. Friedman là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng, trong đó hai tác phẩm Chiếc Lexus và cây OliuThế giới phẳng đã được dịch sang tiếng Việt.

Bản tiếng Việt © 2006 talawas
Nguồn: Foreign Policy qua bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://www.inosmi.ru/translation/227213.html