© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
6.9.2006
Đặng Tiến
Vũ trụ thơ
Nguyễn Du, Bà huyện Thanh Quan, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng
 1   2   3   4   5   6   7 
 
Nữ tính trong thơ Bà huyện Thanh Quan

BÀ HUYỆN THANH–QUAN là một nữ sĩ thời Nguyễn sơ. Về tiểu sử của bà không được đầy đủ lắm. Người ta chỉ biết bà là ái nữ của một vị danh nho, sinh quán tại làng Nghi-tàm, huyện Thọ-xương (nay là huyện Hoàn-long, tỉnh Hà-đông). Bà lập gia đình với ông Lưu Nghị, tự là Lê Nguyên Uẩn, người làng Nguyệt-áng, huyện Thanh-trì, tỉnh Hà-đông, đỗ Cử nhân năm 1821, được bổ làm Tri huyện Thanh-quan (hiện nay là phủ Thái-ninh, tỉnh Thái-bình). Do đó, nữ sĩ được gọi là Bà Huyện Thanh-Quan.

Về những tác phẩm chữ nôm của Bà, hiện nay chỉ còn truyền tụng một số những bài thơ thất ngôn Đường thi, như: “Thăng-long thành hoài cổ”, “Chùa Trấn Bắc”, “Qua Đèo Ngang”, “Cảnh thu”, “Nhớ nhà”, “Cảnh chiều hôm”.

Thơ bà có đặc tính nổi bật là đậm đà lòng nhớ thương quá khứ. Ý ngụ đó đã khiến các nhà phê bình văn học sau này xếp bà vào những thi sĩ có khuynh hướng tình cảm và có tính cách “hoài cổ”.


*


Có những năm tháng đằng đẵng tôi phải sống hoàn toàn xa cách những người thân thuộc. Một phần vì nghề nghiệp, phần khác vì chính tôi muốn xa lánh mọi liên hệ tình cảm, xã hội, để suy tư.

Đời sống như thế, có lúc nó trống trải quạnh hiu đến tàn nhẫn. Có những khi đi làm về, leo thang gác để lên phòng, tôi nghe những bước chân trên bục gỗ dội vào tim đau nhói. Tôi biết trước sự trống vắng của căn phòng, tôi biết trước là không có gì chờ đợi, không có gì thay đổi cả. Căn phòng vẫn như cũ, như lúc tôi đi. Tôi bắt đầu nghe thấy mùi ẩm mốc từ bên trong, và tiếng tích tắc của đồng hồ reo, mó vào chìa khoá cửa tôi rùng mình trước khi hơi giá buốt tuôn ra luồn vào cổ áo.

Như thế, nhiều đêm tôi sợ quá không dám về phòng nữa.

Có một điều lạ là những giờ hiu quạnh nhất tôi thường nhớ đến thơ Bà Huyện Thanh Quan. Những buổi chiều nghe tiếng chim ríu rít gọi nhau về dưới mái hiên, tôi nhớ đến Thanh Quan, những tối nghe mưa thánh thót ngoài cửa sổ, tôi nhớ đến Thanh Quan; thậm chí có những đêm choàng mình tỉnh giấc vì một tiếng thạch sùng chắc lưỡi tôi quờ quạng vào mền chiếu lạnh lẽo, rồi lại nhớ Thanh Quan. Dần dần trở thành một thói quen, thơ Thanh Quan như một lời an ủi, một lời cứu rỗi đối với tôi trong những giờ phút chán nản nhất.

Cuối cùng tôi mới hiểu ra: trong sự trống trải của tâm hồn và thể xác, thơ Thanh Quan là hơi thở đàn bà ấm áp. Đúng, một hơi thở đàn bà; hay một giọng nói êm ái, hay chỉ là cái nhìn im lặng. Có thể của người mẹ, người chị, người vợ, người yêu hay chỉ là một người em gái. Nhưng là một người đàn bà ấm áp.

Có những lúc lòng mình thèm khát một cách xa vắng. Những lúc ấy thơ Thanh Quan bỗng chuyển mình thành một cánh tay nõn nà quàng qua gáy tôi, ôm lấy cổ tôi. Tôi muốn cắn mạnh vào những âm thanh trắng muốt đó.Những lúc ấy có khi tôi rưng rưng nước mắt.

Một vài đêm khó ngủ, tôi lại nhớ Thanh Quan. Tôi lẩm nhẩm đọc thơ bà; một mùi da thịt đàn bà không nồng nàn nhưng mát dịu lẩn khuất bên tôi và ôm lấy giấc ngủ của tôi; tôi có mơ thấy mình đi qua cảnh Đèo Ngang, thăm đống gạch vụn hoang tàn thành Thăng Long, thăm chùa Trấn Bắc; thỉnh thoảng đi với một người đàn bà, thường thường là với những người đàn bà ban ngày tôi hằng mơ ước.

Ý thức được điều đó, lắm khi tôi có cảm giác phạm tội khi đọc thơ Thanh Quan: một thứ tội lỗi u ám, đen tối nhưng êm ái; nhiều buổi sáng tỉnh dậy tôi thở ra thơ Thanh Quan theo từng hơi thuốc lá. Tôi nhìn theo chút hương khói đượm mùi da thịt của thi ca tan dần, mờ dần trong bầu trời xanh buổi sáng. Tôi suy nghiệm, nhận thấy sở dĩ thơ Bà Huyện Thanh Quan gây được một ấn tượng sâu xa như thế, là nhờ một sự nhất trí, nhờ cái hồn chung cho cả mấy bài thơ bà để lại: đó là nữ tính chứa chất trong thơ bà.

Nữ tính dồi dào đến nỗi từ tình cảm đến cảm giác, đến ngôn ngữ, nhạc điệu trong thơ bà, đều là một thứ da thịt đàn bà quyến rũ.

Tình cảm Bà Huyện Thanh Quan có hai đối tượng: là dĩ vãng và gia đình; đây là thứ tình cảm đặc biệt của phụ nữ.

Người đàn bà vốn hay ngoái lại dĩ vãng, dù chỉ là một thứ dĩ vãng không có gì. Văn chương nữ lưu, thường là văn chương kỷ niệm, văn chương của quá khứ.

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

Nàng tiếc một dĩ vãng không rõ rệt. Nói rằng nàng tiếc những xe ngựa, những lâu đài, e hạ thấp nguồn thi hứng của nàng. Luyến tiếc nhà Lê ư? Không lấy gì làm bằng cớ. Ở đây chỉ là một thứ sầu muộn mông lung, thứ tiếc nuối không cùng. Hoài cổ trong Bà Huyện Thanh Quan chỉ là một lối mơ mộng, một lối giải thoát. Đàn ông giàu suy tưởng, đàn bà giàu tình cảm, nhưng nghệ sĩ dù đàn ông hay đàn bà đều không hài lòng với thực tại. Ôn Như Hầu thì “mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên”, Nguyễn Cống Trứ lại “thảnh thơi thơ túi rượu bầu”; toàn là giải pháp cá nhân nhưng có liên hệ với xã hội; nhưng giải pháp xuất thế của người đàn bà hoàn toàn có tính cách cá nhân vì nó chỉ là một giải pháp trên tình cảm thuần túy kín đáo và riêng tư: mối u hoài dĩ vãng. Nhớ thương quá khứ, nhất là cái quá khứ của người khác, hoặc là quá khứ tưởng tượng là đặc tính của một tình cảm ủy mị, yếu đuối: tình cảm đàn bà.

Lối hoài cổ là biện pháp thoát tục của Bà Huyện Thanh Quan; bà còn tìm một hạnh phúc khác trong tục lụy của hiện tại, là hạnh phúc gia đình.

Bà thường nhớ nhà và nhớ quê hương:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

Nói rằng chỉ có đàn bà mới nhớ nhà, nhớ quê e quá đáng. Nhưng lòng nhớ nhung ấy là một ám ảnh thường xuyên trong thơ Bà huyện Thanh Quan. Gia đình đối với bà, là một nhu cầu tâm lý cần thiết; không những nhớ mà thôi, mà còn đòi hỏi một cách thiết tha và cấp bách:

Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?

Kể nỗi hàn ôn! Lời nói mới rạt rào tình cảm làm sao! Một tình cảm pha lẫn cảm giác của xác thịt, tế nhị nhưng đằm thắm, tôi tưởng rằng chỉ có người đàn bà mới có những rạo rực sâu xa và sôi nổi như thế. Tả nỗi nhớ nhung của một phụ nữ, Nguyễn Du có những câu tuyệt khéo:

Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm

Nhưng Nguyễn Du chỉ tả được cái dáng điệu nhớ nhung hoặc cái ý tưởng nhớ nhung như khi Kiều nhớ Kim Trọng hoặc Thúc Sinh. Còn nỗi hoài mong thật sự, trong sự rộn rực của từng thớ thịt phải là người đàn bà mới cảm thấy và diễn tả nổi.

Khi ngoái lại, với lấy những ảo ảnh êm đềm của dĩ vãng hay khi vươn tới hô hấp lấy khí hậu ấm áp của gia đình, Bà huyện Thanh Quan để lộ ra hai tâm trạng: niềm e sợ thời gian trôi qua và sự cô đơn lạnh lẽo.

Run sợ thời gian là tâm trạng đặc biệt của phụ nữ thời xưa, trong văn chương bình dân cũng như trong văn chương cổ kính.

Còn duyên kẻ đón người đưa,
Hết duyên đi sớm về trưa một mình.
(Ca dao)

Ý niệm thời gian rất dồi dào trong Chinh phụ ngâm; Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm đã mô tả rất sát tâm sự của một người đàn bà nóng lòng trước bóng câu qua cửa sổ:

Thử tính lại diễn khơi ngày ấy,
Tiền sen này đã nảy là ba…

Bà huyện Thanh Quan khi nghĩ tới quá khứ, thường đau xót, và thỉnh thoảng giật mình run sợ, run sợ đến đứt ruột:

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Không thể hiểu bà tiếc thành Thăng Long đến “đoạn trường”, tình cảm nhức nhối đó phải có liên hệ trực tiếp đến thân phận mới làm bà thốt lên tiếng nấc cuối cùng thảm thiết như thế; đó là lúc nhớ lại câu triết lý xa xưa:

Giai nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.

Nỗi run sợ thời gian đó, tôi cho là một cạnh khía của nữ tính ngày xưa. Trong tâm sự của nam giới, có lúc tính nhẩm “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy” như Cao Chu-Thần, nhưng đó chỉ là cớ hưởng thụ hối hả cuộc đời, chứ không phải là niềm đau nhức của tâm tư trước bước chân vội vã của thời gian.

Đồng thời với niềm e ngại trước cuộc sống mong manh, Bà huyện Thanh Quan còn ghi lại niềm e ngại phải cô đơn hiu quạnh:

Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.

Sự cô đơn như một trạng thái thường xuyên của tâm hồn, tôi ít khi thấy trong văn chương nam giới. Có khi, người đàn ông thương người tri kỷ quá cố, chớ ít khi than phận cô đơn. Trái lại, một Nguyễn Bình Khiêm đi “tìm nơi vắng vẻ”, một Nguyễn Khuyến tìm thấy hạnh phúc trong cảnh “ngõ trúc quanh co khách vắng teo”. Người đàn bà yêu không gian mênh mông quạnh vắng, nhưng lại cảm thấy lẻ loi, cô độc, và Bà huyện Thanh Quan thích để tâm hồn đong đưa nhè nhẹ trong sự than thân tủi phận, lời nói “ta với ta” là một tiếng thở dài êm ái. Trong những bài thơ nhớ nhà, niềm cô đơn da diết hơn

Lòng quê một bước nhường ngao ngán.

Chúng ta chưa quên bài “Ai tư vãn” của Ngọc Hân Công Chúa, cũng là lời rên xiết của người đàn bà cô độc:

Buồn thay nhẽ sương rơi gió lọt
Cảnh đìu hiu thánh thót châu sa

Lời thơ Ngọc Hân đau xót hơn, là do hoàn cảnh. Bà huyện Thanh Quan được số mệnh ưu đãi, nhưng vẫn nuôi dưỡng trong lòng cái cảm giác gần như là bản thể của người đàn bà muôn thuở.
Vì tâm hồn người đàn bà muôn thuở là lời mời gọi tình cảm, đồng thời cũng là sự thặng dư tình cảm: một trạng thái vừa thừa vừa thiếu. Một nhu cầu trao đổi nhưng không bao giờ được thoả mãn:

Lòng quê một bước nhường ngao ngán
Mấy kẻ tình chung có thấu là?

Nhu cầu trao đổi tình cảm, Bà huyện Thanh Quan còn gửi đến độc giả. Bà cần san sẻ tình cảm của bà với người đọc: bài thơ luôn luôn là một cái cớ để bà tình tự. Cá nhân bà luôn luôn hiện diện, bà tỏ bày tâm sự của chính mình, một cách thành thật, ngay từ đầu một bài thơ:

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà.

Đây là chuyện riêng của một người đàn bà. Thơ bà không bao giờ có tính cách vô ngã như của nam giới, mà là lời tâm sự trực tiếp, lời than vãn, lời trách móc của riêng một người gửi đến một người, phát xuất từ tâm can.

Bà luôn luôn kết luận bằng nỗi lòng; nói khác hơn, thơ nhằm diễn tả nỗi lòng đó; thi ca đối với bà là một phương tiện truyền cảm, một bình thông nhau để truyền bớt phần tình cảm thặng dư: thơ bà là thứ tâm sự đàn bà, một câu chuyện “chị cùng em” rất riêng tư.

Tình cảm nồng nàn và thắm thiết đó diễn tả bằng cách nào? Trước hết là qua những cảm giác của tác giả. Bà huyện Thanh Quan ưa ngắm cảnh vật vào những lúc thiếu ánh sáng; một buổi hoàng hôn còn sót lại một ít nắng tà bảng lảng, hay một ngày mưa lác đác. Đó là thứ không gian mờ nhạt, ảm đạm hay ẩm đục, khác với những khoảng “trời xanh ngắt” của Nguyễn Khuyến.

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn

Ánh sáng mờ đục ấy đôi khi che vũ trụ, làm thay đổi những màu sắc của thiên nhiên, làm lẫn lộn những ấn tượng ánh sáng và bóng tối, hoặc tạo những ảo giác của thị quan:

Xanh om cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ

Âm thanh trong cảnh vật ảm đạm ấy là một thứ âm thanh buồn bã như tiếng mưa nhỏ đều trên những tờ lá chuối, hay thê thảm hơn nữa là tiếng trống rời rạc, tiếng tù và bi thiết. Những âm thanh xa xăm, lạc loài ấy càng gợi thêm ấn tượng vắng vẻ và quạnh hiu.

Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

Tóm lại, cảnh vật trong thơ Bà huyện Thanh Quan là thứ cảnh vật nhìn dưới nhãn quan ướt át của phái yếu. Những xao xuyến nhẹ nhàng thầm kín trong tâm tư phải đi tìm những nét buồn vời vợi, mông lung. Phong cảnh ở đây không thể là một vật rõ rệt, mà phải là một miền khoáng dã, một bãi bình sa, phải là một cảnh vừa mênh mông vừa mơ hồ mới có thể biến chuyển theo nhịp thở của tâm tư, và phản chiếu những màu sắc của nội giới. Như thế, vũ trụ ảm đạm kia là một nhu cầu của nữ tính: một vũ trụ êm ả, mềm yếu, thầm lặng vì được nhận thức qua những giác quan cũng êm ả, mềm yếu, thầm lặng như thế, nghĩa là những giác quan của đàn bà. Tả cảnh mưa gió, Bà huyện Thanh Quan chọn một tàng cây đứng dầm mưa, và tàng cây ấy có một vẻ đẹp đặc biệt, một vẻ đẹp rũ rượi, ủ ê, rất phù hạp với tâm tính yếu đuối, ướt át của người đàn bà.

Hôm qua mưa bụi gió bay
Gió rung cành trúc, gió lay cành bàng
Anh với em cùng ở một làng
Nào em có biết ngõ chàng ở đâu?
(Ca dao)

Người phụ nữ bình dân còn chuộng những cảnh ẩm ướt như:

Trời mưa ướt bụi ướt bờ
Ướt cây ướt lá ai ngờ ướt em…
(Ca dao)

Phong cảnh trong thơ Thanh Quan là những đường nét mênh mông, mơ hồ, mầu sắc rộng rãi nhưng mờ nhạt, âm thanh u hoài và xa vắng; ngoài ra còn có cảm giác ẩm ướt, lạnh lẽo bao trùm cả bài thơ: Người đọc cảm thấy rõ cảm xúc của một người đa cảm, một người đàn bà. Bức tranh của Bà huyện Thanh Quan không bao giờ là một bức tranh thiên nhiên hay tả thực; cũng không đúng là những nét thuỷ mạc chấm phá. Nhưng là một bức tranh ấn tượng, phảng phất một ít u sầu lãng mạn. Vì người đàn bà không quan sát tinh vi, cũng không suy nghĩ một cách trừu tượng; họ chỉ nhạy cảm thấy, và ghi lại những cảm giác của họ: Bà huyện Thanh Quan là nhà thơ của những cảm giác, và của một thứ cảm giác nào đó, thuần tuý phụ nữ.

Bà rất ít lý luận, trong một bài thơ thất ngôn, hai câu “luận” là để lý luận, nhưng rất ít khi bà sử dụng đến, nếu tôi không lầm thì chỉ có một lần:

Bầu dốc giang sơn say chấp rượu,
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ.

Câu trên, phần đông các nhà làm sách giáo khoa giải thích không được hợp lý. Ví dụ một tác giả giải thích “dốc cả bầu rượu mà uống cũng không say” như thế vừa vô lý, vừa ngô nghê, vừa cướp mất nữ tính của câu thơ. Tôi đề nghị nên hiểu là “ngắm cảnh núi sông không cần rượu lòng cũng say”. Như thế, câu luận có tính cách kín đáo, đằm thắm của người đàn bà.

Bà còn ưa chuộng cảnh tiêu điều, hoang phế; cảnh buồn thảm ở đây hạp với nỗi hoài cổ bản nhiên trong người phụ nữ như đã thấy ở đoạn trên:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

Nắng chiều và cỏ dại! Khung cảnh mới tê tái làm sao; tôi nghĩ rằng phải có cái cảm xúc tế nhị thắm thiết của người đàn bà mới chọn lựa những hình ảnh ảm đạm như thế.

Thơ Bà huyện Thanh Quan là tiếng tỳ bà sầu thảm nhưng nhẹ nhàng chứ không não ruột; tình cảm ấy dĩ nhiên phải loang ra chiều rộng chứ không lắng xuống chiều sâu: phong cảnh trong thơ bà cũng thế. Đó là đặc tính của sự nhận thức phụ nữ, của nỗi buồn phụ nữ. Một lần nữa khuôn mặt người đàn bà muôn thuở lại thoáng qua trong tâm hồn người đọc.

Nhưng những cảm giác dồi dào nữ tính đó được diễn tả bằng cách nào? Hình thức bài thơ còn giữ được nguyên vẹn hơi thở thiên nhiên nồng ấm hay không?

Lời lẽ trong thơ Thanh Quan trang nhã đến khách sáo. Bà dùng chữ nho nhiều khiến giọng nói vừa đài các vừa xa cách. Người đàn bà có hai cách nói đặc biệt: hoặc rất chanh chua, đanh đá, hoặc rất thanh tao, kín đáo. Hồ Xuân Hương là trường hợp thứ nhất, Bà huyện Thanh Quan là trường hợp thứ hai. Lời thơ của bà buộc người đọc phải e dè thận trọng khi tiếp xúc với nữ giới. Có người trách thơ bà kiểu cách đến độ khách sáo. Đúng. Vì bà luôn luôn là khách cơ mà! Trong thơ, bà chỉ là kẻ lữ thứ, là “người qua đó” là “kẻ dừng chân đứng lại”; bà là khách của cuộc đời và dĩ nhiên là của độc giả; giữa thơ bà và độc giả có khoảng cách cần thiết để gìn vàng giữ ngọc. Chỉ có nam nhi mới mở những vòng tay thân mật “bác đến chơi đây ta với ta” như trong Nguyễn Khuyến, chứ người đàn bà luôn luôn có cái dè dặt để gìn giữ: “một mảnh tình riêng ta với ta”. Hơn nữa, từ ngữ trong Bà huyện Thanh Quan là những viên ngọc đẹp, những chữ tự nó đã có âm thanh trang nhã: Mục tử, cô thôn, ngư ông, viễn phố, khoáng dã, bình sa, chương đài, lữ thứ, thu thảo, tịch dương… Nhưng chữ đó, tự nó, đã mang ít nhiều vẻ lịch sự đàn bà.

Nữ tính còn phát ra trong cách chọn vật liệu của thi ca. Về cây cối, ngoài một cây cổ thụ không tên, vì bị mưa che lấp, chúng ta bắt gặp trong thơ bà ba thứ cây lớn: tàu chuối, ngàn mai và dặm liễu, - ba thứ cây tượng trưng cho nữ tính.

Cây chuối, về phương diện sinh lý, gợi hình ảnh người đàn bà, với những cây chuối con mọc xum xuê dưới gốc.

Mai và liễu tượng trưng cho người đàm bà về vóc dáng. Mai là một loại cây mảnh khảnh, hoa mỏng manh ngày xưa trồng trước phòng người con gái, do đó có chữ Mai Khuê. Liễu là loài cây mềm mại, tha thiết, lưng thon người con gái gọi là liễu yêu, lông mày cong gọi là liễu my, độc giả vẫn còn nhớ câu thơ “Khuê oán” của Vương Xương Linh:

Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc…

Thơ Bà huyện Thanh Quan chỉ có ba thứ cây, tượng trưng cho nữ tính; ngoài ra có rất nhiều cỏ:

Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu
…Lối xưa ngựa cũ hồn thu thảo
…Cỏ cây chen lá đá chen hoa

Tôi nghĩ loài thực vật khiêm nhượng yếu ớt và nhỏ bé như loài cỏ đặt vào lời nói người đàn bà thật phù hợp. Thảo mộc trong thơ Bà huyện Thanh Quan được chọn lựa theo sở thích, theo linh tính phụ nữ. Thảo mộc ấy có một sắc thái đặc biệt.

Về động vật, chỉ có tiếng chim gọi đàn và những bóng chim do nền trời sẩm tối. Động vật duy nhất là chim. Một lần nữa, sự chọn lựa của Bà huyện Thanh Quan đã gợi nên sự trang nhã, lẫn tính mơ mộng của một tâm hồn phụ nữ. Khi tả những chi tiết trong một cảnh bà chỉ chú ý đến những cái mà người đàn bà thường chú ý:

Một toà sen toả mùi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu.

Những chữ “mùi hương ngự” và “nếp áo chầu” là tạo một hình ảnh âu yếm, đằm thắm, tả cảnh chùa mà vẫn gợi ít nhiều cảm giác ân tình nồng ấm, tưởng lời thơ của phụ nữ mới quyến rũ đến như thế.

Tóm lại ngôn ngữ trong thơ Thanh Quan vừa đoan trang vừa thắm thiết; một lời nói xa cách nhưng gần gũi, e dè mà gợi cảm, muốn dung hợp những tương quan và mâu thuẫn đó, phải là một ngôn ngữ nữ lưu thật sự.

Và ngôn ngữ ấy được sử dụng trên những cung bậc, những âm giai nào. Xin mời độc giả đi vào thế giới âm thanh dìu dặt của Bà huyện Thanh Quan.

Nhạc điệu trong thơ bà là một nhạc điệu dồi dào, thanh thoát, thùy mị và đoan trang.

Thơ bà không có một âm thanh thô kệch y như giọng nói trong trẻo của người đàn bà. Thơ Hồ Xuân Hương là một trò nghịch ngợm nên có những âm thanh dị kỳ một cách cố ý; không thể lấy đó làm phản chứng. Như trong thơ Nguyễn Khuyến, âm điệu có gọt giũa, vẫn còn những chữ chói tai như rằng rặc, long bong, ngõng ngay, ngan ngỗng, co cóp… Trong thơ Thanh Quan không bao giờ có những âm khổ độc như thế: mỗi âm thanh là một sự trang nhã, thùy mị.

Những âm thanh ấy lại được hoà hợp một cách khéo léo:

Cỏ cây chen đá lá chen hoa

Âm thanh như đan vào nhau thành một hòa âm dồi dào nhạc tính. Nhưng tế nhị nhất phải kể câu này:

Xanh om cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xóa tràng giang phảng lặng tờ.

Một nhạc điệu gợi hình mãnh liệt. Về phương diện tử âm, những sát-âm-mềm: x (spirante vélaire) và những tắc-âm-uốn tr (rétroflexe hoặc occlusive alvéolaire) như cuộn vào nhau, quấn chặt lấy nhau: câu thơ lả lướt và êm ả. Về phương diện mẫu âm, câu trên có những năm âm chùm (arrondi) và tối và những âm o, ô, u vừa gợi ra được hình tròn của tàng cây lẫn vùng bóng tối dưới tàng cây. Câu sau, năm âm ang ngang nhau và kéo dài vừa gợi ra mặt phẳng của mặt nước lẫn chiều dài vô tận của dòng sông chuyển mình vào cơn mưa lác đác.

Những câu thơ như thế rất dồi dào nhạc điệu. Người đọc bị mê hoặc, bị cuốn theo. Như trôi trên giọng nói thơm nồng của tình yêu trong ảo giác. Nhất là khi tiết điệu bài thơ lại quyến rũ mãnh liệt:

Gác mái, ngư ông về viễn phố
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dậm liễu sương sa khách bước dồn.

Hai câu trên đảo ngữ buộc ta phải ngừng giọng sau hai động từ “gác mái”, “gõ sừng”, câu thơ do đó mà chậm lại. Nhịp chậm đó lại có tác dụng là tương phản với hai câu sau, làm nổi bật tốc độ rất nhanh của hai câu sau: đó là con chim bay vội vã và người lữ khách dồn chân.

Tiết tấu lúc nhặt lúc khoan, khi nhanh khi chậm hoà nhịp với những âm thanh lúc bổng lúc trầm, khi tối khi sáng, tạo thành một vùng giao thoa huyền bí có ma lực mê hoặc con người. Gần như là một khúc nhạc thần thoại, huyền nhiệm. Không phải, đây chỉ là một giọng nói đàn bà thanh tao, êm ái. Chỉ có giọng nói đàn bà mới có những cung bậc dặt dìu, những âm giai huyền hoặc như vậy. Bà huyện Thanh Quan không phải làm công việc tỉ mỉ của một thợ thơ. Bà chỉ diễn tả tình cảm một cách chân thành và dựa theo linh tính, tư cách người đàn bà để chọn chữ, đặt câu, sắp xếp âm thanh, phân chia tiết tấu: cả vẻ đẹp của người đàn bà trở thành thơ. Vì chính người đàn bà đã là một bài thơ tuyệt diệu.

Người đàn bà ấy đến với tôi với nguyên vẹn những tình cảm, những cảm giác và những lời thỏ thẻ.

Tình cảm của nàng là một khối sầu mộng mênh mông, nhớ nhung da diết. Nàng u hoài dĩ vãng và mong nhớ gia đình: tình cảm ở đây, khi là một lối giải thoát, khi là một sự dằn vặt; người đàn bà yêu quá khứ, cần gia đình, người đó thành thật. Nhu cầu tình cảm của Thanh Quan thiết tha mời gọi. Mời gọi để tâm sự, để bày tỏ; đôi khi một gián tiếp qua những phong cảnh mà giác quan người đàn bà đã thu nhận sau khi gạn lọc những đường nét, mầu sắc, ánh sáng và âm thanh. Sự gạn lọc dựa theo những giác quan nhậy cảm nhưng thiên lệch, vừa tế nhị vừa mơ hồ: giác quan của người phụ nữ.

Rồi Thanh Quan tâm sự. Lời lẽ đoan trang nhưng đằm thắm, kín đáo nhưng thành thật, lời nói thuỳ mỵ, trang nhã. Từng chữ, từng câu, từng ý, đều được cân nhắc bằng một linh tính đàn bà.

Linh tính đàn bà đó có đo lường âm độ của giọng nói, sao cho trang nghiêm mà vẫn nồng nàn, sao cho thanh thoát mà vẫn cảm động.

Tôi thấy cả sự e dè nôn nả của người phụ nữ muôn đời.

Tôi muốn dời thơ Thanh Quan để về với Thanh Quan. Sự mến yêu của tôi thường rất tao nhã. Nàng là một ánh nắng ngủ muộn trên một cành liễu yếu, nàng là tiếng reo vi vu của cơn gió trên những ngọn phi lao.

Có khi nồng nàn hơn. Nàng hiển hiện một chiếc gáy nõn nà với những sợi lông tơ vàng mượt. Những khi ấy tôi thường e ngại.

Có những buổi sáng khoá cửa phòng đi làm, tôi có cảm tưởng như có nàng chờ đợi ở nhà. Tôi nôn nóng trở về, vội vã lên thang gác, và thấy phòng mình ấm hơn thường lệ. Trạng thái này ít khi xảy ra; và mỗi lần như thế, tôi biết mình đang ở trong tình trạng tinh thần bất thường.

Nhưng chắc chắn là sự thưởng ngoạn nghệ thuật của tôi đối với thơ Thanh Quan vẫn trong sáng vằng vặc như trăng sao.

Đà Lạt, 1964

Nguồn: VÅ© trụ thÆ¡, tiểu luận của Đặng Tiến, bìa Văn Thanh, Giao Điểm xuất bản lần thứ nhất. In xong ngày 24 tháng 6 năm 1972. Số thứ tá»± của nhà xuất bản: 32/72. Nạp bồn: đệ tam cá nguyệt 1972. Giấy phép xuất bản số 982-BTT/PHNT, Sài Gòn ngày 30 tháng 3 năm 1972. Tổng phát hành: Nhà sách Đời Má»›i 278-280 đường VÄ©nh Viá»…n, Sài Gòn. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện tháng 8 năm 2006. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của tác giả.