© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
29.8.2006
Trịnh Lữ
Lost in Editing - Đầu đề bản tiếng Việt của cuốn UTOPIA
 
Tôi xin cảm ơn Giáo sư Cao Xuân Hạo đã nói đến cái sai của dòng “Địa đàng trần gian” in dưới đầu đề của cuốn UTOPIA do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn xuất bản đầu năm 2006. Tôi hoàn toàn đồng ý rằng cái đầu đề này là không thể chấp nhận được. Và tôi cũng rất đồng ý với Giáo sư rằng ngoài đầu đề ra, việc trình bày cuốn sách cũng cực kì quan trọng.

Về cuốn UTOPIA này, ngoài việc chọn, đề nghị cho xuất bản, viết lời giới thiệu, và dịch, tôi còn xung phong vẽ bìa, và rất hào hứng vì có dịp tham gia làm một cuốn sách tương đối từ đầu đến cuối, những tưởng kinh nghiệm thiết kế đồ hoạ của mình trong mấy chục năm qua sẽ có ích phần nào.

Thiết kế bìa sách Utopia của Trịnh Lữ
Như thể hiện trong thiết kế bìa của tôi – có sự giúp đỡ của một sinh viên đồ hoạ đại học Yale – cái tên UTOPIA vẫn được giữ nguyên. Tôi không Việt hoá cái đầu đề này thành Nước UTOPIA hoặc Xứ UTOPIA như Giáo sư Cao Xuân Hạo gợi ý, vì thực ra không có cái nước ấy, cái xứ ấy, và bản thân chữ UTOPIA chỉ có nghĩa “no place” – không có chỗ nào như thế cả. Vì anh em Nhã Nam muốn có một cái tiểu đề để người đọc khỏi bỡ ngỡ quá trước cái tên UTOPIA xa lạ, nên tôi đã bỏ nhiều thời gian cho việc này, và cuối cùng quyết định lấy bốn chữ Nhân gian ảo mộng, nhưng cũng không in ngay dưới cái tên UTOPIA như một tiểu đề, mà chỉ là một chú thích hoa thị mà thôi. Tôi nghĩ UTOPIA chính là một ảo mộng của nhân gian, cái mơ ước tử tế không bao giờ thực hiện được vì rào cản lại chính là bản thân con người. Biết vậy, mà những người tử tế vẫn mơ ước, vẫn trân trọng UTOPIA, và đó chính là vẻ đẹp của cuốn sách, là cái giá trị vượt thời gian nhắc nhở chúng ta rằng con người vẫn có ý muốn hoàn thiện mình.

Về mặt đồ hoạ, tôi nghĩ rằng UTOPIA giống một bản thiết kế hoàn chỉnh, nhưng lại không thể thực hiện được, nên phải tìm một hình ảnh nói lên được cái ý đó, mà phải là một hình ảnh được thiết kế hiện đại để truyền đạt cái giá trị luôn thức thời của tác phẩm. UTOPIA không cũ tí nào, những vấn đề nó trình bầy vẫn nóng hổi và như đập thẳng vào mặt chúng ta. Sau khi đã tham khảo nhiều thứ optical illusionsimpossible objects trong lĩnh vực visual perception, tôi quyết định dùng một hình vẽ thuộc loại impossible objects – những vật thể mà vẽ trên mặt phẳng hai chiều của đồ hoạ thì nhìn rất hợp lí và chính xác, nhưng lại không thể tạo dựng vật thể ấy trong không gian 3 chiều. Để được yên tâm về bản quyền, chúng tôi đã tự vẽ cái hình trên bìa theo loại mà Bruno Ernst (tác giả cuốn Adventures with Impossible Objects) gọi là impossible frames. Nền bìa trắng với những yếu tố đồ hoạ mầu đỏ đậm là để thể hiện cái tinh khiết và tấm lòng nhiệt huyết của cuốn sách đối với nhân gian thế sự.

Đến khi sách ra, tôi mới thấy là cả cái tiểu đề của mình lẫn bản thiết kế bìa đều đã bị thay đổi.

Bìa sách Utopia - Địa đàng trần gian của nhà xuất bản
Tôi đã phần nào mất bình tĩnh khi thấy Nhân gian ảo mộng bị thay bằng Địa đàng trần gian. Ngoài những ý kiến như của Giáo sư Cao Xuân Hạo đã nêu ra, tôi còn phàn nàn rằng bốn chữ Địa đàng trần gian khiến cho UTOPIA nhuốm đậm mầu tôn giáo, đặc biệt là Cơ đốc giáo, làm lạc hẳn ý nghĩa và giá trị của cuốn sách. Nhưng sách đã in ra rồi, chẳng ai muốn mất tiền in lại, hơn nữa người ta vẫn tin rằng Địa đàng trần gian là một nhóm từ quen thuộc chẳng có vấn đề gì.

Bìa trong của sách Utopia-Địa đàng trần gian của nhà xuất bản
Mấy anh em làm xuất bản cũng tin rằng cái bìa lấy lại và phải trả tiền của một nhà sách bên Tây đẹp hơn và có giá trị thị trường hơn. Tôi thì thấy nó giống như bìa một cuốn du kí cho trẻ em bên phương Tây, trông đã rẻ mà lại không chuyển tải được ý nghĩa – hoàn toàn không liên quan gì đến du kí – và giá trị thiết thực của UTOPIA, nhất là cho người Việt Nam. Một vài chi tiết khác thuộc về thiết kế sách cũng làm tôi rất buồn và ngạc nhiên: tại sao cái thiết kế bìa của tôi lại in ở bên trong sách, gán ghép với cái tên mới, trong lúc cái impossible object của tôi chẳng liên quan tí gì đến cái tên Địa đàng trần gian in đè cả lên chữ UTOPIA ấy? Rồi trước khi đến phần Lời người dịch thì lại có một trang giới thiệu nữa chẳng rõ là của ai, và đoạn giới thiệu về Thomas More thì lại như là một trang cuối cùng của Lời người dịch, khiến cho người đọc rất rối trí khi mở những trang đầu của cuốn sách.

Chán nhất là cái nếp biên tập phổ biến ở ta vẫn cứ là tự ý sửa, tự ý cắt, tự ý thêm. Động từ “biên tập” bây giờ có nghĩa chính là “cắt, không cần hỏi ý kiến tác giả hoặc dịch giả”. Có lần tôi viết trả lời phỏng vấn, khi nhận lại văn bản, cô phóng viên đánh dấu một đoạn dài và đề là “chú ơi, chỗ này là do xếp cháu biên tập”. Tôi đọc đi đọc lại mãi mà không tìm ra chỗ chỉnh sửa nào trong đoạn ấy, hỏi lại thì mới biết rằng cả đoạn ấy đã bị cắt rồi. Ở những cuốn sách mà tôi đã dịch, hầu hết những đoạn biên tập tự ý sửa đều làm sai lạc văn bản hết, còn nhiều đoạn khác đáng phải sửa thì vẫn thấy để nguyên.

Với hiện trạng cửa quyền trong biên tập và thiếu chuyên nghiệp trong thiết kế sách ở ta, tôi chỉ mong những sai lầm như với cuốn UTOPIA này sẽ là cơ hội để anh em làm sách rút kinh nghiệm theo hướng cương quyết chuyên nghiệp hoá cái công việc có tính hợp tác rất cao là việc làm sách này.

Một lần nữa, tôi xin cảm ơn Giáo sư Cao Xuân Hạo. Nếu Giáo sư không lên tiếng, tôi cũng đã đành im lặng để khỏi mang tiếng là khó tính rồi.

28.8.2006

© 2006 talawas