© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
4.7.2006
Milovan Djilas
Nói chuyện với Stalin
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
7.

Thấy ngày tháng cứ trôi đi một cách vô ích, Koca Popovic quyết định đi về, chỉ để Todorovich ở Moskva đợi xem tình hình phát triển ra sao, đúng hơn là đợi xem khi nào thì các nhà lãnh đạo cao cấp ở đây hạ cố khởi động lại các cuộc đàm phán. Đáng lẽ tôi cũng đi về với Popovic, nếu không có thông báo từ Belgrad rằng Kardeljj và Bakaric đang trên đường tới Moskva và tôi phải tham gia thảo luận với chính phủ Liên Xô để tháo gỡ “các khó khăn” .

Kardeljj và Bakaric đến vào sáng chủ nhật, mồng 8 tháng 2 năm 1948. Chính phủ Liên Xô không mời hai vị này mà mời đích danh Tito, nhưng Belgrad lấy cớ rằng Tito bị mệt nên cử Kardelj đi thay, ngay chuyện này đã chứng tỏ hai bên không còn tin nhau nữa. Cùng lúc đó, đoàn đại biểu Đảng và chính phủ Bulgaria cũng được mời tới Moskva, Lesakov thông báo với chúng tôi như thế, anh ta còn nhấn mạnh rằng đoàn Bulgaria có các “nhân vật chính”.

Trước đó không lâu, ngày 28 tháng 1 năm 1948, tờ Sự thật phê phán Dimitrov và đoạn tuyệt với “những liên bang bịa tạc và đáng ngờ” cũng như các liên minh hải quan của ông. Đây là một lời cảnh cáo, một lời cảnh báo những biện pháp mới và đường lối cứng rắn hơn của chính phủ Liên Xô.

Kardelj và Bakarik được bố trí sống trong một nhà nghỉ ở ngoại ô Moskva, tôi cũng xin chuyển đến ở cùng nhà với họ. Ngay đêm đó, khi vợ Kardelj đã ngủ, còn chính ông thì đã nằm trên giuờng và tôi ngồi cạnh ông thì thầm trò chuyện. Tôi nói cho ông biết cảm tưởng của mình trong thời gian ở Moskva và những cuộc tiếp xúc với các cấp lãnh đạo tối cao Liên Xô. Nói gọn lại là đừng hi vọng gì vào sự giúp đỡ, chúng ta phải dựa vào sức mình là chính vì chính phủ Liên Xô nhất định sẽ tiến hành chính sách khuất phục để đưa Nam Tư xuống ngang hàng với các nước bị họ chiếm đóng ở Đông Âu.

Lúc đó, mà cũng có thể ngay từ khi vừa mới tới, Kardelj đã thông báo cho tôi biết nguyên nhân của sự tranh chấp với Moskva, đấy là hiệp định giữa chính phủ Nam Tư và chính phủ Albania về việc đưa hai sư đoàn Nam Tư vào Albania. Các sư đoàn còn đang được kiện toàn nhưng một đại đội máy bay đã có mặt ở Albania rồi; Moskva kịch liệt chống lại và không chấp nhận cách giải thích là các sư đoàn quân Nam Tư phải bảo vệ Albania trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công của “bọn phát xít-quân chủ” Hi Lạp. Trong bức điện gửi Belgrad, Molotov đe doạ sẽ xảy ra xung đột công khai.

Tôi cũng không thích việc đưa các sư đoàn vào Albania, đây là lần đầu tiên tôi được nghe chuyện này và hỏi Kardelj mục đích của việc đó. Ông ta đánh trống lảng và bảo rằng mình không tham gia…

Tôi không thể khẳng định giả thuyết được đưa ra là các sư đoàn quân Nam Tư được đưa vào Albania theo yêu cầu của Enver Hoxha, mà ông này lại được Moskva xúi giục để lấy cớ lên án chính phủ Nam Tư có ý đồ xâm lược và đế quốc chủ nghĩa. Dĩ nhiên là như thế không có nghĩa là tôi phần nào biện hộ cho sự phản trắc và cũng như sự tàn bạo kinh tởm nhất của Hoxha mà ông ta tiến hành sau đó đối với các đồng chí và chính đồng bào của mình. Vấn đề là các sự kiện chứ không phải cách giải thích, mà sự kiện thì phải được trình bày như chúng đã từng là.

Chính phủ Albania đã đồng ý đưa các sư đoàn quân Nam Tư vào, mặc dù tôi cho rằng họ không thật lòng; để đi đến cùng khi xem xét vấn đề cần phải chú ý đến quan hệ đã xấu đi giữa Nam Tư và Liên Xô và trước hết, phải phân tích quan hệ giữa Belgrad và Tirana vào thời gian diễn ra các sự kiện vừa nêu.

Ngay ngày hôm sau, trong khi cùng Kardelj đi dạo trong công viên dưới ánh mắt theo dõi của các nhân viên tình báo Liên Xô, mặt họ có vẻ buồn vì không nghe được chúng tôi nói gì, chúng tôi, có cả Bakaric, đã thảo luận kĩ và phân tích một cách triệt để hơn.

Mặc dù còn một vài bất đồng về lí luận nhưng chúng tôi hoàn toàn thống nhất về biện pháp giải quyết, như thường lệ, tôi ủng hộ những biện pháp quyết liệt và không thể đảo ngược được.

Cho đến tận chiếu ngày hôm sau, 10 tháng giêng, phía Liên Xô vẫn chưa đưa ra ý kiến gì; khoảng 9 giờ tối hôm đó, họ bảo chúng tôi lên xe và đưa vào thẳng phòng làm việc của Stalin trong Điện Kremli. Chúng tôi ngồi đợi các đại biểu Bulgaria gồm Dimitrov, Kolarov, Kostov chừng mười lăm phút. Họ vừa đến là tất cả được đưa vào gặp Stalin ngay.

Stalin ngồi ở đầu bàn, bên phải là các đại diện Liên Xô: Molotov, Zhdanov, Malenkov, Suslov, Zorin, bên trái là đại diện Bulgaria: Kolarov, Dimitrov, Kostov rồi đến đoàn Nam Tư: Kardelj, tôi, Bakaric.

Về cuộc gặp gỡ này, tôi đã có báo cáo bằng văn bản gửi Ban chấp hành trung ương. Nay tôi không có điều kiện xem lại bản báo cáo đó, những điều trình bày dưới đây là dựa trên trí nhớ của tôi và của những tài liệu đã được công bố về cuộc gặp gỡ nói trên.

Molotov phát biểu trước; ông ta thông báo một cách ngắn gọn rằng đã xuất hiện một sự bất đồng sâu sắc giữa một bên là chính phủ Liên Xô còn bên kia là chính phủ Nam Tư và Bulgaria, đấy là điều không thể chấp nhận được từ quan điểm của đảng cũng như quan điểm nhà nước.

Thí dụ về sự bất đồng đó là việc kí hiệp định hữu nghị giữa Nam Tư và Bulgaria, mặc dù chính phủ Liên Xô cho rằng Bulgaria không nên kí bất kì hiệp định nào trước khi có hoà bình.

Molotv muốn nói cụ thể về tuyên bố của Dimitrov ở Bucarest về việc thành lập liên bang Đông Âu, trong đó có nhắc đến cả Hi Lạp và liên minh hải quan cũng như việc phối hợp kế hoạch công nghiệp giữa Rumania và Bulgaria. Nhưng Stalin ngắt lời:

“Trong các cuộc họp báo, đồng chí Dimitrov phát biểu say sưa quá, không còn biết mình nói gì nữa. Tất cả những gì đồng chí ấy nói, cũng như tất cả những gì Tito nói, ở nước ngoài người ta đều cho rằng đã được chúng tôi cho phép rồi. Thí dụ gần đây có các đồng chí Ba Lan. Tôi hỏi: các đồng chí nghĩ thế nào về tuyên bố của Dimitrov? Họ bảo: hay quá. Còn tôi bảo: không, không hay. Thế là họ bảo rằng họ nghĩ là không hay nếu chính phủ Liên Xô cho là như thế. Họ nghĩ rằng Dimitrov tuyên bố thế là đã thoả thuận và được sự đồng ý của chính phủ Liên Xô rồi nên họ mới ủng hộ. Sau đó, Dimitrov có định thông qua hãng thông tấn Bulgaria sửa lại tuyên bố đó nhưng chẳng sửa chữa được gì. Hơn nữa, đồng chí còn đưa ra thí dụ về việc chính phủ Áo - Hung đã ngăn cản việc thiết lập liên minh hải quan giữa Bulgaria và Serbia, kết luận rõ ràng là trước đây thì người Đức còn bây giờ thì người Nga ngăn cản chứ gì? Vấn đề là gì vậy?”

Molotov tiếp tục nói rằng chính phủ Bulgaria có ý định thành lập liên bang với Rumania mà không tham khảo ý kiến Liên Xô.

Molotov cố gắng giảm nhẹ vấn đề bằng cách nhấn mạnh rằng ông không nói đến một liên bang cụ thể nào.

“Không, các đồng chí đã thoả thuận về liên minh hải quan, về phối hợp kế hoạch công nghiệp”, Stalin ngắt lời.

Molotov thêm:

“Liên minh hải quan và phối hợp kinh tế không phải là thành lập một nhà nước à?”

Vào thời khắc đó, bản chất của cuộc gặp, dù không ai nói ra, đã lộ diện hoàn toàn: quan hệ giữa các nền “dân chủ nhân dân” không thể nào phát triển được nếu những quan hệ đó không phù hợp với quyền lợi và chưa được chính phủ Liên Xô đồng ý. Rõ ràng là đối với những lãnh tụ đầy tinh thần sô vanh, nước lớn Liên Xô, những người luôn coi Liên Xô là “lực lượng tiên phong của chủ nghĩa xã hội” và luôn luôn nhớ rằng Hồng quân đã giải phóng Rumania và Bulgaria, tuyên bố của Dimitrov, tình trạng vô kỉ luật và tự tiện của Nam Tư không chỉ được coi là tà đạo mà còn là sự xâm phạm những quyền “thiêng liêng” của họ nữa.

Dimitrov cố gắng giải thích, cố gắng biện hộ, nhưng bị Stalin ngắt lời suốt.

Đấy là con người thật của Stalin, sự sắc sảo của ông đã biến thành thô lỗ độc địa, thói bất dung đã trở thành không khoan nhượng. Nhưng dù sao ông cũng cố giữ để không nổi đoá thật sự. Ông luôn luôn ý thức được hoàn cảnh, ông chửi bới, trách móc người Bulgaria thậm tệ vì biết rằng họ tuân phục ông nhưng mục đích lại hướng về đoàn Nam Tư, theo kiểu “rung cây nhát khỉ’'.

Được Kardelj ủng hộ, Dimitrov nói rằng Nam Tư và Bulgaria chỉ mới thông báo về việc đạt được thoả thuận chứ không phải là hiệp ước.

“Nhưng các đồng chí không tham khảo ý kiến chúng tôi!”, Stalin gào lên. “Chúng tôi chỉ được biết qua báo chí! Các đồng chí ba hoa những ý kiến vừa mới có trong đầu như mấy mẹ già giữa chợ, còn các nhà báo thì vồ ngay lấy!”

Dimitrov vừa biện hộ cho quan điểm liên minh hải quan với Rumania vừa tiếp tục:

“Bulgaria gặp một số khó khăn về kinh tế, không thể phát triển được nếu không hợp tác với các nước khác. Còn về tuyên bố của tôi tại cuộc họp báo thì tôi có hơi quá đà.”

Stalin ngắt lời:

“Đồng chí muốn nổi danh bằng những câu hay! Nhưng sai hoàn toàn, không thể tưởng tượng được liên bang kiểu đó. Bulgaria và Rumania đã từng có những liên hệ lịch sử nào? Hoàn toàn không! Chưa nói đến quan hệ giữa Bulgaria với, thí dụ, Hungaria hay là Ba Lan.”

Dimitrov biện hộ:

“Thực chất thì chính sách đối ngoại của Bulgaria và Liên Xô không có gì khác nhau.”

Stalin vẫn khăng khăng:

“Khác nhau rất lớn! Che giấu làm gì? Lenin dạy rằng có sai lầm thì phải nhận và sửa chữa càng nhanh càng tốt.”

Dimitrov đấu dịu, gần như vâng lời:

“Đúng thế, chúng tôi có sai lầm và sẽ học hỏi thêm trong lĩnh vực đối ngoại.”

Giọng Stalin vừa găy gắt vừa như chế giễu:

“Học đi! Đồng chí đã làm chính trị năm mươi năm rồi mà bây giờ còn sửa chữa sai lầm! Vấn đề không phải là sai lầm mà là quan điểm, khác với quan điểm của chúng tôi.”

Tôi liếc nhìn Dimitrov: hai tai ông có màu đỏ, trên mặt có những vết đỏ to như vẩy nến. Vài sợi tóc lơ thơ trên đầu, còn búi tóc thì như đã khô vắt vẻo trên cái cần cổ đầy nếp nhăn. Tôi thấy thương ông quá. Con sói già từng tung hoành tại toà án Leipzig, ăn miếng trả miếng với H. Göring và chủ nghĩa phát xít khi chúng đang ở đỉnh cao quyền lực, nay trông vừa buồn bã vừa mệt mỏi.

Stalin tiếp tục:

“Liên minh hải quan, liên bang giữa Rumania và Bulgaria là nhảm nhí! Liên bang Nam Tư, Bulgaria và Albania lại là chuyện khác. Các nước này đã có những mối liên hệ lịch sử. Cần phải thành lập liên bang này càng nhanh càng tốt. Đúng, càng nhanh càng tốt, nếu có thể ngay ngày mai! Vâng, ngay ngày mai nếu được! Các vị bàn với nhau ngay đi!”

Có người, tôi nghĩ là Kardelj, nói rằng việc thành lập liên bang Nam Tư – Albania đang được tiến hành.

Nhưng Stalin nói:

“Không, trước hết là liên bang giữa Bulgaria và Nam Tư, sau đó thì cả hai với Albania.”

Sau đó ông nói thêm:

“Chúng tôi nghĩ nên thành lập liên bang giữa Rumania với Hungaria, còn Ba Lan với Tiệp Khắc.”

Cuộc thảo luận lấy lại không khí bình tĩnh được một thời gian ngắn.

Stalin không đi sâu vào vấn đề liên bang nữa, chỉ thỉnh thoảng mới nhắc đến việc cần thành lập ngay liên bang giữa Nam Tư, Bulgaria và Albania. Trên cơ sở những điều đã được trình bày và những lời nói bóng gió của các nhà ngoại giao Liên Xô lúc đó, có thể kết luận rằng lãnh đạo Liên Xô đã nghĩ đến việc cải tổ Liên Xô, mà cụ thể là hợp nhất với “các nước dân chủ nhân dân”: Ukraine với Hungaria và Rumania, còn Bạch Nga với Ba Lan và Tiệp Khắc, còn các nước vùng Ban Căng thì hợp nhất với Nga! Dù các kế hoạch này có mù mờ đến đâu thì điều rõ ràng là: Stalin đã tìm cho các nước Đông Âu các biện pháp và hình thức sao cho chúng có thể củng cố và bảo đảm trong một thời gian dài địa vị thống trị và bá quyền của Moskva.

Vấn đề liên minh hải quan và hiệp định giữa Bulgaria và Rumania tưởng như đã được giải quyết thì bất ngờ cụ Kolarov lên tiếng, dường như ông vừa nhớ được một chuyện quan trọng:

“Tôi không thấy đồng chí Dimitrov có sai lầm gì cả, chúng tôi đã gửi dự thảo hiệp định với Rumania cho chính phủ Liên Xô từ trước, chính phủ Liên Xô không phản đối liên minh hải quan mà chỉ phản đối định nghĩa khái niệm kẻ xâm lược mà thôi.”

Stalin quay sang Molotov:

“Họ có gửi cho ta dự thảo hiệp định à?”

Molotov không hề lúng túng:

“Vâng, có!”

Stalin tỏ ra thất vọng và bực bội:

“Chúng ta cũng làm chuyện nhảm nhí rồi.”

Dimitrov lập tức bám lấy câu chuyện:

“Đấy là lí do tôi tuyên bố như thế, dự thảo đã được gửi tới Moskva và tôi không nghĩ các đồng chí lại phản đối.”

Nhưng Stalin vẫn không nao núng:

“Nhảm nhí! Đồng chí bốc đồng như đoàn viên thanh niên ấy. Đồng chí muốn làm cho toàn thế giới phải ngạc nhiên, cứ như đồng chí vẫn còn là bí thư Comintern vậy. Các đồng chí cũng như các đồng chí Nam Tư không thông báo cho chúng tôi công việc của mình, chúng tôi phải tìm hiểu mọi chuyện trên đường phố, các đồng chí đặt chúng tôi trước những sự đã rồi!”

Kostov, lúc đó lãnh đạo lĩnh vực kinh tế Bulgaria, muốn nói điều gì đó:

“Những nước nhỏ và kém phát triển gặp nhiều khó khăn… Tôi muốn đề nghị một số vấn đề về kinh tế”.

Nhưng Stalin lập tức ngắt lời ông ta, bảo đến gặp các bộ và nhấn mạnh rằng cuộc họp này chỉ xem xét vấn đề bất đồng trong chính sách đối ngoại của ba đảng và ba nước mà thôi.

Cuối cùng, đến lượt Kardelj. Mặt ông đỏ lên, đấy là dấu hiệu chứng tỏ ông đang bị xúc động, đầu rụt lại và ngắt câu ở những chỗ không đáng ngắt. Ông nhấn mạnh rằng hiệp định giữa Nam Tư và Bulgaria kí bên bờ hồ Bred đã được gửi trước cho chính phủ Liên Xô. Chính phủ Liên Xô không có nhận xét gì ngoài nhận xét về thời hạn hiệp định: “20 năm” thay vì “vĩnh viễn”.

Stalin nhìn Molotov với vẻ trách móc. Molotov gật đầu, môi mím chặt, nghĩa là ông ta khẳng định lời của Kardelj.

“Ngoài nhận xét đó, chúng tôi đã chữa rồi”, Kardelj tiếp tục, “thì không có mâu thuẫn nào cả…”

Nhưng Stalin đã ngắt lời ông ta một cách khá giận dữ, tuy không đến nỗi xúc phạm như đối với Dimitrov:

“Nhảm nhí! Có mâu thuẫn, thậm chí sâu sắc! Đồng chí nói thế nào về trường hợp Albania? Các đồng chí không tham khảo về việc đưa quân vào Albania!”

Kardelj nói rằng chính phủ Albania đã thoả thuận rồi.

Stalin gầm lên:

“Chuyện đó có thể dẫn tới những phức tạp nghiêm trọng trên bình diện quốc tế, Albania là nước độc lập! Các đồng chí nghĩ sao? Các đồng chí cứ việc biện hộ nhưng sự thật vẫn là sự thật: các đồng chí đã không tham khảo chúng tôi khi đưa hai sư đoàn vào Albania.”

Kardelj giải thích rằng tất cả vẫn chưa kết thúc và nói thêm là ông không nhớ có vấn đề đối ngoại nào mà chính phủ Nam Tư không phối hợp hành động với chính phủ Liên Xô.

“Không đúng!”, Stalin gào lên. “Các đồng chí hoàn toàn không tham khảo. Đây không phải là sai lầm, mà là nguyên tắc của các đồng chí, vâng, nguyên tắc.”

Bị cắt ngang, Kardelj đành ngồi yên, ông không thể trình bày hết ý kiến của mình.

Molotov lấy tờ giấy ra và đọc một đoạn trong hiệp định Nam Tư – Bulgaria: “… sẽ hợp tác trong tinh thần của Liên hiệp quốc và ủng hộ mọi sáng kiến nhằm gìn giữ hoà bình và chống lại tất cả các lò lửa xâm lược”.

“Thế có nghĩa là gì?”, Molotov hỏi.

Dimitrov giải thích ý nghĩa của nó là giao cho Liên hiệp quốc đấu tranh chống lại các lò lửa xâm lược.

Stalin xen vào:

“Không, đây là cuộc chiến tranh phòng ngừa, một kiểu công kích trẻ ranh thường thấy! Một câu hay nhưng chỉ có lợi cho kẻ thù.”

Molotov lại nói về liên minh hải quan giữa Bulgaria và Rumania, ông ta khẳng định rằng đấy là sự khởi đầu của việc hợp nhất giữa hai nước.

Stalin xen vào và nói rằng liên minh hải quan là hoàn không thực tế. Sau khi cuộc thảo luận đã trở lại bình thường, Kardelj nhận xét rằng một số liên minh hải quan tỏ ra không đến nỗi tệ.

“Thí dụ?”, Stalin hỏi.

“Thì thí dụ như Benelux”, Kardelj thận trọng đáp, “trong đó có Bỉ, Hà Lan và Luxemburg”.

Stalin đáp:

“Không, không có Hà Lan, chỉ có Bỉ và Luxemburg thôi, cái này là chuyện vặt, không có giá trị gì.”

Kardelj:

“Không, có cả Hà Lan.”

Stalin:

“Không, Hà Lan không tham gia.”

Stalin nhìn Molotov, Zorin rồi những người khác, tôi muốn giải thích cho ông ta rằng từ “Ne” trong tên Benelux là xuất phát từ Netherland, tên gọi chính thức của Hà Lan. Nhưng thấy tất cả đều ngồi im nên tôi cũng thôi không nói, vậy là không có Hà Lan trong Benelux.

Stalin quay sang vấn đề phối hợp kinh tế giữa Rumania và Bulgaria.

“Thật vô nghĩa, thay vì hợp tác sẽ là cãi vã cho mà xem. Liên kết Bulgaria và Nam Tư thì lại khác: ở đây có sự gắn bó, nguyện vọng đã có từ lâu”.

Kardelj nhấn mạnh rằng bên bờ hồ Bled, Bulgaria và Nam Tư đã đi đến quyết định hành động một cách từ từ theo hướng thành lập liên bang giữa hai nước, nhưng Stalin ngắt lời:

“Không, không từ từ, mà ngay lập tức, nếu có thể thì ngay ngày mai. Đầu tiên là Bulgaria và Nam Tư, sau đó thì đến Albania.”

Stalin chuyển sang cuộc khởi nghĩa ở Hi Lạp:

“Phải gói ghém cuộc khởi nghĩa ở Hi Lạp lại”, ông nói đúng như thế - “gói ghém”. Rồi quay sang Kardelj ông hỏi: “Đồng chí có tin vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hi Lạp không?”

Kardelj trả lời:

“Nếu nước ngoài không tăng cường can thiệp và nếu không có những sai lầm lớn về chính trị và quân sự…”

Nhưng Stalin tiếp tục nói, không thèm để ý đến Kardelj:

“Nếu, nếu! Họ không có chút hi vọng nào. Các đồng chí nghĩ sao, chả lẽ Anh, Mĩ, nước giầu mạnh nhất thế giới lại để cho người ta cắt đứt đường vận tải quan trọng nhất ở Địa Trung Hải à? Nhảm nhí! Còn chúng ta thì lại không có hạm đội. Cuộc khởi nghĩa ở Hi Lạp phải gói ghém lại càng sớm càng tốt.”

Có ai đó nhắc đến những thắng lợi gần đây của những người cộng sản Trung Quốc. Nhưng Stalin vẫn giữ ý mình:

“Đúng, các đồng chí Trung Quốc đã thành công. Nhưng ở Hi Lạp tình hình hoàn toàn khác. Hi Lạp nằm trên những tuyến đường vận tải sống còn của các nước phương Tây. Mĩ, nước mạnh nhất thế giới, sẽ trực tiếp can thiệp. Trung Quốc thì khác, Viễn Đông tình hình khác hẳn. Dĩ nhiên là chúng tôi có thể lầm! Khi chiến tranh với Nhật kết thúc, chúng tôi đề nghị các đồng chí Trung Quốc tìm biện pháp thoả hiệp với Tưởng Giới Thạch. Họ nói là đồng ý nhưng về nhà, họ lại làm theo ý mình: tập hợp lực lượng và tấn công. Hoá ra họ đúng chứ không phải chúng tôi. Nhưng Hi Lạp có hoàn cảnh khác, cần phải, không được trù trừ, gói ghém cuộc khởi nghĩa Hi Lạp lại.”

Đến nay, tôi cũng không hiểu Stalin phản đối cuộc khởi nghĩa ở Hi Lạp vì lí do gì. Trong tính toán của ông, không thể có chuyện thành lập một nhà nước cộng sản nữa, cụ thể là Hi Lạp, trên bán đảo Ban-căng một khi ông chưa nắm được các nước kia. Sự phức tạp của các quan hệ quốc tế, mà càng ngày càng có vẻ rắc rối hơn, có thể lôi kéo ông vào một cuộc chiến tranh hoặc có nguy cơ mất ngay những vùng đã chiếm được cũng không thể không nằm trong các tính toán của ông.

Còn việc kiềm chế cách mạng Trung Quốc thì ở đây không nghi ngờ gì rằng đã xuất hiện chủ nghĩa cơ hội trong chính sách đối ngoại, mà cũng có thể ông ta cảm thấy mối nguy cho chính sự nghiệp cũng như đế chế của mình tại nước cộng sản có tầm vóc quốc tế này, hơn nữa, ông ta lại không thể nào khống chế được Trung Quốc từ bên trong. Dù sao mặc lòng, ông biết rằng mỗi cuộc cách mạng, nhất là những cuộc cách mạng mới, sẽ tạo ra một trung tâm độc lập, một chính quyền và một nhà nước của riêng mình. Trường hợp Trung Quốc còn đáng lo hơn vì đây sẽ là sự kiện trọng đại không khác gì Cách mạng tháng Mười.

Cuộc thảo luận đã mất khí thế, Dimitrov chuyển sang nói về phát triển các quan hệ kinh tế với Liên Xô, nhưng Stalin lại ngắt lời:

“Chúng ta sẽ thảo luận chuyện này với chính phủ liên hiệp Bulgaria - Nam Tư.”

Kostov phàn nàn về sự bất công trong hiệp định trợ giúp kĩ thuật, Stalin bảo ông ta viết “tờ giấy” cho Molotov.

Kardelj hỏi quan điểm về việc chính phủ Italy đòi chuyển cho họ quyền ủy trị Somalia. Nam Tư không muốn ủng hộ đòi hỏi đó, nhưng Stalin có quan điểm khác hẳn, ông hỏi Molotov đã trả lời như thế chưa. Stalin giải thích quan điểm của mình như sau:

“Ngày xưa, khi các vua chúa không thoả thuận được với nhau thì họ giao vùng đất tranh chấp cho kẻ yếu nhất để rồi sau đó cướp lại khi có dịp.”

Stalin không quên, khi gần kết thúc buổi gặp, mang Lenin và chủ nghĩa Lenin ra làm tấm bình phong che đậy các yêu cầu và chỉ thị của mình:

“Chúng tôi, những người học trò của Lenin, cũng thường bất đồng quan điểm với chính Lenin, có khi còn cãi nhau nữa, nhưng sau khi đã thảo luận, xác định được quan điểm thì lại tiếp tục hành động.”

Cuộc họp kéo dài chừng hai giờ đồng hồ.

Nhưng lần này Stalin không mời chúng tôi tới nhà ăn tối như mọi khi. Phải công nhận rằng tôi cảm thấy buồn và cay đắng vì chuyện đó; trong tôi, tình người và sự gắn bó với con người này vẫn còn mạnh lắm.

Lòng tôi buồn và trống rỗng, lạnh lùng quá. Tôi đã định nói với Kardelj cảm tưởng của mình ngay trên ô tô, nhưng ông có vẻ chán nản và ra dấu bảo tôi im.

Không phải chúng tôi bất đồng ý kiến, mà đơn giản là chúng tôi có cách phản ứng khác nhau.

Sự bối rối của Kardelj thể hiện rõ, khi ngày hôm sau ông được đưa vào Điện Kremli để kí hiệp định về việc tham khảo ý kiến giữa Liên Xô và Nam Tư mà không có bất kì lời giải thích hay giải thích nào; ông đã kí không đúng chỗ, phải kí lại lần thứ hai.

Ngay hôm đó, theo thoả thuận ngay trong tiền sảnh văn phòng Stalin, chúng tôi đến nhà Dimitrov ăn trưa và bàn về liên bang. Chúng tôi làm việc đó như những cái máy, kỉ luật và uy tín còn sót lại của chính phủ Liên Xô đã phát huy tác dụng. Nhưng câu chuyện rất tẻ nhạt và chẳng kéo dài được bao lâu, chúng tôi thoả thuận là sẽ liên hệ lại sau khi về đến Sophia và Belgrad.

Dĩ nhiên là mọi sự chẳng đi đến đâu vì sau đó khoảng một tháng thì Stalin và Molotov, được sự ủng hộ của Ban chấp hành trung ương Bulgaria, bắt đầu viết thư tấn công ban lãnh đạo Nam Tư. Câu chuyện về liên bang với Bulgaria hoá ra chỉ là một cái bẫy nhằm chia rẽ những người cộng sản Nam Tư mà thôi, nó là một cái thòng lọng mà không một nhà tư tưởng nào dám đút đầu vào.

Tôi nhớ nhất là thái độ thận trọng, gần như là dịu dàng, của Kotov đối với chúng tôi. Chuyện thật lạ bởi vì ban lãnh đạo Đảng cộng sản Nam Tư vẫn coi Kostov là một người chống đối Nam Tư, nghĩa là một người “thân” Liên Xô. Đồng thời vì muốn cho Bulgaria giữ được độc lập nên ông ta ghét người Nam Tư vì cho rằng Nam Tư là trợ thủ đắc lực của Liên Xô, mà cũng có thể chính họ cũng muốn khuất phục Bulgaria. Kostov sau này bị bắn vì bị gán cho là cộng tác với Nam Tư. Trong khi đó, báo chí Nam Tư lại tấn công ông ta cho đến tận ngày cuối cùng. Dưới cái bóng của Stalin, sự ngờ vực và ngộ nhận đã lớn đến mức nào!

Chính tại cuộc gặp này, Dimitrov đã kể về quả bom nguyên tử, còn trước khi chia tay, dường như vô tình, ông đã nói:

“Vấn đề không phải là việc phê bình những lời tuyên bố của tôi, mà là việc gì đó khác cơ.”

Tất nhiên, Dimitrov cũng biết những chuyện mà chúng tôi đã biết. Nhưng ông không còn sức, cũng có thể ông không có uy thế như những người lãnh đạo Nam Tư.

Tôi không sợ có chuyện không hay ở Moskva, vì dù sao chúng tôi cũng là đại diện của một nhà nước độc lập. Mặc dù vậy, tôi thường tưởng tượng ra những khu rừng ở Bosnia, ở đấy, trong những cuộc tấn công điên cuồng nhất của quân Đức, chúng tôi vẫn có thể tìm được những giây phút nghỉ ngơi và thư giãn bên cạnh những dòng suối mát mẻ trong lành.

“Tôi chỉ muốn về thật nhanh, mau chóng trở lại rừng núi của chúng ta.”

Ai cũng cho là tôi cường điệu.

Ba hay bốn hôm sau, chúng tôi được đưa ra sân bay Vnukovskii vào sáng sớm, rồi bị đẩy lên máy bay mà chẳng có một lời chia tay nào. Trong khi bay, càng lúc tôi càng cảm thấy một niềm vui vừa nghiêm túc vừa trẻ thơ và ít khi nghĩ tới câu chuyện của Stalin về số phận của tướng Sikorski.

Có phải chính là tôi, người trước đây chưa đến bốn năm, đã ước ao bay đến Liên Xô, với tất cả lòng trung thành và tâm hồn rộng mở?

Một ước mơ nữa đã tắt khi tiếp xúc với thực tế.

Có phải là để cho một giấc mơ mới ra đời hay không?


Bản tiếng Việt © 2006 talawas
Nguồn: http://ihtik.lib.ru/politolog_28may2006/politolog_28may2006_544.rar