© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
12.6.2006
 
Giai phẩm mùa Thu 1956 - Tập I
 1   2   3   4   5 
 
Huy Phương
Nhật ký đêm hè

Những đêm hè
Khoác áo trăng sao trong vắt

Tôi ngồi bên bàn viết
Lòng phiêu lưu trên trang giấy mênh mông
Ngòi bút chờ thơ, như những dãy phím đàn
Chờ đợi bàn tay cuộc sống

Dưới hè phố, người đi
Những bước đi rộng lớn
Tiếng nói cười rung chuyển ánh đèn khuya
Tôi nhìn qua khung cửa gió lùa
Một ánh sao sa
Chân trời bát ngát…

Các bạn ơi, có bao nhiêu giây phút
Tất cả cuộc đời hé nở trong ta
Như hình ảnh người yêu
Đằm thắm thiết tha
Vụt trỗi dậy trong một giờ chiến đấu
Một câu hát
Một mắt nhìn
Một tiếng máy thì thầm to nhỏ
Là cả cuộc đời phập phồng hơi thở
Như trái mùa hè đang chuyển nhựa nồng thơm
Gạt ánh mặt trời
Ta kiêu hãnh ngước lên
Cả cuộc sống trĩu bàn tay rộng mở

Nhưng bao nhiêu lần
Trong những đường mòn lối nhỏ
Ta bước trên những dáng hình xưa cũ
Như dây leo quấn riết theo chân
Những loài dơi chưa tắt hẳn nắng đêm
Bay chập choạng trên chân trời rạng nắng
Đôi cánh màu tang u ám
Rũ bóng đen xuống những tâm hồn
Những người yêu nhau
Buổi gặp gỡ đầu tiên
Thấy quá khứ ngồi chồm hỗm bên lưng
Khoác áo thụng một quan toà nghiêm khắc
Nó hỏi: Đâu chứng minh thư
và đâu giấy phép
Cho các người quấn quít bên nhau?

Và những bạn một vần thơ nhức nhối trong đầu
Lòng tin tưởng buổi đầu tiên ủ ấp
Muốn trút cả máu mình trên nét mực
Dâng phổi tim trọn vẹn cho cuộc đời
Quá khứ hiện lên trong bóng tối đêm dài
Chặn ấn tín lên dòng thơ nức nở…

Bóng tối ấy từ đâu
Mà hung hãn như một phường bạo chúa
Nhưng quen thân như bạn cũ lâu đời
Như cây đa che rợp ánh mặt trời

Hoa cỏ héo trong lối mòn râm mát
Bóng dáng ngàn xưa.
Nặng nề u uất
Giang hai tay trên những ngã ba đường
Những tượng thần meo mốc sơn long
Còn in bóng trên ruộng đồng đổi mới.

Các bạn mến yêu ơi có phải
Hai ngàn năm vinh quang
Của đất nước ta hùng vĩ
Chỉ còn lại ngày nay
Những khúc hát dở dang
Không, mặc cho những ai
Nâng kính trắng còn càn
Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương
Cao Bá Quát
Vẫn còn mãi
Trong lòng ta xa xót
Mỗi dòng thơ là cười, là khóc
Của dân tộc ta tha thiết tình yêu
Là xóm làng thánh thót tiếng ca dao
Là tiếng hát của sông dài biển lớn

Và hôm nay trên đường đi cuồn cuộn
Những gái trai vừa lứa tuổi hai mươi
Cánh tay xăn ửng đỏ ánh mặt trời
Đi xây dựng Tình yêu và Tổ quốc

Từ ruộng đồng đi lên
Người người lớp lớp
Nắm vững tương lai như nắm chắc tay cày
Ngẩng đầu lên, biết ơn Đảng đời đời
Hai giọt lệ long lanh trên khóe mắt
- Tất cả những ai đang cười
Đều đã từng biết khóc
Nước mắt vui mừng, nước mắt yêu thương
Họ nhìn Đảng phải đâu như một thánh nhân
Mà nhìn Đảng như nhìn con nhìn vợ
Khăng khít ruột già
Trong sướng vui cùng khổ
Chung thuỷ cùng nhau đến trọn cuộc đời

Đất nước đó đây, các bạn mến yêu ơi
Là câu hát là tiếng cười ướt đẫm
Lời cuối cùng sẽ dành cho cuộc sống
Trong lòng ta đuổi sạch bóng đêm dài

Đêm nay, mùa hè
Con tôi nằm ngủ trong nôi
Trong giấc ngủ con mỉm cười với bố
Nhưng có gì đây trên môi con hé nở
Có gì đây trên hàng mi nhỏ con tôi
Như nét đăm chiêu suy nghĩ cuộc đời
Như bóng tối nhiều lần tôi đã gặp…
Không, không phải, màn con tôi đã khép
Đó chỉ là bóng rợp ánh đèn khuya
Tôi cầm trang thơ nhè nhẹ tay đưa
Lùa ánh sáng cho môi con hé mở
Nhưng con ơi! Chú bé yêu của bố
Đời ta ngày mai như trái đỏ mùa hè
Bố muốn con sớm tha thiết say mê
Yêu đất nước và yêu cuộc sống
Bàn tay nhỏ của con sẽ cầm thanh sắt bỏng
Như cầm hoa tươi đi xây dựng cuộc đời
Trên vầng trán con, vầng trán hai mươi
Sớm in rõ những vệt hằn suy nghĩ
Con sẽ sống những ngày hè rực rỡ
Nắng chói loà đốt cháy bóng đêm đen
Thẳng hướng mặt trời con sẽ đi lên
Trăm đôi cánh trên vai đầy rộng mở

Và một đêm, một đêm hè nào đó
Lục chồng sách xưa con đọc mẩu thơ này
Con sẽ nhìn cha, mắt sáng môi cười
Con sẽ nói: đó chỉ là quá khứ!

(6-1956)


*

Quang Dũng
Trên đường chiều thứ bảy

Một chiều thứ bảy
Tôi ngồi bên bàn viết
Không viết nổi một dòng
Bên gác của tôi
Một thiếu nữ chưa chồng
Hay hát một câu hát cũ
“Người yêu say đắm hơn hoa mùa xuân”
Cô ta có người yêu hò hẹn
Những lúc chơi giăng đùa gió trở về
Tiếng guốc lên thang gác lanh chanh
Lại hát lại cười
Lại “người yêu say đắm”
……………………….

Đường phố chiều nay thứ bảy
Niềm vui còn cả ngày mai
Tiếng guốc ròn trên đường nhựa
Những thiếu nữ hai mươi.

Những người thiếu nữ hai mươi
Hãnh diện thấy mình nhan sắc
Tấp nập trên đường
Đi trong tiếng nhạc
Đàn ca, sáo nhị tưng bừng.
Gió mát Hồ Gươm
Ánh cỏ như nhung
Giao hưởng tiếng đời
Va chen điệp khúc
Trăng Cổ Ngư, đường hoa thơm
Mùi dạ hương, gió hoàng lan rạo rực
Hoa bay tà áo tiếng cười.
Người đi về mấy ngả đường vui.

Cửa Nhà hát Nhân dân
Tưng bừng ánh điện
Chiều thứ bảy
Hoà bình đời đang cải thiện
Ca-vát thắt không còn ngượng nghịu
“Những bàn tay còn chai súng
Đã lâu chỉ quen
Đan lấy mũ rừng
nắm chuôi lựu đạn”
Dép lốp áo nâu đã thành kỷ niệm
Màu sơ mi trắng giàu sang
Phơi phới ánh đèn thứ bảy.

Tôi đã gặp em
Một chiều thứ bảy
Đi trong tay một bạn thanh xuân
Bốn bước nhịp nhàng tuổi trẻ
Em đi Nhà hát Nhân dân
Cùng người yêu xem văn công nước bạn

Cách đây mấy năm
Trên núi rừng biên giới uy nghiêm
Có một người
Giữ ảnh của em
Mái tóc và miệng cười như vậy
Miệng cười mái tóc của em
trong chiếc ảnh
Run run những dòng kỷ niệm
Hai người hẹn ước chờ nhau.

Tấm ảnh giữ gìn để trong xà cột
Cùng những bản đồ
và kế hoạch công đồn
Tấm ảnh nâng niu
Như người mẹ nâng con
Của tấm tình đầu mộng đẹp
Anh bạn cầm tấm ảnh
Soi sáng trăng rừng Việt Bắc
Nhớ góc phố chia tay ngày ấy
Lúc Hà Nội Tiến quân Ca vùng dậy
Như trong bài hát những người đi
- Tôi hành quân lên đường
Ngày tháng nhớ chia ly
Đuôi mắt vời trông nếp áo
Em còn nghe tiếng hát
Tiếng báng súng chạm vào ca sắt
Và cánh sao bay trong lá quốc kỳ

Hôm nay chiều thứ bảy
Của hai năm hoà bình lập lại
Tôi gặp em
Nhưng
Người bạn kia
Đã không còn gặp lại
Thân nằm trên một đỉnh Trường Sơn
Rừng núi chiều nay
Sương trắng mỏi mòn
Trăng lặn sau mồ chiến sĩ
Chiều thứ bảy tưng bừng ở đây
Ở nơi kia an nghỉ
Người đã cho tôi, cho em, cho Hà Nội
Ánh sáng niềm vui đáng sống hôm nay
Em không thể đợi hoài
Người không còn trở lại
Đợi làm sao
Người đã chết bây giờ
Người chết đã đi vào kỷ niệm
Đã xa vời
Như ánh sáng trăng sao
Như xa xôi
Một dòng suối ngọt ngào
Róc rách ru đời tiếng nước.
Người đã chết còn làm sao đi được
Trên đường vui ánh sáng hôm nay
Tôi nhìn qua khói thuốc xanh dài
Em thầm lặng đi trong tay bạn mới.
Tôi muốn nói
Lối nói của một nhà thơ xưa vĩ đại
“Hãy hăng hái tiến lên
Hai người trẻ tuổi cứ đi đi
Được lắm!
Và hãy sống làm sao cho xứng đáng
Với người đã hy sinh”
Đó cũng là ý giối giăng
Nằm trong mộng ước
Của những người con yêu ngã trước
Cho Đất Nước bây giờ

Tôi lại gặp
Nhiều người vợ trẻ
Đàn ông đã ngã trên chiến trường
Vất vả nuôi con những ngày kháng chiến
Xót xa thương khóc bao ngày
Chiều thứ bảy hôm nay
Họ đi bên người chồng mới lấy
Và những đứa con
Bước còn bỡ ngỡ
Bên người cha mới hôm qua
Ai biết được bây giờ
Tâm sự của những người
Ngậm ngùi cất kỹ ảnh chồng
Vào đáy hộp nữ trang
Đau khổ đi thêm một bước.
Những người cha đã một lần
Quên mình vì Nước
Hy sinh cho Nghĩa Lớn con người
Họ đã không thể nào
trở dậy
Đường đi dành lại cho ta

Chiều hôm nay thứ bảy
tôi đã gặp rất nhiều
và đã nghĩ
Như một người để chân bước lang thang
Khi muôn tiếng lên đường
Còi điện, phát thanh,
rạp hát trống tuồng nhộn rịp
Và áo màu bay
Phố đang làm đẹp
Cho xứng là Dân chủ Cộng hoà
Hà Nội nghìn năm ánh sáng của ta

Tôi lắng nghe tiếng giầy mình
Nện hè phố rộng
Những tiếng gót giày
tưởng như khua động
Xương người còn gửi quanh đây
Từ những ngày
Mười chín tháng mười hai
Đêm đầu kháng chiến
Gốc sấu, chân tường, ngay bên cột điện
Anh nằm xương trắng mười năm.
Người lính giữ đầu tiên
Hà Nội
Đường cứ dài
Tôi vẫn nghĩ đăm đăm
Sao chính mình vẫn còn trở lại
Những lứa tuổi thanh niên thời đại
Cùng nhau sinh tử ra vào
Sao chính mình còn thấy trăng sao
trên Hồ Tây
uống cốc rượu
ngay bên Hồ Hoàn Kiếm
Ngó tờ áp-phích xi-nê xanh đỏ
Dán trên tường, hay ngắm
những đôi vợ chồng
Đi trong bóng cây che ánh điện
Chính là những bước tường
và chính những thân cây
Người quyết tử quân đã nấp
Những đêm tháng chạp đầu tiên
Hà Nội vào cơn thử lửa.
Cho đến bây giờ
Họ không còn nữa
Bao bạn hữu đã nằm
Tên đã thành bia
trên mồ kỷ niệm
Sử vàng ghi bảng đẹp gia đình.

Cô thiếu nữ xinh xinh
Vừa đi rạp hát
Bắt chước cải lương
Hát giữa cầu thang
Một câu vọng cổ
Bên kia cửa sổ
Cô gái chưa chồng
Vừa tiễn người yêu
Lại lên giọng hát
“Người yêu say đắm hơn hoa mùa xuân”

Cũng như đã bao lần
Tiếng hát làm cho tôi rạo rực
Bâng khuâng thấy nhiều ước mộng
Và thấy đẹp làm sao
Cuộc đời lớn rộng
Cuộc đời
Đã bao người hy sinh cả vợ
Cả con, cả tình yêu, cả tuổi xanh mình
Mới có bây giờ
Trao lại cho ta
Cuộc đời có những chiều thứ bảy
Đường phố bừng lên Ánh sáng
Lời ca
Bước chân rộn rịp
Cuộc đời, dầu là ở nơi cầu thang nhỏ hẹp
Cũng có người vừa tiễn người yêu…


*

Trần Lê Văn
Bức thư gửi một người bạn cũ

Hà Nội tháng 8 năm 1956

Thân gửi anh Nguyễn Vinh Hoa

Tiết trời thu mới vào thu. Tối nay lại là tối thứ bảy. Hà Nội ra cả ngoài đường phố, nhộn nhịp tung tăng. Người và xe ngược xuôi như những dòng nước lũ. Khắp các ngả vang lên điệu dân ca quan họ hát qua đài phát thanh. Đèn điện một rạp tuồng xanh xanh đỏ đỏ. Trên bãi cỏ Bờ Hồ, từng đôi chụm đầu vào nhau thầm thì. Tôi định ngồi vẩn vơ trên ghế công cộng, thưởng thức cảnh ái tình… của người khác và trở về làm thơ ca ngợi cuộc đời. Thế mà, chẳng biết nghĩ ngợi ra sao, tôi rảo cẳng về nhà cặm cụi ngồi trong gian phòng vừa hẹp vừa thấp, không khí oi bức như trong một cái hầm, viết thư này cho anh. Bức thư này, tôi băn khoăn đã lâu lắm, hôm nay mới hạ bút viết. Những điều sắp nói với anh, tôi đã định trình bày dưới một hình thức khác: thơ ngụ ngôn kiểu La Phông-ten hay chuyện cổ tích kiểu An-đéc-sen. Tôi không có tài làm thơ ngụ ngôn hay viết chuyện cổ tích. Vả tôi nghĩ: viết như vậy có lẽ sẽ là một thái độ úp mở. Tính rụt rè đã từng làm cho tôi có thái độ úp mở đó. Chính anh và một số ít người giống anh đã tạo cho tôi cái tính rụt rè đáng bỉ ấy. Tôi không giận anh nữa đâu. Lúc này tôi thấy lòng mình bình tĩnh như mặt biển sau trận bão. Ví như vậy chắc anh thấy là quá đáng vì mấy ai ở đời dám ví lòng mình như biển cả. Và chính biển cả, ngay giữa lúc mặt nó bình tĩnh nhất, biết đâu lòng nó chẳng quay cuồng những luồng sóng ngầm!

Tôi biết do thói quen lâu năm, anh sẽ nhíu đôi mày, nghiêm sắc mặt, nhô gò má lên để làm cho tôi “biết điều hơn”, nghĩa là co rúm người lại chui vào cái vỏ như một con ốc sên hoặc anh sẽ ban tặng một cái cười rất có nghiên cứu, một cái cười khoan dung độ lượng để tôi thấy “mọi sự đều vui vẻ” và đêm ngủ khỏi giật mình.

Thực ra, hai vẻ mặt khác nhau của anh đều nhằm đưa tới một kết quả là làm cho người khác giấu diếm ý kiến thực của mình. Một nhà văn bi quan nào của thời xưa có nói: “Ngôn ngữ vốn dùng để che đậy những ý nghĩ thực”. Tôi không cho câu ấy là đúng, nhất là trong thời đại của chúng ta. Người ta lúc còn sống cạnh nhau nếu không nói thật với nhau thì đợi đến cuộc Phán xét Cuối cùng mới nói thật hay sao?

Trải bao thế kỷ, nhất là trong cái phần đã qua của thế kỷ này, máu đã đổ nhiều, xương đã rơi nhiều cũng chỉ là để đưa tới một cuộc sống thật, với những con người thật biết cảm nghĩ thật, yêu ghét thật.

Anh định góp sức với loài người tạo nên cuộc sống thật, sao anh lại cứ làm một người giả trong cái xã hội đang hy sinh nhiều để vươn mạnh lên cái thật này?

Thời cũ, có những kẻ coi cuộc đời như một hí trường, rắp tâm đội mũ đeo râu chứ không thích làm một vai chạy liệu. Lại có những kẻ coi cuộc đời như canh bạc, muốn xông vào thi thố những ngón xảo trá để ăn to. Thậm chí có kẻ quan niệm cuộc sống là một thương trường. Từ những cái rẻ giá nhất như cáo cũ, đồng nát cho đến những cái cao siêu nhất như đạo lý của các đấng triết nhân, bọn họ đều có thể dùng để làm ra lợi lộc được cả. Tôi nói cho văn vẻ theo kiểu Vũ Trọng Phụng thế thôi, chứ chẳng có dụng tâm ám chỉ gì anh vì anh cũng không đến nỗi mang đủ các tàn tích xấu xa đến thế. Mặt khác, tôi không ưa gì cái thói ám chỉ nó là thói quen của thời nô lệ.

Trong thư này, tôi gọi anh bằng cái tên cũ Nguyễn Vinh Hoa, anh cũng đừng nên lấy thế làm mếch lòng. Chỗ bạn bè thân tình, tôi mới dám suồng sã thế. Anh cho phép nhắc lại một kỷ niệm: hồi chúng ta cùng học trường Bưởi, có lần anh kể tôi nghe rằng nhà ta vốn dòng trâm anh thế phiệt. Ông cụ nhà ta đêm đêm nằm cạnh khay đèn hay kể hai câu Kiều:

Vinh hoa phú quý ai bì
Vườn xuân một thuở để bia muôn đời.

Khi anh ra đời, ông cụ đặt cho anh cái tên đẹp đẽ ấy, làng xóm ai cũng phục. Anh lớn lên hãnh diện vì cái tên ấy, kiêu kỳ với mọi người và vì cái gia thế ấy. Là bạn cùng đèn cùng sách mà hồi đó đối với anh tôi đã thấy tủi thân lép vế trước thái độ mục hạ vô nhân của anh. Ấy là vì tôi chưa được Cách mạng dạy cho hiểu rằng: giá trị con người đâu phải ở cái tên đẹp và dòng họ sang!

Sau tháng tám 45, gặp anh thì anh không còn là Nguyễn Vinh Hoa nữa mà trở thành Lê Hùng Tiến. Giả sử một nhà cách mạng chân chính đổi tên đổi họ để kẻ địch khỏi tìm ra tung tích thì ai cũng thấy phải lẽ. Nhưng đằng này, anh đổi tên, xét ra chỉ để có một cái nhãn hiệu mới thay cho cái nhãn hiệu cũ mà anh cho là quá thời. Với cái nhãn hiệu mới này, anh nghênh ngang, nghễu nghện bước vào cuộc đời mới, che mắt thế gian bằng một thứ trang sức mạ vàng. Anh cắt nghĩa cho tất cả mọi người: Hùng là anh hùng, Tiến là tiến bộ. Thiên hạ bắt đầu nể anh. Anh lại phân bua với quần chúng rằng anh đã tự ý chia cả gia sản cho dân nghèo ngay khi giành chính quyền ở huyện Thái Ninh, quê nhà anh, và hôm nhân dân xông vào chiếm lấy huyện đường, anh vác khẩu súng chim đi đầu... hô khẩu hiệu. Thiên hạ càng nể anh hơn nữa. Thế là, mập mờ đánh lận con đen, dùng danh từ, khẩu hiệu làm lá chắn và bùa hộ mệnh, anh có đủ can đảm chơi trò trịch thượng với đời. Cái chất sống bừng bừng chứa đựng trong các danh từ khẩu hiệu của thời đại mới, anh đang tâm bóp méo, vắt kiệt nó đi theo trí tưởng tượng kỳ quặc, bệnh não của anh hòng bóp méo con người, vắt kiệt chất sống của con người mà Cách mạng đã đổ bao nhiêu máu mới giành lại được.

Anh thường hay bảo người khác “liên hệ bản thân”. Bây giờ anh thử “tự liên hệ” xem sao?

Ở đây tôi không có đủ quyền hạn làm một việc kiểm thảo hay lên mặt quan toà buộc tội anh như anh vẫn thường buộc tội người khác. Nhưng là một con người, lại là bè bạn anh, tôi tưởng có quyền góp một vài “hiện tượng” giúp anh nhìn lại con người mình. Dụng ý tốt nhưng lời nói có vụng về, xúc phạm đến lòng tự ái cũng mong anh thế tất cho.

Nhớ lại còn thấy buồn cười với cái tên “ông khẩu hiệu” người ta tặng cho anh.

Ngày đầu kháng chiến có khẩu hiệu “quần chúng hoá sinh hoạt”. Anh nắm luôn lấy nó để đóng một vai kịch khá lý thú. Hồi ấy mới về nông thôn, anh tuyên bố ầm ỹ là “cương quyết bỏ cái khoản sà-phòng trong sổ chi tiêu riêng” vì cớ “nông dân có dùng sà-phòng đâu mà vẫn sống được”. Ra đường, anh ăn mặc tồi tàn và đi chân đất, tối về không rửa chân trước khi đi nằm. Chủ nhà vốn người chất phác, tin ngay anh là người tốt và nhường cho anh căn nhà rộng nhất, cái giường vững nhất, tấm chiếu lành nhất, lại để anh sai khéo con người ta làm những công việc vặt cho anh.

Mặc áo vá, đi chân đất, ly dị với… sà-phòng, trút bỏ cái lốt “vinh hoa” vũ với cổ cồn ca-vát, anh đã tự nhủ thấy mình là hiện thân của đạo đức mới, đạo đức của quần chúng và thấy có quyền phẫn uất với mọi cái mà anh cho là trái với nền đạo đức ấy. Vì hay phẫn uất, anh hay lên giọng kẻ cả mắng người. Người bị mắng đầu tiên là chủ nhà, kẻ đã nhường nhà cho anh ở. Nhân ngày giỗ mẹ, ông bà ấy mời chúng ta ăn cỗ. Cỗ đây có nghĩa là cơm không độn như thường lệ, lại có vài đĩa thịt và cả tí “nước cay” nữa. Chủ khách đang vui vẻ, anh mượn hơi men, nửa đùa nửa thật, luận thuyết về sự “không nên phạm chính sách tiết kiệm – cần phải ăn cơm độn – một giọt rượu là một giọt máu”. Bà chủ nhà thừa lúc anh ra ngoài, ghé tai tôi nói bằng một giọng sợ sệt “nhà cháu có điều gì sai phạm, ông làm ơn nói với ông Tiến bỏ quá đi cho”. Tôi phải lấy lời lẽ giải thích, an ủi mãi người ta mới yên lòng. Đó là một lối: “quần chúng hoá” đặc biệt của anh. Anh căm thù nhất “cái bệnh tiểu tư sản”. Tôi cũng biết anh đã hiểu rộng câu “tẩy rửa đầu óc tiểu tư sản” trong sách vở. Những tàn tích tiểu tư sản như đồng hồ, bút máy, nhẫn vàng, anh giấu biệt một chỗ. Một buổi sáng, chị ấy lấy hộp gíp ra đánh răng, tự nhiên anh thấy nộ khí xung thiên, quẳng luôn hộp gíp xuống ao vì “dùng gíp đánh răng là đầu óc tiểu tư sản”. Chủ nhà nhìn anh, kinh ngạc. Dần dần ba tiếng “tiểu tư sản” trở nên những tiếng anh quen dùng để kháng cự mọi sự anh không đồng ý. Đại khái người ta mặc cái áo đẹp, hoặc giữ ảnh nhân tình trong túi hay buổi tối chơi ngắm trăng đều là “tác phong tiểu tư sản cả”. Thậm chí cô bé con nhà hàng xóm chạy sang khoe với bạn cái mùi xoa thêu cành hoa con bướm cũng bị anh phê bình ngầm là “ảnh hưởng tiểu tư sản”. Anh quên hẳn cái áo gấm lam của anh còn giữ từ ngày cưới vợ cất ở đáy hòm, thỉnh thoảng vắng người anh đem ra phơi. Giá lúc ấy phát động quần chúng rồi thì khối người vô cớ bị anh liệt phăng vào loại địa chủ gian ác chứ không bỡn!

Anh có thấy không? Lối sống giả tạo ấy cứ theo cái đà tự phụ, tự mãn của anh mà phát triển lên. Năm bắt đầu có chỉnh huấn, anh xung phong đi ngay. Khi đó chúng ta cùng công tác ở một cơ quan. Anh là một trưởng ban, tôi là một nhân viên. Tôi cùng đi dự lớp chỉnh huấn với anh. Trong lớp có khẩu hiệu “Thành khẩn phê bình và tự phê bình”. Một số đồng chí có khuyết điểm nặng, can đảm nói ra. Có người khóc vì hối hận. Ai chẳng cảm động trước sự nói thật, khóc thật. Anh ngồi lầm lì mấy ngày trời tỏ ra nung nấu ghê lắm. Một đêm mọi người đang ngủ yên, anh tung chăn vùng dậy, lay gọi đồng chí tổ trưởng và khóc thét lên, bộc lộ một tội tầy đình: một năm nào đó, sau Cách mạng tháng Tám, anh có tổ chức một đáng phát-xít lấy tên là đảng “Quạ đen” âm mưu làm những việc khuynh đảo. Sau khi “đấu tranh bản thân” anh nói ra “sự thật” với một niềm đau xót vô cùng. Anh xếp đặt câu chuyện có tình tiết hẳn hoi, ly kỳ như chuyện trinh thám. Hôm sau được “báo cáo điển hình” ở hội trường. Thỉnh thoảng anh khóc nấc lên, oằn người như con sâu bị ném vào lửa, tỏ vẻ ăn năn hối lỗi đến cao độ. Gần hết báo cáo, tự nhiên huỵch một cái, anh ngã lăn xuống đất, ngất đi. Anh em xúm lại vực anh dậy, gọi y tá đến tiêm thuốc hồi sinh. Người đời vốn tốt bụng nên cả tin, xôn xao khen ngợi, “anh học viên thành khẩn gương mẫu”. Tôi cũng có tính cả tin, đâu dám ngờ anh bịa chuyện cho ra dáng yên hùng. Tôi lại phục anh về cả hai mặt: một là “to gan lập đảng phát–xít” hai là “lầm lỗi đến thế mà dũng cảm nói ra”. Tuy nhiên, tôi cứ loay hoay tự hỏi: “Quái, hắn lập đảng phát-xít lúc nào mà mình ở sát nách cũng không biết?”.

Ngày qua tháng lại, anh cũng làm đến chức trưởng ty. Chẳng hiểu duyên nợ tiền kiếp thế nào mà tôi cứ phải ở gần anh mãi. Chuyến này anh lập nghiêm hơn trước nhiều. Trước anh cũng có những lúc vui tính và biết cười to như mọi người. Nhưng khi tự cảm thấy mình quan trọng quá rồi thì anh cười càng ngày càng ít. Khi chào ai thì chỉ vừa kịp nhếch nửa cái mép lại đóng lại ngay. Đây cũng lại là một cách anh áp dụng bốn chữ “thái độ nghiêm túc”. Trình độ “nghiêm túc” của anh càng lên cao thì hình thù anh càng thay đổi. Người khô đét lại, thẳng đuỗn như một cái áo quan, mắt chỉ biết trợn chứ không biết nhìn, mặt tái đi vì luôn luôn giận dữ với các loại khuyết điểm trên đời, hai hàm răng xít lại, dẫu có cậy cũng chẳng ra một nụ cười.

Từ khi trong phòng anh dán khẩu hiệu “đặt lợi ích chung trên lợi ích riêng” thì quả anh tỏ ra gương mẫu không ai bì kịp. Ở đâu và lúc nào anh cũng chỉ nói toàn chuyện công tác, không bao giờ đả động tới chuyện vợ con, gia đình. Anh kiêng những chuyện đó như bậc chân tu kiêng phạm giới. Thành thử chúng tôi mỗi khi thèm khát nói về đời tư của nhau một chút, thường phải chờ khi vắng mặt anh mới dám nói vì ngại bị phê bình là “cá nhân chủ nghĩa”, “gia đình chủ nghĩa” và nhiều chủ nghĩa tồi tệ khác nữa. Cũng vì thế mà trong năm sáu năm trời công tác ở cơ quan, dưới quyền điều khiển của anh, tôi chỉ dám đánh bạo xin về thăm nhà một lần, khi nghe tin đứa con đầu lòng của tôi bị thương hàn nặng. Quả thực trông bộ mặt thiểu não của tôi lúc ấy, anh cũng cho phép nhưng không quên kèm theo một câu: “đồng chí không nên nặng đầu óc gia đình nhiều quá!”. Tôi về đến nhà, thằng bé suýt qua đời. Nếu không nhờ hàng xóm láng giềng cứu sống nó thì tôi oán hận anh biết ngần nào! Thú thật có một lần tôi bắt gặp anh cũng “nặng đầu óc gia đình” nghĩa là anh viết thư gửi về nhà cho chị ấy. Đang đề phong bì, chợt trông thấy tôi, anh giấu bức thư xuống dưới một chồng sách. Tôi suýt phì cười nhưng cũng hơi mến anh, chính vì cái việc nhỏ mọn “viết thư cho vợ” đó.

Chừng cảm thấy mình cô độc, bất giác một hôm anh dán trên tường một khẩu hiệu mới “hoà mình với quần chúng” và lập tức thực hiện ngay. Mỗi ngày anh để ra mười lăm phút (có ghi trong thời khoá biểu) để săn sóc mọi người. Săn sóc đây có nghĩa là đến vỗ vai từng người rồi hỏi: “ăn cơm chưa?” hoặc “có khỏe không?” hoặc chỉ gọn lỏn có hai tiếng “thế nào?”. Người được hỏi, thấy cảm động, sắp bắt đầu kể lể tâm sự thì anh đã vội chạy sang phía người khác và hỏi nhưng câu đúng như vậy. Chẳng lẽ những lúc ấy chúng tôi lại nói thật với anh rằng: thà anh tặng chúng tôi mỗi thằng một nhát dao còn hơn ngày nào cũng vỗ vai thăm hỏi kiểu ấy. Đồng bào lân cận cũng được anh săn sóc như thế. Chiều chiều cơm nước xong là có một giờ để dân vận (cái này cũng được ghi trong thời khoá biểu). Đồng bào đã thuộc lòng những câu dân vận của anh: cụ bao nhiêu tuổi? Cụ có mấy con? Con cụ làm gì? Người ta chưa kịp đáp câu này, anh đã hỏi sang câu khác. Có người đã bị anh hỏi như vậy hàng mấy chục lần. Sau những giờ dân vận, anh về ngủ yên giấc như đã làm tròn một nghĩa vụ lớn đối với giống nòi. Hồi ấy anh cũng có một người bạn thân. Đó là một sự lạ. Bạn anh tôi không nhớ tên là gì. Anh chàng ấy giống anh như tạc. Hai anh em gặp nhau mỗi tuần một lần vào chiều thứ bảy, rất đúng giờ (chắc là việc này cả hai đều có ghi trong thời khoá biểu). Trò chuyện tâm giao giữa hai anh cũng có “chương trình nghị sự”. Phần thứ nhất: phân tích tình hình thế giới, phần thứ hai: phân tích tình hình trong nước, phần thứ ba: phàn nàn về những kẻ sai lập trường. Khi các anh có vẻ đã ngấy nhau rồi thì bắt tay nhau và hẹn chiều thứ bảy sau lại gặp nhau. Thường lệ cứ sau đúng một tiếng rưỡi đồng hồ tâm sự là các anh ngấy nhau.

Tôi vừa nói tới hai chữ “lập trường”. Ái chà! về vấn đề này thì thiết tưởng cả thế giới dân chủ khó lòng tìm ra một người “đúng lập trường” như anh. Tôi có nhiều dịp thấy rõ điều này. Anh thường nói: lập trường tỏ rõ nhất trong ngôn ngữ. Vì vậy ở điểm này anh ráo riết lắm. Đồng chí cấp dưỡng một hôm kho thịt, gọi món ấy là “thịt kho Tàu”, anh “chỉnh” đồng chí ấy ngay tại chỗ: “sao không gọi là thịt kho Trung Quốc?” Những tiếng ghép quen dùng như chè Tàu, giày Tàu… anh đều nhất thiết đổi là chè Trung Quốc, giày Trung Quốc v.v… Có lúc tôi đánh bạo góp ý kiến: “Ta gọi nước bạn là Trung Quốc thì đúng lắm rồi, nhưng có một vài trường hợp thiết tưởng có thể linh động được chứ!”. Anh trừng mắt: “tư tưởng này là tư tưởng phá hoại tinh thần hữu nghị!”. Trong một phút đùa cợt, tôi ví cái dáng điệu lấc cấc của một anh bạn như dáng điệu “ét ô tô” thời Pháp. Thế là tôi bị phê bình nghiêm khắc ngay là “xúc phạm tới giai cấp công nhân”. Chẳng những chúng tôi mà cả quần chúng đông đảo cũng lắm phen được anh giáo dục về lập trường rất chu đáo. Từ sau phát động quần chúng có những vở kịch trình bày những cảnh địa chủ áp bức nông dân. Khán giả nhiều khi cảm động không cầm được nước mắt. Nghe nói thế, anh cũng chuẩn bị nước mắt từ ở nhà mỗi khi đi xem kịch. Thường thường anh khóc đúng lúc. Nhưng cũng đôi khi khóc hơi bừa bãi. Thí dụ một buổi đi xem chèo, giữa lúc tên địa chủ trên sân khấu đánh nông dân mạnh quá, rơi cả râu thì anh hu hu khóc. Những người xung quanh đang cười thì bị anh mắng ngay là “thương địa chủ, giễu nông dân”. Mọi người lấm lét nhìn anh và cho đến khi hạ màn không ai dám cười nữa.

Về vấn đề phê bình và tự phê bình, anh cũng rất triệt để và có nhiều sáng kiến.

Mỗi tối trước khi đi ngủ, có mười lăm phút “tự tu” nghĩa là kiểm điểm lời ăn, tiếng nói, việc làm trong một ngày: anh này chót chê tác phẩm của một nhà văn nước bạn là kỹ thuật kém, anh kia chót để cho một người bạn thân ở xa biết địa chỉ cơ quan, anh thứ ba chót sang xin nước uống của một bà hàng xóm, hại cho chính sách dân vận, đều phải kiểm điểm và truy động cơ tư tưởng cả. Chúng tôi ngồi xếp chân bằng tròn như những pho tượng trên chùa xung quanh ngọn đèn dầu lạc, ánh sáng hắt lên những nét mặt đăm chiêu, tiếng nói lầm rầm như đọc kinh sám hối. Ngày chủ nhật thường được nghỉ nửa buổi. Còn nửa kiểm thảo hàng tuần. Việc này làm kỹ hơn tự tu hàng ngày và phải vận dụng lý luận để phê phán lỗi lẫm. Anh ngồi điều khiển, mặt đầy sát khí, cất tiếng rè rè như cái máy hát cũ đem những bài lý luận ra “đối chiếu với thực tế” và phê phán những khuyết điểm để xây dựng cho từng đồng chí. Anh có một lối “phân tích, tổng hợp, quy kết” các loại tư tưởng một cách rất khoa học. Một anh có bệnh ngủ gật trong khi học tập, bị anh phê phán như thế này: ngủ gật là coi nhẹ học tập, coi nhẹ học tập là coi thường lý luận của ta, coi thường lý luận của ta là đứng về phe phản động. Kết luận: ngủ gật là phản động. Tôi không tin rằng thâm tâm anh cũng nghĩ như thế. Tôi nhớ chuyện người của ông Goóc-ki cứ cuối tuần lễ tập trung các cháu lại hỏi tội và vác roi quật những đứa nghịch ngợm. Ở điểm này quả anh giống người ông của Goóc–ki.

Nói đến Goóc-ki, tôi lại nhớ chuyện văn nghệ. Nói cho công bằng anh cũng là người có khiếu văn nghệ và có quan điểm văn nghệ riêng. Anh chủ trương rằng: văn Liên Xô nhất thiết hay hơn văn Trung Quốc, văn Trung Quốc nhất thiết hay hơn văn Việt Nam. Ở trong nước thì văn sĩ cấp khu giỏi hơn văn sĩ cấp tỉnh, văn sĩ cấp tỉnh giỏi hơn văn sĩ cấp huyện. Hay hơn tất cả văn chương các cấp là ca dao ở các bích báo. Lý luận như thế cũng hơi đảo lộn trật tự nhưng thấy đúng quan điểm quần chúng anh lại yên tâm.

Chúng tôi sống luẩn quẩn với anh trong sáu năm trời đằng đẵng. Cơ quan cũng có chuyển địa điểm nhiều lần. Nhưng bất cứ ở đâu, con người anh cũng lù lù như một cái bóng đen đè nặng lên cuộc đời chúng tôi. Chúng tôi đếm từng bước đi, nén từng hơi thở, ghìm từng lời nói. Chúng tôi sống thầm lặng, khép nép, như những người đàn bà tu kín sắc mặt vàng vọt dần, mạch máu khô kiệt dần ở một nơi thiếu ánh sáng mặt trời.

Không biết trong bấy nhiêu năm, chúng tôi đã làm lợi gì cho ai? Và chính anh nữa, anh đã làm lợi gì cho ai?

Chúng tôi hồi đó chỉ có cái thú tai ác là rình lúc nào rảnh việc, tìm chỗ nào vắng nhất cùng nhau bàn về anh để giải trí. Có lúc chúng tôi ví anh như “ông Hít-le” (vì anh cũng đã bộc lộ là đã có phen định làm ông Hít-le con cơ mà) có lúc ví anh như một gã thơ lại hách dịch, hoặc một cụ đồ gàn tưởng cách mạng toàn là chuyện chi, hồ, giả, dã… Chúng tôi vẽ bức biếm hoạ ngộ nghĩnh: anh xếp các khẩu hiệu làm bực thang leo lên ghế thủ trưởng. Chúng tôi còn làm vè đề dưới bức hoạ.

Anh định làm cho chúng tôi sợ thì quả thật anh đã đạt được kết quả mỹ mãn: chúng tôi hàng ngày ngồi trước mặt anh làm việc như những cái máy, nói đúng hơn như những viên tiểu thơ lại. Nói chuyện với anh thì chỉ biết xã giao bằng những câu rất “đúng lập trường” rồi mong mỏi những phút được bá cổ nhau chạy ra chỗ vắng nói tếu cho nở phổi. Cộng lại những phút này cũng hiếm lắm. Trong giấc ngủ hình ảnh của anh cũng không để chúng tôi được nghỉ ngơi thật sự. Có đêm tôi mơ thấy hai cánh tay gầy guộc có móng nhọn nắm cổ tôi lôi xuống một cái hầm tối om, đậy nắp lại. Có đêm lại thấy anh hoá ra con quạ đen quắp tôi bay đi như con đại bằng quắp nàng công chúa trong truyện cổ tích. Tôi thường kêu ú ớ hoặc nghiến răng trong những giấc mơ kinh hãi đó…

May mà cuộc đời không vì anh, vì một vài người ốm yếu như anh mà kém phần khỏe mạnh. Giữa lúc chúng tôi luẩn quẩn với anh thì ngoài trời khoáng đãng kia nông dân vẫn cấy lúa, bộ đội vẫn đánh giặc. Nếu không thì làm gì có Điện Biên Phủ để chúng ta vui sướng, làm gì có lúa gạo cho chúng tôi ăn để chịu đựng anh?

Hồi tưởng lại cho kỹ trong ngần ấy năm cũng có một đôi lần, tôi thấy có cảm tình với ánh. Cái lần đồng chí Mẫn ở Khu về có việc ở đây làm cho chúng tôi và cả anh ngẫm nghĩ.

Đồng chí ấy, kể ra không “oai nghiêm” bằng anh. Đồng chí ấy xuề xoà vui tính, thỉnh thoảng cũng nói tếu như chúng tôi. Tôi lấy làm lạ rằng trong những ngày tiếp đồng chí Mẫn, hình thù dáng dấp anh có đổi khác. Anh nhũn nhặn lắm. Bộ mặt trở nên hiền lành lại có vẻ đứa trẻ ngoan ngoãn. Đồng chí ấy nói đùa anh cũng vâng vâng dạ dạ vì lâu ngày anh quên cả nói đùa. Sau khi đồng chí Mẫn đi, anh bắt chước tác phong của đồng chí ấy được vài hôm nhưng ngượng ngập trông thật tội nghiệp.

Trước kia anh đã lên cấp bằng con đường nghiêm khắc nay anh lại định lên cấp bằng cách vui tính nhưng than ôi! tre già uốn dễ gẫy, lụa đen khó nhuộm hồng.

Một kỷ niệm khó quên nữa là cái lần anh ốm nặng. Ngồi bên giường bệnh săn sóc anh, tôi được nghe anh kể chuyện nhà chuyện cửa. Anh nhớ bà cụ, nhớ chị và các cháu. Lại tả cảnh quê hương với những con đê rặng nhãn. Tôi có ý nghĩ hơi tệ: giá anh ốm mãi lại hoá hay. May sao khi anh khỏe lại thì tôi được điều động sang cơ quan khác…

Bây giờ nửa mừng nửa sợ được biết tin anh. Tôi hỏi chuyện anh em, có người tặc lưỡi nói: “hắn vẫn như trước…”. Tôi không tin nhưng vẫn thấy ngài ngại. Đêm nay tôi cố gắng bình tĩnh để quên mọi bực dọc cũ, viết thư cho anh. Việc đã qua thuộc về dĩ vãng. Tôi không trách anh đã làm phao phí tuổi trẻ và năng lực của một số người trong bấy nhiêu năm. Vì trách nhau cũng chẳng có lợi gì. Anh không phải là một người lẩm cẩm đâu. Anh rất khôn ngoan nhưng đã tính toán lầm. Dựa vào một danh nghĩa lớn, anh làm toàn những việc tủn mủn. Cách mạng đấu tranh cho cái thật, anh dựa vào đấy để làm cái giả. Cách mạng yêu con người, anh không biết yêu con người. Cho nên có lúc xung quanh anh như lạnh lẽo toàn là tử khí. Xác chết toát ra thế nào được hơi nóng. Người khỏe mạnh, ai thích đến gần xác chết, kể cả xác chết người yêu. Anh chưa phải là một xác chết hẳn đâu. Thời đại còn có thể tiêm thuốc hồi sinh cho anh được. Anh nên sống cho trọn vẹn, cùng với mọi người xây dựng cuộc sống. Người ta sẽ yêu mến anh, anh cũng sẽ biết yêu mến mọi người. Cuộc sống sẽ thú vị biết bao! Tôi nói có vẻ nhà mô phạm lắm nhỉ! Đó là thói quen của nghề nghiệp. Anh hiểu cho lòng chân thành là quý.

Nguồn: Giai phẩm mùa Thu 1956 - Tập I. In lần thứ hai. Vá»›i sá»± cá»™ng tác của Nguyá»…n Bính, Hoàng Cầm, Trần Duy, Quang DÅ©ng, Phan Khôi, Hữu Loan, Trần Lê Văn, Phác Văn, Huy PhÆ°Æ¡ng, Lê Đại Thanh, Hoàng Yến. Phụ bản: “Nghỉ trÆ°a" của Nguyá»…n TÆ° Nghiêm, in tại nhà in Quảng Nghi do Ngô Quang Thịnh trông nom. Bìa của Sỹ Ngọc, in tại nhà in Minh Đức, do Nguyá»…n Viết Thưởng trông nom. Tranh đả kích của Trần Duy – Bản khắc của nhà Tiến Mỹ, Hiệp HÆ°ng, Tân HÆ°ng. Minh Đức xuất bản, in tại nhà in Xuân Thu Hà Ná»™i. Hoàn thành ngày 29-8-1956, khổ 16x24, 64 trang số in 318, số xuất bản 48. Ná»™p lÆ°u chiểu tháng 9-1956 tại Hà Ná»™i. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.