© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
8.6.2006
 
Giai phẩm mùa Xuân 1956
 1   2   3 
 
Nguyễn Sáng
Hoa đào vẫn nở

Nước mắt chảy xuôi
Người tiến ngược
Chân rộn bước
Sương rơi lạnh
Mây phủ trắng nhòa lớp lớp núi xanh
Bóng núi đè nặng mi mắt
Tay ghì chặt báng súng giá
Trên không phi cơ
Thả bom đạn đèn dù
Qua bao bản làng xác xơ
Ruộng hoang cỏ ngập đầy bờ.

Ba giờ sáng
Đoàn quân trú lại đêm sương
Một bản ven đường
Vài mái gianh mục nát
Chiếc nôi đứt lạt
Chim lồng đã xổ
Ngoài trời sương đổ dầy đặc
Đêm nay thao thức…

Trời hửng sáng
Nắng vàng xé chân mây
Lán rung rinh bóng lá
Chim rúc rích qua rừng
Báo mừng mùa xuân thắng trận
Nhìn quanh bản mong tiếng trẻ
Cây cam, cây bưởi, cây đào
Cành nâu khô rụng lá
Nền nhà phủ kín lớp than
Giặc Pháp vừa đóng bốt hôm kia…
Góc vườn phía đông
Bàn tay xinh xinh rẽ sóng nắng
Ô! Hoa đào vẫn sống

Hoa vẫn nở rộ màu hồng
Hoa vẫn về với dân

Cô em Tây Bắc ngập ngừng
Nụ cười thơm cả vườn hoa
Hình ảnh ấy quen quen
Thoáng nhanh qua trí nhớ
Trút mạnh hơi thở
Giục đoàn quân nâng lại ba lô

Nước chảy xuôi
Người tiến bước
Chân rộn bước
Mặt cay còn thèm ngủ
Quyết tâm đi làm tròn nhiệm vụ

Nhớ Đảng!
Nhớ Bác!

Đoàn quân đi
Lách vào khe núi
Mũi súng trút về hướng giặc.

(Trên đường hành quân Tây Bắc)

*

Hoàng Cầm
Thơ qua đài phát thanh

Buổi sáng, nắng lên trời Hà Nội
Tâm hồn tôi mang nặng thơ tình
Tôi đi lên đài phát thanh
Đứng trước ống tròn thu tiếng
Phút giây ấy núi sông rung chuyển
Vì thơ tôi sắp sửa truyền xa
Tôi tìm Em trên sóng điện bao la
Thơ đã đứng lên, vút đi, cao lớn
Ống nói như môi em chờ đón
Trầm ngâm, ấp một nụ cười
Tôi sung sướng truyền thơ tôi
Cho những Người yêu khắp nước

Em ở miền trung du
Đồi xanh cỏ mượt
Mắt nhìn lên, nghe tiếng anh đây
Anh ngâm thơ, em tát nước chiều đầy
Tiếng nói Việt Nam lộng lên như gió
Nước trắng tràn ruộng khô
Lòng em tràn tiếng thơ
Lanh lảnh những lời giục giã
Giục lúa mọc đầy đồng
Giục má em ửng hồng
Giục em đi lấy chồng
Nước ruộng lồng hai bóng
Em nghe này giăng đã dựng
Thơ anh đưa em về ngõ tre xa
Còn tiếng đùa nô em bé trước sân nhà
Lửa bếp sưởi bàn tay
Trời khuya giăng sao quần tụ
Kế hoạch chống rét của Chính phủ

Sắm cho em chiếc áo bông dầy
Kế hoạch chống rét của anh đây
Gửi em một bài thơ mới
Lắng nghe, em ơi!
Ngực em bớt lạnh
Thêm bùi củ khoai
Thêm ngọt tấm bánh
Ngoài ruộng ta lúa như mọc cánh
Bay đi khắp bốn phương giời
Thẻ đề tên em chưa nhạt chữ vôi
Thơ anh đến lại thẫm tô nét chữ

Đêm cuối tuần giăng
Ổ rơm em nằm
Thơ anh đến ru em vào giấc mộng
Ngày mai ruộng san phẳng bờ
Máy cày chạy như bài thơ
Lưỡi thép ngoạm sâu vào ruột đất
Nhịp nhàng như điệu ngâm thơ
Bên tai em, trời mây xúc động
Em lái bài thơ
Xới lên cuộc sống
Thẻ đề tên em khắp nước non
Thơ anh dan díu với tiếng hát em ròn
Đâu cũng là tên em thẫm in màu lúa chín.

Tôi chăm chỉ ra đài phát thanh
Đem tiếng thơ gọi nghĩa gọi tình
Qua trời biển
Em ở miền Nam
Lấy chồng sĩ quan Ngô Đình Diệm
Thằng chồng lôi em theo chân gây chiến
Giầy đinh nghiến mặt đường mòn
Em ở đài phát thanh Sài Gòn
Chiều chiều cũng ngâm thơ nỉ non
Giọng u uất, chán chường, trụy lạc
Ngoài này nghe tiếng em rền rĩ
Qua luồng điện giặc Mỹ

Anh thấy em: nằm mệt nhọc, lênh đênh
Trên làn sóng điện
Nghe buồn quá em ơi!
Anh muốn em im bặt
Hãy nghe vần thơ miền Bắc
Ánh mặt trời, tiếng chim trong vắt
Cỏ hoa, ruộng đất
Lúa rợp bờ sông xanh
Em hãy về nằm trong tiếng Anh
Qua đài phát thanh
Hà Nội!

Em để rụng bên gối
Giọt nước mắt của em
Long lanh ngọc báu trong đêm
Không gợn hình ma bóng quỷ
Nước mắt như vần thơ trong
Soi em nhìn lên miền Bắc
Có mắt anh đây: sáng quắc
Có tay anh đây: bao dong
Mở rộng đón em vào lòng
Nước mắt như nước suối thiêng
Lột xác em đã bán cho quỷ dữ
Để em trở lại làm Người
Em sẽ thành cô gái vui tươi
Hát bài thơ anh trong giấc mộng

Tiếng anh ngâm thơ bay bổng
Bế em lên, đi khắp vùng trời
Em hãy nhìn Tổ quốc sáng ngời
Sang sảng đọc thơ Anh, hùng vĩ!

*

Lê Đạt
Mỗi ngày mỗi lớn - Gửi Kế hoạch Nhà nước 1956

Kinh tế không thể vác ba-lô đi bộ
Hoàn thành kế hoạch hai năm.
Cuộc sống mới cần đi xe lửa
Những chuyến xe tốc hành,
Kiến thiết cho nhanh
Đất nước mười năm xơ xác
Bom đạn cày trên người
Nước mắt soi nụ cười
Rũ máu bước đi kiến thiết

Những con đường đã chết
Nghe gọi sống vùng lên,
Vạch cỏ vạch lau đứng dậy
Giơ tay chào những công trường

Chúng ta đi nắng lửa cháy lưng,
Chân nẻ toác trên đá rát,
Mồ hôi lấn từng tấc đất,
Tay không nặn những con đường.

Cây mọc trên rừng
Rừng không có lối
Chỉ có gió lùa sớm tối
Con vượn leo lên
Con chim bay lên
Ta không là vượn
Ta không là chim
Ta cũng leo lên
Chặt gỗ về làm tà vẹt
Rách da tím thịt
Sốt rét rung giường

Cầu sập xuống sông
Nước trôi loang loáng
Đôi bờ cát trắng
Mười năm nhớ nhau
Sóng cả sông sâu
Cầu chìm đáy nước
Tay ta làm cần trục
Nhấc cầu qua sông
Lấy lối cho tầu chạy.

Những người hôm nay cầm máy
Hôm qua còn vác cày
Phí bỏ hai bàn tay
Trong nhà thằng địa chủ
Mọi thứ còn bỡ ngỡ
Trên công trường thành thợ
Dắt máy như dắt trâu
Lửa điện lóe trên đầu
Ánh những bàn tay giải phóng

Đời dân ta mỗi ngày mỗi lớn
Bước đi từng bước khổng lồ,
Đem những giấc mơ
Biến thành sự thực
Thành bù loong đinh ốc
Gá lắp lại cuộc đời.

Thực dân làm mười hai năm
Ta hoàn thành trong bốn tháng
Mỗi ngày thi đua cách mạng
Bằng mấy chục ngày thường
Ta nắm cổ thời gian
Quất cho phi nước đại.
Kéo ngày mai gần lại
Thúc vào lưng cuộc đời
Mở máy đến chân trời cộng sản

Tiếng còi rúc gọi trong ánh sáng
Mời tất cả lên tầu.

(2-1956)

*

Sỹ Ngọc
Sổ tay

Mấy hôm nay gió rét buốt ruột. Cây mạ cắm xuống nước bùn mới được một hôm chưa đủ sức chịu đựng giá rét đứng sững tê liệt. Mạ chưa cấy vàng ngọn, se lại, màu xanh kém óng. Trên mâm cơm của người nông dân đồng chiêm có một vài con cá rô rang muối. Cá cỏng bắt ở ngoài ruộng. Tay đưa xuống nước kiếm từng con cá, nước giá như tiện từng khúc tay, ngón không giữ được cá. Gió thổi như róc da róc thịt.

Nước ở ruộng se dần, như bay đi. Bùn trơ lên, có chỗ đất se lại. Mỗi sáng ra đồng, mắt người nông dân nhìn trời muốn tìm một dấu hiệu về mưa. Mắt mọi người cũng ngóng lên trời. Lúa chiêm, mầu mỡ bị đe dọa.

Trời không mưa, người phải tìm cách cho có nước, cứu mạ, cứu lúa, cứu khoai, ngô, đỗ, cứu thân mình.

Gió cứ cắt da cắt thịt, từng đoàn người mang cuốc thuổng ra cắt đất. Mương hiện hình từng thước một trên cánh đồng. Giếng sâu hàng trượng, nước nhất định phải có ở trong lòng đất. Nhát thuổng xén đất sét vàng từng tảng lên ngon như một miếng bánh. Mương bò từng tấc đất nối cánh đồng thôn Đông sang thôn Đoài, đã đến đích. Nước bắt đầu tuôn vào lòng mương như chảy trong lòng người nông dân. Nước sao mà ấm áp, trong trẻo, lóng lánh cuồn cuộn theo hỉnh thon uốn éo của lòng mương - Nước về rồi. Các cô thôn Đông nghiêng mình soi gương vén mớ tóc xòa, chít lại khăn vuông. Má mọi người đều hồng rừng rực. Máu đã chảy, chạy thấm vào chân mạ, chân khoai. Chân mạ có nước bao bọc ấm dần, đất roãi ra thoải mái không co rúm.

Bên bờ mương gàu giai gàu sóng ì uồm. Nước trắng tinh tung bọt uốn éo theo từng lạch nhỏ thấm vào đất. Cả cánh đồng màu bệch hôm qua bỗng trở nên màu nâu đậm đà mỡ màng.

Mới mấy bữa mà lúa ỏng ả có chỗ sắp dậy thì, lá khoai, lá đỗ reo vui.

Trước đây, địa chủ lấy Trời mà dọa nông dân, mưa nắng sống chết no đói, được mùa mất mùa cũng do Trời. Ngày nay ánh sáng diệu kỳ của Đảng soi đến, soi rõ nguyên hình bọn bóc lột, soi rõ trời.

Có ông lão nông chợt tỉnh ngộ, đếm ngón tay gần bẩy mươi năm sống u mê, tiếc rằng sao bây giờ mình mới biết ánh sáng của Đảng. Ông cụ khóc rưng rức, bàn tay răn rúm ôm đầu.

Có những thanh niên nam nữ ngẩn người ra tiếc những tháng năm giá được biết Đảng sớm thì cuộc đời đã đổi khác rồi.

Nhìn trời đúng, nhìn Chúa và Phật cũng đúng. Chúa và Phật trở nên đúng nghĩa của một sức ủng hộ tinh thần khi con người cần thiết. Chúa và Phật đã bị chúng xuyên tạc thành một thứ đe dọa, hạch sách… Ngày nay, Đảng cũng đã quét sạch cả ma quỉ đã ám bóng Chúa, bóng Phật. Nhà thờ và chùa yên lành sáng sủa.

Nằm trên chiếc ổ rơm, cùng với bà con nông dân chung đắp tấm chăn mỏng, tôi cứ nghĩ quanh quẩn, nếu mai đây nha khí tượng bảo đúng là rét dưới độ không thì bà con chịu làm sao nổi. Có quần áo lành như một số người mà trời hơi rét đã kêu lên ầm ầm, đầu không chui ra khói khăn quàng, hay chăn bông, người không dám ra khỏi nhà. Bà con nông dânh áo manh, hở từng khoảng thịt, vải cũ mỏng như tờ giấy lại đi làm ở giữa đồng. Trẻ em phong phanh: hở cổ. Nhiều em không có quần, áo chỉ là một miếng vải che không đủ người. Càng đói lại càng rét nhiều. Làm thế nào?

Bà con đã họp nhao bàn kế hoạch chống rét. Trước hết là lo cho trâu bò. Rồi đến sự tương trợ lẫn nhau, giúp nhau từng miếng xác tải, manh chiếu. Ai ít quần áo nhất, ai không có? Người có hơn một ít nhường ngay: Thôi thử gọi là tương đối.

Quả thực tôi cảm phục sức anh dũng của anh chị em. Cứ nghĩ nếu mình sống một cuộc sống như vậy, chắc mình không đủ sức để còn sống, đã chết từ lâu rồi. Địa chủ bóc lột, khí hậu dằn vặt người. Vậy mà anh chị em đã anh dũng tìm hết cách để mà sống, cho đến ngày nay được giải phỏng. Mới biết mình hèn hơn bà con. Sợ đói, sợ rét, sợ bẩn, sợ khổ nhiều thứ, sợ, ích kỷ. Nghĩ lại những năm xưa khi nào có được quần áo rét tốt, chỉ muốn trời rét lên cho mình mặc cho thích. Ngoài ra không nhìn thấy hàng triệu bà con thiếu áo thiếu chăn.

Bà con lao động nghèo rách dạy chúng ta nhiều điều hay. Sách vở nào có một chủ nghĩa nhân văn tốt đẹp như ở tấm lòng thương yêu nhau của bà con?

Xe đạp vượt qua cầu sông Đuống rời đến bên kia Gia Lâm. Hình thái cuộc sống ở đây rộn rịp khác lắm - khác không khí của đồng ruộng. Từ bùn dấy lên một loạt người sạch sẽ thơm tho. Ở đây từ than bụi cũng mọc lên một loạt người mới. Bọn chúng xuống đất đen, ngày lại ngày, bàn chân của bà con lao động giẫm lên, đất càng đầy, đắp bồi lên xác chúng mãi mãi tiêu tan.

Trời trong sáng vĩnh viễn.
(12-1955)

*

Trần Dần kể

Lê Đạt ghi
Lão Rồng


Trong các cuộc họp xóm kỳ cải cách ruộng đất ở xã P. T., thường khi bà con chưa đến đủ mà các cụ ông cụ bà bao giờ cũng đến sớm sủa nhất, đã ngồi ních giữa giường bên rồi, các cụ cứ ngồi đợi, nói chuyện thiên chuyện địa mãi, có khi hàng tiếng đồng hồ chán ra các cụ lại đùa nhau, lại hò nhau “văn nghệ”, các cụ bà “kể hạnh”, chỉ có các cụ ông là thua kém về cái môn vui nhộn. Thường khi ấy các cụ ông hay nhắc tới tên lão Rồng. Giá mà lão Rồng còn sống nhỉ!... Cánh lão ta không có lão Rồng đâm ra sút kém hử...! Vân vân. Nhiều lần như thế tôi mới chú ý, hỏi xem lão Rồng là người như thế nào? Các cụ tranh nhau kể lại cho tôi nghe câu chuyện ông lão tài ba ấy.

Cách đây mười năm, hồi còn mồ ma đế quốc Pháp với cái bộ máy hương tổng kỳ lý ở nông thôn, ở xóm Đinh đây có một ông lão ngót sáu mươi, cả ngày say rượu bét nhè gọi tên là lão Rồng. Nhà thì nghèo lắm, độc có hai vợ chồng già với con gái lớn chuyên đi làm thuê làm mướn, ngày mưa cũng như ngày nắng, ngày bão cũng như ngày yên, nếu nghỉ thì treo niêu mất, nên nhà Rồng ấy cứ quần quật năm tháng chẳng biết ngày đêm, vậy mà ông lão Rồng lại nghiện rượu, ngày ít một cút ngày khá hàng chai. Làm bao nhiêu cho đủ được? Bà con sẩm tối là thấy lão Rồng ngất nghểu ở quán hàng đầu xóm, hay khà khiễng đi trong đường làng, miệng hát ngêu ngao, trẻ con đi theo sau hàng chục đứa. Bố mẹ răn con: “Mày cứ theo ông Rồng ông ấy ném xuồng ao thì mày chết”. Còn kêu ai với cái người say rượu, song le lão Rồng chưa ném đứa trẻ nào xuống ao cả. Nói gì đánh, đến như chửi mắng cũng không bao giờ, lão Rồng rất yêu trẻ, nào cho miếng bánh đa quả ổi “đồ nhắm”, nào vỗ vã và nhất là dạy hát. Ấy chính bố mẹ sợ điều ấy nhất, con dại cái mang, nhỡ ra theo lão Rồng rồi hát những câu nhảm câu nhí mà gieo vạ lên đầu bố mẹ. Số là lão Rồng nổi tiếng đặt vè khắp cả một vùng. Mà trẻ con thì như là những tay cán bộ truyền bá câu vè của lão đi. Lão Rồng: sáng tác gia. Trẻ con: nhà xuất bản và phát hành. Nên chi đâu có lão Rồng là có trẻ con. Tuổi trẻ nó hơn tuổi già ở chỗ đó, nó cứ bám quanh lão, học hát, câu vè càng lạ, càng xó xiên nó càng thích. Vả có gì bố mẹ nó khổ nhiều chứ trẻ con đến đánh là cùng. Đánh thì cũng đau nhưng đau mà được hát vè xỏ lá thì vẫn thích hơn. Dù sao vè lão Rồng cũng nổi tiếng lắm.

Thôi thì đủ. Vè răn trộm cướp, giới tà dâm. Kể thì cũng là luân lý cả, song vè lão Rồng không luân lý như ông đồ đạo mạo. Mà nó cứ xồ xề, châm chọc, đâm ba chày củ. Vậy sao thầy đồ không có tuổi trẻ bám chân lại không nổi tiếng như lão Rồng? Ví dụ vè chửa hoang có câu:

Nằm mơ thấy Phật
Cởi quần em ra
Sớm sau bụng phình


Các ông sư lắc đầu, cấm chỉ lão Rồng hễ bén mảng tới cửa chùa thì đánh gẫy cẳng! Các bà mẹ già mộ Phật giận lắm nhưng gặp lão Rồng vẫn phải chào, nhỡ ra lại có vè thì khổ. Bà con ghét lão, khinh lão mà lại sợ lão vì vậy, chỉ có cái tuổi trẻ vô tư mất dạy kia thì mới yêu lão Rồng mà thôi.

Mà cái lão say rượu thế cũng còn dám làm cả vè răn rượu nữa mới khỉ chứ. Nhưng lão khôn lắm:

Những người tuổi tác
Như lão Rồng đây

Be bét đêm ngày
Là môn thuốc lão.

Thế rồi xuống dưới lão mới châm chọc cái tệ rượu, thường là lão xỉa xói những cái bọn nghiện rượu mà xưa nay không mời mọc lão! Đôi khi cũng kết quả ra phết, gặp nhau ngoài quán, lão Rồng lại được thết dăm ba chén lớn nhỏ, có lúc lão cũng còn làm cao “không thèm”.

Ấy thế mà ối người có lúc phải cày cục lão, chẳng hạn như thù nhau, như mất gà, như ngôi thứ đỉnh chung vân vân… thôn quê thiếu gì chuyện ấy, thế là lão Rồng lại có chén. Nhiều thì tùy theo, tuy là lão chưa có ý thức rõ rệt về cái vấn đề nhuận bút, quyền tác giả gì đó, nhưng lão cũng đã biết nói là: “để cho nó nhuận bút…”

Song lẽ đời lão lắm kẻ thù. Đến nay bà con còn nhớ ối câu vè lão Rồng, nhưng đời lão gay go từ cái bài “Khuyến thiện” hiện nay còn truyền tụng, nhất là trong cải cách thì thấy nó “hiển hiện” lắm, tưởng như lão Rồng còn đây, sát cánh với bà con đấu tranh địa chủ. Số là bài vè “Khuyến thiện”, lão Rồng đã cả gan nhiếc móc những nhà đương cục, từ chánh phó lý tới hào mục trương tuần. Vì thử vài câu:

Ve vẻ vè ve
Ve vè khuyến thiện
Đừng như lý Tiến
Ăn bửa của dân
Từ một núm cơm
Từ manh váy đụp
Vợ anh cu Núp
Có mấy sợi lông
Đêm nằm tồng hông
Nó ăn cắp mất.

Cứ thế đủ mặt các vị tai to mặt lớn. Không biết lão Rồng có thù riêng gì không? Chã lẽ thù riêng mà lại thù cả một đống một cọc như thế! Không biết có phải do ai thuê lão đặt vè không? Chả lẽ ai thuê, người nào mà lại thù khắp cả các vị xã lý nhiều như thế? Hay là thù giai cấp, lão Rồng thì biết gì giai cấp? Hay là tài năng của lão tự dưng nó cứ phát triển tới một trình độ như thế? Dù sao đó là nguy cơ của lão Rồng. Lý Tiến chửi: cha mẹ thằng to gan! Chưa chửi xong thì ngay đêm giao thừa cửa nhà lý Tiến có dán ngay một mảnh giấy hồng điều, chữ nôm rất là phóng:

Ve vẻ vè ve
Ve vè chúc Tết
Chúc thầy lý chết
Vợ thầy sinh đôi
Một đứa thì đui
Một đứa thì chột…

Sớm mồng Một thì gậy gộc tuần đinh ào ào tới nhà lão Rồng. Tìm ra thấy một lá cờ búa liềm. Thương thay lão có biết cộng sản là cái gì đâu? Lão chỉ biết có ve vẻ vè ve. Nhưng đầu năm mới ấy, người ta tra khảo lão, quần áo rách bươm, be bét máu, mặt mày tan nát. Đến chiều thì lão tắt thở.

Đến nay đã mười năm rồi. Xã lão Rồng đang cải cách ruộng đất. Bà con vẫn còn đọc vè lão Rồng. Có tên ác bá trong vè lão còn sống, bà con đem ra xử tội. Người ta tiếc: “Nếu lão Rồng còn tới ngày nay”. Trước kia ghét, khinh sợ, bây giờ bà con thêm nhớ và yêu. Tuổi trẻ đi nhanh hơn tuổi già như thế. Từ lâu họ đã biết yêu cái lão thi sĩ của nhân dân kia.

Nguồn: Giai phẩm mùa Xuân 1956 (in lần thứ hai). Vá»›i sá»± cá»™ng tác của Văn Cao, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Nguyá»…n Sáng, Phùng Quán, Trần Dần, Sỹ Ngọc, Tá»­ Phác, Tô VÅ©. Phụ bản: “Lúa chín” của Nguyá»…n Sáng, in tại nhà in Tiến HÆ°ng, Hà Ná»™i. Bìa của Sỹ Ngọc, Văn Cao. Bản khắc của Nhà Tiến Mỹ. Minh Đức xuất bản. In tại nhà in Sông Lô, Hà Ná»™i. Hoàn thành ngày 8-10-1956. Khổ 16x24 trang. Số in… Số xuất bản 50, ná»™p lÆ°u chiểu tháng 10-1956 tại Hà Ná»™i. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.