© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
6.6.2006
 
Giai phẩm mùa Xuân 1956
 1   2   3 
 
Tháng 1 năm 1956, tạp chí Giai phẩm mùa Xuân ra mắt với sự tham gia của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Nguyễn Sáng, Phùng Quán, Sỹ Ngọc, Tô Vũ, Trần Dần, Tử Phác và Văn Cao. Ngay lập tức tờ tạp chí bị tịch thu. Đầu tháng 10.1956, Giai phẩm mùa Xuân được tái bản và cùng với các số Giai phẩm mùa Thu tập I, Giai phẩm mùa Thu tập II, Giai phẩm mùa Đông và 5 số báo Nhân văn làm nên phần nội dung căn bản của phong trào Nhân văn-Giai phẩm 1956. Kỉ niệm 50 năm phong trào này, talawas sẽ lần lượt đăng tải trọn vẹn 4 số tạp chí và 5 số báo nói trên.
talawas
Lời nói đầu của nhà xuất bản

Tập Giai phẩm mùa Xuân xuất bản đầu năm nay không kịp đến tay bạn đọc – từ đó đến nay, những sự kiện về phong trào tự do tư tưởng, tự do sáng tác đã dồn dập xẩy ra chung quanh tập sách đó.

Theo ý chúng tôi, vấn đề chính cần thảo luận hiện nay là vấn đề tự do sáng tác, trong đó có những câu hỏi cần nêu lên:

Quyền hạn người làm văn nghệ được biểu hiện thực tế đến mức độ nào? Người làm văn nghệ cần trung thành với thực tế như thế nào? Trách nhiệm của người làm văn nghệ trước Đảng, trước nhân dân thế nào? Văn nghệ phục vụ chính trị ra sao?

Chúng tôi tin chắc rằng rồi đây, các bạn văn nghệ sĩ và những người quan tâm nghiên cứu các vấn đề của văn học nghệ thuật sẽ thảo luận để thống nhất với nhau về đường lối, đồng thời sẽ nảy ra nhiều quan niệm, nhiều phương pháp sáng tác khác nhau, đẩy mạnh phong trào trăm hoa đua nở.

Vì lẽ đó, chúng tôi cho in lại tập sáng tác này, để các bạn đọc cùng nghiên cứu góp phần xây dựng cho phong trào.


Mục lục

Lê Đạt
Làm thơ
Hoàng Cầm
Mùa xuân đến rồi đây
Văn Cao
Anh có nghe thấy không
Trần Dần
Nhất định thắng
Phùng Quán
Thi sĩ và công nhân
Lê Đạt
Mới - Gửi Vũ
Nguyễn Sáng
Hoa đào vẫn nở
Hoàng Cầm
Thơ qua đài phát thanh
Lê Đạt
Mỗi ngày mỗi lớn - Gửi kế hoạch nhà nước 1956
Sỹ Ngọc
Sổ tay
Trần Dần
Lão Rồng



Lê Đạt
Làm thơ

(Trích “Thơ gửi người Việt”)

Đêm khuya
Bóng đầu anh
Hằn trên trang sách nhỏ
Như bóng hàng cây
quặn gió
Lắng xuống mặt đường

Giông bão mênh mông
Anh nhìn Tổ quốc
Đất nước đêm nay trĩu đầu ngòi bút
Hàng vạn vần thơ mang nặng tình người
Anh nghe tiếng đất trời
Xao động lùm cây ngọn cỏ
Như hiệu thính viên
Đêm không ngủ
Ghi những lời cuộc sống
điện về
Những tiếng nặng nề
Những tiếng cục cằn uất ức
Những tiếng căm thù chua xót
Những tiếng yêu thương

Mỗi ngày bao nhiêu vui buồn
Đè nặng trên đầu anh suy nghĩ
Một người lực sĩ
Chỉ mang nổi ngàn cân
Anh suốt tháng suốt năm
Chỉ mang quả địa cầu trong óc

Anh nhớ ngày em khóc
Ôm bụng kêu trời
Mấy chị hộ sinh nói khẽ
“Chiếc thai quá to
Cả mẹ cả con khó lòng sống được”
Mỗi lần đẻ bao buồn vui, chua xót.

Người làm thơ nắng mưa thiêu đốt
Ăn nằm với cuộc đời
Thai nghén đất trời
Sinh ra sự sống
Năng tâm tư của trăm ngàn quần chúng
Đau xót hơn bao nhiêu

Em ơi!
Anh thức thâu đêm suốt sáng
Moi óc làm thơ
Moi tim làm thơ
Như người thợ
Chui xuống lòng hầm mỏ
Moi than moi lửa
Đốt sáng cuộc đời

Anh muốn Đảng gọi anh đến nơi
Hội ý về cuộc sống
Điều động anh vào Bộ Tâm hồn quần chúng
Giúp Trung ương
Xây dựng
Những con người

Từng từng giọt mồ hôi
Đẫm bản đồ chinh sách
Anh mở lối giữa cuộc đời ngóc ngách
Óc anh là một công trường
Mỗi dòng thơ là một cây số mới
Trên con đường đi tới
Xã hội
Ngày mai
Một tiếng súng tương lai
Nổ vào đầu dĩ vãng

Anh vác bút đi theo Đảng
Xông lên hàng đầu

Tháng 1.1956



Hoàng Cầm
Mùa xuân đến rồi đây

I.

Mẹ chẵn năm mươi tuổi
Gái đầu lòng hai mươi
Là bấy nhiêu đêm dài
Mỗi Tết một tảng đá
Chồng lên hai cuộc đời
Mẹ héo quắt xoan rụng
Con gày queo cọc bờ
Áo mẹ: manh tải rách
Quần con: lá chuối khô

Bảy mươi mùa xuân không xuân
Bảy mươi năm cùng tháng tận

Dòng sông Nhị ơi! Con cò lận đận
Bãi ngô dài cát trắng
Lòng sông cuốn nặng
Phù sa
Nước mắt mẹ con ta
Chảy ra ngoài biển rộng
Réo lên đầu sóng
Đùn đùn mây đen
Mưa lọt mái nhà rách thủng
Mưa thốc xuống tầu chuối khô
Ướt đẫm manh tải
Mẹ con nằm trong đêm mưa
Nằm trong nước mắt đỏ như máu
Nằm trong nước sông đầy bùn nhơ

Dòng sông Nhị ơi! Lúa mượt hai bờ
Địa chủ đứng trên đê
Mắt ngầu hổ dữ
Nó giơ gậy chỉ ngang
Thôn làng ruộng bãi
Hình nó cắm trên đê
Đen bóng quạ trăm nghìn năm nặng nề
Miền quê
Yêu dấu

Nó đứng trên đê
Gậy chắn ngang cổ họng
Mẹ con còn biết nói gì
Nước mắt lại rơi từng vũng
Lầy lội cát khô
Quần con ngày một xác xơ
Áo mẹ ngày thêm vụn nát
Đói bụng nuốt rau sam chát
Cơm xin một bát
Làm ba ngày ròng
Thóc lúa ngoài đồng
Ngựa trâu gà lợn
Chui vào cổng lớn
Chánh Ước, Hàn Mô
Cái mõm khổng lồ
Dần mòn
Mất hút

Dòng sông Nhị ơi! Cánh buồm cao vút
Xông ra cửa bể Thái Bình
Hãy gọi bốn phương ta nổi trận lôi đình
Thảm này lật ngửa trời xanh
Mà kêu mà thét mà giành đất quê
Thảm này gió xoáy ngọn tre
Mà đè nó xuống
Mà băm cho vụn
Mà đạp bay đi
Cái bóng thằng chúa đất trên đê

Dòng sông cát đỏ trở về
Hát dưới chân lúa
Nước mắt không trôi ra biển nữa
Chỉ còn dòng sông chan chứa
Ánh trời
Của mẹ con tôi

II.

Dòng sông Nhị ơi! Mùa xuân năm nay
Mẹ đứng lên đây
Tóc trắng khăn lang nhớ ngày chồng chết
Đầu mẹ cao bằng mây
Chân con vần mặt đất
Giơ thẳng lên trời hai cánh tay
Hai nắm đấm
Đựng bảy mươi năm tội ác chúng mày
Hai nắm đấm
Hôm nay mở tung
Tháo cũi sổ lồng
Cho cánh phượng hoàng bay.

Manh tải rách tất tả về đây!
Lá chuối khô xoàn xoạt về đây!
Xác chồng tao chết khô bên vựa thóc đầy
Sừng sững đứng lên đây!
Con gái tao ngày mười sáu tuổi
Mà hồng, mắt sáng, tròn cổ tay
Mày dằn lên sập gụ này
Tiếng kêu thét dồn vào cuống họng
Bây giờ bật thét ra đây!
Năm sào ruộng lúa đang ngậm sữa
Có đàn cò trắng loáng bay
Mất về tay bọn mày ác bá
Nằm nén đau, bơ phờ tóc xõa
Hôm nay trỗi dậy rồi đây!
Cả đàn cò trắng
Góp nắng góp gió
Cũng về quần tụ
Dưới tay áo đỏ
Đảng ta đây!
Tất cả! Tất cả
Tuổi trẻ mùa xuân đất nước
Hét lên tội trạng lũ mày!

Thân mày phải gục đầu xuống
Thân mày phải cuộn tròn đầy sông lúa
Đếm từng giọt nước mắt mẹ con tao
Xác mày phải vùi sâu đầy ruộng
Đếm từng giọt mồ hôi dân cày khát khao
Mắt mày phải mở nhìn cho rõ
Bảy huyệt tối đen mày đã đào
Mày đã chôn nông dân xuống đất
Nay người chết vùng dậy
Nắm cổ chúng bay lấp đất vào!

III.

Dòng sông Nhị ơi! Mùa xuân đến rồi đây
Mẹ con được chia: hai gánh thóc đầy
Một góc nhà Chanh Ước cột ôm hai vòng tay
Và cái sập gụ
Mẹ con đêm đầu tiên nằm ngủ
Ruỗi chân ruỗi tay
Đường gân rạo rực
Thớ thịt nở nang
Nhắm mắt thấy xóm làng
Rước kiệu rước cờ thơm lừng cơm mới

Nửa đêm, con mê hoảng chợt ngồi lên
Sập này như sóng ngả nghiêng
Bóng thằng quỷ đó kề bên
Nhăn nhở!
Không! Con ơi! Mẹ đây
Ác bá không còn nữa
Con gối đầu lên tay mẹ ngủ yên
Sập gụ bốn bên
Thênh thang vững chãi

Nằm trên sập như nằm trên bãi
Trông lên trời rộng mây cao
Tai nghe lúa hát rì rào
Nằm trên sập như nằm trên đất nước
Đất nước ta giành lại được
Đồng quê ta thẳng tắp bờ đê
Bóng quạ đen bao năm nặng nề
Con đê dài lượn chân mây
Nối làng kia nối xóm này
Chạy đua với cánh buồm tung ra biển lớn
Bóng anh du kích cầm ngang súng
Chót vót bờ đê
Canh giữ đất quê

Cho con gái mẹ ngày mai dậy
Đi cấy đồng Mơ
tối trở về
Đem theo trong mắt dòng sông Nhị
In bóng người trai mới hẹn thề



Văn Cao
Anh có nghe thấy không

(Gửi một nhà thơ xưa đã nổi tiếng)

Cửa đóng lại từ chín giờ
Không một cuốn sách chờ đợi
Dù những ngôi sao đang nở trên trời
Dù đêm mùa xuân bắt đầu trở lại

Tất cả hướng về biển
Bọt cứ tan trên bãi cát xa
Mà cửa bể vẫn im lìm chưa mở

Bao giờ nghe được bản tình ca
Bao giờ bình yên xem một tranh tĩnh vật
Bao giờ
Bao giờ chúng nó đi tất cả

Những con người không phải của chúng ta
Vẫn ngày ngày ngày ngang nhiên sống

Chúng nó còn ở lại
Trong những áo dài đen nham hiểm
Bẻ cổ bẻ chân đeo tội ác cho người

Chúng nó còn ở lại
Trong những tủ sách gia đình
Ở điếu thuốc trên môi những em bé mười lăm
Từng bước chân các cô gái
Từng con đường từng bãi cỏ từng bóng tối
Mắt quầng thâm còn nhỡ mãi đêm

Chúng nó còn ở lại
Trong những tuổi bốn mươi
Đang đi vào cuộc sống
Như nấm mọc trên những thân gỗ mục

Người bán giấy cũ
Đã hết những trang tiểu thuyết ế
Những trang báo ngày xưa
Đang bán đến những trang sách mới
Những bài thơ mới nhất của anh

Anh muốn giơ tay lên mặt trời
Để vui da mình hồng hồng sắc máu
Mấy năm một điệu sáo
Như giọng máy nước thâu đêm chảy

Chung quanh còn những người khôn ngoan
Không có mồm
Mắt không bao giờ nhìn thẳng

Những con mèo ngủ yên trên ghế
Trong một cuộc dọn nhà

Những con sên chưa dám ló đầu ra
Những cây leo càng ngày càng, tốt lá

Một nửa thế giới
Một nửa tâm hồn
Một nửa thế kỷ
Chưa khai thác xong

Bây giờ không còn những tiểng nổ to
Nhưng còn những tiếng rạn vỡ
Có thể thu hết những khẩu súng phản động
Nhưng vẫn còn
Những khẩu súng đưa người tự tử.

Anh có nghe thấy không
Chỗ nào cũng có tiếng
Chưa nói lên

Những người của chúng ta
Đang mờ mờ xuất hiện
Le lói hy vọng
Trên những cánh đồng lầy

Nghìn năm cũ phủ mất nhiều giá trị
Đốt nghìn kinh chưa thắp sáng cuộc đời

Vào một cuộc đấu tranh mới
Với những người không phải của chúng ta
Anh có nghe thấy không

Vào một cuộc đấu tranh mới
Để mở tung các cánh cửa sổ
Mở tung các cửa bể
Và tung ra hàng loạt hàng loạt
Những con người thật của chúng ta.

Nguồn: Giai phẩm mùa Xuân 1956 (in lần thứ hai). Vá»›i sá»± cá»™ng tác của Văn Cao, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Nguyá»…n Sáng, Phùng Quán, Trần Dần, Sỹ Ngọc, Tá»­ Phác, Tô VÅ©. Phụ bản: “Lúa chín” của Nguyá»…n Sáng, in tại nhà in Tiến HÆ°ng, Hà Ná»™i. Bìa của Sỹ Ngọc, Văn Cao. Bản khắc của Nhà Tiến Mỹ. Minh Đức xuất bản. In tại nhà in Sông Lô, Hà Ná»™i. Hoàn thành ngày 8-10-1956. Khổ 16x24 trang. Số in… Số xuất bản 50, ná»™p lÆ°u chiểu tháng 10-1956 tại Hà Ná»™i. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.