© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
5.9.2005
Tiêu Dao Bảo Cự
Đối thoại công khai đi về đâu?
Trao đổi lại với ông Khuê Trí
 
Tôi rất cám ơn ông Khuê Trí đã đặt vấn đề trao đổi với tôi chung quanh cách nhìn khác nhau về cuộc đối thoại công khai giữa hai ông Hoàng Tiến và Nguyễn Thanh Giang vừa qua, bằng sự thẳng thắn và thái độ tương kính.

Tôi hoàn toàn tán thành các lý lẽ trong bài viết của ông (viết ngày 19-8-2005, đăng trên talawas ngày) về tầm quan trọng của tự do ngôn luận và lợi ích của đối thoại công khai. Tuy nhiên đó là những vấn đề có tính nguyên tắc. Vận dụng vào hoàn cảnh chung của đất nước và hoàn cảnh cụ thể của hai ông Hoàng TiếnNguyễn Thanh Giang, tôi thấy có những vấn đề cần thận trọng xem xét kỹ.

Bối cảnh đối thoại của chúng ta hiện nay đặt ra trên nền tảng của một xã hội mất tự do, trong đó quan trọng nhất là tự do ngôn luận. Tất cả báo chí đều là của Đảng, các cơ quan nhà nước và các tổ chức, đoàn thể chịu sự lãnh đạo và kiểm duyệt của Đảng. Làm sao có tự do ngôn luận khi không có tự do báo chí, không có báo chí tư nhân? Chúng ta vẫn có thể “tự do ngôn luận” trên nền tảng của xã hội không có tự do ngôn luận này bằng một vài cách nào đó mặc dù rất khó khăn và thường xuyên bị đe doạ. Chúng ta đối thoại với những người cầm quyền nghĩa là đối thoại với những người có 5, 6 trăm cơ quan báo chí độc quyền, trong đó có những người tay cầm bút, tay cầm còng, lưng giắt súng. Chúng ta đối thoại với nhau khi có rất nhiều thông tin nhiễu do các thư nặc danh, các tiết lộ gọi là “bí mật điều tra” từ các cơ quan an ninh, các thủ đoạn ly gián và điều kiện cách bức không cho phép chúng ta có thể gặp gỡ trực tiếp để hiểu nhau đầy đủ.

Trong hoàn cảnh đó, nhất định chúng ta phải xem xét kỹ đối tượng, mục đích, nội dung, phương thức và hệ quả của việc đối thoại công khai.

Đối tượng của việc đối thoại là ai? Là bạn, là nhà cầm quyền hay những tầng lớp trung gian cần tranh thủ?

Đối với bất cứ ai, mục đích đối thoại là để tìm ra chân lý, đạt được sự đồng thuận, thêm bạn bớt thù, đưa đến hòa giải hòa hợp. Ngay đối với kẻ thù, dù phải triệt tiêu về mặt lý luận khi cần thiết nhưng điều tốt nhất vẫn là thuyết phục, cảm hóa, không dẫn đến đối đầu bằng bạo lực.

Trong phạm vi chúng ta đang bàn (không phải trong các lãnh vực khác như triết học, văn học, nghệ thuật….), nội dung đối thoại quan trọng nhất là quan điểm, đường lối: Đâu là lối ra cho đất nước? Làm thế nào để giành lại quyền tự do dân chủ cho nhân dân? Thể chế chính trị tương lai nên như thế nào? Làm sao để có thể hòa giải hòa hợp, đại đoàn kết toàn dân, phát huy hết tiềm năng, sức mạnh của dân tộc? Bước đi nào cho đất nước trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa mà vẫn giữ được độc lập tự chủ?...

Đây là những vấn đề có rất nhiều quan điểm khác nhau. Sự khác biệt là tất yếu. Đối thoại tạo ra sự cọ xát, làm sáng tỏ vấn đề và có thể đưa đến đồng thuận dù tương đối.

Về văn hóa đối thoại, điều ai cũng biết là cần có ngôn ngữ trong sáng, thái độ tương kính và tinh thần cầu thị chân lý. Nếu không có những điều này thì đó sẽ là cãi nhau chứ không phải đối thoại.

Điều quan trọng nữa là hệ quả của việc đối thoại công khai, đặt trong bối cảnh hiện nay và mục đích của phong trào dân chủ, cần phải quan tâm và lượng định trước.

Trong cuộc đối thoại giữa hai ông Hoàng Tiến và Nguyễn Thanh Giang vừa qua, khách quan theo dõi, ta có thể thấy một số phản ứng sau đây:

Tôi không thể đánh giá tỷ lệ những người có các phản ứng trên đây là bao nhiêu phần trăm nhưng đại thể tôi cảm nhận hệ quả này nhất thời không có lợi cho cả hai ông Hoàng Tiến, Nguyễn Thanh Giang và cũng bất lợi cho phong trào dân chủ.

Từ đó việc tranh luận giữa hai ông Hoàng Tiến và Nguyễn Thanh Giang nên chấm dứt và cần được xem là một sự kiện, một bài học rất tốt cho tất cả chúng ta để phát huy tinh thần dân chủ và phát triển phong trào dân chủ chứ không phải ngược lại.

Đối với hai ông Hoàng Tiến và Nguyễn Thanh Giang, khi hai ông vẫn còn là những người bất đồng chính kiến, vẫn còn tiếp tục sự nghiệp đấu tranh cho dân chủ, dù đã có những lúc bất đồng, bất hòa, tôi vẫn mong rằng có lúc nào đó hai ông ngồi lại với nhau, ngồi giữa những người đồng chí hướng để bắt tay cùng tiếp tục sự nghiệp chung.

Một người nào đó đã nói rằng trong phong trào dân chủ hiện nay, dù không ở trong tổ chức nào, một người mạnh lên là cả tập thể mạnh lên, một người yếu đi cả tập thể cũng sẽ yếu đi. Mối quan hệ hữu cơ này có thật.

Ở đây tôi chỉ muốn trao đổi lại đôi điều suy nghĩ của mình về vấn đề đã nêu ra chứ không phải tranh luận với ông Khuê Trí. Tôi nghĩ tôi đồng thuận với ông nhiều hơn bất đồng. Chỉ có những điều cần lắng nghe và suy nghĩ thêm khi vận dụng vào thực tiễn. Tôi vẫn mong sẽ có ngày chúng ta thực sự có tự do ngôn luận và có những cuộc đối thoại, tranh luận công khai trong hoàn cảnh thích hợp, với tinh thần như ông đã nêu ra trong bài viết. Còn những vấn đề khác như hòa giải hòa hợp với ai, đoàn kết vì cái gì, là những vấn đề lớn đã được trao đổi nhiều nhưng chưa kết thúc, xin để dành vào dịp khác, trong những chủ đề thích hợp.

Tôi cũng rất cám ơn “tình quý mến riêng” mà ông Khuê Trí đã dành cho tôi, mặc dù với bút hiệu này, tôi chưa biết rõ là ai, tôi cũng xin được đáp trả lại tình cảm đó.

Tôi muốn nói một câu cuối ở bài này (bài viết mà vì một số lý do bất khả kháng, tôi tự thấy không thể nào nói hết ý mình), có vẻ hơi lạc đề: Chân lý, công lý và những giá trị tư tưởng khác của con người nhiều khi rất tương đối. Chỉ có tình yêu là tuyệt đối. Chỉ có tình yêu mới mang lại an bình cho con người và hòa bình trên trái đất.

Ngày 2-9-2005

© 2005 talawas