© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
8.8.2005
Tôn Văn
Sân chơi truyền thông
 
1.

Chúng ta bắt đầu từ một nhận xét do một bạn đã viết: “talawas là một sân chơi bình đẳng”. Ðể khỏi mất thời gian, ta xác định luôn lời bình này là nói về sân chơi truyền thông. talawas, như vậy, được khen là một diễn đàn truyền thông công bình.

Nhưng tại sao truyền thông được quan tâm, và tính công bình được coi là điểm quan trọng trong lĩnh vực này? Chúng tôi thử trình bày một hướng lý giải cho những câu hỏi trên; chuyện có thể hơi dài, không phải để câu giờ, mà muốn cho có đầu có đuôi. Hy vọng không làm tăng sự mệt mỏi cho quý vị.


2.

Câu chuyện của chúng tôi xin được bắt đầu sớm hơn, và diễn ra trong thời gian dài hơn so với chuyện “cây dâu, con tằm và chiếc áo bị cháy thủng”; đó là chuyện loài vượn-người tiến hóa thành loài người ngày nay. Tất nhiên ai cũng biết rằng đó là công trình của cụ Darwin (Charles Robert Darwin, 12.02.1809 – 19.04.1882, nhà sinh vật học người Anh), nên xin không đi vào nội dung khoa học cụ thể, chỉ xin nêu nhận xét rằng kết luận được đưa ra rất kín kẽ: có nhiều chủng loại vượn, khỉ, đười ươi..., trong đó chỉ có một ngành là vượn-người mới tiến hóa thành người được. Nghĩa là loài vượn-người đã có thể “phát triển theo định hướng thành người” để thành người vì trong nó có một phần, dù rất nhỏ (ta gọi là một “mảy may” [1] ), thành tố người. Sau đây ta xem xét sâu hơn sự phát triển đó.

Tiến hóa từ loài vượn-người, con người ngày nay có được bề ngoài là một dáng đi thẳng, khuôn hình đẹp (cụ Nguyễn Du gọi là “một tòa thiên nhiên”); nhưng cái quan trọng hơn cả là đã phát triển bộ não thành một cơ cấu kỳ diệu nhất trong vũ trụ: có khả năng tiến hành các quá trình nhận thức, tư duy, biết điều hành nhuần nhuyễn mọi hoạt động của cơ thể để ta lên rừng xuống bể (hoặc khi bí, phải qua rừng qua bể) cũng đều sống được.

Thành tựu đầu tiên và quan trọng nhất các cụ tổ nhà ta đạt được là tạo ra tiếng nói. Không phải trong ngày một ngày hai, nhưng đó là sự bắt đầu của mọi sự bắt đầu. (Nếu được hiểu câu “khởi thủy là lời” trong Kinh Thánh theo tinh thần này thì tôi cho câu đó hoàn toàn là chân lý.) Tiếng nói không chỉ là đặc điểm phân biệt con người khỏi thế giới loài vật, mà quan trọng hơn, nó là công cụ để loài người phát triển, kiện toàn cuộc sống cá nhân và xã hội. Sự phát triển trí tuệ, đến một lúc nào đó, cho con người khả năng tạo ra hình vẽ và chữ viết. Mã hóa được ngôn ngữ như vậy, con người tạo điều kiện lưu truyền tri thức của mình trong dạng một bộ nhớ ngoại vi (External Memory). Ý nghĩa của phát kiến này (luôn được bổ sung và hoàn thiện suốt trong quá trình lịch sử bằng kỹ thuật in ấn và lưu trữ v.v...) quan trọng thế nào chắc hẳn không phải lý giải nhiều. Nó lưu lại những thành tựu trí tuệ con người giành được bằng máu xương cuộc đời mình và giải phóng cho bộ não có nhiều chỗ (Random Access Memory) làm công việc sản sinh những tri thức mới, phục vụ sinh tồn. Văn hóa, như vậy, chính là cuộc sống của con người, và việc hủy hoại những thành tựu văn hóa, bao gồm việc tàn phá và cấm cản sử dụng các thành tựu đạt được cũng như cấm cản các hoạt động phát triển văn hóa, đều bị coi là tội ác chống văn minh, chống con người. Suy luận này nghe có vẻ lý thuyết và lý tưởng, nhưng chắc cũng có thể chấp nhận được. Ðạt được đến đây, con người có thể nói rằng đã ăn đứt (không nhất thiết phải/nghĩa là “ăn hết”) các sinh vật khác như trâu bò, gà lợn, rắn ráo, thằn lằn vân vân. Những chuyện này cũng là “chuyện cũ nhắc lại” luôn.

Bây giờ đến chuyện con người dùng ngôn ngữ thế nào.

Chắc chắn là ngôn ngữ được con người dùng để thông tin, và cũng là công cụ tư duy của họ. Nhờ dạng thông tin này mà trong thời gian vài ngày, một người mẹ đã dạy được con mình cách dùng đá đập một trái cây để lấy hạt, trong khi những loài thú phải cần vài năm để trao truyền kỹ năng tương tự cho hậu thế thông qua thực hành làm mẫu. Nhìn nhận giá trị ngôn ngữ của con người như vậy, ta thấy các hình thức dụng ngôn đều có giá trị thông tin nhất định, kể cả việc ta chửi rủa, mắng mỏ, tỉa tót... nhau thì cũng là một sự đáng trân trọng. Loài vật không có tiếng nói để có thể chửi nhau; để tự vệ sinh tồn, có loài như trâu, bò, dê v.v... suốt đời phải mang sừng trên đầu, dù thời gian dùng sừng không nhiều.

Con người tư duy để tìm ra giải pháp cho việc đi từ thực tại đến mục tiêu cần đạt được. Theo cách thức thông thường là duy lợi, mỗi người tìm một con đường ngắn nhất (là đường thẳng, nhưng thực tế phần lớn là đường gần thẳng) nối liền điểm đầu và điểm cuối của một quá trình. Khi tồn tại trong một cộng đồng (gia đình, làng xã, quốc gia...) quyền lợi và hành xử của cá nhân phải phụ thuộc vào cộng đồng lớn hơn. Ðiều kiện tồn tại này làm cho quá trình tư duy trở nên phức tạp (số các thông số tăng lên), không là con đường thẳng nữa mà phải gấp khúc nhiều lần; nói theo cách thông thường là “lật đi lật lại vấn đề”. Chúng ta thường “lật đi lật lại” một vấn đề như thế nào và bao nhiêu lần? Manfred Spitzer, giáo sư triết học và nhà nghiên cứu não học ở đại học Ulm CHLB Ðức, thông qua nghiên cứu và thực nghiệm của mình, đã xác nhận người ta thường lật lại (um Ecken denken) một vấn đề từ 2 đến 3 lần. (Selbstbestimmen-Tự quyết, 2004, tr.378-9 [2] ). Tiến lên cao hơn, do cuộc sống mang tính xã hội, con người kết hợp thông tin và tranh luận để đạt đồng thuận cho một giải pháp chung nào đó. Một vấn đề càng được lật đi lật lại nhiều lần, được sự quan sát và đánh giá của càng nhiều người (tức là tăng sự đóng góp trí tuệ trong nó lên) thì càng trở nên sáng tỏ, và giải pháp được đề ra càng sát hợp hơn. Như vậy, dù quá trình tư duy của con người là độc lập, nhưng thành quả cuối cùng mang tính cộng đồng, thuộc về cộng đồng. Suy cho cùng, các tư tưởng có giá trị hay không là nó có được cộng đồng, theo từng phạm vi không gian và thời gian, thừa nhận và thực hành được hay không. Chỉnh sửa một tư tưởng cho đúng đắn hơn (tỷ như việc nhận ra tầm quan trọng khác nhau giữa mầu lông và chức năng của con mèo) là một tất yếu và cũng nên coi là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Tóm lại, hoạt động trí thức, hoạt động tư duy của cá nhân và cộng đồng cần một không gian gọi là một sân chơi truyền thông mang tính chất tự do, khách quan, bình đẳng. Ðó là nơi các cộng đồng con người có điều kiện đào sâu luận lý, phát triển tư duy để đạt tới chân lý cần thiết, tới sự thật tồn tại khách quan. Không có sân chơi bình đẳng để các ý kiến được lật đi lật lại nhiều lần, để chọn lựa là sự chọn lựa tối ưu, thì truyền thông chỉ là sự tuyên truyền quảng cáo một chiều của một bộ phận xã hội, phục vụ mục đích duy lợi của nó mà thôi.


3.

Sinh hoạt trí thức và xã hội nói chung cần phải có những diễn đàn truyền thông bình đẳng, vô tư, không vụ lợi. talawas được sự quan tâm của nhiều người đọc và người viết cũng là do ý đồ thiết kế và cố gắng của những người chủ trương. Nội dung diễn đàn phản ảnh đã nói lên điều đó, xin đưa ra một số điều đã đọc được.

Một tác giả khá quen thuộc trong phạm vi Ðức ngữ đã có phóng sự điều tra tình hình các nhà văn CHDC Ðức cũ. Một thời gian sau, những số liệu đưa ra đã được một bạn văn sửa lại cho đúng với thực tế (bài sau viết hay, đọc như thấy có chút hương vị xót xa...). Một nhà văn khác, sau khi đi Mỹ về, đã công bố những số liệu thu được về một thành phố lớn của Mỹ. Những số liệu này cũng lại được một nhà văn khác hiệu chỉnh lại một cách thuyết phục hơn. Vân vân. Ðây là những trường hợp giản đơn, chỉ qua một, hai “lăm” đã thấy được rõ hơn sự thật. Những trường hợp thú vị hơn cũng không hiếm khi theo dõi diễn đàn; như thời gian sau này có những trao đổi dài và... dai hơn, làm cho người đọc không thể không phải cố gắng trong công cuộc tư duy.

Xem xét các sân chơi truyền thông thì cũng phải nhận rằng nhiều diễn đàn khác cũng đề cao chức năng (bình đẳng) này. Có những cách thức trao đổi “chơi liền”, không qua biên tập, rất “thoáng”. Việc đó tùy thuộc quan điểm người chủ trương, nhưng đều được sự quan tâm trong một phạm vi người đọc và người viết nhất định. Sự đa dạng đó không phải là một sự lạ vì bản thân cuộc sống là đa dạng và xã hội con người là đa nguyên, nhiều tầng lớp, khuynh hướng. Mỗi diễn đàn có những tiêu chuẩn do người chủ trương đặt ra, và sẽ có được những phạm vi thành viên (tương đối) cùng quan điểm tham gia sinh hoạt.


4.

Sẽ không yên tâm nếu không có thêm đôi lời về chữ “sân chơi”.

Hình ảnh sân chơi gợi những cuộc tranh tài thể thao như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt... Tôi rất thích xem quần vợt (tennis), nhất là những giải của nữ. Những người đoạt giải không những trẻ đẹp (thường từ 17 đến 25 tuổi, trang phục cũng đẹp luôn!) mà theo dõi kỹ, ta thấy họ có kỹ thuật điêu luyện và lòng say mê, cũng như quyết tâm rất cao, như Stefi Graf (Ðức) hoặc phong thái có thể gọi là “quân tử” như Lindsay Davenport (Mỹ). Ngoài ra, lời bình giúp ta hiểu thêm về người chơi và kỹ thuật chơi; rồi thái độ người xem cũng cho thấy phong cách, trình độ dân trí nước sở tại. Những trận chung kết đông người xem được tổ chức tại nơi gọi là Central Court - sân chơi chính/trung tâm.

Theo dõi “sân chơi” talawas, có lần đọc mà thấy thương cho người viết: Bài X của tôi, được bạn Y phê bình; tôi đã gửi phản hồi đến Z mà không được công bố...; Do chỉ thị của ông A dừng ngay chuyên mục này trên toàn bộ các diễn đàn trong nước nên B không đăng bài viết, đành nhờ talawas...; Bản in ở đây là bài viết hoàn chỉnh... vân vân.

talawas trở thành Central Court do chủ trương bình đẳng của mình chăng?

Mϋnchen, tháng Bảy 2005

© 2005 talawas


[1]Theo tinh thần Pháp-sư Không-lộ:
Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
[2]Có hai nhận xét thú vị muốn nêu ra đây. Nhận xét thứ nhất là ta thấy trong dân gian thường có câu: “Chó ba quanh mới nằm, người ba lăm mới nói”. Lăm là lăm le, nghĩa là dự định; ba lăm mới nói là định trình bày ý kiến, thấy chưa hết nhẽ thì lật lại vấn đề, đào sâu, nâng cao lên đến sau ba lần thì có thể nói ra với mọi người. Tất nhiên dân gian thường theo kinh nghiệm, nhưng kết luận của kinh nghiệm phù hợp ở mức cao như vậy với những kết luận khoa học thì cũng là chuyện hiếm.
Nhận xét thứ hai là qua quan sát ba nhân vật tiêu biểu trong Truyện Kiều ta có thể thấy cách thức tư duy của ba loại người với ba cấp độ khác nhau. Thúy Vân là con người điển hình của duy lợi, cái gì không liên quan đến mình thì không hoài công để ý: "Chị cũng nực cười, khéo dư nước mắt khóc người đời xưa!" (câu 105-6). Thúy Kiều thì khác, có thể gọi là dạng duy tình ("Lại mang lấy một chữ tình, khư khư mình buộc lấy mình vào trong", câu 2661-2). Người thuộc dạng này có nhiều ưu tư nhân tình thế thái, lo đoán ý tứ tha nhân, thường lật lại đôi ba lần suy nghĩ (và "bạc mệnh"?). Cao nhất thì phải nói đến Hoạn Thư, giống giòng "lại bộ thượng quan". Khả năng "nói điều ràng buộc thì tay cũng già" chính là kết quả của một quá trình tự mình lật đi lật lại vấn đề đến không còn có điều gì vướng mắc nữa thì mới thôi. Bản lĩnh đó đã cứu mạng Hoạn Thư khi đứng trước phiên tòa "đằng đằng sát khí". Chỉ với ít lần "lật" trong mấy câu (Rằng tôi chút phận đàn bà, ghen tuông thì cũng người ta thường tình; Nghĩ cho khi quán chép Kinh,... - từ câu 2365), thủ phạm chính đã chiến thắng đối phương và chiếm phần tha bổng! Bản chất cung cách tư duy của loại người này có thể gọi tên là duy lý; tuy cuối cùng cũng là duy lợi, nhưng con đường nó đi không giản đơn mà vô cùng lắt léo. Xem cách dùng cả mẹo lừa như Hồ Tôn Hiến trong cuộc ly gián để chiến thắng Thúy Kiều và Từ Hải thì thấy tư duy con người không hề đơn giản.