© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
29.7.2005
Nguyá»…n Thanh Giang
Về bài “Ðã đến lúc không thể làm ngơ được nữa” của nhà văn Hoàng Tiến
 
Tôi xin được trần tình đôi điều để có thể hiểu đúng bài viết trên của nhà văn Hoàng Tiến:


1.

Tôi không thể hoàn thành bài viết này sớm hơn vì phải mấy ngày sau khi đọc bài của nhà văn Hoàng Tiến tôi mới tìm được để đọc bức thư ký tên Sông Lam. Ðến hôm nay thì tôi tin chắc nhà văn Hoàng Tiến đang phải thêm một lần xấu hổ và ân hận lắm khi nhận được bức thư tôi gửi ông đề ngày 14 tháng 7 năm 2005. Trong bức thư ký tên đường hoàng này, tôi đã chỉ rõ ra rằng tôi hoàn toàn biết việc quyết định đổi tên thành “phong trào dân chủ” (tôi tạm dùng cái tên mới đặt của ông Hoàng Minh Chính và Trần Khuê để nói về chúng ta), và việc “đề bạt” Trần Khuê làm phát ngôn nhân chỉ qua sự bàn bạc giữa ông Hoàng Minh Chính và ông Trần Khuê. Nếu có đến người thứ ba thì người đó là ông Hoàng Tiến nữa thôi. Tôi hoan nghênh Trần Khuê dám dũng cảm đương đầu và không hề có ý chen cạnh với anh ấy, nhưng tôi không đồng ý cách làm dấm dúi mang ý đồ cá nhân của các ông. Tôi đã thẳng thắn phê phán đấy là trò mèo và lo ngại trò mèo đó sẽ dẫn đến những tai hoạ khôn lường.

Hoàng Tiến thấy đấy, việc gì mà tôi phải vòng vo, phải nặc danh. Ngay đối với cựu chủ tịch nước Lê Ðức Anh hay Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà, khi tôi thấy rằng họ có tội hoặc năng lực quá kém, tôi cũng thẳng thắn công khai đề nghị đưa ra toà hoặc cách chức. Vậy thì sợ gì mà tôi phải vòng vo, phải nặc danh đối với các ông.

Theo tôi, có lẽ Sông Lam là một người “á dân chủ” nào đấy muốn thực lòng bầy tỏ mối quan tâm của mình đến “phong trào dân chủ” (Tôi dùng chữ “á dân chủ” để chỉ những ngươì có cảm tình đặc biệt với anh em dân chủ, tham gia hoạt động dân chủ nhưng vì một lẽ nào đó phải giấu tên hay giấu mặt). Một số người khác nhận định rằng đấy chính là công an. Nếu đúng vậy đi nữa thì dẫu sao họ cũng mới chỉ tạo ra được quả mìn. Người giật kíp nổ quả mìn để phá tan hoang nội tình chúng ta là ông Hoàng Tiến. Việc ông Hoàng Tiến bôi bẩn tôi, đồng thời tự bôi bẩn ông ấy và ly gián tôi với Trần Khuê … là việc đã đành nhưng không đau đớn bằng việc bài viết của ông Hoàng Tiến đã bôi bẩn cả “phong trào dân chủ” của chúng ta, làm cho trong, ngoài nước nhiều người sẽ ngộ nhận rằng “phong trào dân chủ” chỉ là một ô hợp của những người không ra con người, sẵn sàng rỉa móc, cắn xé nhau ngay cả khi chưa có được miếng mồi ngon nào! Chua xót biết bao! Cay đắng quá chừng!


2.

Việc phủ nhận sự gán ghép tôi là tác giả “Thư ngỏ gửi Tổng thống Bush” ký tên “Thay mặt 80 triệu nhân dân Việt Nam” đã được khẳng định trong thư tôi gửi ông Hoàng Tiến đề ngày 14 tháng 7 năm 2005. Vừa rồi đọc lại thư của tác giả nọ, tôi hơi giật mình thấy đoạn viết về tôi sao tỷ mỷ, chi tiết đến mức có thể ai cũng cho rằng không ai khác mà phải do chính tôi viết ra. Chẳng lẽ đây là nỗi oan Thị Kính tôi khó bề tháo gỡ? Sự thực là, tôi biết người viết bức thư đó. Ông là một người viết văn không nổi tiếng nhưng là một cán bộ tương đối chức sắc của Ðảng. Không hiểu sao, ông có cảm tình đặc biệt với tôi và hình như có “âm mưu” viết sách về tôi. Ðã nhiều lần ông khai thác đời tư của tôi suốt cả buổi. Ông lại có trí nhớ tốt nên rất rành rõ nhiều tình tiết trong tiểu sử của tôi. Thật trớ trêu, trong trường hợp này sự yêu nhau quá đôi khi lại trở thành hại nhau chăng? Tuy nhiên xin quý vị hãy bỏ chút thì giờ đọc lại với cả sự suy xét khách quan thì sẽ dễ dàng nhận ra văn phong ấy không thể là tôi.


3.

Hoàng Tiến rất không thật khi nói rằng không có chuyện vào những ngày sắp lâm chung, khi tôi vào thăm Trần Ðộ ở bệnh viện, ông đã kéo tôi ghé sát tai nghe ông nói điều gì đó có thể là lời trăng trối. Người có lòng tự trọng, không ai dám khẳng định một cách võ đoán như thế. Hoàng Tiến chỉ có thể khẳng định được như thế khi chính ông ta là người túc trực 24/24 bên cạnh Trần Ðộ những ngày lâm chung. Sự việc xẩy ra hôm ấy có khá nhiều con cháu và bạn bè, trong số đó, tôi nhớ chắc chắn được ít nhất 2 người con Trần Ðộ và ông Lê Hồng Hà có thể làm nhân chứng cho tôi.


4.

Hoàng Tiến rất không thật khi nói Trần Ðộ không thèm nhận lời viết bài cảm tưởng đọc Suy tư và Ước vọng cho tôi. Dẫn chứng: xin đính kèm bài Trần Ðộ đã viết. Bài này in ở phần phụ lục của cuốn Suy tư và Ước vọng từ khi Trần Ðộ còn sống.


5.

Hoàng Tiến rất không thật khi bịa ra những lời tôi chê bai Trần Ðộ (và có lẽ cũng đã bịa ra những lời Trần Dộ chê bai tôi). Trần Ðộ là bạn hoạt động cách mạng rất thân thiết của bố vợ tôi. Chúng tôi rất yêu thương, quý trọng nhau. Ông đã từng cùng tôi lên tận Vô Tranh (Thái Nguyên) thắp hương cho bố vợ tôi (nhà thơ-nhà hoạt động cách mạng Thôi Hữu ). Ông đã rủ chỉ mình tôi và một đại tá quân đội đi thăm anh em dân chủ ở Hải Phòng …


6.

Hoàng Tiến rất không thật khi bịa ra chuyện 3 ngày ăn khao bằng viện sỹ Hàn lâm Khoa học Nữu Ước của tôi. Tôi không chủ trương. Bữa liên hoan ấy được hình thành do đề xuất của ông Trần Dũng Tiến. Ông Trần Dũng Tiến tổ chức và đứng ra mời khách. Vợ chồng tôi chỉ làm nhiệm vụ nấu thức ăn và mua bia, rượu. Chỉ một bữa, không có bữa thứ hai, chứ đừng nói 3 ngày.

Tôi quan hệ khá rộng với nhiều người trong và ngoài nước. Chưa ai nghe thấy tôi nói hoặc đọc thấy trong các bài viết tôi nhắc tới chuyện tiến sỹ, viện sỹ của tôi. Dưới mỗi bài viết, tôi đều chỉ ghi danh Nguyễn Thanh Giang, trong khi đó bao giờ ông Hoàng Tiến cũng rất cẩn thận ghi rõ: Nhà văn Hoàng Tiến.

Bữa liên hoan mừng sinh nhật vừa rồi của tôi cũng vậy. Ông Trần Ðại Sơn cùng một số lão thành cách mạng đứng ra tổ chức và mời khách. Chiều hôm đó tình cờ một phóng viên đài RFA gọi điện thoại cho ông Trần Ðại Sơn; và cũng tình cờ, một bạn nước ngoài nói chuyện điện thoại với ông Phạm Quế Dương. Cả hai ông đều vui miệng thuật lại bữa liên hoan buổi sáng. Thế là tôi cũng bị rêu rao rằng vừa kênh kiệu, vừa giỏi quảng cáo!


7.

Buổi gặp mặt giữa tôi với đại tá Hùng – trưởng phòng, thượng tá Tiến - phó phòng Chính trị Nội bộ Sở Công an Hà Nội, chỉ có 3 người chúng tôi. Hoàng Tiến làm sao biết được chúng tôi đã tranh luận, đã nói những gì? Sao ông nỡ võ đoán ác hiểm để hạ nhục tôi rằng tôi đến để lạy van công an đừng bắt tôi?


8.

Giữa lúc Nhà nước chưa tìm cách bỏ tù được chúng ta thì các cơ quan có chức năng tìm mọi biện pháp tận diệt “phong trào dân chủ” cũng không ngừng tìm mọi biện pháp để cô lập, để hạ nhục, để bôi xấu chúng ta thì việc tìm cách tôn vinh nhau là cần thiết, là đạo lý. Miễn sao đừng đặt điều nói tốt cho nhau một cách không đúng sự thực. Tôi đã bỏ nhiều công sức làm việc này. Ngoài những bài suy tôn Văn Cao, Nguyễn Khắc Viện …, tôi đã viết bài vinh danh Trần Ðộ (“Tướng quân Trần Ðộ – Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”), Hoàng Minh Chính (“Hoàng Minh Chính - Từ nhà tù Sơn La đến trại giam B14 Hà Nội"), Hà Sỹ Phu (“Chia tay ý thức hệ để dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”), Vũ Cao Quận (“Thổn thức Vũ Cao Quận”), Trần Khuê (“Trần Khuê – Nhà khoa học ham tranh luận”), Phạm Quế Dương (“Ðại tá Phạm Quế Dương không thể là một tội phạm”), Nguyễn Khắc Toàn (“Nguyễn Khắc Toàn – Chàng trai đầy nhiệt huyết”), Nguyễn Vũ Bình (”Tự do hay là chết”), Lê Chí Quang (“Một bản án không nên có”) … Tôi cũng đã mấy lần đề nghị Hoàng Tiến cung cấp tư liệu để tôi viết về ông nhưng chưa được. Chẳng nhẽ việc anh em vinh danh nhau một cách đúng mực trên cơ sở các tư liệu hoàn toàn thật lại là việc đáng chê trách sao?

Nhiều người nhận xét rằng, cho đến nay, bài viết chi tiết nhất và suy tôn ông Hoàng Minh Chính có sức thuyết phục nhất là bài “Hoàng Minh Chính – từ nhà tù Sơn La đến trại giam B14” của tôi. Từ sau bài này, chính quyền và công an đã bớt xấc xược và tỏ ra nể trọng HMC hơn.


9.

Hàng chục năm nay Hoàng Tiến không dám giáp mặt nhà văn Dương Thu Hương thì căn cứ vào đâu ông ta khẳng định được rằng nhà văn này khinh bỉ tôi? Tôi nghe đồn đãi đâu đó rằng chị ấy bảo rằng tôi không thể là người dấn thân cho sự nghiệp dân chủ hoá vì tôi có đầy đủ cả: nhà cao, cửa rộng, vợ đẹp, con khôn, lại từng là thân tín của chủ tịch nước Trần Ðức Lương … Ở tù ra, tôi vẫn nghe người ta nói Dương Thu Hương bảo rằng tôi là một đối lập cuội vừa đi thực thi khổ nhục kế về. Khi nghe Trần Dũng Tiến rủ, phần vì muốn hoá giải mối nghi ngờ, phần vì muốn bắc cầu nối quan hệ giữa chị với anh em chúng tôi, tôi đã đến thăm chị. Không ngờ chị vẫn giữ thái độ nghi ngờ rất gay gắt và tôi đã rời nhà chị ngay sau vài câu chào hỏi. Ðến bây giờ tôi vẫn không hề giận Dương Thu Hương. Tôi biết mối nghi ngờ của chị đối với tôi là sai, nhưng trong lòng chị nó là có thật. Giữa tôi với Dương Thu Hương chưa có giao tiếp gì và chắc không thể có tỵ hiềm.


10.

Trong thời gian ông Trần Dũng Tiến ở trong tù, ông Hoàng Minh Chính tuổi cao không đến được đã đành, ông Hoàng Tiến cũng không hề dám bén mảng tới nhà ông Trần Dũng Tiến. Riêng mình tôi chạy đi chạy lại, không chỉ gửi quà mà còn khuyến khích vợ con ông Trần Dũng Tiến mạnh dạn đấu tranh đòi thả chồng mình, cha mình. Vất vả lắm tôi mới đề nghị được vợ ông Trần Dũng Tiến ký tên vào lá thư tôi viết hộ cho bà gửi Nhà nước và sau đó đưa ra công luận. Vất vả lắm tôi mới thuyết phục được bà nhận lời và soạn ý cho bà trả lời phỏng vấn đài nước ngoài … Không chỉ vất vả, mà những việc làm như thế, trong thời gian ấy, là rất nguy hiểm cho tôi. Ra tù, nghe vợ con thuật lại, người đầu tiên Trần Dũng Tiến đến thăm là tôi. Ông rưng rưng nói trong nước mắt: cả đời tôi, tôi không bao giờ quên Thanh Giang về sự quan tâm của Thanh Giang đối với tôi những ngày qua. Vậy mà, chỉ sau mấy lần bị các ông Hoàng Tiến và Hoàng Minh Chính kích động (Nào là lúc Thanh Giang bị bắt, Trần Dũng Tiến đã hết lòng dấn thân vì anh ta, vậy mà chúng tôi đã giục Thanh Giang nhiều lần, anh ta vẫn lờ đi, không chịu viết bài đấu tranh bảo vệ anh - trong khi đó cả Hoàng Tiến lẫn Hoàng Minh Chính cũng chẳng viết gì! Hiểm độc nhất là họ bảo tôi không những không dám bảo vệ Trần Dũng Tiến mà còn gọi điện thoại đi khắp nơi để trần tình với công an rằng bỏ tù Trần Dũng Tiến là đúng vì tôi đã góp ý mà Trần Dũng Tiến không nghe …) thế là Trần Dũng Tiến quay ngoắt 180 độ, tình nguyện làm cái loa cho Hoàng Tiến và Hoàng Minh Chính đi khắp nơi bêu xấu, chửi bới tôi. Thật là:

Ghê cho kẻ mọc lông trong bụng
Ðặt nên điều vẽ bóng ngoài môi
Ngựa hươu thay đổi như chơi
Dấu gươm đầu lưỡi, thọc dùi trong tay
Cao Bá Nhạ

Sự thực là vì yêu thương và muốn bảo vệ Trần Dũng Tiến, nhiều lần tôi đã phê phán, nhắc nhở ông ấy không nên đốp chát khi tiếp xúc với công an mà viết lách cũng không nên đao búa lắm. Ðao búa không chỉ khiêu khích chính quyền đàn áp mà còn ít thuyết phục được người đọc. Tôi đã có lần đập bàn, to tiếng với Trần Dũng Tiến và sau đó phải cậy nhờ nhiều người cùng thuyết phục Trần Dũng Tiến. Khi hồi tỉnh lại, Trần Dũng Tiến có hôm đến nhà tôi với ý muốn được giãi bầy nhưng tôi không giấu nổi sự khinh bỉ, không tiếp Trần Dũng Tiến. Từ đấy sự phản kích của Trần Dũng Tiến đối với tôi càng điên cuồng.

Khi ông Phạm Quế Dương mới ra tù, Hoàng Tiến cũng dùng thủ đoạn đó để kích động Phạm Quế Dương khi nói rằng tôi đã viết bài lên án ông ta về việc ông ta dám đả kích tổng bí thư Nông Ðức Mạnh. Âm mưu “chia uyên rẽ thuý ” trong vụ này của Hoàng Tiến không thành vì ông Phạm Quế Dương có trí xét đoán tốt hơn ông Trần Dũng Tiến.


11.

Hoàng Tiến lúc lên án tôi là tay chân đế quốc Mỹ, lúc thì bảo tôi tuân phục công an và quy kết tôi là kẻ hai mặt, nhưng trong các báo cáo mật (Báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà đọc trước Quân uỷ Trung ương, báo cáo của Hội nghị Tổng cục An ninh toàn quốc) tôi luôn bị xếp là đối tượng số một, số hai; trong khi đó Hoàng Tiến hoặc không bị soi đến, hoặc chỉ bị điểm danh ở mức an toàn hơn tôi rất nhiều. Có điều tôi thường chủ trương mạnh mẽ trong ý chí, cứng rắn trong lý lẽ nhưng mềm mại trong thái độ ứng xử. Tôi không ưa kiểu khí khái rởm, yêng hùng Quảng Lạc như Hoàng Tiến. Tiếp xúc với công an tôi thường thân ái nhiều khi rất thực lòng. Tôi biết họ chỉ vì ăn luơng và bị sai phái nên phải làm mà thôi (một vài trường hợp họ đã tâm tình thành khẩn với tôi). Cái mà tôi phải đấu tranh quyết liệt không nề nguy nan là với những chủ trương đường lối sai lầm của Ðảng đã và đang kìm hãm đất nước, làm khổ nhân dân chứ không phải với từng cá nhân, kể cả với những thủ trưởng cấp cao chót vót của họ hay của Ðảng.


12.

Tôi cũng có “lỗi” với Hoàng Tiến. Những cái lỗi bất khả kháng. Năm 2000, cùng đi trong đoàn Tổng thống Clinton sang thăm Việt Nam có dân biểu Lorreta Sanchez. Bà cho biết bà muốn gặp tôi và một số người bạn của tôi. Hồi đó chưa được như bây giờ, triệu tập cuộc họp đông người là rất nguy hiểm cho tính mệnh của người triệu tập. Vả chăng, tham thêm vài người có thể dễ vỡ lở và cuộc gặp mặt không thể được hình thành. Tôi đành chỉ mời các ông Trần Ðộ, Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương. Tôi không hề có ý xem thường Hoàng Tiến. Năm 2001 có đoàn công tác của Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Mỹ sang Việt Nam. Họ báo trước sẽ đến thăm tôi. Lần này tôi mời Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Hoàng Tiến. Ngồi đợi khách hơn tiếng đồng hồ không ai đến. Các ông Hoàng Minh Chinh và Phạm Quế Dương vẫn bình thản chờ đợi. Ông Hoàng Tiến gay gắt với tôi, mắng tôi như trẻ con, bảo tôi là sính Hoa Kỳ nên đã hoảng báo. Không kìm được tự ái, tôi đã nóng nẩy quát mắng và đuổi Hoàng Tiến về. Ba ngày sau, Ðại sứ quán Hoa Kỳ cho tôi biết khách có đến đúng giờ nhưng xe vừa đỗ ở ngõ vào nhà tôi thì mấy công an chặn lại yêu cầu xe rời khỏi khu vực này ngay vì ở đây đang có vấn đề không an toàn. Năm ngoài, do thái độ thô lỗ, Hoàng Tiến lại cũng bị vợ tôi đuổi khỏi nhà chúng tôi!


13.

Bây giờ Hoàng Tiến mới ra tay “bóc mẽ” tôi trước toàn thế giới. Mấy năm qua, ông đã không mệt mỏi dành nhiều sức lực, tâm trí cho việc làm này thông qua tuyên truyền miệng và thư nặc danh. Tôi xin gửỉ đính kèm bức thư ký tên Huỳnh Ngô [1] . Tôi khẳng định 100% thư này của Hoàng Tiến vì tình tiết sau:

Có một phụ nữ hiện là bí thư chi bộ và uỷ viên hội đồng nhân dân quận. Bà này có cảm tình nên thường qua lại nhà tôi và đến thăm, biếu quà cho các ông Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Trần Dũng Tiến. Ông Hoàng Minh Chính, Hoàng Tiến khăng khăng quả quyết đấy là công an. Tôi và vợ tôi không nhận định như thế vì biết chị ấy là con một trí thức có công lớn với cách mạng hồi đầu kháng chiến chống Pháp nhưng vì thành phần nên bị bạc đãi. Mối hận trí thức đã đẩy chị đến với chúng tôi.

Sinh nhật năm 2003, chị gửi đến tôi một phong bì có thiếp mừng sinh nhật và 500.000 đồng. Lúc ấy có đại tá TL, người hàng xóm thân cận, có yếu tố người nhà đến chơi và biết việc ấy. Hôm sau, đại tá TL đến thăm Hoàng Minh Chính và kể câu chuyện vui mừng này. Chắc chắn chỉ 4 người: vợ chồng tôi, đại tá TL và Hoàng Minh Chính biết việc này. Thế mà 2 tháng sau, thư nặc danh kết tội tôi nhận tiền của công an!

Cuối năm 2004 lại xuất hiện thư nặc danh ký tên Nguyễn Văn Thanh [2] . Ông Lê Hồng Hà đưa tôi xem. Cả hai chúng tôi đều cho rằng đây là bài của công an. Về nhà, tôi đưa ngay cho vợ tôi đọc. Sau một hồi suy nghĩ, vợ tôi khẳng định: đây là trò của tay chân Hoàng Minh Chính. Ðọc đến câu “Việc ông ta (tức là tôi) thường xuyên gặp gỡ hai cháu Vũ Thuý Hà, Bùi Kim Ngân (vợ của Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình) tỏ vẻ thông cảm, thậm chí còn xúi giục họ làm việc này, việc khác để được gần gũi …”, vợ tôi bật thốt lên gay gắt: Thật đúng là một lũ xỏ lá đê tiện!


14.

Hoàng Tiến khó làm được gì đối với tôi, nếu chỉ mình ông ta. Ngặt một nỗi, sát cánh cùng HT lại là HMC nên đòn hiểm của ông ta cũng đã thu nhiều kết quả. Ít nhất các ông ấy đã biến được ông Trần Dũng Tiến từ chỗ vô cùng thân thiết với gia đình tôi, bỗng nhiên trở thành thù địch ghê gớm; làm cho Bùi Minh Quốc khinh bỉ tôi; làm cho Hà Sỹ Phu và một số người không có điều kiện tiếp xúc nhiều với tôi (ngay cả Bùi Minh Quốc và Hà Sỹ Phu cũng chỉ mới gặp tôi vài bốn lần) nghi ngờ và lảng tránh tôi.

Tất cả những điều viết trong bài “Ðã đến lúc không thể làm ngơ được nữa” đều là suy diễn, bịa đặt, xuyên tạc nhưng đều đã được loan truyền rải rác trong nước từ mấy năm qua không chỉ bởi HT mà cả bởi HMC (Tôi rất cảnh giác nên chỉ tin những người tín cẩn kể với tôi rằng HT và HMC nói với chính người đó).

Nhận được bản “Lời thú tội” (chữ dùng của HT) từ Internet, tôi đã photo làm nhiều bản đưa cho anh Lê Hồng Hà đề nghị tán phát. Anh Lê Hồng Hà phản đối nhưng HT và HMC mập mập mờ mờ ra sức tận dụng món quà quý báu này của công an để bôi xấu tôi.

Nghe ai đó nói rằng hai bên cột cổng nhà tôi có hai tấm biển đồng sáng choé, một bên ghi: tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, một bên ghi: viện sỹ Nguyễn Thanh Giang, lẽ ra ông HMC nên nhắn tôi lên góp ý hãy hạ hai cái biển kệch cỡm đó xuống. Ông HMC không làm như vậy. Ông chớp ngay thông tin mà ông cho là quý giá đó để tranh thủ bêu riếu tôi. Một cháu gái tên là Ðỗ Thị Chung, sau 3 năm giúp việc cho nhà tôi thì lên giúp việc cho ông HMC. Một hôm, cháu gọi điện cho tôi giọng tức tưởi: “Ông ơi, nhà ta có hai tấm biển đề tiến sỹ và viện sỹ treo hai bên cổng không mà sao cháu thấy ai đến đây ông Hoàng Minh Chính cũng kể?”. Hai tấm biển đó không hề có.

Thật là cực chẳng đã, tôi hoàn toàn không muốn kéo ông HMC vào cái cuộc giãi bầy này để thêm rách việc, để vạch áo thêm rộng cho người xem hết cả cái lưng. Hơn ba năm qua tôi đã âm thầm đắp điếm lại và đắng cay chịu đựng. Tôi vẫn nhắc nhở mọi người nên thường xuyên đến thăm HMC cho ông đỡ cô đơn tuổi già. Không phải HT, mà chính là tôi, vẫn tích cực can thiệp để ông HMC có điều kiện chữa bệnh tốt hơn ngõ hầu kéo dài tuổi thọ của ông được chừng nào hay chừng ấy. Dẫu sao, tình hình đã đến thế này thì thật là, nói như HT, đã đến lúc không thể làm ngơ được nữa. Vả chăng, đến như Lê Ðức Anh, như vụ T4 mà ta thấy cũng còn cần phải dũng cảm “bóc mẽ” hết cả ra nữa là … Lại nữa, đằng nào thì HT cũng đã nói đến trong bài viết của ông ta!


*


Bản phúc đáp này càng chậm chạp hơn vì bị bỏ dở giữa chừng. Sau khi đọc bài của HT, tôi mất ngủ mấy đêm và có nguy cơ suy sụp. Các cụ lão thành cách mạng đến rủ và vợ tôi tích cực động viên nên tôi đã tạm xếp bài viết lại để đi tắm biển mấy bữa. Rồi đây, điều qua tiếng lại chắc sẽ còn nhiều. Các cơ quan chức năng có nhiệm vụ tiêu diệt “phong trào dân chủ” nhất định không buông tha thời cơ bằng vàng do họ đã góp phần tích cực tạo ra được. Dẫu có thế nào, tôi cũng xin được rút lui, không trở lại vấn đề này nữa. Tôi vô cùng sợ sự đôi co lằng nhằng. Cầu mong Trời Phật phù hộ cho những tấm lòng lành, chứng giám cho sự thật và lẽ phải.

Hình như đâu đó mang mang những nỗi buồn và lo lắng rồi đây “phong trào dân chủ” chúng tôi sẽ tan rã. Tôi không nghĩ như vậy. Tất cả những tên tuổi mà quý vị quen nghe thấy trong chúng tôi là chỉ ở phần nổi của tảng băng. Phần chìm dưới đó khổng lồ hơn nhiều. Ðó là những Nguyễn Trung Trực, Tuệ Minh, Nguyễn Thiện Tâm, Bắc Hà, Tốt Huỷn, Lê Nguyễn, Việt Hoàng, Nguyễn Hải Sơn …

Cũng không phải chỉ có những tảng băng, cả một lòng sôi hừng hực đang liên tiếp phụt lên những hoả diệm sơn sáng loé với những Trần Quốc Thuận, Nguyễn Trọng Vĩnh, Lê Ðăng Doanh, Ðặng Quốc Bảo, Phan Ðình Diệu, Trần Văn Hà, Ðặng Văn Việt … Anh em trong “phong trào dân chủ” chúng tôi đã có một phần công lao đóng góp cho tảng băng chìm hình thành và lớn lên, cho những hoả diệm sơn bật dậy. Dẫu rồi đây vắng bóng những Hoàng Tiến, những Nguyễn Thanh Giang …, dẫu rồi đây một phần nào đó của tảng băng nổi tan đi thì vẫn còn đó ước nguyện tha thiết, ý chí kiên cường của nhân dân Việt Nam đang được hun đúc ngày một cháy bỏng. Và, nhất định tiến trình dân chủ hoá Việt Nam không chỉ là một xu thế không thể đảo ngược mà sẽ với tốc độ vận động đang ngày càng nhanh hơn, mạnh hơn.

Hà Nội ngày 29 tháng 7 năm 2005

Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Khu tập thể Ðịa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm - Hà Nội
Ðiện thoại : 5 534370

© 2005 talawas



Phụ lục
Tướng Trần Ðộ
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Trưởng ban Văn hoá-Văn nghệ Trung ương Ðảng
Tôi đọc Suy tư và ước vọng

Tôi rất cảm ơn anh Thanh Giang đã cho tôi đọc bản thảo cuốn sách của Anh. Những bài trong cuốn sách tôi đã được đọc lai rai từ lâu.

Tôi thấy đúng đây là những “suy tư và ước vọng” của người trí thức yêu nước, của những người trí thức yêu nước tâm huyết. Tôi biết những người như vậy. Tôi còn biết rằng những người trí thức là những người đọc nhiều, hiểu rộng nên có trí xét đoán, họ không tin cái gì một cách mù quáng và không bác bỏ cái gì một cách đơn giản. Ngày nay người ta thường tìm mọi cách quy kết các người trí thức có ý kiến xét đoán độc lập của mình là người cố tình chống đối cái này cái khác, thậm chí cho là họ bị nước ngoài lợi dụng v.v. Ðó là những ý kiến vô học, thiếu tự trọng, không biết tin vào trí xét đoán của người khác mà cứ suy bụng ta ra bụng người. Chính những kẻ vô học đó không biết xét đoán và rất dễ dàng mất nhân cách khi có danh và lợi. Họ không biết đến lòng tự trọng cao cả của người trí thức.

Tôi thấy trong Suy tư và ước vọng rất nhiều ý kiến tâm huyết và bổ ích, có thể sử dụng tốt để hoàn thiện đường lối xây dựng và phát triển đất nước. Nhất là trong khi hiện nay đường lối phát triển đất nước cứ chập chờn, bị động, chậm chạp và nửa vời, cho nên đất nước có phát triển mà không phát triển nhanh, mạnh được.

Thắng lợi thống nhất đã 26 năm (tức là gần 30 năm, gần bằng thời gian 30 năm chiến tranh rồi) mà đất nước vẫn chưa thoát khỏi cảnh đói nghèo và lạc hậu, vẫn tụt hậu ngày càng xa so với những nước gần ta, tuy cách đây không lâu, cũng còn nghèo khổ và lạc hậu như ta.

Ðảng nêu khẩu hiện trí tuệ nhưng chỉ sử dụng những trí tuệ tuân phục, bỏ qua, quên mất hay vùi dập, thậm chí hành hạ, kết án những trí tuệ độc lập.

Tôi cho rằng anh Thanh Giang cũng như nhiều trí thức khác cứ nên tiếp tục những suy tư của mình vì dân tộc vì đất nước. Chắc chắn, sẽ đến ngày những ý kiến của các anh phải được trân trọng và đem thực hành.

Thật ra không phải ai có ý thức độc lập cũng có những ý kiến toàn bích ngay được nhưng nếu có sự tự do trao đổi, tự do thảo luận, tự do bác bỏ và bênh vực thì sẽ xuất hiện nhiều ý kiến tuyệt vời. Giới trí thức Việt nam có tiềm lực lớn và trình độ khá cao ít nhất là không hề thua kém trình độ thế giới. Nhưng lãnh đạo phải biết tôn trọng và khêu gợi để có nhiều cuốn sách như tập Suy tư và ước vọng này.

Xin chức mừng anh Thanh Giang và mong anh tiếp tục phát huy những đóng góp trí tuệ của mình. Tôi rất tin tưởng vào ý thức độc lập và trí xét đoán của anh.

Ngày 30 tháng 4 năm 2001



[1]Chú thích của talawas: Ông Nguyễn Thanh Giang đã chuyển đến tòa soạn bản chụp bức thư này làm tư liệu đối chứng.
[2]Chú thích của talawas: Ông Nguyễn Thanh Giang đã chuyển đến tòa soạn bản chụp bức thư này làm tư liệu đối chứng.