© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
Loạt bài: Tưởng niệm Giáo hoà ng John Paul II (1920-2005)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
7.4.2005
Anne Applebaum
Vai trò của Giáo hoàng John Paul II trong sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản
Phạm Minh Ngọc dịch
 
Nếu trong tuần vừa qua bạn có xem TV hay đọc báo thì bạn không thể không biết rằng Giáo hoàng John Paul II vừa tạ thế đã “giúp đánh thắng chủ nghĩa cộng sản”. Người ta nói rằng Giáo hoàng là người “khởi xướng” sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, buộc chủ nghĩa cộng sản phải “cúi đầu”, hay đã “đấu tranh cho sự tan rã của chủ nghĩa cộng sản”. Một số người dành cho ngài vai trò khiêm tốn hơn, như nhan đề một bài báo: “Giáo hoàng và Reagan hợp tác trong việc ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản”. Một số khác lại trình bày sự kiện dường như Giáo hoàng John Paul II đã đứng trên chiến luỹ và mô tả ngài như người đã giúp “lật đổ chủ nghĩa cộng sản”.

Đại đa số những điều mô tả vai trò của Giáo hoàng trong việc chủ nghĩa cộng sản sụp đổ đều mù mờ và là kết quả của sự thiếu hiểu biết. Một người quen của tôi còn được một phóng viên gọi điện thoại để nói chuyện về việc Giáo hoàng đã bí mật đàm phán về việc lật đổ chủ nghĩa cộng sản với lãnh tụ Liên Xô là Mikhail Gorbachev. Trong thực tế vai trò của Giáo hoàng trong việc lật đổ chế độ cộng sản mang ít tính âm mưu hơn thế, nhưng không vì thế mà ít giá trị hơn và chính vì thế lại càng đáng trân trọng. Vậy ngài đã làm những gì?

Giáo hoàng đã có hai đóng góp trong việc đập tan chế độ toàn trị cộng sản, một hệ thống tuyên bố nắm toàn bộ hay gần như toàn bộ tài sản vật chất, từ nhà máy, xí nghiệp, trang trại cho đến nhà ở và độc quyền trong lĩnh vực đời sống tinh thần. Nói một cách khác, không ai được làm ăn riêng, không ai được có niềm tin vào triết lí nào khác ngoài triết lí mác-xít. Nhà thờ, ban đầu là ở Ba Lan rồi sau lan dần ra các nước khác, đã phá được hai độc quyền này bằng cách cung cấp cho dân chúng những chỗ an toàn để họ gặp gỡ và về mặt tinh thần cung cấp cho họ một thế giới quan “thay thế”.

Chuyện đó xảy ra như thế nào? Khi còn sống ở Ba Lan trong những năm 1980 người ta đã bảo tôi rằng, nếu tôi muốn biết các sự kiện thì hãy đến một nhà thờ nào đó ở Warszawa và nhận ở đó một tờ báo xuất bản bí mật hàng tuần. Tương tự, nếu tôi muốn xem triển lãm tranh không phải do các hoạ sĩ của chế độ vẽ và không được các nhân viên kiểm duyệt cho phép thì tôi nên vào xem các buổi triển lãm hay các buổi trình diễn trong các tầng hầm bên dưới nhà thờ. Các tu sĩ không xuất bản báo, không vẽ, không tham gia trình diễn, những sản phẩm đó cũng không bắt buộc phải có màu sắc tôn giáo; họ chỉ cung cấp tài nguyên và địa điểm cho những người tham gia làm việc đó. Khi giúp đỡ cho việc thành lập cái mà hôm nay được gọi là “xã hội dân sự”, các vị tu sĩ đó đã theo gương Giáo hoàng; khi còn trẻ, trong vùng bị phát xít Đức chiếm đóng, ngài đã bí mật tu học và cũng bí mật thành lập một nhà hát dành cho dân chúng.

Dù nghe có vẻ kì quặc, nhưng “những quan điểm thay thế” của nhà thờ Ba Lan không phải là hiện tượng hoàn toàn tôn giáo. Chủ nghĩa Marx, như đã thịnh hành ở Trung Âu, chính là sự tôn sùng tiến bộ. “Chúng tôi phá bỏ quá khứ để tạo dựng tương lai”, các lãnh tụ cộng sản từng giải thích. “Chúng tôi phá bỏ ngôi nhà, đập tan truyền thống và chúng tôi tập thể hoá đất đai để xây dựng một xã hội mới, tạo ra những công dân mới”. Nhưng khi Giáo hoàng quay lại Ba Lan, ngài không chỉ nói về Chúa mà còn về lịch sử. Trong chuyến đi đó, ngài đã tham dự ngày giỗ thứ một ngàn của thánh Adalbert, tham gia lễ kỉ niệm sáu trăm năm ngày thành lập trường tổng hợp lâu đời nhất của Ba Lan và bốn mươi năm ngày Warszawa khởi nghĩa. Một lần tôi được nghe ngài nói về cuộc đời của nữ tu sĩ thế kỉ XIII tên là Kinga (Sister Kinga). Bài nói này được chuẩn bị khá kĩ. “Trung thành với cội nguồn không có nghĩa là bắt chước mù quáng quá khứ”, ngài đã nói như vậy trong một lần ở Ba Lan. “Trung thành với cội nguồn luôn luôn là sáng tạo, sẵn sàng đi vào chiều sâu, sẵn sàng cởi mở cho những thách thức mới”.

Giáo hoàng John Paul II thể hiện niềm tin của mình theo một cách đặc biệt: giữa đám đông, công khai với nhiều dẫn chứng lịch sử và văn hoá đã tạo ra những ảnh hưởng bùng nổ trong những nước mà chế độ có ý định kiểm soát cả văn hoá, cả lịch sử và mọi lĩnh vực khác nữa.

Cuối cùng, Giáo hoàng đã để lại dấu ấn nhờ khả năng đặc biệt của mình, đấy là sự sùng kính, cũng như niềm tin của mọi người, ngài đã đưa được dân chúng ra đường phố. Như Natan Sharansky và những người khác đã viết, chế độ cộng sản đạt được thành tựu cao nhất của mình khi còn có khả năng chia rẽ dân chúng, tách họ ra và buộc họ phải sợ. Nhưng khi Giáo hoàng quay lại Ba Lan vào năm 1979 thì không phải chỉ có vài chục bà già chào đón ngài, như nhà cầm quyền nghĩ, mà là hàng triệu người đủ các lứa tuổi. Chồng tôi, lúc đó mới 16 tuổi, nhớ lại rằng anh từng trèo lên cây bên ngoài sân bay gần Gniezno để xem Giáo hoàng hành lễ và nhìn thấy một đám đông bất tận “kéo dài đến ba cây số về tất cả các hướng”. Đại diện chính quyền, các nhà lãnh đạo, cảnh sát mất tăm mất dạng. “Chúng ta thì đông thế, còn họ thì ít thế”, chồng tôi nói. Trong chuyến đi này ngài luôn luôn nhắc: “Đừng sợ!”

Không phải vô tình mà một năm sau dân chúng Ba Lan có đủ can đảm để lập ra “Công đoàn đoàn kết”, một tổ chức chính trị chống cộng đầu tiên. Cũng không phải vô tình mà trong các nước cộng sản khác người ta cũng bắt đầu thành lập các tổ chức “xã hội công dân”. Nếu điều đó là có thể ở Ba Lan thì tại sao lại không có thể ở Hungary hay ở Đông Đức. Năm 1989 Giáo hoàng hoàn toàn không cần thông đồng với Gorbachev, vì ngay từ năm 1979 ngài đã chứng tỏ cho mọi người thấy rằng tham vọng của Liên Xô về tính ưu việt về mặt đạo đức chỉ là những tham vọng rỗng tuếch. Ngài không cần những cuộc hội đàm bí mật vì ngài đã chứng tỏ rằng có thể nói điều quan trọng nhất một cách công khai. Nói một cách khác, ngài không cần ra chiến lũy vì ngài đã chứng minh rằng nhân dân có thể bước qua chiến tuyến.


© 2005 talawas
Nguồn: Nguyên bản tiếng Anh How the Pope 'Defeated Communism' đăng trên Washington Post ngày 06.4.2005: http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/articles/A28398-2005Apr5.html?sub=new
Phạm Minh Ngọc dịch theo bản tiếng Nga: http://www.inosmi.ru/translation/218638.html