Joseph E. Stiglitz
16. Những suy ngẫm triết học
Mơ ước về một thế giới tốt đẹp hơn trên trái đất đã là một chủ đề trung tâm trong phát triển của nền văn minh Phương Tây từ Phong trào Cải cách (thế kỉ 16). Thế kỉ thứ mười chín đã thấy một số trong các tầm nhìn không tưởng này được chuyển sang các thí nghiệm với thành công rất hạn chế. Nhưng thế kỉ thứ mười chín cũng đã thấy sự phát triển của các hệ tư tưởng, những cái đã thay thế các học thuyết tôn giáo đã thống trị lâu đến thế đối với nhân loại, nhưng đã có ảnh hưởng với nhiệt tình xúc cảm giống hệt; thực vậy sự nhiệt tình đã được củng cố bởi cảm giác sai rằng các ý thức hệ dựa trên các tiền đề khoa học. Sự thống trị của ý thức hệ Marxist đối với tinh thần – và cuối cùng đối với cuộc sống- của biết bao người trong hơn một thế kỉ phải làm cho chúng ta ngập ngừng: Nó chắc chắn là một dấu hiệu về tầm quan trọng của tính có thể sai của con người, điều tôi đã nhấn mạnh trong cuốn sách này. Nó nhắc chúng ta thận trọng trong sự quả quyết mà chúng ta giữ quan điểm của mình, và thận trọng trong vẻ hấp dẫn “khoa học” để biện minh cho niềm tin của chúng ta về tổ chức xã hội. Nhưng, vượt xa hơn điều đó, chúng ta cần tìm các lí do sâu kín cho bề sâu và tính bền bỉ của tính hấp dẫn của các học thuyết này.
Mô hình tân cổ điển và các ý thức hệ mà nó được gắn vào đã chẳng nói nhiều về những lo ngại căn bản này: Nó nói về tính hiệu quả (dẫu là hiệu quả “Pareto”) của thị trường. Các quan điểm như vậy chẳng mấy hấp dẫn đối với một xã hội trải nghiệm 25 phần trăm thất nghiệp, thí dụ, trong Đại Suy thoái, hoặc đối với một xã hội đã sa lầy trong đình trệ hàng thế kỉ. Chúng cũng chẳng mấy hấp dẫn đối với những người đối mặt với cuộc sống nghèo khổ dơ dáy ở giữa sự giàu sang của Mĩ hoặc Tây Âu, cũng chẳng hấp dẫn với thanh niên của các nước này, mà các lí tưởng của họ về công bằng xã hội vẫn chưa bị dẹp sang một bên trong theo đuổi tư lợi cái dường như đi cùng với cái gọi là quá trình chín muồi.
Liệu đây có phải là cái tốt nhất trong các thế giới khả dĩ? Có lẽ, nhưng các cá nhân này không, và không muốn, tin. Như một xã hội chúng ta không muốn tin. Chúng ta không thể chấp nhận quan điểm này, nếu không phải vì lí do khác hơn là cuộc đấu tranh sáng tạo để giải quyết các vấn đề này bản thân nó có giá trị, dẫu chúng ta chỉ có một chút tiến bộ.
Nhào nặn cá nhân
Thành công đại chúng của ý thức hệ Marxist đã một phần do hi vọng vào một nền kinh tế hiệu quả hơn, một nền kinh tế mang lại nhiều hàng hoá hơn cho nhiều người hơn. Nhưng thành công trong giới trí thức đã vượt quá điều đó: Nó một phần dựa vào lòng tin về ảnh hưởng của hệ thống kinh tế lên bản chất con người. Sự lo ngại là có cơ sở: Một trong những phê phán chỉ trích gay gắt nhất đối với thử nghiệm xã hội chủ nghĩa đã là cái nó làm với tinh thần của con người- tính trơ trẽn nó gây ra cho thanh niên, tính quan liêu, thiếu đổi mới sáng tạo.
Tương tự không thể gạt bỏ những lo ngại Marxist về các ảnh hưởng của kinh tế thị trường làm cho công nhân chán ghét. Trong thảo luận dưới đây, tôi sẽ bình luận ngắn gọn về các ảnh hưởng rộng hơn của cạnh tranh và hợp tác; lòng tin, ứng xử tư lợi, và chủ nghĩa vị tha; sự chán ghét; và phi tập trung hoá.
Cạnh tranh
Cạnh tranh là quan trọng, không chỉ vì khả năng thúc đẩy hiệu quả kinh tế của nó mà cả vì sự thích thú mà nó mang lại cho cuộc sống. Ở đây chúng ta chạm phải một trong nhiều tính lập lờ nước đôi đặc trưng cho các quan điểm của chúng ta về kinh tế thị trường: Cạnh tranh là tốt, nhưng chúng ta có những nghi ngờ về cạnh tranh quá đáng. Chúng ta khuyến khích hợp tác trong nội bộ các nhóm nhưng cạnh tranh giữa các nhóm. Thế mà môi trường thị trường cạnh tranh có thể khuyến khích và làm nổi bật các khía cạnh này của tính cách cá nhân. Nếu những người cạnh tranh tàn nhẫn là những người thành công, ứng xử như vậy có thể được bắt chước. Đồng thời những người hợp tác (quá) có thể bị mang tiếng như đồng tình luyến ái. Do đó ứng xử như vậy sẽ không được khuyến khích.
Ứng xử tư lợi
Một trong những lí do mà chúng ta không bằng lòng với những người có tính cạnh tranh quá là cảm giác nước đôi của chúng ta về ứng xử tư lợi. Adam Smith có thể đã đúng rằng chúng ta có thể dựa vào tính tư lợi để dẫn đến lợi ích công được phục vụ chắc chắn hơn chúng ta có thể dựa vào lòng nhân từ. Có một số điều kiện mà việc dựa vào ứng xử tư lợi mang lại hiệu quả kinh tế.
Thế nhưng sự tin cậy là cốt yếu trong thế giới mà chúng ta sống; để có được, sự tin cậy thường đòi hỏi hành động một cách ít hơn tư lợi hoàn toàn. Sự tin cậy đã là cốt yếu cho sự phát triển ban đầu của các thị trường vốn. Trong các thị trường “không hoàn hảo” các loại nào đó của ứng xử tư lợi làm hại đến hiệu quả kinh tế. Thực vậy chúng ta biết rằng phải tạo khuyến khích, thường khá đắt đỏ, để khiến những cá nhân tư lợi hành động một cách đáng tin cậy (lương của sự tin cậy).
[1]
Ở đây có sự mỉa mai nào đó: Chủ nghĩa tư bản, do nó thúc đẩy ứng xử tư lợi, có thể tạo ra một môi trường ít dẫn đến hiệu quả. Chủ nghĩa tư bản phồn thịnh nhất trong một môi trường với sự kết hợp đặc biệt của ứng xử tư lợi- đủ để khiến các cá nhân kiếm các hoạt động sinh lời- và ứng xử không tư lợi, nơi lời nói là danh dự, nơi sự thưởng phạt xã hội hơn là thưởng phạt kinh tế là đủ để thực thi các hợp đồng.
Phê phán chủ nghĩa tư bản, rằng nó thúc đẩy ứng xử tư lợi, còn vượt quá, tất nhiên, sự tư lợi của bản thân chủ nghĩa tư bản. Một giáo lí lâu đời của các nền văn minh, cả Phương Đông lẫn Phương Tây, là các cá nhân phải chăm lo đến những người khác. Chủ nghĩa tư bản có thể khuyến khích tính tư lợi, nhưng đó có phải là điều đáng mong mỏi?
Chúng ta coi việc từ thiện như một đức hạnh,
[2] nhưng liệu nó còn là một đức hạnh không khi chúng ta ép buộc việc thiện lên những người khác? Có sự khác biệt gì đó, chắc chắn đối với người cho, có lẽ đối với người nhận, về đưa tiền cho một người nghèo một cách tự nguyện so với bị ép buộc làm vậy. Bằng cách thay chỗ chăm lo và trách nhiệm từ cá nhân sang chính phủ - không chỉ đối với người khốn khó, mà cả cho chính mình, cha mẹ mình, con cái mình – chúng ta làm thay đổi xã hội và thay đổi chính mình. Ở đây ta lại thấy sự mỉa mai nào đấy: Các nỗ lực nhằm
cải thiện xã hội bằng cách để chính phủ gánh vác một vai trò lớn hơn trong tái phân phối, có thể cuối cùng – thông qua tác động của chúng lên các cá nhân và bản chất của khế ước xã hội- có các hệ quả mập mờ hơn.
Sự chán ghét, xa lánh, tha hoá
Marx và những người theo ông đã chú tâm vào sự chán ghét của công nhân đối với công việc và sản phẩm công việc của họ. Ngày nay chúng ta nói về sự thoả mãn với công việc và sự tham gia của công nhân. Những điều này cũng là những mối lo thực sự. Ngày nay chúng ta biết rằng thay đổi quyền sở hữu về tư liệu sản xuất không giải quyết các vấn đề này: Nó có thể làm vấn đề tồi tệ hơn. Chí ít trong phạm vi các hệ thống tư bản chủ nghĩa, ở mức độ sự thoả mãn với công việc và sự tham gia của công nhân tác động đến năng suất của nhân viên, có các khuyến khích mạnh cho các hãng để phát triển những dàn xếp sản xuất nhằm nâng cao sự thoả mãn với công việc làm. Nhưng liệu chúng phải chỉ làm vậy trong chừng mực nó mang lợi? Các lí lẽ cho tác động đó dựa vào giả thiết rằng sự ưa thích và cá tính không bị ảnh hưởng bởi cái xảy ra trong nội bộ hãng.
Phi tập trung hoá
Tôi đã nhấn mạnh rằng cạnh tranh có các tác động xa ngoài những lợi ích hẹp mà mô hình chuẩn tập trung vào. Cũng có thể nói như thế về phi tập trung hoá. Tôi đã nhấn mạnh các tác động đến hiệu quả hẹp của phi tập trung hoá. Nhưng phi tập trung hoá cũng có thể là quan trọng vì ảnh hưởng nó có lên sự cảm nhận của các cá nhân về tính hiệu quả của họ, cảm giác “kiểm soát” của họ. Tuy những cảm giác này có thể có ảnh hưởng lên năng suất, chúng cũng có thể có các hệ quả vượt xa điều đó.
Một khía cạnh của xã hội hiện đại mà các cá nhân thường than phiền là cảm giác về sự bất lực. Nền kinh tế được tổ chức ra sao có thể đóng góp vào hoặc làm nhẹ bớt cảm giác đó. Phi tập trung hoá hầu như chắc chắn cho các cá nhân cảm giác rằng họ có ảnh hưởng nào đó. Tôi nghi rằng tốt hơn khi có cảm giác kiểm soát, cho dù trong một phạm vi nhỏ, hơn là có cảm giác rằng mình chỉ là một chiếc bánh xe trong một cỗ máy lớn.
Đồng thời phân tích về tính có thể sai lầm của con người (được thảo luận ở chương 9) chỉ ra sự hầu như không thể tránh khỏi về cảm giác bất lực nào đó trong một xã hội được tổ chức tốt. Chúng ta không, và không được, dựa vào một cá nhân duy nhất để đưa ra các quyết định
tập thể quan trọng. Các quyết định này hầu như luôn do các hội đồng đưa ra, hoặc trong phạm vi thứ bậc, bất kể cá nhân riêng nào chỉ có ảnh hưởng không đáng kể đến kết quả. Chỉ về các vấn đề không quan trọng- khi các sai lầm có ít hệ quả - chúng ta mới có thể để việc ra quyết định cho một cá nhân duy nhất. Đây có lẽ là một lí lẽ để hạn chế, ở mức càng nhiều càng tốt, phạm vi của ra quyết định tập thể.
Tính nội sinh của bản chất con người
Tôi đã nói về thiết kế hệ thống kinh tế có thể nuôi dưỡng các đặc trưng nào đó- tính tư lợi và tính cạnh tranh. Trong từ vựng hiện đại, chúng ta nói rằng những khía cạnh nào đó của bản chất con người mang tính nội sinh với hệ thống. Mối lo về hệ thống kinh tế có thể làm gì đến tinh thần con người, tuy đã biến mất khỏi kinh tế học hiện đại, đã hiện diện trong lối viết của Adam Smith:
[3]
Sự hiểu biết của phần lớn người dân nhất thiết được tạo ra bởi việc làm bình thường của họ. Người suốt đời chỉ tiến hành một số thao tác đơn giản… nhìn chung trở thành đần độn và ngu dốt ở mức con người có thể trở nên. Tình trạng mê mệt về đầu óc làm cho anh ta, không chỉ không có khả năng thưởng thức hoặc tham gia vào bất kể thảo luận lí trí nào, mà bất lực trong bày tỏ bất kể tình cảm hào phóng, cao thượng, hoặc dịu dàng nào, và do đó không có khả năng tạo ra bất kể phán xét nào liên quan đến ngay cả nhiều bổn phận thông thường của cuộc sống riêng tư… Sự khéo léo của anh ta trong nghề riêng của mình dường như, trong khía cạnh này, đã thu được với cái giá của các đức hạnh trí tuệ, xã hội, và thượng võ của anh ta. Nhưng trong mọi xã hội được cải thiện và văn minh đây là trạng thái mà những người lao động nghèo, tức là, rất đông người, nhất thiết phải rơi vào, trừ phi chính phủ bỏ công sức ra để ngăn chặn.
Nhưng, trong khi lí thuyết kinh tế truyền thống rõ ràng sai khi coi con người là không thể thay đổi được – “các sở thích” không hơn công nghệ đã là các yếu tố nguyên sơ của mô hình- chúng ta không có cơ sở khoa học để phán xét một tập các giá trị đạo đức, một tập của các loại cá tính, là ưu việt hơn tập khác. Như thế, tuy Hayek có thể đã đúng trong nhấn mạnh chiều đạo đức của các thị trường- loại các hệ quả nhào nặn bản chất con người mà tôi vừa mô tả - ông đã không cho chúng ta một cách tiếp cận có hệ thống để giải quyết các vấn đề này (thí dụ xem cuốn sách 1989 của ông).
Tính hạn hẹp của con người tân cổ điển
Phê phán kinh tế học tân cổ điển không chỉ ở chỗ nó không tính đến các hệ quả rộng hơn của tổ chức kinh tế lên bản chất của xã hội và cá nhân, mà là nó tập trung quá hẹp vào một tập con của các đặc trưng của con người- tư lợi, ứng xử duy lí. Thực ra, mô hình về ứng xử này có thể giúp chúng ta rất nhiều để hiểu ứng xử kinh tế. Thực vậy nó có thể rất thành công trong giúp chúng ta hiểu sự thất bại của thử nghiệm xã hội chủ nghĩa. Nhưng, như thảo luận của tôi về vai trò của các khuyến khích chắc phải làm rõ, có nhiều khía cạnh của ứng xử
kinh tế còn bị bỏ không được giải thích. Tôi đã chứng tỏ các khuyến khích kinh tế, được thiết kế một cách tỉ mỉ, dường như cho một giải thích chưa đủ về việc vì sao nhiều cá nhân lại làm việc cần mẫn và hiệu quả như họ có thể. Tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác, tính trung thực, và sự tin cậy, các đức tính làm cho các quan hệ kinh tế tiến triển trơn tru hơn nhưng bản thân chúng thường xuyên (và may mắn thay) dẫn tới ứng xử đi xa hơn nhiều cái được gọi là tính tư lợi.
[4]
Cách tiếp cận tiến hoá [5]
Các nhà kinh tế học tân cổ điển đã cố bảo vệ chủ nghĩa tư bản trên cơ sở hạn hẹp của tính hiệu quả kinh tế. Tôi đã chứng tỏ khẳng định về hiệu quả Pareto không thể được biện minh ra sao, ngay khi chúng ta đưa ra các giả thiết thực tế hơn liên quan đến các thị trường không đầy đủ và thông tin không hoàn hảo.
Có các mạch tư duy khác trong kinh tế học lập luận ủng hộ các quá trình thị trường, nhưng công khai chỉ trích sự bảo vệ tân cổ điển là quá hạn hẹp, và thực sự thậm chí có thể dẫn đến lầm lạc. Tôi đã vừa nhắc đến lí lẽ của Hayek về chiều “đạo đức”. Một truyền thống lâu đời, bao gồm cả Hayek và những môn đồ của ông, và Alchian, đã nhấn mạnh một lí lẽ tiến hoá ủng hộ thị trường.
Có sự tương tự tự nhiên giữa cạnh tranh giữa các loài và cạnh tranh giữa các cá nhân trên thương trường. Spencer và những người khác đã mở rộng ý tưởng của Darwin về chọn lọc tự nhiên và sự sống còn của các cá thể thích hợp nhất sang cho khung cảnh xã hội. Các thuật ngữ như “thích hợp nhất” có một âm bội cơ bản mang tính chuẩn tắc: Thuật ngữ “sự sống còn của (cá thể) thích hợp nhất-
survival of the fittest” hiển nhiên có nghĩa là truyền đạt nhiều thông tin hơn chỉ về những cá thể sống sót là những cá thể tồn tại. Trong một khía cạnh cốt yếu nào đó kẻ “thích hợp nhất”, sống sót, là kẻ tốt hơn so với cá thể ít phù hợp, kẻ không tồn tại. Có một khía cạnh mục đích luận của quá trình tiến hoá: Các quan điểm thế kỉ mười chín về tiến bộ đã được phản ánh trong chuyển động của sự “cải thiện” không ngừng, dù chậm chạp, trong các loài và các xã hội do các lực lượng tiến hoá gây ra. Các chính sách nhẫn tâm buộc chính phủ bỏ qua sự đau khổ của người nghèo được biện minh nhân danh chủ nghĩa Darwin xã hội.
Trong phạm vi lí thuyết kinh tế, các ý tưởng tiến hoá, được định nghĩa hẹp hơn, cũng từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng.
[6] Đối với sự không hài lòng rằng nhiều hãng xem ra không có ý thức tối đa hoá lợi nhuận, kinh tế học tiến hoá trả lời rằng các hãng hành động cứ như thể họ tối đa hoá lợi nhuận, một cách có ý thức hay không, nhìn về dài hạn, là các hãng duy nhất tồn tại. Tối đa hoá lợi nhuận và cạnh tranh tất nhiên đã là các phần cốt yếu của lí lẽ vì sao các nền kinh tế thị trường lại hiệu quả.
Các lực lượng tiến hoá hoạt động không chỉ để chọn lọc các hãng trong nội bộ nền kinh tế, chúng hoạt động để chọn lọc các định chế. Khi xã hội tiến hoá, nó chuyển từ sự trao đổi xã hội nguyên thuỷ sang các thị trường tinh vi. Các nền kinh tế thị trường, đã tiến hoá muộn hơn, và đã thay thế các dàn xếp định chế khác, được cho là “tốt hơn” theo nghĩa nào đó.
Dù các ý tưởng này quan trọng đến đâu, chúng không dựa vào một lí thuyết động học được trình bày rõ, cũng chẳng có cơ sở chuẩn tắc được trình bày rõ ràng cho lòng tin phổ biến về “tính đáng mong mỏi” của các lực lượng tiến hoá- hoặc kết luận chính sách thường được rút ra là can thiệp của chính phủ trong quá trình tiến hoá sẽ hoặc là vô ích hoặc, tệ hơn, là một bước lùi. Dường như vô nghĩa đi gợi ý rằng chúng ta nên đơn giản chấp nhận kết quả tự nhiên của quá trình tiến hoá. “Tự nhiên” nghĩa là gì? Làm sao chúng ta biết liệu bất kể nhiễu loạn cá biệt nào mà chúng ta có thể kiến nghị, như nhiều hoặc ít can thiệp chính phủ, là hoặc không là một phần của quá trình tiến hoá “tự nhiên” hay không? Chúng ta chỉ có thể nói với sự nhận thức muộn màng- nếu nó đã không sống sót? Quá trình tiến hoá đã kéo theo những thay đổi to lớn trong các thế kỉ qua, như thế chúng ta không thể đơn giản từ chối mọi sự thay đổi. Thay đổi là nhân tố rất cốt yếu của quá trình tiến hoá.
Thực vậy chỉ với nhận thức muộn màng chúng ta mới có thể có khả năng nói liệu một chính sách cá biệt đã có giá trị sống còn hay không. Chắc chắn là giả thuyết rằng chính phủ tạo ra một bước tiến hoá tích cực được trụ đỡ bởi quan sát rằng các xã hội có chính phủ đã sống soát, còn các xã hội không có chính phủ đã không. Bằng cách hệt vậy, các loại can thiệp nào đó của chính phủ vào thị trường, nhìn từ viễn cảnh tiến hoá, cho phép một xã hội sống sót tốt hơn. Trong khi chúng ta có thể kết luận từ sự chết yểu của chủ nghĩa xã hội rằng nó đã không có giá trị sống sót, chúng ta không thể kết luận rằng vì thế các định chế thị trường là ưu việt hơn. Những người ủng hộ xã hội chủ nghĩa có thể lí lẽ ngang thế rằng điều đó đơn thuần chỉ chứng tỏ các dạng cá biệt của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đã thử là không có giá trị sống sót. Bằng cách hệt vậy, có thể lí lẽ từ thành công của các nước Đông Á, rằng “các thị trường được quản lí” và sự can thiệp mạnh của chính phủ đã có giá trị sống sót, trong so sánh với các định chế thị trường với can thiệp chính phủ ít hơn nhiều.
Nói chung hơn, bây giờ chúng ta nhận ra rằng có nhiều hơn một dạng của chủ nghĩa tư bản, rằng sự quản lí, cơ cấu (tổ chức), và thành tích của nền kinh tế Nhật Bản - cả khu vực tư nhân, và quan hệ giữa chính phủ và khu vực tư nhân- thí dụ, khác rất nhiều so với ở Hoa Kì. Lí thuyết tiến hoá không cho chúng ta nhiều cơ sở để lựa chọn giữa các định chế này.
Bằng cách hệt vậy, những người thích quá trình tiến hoá cũng đòi hỏi quá nhiều: Không có lí do để tin rằng các quá trình tiến hoá có bất kể tính chất tối ưu nào. Thực vậy có các lí lẽ mạnh mẽ cho rằng các quá trình tiến hoá là xa tối ưu. Các nhà sinh học nhấn mạnh đến tính ngẫu nhiên của quá trình, những sự dư thừa có vẻ thường xuyên được quan sát thấy, các nhân tố vết tích thường dẫn tới các vấn đề (như ruột thừa của người).
Các nhà kinh tế học lưu ý rằng với sự thiếu vắng của một thị trường vốn, một loại với các triển vọng dài hạn mạnh đơn giản không thể “vay” để vượt qua sự thay đổi tạm thời về môi trường. Một loại- hoặc một hãng- với khả năng thích nghi dài hạn lớn hơn có thể bị loại bỏ trong cuộc đấu cạnh tranh bởi một loại (hãng) phù hợp tốt hơn với môi trường cá biệt. Như thế các môi trường cạnh tranh hơn- trong đó cạnh tranh tàn nhẫn hơn đến mức mọi hãng trừ các hãng hiệu quả nhất, trong môi trường đó, bị gạt bỏ- về dài hạn có thể thực ra ít hiệu quả.
Có thể coi chọn lọc tự nhiên như một quá trình sàng lọc. Nó cố gắng lọc ra các cá thể (loài, hãng) “tốt” (hiệu quả) khỏi các cá thể “kém” (không hiệu quả). Nhưng giống bất kể quá trình sàng lọc nào, sự sàng lọc là không hoàn hảo. Một số hãng tốt bị loại bỏ: Dưới cạnh tranh tàn khốc một hãng hiệu quả gặp phải điều không may sẽ bị phá sản. Một số hãng tồi xoay xở để sống sót chí ít một thời gian dài: Câu chuyện GM sống sót nhiều năm sau khi nó trở nên không hiệu quả, lãng phí trong quá trình này hơn 100 tỉ $ theo một số ước lượng, đã trở thành huyền thoại.
Như trong bất kể quá trình sàng lọc nào có sự đánh đổi; có thể bình thường giảm một loại lỗi (thí dụ, giảm xác suất của các hãng tồi sống sót) chỉ với cái giá làm tăng loại lỗi khác [tăng xác suất của hãng giỏi bị loại bỏ]. Bằng cách cho phép các hãng thua lỗ sống sót lâu, ta có thể thu thập được nhiều thông tin hơn; ta trở nên tự tin hơn về lí do chúng thua lỗ là do chính chúng bất tài. Như thế có ít khả năng mắc sai lầm đóng cửa một hãng hiệu quả. Trong khi đó hãng phi hiệu quả được cho phép sống lâu hơn có thể phân bổ nguồn lực sai lầm một cách tồi tệ.
Điểm căn bản ở đây là, không có lí do để tin rằng, các nền kinh tế thị trường lựa sự đánh đổi đúng “một cách tự nhiên”, đặc biệt, các nền kinh tế thị trường với cạnh tranh tàn khốc hơn là hiệu quả hơn các nền kinh tế trong đó cạnh tranh hoà nhã hơn. Hơn nữa, vì liệu một đặc điểm (loài) cá biệt có sống sót không còn phụ thuộc vào môi trường, mà bản thân nó mang tính nội sinh, không có lí do để tin rằng hệ thống như một tổng thể có bất kể tính chất tối ưu nào. Hệ thống đơn giản đảm bảo rằng những cá thể có đặc tính được thưởng, trong môi trường cá biệt mà hệ thống tạo ra, sẽ sống sót. Như vậy có thể tưởng tượng ra một thế giới với hai loại cá thể, các nhà quan liêu và các nhà đổi mới sáng tạo. Các nhà quan liêu làm cho cuộc sống khó khăn cho các nhà đổi mới, và các nhà đổi mới làm cho cuộc sống khó khăn với các nhà quan liêu. Có nhiều cân bằng trong một xã hội như vậy. Các nhà quan liêu có thể chế ngự; trong môi trường đó các nhà đổi mới không phát đạt. Các quan chức tạo ra một môi trường có lợi cho riêng loại của mình. Nhưng, ngược lại, các nhà đổi mới có thể áp đảo. Họ tạo ra môi trường thuận lợi cho loại của họ. Mặc dầu nền kinh tế, từ các điều kiện ban đầu khác nhau, có thể tiến triển đến một trong hai loại cân bằng, một trong các cân bằng này có thể rõ ràng ưu việt hơn cân bằng khác (dưới một tiêu chuẩn phúc lợi nào đấy, như tăng trưởng kinh tế dài hạn). (Chỉ khi hai xã hội đi đến mâu thuẫn trực tiếp với nhau hoặc so sánh với nhau thì sự bất lợi của xã hội quan liêu mới lộ rõ).
Đột biến tốt (các định chế xã hội mới) có thể không tự mình sống sót được, vì chúng cần đến những thay đổi đi kèm trong các định chế xã hội khác. Có điều kiện thất bại. Nhiều thay đổi phải xảy ra đồng thời, và các quá trình thị trường có thể không có khả năng tạo điều phối cần thiết. Như thế không có giả định nào rằng các lực lượng tiến hoá, để tự chúng, có bất kể tính chất phúc lợi đáng mong mỏi nào. Hơn nữa, nếu chúng ta coi các quan sát, liên quan đến tính nội sinh của sở thích, nêu ra ở phần đầu của chương này một cách nghiêm túc, chúng ta gặp các vấn đề cơ bản ngay cả để biết chắc các tiêu chuẩn phù hợp để đánh giá quá trình tiến hoá là gì.
Tất nhiên, nếu các lực lượng tiến hoá dẫn “một cách tự nhiên” đến các kết quả mong muốn (bất luận nó có nghĩa là gì), thì nhiệm vụ của nhà kinh tế là đơn giản: quan sát và bình luận các quá trình. Nhưng, với tư cách các nhà kinh tế, chúng ta được yêu cầu phân tích các thay đổi đa dạng được khuyến nghị trong các chính sách và định chế. Khi các công cụ phân tích được cải thiện, chúng ta ở vị thế tốt hơn để hỏi về bất kể thay đổi được kiến nghị nào, ảnh hưởng của nó là gì? Về mặt tiến hoá chúng ta có thể hỏi, chắc nó sẽ sống sót không? Thậm chí chúng ta ở vị thế tiến hành kĩ thuật xã hội bằng cách hỏi: liệu chúng ta có thể thiết kế các định chế hoặc cải cách chính sách có khả năng cải thiện phúc lợi không, hoặc, lại lần nữa về mặt tiến hoá, liệu có khả năng có giá trị sống sót không?
Phán xử liệu một đổi mới xã hội cá biệt – bao gồm vai trò được thay đổi của chính phủ- có “lành mạnh về mặt tiến hoá” là một việc khó, và là nhiệm vụ mà lịch sử chỉ cho hướng dẫn hạn chế. Đối với nhiều đổi mới tôi hi vọng là sự thấu hiểu do cuốn sách này mang lại sẽ có ích nào đó.
Thử nghiệm xã hội chủ nghĩa vĩ đại đã kết thúc: Chúng ta đã học được nhiều từ thử nghiệm này, nhưng vì chúng không phải là các thử nghiệm được điều khiển, cái mà chúng ta học được còn là chủ đề tranh luận nào đó. Trong khi sở hữu nhà nước rõ ràng không phải là thuốc bách bệnh, còn có phạm vi cho thử nghiệm tiếp. Thí dụ, chúng ta cần nghiên cứu các hình thức tổ chức kinh tế bao gồm sự tham gia và sở hữu nhiều hơn của nhân viên. Không nên coi quá nhiều về thất bại của các hãng do công nhân quản lí ở Nam Tư trước đây, vì các hãng này dính dáng đến các dàn xếp khác thường (và hiển nhiên không vừa lòng) về khía cạnh chuyển giao quyền sở hữu, cũng như các chi tiết định chế khác, những điều mà cả
ex ante lẫn
ex post (dự kiến trước lẫn nhìn lại sau), đều không dẫn đến thành công. Quay lại chủ đề mà tôi đã bắt đầu những suy ngẫm này, câu hỏi là liệu những sự thấu hiểu của lí thuyết kinh tế hiện đại và các tư tưởng không tưởng của thế kỉ mười chín có thể được kéo lại gần nhau không?
17. Những kết luận
Chủ nghĩa xã hội đi về đâu? Người ta nói Mark Twain một lần đã nói rằng “Những tường thuật về cái chết của tôi đã quá phóng đại”. Nhưng nếu giả như tôi khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội với tư cách một hệ tư tưởng giờ đây chính thức được công bố đã chết, tôi không nghĩ đó là một sự phóng đại. Thắng lợi của Mitterand ở Pháp và những cuộc quốc hữu hoá xảy ra sau đó có thể được coi như những hơi thở cuối cùng của nó: Sự từ chối chủ nghĩa xã hội sau đó ở Pháp và các phong trào tư nhân hoá diễn ra khắp thế giới phát triển đã báo hiệu giờ cáo chung của nó.
Lời giải mà chủ nghĩa xã hội cung cấp cho vấn đề lâu đời về sự cân đối thích hợp giữa công và tư, giờ đây, từ viễn cảnh lịch sử hiện thời của chúng ta, có thể thấy là đã sai. Nhưng nếu nó đã dựa vào các lí thuyết kinh tế sai, hoặc chí ít không đầy đủ, các lí thuyết đã nhanh chóng đi vào lịch sử, nó cũng dựa trên các lí tưởng và giá trị mà rất nhiều trong số đó là vĩnh cửu. Nó đại diện cho một sự tìm kiếm một xã hội nhân đạo hơn và bình đẳng hơn.
Có một bài thơ của nhà thơ Mĩ vĩ đại, Robert Frost, bắt đầu như sau, “Hai đường rẽ ra trong rừng cây, và tôi-/ Tôi đã theo đường ít người đi,/ Và chính đó làm nên sự khác biệt”. Khi các nước nguyên xã hội chủ nghĩa bắt đầu hành trình của mình, họ thấy nhiều đường rẽ ra. Không phải chỉ có hai con đường. Trong số đó có nhiều đường ít người đi- chúng dẫn tới đâu chẳng ai biết cả. Một trong những cái giá to lớn của thử nghiệm bảy mươi năm qua của chủ nghĩa xã hội đã dường như là nó ngăn sự khai phá nhiều con đường khác. Khi các nền kinh tế nguyên xã hội chủ nghĩa bắt đầu hành trình này, hãy để chúng ta hi vọng rằng họ tâm niệm không chỉ đến tập hạn hẹp hơn của các vấn đề kinh tế mà tôi đã nêu lên trong cuốn sách này, mà đến cả tập rộng hơn của các lí tưởng xã hội đã thúc đẩy bao nhiêu nhà sáng lập của truyền thống xã hội chủ nghĩa. Có lẽ một vài trong số họ sẽ đi đường ít người đã đi hơn, và có lẽ chính điều đó làm nên sự khác biệt, không chỉ cho họ, mà cũng cho cả những người còn lại chúng ta.
© 2005 talawas
[1]Khái niệm này được nhấn mạnh trong các mô hình danh tiếng (bao gồm các lí thuyết lương hữu hiệu) mà tôi đã thảo luận trước.
[2]Chúng ta nên lưu ý đến văn khoa sâu rộng lí lẽ rằng các hình thức nhất định của chủ nghĩa vị tha có giá trị sống còn trong một bối cảnh tiến hoá. (Vấn đề cốt yếu trong khung cảnh đó là, Đơn vị thoả đáng cho phân tích là gì?)
[3]Do Heibroner trích dẫn trong “Reflections: Economic Predictions”,
New Yorker, July 8, 1991.
[4]George Akerlof, trong một trao đổi, đưa ra một giải thích khả dĩ: Có các đức hạnh có giá trị kinh tế, những người sử dụng lao động và những người khác sàng lọc các cá nhân để tìm ra liệu họ có các đức hạnh đó không. Các bậc cha mẹ, những người “tin” vào ứng xử tư lợi, có thể muốn có khả năng huấn luyện con cái của mình
tỏ ra có các đặc tính đó nhưng đồng thời đơn thuần
thực sự tư lợi. Nhưng điều này hoá ra khó. Tháo rời xem ra là việc không dễ. Cách hữu hiệu duy nhất để làm cho con cái
tỏ ra sẵn sàng hợp tác và trung thực là
thực sự có các đặc tính ấy. Tất nhiên, một khi đã được huấn luyện như vậy, họ thật lòng trong huấn luyện con cái mình có các đặc tính đó.
Có các thí dụ khác nơi mô hình chuẩn về cá thể kinh tế thất bại. Thí dụ, có các bằng chứng chứng tỏ rằng các cá nhân có thể được động viên hiệu quả hơn bởi các phần thưởng nội tại hơn là bởi các phần thưởng bên ngoài. Những người chủ trương vị trí trung tâm của ứng xử “tư lợi” trong kinh tế học bỏ qua các kết quả này như các trường hợp đặc biệt, hoặc đẩy sang lí thuyết cơ bản: Họ lí lẽ rằng, nhìn chung, hầu hết ứng xử kinh tế có thể được giải thích bằng giả thuyết đơn giản là các cá nhân có tính tư lợi.
[5]Đoạn này phần lớn lấy từ Stiglitz (1992c).
[6]Những đóng góp sớm cho văn khoa này bao gồm Farrel (1970), Alchian (1950), Winter (1971, 1975), và Nelson and Winter (1974, 1982). Có ít nhất ba luồng văn khoa lớn mới đây: một hướng phát triển từ các công trình của Nelson và Winter và tập trung vào công nghệ (và bao gồm các tác phẩm như của Dosi et al. 1988 và Hanusch 1988), dòng thứ hai phát triển từ công trình mới đây trong xã hội học (gồm công trình của Maynard-Smith 1876, 1982 và Hirshleifer 1977), công trình được trau chuốt thêm trong khuôn khổ của lí thuyết trò chơi dưới khái niệm cân bằng ổn định về mặt tiến hoá, và dòng thứ ba phát triển từ văn khoa về tổ chức (như điển hình bởi công trình của Hannan and Freeman 1977, McKelvey 1982 và Pelikan, 1982, 1989).