© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
22.1.2005
Joseph E. Stiglitz
Chủ nghĩa xã hội đi về đâu?
16 kỳ
Nguyễn Quang A dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16 
 
4. Phê phán định lí cơ bản thứ hai

Định lí cơ bản thứ nhất của kinh tế học phúc lợi là quan trọng bởi vì nó nói rằng bằng cách sử dụng thị trường, chúng ta đảm bảo tính hiệu quả của nền kinh tế. Định lí Greenwald-Stiglitz (và những phát triển khác đã được nhắc tới) đã xoá bỏ bất cứ cơ sở lí thuyết nào cho điều giả định về sự đúng đắn của quan điểm đó. Cũng bằng cách tương tự, định đề thứ hai của kinh tế học phúc lợi khẳng định rằng mọi phân bổ có hiệu quả Pareto đều có thể đạt được thông qua sử dụng cơ chế thị trường. "Tất cả" cái cần là có một chính phủ tiến hành một số phân bổ trọn gói ban đầu.

Định lí này được diễn dải một cách phổ biến như có nghĩa là chúng ta có thể tách li vấn đề hiệu quả khỏi phân bổ. Nó không phải là một lí lẽ chống thị trường tạo ra phân bố thu nhập không đáng mong mỏi. Nếu xã hội không thích phân bổ thu nhập này, thì ngành phân bổ của chính phủ (sử dụng thuật ngữ của Musgrave) đơn thuần chỉ thay đổi cấp phát ban đầu về nguồn lực, thông qua tái phân phối cả gói.


Tân kinh tế học phúc lợi mới: Những hệ quả của thiếu thuế trọn gói

Nhưng các chính phủ không tiến hành tái phân phối trọn gói- và có lí do chính đáng của nó. Họ không có thông tin cần thiết để thực hiện các loại thuế như vậy một cách công bằng. Các chính phủ rõ ràng tin rằng các cá nhân khác nhau phải đóng thuế khác nhau. Như một cơ sở của đánh thuế, họ buộc phải dựa vào các biến số có thể quan sát được, như thu nhập hay của cải, các biến số có thể thay đổi được. Vì thế thuế là méo mó.

Một khi chúng ta thừa nhận rằng tái phân phối nhất thiết là méo mó, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng phân phối các khoản cấp phát có một ảnh hưởng lên tính hiệu quả tổng thể của nền kinh tế. Điều này được minh hoạ trên hình 4.1 trong đó đường các khả năng thoả dụng được vẽ ra cho một nền kinh tế đơn giản gồm hai (nhóm) cá nhân; đường này biểu thị mức thoả dụng tối đa có thể đạt được bởi một (nhóm các) cá nhân, cho trước mức thoả dụng của (nhóm các) cá nhân kia. Đường liền mô tả các khả năng thoả dụng, với giả thiết rằng chính phủ có thông tin hoàn hảo về ai thuộc nhóm nào sao cho nó có thể thực hiện việc chuyển giao trọn gói. Đường đứt chỉ ra các ràng buộc thông tin đẩy đường các khả năng thoả dụng vào phía trong ra sao. [1] Bây giờ giả sử rằng chúng ta có thể phát biểu


Hình 4.1
Với các ràng buộc thông tin, đường các khả năng thoả dụng nằm ở bên trong đường mà thuế trọn gói cho phép.


thái độ của xã hội về bình đẳng bằng một đường bàng quan xã hội, như được mô tả trên hình vẽ. Chúng ta thấy rằng với đường bàng quan cho trước như mô tả, sẽ tối ưu khi có thuế méo mó. Những cân nhắc về tính hiệu quả và tính công bằng không thể tách khỏi nhau. Giả như nền kinh tế đã có cấp phát ban đầu khác về nguồn lực, thì độ lớn của đánh thuế tái phân phối cần thiết có thể đã ít hơn, và như vậy phúc lợi xã hội (của cả hai nhóm) đã có thể cao hơn.

Sự thực rằng đánh thuế tái phân phối, nhìn chung, là méo mó đã làm nảy sinh ra "tân kinh tế học phúc lợi mới". [2] "Tân kinh tế học phúc lợi cũ" nhấn mạnh rằng so sánh độ thoả dụng giữa các cá nhân là không thể làm được: Tất cả cái mà nhà kinh tế học có thể làm là nêu đặc trưng của tập những phân bổ nguồn lực có hiệu quả Pareto. Nhưng "tân kinh tế học phúc lợi cũ" lại cho rằng tái phân phối cả gói là có thể thực hiện được. "Tân kinh tế học phúc lợi mới" thừa nhận những hạn chế về thông tin của chính phủ. Nó tập trung vào khái niệm [3] về "đánh thuế có hiệu quả Pareto"- cho phép chúng ta định nghĩa mức thoả dụng tối đa mà một nhóm có thể đạt cho trước mức thoả dụng của nhóm kia, cho trước những hạn chế về thông tin mà chính phủ có thể áp dụng trong quá trình tái phân phối. Như thế tân kinh tế học phúc lợi mới thừa nhận rằng tập cơ hội đối mặt với chính phủ không phải là đường liền trong hình 4.1, mà là đường đứt nằm dưới nó; nằm dưới bao nhiêu ở bất kể một điểm cụ thể nào phụ thuộc vào sự phân bổ ban đầu về của cải.


Hiệu quả kinh tế và phân phối

Đoạn trước đã giải thích một trong những lí do vì sao các mối quan tâm về phân phối và tính hiệu quả không thể tách rời nhau: Mức bất bình đẳng trong cấp phát ban đầu xác định chừng mực mà chính phủ phải dựa vào đánh thuế tái phân phối méo mó để đạt bất kể sự phân phối phúc lợi cuối cùng đáng mong đợi cho trước nào. Nhưng mức bất bình đẳng cũng như bản chất của các vấn đề thông tin ảnh hưởng đến mối quan hệ chính xác giữa sự bất bình đẳng và tính hiệu quả kinh tế. Trong một số trường hợp mức độ bất bình đẳng cao có thể làm giảm sút hiệu quả kinh tế (theo nghĩa tự nhiên, như sẽ rõ ra từ thảo luận tiếp theo), trong khi ở các trường hợp khác một mức bất bình đẳng nào đó có thể tăng cường hiệu quả kinh tế. Bây giờ ta xem xét kĩ hơn mối quan hệ giữa hiệu quả kinh tế và phân phối.

Các vấn đề khuyến khích

Các vấn đề khuyến khích nằm ở cốt lõi của kinh tế học: Một số nhà kinh tế học đã đi xa đến mức gợi ý rằng chúng là vấn đề kinh tế (duy nhất). Các vấn đề khuyến khích liên quan mật thiết với các vấn đề phân phối. Chia hoa lợi minh hoạ một khía cạnh của mối quan hệ. Trong nhiều nền kinh tế nông nghiệp có sự bất bình đẳng to lớn về của cải, tạo ra sự khác biệt giữa chủ đất và nhân công. Một kiểu dàn xếp hợp đồng phổ biến ở các nước kém phát triển dẫn đến các chủ đất và tá điền chia nhau thu nhập. Việc dàn xếp chia hoa lợi này đã bị phê phán rộng rãi, ít nhất kể từ Marshall, với lí do rằng nó làm giảm những khuyến khích của người lao động. Nếu chủ đất nhận 50 phần trăm đầu ra, nó có có tác động làm kiệt quệ nhân công hệt như một khoản thuế 50 phần trăm. Văn khoa gần đây hơn đã có cái nhìn tích cực hơn về các hợp đồng phân chia hoa lợi; chúng phản ánh sự đánh đổi của thị trường giữa các khuyến khích và việc gánh chịu rủi ro, như hình 4.2 minh hoạ. [4] Một hợp đồng thuê thuần khiết (tá điền thuê đất với một khoản tiền thuê cố định) sẽ tạo khuyến khích tốt [5] cho người lao động, vì người lao động được giữ lại toàn bộ đầu ra thêm mà bất kể sự nỗ lực thêm nào của người ấy có thể mang lại; tuy nhiên người lao động phải chịu mọi rủi ro. Một hợp đồng lấy tiền công thuần khiết sẽ dịch chuyển rủi ro sang cho chủ đất - còn thu nhập của người lao động sẽ không phụ thuộc, thí dụ, vào sự thất thường của thời tiết - chủ đất thường có khả năng gánh chịu rủi ro đó dễ dàng hơn (bởi vì tài sản của chủ đất lớn hơn), nhưng người lao động sẽ không có khuyến khích nào khác ngoài khuyến khích do giám sát trực tiếp (nên tốn kém) tạo ra. Hợp


Hình 4.2
Trong đánh đổi giữa rủi ro và khuyến khích, một hợp đồng thuê thuần tuý tạo khuyến khích mạnh (nên đầu ra cao), nhưng người lao động phải gánh chịu mọi rủi ro. Một hợp đồng lấy tiền công (lương) thuần tuý tạo khuyến khích yếu, nhưng người lao động không chịu rủi ro. Hợp đồng phân chia hoa lợi là một sự thoả hiệp.


đồng phân chia hoa lợi là một thoả hiệp. Nhiều bạn đọc đã bị phát biểu của tôi trước đây (1974) về cân bằng trong một nền kinh tế phân chia hoa lợi (như lời giải cho vấn đề tối đa hoá phúc lợi của, thí dụ, chủ đất khi cho trước độ thoả dụng kì vọng của tá điền và ràng buộc thông tin) dẫn lầm đến tin rằng các nền kinh tế như vậy có hiệu quả Pareto và rằng không có sự tổn thất đầu ra nào từ phân chia hoa lợi, ngược lại với quả quyết của Marshall. Đó là một cách hiểu không đúng. Tôi đã chỉ mô tả đặc điểm là cân bằng có hiệu quả hợp đồng, một dạng của tính hiệu quả cục bộ. Tính hiệu quả cân bằng tổng quát đòi hỏi nhiều hơn nhiều, và một hệ quả trực tiếp của các định lí Greenwald-Stiglitz, được nhắc tới trước đây, là các nền kinh tế phân chia hoa lợi với nhiều hơn một mặt hàng, nói chung, không có hiệu quả Pareto ràng buộc. Nhưng quan trọng hơn đối với các mục tiêu của chúng ta ở đây là nhận xét rằng ngay cả hợp đồng phân chia hoa lợi giả như có hiệu quả Pareto ràng buộc, thì đầu ra vẫn có thể là thấp hơn đáng kể so với khi thiếu phân chia hoa lợi: Một sự tái phân phối đất có thể có tác động to lớn đến đầu ra quốc gia. Tác động sẽ hệt như tác động của giảm 50 phần trăm thuế lương xuống bằng không: Hầu hết các nhà quan sát sẽ gợi ý rằng một sự thay đổi như thế về tiềm năng có thể có ảnh hưởng to lớn. [6]

Vì sao bất bình đẳng quá đáng có thể là một vấn đề

Lí do trực giác vì sao các vấn đề phân phối và hiệu quả không thể tách rời có thể thấy dễ dàng. Trong các nền kinh tế với giám sát tốn kém, và một sự tách bạch "vốn" khỏi "nhân công", những người chủ vốn phải tạo khuyến khích cho người lao động. Những khuyến khích này nhất thiết là không hoàn hảo và tốn kém. [7] Nếu mỗi nông dân sở hữu đất mà mình canh tác, hoặc nếu mỗi người lao động sở hữu các tư liệu sản xuất mà họ làm việc với, thì sẽ chẳng có vấn đề khuyến khích.

Tổng quát hơn, sự phân phối của cải ban đầu có ảnh hưởng đến bản chất và độ lớn của các vấn đề khuyến khích đối mặt với xã hội. [8] Một cách, thí dụ, để các vấn đề khuyến khích có thể được cải thiện là những người lao động có bảo đảm. Sự bảo lãnh là hữu ích trong tạo đảm bảo cho những người sử dụng lao động không chỉ liên quan đến thành tích lao động mà cả luân chuyển nhân công; với những đảm bảo thoả đáng những người sử dụng lao động sẽ có khuyến khích lớn hơn để tiến hành huấn luyện, và điều này sẽ tăng cường hiệu quả kinh tế. Khả năng của những người lao động đặt bảo đảm cho thành tích tốt bị ảnh hưởng bởi của cải ban đầu của họ. Việc đi vay để bảo đảm không phải là cái thay thế. Như đã nhắc đến trong thảo luận về phân chia hoa lợi (xem chú thích 5 ở trên), vay để trả tiền thuê chẳng khác gì trả tiền thuê ở cuối kì; trong cả hai trường hợp các vấn đề khuyến khích (hiểm hoạ đạo đức) nảy sinh từ khả năng không trả được: Người đi vay có thể không có đủ khuyến khích để loại trừ phá sản, và để tối đa hoá doanh lợi (dồn về cho người cho vay) trong các hoàn cảnh sự phá sản xảy ra.

Các vấn đề do thiếu tập trung của cải

Sự bình đẳng lớn hơn tất nhiên không nhất thiết làm giảm các vấn đề khuyến khích. Sản xuất hiệu quả có thể đòi hỏi các doanh nghiệp qui mô lớn, kéo theo các khoản vốn lớn. Các vấn đề tách biệt của sở hữu và kiểm soát, mà tôi đã nhắc tới trước đây và sẽ quay lại muộn hơn, khi đó sẽ nảy sinh bởi vì bất bình đẳng "quá ít": Quả thực có một số bằng chứng rằng các xí nghiệp trong đó quyền sở hữu được tập trung (ngay cả khi những người chủ sở hữu lớn không điều hành trực tiếp) ứng xử "duy lí" hơn. Trong đoạn tiếp tôi sẽ thảo luận hai thí dụ loại này - trong hoạt động thôn tính và đánh thuế. Nhưng như tôi sẽ chỉ ra dưới đây, giải pháp cho các vấn đề này mà các nước Đông Âu có lẽ sẽ tìm sẽ không kéo theo sự gia tăng bất bình đẳng và tập trung quyền sở hữu, mà thay vào đó là phát triển các quá trình kiểm soát khả dĩ khác.

Tôi nhấn mạnh mối liên hệ giữa các vấn đề phân phối và hiệu quả, bởi vì một số thảo luận gần đây về cải cách ở Đông Âu đã nhấn mạnh những quan tâm hiệu quả, mà ít chú ý đến các hậu quả đối với phân phối. Các năm sau đây sự thiếu quan tâm này đối với phân phối, tôi sẽ lập luận muộn hơn, có thể trở nên ám ảnh các nền kinh tế này, không đơn thuần ở dạng náo động xã hội, mà ở nghĩa hẹp hơn về hiệu quả kinh tế dài hạn. Chí ít, chẳng có cơ sở trí tuệ nào cho sự tách bạch của các mối quan tâm hiệu quả và phân phối.


Các định lí bất khả phân tán cơ bản

Một cách hiểu của định lí phúc lợi thứ hai là nó xác lập khả năng phi tập trung: Bất kể sự phân bổ nguồn lực có hiệu quả Pareto nào đều có thể đạt được thông qua cơ chế giá cả phân tán, với sự can thiệp cực kì hạn chế của chính phủ. Đặc biệt, chính phủ không phải can thiệp vào các quá trình cơ bản về phân bổ nguồn lực. Trong khi vấn đề phi tập trung hoá nằm ở tâm điểm của các cuộc tranh luận về các hệ thống kinh tế khả dĩ, khái niệm phi tập trung hoá có nhiều nghĩa khả dĩ có thể lựa chọn. Việc dùng thuật ngữ đó của tôi trong cuốn sách này sẽ phản ánh tính sử dụng đa dạng hiện hành trong kinh tế học, cũng như những sự mơ hồ gắn với các cách sử dụng ấy.

Hầu như tất cả các khái niệm phi tập trung (phân quyền) đều bao hàm việc ra quyết định xảy ra tại vô số các đơn vị khác nhau trong nội bộ nền kinh tế. Các vấn đề trong định nghĩa phi tập trung hoá nảy sinh từ vô số dạng mà "những can thiệp" từ các cấp thẩm quyền cao hơn có thể có. Tính mơ hồ của khái niệm phi tập trung hoá có thể được minh hoạ bằng cách xem xét khả năng của các loại thuế phi tuyến. Các loại thuế phi tuyến có thể được thiết kế sao cho xí nghiệp hoặc cá nhân chẳng có "lựa chọn" nào ngoài việc thực hiện hành động mong mỏi bởi nhà lập kế hoạch tập trung. Theo một nghĩa cá nhân hoặc xí nghiệp có lựa chọn, nhưng các nhà chức trách trung ương đã giới hạn các lựa chọn đó, bằng cách định nghĩa khoản lợi đủ không hấp dẫn cho các lựa chọn khác với sự lựa chọn mà nhà chức trách trung ương mong muốn, sao cho thực tế không có lựa chọn. Hầu hết những can thiệp đều ràng buộc các sự lựa chọn ở mức độ nào đấy. Không có cách đơn giản nào để "xếp hạng" những can thiệp theo ý nghĩa "thật" của quyền tự ý được để lại cho các đơn vị đơn lẻ. [9]

Một số kết quả mới đây trong kinh tế học thông tin đã gây nghi ngờ về tính đúng đắn của kết quả có khả năng phi tập trung hoá: Có những giới hạn mạnh đối với mức độ nền kinh tế có thể được phi tập trung hoá thông qua cơ chế giá cả. Các đoạn tiếp sau đưa ra năm khía cạnh của điều này.

Định lí Greenwald-Stiglitz và phi tập trung hoá

Các định lí Greenwald-Stiglitz xác lập rằng những phân bổ có hiệu quả Pareto ràng buộc nhìn chung không thể đạt được mà không có một dạng can thiệp nào đó của chính phủ, mặc dù trong một số trường hợp sự can thiệp đó có thể chỉ giới hạn ở việc áp đặt một tập các loại thuế tuyến tính (thuế với thuế suất cố định trên một đơn vị hàng được mua, tiêu dùng, hoặc sản xuất). Bởi vì phi tập trung hoá, nhìn chung, không phải là cách khả dĩ để đạt các kết quả có hiệu quả Pareto, đôi khi tôi dẫn chiếu đến định lí Greenwald-Stiglitz như "định lí bất khả phân tán cơ bản".

Nếu những can thiệp khả thi duy nhất của chính phủ là các loại thuế tuyến tính, và/hoặc nếu chính phủ luôn luôn có thể thực hiện bất kể phân bổ có hiệu quả Pareto nào thông qua sử dụng thuế tuyến tính, thì "tinh thần" của các kết quả cũ hơn về phi tập trung hoá sẽ vẫn được thoả mãn. Can thiệp của chính phủ sẽ đòi hỏi tái phân phối của cải, thế nhưng, như tôi đã nhắc tới ở đoạn đầu của chương này, sự tái phân phối nhìn chung sẽ méo mó. Vẫn còn cần một số can thiệp của chính phủ vượt quá điểm này, nhưng can thiệp vẫn là hạn chế: "Tất cả" cái chính phủ phải làm là áp đặt một tập các loại thuế/trợ cấp lên các mặt hàng khác nhau.

Nhưng các vấn đề phi tập trung hoá những phân bổ nguồn lực có hiệu quả Pareto thực ra là tồi hơn nhiều so với định lí Greenwald-Stiglitz gợi ý, và vì bốn lí do: trợ cấp chéo, sự phổ biến tràn lan của tính không lồi, những tác động goại lai, và tính phi tuyến.

Trợ cấp-chéo

Một kết quả trung tâm (mặc dù không được bình luận nhiều) của mô hình Arrow-Debreu là hiệu quả Pareto đạt được trong mô hình đó mà không cần bất kể trợ cấp-chéo nào. Có lẽ dùng cách nói Mĩ, thì mỗi xí nghiệp đều có thể đứng trên đôi chân của chính mình. Điều này không đúng khi thông tin là không hoàn hảo- thậm chí trong sự thiếu vắng dường như của bất kể lợi tức gia tăng nào. [10] Arnott và tôi (1989) đã phân tích tỉ mỉ kinh tế học về hiểm hoạ đạo đức - các vấn đề nảy sinh, thí dụ, trong các thị trường bảo hiểm khi điều khoản bảo hiểm ảnh hưởng đến những khuyến khích của người được bảo hiểm để tiến hành các hành động làm giảm thiểu khả năng xảy ra tai nạn. Chúng tôi chỉ ra rằng cân bằng cạnh tranh, trong đó các công ti bảo hiểm phủ mỗi rủi ro "tự đứng trên chân chính mình", là không có hiệu quả Pareto (ràng buộc); phúc lợi có thể được cải thiện, thí dụ, bằng đánh thuế một số ngành (có lẽ là bảo hiểm) để cung cấp trợ cấp cho một hoặc hơn một ngành bảo hiểm (khác). (Chúng tôi gọi sự phi hiệu quả phát sinh khi không có các loại trợ cấp chéo như vậy là khuyết tật thị trường trợ cấp chéo). Trực giác đằng sau kết quả này là các khoản thuế nhỏ lên các nghành, trong đó các vấn đề hiểm hoạ đạo đức không quan trọng, có tác động bậc hai (độ mất trắng tăng với bình phương của thuế suất). Mặt khác, sự tổn thất phúc lợi từ các vấn đề hiểm hoạ đạo đức/khuyến khích là bậc một; hoặc sát vấn đề hơn, kết quả được tăng của nỗ lực trợ cấp để bù cho nỗ lực có thể là bậc một và có tác động bậc một lên phúc lợi.

Sự phổ biến tràn lan của tính không lồi (Nonconvexity)

Vấn đề khác trong phi tập trung hoá xuất hiện khi có tính không lồi trong nền kinh tế. Điều này đã được làm rõ trong thảo luận trước đây về định lí căn bản thứ hai, ở nơi đã nhận ra rằng đối với các độc quyền tự nhiên thì một số dạng can thiệp của chính phủ là cần thiết. Nhưng ở đây tôi không quan tâm đến vấn đề đã được hiểu tương đối rõ với phi tập trung hoá. Thay vào đó, tôi quan tâm đến sự phổ biến tràn lan của tính không lồi gắn với thông tin không hoàn hảo.

Ở mức trực giác, sự thực rằng có tính không lồi gắn với thông tin phải là dễ hiểu: Thông tin có thể coi là một chi phí cố định (xem chương 2). Nó là một chi phí phải chịu bất luận ta làm gì với nó, và một chi phí cố định gây ra tính không lồi. Tương tự giá trị đối với một hãng phát minh ra cách tốt hơn để sản xuất một dụng cụ nhỏ phụ thuộc vào số lượng dụng cụ được sản xuất. Lợi tức biên và toàn bộ đối với chi tiêu nghiên cứu phát triển (R&D) tăng với qui mô sản xuất.

Radner và Stiglitz (1984) đã chỉ ra, trong phạm vi của lí thuyết quyết định thống kê, rằng giá trị của thông tin không bao giờ là (hàm) lõm toàn cục (xem hình 4.3). Lợi tức đối với một chút thông tin luôn luôn là bằng không, và nếu thông tin ấy có chi phí dương, thì lợi tức thuần là âm. "Nếu sự dốt nát không là điều hạnh phúc, thì ít nhất là một tối ưu cục bộ". [11]

Nhưng tính không lồi thậm chí còn phổ biến tràn lan hơn nhiều so với các kết quả được thảo luận đến nay gợi ý: Hễ khi nào có các vấn đề hiểm hoạ đạo đức, các vấn đề khuyến khích, hoặc các vấn đề chọn lọc (kéo theo các ràng buộc tương thích khuyến khích hoặc các ràng buộc tự-lựa chọn) thì đều có (ở chỗ thích hợp) tính không lồi, bất luận dường như vấn đề tỏ ra có ứng xử bình thường đến thế nào. [12] (Một giải thích trực giác của điều này là các ràng buộc khuyến khích có thể được hình dung như bao hàm các điều kiện bậc một của vấn đề cực đại hoá của cá nhân hay của hãng. Như thế tính lõm của toàn bộ vế cần tối đa hoá (maximand), bao gồm cả các ràng buộc khuyến khích gắn liền, bao hàm các đạo hàm bậc ba của hàm thoả dụng hoặc hàm lợi nhuận, và không có các ràng buộc kinh tế tự nhiên nào lên các đạo hàm ấy). Arnott và Stiglitz (1988a) chỉ ra trong các mô hình hiểm hoạ đạo đức đơn giản nhất rằng các đường bàng quan giữa lợi ích và chi phí về bản chất chẳng bao giờ là tựa-lõm (quasi-


Hình 4.3
Tính không lõm là đặc trưng của giá trị thông tin. "Nếu dốt nát không phải là hạnh phúc, thì ít nhất là một tối ưu cục bộ."


concave) và rằng tập của các chính sách, mô tả bởi lợi ích và phí bảo hiểm của chúng, gây ra lợi nhuận âm là chẳng bao giờ lồi. Điều này được minh hoạ ở hình 4.4 cho trường hợp cá nhân có một sự lựa chọn giữa hai hoạt động, hút thuốc và không hút thuốc. Xác suất xảy ra hoả hoạn tăng lên với phần thời gian mà cá nhân hút thuốc. Không có bảo hiểm, cá nhân sẽ không hút thuốc; với bảo hiểm toàn bộ và miễn phí, khi không chịu hậu quả gì của việc hút thuốc, cá nhân sẽ hút thuốc. Với bất kể mức phí bảo hiểm nào, có một mức lợi ích cụ thể mà cá nhân bàng quan giữa việc hút hay không hút thuốc; ở các mức lợi ích cao cá nhân hút thuốc, ở các mức lợi ích thấp anh ta không hút. Và khi phí bảo hiểm tăng, lợi ích tại đó cá nhân bàng quan giữa hút và không hút thuốc giảm xuống. Quĩ tích của các tổ hợp {lợi ích, phí bảo hiểm} mà ở đó cá nhân bàng quan giữa hút thuốc và không hút thuốc là một đường dốc xuống và được gọi là "đường hoán chuyển". Như thế có hai chế độ, dưới đường hoán chuyển các cá nhân không hút thuốc, và trên nó các cá nhân hút thuốc. Trong mỗi chế độ các cá nhân có các đường bàng quan khác nhau, một đường trình bày sự đánh đổi giữa lợi ích và phí bảo hiểm khi cá nhân hút thuốc, và đường khác khi anh ta không hút thuốc. Hiển nhiên trong mỗi chế độ đường bàng quan dốc lên: Khi lợi ích tăng, thì phí bảo hiểm mà cá nhân sẵn sàng trả tăng lên. Đường bàng quan trở nên phẳng hơn khi lợi ích tăng, vì phần phí bảo hiểm thêm mà các cá nhân vui lòng trả cho một mức tăng cho trước về lợi ích giảm. Tại đường hoán chuyển, tuy vậy, đường bàng quan đột ngột dốc hơn, như được miêu tả; trong chế độ hút thuốc (trên đường hoán chuyển) giá trị gia tăng lợi ích lớn hơn nhiều, vì xác suất hoả hoạn cao hơn. Như vậy đường bàng quan thật, biểu diễn sự thay đổi hành động cũng như giá trị biên khi lợi ích tăng lên, có dạng vỏ sò mở, như được miêu tả: có tính không lồi căn bản trong các đường bàng quan.


Hình 4.4
Với hiểm hoạ đạo đức, thậm chí các mô hình đơn giản nhất làm nảy sinh các đường bàng quan không lồi. Ở đây cá nhân có hai hoạt động, hút thuốc hoặc không hút. Đường hoán chuyển là kết hợp của {lợi ích, phí bảo hiểm}làm cho cá nhân bàng quan giữa hút và không hút thuốc. Đường bàng quan {lợi ích, phí bảo hiểm} có dạng vỏ sò mở như được vẽ. Trục α biểu thị lợi ích và trục β phí bảo hiểm (trả chỉ trong trường hợp không có tai nạn xảy ra). Chỉ số trên L biểu thị "hoạt động có nỗ lực thấp - xác suất tai nạn cao", chỉ số trên H biểu thị "hoạt động có nỗ lực cao- xác suất tai nạn thấp", như vậy VH là đường bàng quan của cá nhân thực hiện hành động có xác suất tai nạn thấp, VL có xác suất tai nạn cao. Qua bất kể điểm nào, có hai đường bàng quan, một biểu diễn hành động có xác suất tai nạn thấp và đường khác có xác suất tai nạn cao. Vì cá nhân là bàng quan giữa hai dọc theo quĩ tích hoán chuyển, rõ ràng là tại điểm (α**) cá nhân ưa nỗ lực cao (tai nạn thấp) so với nỗ lực thấp (tai nạn cao). (Độ thoả dụng tăng lên với phí bảo hiểm thấp hơn và lợi ích cao hơn).



Có tính không lồi căn bản tương ứng trong tập khả thi, tập của các chính sách {lợi ích, phí bảo hiểm} ít nhất là hoà vốn. Dưới đường hoán chuyển, khi các cá nhân không hút thuốc, xác suất hoả hoạn là thấp. Để thuần tuý bảo đảm cho lợi ích, phí bảo hiểm phải tăng tuyến tính với lợi ích, như miêu tả trên hình 4.5. Tương tự, nếu các cá nhân hút thuốc, phí bảo hiểm phải tăng với lợi ích, nhưng phí cần thiết phải cao hơn nhiều, để bù cho xác suất hoả hoạn cao hơn. Tập khả thi phải tính rằng dưới đường hoán chuyển các cá nhân không hút thuốc, và trên đường đó họ hút: miêu tả bằng diện tích kẻ sọc trong hình 4.5. Rõ ràng tập đó không lồi. Thí dụ này minh hoạ tính không lồi phát sinh một cách tự nhiên ra sao khi có các vấn đề hiểm hoạ đạo đức/khuyến khích, với các giả thiết đơn giản nhất, với các hàm thoả dụng xem ra có ứng xử tử tế. Trong hoàn cảnh thực tiễn hơn, khi các cá nhân có sự lựa chọn hành động rộng rãi hơn, thì cả tập khả thi lẫn các đường bàng quan có thể thậm chí tỏ ra còn thất thường hơn.

Một số hệ quả của tính không lồi này đã được nhận biết sớm hơn (thí dụ, các chính sách ngẫu nhiên có thể là đáng mong muốn). [13] Cho các mục đích của chúng ta, cái quan trọng là tính bất khả phân tán (không thể phi tập trung) của những phân bổ nguồn lực có hiệu quả Pareto ràng buộc. Không chỉ cần đến can thiệp của chính phủ, mà những can thiệp "tuyến tính" là không đủ. [14] Lí do trực giác vì sao tính không lồi dẫn đến các vấn đề được minh hoạ trên hình 4.6, trên đó chúng ta đã vẽ một đường khả năng sản xuất không lồi; điểm phân bổ tối ưu, điểm tiếp tuyến giữa đường bàng quan của "cá nhân đại diện" và đường khả năng sản xuất, là điểm E một điểm ở phía trong. Nếu các hãng tối đa hoá lợi nhuận, cho trước các giá tương đối (tỉ lệ thay thế biên) ở E, thì chúng sẽ chọn một điểm góc như điểm A. Bằng cách tương tự, trong mô hình bảo hiểm với hiểm hoạ đạo đức, với các đường bàng quan không lồi điểm tối ưu có thể tại điểm E trên hình 4.7. Với tập đó của các giá tương đối các cá nhân sẽ chọn mua nhiều bảo hiểm hơn so với E (họ chuyển sang E'). Khi họ làm vậy, tuy nhiên, mức chăm sóc giảm xuống, và kết quả là E không khả thi.

Tôi nhấn mạnh các kết quả này vì nhiều lí do. Cấu trúc toán học nền tảng của kinh tế học, như được phát triển từ Nền tảng của Phân tích Kinh tế của Samuelson đến Lí thuyết về Giá trị của Debreu, nhấn mạnh tầm quan trọng của tính lồi, đối với các kết quả tồn tại cơ bản, đối với các kết quả phúc lợi của các thị trường cạnh tranh (đặc biệt, đối với định lí căn bản thứ hai của kinh tế học phúc lợi), và đối với dẫn xuất ra tĩnh học cạnh tranh. Ngoài ra, đã được hiểu rõ rằng với tính không lồi đủ mạnh thì các thị trường sẽ không còn là cạnh tranh. Các lí lẽ có vẻ hợp lí là "bình thường" các giả thiết về tính lồi này được thoả mãn bởi những người tiêu dùng và sản xuất, những ngoại lệ (không lồi) là hạn chế và cần đến can thiệp của chính phủ. Bình thường chúng ta kì vọng luật lợi tức giảm dần và tỉ lệ thay thế biên giảm dần thịnh hành.


Hình 4.5
Tập của các chính sách ít nhất hoà vốn cũng không lồi. pL là xác suất của một tai nạn nếu cá nhân có nỗ lực thấp (hoạt động tai nạn cao). Như thế lợi nhuận là bằng không nếu cá nhân có nỗ lực thấp, và αpL = β(1- pL); tương tự đối với nỗ lực cao. Trong vùng nơi cá nhân có nỗ lực cao, lợi nhuận là dương ở phía trên đường lợi nhuận bằng không αpH = β(1- pH); tương tự trong vùng nơi cá nhân có nỗ lực thấp, lợi nhuận là dương ở phía trên quĩ tích lợi nhuận bằng không αpL = β(1- pL). Tập hợp của các điểm (chính sách) khả thi như vậy là miền được gạch sọc.


Một khi những sự bất hoàn hảo và chi phí thông tin được tính đến, thì giả thiết về tính lồi không còn đáng tin cậy nữa; tính không lồi phổ biến tràn lan. Với tính không lồi phổ biến tràn lan, thì những can thiệp của chính phủ để đạt phân bổ có hiệu quả Pareto không còn bị giới hạn như định lí căn bản thứ hai gợi ý. Không chỉ những can thiệp cả gói là không khả thi, chúng không đủ, và thậm chí những can thiệp tuyến tính sẽ không đủ.


Hình 4.6
Với các tập sản xuất không lồi, cân bằng hiệu quả Pareto có thể không có khả năng duy trì thông qua hệ thống giá.



Hình 4.7
Cho trước tính không lồi của các đường bàng quan phát sinh ở nơi có hiểm hoạ đạo đức, có thể không có khả năng duy trì cân bằng hiệu quả thông qua hệ thống giá


Các ảnh hưởng ngoại lai

Sự hiểu thấu chủ yếu của phân tích Greenwald-Stiglitz đã là việc chỉ ra rằng khi các thị trường không đầy đủ và thông tin không hoàn hảo, thì các hành động của các cá nhân hoặc xí nghiệp gây ra những ảnh hưởng "giống như ngoại lai". Một công nhân không hiệu quả, trong quyết định làm thêm giờ, đã hạ thấp chất lượng trung bình của những người chào sức lao động của mình trên thị trường lao động và như thế tạo ra một ảnh hưởng ngoại lai tiêu cực lên những người khác. Những người hút thuốc, trong quyết định hút thuốc nhiều hơn, đã làm tăng xác suất hoả hoạn trung bình, và sự tăng phí bảo hiểm cần thiết để bù trừ, hoạt động như một ảnh hưởng ngoại lai tiêu cực lên tất cả những người mua bảo hiểm hoả hoạn. Những ảnh hưởng ngoại lai này đã, dưới những điều kiện nhất định, có thể bù trừ bằng các loại thuế hàng hoá được thiết kế phù hợp, như thế bảo toàn được "tinh thần" phi tập trung hoá.

Nhưng có thể có nhiều loại ảnh hưởng ngoại lai không dễ bù trừ được. Hãy xem xét quan hệ tá điền-chủ đất, nơi các vấn đề khuyến khích và chia sẻ rủi ro đã dẫn đến một hợp đồng phân chia hoa lợi tối ưu. Khi đó bất kể hành động nào của tá điền, hành động ảnh hưởng đến đầu ra của trang trại, có một ảnh hưởng giống như ngoại lai lên chủ đất. Lợi ích của chủ đất từ việc tá điền sử dụng phân bón, không chỉ một cách trực tiếp, thông qua tăng sản lượng, mà cả gián tiếp nếu phân bón làm tăng sản phẩm biên của tá điền, và do đó tá điền làm việc siêng năng hơn. Như vậy chủ đất có một khuyến khích để trợ cấp việc sử dụng phân bón. "Thị trường đầu vào" (phân bón), thị trường đất đai, và thị trường lao động như thế trở nên liên kết với nhau. Những can thiệp của chính phủ (thí dụ, một sự trợ cấp chung cho phân bón) có thể là không đủ, vì độ lớn của các đáp ứng cung (thí dụ nỗ lực đáp ứng của người lao động để tăng sử dụng phân bón, cái đến lượt nó có thể phụ thuộc vào độ lớn của sự gia tăng sản phẩm biên của lao động do tăng cung phân bón gây ra) có thể không đồng đều đối với tất cả các trang trại; chủ đất có thể ở địa vị tốt hơn (bởi vì có thông tin chi tiết liên quan đến cả đất đai lẫn tá điền) để tạo ra mức trợ cấp "đúng", mức chắc sẽ thay đổi đáng kể từ trang trại này sang trang trại khác. Như thế lập luận ủng hộ phi tập trung hoá (phân tán hoá) - tức là thông tin thoả đáng được khu biệt ở địa phương - bản thân nó giúp giải thích vì sao phi tập trung hoá hoàn toàn (các thị trường đất đai, lao động, và phân bón hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau, chỉ với sự can thiệp hạn chế của chính phủ) sẽ không hoạt động. Đồng thời sự phi tập trung hoá một phần, với các thị trường được liên kết, có thể là không đủ để đảm bảo tính hiệu quả kinh tế mà không có can thiệp của chính phủ, đặc biệt nếu việc bán cấp hai, thí dụ phân bón, không thể ngăn chặn được.

Thí dụ trên, minh hoạ những ưu điểm của "các thị trường được liên kết" với các mối quan hệ phức hợp giữa những người tham gia, có thể được áp dụng phổ biến hơn nhiều. Mạng lưới của các mối quan hệ quan sát được trong các thị trường sản phẩm (thí dụ, giữa các nhà sản xuất và những người bán hàng hoá của họ) và trong các thị trường tín dụng (các hãng thường cung cấp tín dụng cho cả các nhà cung cấp lẫn các khách hàng) là các thí dụ dễ nhớ khác.

Các sơ đồ thanh toán phi tuyến

Vấn đề cuối cùng với phi tập trung hoá loại đơn giản được hình dung bởi chủ nghĩa xã hội thị trường và được phản ánh trong hệ thuyết cạnh tranh chuẩn liên quan đến tính phi tuyến. Như đã nhắc tới trước đây, định lí Greenwald-Stiglitz phát biểu rằng nền kinh tế phi tập trung hoá, nhìn chung, không đạt hiệu quả Pareto ràng buộc. Nó đã chỉ ra sự tồn tại của các loại thuế và trợ cấp đơn giản có thể làm cho mọi người đều khấm khá hơn. Nhưng những thứ này là những can thiệp đơn giản. Nếu chính phủ can thiệp chỉ theo cách này, thì tinh thần của phi tập trung hoá sẽ, như tôi đã nhấn mạnh, được duy trì. Một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thị trường có thể tự hoạt động hầu như Lange và Lerner đã hình dung, với một sự khác biệt chủ yếu là "nhà lập kế hoạch" sẽ phải chỉ thị các giá khác nhau cho các nhà sản xuất và những người tiêu dùng. (Đây là khung khổ được hình dung trong Stiglitz và Dasgupta 1971).

Nhưng công trình mới đây về khuyến khích tối ưu/đánh thuế tối ưu đã xác lập rằng những can thiệp đơn giản như vậy sẽ đủ để khôi phục nền kinh tế tới hiệu quả Pareto chỉ dưới các điều kiện toán học khá hạn chế. Thí dụ, văn khoa về các cơ cấu thuế có hiệu quả Pareto được nhắc tới trước đây gợi ý rằng, nhìn chung, các chính phủ cần áp đặt các loại thuế phụ thuộc vào mức tiêu thụ của từng mặt hàng theo một cách rất phức tạp; thí dụ, lượng thuế áp lên tiêu thụ mặt hàng A có thể phụ thuộc vào mức tiêu thụ mặt hàng B.

Chính xác các vấn đề song hành nổi lên trong khung cảnh của các hãng, những người lao động, và những người cho vay trong nội bộ thị trường. Các trường đại học cho phép nhân viên của mình tư vấn cho bên ngoài, thí dụ, một ngày trong một tuần. Điều này có thể được xem như một loại thuế (sơ đồ thanh toán) phi tuyến đơn giản: Không có khoản thuế nào được áp cho tám giờ đầu tiên, một khoản thuế ngăn cản được áp cho công việc làm ngoài tám giờ. Một hãng bia nói với nhà phân phối của mình rằng có lẽ nó bán nhiều bia của hãng khác, nhưng nếu nó bán quá nhiều bia của các hãng khác này, nó sẽ mất đặc quyền phân phối.

Như vậy những can thiệp tối ưu của chính phủ trong thị trường, cũng như những dàn xếp hợp đồng tối ưu giữa các bên trong nội bộ thị trường, thường là rất phức tạp, phản ánh các ảnh hưởng ngoại lai do thông tin gây ra, những quan hệ phi tuyến và các ràng buộc số lượng, và áp dụng các ràng buộc thị trường-chéo và thông tin. Những kết quả này có các hệ quả sâu sắc, cả đối với lí thuyết kinh tế và đối với tính khả thi của loại phi tập trung hoá được hình dung trong mô hình (Arrow-Debreu) tân cổ điển chuẩn.

Tính hiệu quả không đòi hỏi phi tập trung hoá hoàn toàn như hệ thuyết tân cổ điển gợi ý mà là phi tập trung hoá một phần - cái chúng ta quan sát được, trong nền kinh tế của chúng ta bao gồm nhiều hãng lớn có kinh nghiệm chỉ với phi tập trung hoá hạn chế. Những tương tác và các mối quan hệ kinh doanh do thông tin gây ra (hoặc sự kết cụm) có thể gây trở ngại cho tính hiệu quả của cạnh tranh - ít nhất dạng cạnh tranh giản lược được hình dung trong các mô hình chuẩn. Trong một số trường hợp tất cả cái bị tác động chính là "đơn vị" mà trên đó cạnh tranh diễn ra; thí dụ, nếu chủ đất cung cấp phân bón, đơn vị thoả đáng của cạnh tranh là chủ đất cộng người bán phân bón. Trong một số trường hợp mạng các mối liên kết (tác động ngoại lai) phức tạp đến mức các ảnh hưởng ngoại lai không thể được đề cập một cách hữu hiệu theo cách này (thí dụ, xem Arnott và Stiglitz 1985). Còn trong các trường hợp khác, nơi có những liên kết giữa kì quan trọng và cạnh tranh ex ante (từ trước) (cạnh tranh đối với các cá nhân hoặc hãng để kí hợp đồng), thì cạnh tranh có thể rất hạn chế một khi các hợp đồng đã được kí. Với các thị trường thấy trước không hoàn hảo và thị trường bảo hiểm không hoàn hảo, cạnh tranh ex ante còn xa mới là cái thay thế đầy đủ cho cạnh tranh ex post (từ sau). [15] Còn trong các trường hợp khác sự thực rằng nhiều hãng và cá nhân đến thế gắn bó với nhau trong một nhóm các mối liên hệ tạo ra một trở ngại quan trọng cho sự gia nhập cạnh tranh và cho tính cạnh tranh chung của thị trường. [16]

Can thiệp của chính phủ có thể đòi hỏi nhiều thông tin hơn nhiều so với các trường hợp khi tất cả cái mà chính phủ cần làm là áp đặt một khoản thuế hay trợ cấp tuyến tính, và vì vậy loại phi tập trung hoá được Lange và Lerner, và các nhà xã hội chủ nghĩa thị trường khác hình dung, đơn thuần sẽ không hoạt động. Lòng tin vào hệ thống giá đơn giản (tuyến tính) là cái tạo nền tảng cho các lí thuyết của họ, và chính lòng tin này là cái các lí thuyết hiện đại dựa trên thông tin đặt dấu hỏi nghi vấn.

Nhưng, lại một lần nữa, chúng ta thấy có vẻ nghịch lí: Trong khi các lí thuyết hiện đại này nghi ngờ khả năng tồn tại của chủ nghĩa xã hội thị trường, chúng đồng thời cũng làm yếu niềm tin của chúng ta vào (ít nhất quan niệm giản lược của chúng ta về) các nền kinh tế cạnh tranh , và các mô hình mà chúng ta đã xây dựng để mô tả chúng. Một mặt, các lí thuyết này tiên đoán đúng nhiều hình thức phức tạp của các mối quan hệ kinh doanh mà chúng ta quan sát được. Mặt khác, chúng gợi ý rằng chúng ta phải theo dõi các mối quan hệ phức tạp hơn thường xuyên hơn. Thí dụ, chỉ dưới các điều kiện rất hạn chế thì các hợp đồng khoán sản phẩm hoặc các hợp đồng phân chia hoa lợi mới tuyến tính. Các hình thức đơn giản của những dàn xếp hợp đồng như vậy quan sát được trong thực tiễn không phải là những dàn xếp mà hầu hết các mô hình lí thuyết thông tin tiên đoán, trừ với các giả thiết rằng bản thân chúng có thể bị bác bỏ vì các lí do khác. [17]

Trong khi có "những giải thích" về sự thịnh hành của các hợp đồng "quá đơn giản" (nhìn từ khung cảnh lí thuyết) - chúng là dễ hiểu; những người làm công không nghĩ rằng người sử dụng lao động thử "chơi họ" bằng cách đưa ra một dàn xếp hợp đồng mà người sử dụng lao động hiểu còn toàn bộ hệ quả của nó thì người lao động chỉ hiểu lơ mơ [18] - tuy nhiên điểm này còn nguyên là hệ thuyết chuẩn vẫn để các khía cạnh quan trọng của các mối quan hệ kinh tế không được giải thích, gây ra những nghi ngờ về sự đúng đắn của mô hình nói chung và về những kết luận chính của nó, khả năng phi tập trung hoá thông qua hệ thống giá. Do vậy sự gợi ý rằng chủ nghĩa xã hội thị trường có thể hoạt động tốt như nền kinh tế thị trường bằng cách bắt chước, không phải nền kinh tế thị trường mà bắt chước mô hình của nền kinh tế thị trường - mô hình phi tập trung hoá sử dụng hệ thống giá để truyền mọi thông tin quan trọng - là, nói nhẹ bớt đi, đáng ngờ.


Tóm tắt

Chương này và chương trước đã xem lại một vài phát triển mới đây trong kinh tế học phúc lợi. Chương trước tập trung vào định lí thứ nhất của kinh tế học phúc lợi, khẳng định tính hiệu quả của các nền kinh tế thị trường cạnh tranh. Những phát triển mới đây đã làm giảm niềm tin của chúng ta trong sự thừa nhận rằng các thị trường là hiệu quả. Chúng đã tạo một vai trò tiềm năng tăng lên cho can thiệp của chính phủ, và làm như vậy, chúng đã, gián tiếp, ủng hộ lí lẽ cho chủ nghĩa xã hội thị trường.

Chương này đã tập trung vào định lí thứ hai của kinh tế học phúc lợi, định lí có ba cách giải thích khả dĩ. Mỗi cách giải thích này đã được đặt thành vấn đề nghi ngờ. Cách thứ nhất tập trung vào vai trò hạn chế của chính phủ: Tất cả cái mà chính phủ cần làm để đạt bất kể sự phân bổ nguồn lực có hiệu quả Pareto nào là thực hiện tái phân phối trọn gói; thị trường sẽ lo những việc còn lại. Tôi đã lập luận, ngược lại, rằng với sự hiện diện của thông tin không hoàn hảo, tái phân phối trọn gói như được hình dung trong mô hình truyền thống đơn giản là không khả thi. Các chi phí can thiệp của chính phủ cần để hiệu chỉnh những thiếu sót trong phân phối của cải của thị trường là lớn hơn so với được hình dung bởi lí thuyết truyền thống.

Định lí căn bản thứ hai của kinh tế học phúc lợi ngụ ý rằng các vấn đề về hiệu quả kinh tế và phân phối có thể tách bạch nhau. Sự tách rời này tỏ ra rất hữu ích cho các nhà kinh tế, những người muốn tập trung vào khái niệm "hiệu quả kinh tế" và xếp các vấn đề phân phối sang một bên. Tôi đã chỉ ra trong chương này rằng với sự hiện diện của thông tin không hoàn hảo, các vấn đề về hiệu quả kinh tế và phân phối không thể tách ra dễ như vậy. Thí dụ, liệu nền kinh tế có hoặc không có hiệu quả Pareto bản thân nó có thể phụ thuộc vào phân phối thu nhập.

Cuối cùng, định lí căn bản thứ hai của kinh tế học phúc lợi thường được trình bày như thiết lập sự phi tập trung hoá của nền kinh tế. Ngược lại, tôi đã chỉ ra rằng có năm kết quả căn bản trong kinh tế học thông tin cho thấy những hạn chế mạnh về mức độ mà nền kinh tế có thể được phi tập trung hoá thông qua cơ chế giá:

Định lí Greenwald-Stiglitz có thể được coi như xác lập tính bất khả phân tán của nền kinh tế, vì nó chỉ ra rằng các thị trường, để tự chúng, về cơ bản chẳng bao giờ đạt tối ưu Pareto khi các thị trường là không đầy đủ hoặc khi thông tin là không hoàn hảo.

Trong các nền kinh tế mà các thị trường là không đầy đủ và thông tin là không hoàn hảo, các tác động giống như ảnh hưởng ngoại lai nảy sinh và phổ biến tràn lan.
Định lí Arnott-Stiglitz xác lập rằng, nhìn chung, đáng mong mỏi có trợ cấp-chéo (ngay cả khi thiếu các tác động ngoại lai trực tiếp).

Khả năng để phi tập trung hoá dùng hệ thống giá đòi hỏi rằng không có tính không lồi, mà tính không lồi thì phổ biến tràn lan.

Các cơ cấu khuyến khích tối ưu, với sự hiện diện của thông tin không hoàn hảo, hầu như luôn luôn dẫn đến các sơ đồ thanh toán phi tuyến tính.

Tôi đã chỉ ra rằng lí lẽ cho phi tập trung hoá dựa trên cơ sở định lí căn bản thứ hai của kinh tế học phúc lợi là sai cơ bản. Nhưng điều này không được phép diễn giải như ám chỉ rằng tôi lập luận chống lại kết luận là nền kinh tế có thể, hoặc phải, hoạt động một cách phi tập trung. Trong chương 9, tôi sẽ quay lại vấn đề phi tập trung hoá và cung cấp một số triển vọng khả dĩ.

Chủ nghĩa xã hội thị trường ngầm sử dụng định lí căn bản thứ hai của kinh tế học phúc lợi như cơ sở tổ chức của nền kinh tế. Nó loại bỏ sự chỉ trích rằng những đòi hỏi thông tin của chủ nghĩa xã hội sử dụng một nhà lập kế hoạch trung ương đã là quá phiền toái và làm cho chủ nghĩa xã hội không khả thi. Nó lập luận rằng chủ nghĩa xã hội có thể dùng đúng loại phi tập trung hoá thông tin mà nền kinh tế thị trường sử dụng; giá cả có thể truyền đạt thông tin cũng hữu hiệu dưới chủ nghĩa xã hội như dưới nền kinh tế thị trường, và thông tin về công nghệ, thí dụ, tiếp tục có thể nằm trong tay của các hãng riêng lẻ.

Các lí lẽ mà tôi trình bày chỉ ra những hạn chế của định lí căn bản thứ hai, nhưng chúng cũng gợi ý rằng viễn cảnh này là sai. Nhưng không chỉ là giá cả không truyền đạt tất cả các thông tin quan trọng cần để một nền kinh tế được phi tập trung hoá hoạt động có hiệu quả. Như tôi sẽ lập luận trong các chương sau, tập của các vấn đề thông tin mà nền kinh tế phải giải quyết là phong phú hơn nhiều so với các vấn đề được các mô hình chuẩn của nền kinh tế thị trường hoặc được các mô hình chủ nghĩa xã hội thị trường hình dung. Trong khi các nền kinh tế thị trường có thể giải quyết các vấn đề này một cách không hoàn hảo, còn chủ nghĩa xã hội thị trường thậm chí không đề cập đến các vấn đề này.

Một trong những sự phân biệt cốt lõi giữa các thị trường và chủ nghĩa xã hội thị trường là quyền sở hữu, và phân bổ, về vốn. Mức độ can thiệp cần để đảm bảo rằng vốn được phân bổ một cách hiệu quả trong một nền kinh tế thị trường là rộng hơn nhiều so với được hình dung trong lí thuyết truyền thống. Những phân bổ của cải có thể chấp nhận được (hoặc đáng mong mỏi) về mặt xã hội hầu như kéo theo một cách không thể tránh khỏi sự tách biệt của quyền sở hữu và kiểm soát, dẫn đến các vấn đề khuyến khích cùng loại đối với các nền kinh tế thị trường cũng như gắn với các nền kinh tế phi thị trường. Đây là các vấn đề mà chúng ta sẽ bàn đến chi tiết hơn trong các chương tiếp theo.

© 2005 talawas


[1]Những điểm này được trình bày chặt chẽ hơn trong Broto, Hamilton, Slutsky, and Stiglitz (1990).
[2]Xem Stiglitz (1987a).
[3]Đầu tiên được đưa ra trong Stiglitz (1982b), và trình bày toàn diện hơn trong Stiglitz (1987a). Văn khoa về đánh thuế tối ưu Pareto là một sự phát triển tự nhiên của văn khoa sớm hơn về đánh thuế tối ưu, do Mirrlees (1971) khởi xướng.
[4]Xem Stiglitz (1974, 1987h).
[5]Chúng không là những khuyến khích hoàn hảo, chừng nào người làm không có vốn để trả toàn bộ tiền thuê ngay ở đầu kì, và sự trừng phạt đối với việc không trả được tiền thuê là hạn chế. Với trả tiền thuê ở cuối kì, hợp đồng thuê có thể coi như một hỗn hợp của một khoản vay và một hợp đồng thuê, và các hợp đồng vay mượn với trách nhiệm hữu hạn gây ra các vấn đề khuyến khích nghiêm trọng, như Stiglitz and Weiss (1981) đã nhấn mạnh.
[6]Cheung (1963) đưa ra một giải thích khả dĩ khác về các hợp đồng phân chia hoa lợi, về mặt hiệu quả chi phí giao dịch. Ông lập luận rằng nhân công được cung cấp một cách hiệu quả. Sự khác biệt giữa hai mô hình là, ông đã giả thiết rằng khối lượng nhân công mà người lao động cung cấp là có thể quan sát được (một cách tốn kém), và vì vậy hợp đồng qui định khối lượng nhân công: Đã không có vấn đề khuyến khích.
[7]Đây là một trong các điểm chính của văn khoa người chủ-người đại lí. Về một tổng quan ngắn, xem Stiglitz (1989a).
[8]Shapiro and Stiglitz (1984), thí dụ, cho thấy trong mô hình của họ về một nền kinh tế trong đó giám sát người lao động là tốn kém, liệu nền kinh tế có hiệu quả Pareto ràng buộc hay không phụ thuộc vào liệu của cải có được phân phối đều hay không.
[9]Sah and Stiglitz (1991) cung cấp một phương pháp xếp hạng một phần các tổ chức/hệ thống kinh tế theo mức độ phi tập trung hoá trong ra quyết định.
[10]Được biết khá rõ là trợ cấp chéo có thể là cần thiết trong trường hợp này.
[11]Không có trực giác đơn giản đằng sau định lí Radner-Stiglitz. Khi thiếu thông tin thì cá nhân tối ưu hoá bằng cách đưa ra cùng hành động phản ứng lại với bất kể tín hiệu nào. Một lượng thông tin nhỏ dẫn cá nhân đến xem xét lại một chút hành động này trong phản ứng lại với các tín hiệu khác nhau. Nhưng do cá nhân đã tối ưu hoá hành động của mình, căn cứ vào thông tin, bằng định lí hình bao chuẩn, sự thay đổi về độ thoả dụng kì vọng (tuỳ thuộc vào quan sát tín hiệu cụ thể) là bằng không. Hơn thế nữa, độ thoả dụng kì vọng của cá nhân, tuỳ thuộc vào quan sát các tín hiệu khác nhau, là như nhau, cho nên không có sự thay đổi về độ thoả dụng gây ra bởi xem xét lại các xác suất gắn với các kết quả/tín hiệu khác nhau (do thông tin được cải thiện gây ra).
[12]Về những thảo luận sớm hơn, xem Stiglitz (1982c). Trong phạm vi hiểm hoạ đạo đức, xem Arnott and Stiglitz(1988a, 1988b).
[13]Xem Stiglitz (1982c) và Arnott and Stiglitz (1988b).
[14]Xem Arnott and Stiglitz (1990).
[15]Xem Stiglitz and Weiss (1983).
[16]Xem, thí dụ, Stiglitz (1987g), ở nơi tôi chỉ ra rằng mặc dù có thể có rất nhiều người tiêu dùng và rất nhiều nhà sản xuất, số người tiêu dùng "tự do" là khá nhỏ nên các thị trường không ứng xử một cách cạnh tranh.
[17]Thí dụ, nếu các cá nhân có các hàm thoả dụng không ưa rủi ro tuyệt đối bất biến, thì các hợp đồng tuyến tính sẽ là tối ưu (Milgrom and Robert 1988), nhưng hàm thoả dụng không ưa rủi ro tuyệt đối bất biến ngụ ý rằng khuynh hướng biên của các cá nhân để nắm giữ các tài sản an toàn, khi của cải của họ tăng, là bằng một. Khi người dân trở nên giầu có hơn, họ không sẵn lòng nắm giữ thêm các tài sản rủi ro.
[18]Xem Stiglitz (1992a) để có thảo luận rộng hơn về những hệ quả của thông tin bất đối xứng và cơ cấu pháp lí đối với thay đổi trong các hình thức hợp đồng chuẩn.