© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
30.10.2004
Hải Triều
Về văn học nghệ thuật
7 kỳ
 1   2   3   4   5   6   7 
 
Cuộc tranh luận „Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh“ giữa Hải Triều và Thiếu Sơn, Hoài Thanh giữa những năm 30 cũng như những bài viết về văn học nghệ thuật của Hải Triều đã đem lại cho ông vị trí có thể coi là kinh điển của một trong những nhà lí luận phê bình mác-xít đầu tiên và quan trọng nhất của nền văn nghệ cách mạng và cộng sản tại Việt Nam. Trên dưới 70 năm sau, những bài viết này đã thành những tư liệu mà giới nghiên cứu và công chúng quan tâm đến tiến trình phát triển của văn nghệ Việt Nam nên lưu ý. Xin giới thiệu cùng độc giả.

talawas
Lời giới thiệu của Hồng Chương

Hải Triều và văn nghệ

"Đời tôi chiến đấu cho nghệ thuật và văn chương cách mạng".

Câu đó trong "chúc thư" của đồng chí Hải Triều gửi các đồng chí văn nghệ trước khi chết đã nói lên lòng thiết tha của đồng chí đối với văn nghệ. Đồng chí Hải Triều quả là một trong những chiến sĩ xuất sắc của Đảng ta trên mặt trận văn nghệ. Đồng chí đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp xây dựng nền lý luận và phê bình văn nghệ mác-xít - lê-nin-nít ở nước ta.

Đồng chí Hải Triều sinh ngày 1-10-1908 tại làng An-cựu ở ngoại ô thành phố Huế. Hồi còn đi học, đồng chí đã từng tham gia phong trào bãi khóa của học sinh. Năm 1927 đồng chí đã dự cuộc hội nghị toàn quốc của Đảng Tân việt, hội nghị này đã quyết định cải tổ Đảng Tân việt thành Đông-dương cộng sản liên đoàn. Tháng 6-1930 đồng chí được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông-dương và tham gia tỉnh ủy Thừa-thiên. Tháng 8-1930 đồng chí vào hoạt động ở Sài-gòn và tham gia thành ủy Sài-gòn - Chợ-lớn của Đảng, đồng thời viết bài cho báo Cờ đỏ, cơ quan của Trung ương Đảng hồi bấy giờ. Ngày 3-11-1931 đồng chí bị bắt ở Sài-gòn. Sau đó đồng chí bị đưa về Huế và bị kết án 9 năm khổ sai và 8 năm quản thúc. Đến tháng 7-1932 đồng chí được trả lại tự do. Ra khỏi nhà tù đồng chí viết bài cho các báo hợp pháp hồi bấy giờ để truyền bá một cách khéo léo cho quan điểm của Đảng.

Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ đồng chí tích cực viết báo viết sách để tuyên truyền cho các chính sách của Đảng. Đồng chí đã viết bài cho các báo Nhành lúa, Dân, Đời mới, Kiến văn, Tiếng vang, Hồn trẻ, Tin tức, Tin mới, v.v... là những tờ báo cộng sản và tiến bộ hồi bấy giờ. Đồng chí là tác giả của các cuốn sách: Duy tâm hay duy vật, Văn sĩ và xã hội, Chủ nghĩa Mác phổ thông, v.v...

Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, đồng chí Hải Triều bị bọn thực dân Pháp bắt đi an trí tại huyện Phong-điền hơn 4 năm (từ tháng 8-1940 đến tháng 3-1945) Đồng chí tham gia Cách mạng tháng Tám (1945) ở Huế. Sau Cách mạng tháng Tám đồng chí được kết nạp vào Đảng lần thứ hai và làm Giám đốc Sở tuyên truyền Trung-bộ. Trong thời gian kháng chiến đồng chí là Giám đốc Sở tuyên truyền Liên khu 4, đồng chí là ủy viên Ban chấp hành Chi hội văn nghệ Liên khu 4.

Hòa bình vừa mới được lập lại, đồng chí Hải Triều đi công tác Việt-bắc trở về đến Thanh-hóa thì bị ốm nặng. Đồng chí mất ngày 6-8-1954 tại bệnh viện Hà-lũng (Thanh-hóa).

Đồng chí Hải Triều xuất hiện như là một nhà lý luận và phê bình văn nghệ xuất sắc bắt đầu từ cuộc bút chiến "nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh" giữa đồng chí và các nhà phê bình văn nghệ Thiếu Sơn, Hoài Thanh, trong những năm 1935, 1936. Trong cuộc bút chiến này, đồng chí Hải Triều đã cố gắng truyền bá các quan điểm văn nghệ của chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở nước ta. Bác những quan điểm văn nghệ duy tâm của Thiếu Sơn, đồng chí Hải Triều tuyên bố: "Nghệ thuật là một cái sản phẩm của sự sinh hoạt xã hội". Hải Triều viết: "Mỗi chế độ kinh tế thì có một nền văn học tương đương và nền văn học nào thì bênh vực cho chế độ kinh tế ấy". Hải Triều cho rằng "văn học là biểu hiện của nhân sinh". Theo Hải Triều "văn học là một cái sản vật của xã hội cho nên cũng phải tùy theo cái cơ bản của xã hội mà biến đổi mà mất còn". Hải Triều viết: "Đặt nghệ thuật ra ngoài xã hội và nhân sinh, cho nghệ thuật có tính cách thiêng liêng, thần bí, cao thượng là ngụy biện, là phi lý..., là gian trá".

Bác thuyết "văn chương là văn chương" của Hoài Thanh, đồng chí Hải Triều viết rằng "cái phát nguyên của nghệ thuật là ở trong sự sống", và "nghệ thuật là vì nhân sinh chứ không bao giờ có cái nghệ thuật vì nghệ thuật". Hải Triều nhấn mạnh tính chất xã hội của nghệ thuật. Đồng chí cho rằng "nếu một tác phẩm mà có thể biểu hiện được cái tình cảm, tư tưởng phổ biến của số đông người trong một thời đại... thì cái công trình nghệ thuật ấy càng được hoan nghênh".

Hải Triều vạch rõ rằng: "Nền văn học của một thời đại nào chỉ là cái phản ánh của cuộc đấu tranh giai cấp". Sau khi vạch rõ sự thoái hóa, phản động của văn học tư sản, Hải Triều nói đến sự ra đời của văn học cách mạng của giai cấp công nhân: "Bên cái nền văn học thần bí dâm ô của giai cấp phú hào, đã bắt đầu gây dựng nên một nền văn học mới của giai cấp vô sản. Nền văn học này quyết nhiên là một nền văn học cách mạng. Cái hình thức của nó khuynh hướng hẳn về tả thực mà cái nội dung của nó là về xã hội. Cái triều lưu văn học này ta có thể bao gồm trong một danh từ là: tả thực xã hội (réalesme socialiste). Văn chương của giai cấp vô sản tất là văn chương tả thực xã hội vậy".

Đứng trên quan điểm "nghệ thuật vi nhân sinh" Hải Triều đã giới thiệu các tác phẩm văn học tiến bộ ở nước ta hồi bấy giờ như: Kép tư Bền, Lầm than. Đồng thời Hải Triều giới thiệu cho nhân dân ta các nhà văn tiến bộ thế giới: Mác-xim Goóc-ki, Rô-manh Rô-lăng, Hăng-ri Bác-buýt.

Đồng chí Hải Triều không những chú ý đến nội dung tư tưởng của tác phẩm văn nghệ mà còn rất coi trọng tính chất nghệ thuật của tác phẩm. Đồng chí cho rằng tác phẩm văn nghệ cần phải có khuynh hướng nhưng đồng chí đòi hỏi khuynh hướng phải được thể hiện trong tác phẩm như điệu đàn đã thoát tiếng tơ. Đồng chí viết: "Tôi nghĩ một thiên tiểu thuyết hay cũng giống như cái điệu đàn đã thoát tiếng tơ mà nhà văn sĩ biết trọng nghệ thuật chắc không bao giờ lại đi bắt chước thằng cha nhắc tuồng vọt ra ngồi chòm ngõm giữa sân khấu".

Đối với nhà văn nghệ, đồng chí Hải Triều khuyên nhà văn nghệ nên đi sâu vào đời sống của quần chúng nhân dân. Đồng chí đòi hỏi nhà văn nghệ "phải sống cái sống vĩ đại của nhân dân, phải cảm cái cảm sâu sắc của đại chúng, phải chiến đấu trong cái chiến đấu anh dũng của dân tộc".

Những bài lý luận và phê bình văn nghệ của đồng chí Hải Triều nói chung đã thể hiện được đường lối văn nghệ của Đảng ta. Những bài đó là những viên gạch mà đồng chí Hải Triều đã đóng góp để xây dựng cái lâu đài to lớn của nền văn học nghệ thuật mác-xít - lê-nin-nít ở nước ta.

Những bài viết về văn nghệ của đồng chí Hải Triều cho đến nay, về căn bản, vẫn còn có giá trị. Tuy nhiên, do sự hạn chế về trình độ nắm chủ nghĩa Mác - Lê-nin của tác giả lúc viết, một số bài trong đó, nhất là những bài viết vào thời kỳ đầu, cũng có một số điểm thiếu sót và không được chính xác. Chẳng hạn, việc căn cứ vào "khí chất" của người ta mà chia loại người ra làm 4 hạng (hạng đảm trấp chất, hạng thần kinh chất, hạng đa huyết chất, hạng niêm dịch chất) và cho rằng hạng "thần kinh chất" thường xu hướng về văn học, chứng tỏ rằng tác giả chưa hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng tư tưởng của các học giả tư sản hồi bấy giờ. Việc tác giả phân tích sự ra đời của các trường phái văn học cũng có điểm không đúng như cho rằng chủ nghĩa cổ điển ra đời là do tăng lữ liên lạc với quý phái, chủ nghĩa cấm dục bắt tay chủ nghĩa hưởng lạc; hay cho rằng văn học lãng mạn chủ nghĩa là văn học của nông nô và thị dân. Việc tác giả cho rằng tác phẩm Lầm than của Lan Khai là "một tác phẩm đầu tiên của nền văn tả thực xã hội ở nước ta" cũng là một sự đánh giá sai lầm đối với tác phẩm đó, mặc dù những ý kiến về chủ nghĩa thiện thực xã hội chủ nghĩa mà tác giả đưa ra trong bài phê bình đó là hoàn toàn đúng.

Tuy còn có một số thiếu sót, thậm chí sai lầm, những bài viết của đồng chí Hải Triều về văn nghệ về căn bản là đúng đắn và là những viên ngọc quý trong kho tàng lý luận văn nghệ của nước ta, đáng được chúng ta trân trọng nghiên cứu. [1]

1965



*




Hải Triều

Sự tiến hoá của văn học và sự tiến hoá của nhân sinh



(Thử dùng duy vật biện chứng pháp phê bình cái quan hệ của sự tiến hóa về văn học và sự tiến hóa về nhân sinh)

Nếu ai tin rằng: Dưới mặt trời không có gì là lạ.

Nếu ai tin rằng: Vạn sự vạn vật trong tự nhiên giới, hay nhân sinh giới, đều tuần hoàn hay bất di dịch.

Nói tóm lại, nếu ai tin rằng: nhân loại không có tiến hóa, thì bài "Sự tiến hóa của văn học và sự tiến hóa của nhân sinh" này thành ra vô ý nghĩa.

Nhưng nếu ai tin rằng: Văn học là văn học, tiến hóa là tiến bộ, nghĩa là tin hai cái ấy tuyệt vô quan hệ, thì bài này thành ra mâu thuẫn.

Vì vậy, trước nhất chúng ta phải có cái lập trường này: Nhân loại có tiến hóa, và sự tiến hóa ấy có quan hệ cùng với sự tiến hóa của văn học. Do cái lập trường ấy, chúng ta thử dùng duy vật biện chứng pháp để phê bình mối quan hệ của đôi bên. Ấy là mục đích và phạm vi của bài sau này.

Trước khi chúng ta lấy duy vật biện chứng pháp làm lợi khí để phê bình, chúng ta cũng nên hỏi duy vật biện chứng pháp là cái gì?

Duy vật biện chứng pháp là một thứ luận lý mới. Thứ luận lý này cho sự biến đổi trong tự nhiên giới, trong xã hội, cho đến trong tâm trí của người ta đều do mâu thuẫn và xung đột mà sanh ra. Sự tiến hóa chính là con đẻ của sự mâu thuẫn. Bất kỳ một cái gì đã có, tất sanh ra một cái để phản lại, hai cái ấy phản nhau nên sanh ra một cái thứ ba, cái thứ ba này "tiến bộ" hơn hai cái kia. Thử lấy một cái ví dụ. Hạt lúa là một cái có (gọi theo triết học, hạt lúa ấy là một cái quyết thể: affirmation) - Nhưng trong hạt lúa có một cái mầm, cái mầm ấy, nó phá cái bản thể của hạt lúa đi (gọi theo triết học, cái mầm ấy là cái hủy thể: négation). Nhưng đến khi cái mầm đó đủ sức, thì nó bùng ra cây lúa.

Cây lúa phá mất cái bản thể của hạt lúa và mầm lúa, ra một thể tiến bộ hơn. (Gọi theo triết học, cây lúa ấy là cái hủy thể của hủy thể: la négation de la négation). Tự hạt lúa mà tiến cho đến cây lúa phải trải qua nhiều lần xung đột và hủy hoại lẫn nhau. [2]

Lịch sử tiến hóa của loài người cũng đi trên con đường mâu thuẫn và xung đột như hạt lúa kia vậy.

Nhưng vì sao sinh ra xung đột? Cái động lực của nhiều cái mâu thuẫn ấy ở tại đâu? Nói rộng ra là: ở tại trong những cái mâu thuẫn của vật chất; nói gần lại là: ở tại trong những mâu thuẫn của kinh tế xã hội. Kinh tế xã hội sinh ra mâu thuẫn (thí dụ: sự sinh sản chống với sự phân phối). Cái mâu thuẫn ấy phản chiếu vào trong tinh thần người ta, tinh thần người ta sinh ra xung đột và biến đổi tất cả xã hội cũng sinh ra xung đột và biến đổi.

Cái đại ý của duy vật biện chứng pháp là thế.

Chúng ta sẽ lấy cái duy vật biện chứng pháp này làm lợi khí để phê bình sự quan hệ của văn học với sự tiến hóa của nhân sinh.

Chúng ta xem như đoạn trên thì chế độ xã hội biến đổi là vì nền kinh tế xã hội biến đổi trước. Vậy nền kinh tế là cái cơ sở tạo thành ra chế độ xã hội. Nền kinh tế tức là cái hạ tầng cơ sở, chế độ xã hội tức là cái thượng tầng kiến thiết.

Trong chế độ xã hội: có chính trị, pháp luật, đạo đức, tôn giáo, mỹ thuật, v.v... ta không bàn hết cả các vấn đề ấy vì không phải phạm vi bài này, chúng ta chỉ chú ý về văn học là một cái chi tiết của mỹ thuật mà thôi. Văn học đã là một cái chi tiết của mỹ thuật tất nằm trong cái thượng tầng kiến thiết. Nếu đã nằm trong cái thượng tầng kiến thiết tất nhiên phải theo cái lệ chung là: biến đổi theo hạ tầng cơ sở. Nói một cách khác là: nếu nền kinh tế của xã hội biến đổi thì văn học cũng biến đổi theo. Nền kinh tế vì mâu thuẫn mà tiến hóa thì nền văn học cũng vì mâu thuẫn mà tiến hóa theo.

Cái quan hệ của sự tiến hóa của văn học và sự tiến hóa của nhân sinh là thế.

Như vừa nói trên, chúng ta đã tìm ra được sự liên lạc của kinh tế và văn học, bây giờ chúng ta có thể quả quyết mà nói rằng: Mỗi chế độ kinh tế tất có một nền văn học tương đương và nền văn học nào thì binh vực chế độ kinh tế ấy.

Chúng ta hãy dùng một cái ví dụ:

Nền kinh tế A tất sản xuất ra nền văn học A. Nhưng nay kinh tế A vì hàm súc nhiều mâu thuẫn nên phải biến đổi, một nền kinh tế B bắt đầu thay chân cho A. Văn học A sẽ hóa ra thế nào? Văn học A nhất định duy trì nền kinh tế A mà thôi, nhất định không dung hóa với kinh tế B và văn học B.

Căn cứ theo cái nguyên lý và ví dụ ở trên đó chúng ta có thể chia văn học ra làm hai chi phái lớn:

1. Thứ văn học nào cố sức duy trì một nền kinh tế cũ (nền kinh tế ấy đã đổ hay sắp đổ) là thứ văn học chống với sự tiến hóa của nhân sinh.

2. Thứ văn học nào theo với sự biến đổi của nền kinh tế mà biến đổi, thứ văn học ấy là thứ văn học hợp với sự tiến hóa của nhân sinh.

Ngọn trào tiến hóa của nhân loại không có bờ, nên sự biến đổi của nền kinh tế không bao giờ dứt, kinh tế biến đổi không dứt nên văn học biến đổi cũng không dứt, văn học biến đổi không dứt nên có thứ văn học hôm qua hợp với tiến hóa mà hôm nay đã thành ra trần hủ phản với tiến hóa. Dưới đây xét đến tư triều văn nghệ của Âu châu, chúng ta sẽ thấy cái đặc điểm ấy.

Viết đến đây chúng ta sẽ nghe có người đứng lên phản đối rằng: "Văn học có cái tính chất siêu nhiên bạt tục, đứng trên tất cả các chế độ xã hội và quy thức vật chất. Vả lại nhà văn học có cái thiên tài đặc biệt khác hẳn với người thường. Cho nên văn học không dính gì với hiện tượng kinh tế cả". Nếu ai chủ trương như thế thì chúng ta cũng xin trả lời rằng: "Văn học theo ông nói, hóa ra một món thần bí ở trên mây xanh mà mấy nhà văn sĩ sẽ hóa ra những ông "tiên con" ở trong đào nguyên động".

Thử xét mà xem, văn học thật thoát ly cái chi phối của vật chất không? - Không, vì văn học là cái biểu hiện của nhân sinh, không biểu hiện được nhân sinh thì không thành ra văn học được. Vì thế nên văn học phải bị nền kinh tế của xã hội chi phối một cách trực tiếp và sâu sắc.

Còn thiên tài là cái gì? Cứ theo khoa học mà giải thích. Khí chất của nhân loại vẫn bất đồng, nhưng các học giả thường chia ra làm bốn hạng: 1) Hạng đảm trấp chất (cholérique), 2) Hạng thần kinh chất (mélancolique), 3) Hạng đa huyết chất (sanguinaire), 4) Hạng niêm dịch chất (flegmationque). Trong bốn hạng ấy, người nào về hạng thần kinh chất nhiều tất hay đa tình, đa cảm. Dạng đa tình, đa cảm này quá nửa số là xu hướng về văn học. Vậy nhà văn học chỉ có cái tình cảm mẫn nhuệ hơn người. Vả lại cái tình cảm ấy chính bị hoàn cảnh vật chất của xã hội thôi thúc mới nảy nở ra được. Cho nên cái "thiên tài" của nhà văn học không phải trên Trời rơi xuống.

Ngày này các phái chủ trương văn học là siêu nhiên bạt tục, thường cả hơi lớn tiếng hô hào thuyết "lấy nghệ thuật làm nghệ thuật" (l'art pour l'art). Cái thuyết ấy thực kỳ phi lý, vì cái dụng ý của nó là để văn học ra ngoài sự tiến hóa của nhân sinh. Những tác phẩm của họ thường không dính dấp gì đến trào lưu của lịch sử. Hiện trạng của xã hội, cái "không dính dấp" ấy cũng có nghĩa, vì những tác phẩm "bông lông" kia là cái sản vật của một nền kinh tế đã đình trệ, sắp mục nát, nền văn học mới hóa ra một món đồ chơi tạm thời riêng cho một số người.

Xem thế chúng ta thấy rằng: ngoài hai thứ văn học căn bản: hợp với tiến hóa, trái với tiến hóa, chúng ta còn thấy một thứ văn học thứ ba tự xưng là không dính gì với tiến hóa của nhân sinh, kỳ thật nó cũng chỉ là một chi phái của thứ văn học trái với tiến hóa đó thôi.

Cái thứ văn học "cao thượng" này rất thịnh hành ở nước ta, các bác văn sĩ mình đánh chén tít cung trăng, rồi rung đùi mà ngâm vịnh chòm mây bạc trên Hoàng-hạc-lâu, hay mái chèo lan trước Đằng-vương-các, tận bên Tàu kia! Cái thứ văn học đó nó đã không tiến hóa gì, mà nó cũng không ăn dính gì với sự tiến hóa của nhân sinh; vì thế nên cái số mệnh nó rất ngắn ngủi mà cái công dụng của nó cũng rất hẹp hòi, hẹp hòi đến nỗi chỉ làm tài liệu tiêu khiển cho các cô thiếu nữ ở buồng thêu, xin lỗi các ngài, thật thế!

Trên này chúng ta dùng duy vật biện chứng pháp mà phát xuất được những cái chi phái trong văn học. Nay chúng ta cũng cứ dùng phương pháp ấy mà xét con đường đi của các chi phái đó. Nói một cách khác là: chúng ta xét lịch sử tiến hóa của văn học đối với lịch sử tiến hóa của nhân sinh.

Nền kinh tế tiến hóa vì mâu thuẫn nên xã hội cũng tiến hóa trên con đường mâu thuẫn; xã hội đã tiến hóa trên con đường mâu thuẫn nên văn học cũng tiến hóa trên con đường mâu thuẫn. Nói rằng xét lịch sử tiến hóa của văn học tất là xét những cái mâu thuẫn và những kết quả của các cái mâu thuẫn ấy.

Chúng ta hãy đưa cái tư triều văn nghệ Âu châu ra để quan sát cho kỹ càng.

Tư triều văn nghệ Âu châu phát nguyên ở Hy Lạp, rồi du nhập qua La-mã, hóa ra một thứ hưởng lạc chủ nghĩa (diletantism) của phái quý tộc. Hoàng đế La-mã và phái quý tộc lại chuyên chế, dâm sa, nhân dân đồ thán nên quần chúng sinh ra cái khuynh hướng yếm thế. Trong văn học giới thì chủ nghĩa cấm dục (ascétisme) của cơ đốc giáo do đó mà rất thịnh hành. Về mặt chính trị, phái tăng lữ chống với phái quý tộc, trong văn học thì chủ nghĩa cấm dục chống với chủ nghĩa hưởng lạc, văn học của chủ nghĩa cấm dục đối với thời đại ấy là thứ văn học cấp tiến. Trái lại, văn học về chủ nghĩa hưởng lạc là thứ văn học thủ cựu. Tranh đấu trong một thời gian thì phái tăng lữ có thế lực, tôn giáo đã tiềm tiệm phát triển nên giai cấp tăng lữ liên lạc với quý phái. Trên mặt văn học thì chủ nghĩa cấm dục trở lại bắt tay chủ nghĩa hưởng lạc nên đẻ ra một thứ văn học gọi là cổ điển chủ nghĩa (classicisme). Quý tộc và tăng lữ sở dĩ liên hiệp nhau là để chống với một giai cấp mới là: nông nô và thị dân. Văn học của nông nô và thị dân gọi là lãng mạn chủ nghĩa (romantisme). Văn học lãng mạn chủ nghĩa có tính chất tự do, cấp tiến hơn cổ điển chủ nghĩa, đã hóa ra trần hủ rồi. Từ năm 1789, trên đường tranh đấu, phái quý tộc và tăng lữ đổ, giai cấp thị dân lên thay chân, lập ra chế độ tư bản. Trong văn học giới, phái cổ điển chủ nghĩa phải thối bộ, lãng mạn chủ nghĩa chiếm lấy ngôi bá chủ.

Nhưng qua nửa thế kỷ thứ 19 và bước tới thế kỷ thứ 20, trong nền kinh tế tư bản, giai cấp vô sản phát sinh nên thứ văn học vô sản do đó cũng phát sinh. Văn học của chủ nghĩa lãng mạn hóa ra thứ văn học phản động.

Hiện nay chúng ta có thấy vài thứ văn học như: tự nhiên chủ nghĩa (naturalisme), tượng trưng chủ nghĩa (symbolisme), duy mĩ chủ nghĩa (esthétism). Các thứ văn học này đối với sự tiến hóa của nhân sinh không có một cái khuynh hướng gì minh bạch cả. Như chúng ta đã biết thì những thứ văn học "bông lông" ấy chẳng qua là những sản vật của nền kinh tế đã đình trệ và gần biến tướng đó thôi. Thứ văn học lãng mạn trái với tiến hóa đã cố nhiên, chớ những thứ văn học "bông lông" kia cũng không thích hợp gì với sự nhu cầu của đại đa số quần chúng.

Kết luận: Lược kể cái tư triều văn học của Âu châu, chúng ta thấy rằng cái tư triều ấy dính dấp một cách rất mật thiết với sự tiến hóa của nhân sinh.

Văn học là một cái sản vật của xã hội cho nên cũng phải tùy theo cái cơ bản của xã hội mà biến đổi mà mất còn.

Chúng ta hãy lấy một câu sau đây của một nhà văn học rất trứ danh của Trung-hoa để kết luận bài này:

"Phàm thứ văn học nào hợp với cơ bản của xã hội mới có cái giá trị tồn tại, mà thứ văn học nào có hợp với sự tiến hóa của xã hội mới là thứ văn học "sống", thứ văn học tiến bộ vậy".


Báo Đông Phương, số 872, ngày 12-8-1933 và số 873, ngày 19-8-1933



[1]Đồng chí Hải Triều đã từng viết nhiều bài báo và sách về các vấn đề chính trị, kinh tế, triết học, văn nghệ, v.v... Trong tập này chúng tôi chỉ tập hợp những bài của đồng chí viết về văn nghệ. Riêng về phần này cho tới nay chúng tôi cũng chưa sưu tầm được đầy đủ vì các sách báo có đăng bài của đồng chí Hải Triều bị phá hủy và mất mát nhiều trong kháng chiến. Vì viết cách đây đã lâu, các bài của đồng chí Hải Triều có một số từ ngữ đến nay đã lỗi thời và không còn thông dụng nữa, tuy vậy vì tôn trọng nguyên bản của tác giả chúng tôi vẫn để y như cũ.
[2]Marx thường dùng cái trứng chim làm ví dụ, tôi theo F. Engels trong bản sách Anti Dühring dùng hạt lúa làm ví dụ cho rộng thêm một ý. Độc giả cứ lấy cái thể luận của tôi mà suy diễn qua cái trứng chim sẽ thấy không sai gì hết. (Tác giả tự chú).
Nguồn: Hải Triều, Về văn học nghệ thuật, Hồng ChÆ°Æ¡ng sÆ°u tầm và biên soạn, Nxb Văn Học, Hà Ná»™i 1965, tái bản lần thứ nhất 1972