© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThế hệ @
12.10.2004
Hà Thư Sinh
Ăn chính trị, ngủ chính trị…
(Lạm bàn: Tại sao các diễn đàn trên mạng của giới trẻ Việt Nam không bàn đến chính trị?)
 
Một người hỏi tôi: Tại sao không thấy các diễn đàn trên mạng của giới trẻ Việt Nam bàn đến chính trị? Do giới trẻ không quan tâm hay vì một lý do nào khác? (Ở đây nói đến các diễn đàn trong nước được duy trì công khai; có thể có những diễn đàn khác của giới trẻ trên mạng có đề cập đến chính trị mà vì lý do này khác tôi chưa được biết.)

Tôi không nghĩ là do các bạn trẻ không quan tâm, bởi vì có những chủ đề, chẳng hạn: “Tôi muốn đất nước tốt lên, phải làm gì bây giờ, mong chỉ giáo?” có rất nhiều bạn trẻ phát biểu nên làm thế này, nên làm thế kia… “Muốn đất nước tốt lên” cũng là chính trị đấy thôi.

Trong đầu đa số các bạn trẻ, chính trị mang một nghĩa gì không tốt, bốc mùi chăng? Các bạn thích một lựa chọn giống như các văn nghệ sĩ: Tôi không quan tâm đến chính trị, tôi chỉ làm nghệ thuật thôi, như bác Phạm Duy từng tuyên bố. Nhưng, như bác Phạm Duy là chính trị đứt đuôi con nòng nọc. Nhạc của bác vẫn còn bị cấm tại Việt Nam.

Ai đã từng trải qua 12 năm học phổ thông, rồi thêm 4 hoặc 5 năm đại học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, mà không ngán từ “chính trị” gắn với lập trường, quan điểm, với những bài phải học thuộc lòng dài lê thê. Từ thời lớp mười (1988), chúng tôi đã đùa nhau: Mày là đứa “tư tưởng bấp bênh, lập trường chính trị không vững chắc” nhé và cười khoái chí… Thời ấy chúng tôi phải hiểu chính trị là lập trường đấu tranh giai cấp, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu và biết ơn Đảng… Bây giờ (chúng tôi vẫn tự xếp mình vào lớp trẻ, nếu các bạn trẻ không cười) sau bao nhiêu năm, chính trị đối với chúng tôi đã mang một nghĩa khác. Chúng tôi hiểu rằng dù muốn dù không, dù nhận biết hay không nhận biết, trong khi các fan “Ăn bóng đá, ngủ bóng đá, uống Coca cola” thì bạn đang “Ăn chính trị, ngủ chính trị, uống chính trị và hít thở bầu không khí chính trị”. Điều này, các bạn trẻ ngày nay được tiếp cận nhiều nguồn thông tin hơn chúng tôi ngày xưa hẳn hiểu rõ. Chắc không phải là các bạn không quan tâm.

Điều kiện tham dự các diễn đàn trên mạng phải là “không bàn đến chính trị”, chính trị theo cách hiểu “chính thức” hiện tại. Nếu bạn dám bàn đến, nếu admin không xóa thì liệu đấy, không chừng cả diễn đàn phải đóng cửa, các thành viên nếu lộ ra tung tích thì phải ngồi bóc lịch, ăn cơm nhà nước mà suy nghĩ thêm về lập trường chính trị. Vì muốn duy trì sân chơi, các admin phải lo tự giác mà kiểm duyệt trước.

Cứ tạm cho là nhà nước toàn trị hiện tại ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1954. 50 năm rồi còn gì. 50 năm kiểm soát tư tưởng kèm theo các biện pháp khủng bố (chuyên chính vô sản) với chính đồng bào mình khiến người dân sợ hãi. Tôi có nói chuyện với mẹ tôi là một đảng viên hơn 50 năm tuổi đảng về đa đảng, mẹ tôi bảo: Con ăn nói cẩn thận kẻo công an bắt đấy. Bàn chuyện vui với bạn đồng nghiệp lúc trà dư tửu hậu, thì được nghe lờI khuyên: mình ở trong một chế độ như vậy thì mình phải thích nghi để tồn tại thôi… Vợ tôi thì bảo: anh cẩn thận đấy, lỡ có chuyện gì em với con biết làm sao?

Thế hệ chúng tôi trải qua 17 năm nhận sự giáo dục một chiều, nhồi sọ trong hệ thống giáo dục của nhà nước, chưa kể hệ thống phát thanh, truyền hình, báo chí và sách in. Và hậu quả đối với chúng tôi là phản giáo dục. Nói nhiều quá về Đảng, về chủ nghĩa Mác-Lê khiến chúng tôi chán. Từ lớp 10 chúng tôi đã lờ mờ cảm thấy có gì đó không ổn. Lên đại học chúng tôi cảm nhận rõ hơn. Rồi 9 năm ra đời đi làm việc, chân dung của lý luận Mác-Lê và nhà nước toàn trị hiện ra rõ hơn bao giờ hết.

Lúc mới ra trường tôi đã xác định không làm cho công ty, cơ quan nhà nước, không vào Đảng vì không muốn chui vào cái cối xay nghiền nát và làm băng hoại nhân cách con người ấy. Và bây giờ tôi vẫn tự hào là được đứng ngoài hàng ngũ của Đảng. Có cụ hưu trí bảo chúng tôi: bọn trẻ chúng mày chỉ biết ăn cháo đá bát, Đảng nuôi nấng dạy dỗ chúng mày nên người mà không biết ơn. Có phải chúng tôi không biết điều ấy chăng? Vâng, có lẽ do chúng tôi lớn lên trong thời bình nên nhu cầu đòi hỏi cao quá chăng? Giả sử bạn đang đói, một người tốt bụng giúp bạn có cháo ăn, trong cháo có bỏ thuốc mê. Ăn xong bạn mất trí đánh đập, giết hại anh em trong nhà. Sau đó người ta nhốt bạn vào trong cái nhà kho và cho bạn ăn cháo suốt đời thì bạn nghĩ sao? Lâu lâu, thuốc mê nhạt bớt, bạn he hé cửa sổ nhìn ra đường xem thiên hạ tung tăng bay nhảy, muốn suy nghĩ một tí thì bị răn đe: rõ là đồ ăn cháo đá bát nhé, rõ là phản động nhé.

Những người can đảm lên tiếng nói công khai thì bị khủng bố (chuyên chính vô sản đấy chứ), buộc tội là gián điệp, tiết bộ bí mật của nhà nước (toàn trị). Một ví dụ trong nhiều ví dụ: Phạm Hồng Sơn chỉ dịch mỗi một bài báo “Thế nào là dân chủ?” ra tiếng Việt đã là phạm tội to, cho “ủ tờ” rồi. Chưa kể các bậc tiền bối Hà Sĩ Phu, Trần Khuê, Phạm Quế Dương… Chuyện này ở Việt Nam, không phải ai cũng biết. Ai quan tâm mà biết được thì đó là tấm gương sáng để… biết điều mà lựa lời ăn nói nhé.

Những chuyện sợ hãi bảo nhau đừng nói năng lung tung mất quan điểm này xảy ra vào năm 2004. Năm 2004 rồi đấy nhé. Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới vậy? Đang ở vào thời nào vậy? Thời man rợ thuở loài người còn mặc khố da thú, cầm chùy đá mà phang nhau ư? Tôi đang có một giấc mơ xấu chăng?

Mác bảo: Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Vâng chúng tôi vẫn biết chủ nghĩa Mác-Lê là thuốc bổ, thuốc bổ cách đây 100 năm rồi. Thế hệ chúng tôi uống thuốc bổ nhiều quá đâm ra nghiện như nghiện heroin vậy. Nhà nước trừng phạt nặng tội mua bán ma túy. Thế chủ nghĩa Mác-Lê là heroin cho tư tưởng giới trẻ thì sao? Mang heroin công khai vào trường học như thế sao không thấy ai xử tội? [1]

Lịch sử sẽ luận tội. Những kẻ nào nắm quyền lực mà đưa dân tộc đến cuộc nội chiến 1954-1975 thay vì xây dựng đất nước phát triển trong hòa bình & dân chủ [2] , những kẻ nào khủng bố người dân của mình để duy trì quyền lực, lợi lộc cho bản thân, rồi đây sử sách sẽ ghi nhận. 1000 năm nữa người ta vẫn nhắc đến những kẻ tội đồ đó của dân tộc như bây giờ vẫn nhắc đến những Lê Ngọa Triều, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống ngày xưa.

talawas, ngày 2.10.2004, có đăng lại một bài của Trương Vũ viết từ 1994. Một bài vẫn mang đầy tính thời sự. Trong đó trích lời của Lý Quang Diệu phát biểu cũng vào năm 1994: “Hãy đến thăm Cambodia và Việt Nam, thế giới đã qua mặt họ” và ý kiến của Trương Vũ: “Không ai đòi hỏi phải có Dân Chủ ngay ngày mai, nhưng ít nhất chính quyền Việt Nam phải làm được điều mà trước đây nhà độc tài Pinochet của Chí Lợi đã làm. Có nghĩa là, có một lịch trình thực hiện dân chủ, tôn trọng lịch trình đó cùng những kết quả của nó”.

Bây giờ là năm 2004. 10 năm rồi. Tôi xin nhắc lại mười năm rồi. Mười năm trong thời đại kinh tế tri thức, ba mươi năm sau cuộc nội chiến. Mọi việc vẫn như cũ. Không hề có một tiến triển nào. Vâng, rồi đây lịch sử sẽ khắc ghi mãi vết đen này. Con cháu chúng ta sẽ hỏi rằng hồi đấy tại sao chúng ta không làm gì hết để đất nước đến nông nỗi như vậy. Nếu tôi còn sống tôi sẽ không biết trả lời làm sao. Thôi, đành xấu hổ trả lời ngay bây giờ vậy. Vâng, tôi có lỗi khi đã không làm được gì.

Tái bút:

Gửi các bạn trẻ trên diễn đàn TTVNOL, nhân xem trên diễn đàn (box Học thuật) có chủ đề “Bình chọn 1000 cuốn sách phải đọc trước khi chết” và bảo nhau ai có gì hay thì giới thiệu cho nhau cùng đọc. Sẵn đây, tôi xin nhờ talawas giới thiệu các tác phẩm sau đến các bạn (vì nếu tôi tham dự trên ấy thể nào cũng bị xóa):

  1. Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ. Hà Sĩ Phu.
  2. Đôi điều suy nghĩ của một công dân. Hà Sĩ Phu.
  3. Chia tay ý thức hệ. Hà Sĩ Phu.
  4. Trại súc vật. George Orwell, Phạm Minh Ngọc dịch (talawas, 24.3.2004).
  5. 1984. George Orwell, Phạm Minh Ngọc dịch (talawas, 18.8.2004).
  6. Nhà nước toàn trị. Nadegda Kuznetsova, Phạm Minh Ngọc dịch (talawas 1.10.2004).
  7. Lý thuyết tổ chức xã hội. Nguyễn Thục Nhi (talawas 24.07.2004).
  8. Liên hệ giữa phát triển kinh tế và xây dựng dân chủ trong trường hợp Việt Nam. Trương Vũ (talawas 2.10.2004).

Xin chào các bạn.

04.10.2004

© 2004 talawas



[1]Chủ Nghĩa Mác-Lê vẫn đang được dạy trong các trường học tại Việt Nam.
[2]Có một số ý kiến cho là ông Lê Duẩn và ông Lê Đức Thọ đứng đầu phái chủ chiến trong cuộc nội chiến 1954-1975. Xin đề nghị các nhà sử học nghiên cứu kỹ việc này để giải oan cho hai vị.