© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
9.9.2004
Karl Popper
Sự khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử
(7 kì)
Nguyễn Quang A dịch
 1   2   3   4   5   6   7 
 
Chương 3: Phê phán các thuyết phản tự nhiên của chủ nghĩa lịch sử

Mục 19: Mục tiêu thực tiễn của phê phán này

Ở đây không cần trả lời cho câu hỏi, liệu động cơ thật của sự điều tra khoa học là khát vọng để biết, tức là, sự tò mò thuần tuý lí thuyết hay “vô dụng”, hoặc đúng hơn, chúng ta phải hiểu khoa học như một công cụ để giải quyết các vấn đề thực tiễn, nảy sinh trong cuộc đấu tranh vì cuộc sống hay không. Phải thừa nhận rằng: Những người bảo vệ quyền của nghiên cứu “thuần tuý” hay “cơ bản” xứng đáng nhận mọi sự ủng hộ trong cuộc đấu tranh của họ chống lại quan điểm thiển cận, đáng tiếc lại hợp thời, cho rằng nghiên cứu khoa học chỉ được biện minh, nếu nó chứng tỏ đó là một khoản đầu tư lành mạnh. [1] Nhưng ngay cả quan điểm hơi cực đoan (mà cá nhân tôi thiên về), cho rằng khoa học trở nên có ý nghĩa nhất, chính như một trong những sự phiêu lưu tinh thần lớn nhất mà con người từng biết đến, có thể được kết hợp với sự thừa nhận tầm quan trọng của các vấn đề thực tiễn và các kiểm chứng thực tiễn cho sự tiến bộ của khoa học, bất luận ứng dụng hay thuần tuý; vì thực tiễn là vô giá cho suy tư khoa học, cả như một sự kích thích lẫn như một dây cương. Chẳng cần phải theo chủ nghĩa thực dụng để có thể đánh giá cao câu nói của Kant: “Chạy theo mọi ý thích bất chợt của tính tò mò, và để cho niềm đam mê hiểu biết chẳng bị hạn chế nào ngoài các giới hạn về khả năng của chúng ta, điều này chứng tỏ một sự hăm hở trí tuệ xứng với khoa học. Nhưng chính sự sáng suốt là cái có giá trị về lựa chọn, từ vô số các vấn đề được bày ra, chọn ra các vấn đề mà lời giải của chúng là quan trọng cho nhân loại.” [2]

Ðiều này rõ ràng được áp dụng cho các môn khoa học sinh học, và có lẽ còn rõ ràng hơn nữa cho các môn khoa học xã hội. Việc cải cách các môn khoa học sinh học của Pasteur đã được tiến hành dưới sự kích thích của các vấn đề rất thực tiễn. Và ngày nay, sự cấp bách của các nghiên cứu xã hội đã vượt quá sự cấp bách của việc nghiên cứu ung thư. Như Giáo sư Hayek nói, “phân tích kinh tế chẳng bao giờ là sản phẩm của sự tò mò trí tuệ tách biệt về cái vì sao của các hiện tượng xã hội, mà là của một sự thôi thúc mãnh liệt để tái kiến thiết một thế giới, gây ra sự bất mãn sâu sắc”; [3] và một số môn khoa học xã hội, khác kinh tế học, vẫn chưa chấp nhận quan điểm này, chứng tỏ, bởi sự cằn cỗi của các kết quả của chúng, rằng: Sự suy đoán của chúng cần đến sự hạn chế thực tiễn đến chừng nào.

Sự cần thiết đối với sự kích thích của các vấn đề thực tiễn cũng rõ ngang thế, khi chúng ta xem xét việc khảo sát các phương pháp nghiên cứu khoa học, và đặc biệt hơn, các phương pháp khái quát hoá hay các môn khoa học xã hội lí thuyết mà chúng ta quan tâm ở đây. Các cuộc tranh luận có kết quả hơn về phương pháp luôn được truyền cảm hứng bởi các vấn đề thực tiễn đối mặt với nhà nghiên cứu; và ngược lại, gần như tất cả các tranh luận về phương pháp nhưng không được truyền cảm hứng được đặc trưng bởi sự bới lông tìm vết vô ích, làm cho phương pháp luận mang tiếng xấu trước nhà nghiên cứu thực hành. Phải nhận ra rằng: Các cuộc tranh luận phương pháp luận thuộc loại thực tiễn hơn, không chỉ là hữu ích mà còn là cần thiết. Trong việc phát triển và cải thiện phương pháp, cũng như của bản thân khoa học, chúng ta học chỉ bằng thử và sai, và chúng ta cần sự phê phán của những người khác nhằm tìm ra sai lầm riêng của mình; và sự phê phán này càng quan trọng hơn vì đưa các phương pháp mới vào, có thể có nghĩa là một sự thay đổi mang tính căn bản và cách mạng. Tất cả điều này có thể được minh hoạ bởi các thí dụ, như đưa các phương pháp toán học vào kinh tế học, hoặc đưa cái gọi là các phương pháp “chủ quan” hay “tâm lí học” vào lí thuyết giá trị. Một thí dụ mới đây, là sự kết hợp của các phương pháp của lí thuyết này với các phương pháp thống kê (“phân tích cầu”). Cuộc cách mạng cuối cùng này về phương pháp đã một phần là kết quả của các cuộc tranh luận kéo dài và rất phê phán; một sự thực mà từ đó người biện hộ cho sự nghiên cứu phương pháp chắc chắn có thể lấy ra niềm cổ vũ.

Cách tiếp cận thực tiễn cho việc nghiên cứu của cả các môn khoa học xã hội lẫn phương pháp của chúng được nhiều người theo chủ nghĩa lịch sử chủ trương, những người hi vọng rằng: Họ sẽ có khả năng biến đổi các môn khoa học xã hội thành một công cụ hùng mạnh trong tay các nhà chính trị bằng cách dùng các phương pháp lịch sử chủ nghĩa. Chính việc nhận ra nhiệm vụ thực tiễn của các môn khoa học xã hội đã cung cấp một cái gì đó giống một nền tảng chung cho sự thảo luận giữa các nhà lịch sử chủ nghĩa và một số đối thủ của họ; và tôi sẵn sàng lấy lập trường của mình trên nền tảng chung này để phê phán chủ nghĩa lịch sử như một phương pháp nghèo nàn, không có khả năng mang lại các kết quả mà nó hứa hẹn.


Mục 20: Cách tiếp nhận kĩ thuật đến xã hội học

Mặc dù chủ đề của tôi trong việc nghiên cứu này là chủ nghĩa lịch sử, một học thuyết phương pháp mà tôi không tán thành, hơn là các phương pháp mà, theo tôi, đã thành công, và tôi khuyến nghị phát triển chúng thêm nữa và có ý thức hơn, trước tiên, sẽ hữu ích để đề cập ngắn ngọn đến các phương pháp thành công, để tiết lộ cho độc giả biết thiên kiến riêng của tôi và để làm rõ quan điểm làm cơ sở cho sự phê phán của tôi. Để thuận tiện, tôi sẽ gắn cho các phương pháp này cái nhãn “kĩ thuật từng phần”.

Thuật ngữ “công nghệ xã hội” (và thuật ngữ “kĩ thuật xã hội”, “cải biến xã hội” [4] được đưa ra ở mục tiếp còn hơn thế) chắc sẽ gây nghi ngờ, và gây khó chịu cho những người mà nó gợi nhớ đến các “kế hoạch xã hội” của các nhà kế hoạch hoá tích cực chủ nghĩa, hay ngay cả của các “nhà kĩ trị”. Tôi nhận ra mối nguy hiểm này, cho nên tôi chua thêm từ “từng phần”, cả để bù lại những liên tưởng không mong muốn và bày tỏ niềm tin chắc của tôi rằng “vá víu dần dần” (đôi khi nó được gọi thế), kết hợp với phân tích phê phán, là cách chủ yếu để đạt các kết quả thực tiễn trong khoa học xã hội cũng như tự nhiên. Các môn khoa học xã hội được phát triển chủ yếu thông qua việc phê phán các kiến nghị cải thiện xã hội hay, chính xác hơn, thông qua các các nỗ lực để tìm ra, liệu hành động kinh tế hay chính trị cá biệt nào đó chắc có tạo ra kết quả kì vọng, hoặc mong muốn hay không. [5] Cách tiếp cận này, thật ra có thể được gọi là cách tiếp cận kinh điển, là điều tôi nghĩ khi tôi nhắc đến cách tiếp cận kĩ thuật cho khoa học xã hội, hoặc cho “kĩ thuật xã hội từng phần- piecemeal social technology”.

Các vấn đề kĩ thuật trong lĩnh vực khoa học xã hội có thể mang tính “tư nhân” hay “công cộng”. Thí dụ, nghiên cứu kĩ thuật quản trị kinh doanh, hay nghiên cứu ảnh hưởng của các điều kiện làm việc được cải thiện lên đầu ra, thuộc nhóm thứ nhất. Những nghiên cứu ảnh hưởng của cải cách nhà tù hay của bảo hiểm y tế phổ quát, hay của ổn định giá cả bằng các công cụ toà án, hay của việc đưa ra các loại thuế nhập khẩu mới, v. v., lên, thí dụ, sự quân bình hoá thu nhập, thuộc nhóm thứ hai; cũng thế với các vấn đề thực tiễn cấp bách nhất hiện nay, như khả năng kiểm soát các chu kì thương mại; hay vấn đề: liệu “kế hoạch hoá” tập trung, hiểu theo nghĩa nhà nước quản lí sản xuất, có tương thích với sự kiểm soát chính quyền một cách dân chủ và có hiệu quả hay không; hay vấn đề xuất khẩu dân chủ sang Trung Đông thế nào.

Sự nhấn mạnh về cách tiếp cận kĩ thuật thực tiễn này không có nghĩa rằng: Phải loại trừ bất kể vấn đề lí thuyết nào có thể nảy sinh từ sự phân tích các vấn đề thực tiễn. Ngược lại, chính một trong các điểm nhấn chủ yếu của tôi là: Cách tiếp cận kĩ thuật chắc tỏ ra có kết quả trong việc tạo ra các vấn đề thuần tuý lí thuyết quan trọng. Nhưng, trong nhiệm vụ căn bản về việc lựa chọn các vấn đề, bên cạnh việc giúp chúng ta, cách tiếp cận kĩ thuật áp đặt một kỉ luật lên các thiên hướng suy đoán của chúng ta (mà, đặc biệt trong lĩnh vực xã hội học, dễ dẫn chúng ta đến lĩnh vực của siêu hình học); vì nó buộc các lí thuyết của chúng ta phải tuân theo các tiêu chuẩn xác định, như các tiêu chuẩn về tính sáng sủa và tính có thể kiểm tra thực tiễn. Có lẽ có thể trình bày quan điểm của tôi về cách tiếp cận kĩ thuật bằng cách nói rằng: Xã hội học (và có lẽ các môn khoa học xã hội nói chung) phải tìm kiếm, thực ra không phải các “Newton hay Darwin của mình”, [6] mà đúng hơn là các Galileo, hay Pasteur của mình.

Điều này và các dẫn chiếu trước của tôi đến sự tương tự giữa các phương pháp của các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên chắc cũng gây nhiều phản đối như sự lựa chọn thuật ngữ “công nghệ xã hội” và “kĩ thuật xã hội”, “cải biến xã hội” của chúng ta (điều này, bất chấp sự dè dặt quan trọng, được biểu lộ bởi từ “từng phần”). Chính vì thế, tốt hơn cho tôi khi nói rằng: Tôi hoàn toàn đánh giá cao tầm quan trọng của cuộc chiến chống chủ nghĩa tự nhiên phương pháp luận giáo điều hay “chủ nghĩa khoa học – scientism” (dùng từ của Giáo sư Hayek). Tuy nhiên, tôi không thấy, vì sao chúng ta lại không sử dụng sự tương tự này, chừng nào nó còn có kết quả, cho dù chúng ta thừa nhận rằng nó bị lạm dụng một cách tồi tệ và bị lí giải sai trong một số giới. Ngoài ra, khó khăn lắm chúng ta mới có thể có một lí lẽ mạnh mẽ chống lại các nhà tự nhiên chủ nghĩa giáo điều này, hơn là lí lẽ chứng tỏ rằng: Một số phương pháp mà họ công kích, về cơ bản là giống các phương pháp được dùng trong các môn khoa học tự nhiên.

Trước tiên, sự phản đối chống lại cái mà chúng ta gọi là cách tiếp cận kĩ thuật là nó ngụ ý sự chấp nhận một thái độ “tích cực chủ nghĩa” đối với trật tự xã hội (xem mục 1), và chính vì thế, nó làm cho chúng ta có thành kiến chống lại quan điểm chống can thiệp hay “thụ động chủ nghĩa”: Quan điểm cho rằng: Nếu chúng ta bất mãn với các điều kiện xã hội và kinh tế hiện tại, chính vì chúng ta không hiểu chúng hoạt động thế nào, và vì sao sự can thiệp tích cực chỉ có thể làm cho sự việc tồi tệ hơn. Bây giờ tôi phải thú nhận rằng: Tôi chắc chắn không có thiện cảm với quan điểm “thụ động” này, và thậm chí, tôi tin là một chính sách của chủ nghĩa chống can thiệp phổ quát là không thể đứng vững được - ngay cả vì lí do thuần tuý logic, vì những người ủng hộ nó nhất định sẽ kiến nghị can thiệp chính trị nhằm ngăn chặn can thiệp. Tuy nhiên, bản thân cách tiếp cận kĩ thuật là trung lập trong chuyện này (như thực ra nó phải vậy), và chẳng hề không tương thích với chủ nghĩa chống can thiệp. Ngược lại, tôi nghĩ rằng, chủ nghĩa chống can thiệp đòi hỏi một cách tiếp cận kĩ thuật. Vì khẳng định rằng: Chủ nghĩa can thiệp làm cho vấn đề tồi tệ hơn là nói rằng các hành động chính trị nào đó sẽ không có các tác động nào đó - tức là, không có những tác động mong muốn; và một trong các nhiệm vụ đặc trưng nhất của bất kể công nghệ nào là đi chỉ ra cái gì là không thể đạt được.

Bõ công xem xét điểm này kĩ lưỡng hơn. Như tôi đã chỉ ra ở nơi khác, [7] mọi định luật tự nhiên đều có thể được phát biểu bằng việc khẳng định rằng: Một thứ nào đó không thể xảy ra; tức là một câu có dạng của một ngạn ngữ: “Không thể mang nước trong sàng được”. Thí dụ, định luật bảo toàn năng lượng có thể được phát biểu bằng: “Không thể xây dựng động cơ vĩnh cửu”, và định luật về entropy bằng: “Không thể xây dựng một máy có hiệu suất một trăm phần trăm”. Cách phát biểu các định luật tự nhiên này là cách phát biểu làm cho tầm quan trọng công nghệ là hiển nhiên, và vì thế, nó có thể được gọi là “dạng kĩ thuật” của định luật tự nhiên. Nếu bây giờ, chúng ta xem xét chủ nghĩa chống can thiệp theo ánh sáng này, thì chúng ta thấy ngay rằng: Nó có thể được phát biểu tốt bằng các câu có dạng: “Không thể đạt được các kết quả như thế và như thế”, hay có lẽ, “không thể đạt được các mục đích như thế và như thế, mà không có các tác động đi kèm như thế và như thế”. Nhưng điều này chứng tỏ: Chủ nghĩa chống can thiệp có thể được gọi là một học thuyết kĩ thuật điển hình.

Nó, tất nhiên, không phải là duy nhất trong lĩnh vực khoa học xã hội. Ngược lại, ý nghĩa của sự phân tích của chúng ta nằm ở sự thực: Nó lưu ý đến sự tương tự thật sự căn bản giữa các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Tôi nghĩ tới sự tồn tại của các định luật hay giả thuyết xã hội học tương tự như các định luật hay giả thuyết của các môn khoa học tự nhiên. Vì sự tồn tại của các định luật hay giả thuyết xã hội học (khác với cái gọi là “các quy luật lịch sử”) như vậy thường bị nghi ngờ, [8] bây giờ tôi sẽ đưa ra một loạt thí dụ: “Chúng ta không thể đưa ra các loại thuế nông nghiệp và đồng thời giảm giá sinh hoạt”. - “Trong một xã hội công nghiệp, chúng ta không thể tổ chức các nhóm áp lực người tiêu dùng hữu hiệu như có thể tổ chức các nhóm áp lực người sản xuất nào đó”. - “Chúng ta không thể có một xã hội kế hoạch hoá tập trung với một hệ thống giá thực hiện các chức năng chủ yếu của giá cả cạnh tranh”. - “Chúng ta không thể có công ăn việc làm đầy đủ mà không có lạm phát”. Một nhóm thí dụ khác có thể lấy ra từ lĩnh vực chính trị học quyền lực: “Chúng ta không thể đưa ra một cải cách chính trị mà không gây ra các hậu quả nào đó không đáng mong muốn nhìn từ quan điểm của các mục đích đặt ra” (vì vậy, cần phải chú ý tới chúng). - “Chúng ta không thể đưa ra một cải cách chính trị mà không củng cố các lực lượng chống đối, đại thể ở mức độ tỉ lệ với phạm vi của cải cách”. (Điều này có thể coi là một hệ quả kĩ thuật của định lí “Luôn có các nhóm lợi ích gắn với status quo [hiện trạng]”). - “Chúng ta không thể làm một cuộc cách mạng mà không gây ra sự phản động”. Thêm vào các thí dụ này, chúng ta có thể đưa ra hai định luật mà chúng ta có thể gọi là “định luật cách mạng của Plato” (lấy từ quyển thứ tám của Republic) và “định luật tham nhũng của Lord Acton”: “Chúng ta không thể tiến hành một cuộc cách mạng thành công nếu giai cấp thống trị không bị yếu đi do sự chia rẽ nội bộ hay bị đánh bại trong chiến tranh”. - “Chúng ta không thể cho một người quyền lực trên những người khác mà không cám dỗ hắn ta lạm dụng nó - một sự cám dỗ tăng đại thể với quyền lực nắm được, và rất ít người có khả năng cưỡng lại sự cám dỗ đó”. [9] Chẳng có gì được giả thiết ở đây về sức mạnh của bằng chứng sẵn có để ủng hộ các giả thuyết này, mà sự trình bày chúng chắc chắn còn nhiều chỗ để cải thiện. Chúng đơn thuần là các thí dụ về loại các tuyên bố mà kĩ thuật từng phần có thể thử thảo luận, và chứng minh.


Mục 21: Cải biến từng phần đối lại cải biến không tưởng

Bất chấp những liên tưởng đáng chê trách gắn với thuật ngữ “kĩ thuật”, “cải biến” [engineering], [10] tôi sẽ dùng thuật ngữ “cải biến xã hội từng phần” để mô tả sự áp dụng thực tiễn của các kết quả kĩ thuật từng phần. Thuật ngữ là hữu ích vì có nhu cầu về một thuật ngữ bao phủ các hoạt động xã hội, tư nhân cũng như công cộng, mà để thực hiện mục tiêu hay mục đích nào đó, nó sử dụng một cách có ý thức tất cả các tri thức công nghệ sẵn có. [11] Cải biến xã hội từng phần giống công việc của kĩ sư vật lí trong việc: Coi các mục đích là vượt quá phạm vi công nghệ. (Tất cả những điều mà công nghệ có thể nói về các mục đích là liệu chúng có tương thích với nhau hay không, hoặc có thể thực hiện được hay không). Trong khía cạnh này, nó khác với chủ nghĩa lịch sử, chủ nghĩa coi các mục đích của các hoạt động của con người là phụ thuộc vào các lực lượng lịch sử, và như thế, thuộc lãnh địa của nó.

Hệt như nhiệm vụ chính của kĩ sư là thiết kế các máy móc và tu sửa và bảo quản chúng, nhiệm vụ của kĩ sư cải biến xã hội từng phần là thiết kế các định chế xã hội, và tái tổ chức và vận hành các tổ chức đã tồn tại rồi. Thuật ngữ “định chế xã hội” được sử dụng ở đây theo nghĩa rất rộng, bao gồm các hội đồng mang tính tư nhân cũng như công cộng. Như thế, tôi sẽ dùng nó để mô tả một doanh nghiệp, bất luận là một cửa hiệu nhỏ hay một công ti bảo hiểm, và cũng như thế, một trường học, hay một “hệ thống giáo dục”, công an, hay một Nhà thờ, hay một toà án. Kĩ thuật viên hay kĩ sư cải biến xã hội từng phần thừa nhận rằng: Chỉ một thiểu số các định chế xã hội là được thiết kế một cách có chủ ý, trong khi tuyệt đại đa số đúng là chỉ “mọc lên” như kết quả không cố ý của các hành động của con người. [12] Nhưng dù anh ta có thể bị sự thực quan trọng này gây ấn tượng đến đâu, với tư cách một kĩ thuật viên hay kĩ sư, anh ta sẽ xem xét chúng từ quan điểm “chức năng” hay “công cụ”. [13] Anh ta sẽ thấy chúng như các công cụ cho các mục đích xác định nào đó, hay có thể hoán cải để phục vụ cho các mục đích nào đó; như các máy móc hơn là như các sinh vật. Điều này, tất nhiên, không có nghĩa rằng anh ta sẽ bỏ qua những khác biệt căn bản giữa các định chế và các công cụ vật lí. Ngược lại, kĩ thuật viên phải nghiên cứu những khác biệt cũng như những sự tương tự, trình bày kết quả của mình ở dạng các giả thuyết. Và thực vậy, không khó để trình bày các giả thuyết về các định chế ở dạng kĩ thuật, như các thí dụ sau đây chứng tỏ: “Chúng ta không thể xây dựng các định chế hoàn toàn đảm bảo, tức là, các định chế mà hoạt động của chúng không phụ thuộc nhiều vào nhân sự: Các định chế, nhiều nhất, có thể làm giảm sự không chắc chắn của yếu tố nhân sự, bằng cách giúp những người làm việc cho các mục tiêu dự kiến của các định chế, mà thành công phần lớn phụ thuộc vào sáng kiến và hiểu biết riêng của họ. (Các định chế giống như các pháo đài. Chúng phải được thiết kế khéo có những người bảo vệ thoả đáng)’. [14]

Cách tiếp cận đặc trưng của kĩ sư cải biến từ từ là thế này. Ngay dù cho, có lẽ anh ta có thể ấp ủ một số lí tưởng liên quan đến xã hội “như một tổng thể” - có thể, thí dụ phúc lợi chung của xã hội - anh ta không tin vào phương pháp tái thiết kế nó như một tổng thể. Bất luận các mục đích của anh ta là gì, anh ta cố đạt chúng bằng những điều chỉnh và tái điều chỉnh nhỏ, những điều chỉnh có thể liên tục được cải thiện. Các mục đích của anh ta có thể thuộc các loại khác nhau, thí dụ, tích tụ của cải hay quyền lực cho các cá nhân nào đó, hay cho các nhóm nào đó; hay phân phát của cải và quyền lực; hay bảo vệ “các quyền” nào đó của các cá nhân hay nhóm, v. v. Như thế, cải biến xã hội công cộng hay chính trị có thể có các xu hướng cực kì khác nhau, toàn trị cũng như tự do. (Các thí về các chương trình tự do sâu rộng cho cải cách từng phần được W. Lippmann đưa ra dưới tiêu đề “The Agenda of Liberalism - Chương trình nghị sự của Chủ nghĩa tự do” [15] ). Kĩ sư cải biến từ từ, giống như Socrates, biết là mình biết ít bao nhiêu. Anh ta biết rằng chúng ta có thể học chỉ từ các sai lầm của mình. Do đó, anh ta luôn tiến từng bước một, cẩn trọng so sánh các kết quả mong đợi với các kết quả đạt được, và luôn luôn coi chừng các hậu quả không mong muốn nhưng không tránh khỏi của bất kể cải cách nào; và anh ta sẽ tránh tiến hành các cải cách có độ phức tạp và phạm vi làm cho anh ta không thể tách bạch các nguyên nhân và tác động, và để biết điều gì anh ta thực sự đang làm.

“Sự mày mò vá víu từ từ” như vậy không phù hợp với tính khí chính trị của nhiều “nhà tích cực chủ nghĩa”. Chương trình của họ, cũng được mô tả như chương trình “cải biến xã hội - social engineering”, có thể được gọi là cải biến “chỉnh thể - holistic” hay “cải biến Không tưởng - Utopian engineering.

Cải biến xã hội chỉnh thể hay Không tưởng, ngược với cải biến xã hội từ từ, chẳng bao giờ mang tính “tư nhân” mà luôn luôn mang tính “công cộng”. Nó nhắm tới việc tổ chức lại “toàn bộ xã hội” phù hợp với một kế hoạch hay sơ đồ xác định; nó nhắm tới việc “chiếm lấy các vị trí then chốt” [16] và tới việc mở rộng “quyền lực của Nhà nước… cho đến khi Nhà nước trở nên gần như đồng nhất với xã hội”, [17] và, hơn nữa, từ các “vị trí then chốt” này, nó nhắm tới việc kiểm soát các lực lượng lịch sử tạo hình cho tương lai của xã hội đang phát triển: Hoặc bằng cách chặn sự phát triển này lại, hay bằng cách nhìn thấy trước diễn tiến của nó và điều chỉnh xã hội theo nó.

Có lẽ có thể nảy sinh câu hỏi, liệu các cách tiếp cận từng phần và chỉnh thể được mô tả ở đây là khác nhau căn bản, vì chúng ta không đưa ra các giới hạn cho phạm vi của cách tiếp cận từ từ. Như cách tiếp cận này được hiểu ở đây, cải cách hiến pháp, thí dụ, đúng là nằm trong phạm vi của nó; tôi cũng sẽ chẳng loại trừ khả năng của một loạt cải cách từng phần có thể do một xu hướng chung gây cảm hứng, thí dụ, do một xu hướng tiến tới sự bình quân hoá lớn hơn về thu nhập. Theo cách này, các phương pháp từ từ có thể dẫn đến những thay đổi của cái thường được gọi là “cấu trúc giai cấp của xã hội”. Có thể hỏi, liệu có bất kể sự khác biệt nào giữa các loại cải biến từng phần tham vọng hơn này và cách tiếp cận chỉnh thể hoặc Không tưởng hay không? Và câu hỏi này có thể thậm chí trở nên khẩn thiết hơn, nếu chúng ta xem xét điều đó, khi cố gắng đánh giá những hậu quả khả dĩ của một cải cách nào đó được đề xuất, kĩ thuật viên cải biến từng phần phải hết sức nỗ lực để ước lượng các tác động của bất kể biện pháp nào lên “toàn bộ” xã hội.

Trả lời câu hỏi này, tôi sẽ không thử vạch một đường ranh giới chính xác giữa hai phương pháp, nhưng tôi sẽ thử đưa ra quan điểm rất khác nhau mà kĩ thuật viên chỉnh thể và từng phần xem xét công việc cải cách xã hội. Các nhà chỉnh thể bác bỏ cách tiếp cận từng phần, do họ cho là quá khiêm tốn. Sự bác bỏ của họ, tuy vậy, không hoàn toàn hợp với thực tiễn của họ; vì trong thực tiễn, họ luôn luôn bị trượt lại vào việc áp dụng hơi bừa bãi và vụng về, dẫu cho nhiều tham vọng và tàn nhẫn, điều về cơ bản là một phương pháp từng phần nhưng không có tính thận trọng và tự-phê bình của nó. Lí do là, trong thực tiễn, phương pháp chỉnh thể hoá ra là không thể thực hiện được; những thay đổi chỉnh thể được thử làm càng lớn bao nhiêu, thì những tác động trở lại không dự kiến và phần lớn không mong đợi càng lớn bấy nhiêu, buộc kĩ sư chỉnh thể phải dùng cách ứng biến từng phần. Thực ra, cách làm này là đặc trưng cho kế hoạch hoá tập trung hay tập thể hơn là cho sự can thiệp từng phần, thận trọng và khiêm tốn hơn; và nó liên tục dẫn kĩ sư Không tưởng đến việc làm những điều mà anh ta không có ý định làm; tức là, nó dẫn đến hiện tượng khét tiếng về kế hoạch hoá không có kế hoạch (unplanned planning). Như vậy sự khác biệt giữa cải biến Không tưởng và từng phần hoá ra, trong thực tiễn, là một sự khác biệt không phải về quy mô và phạm vi, mà về sự thận trọng và về sự chuẩn bị sẵn sàng đối với những điều bất ngờ không tránh khỏi. Ta cũng có thể nói rằng, trong thực tiễn, hai phương pháp khác nhau theo cách khác chứ không phải về quy mô và phạm vi - ngược với cái chúng ta chờ đợi, nếu so sánh hai học thuyết liên quan đến các phương pháp thích hợp về cải cách xã hội duy lí. Trong hai học thuyết này, tôi cho rằng một cái đúng, trong khi phương pháp khác là sai và nhất thiết dẫn tới các sai lầm có thể sửa chữa được, nhưng trầm trọng. Trong hai phương pháp, tôi cho rằng một là có thể, trong khi phương pháp khác đơn giản không tồn tại: Không thể thực hiện được.

Vì thế, một trong những khác biệt giữa cách tiếp cận Không tưởng hay chỉnh thể và cách tiếp cận từng phần có thể được phát biểu theo cách này: Trong khi kĩ sư cải biến từng phần có thể tấn công vấn đề của mình với một đầu óc mở về phạm vi của cải cách, nhà chỉnh thể không thể làm điều này; vì anh ta đã quyết định trước rồi, rằng: Một sự tái thiết toàn bộ là có thể và cần thiết. Sự thực này có các hệ quả sâu rộng. Nó làm cho nhà Không tưởng có định kiến chống lại các giả thuyết xã hội học nhất định, các giả thuyết nêu ra các hạn chế đối với sự kiểm soát định chế; thí dụ, giả thuyết được nhắc tới ở trên trong mục này, bày tỏ tính bất định do yếu tố nhân sự, do “nhân tố con người”. Bằng việc bác bỏ a priori [một cách tiên nghiệm] các giả thuyết như vậy, cách tiếp cận Không tưởng vi phạm các nguyên lí của phương pháp khoa học. Một mặt, các vấn đề gắn với tính bất định của nhân tố con người phải buộc nhà Không tưởng, bất luận anh ta thích nó hay không, phải thử kiểm soát nhân tố con người bằng các công cụ định chế, và phải mở rộng chương trình của mình sao cho để bao trùm không chỉ biến đổi xã hội, theo kế hoạch, mà cũng có cả biến đổi con người. [18] “Vấn đề chính trị, vì vậy, là tổ chức những thôi thúc của con người theo cách sao cho chúng sẽ hướng năng lực của họ đến các điểm chiến lược đúng đắn, và lái toàn bộ quá trình phát triển theo hướng mong muốn”. Dường như, tuột khỏi sự chú ý của nhà Không tưởng cả tin, là sự thực: Chương trình của anh ta bao hàm một sự thú nhận thất bại, ngay cả trước khi anh ta khởi động nó. Vì nó thay đòi hỏi của anh ta, cho rằng chúng ta phải xây dựng một xã hội mới, phù hợp cho cuộc sống của con người, bằng đòi hỏi sau: Chúng ta phải “nhào nặn” con người cho phù hợp với xã hội mới của anh ta. Điều này, rõ ràng, loại bỏ bất kể khả năng nào để kiểm tra sự thành công hay thất bại của xã hội mới. Vì những người không thích sống trong xã hội mới bằng cách đó, họ chỉ thừa nhận rằng họ vẫn chưa thích hợp để sống trong đó; rằng “những thôi thúc con người” của họ cần được “tổ chức” thêm. Nhưng không có khả năng kiểm tra, thì mọi đòi hỏi, rằng một phương pháp “khoa học” được sử dụng, đều tan biến mất. Cách tiếp cận chỉnh thể là không tương thích với một thái độ khoa học thực sự.

Kĩ thuật cải biến Không tưởng không phải là một trong những chủ đề chính của cuộc nghiên cứu này, nhưng có hai lí do, vì sao nó được xem xét ở ba mục tiếp theo, cùng với chủ nghĩa lịch sử. Thứ nhất, vì dưới tên kế hoạch hoá tập thể (hay tập trung), nó là học thuyết rất thời thượng, mà từ đó “kĩ thuật từng phần - piecemeal technology” và “cải biến từng phần - piecemeal engineering” phải được phân biệt rõ rệt. Thứ hai, vì chủ nghĩa Không tưởng không chỉ giống chủ nghĩa lịch sử trong sự thù địch của nó với cách tiếp cận từng phần, mà cũng thường thường xuyên hợp lực với hệ tư tưởng lịch sử chủ nghĩa.


Mục 22: Liên minh tội lỗi với chủ nghĩa không tưởng

Mill đã nhận ra rõ ràng sự đối lập giữa hai cách tiếp cận phương pháp luận mà tôi gọi là “kĩ thuật từng phần” và “chủ nghĩa lịch sử”. Ông viết, “có hai loại khảo sát xã hội học”: [19]

“Ở loại thứ nhất, câu hỏi được đề xuất là, … thí dụ, tác động của …việc đưa ra bỏ phiếu phổ thông, trong điều kiện hiện thời của xã hội sẽ là gì?… Nhưng cũng có một khảo sát thứ hai… Trong đó… câu hỏi, không phải là tác động của một nguyên nhân cho trước trong một trạng thái nào đó của xã hội sẽ là gì, mà là các nguyên nhân nào gây ra …các Trạng thái Xã hội nói chung?”

Xét rằng “các Trạng thái Xã hội” của Mill tương ứng chính xác với cái chúng ta gọi là “các giai đoạn lịch sử”, rõ ràng là sự phân biệt của ông giữa “hai loại khảo sát xã hội học” tương ứng với sự phân biệt của chúng ta giữa cách tiếp cận kĩ thuật từng phần và cách tiếp cận của chủ nghĩa lịch sử; và điều này còn hiển nhiên hơn, nếu chúng ta theo sát hơn mô tả của Mill về “loại khảo sát xã hội học thứ hai” mà (dưới ảnh hưởng của Comte) ông tuyên bố là ưu việt hơn loại thứ nhất, mà ông mô tả như sử dụng điều mà ông gọi là “phương pháp lịch sử”.

Như được chỉ ra ở trên (trong các mục 1, 17 và 18), chủ nghĩa lịch sử không đối kháng với “chủ nghĩa tích cực”. Xã hội học lịch sử chủ nghĩa, thậm chí có thể được diễn giải như một loại công nghệ có thể giúp (như Marx diễn đạt) để “rút ngắn và làm nhẹ bớt cơn đau đẻ” của một giai đoạn lịch sử. Và thực vậy, trong mô tả của Mill về phương pháp lịch sử, chúng ta có thể thấy ý tưởng này được trình bày rất giống cách trình bày của Marx: [20]

“Phương pháp được phân tích đặc điểm ở đây là cái mà theo đó…các quy luật…về tiến bộ xã hội phải được tìm ra. Với sự giúp đỡ của nó, sau này, chúng ta có thể thành công không chỉ trong sự nhìn xa vào lịch sử tương lai của nhân loại, mà cả trong việc xác định loại công cụ nhân tạo nào có thể được sử dụng… để đẩy nhanh sự phát triển tự nhiên ở chừng mức mà nó có lợi… [21] Các chỉ dẫn thực tiễn như vậy, dựa trên cơ sở của ngành cao nhất của xã hội học suy đoán, sẽ tạo thành phần cao quý nhất và lợi ích nhất của Nghệ thuật Chính trị.”

Như đoạn trích này cho biết, sự khác biệt giữa cách tiếp cận của tôi và cách tiếp cận lịch sử chủ nghĩa không phải trong chừng mực mà cách trước có tính kĩ thuật mà là có tính kĩ thuật từng phần. Trong chừng mực chủ nghĩa lịch sử có tính kĩ thuật, cách tiếp cận của nó không là từng phần, mà là “chỉnh thể”.

Cách tiếp cận của Mill được chứng tỏ rất rõ ràng là chỉnh thể khi ông giải thích việc ông hiểu “Trạng thái của Xã hội” (hay giai đoạn lịch sử) là gì: “Cái được gọi là một trạng thái của xã hội”, ông viết, “… là trạng thái đồng thời của tất cả các sự thực hay hiện tượng xã hội lớn hơn”. Các thí dụ về những sự thực này inter alia [không kể những cái khác] là: “Trạng thái của công nghiệp, của cải và phân phối nó”; xã hội “phân chia thành các giai cấp, và các quan hệ của các giai cấp đó với nhau; các niềm tin chung mà họ nuôi dưỡng…; hình thức chính phủ của họ, và cái quan trọng hơn của các luật và tập quán của họ”. Tóm lại, Mill đặc trưng các trạng thái của xã hội như sau: “Các trạng thái của xã hội giống như … các thời kì trong cơ thể; chúng là tình trạng không phải trong một hay vài cơ quan hay chức năng, mà là của toàn bộ cơ thể”. [22]

Chính chỉnh thể luận này là cái phân biệt triệt để nhất chủ nghĩa lịch sử khỏi bất kể kĩ thuật từng phần nào, và là cái làm cho liên minh của nó với các loại nào đó của cải biến xã hội chỉnh thể hay Không tưởng là có thể.

Đây chắc chắn là một liên minh hơi lạ kì; vì như chúng ta đã thấy (ở mục 15), có một xung đột rất rõ ràng giữa cách tiếp cận chỉnh thể và cách tiếp cận của kĩ sư hay kĩ thuật viên xã hội, với điều kiện chúng ta hiểu kĩ thuật cải biến xã hội là xây dựng các định chế xã hội theo kế hoạch. Theo quan điểm của chủ nghĩa lịch sử, cách tiếp cận lịch sử chủ nghĩa chống lại bất cứ loại cải biến xã hội nào một cách triệt để, hệt như cách tiếp cận của một nhà khí tượng học đối với cách của nhà ảo thuật làm mưa; vì vậy, các nhà lịch sử chủ nghĩa tấn công sự cải biến xã hội (ngay cả cách tiếp cận từng phần) như Không tưởng. [23] Bất chấp điều đó, chúng ta thấy, chủ nghĩa lịch sử liên minh rất thường xuyên với đúng các ý tưởng đó, các ý tưởng điển hình của cải biến xã hội chỉnh thể hay Không tưởng, như ý tưởng về “các bản thiết kế cho một trật tự mới”, hay về “kế hoạch hoá tập trung”.

Hai đại diện đặc trưng của liên minh này là Plato và Marx. Plato, một người bi quan, tin rằng mọi thay đổi - hay hầu như mọi thay đổi - đều suy đồi; đây là quy luật của ông về phát triển lịch sử. Vì vậy, kế hoạch Không tưởng của ông nhắm tới chặn mọi thay đổi; [24] cái ngày nay có thể được gọi là kế hoạch “tĩnh”. Mặt khác, Marx, một người lạc quan, và có thể (giống Spencer) là một người ủng hộ một lí thuyết đạo đức lịch sử chủ nghĩa. Vì vậy, kế hoạch Không tưởng của ông là một xã hội phát triển hay “động” hơn là một xã hội bị hãm lại. Ông đã tiên đoán, và đã cố thúc đẩy một cách tích cực, một sự phát triển đạt cực độ trong một xã hội Không tưởng lí tưởng không biết đến sự áp bức chính trị hay kinh tế nào: Nhà nước tiêu vong, mỗi người hợp tác tự do theo năng lực của mình, và mọi nhu cầu đều được thoả mãn.

Yếu tố mạnh nhất trong liên minh giữa chủ nghĩa lịch sử và chủ nghĩa Không tưởng, không nghi ngờ gì, chính là cách tiếp cận chỉnh thể là chung cho cả hai. Chủ nghĩa lịch sử quan tâm đến phát triển, không phải phát triển các khía cạnh của đời sống xã hội, mà là phát triển “xã hội như một tổng thể”; và cải biến Không tưởng, cũng vậy, là chỉnh thể. Cả hai đều bỏ qua một sự thực quan trọng sẽ được xác lập ở mục tiếp - sự thực rằng “cái tổng thể” theo nghĩa này chẳng bao giờ có thể là đối tượng của khảo cứu khoa học. Cả hai đều không hài lòng với “vá víu từng phần” và “mày mò tẩn mẩn”: Họ muốn theo các phương pháp triệt để hơn. Và cả nhà lịch sử chủ nghĩa lẫn nhà Không tưởng dường như bị ấn tượng, và đôi khi thậm chí bị xao xuyến sâu sắc, bởi kinh nghiệm thay đổi môi trường xã hội (một kinh nghiệm thường là khủng khiếp, và đôi khi được mô tả như một “tai hoạ xã hội”). Vì vậy, cả hai, họ đều cố hợp lí hoá sự thay đổi này, một người bằng cách tiên đoán diễn tiến của phát triển xã hội, và người khác bằng cách khăng khăng cho rằng: Phải kiểm soát nghiêm ngặt và hoàn toàn sự thay đổi, hoặc thậm chí phải chặn nó lại hoàn toàn. Sự kiểm soát phải là hoàn toàn, vì trong bất kể lĩnh vực nào không được kiểm soát như vậy của đời sống xã hội, có thể có các lực lượng nguy hiểm ẩn nấp, các lực lượng gây ra những thay đổi không lường trước được.

Một mối liên kết khác giữa nhà lịch sử chủ nghĩa và nhà Không tưởng là cả hai đều tin rằng: Các mục tiêu hay mục đích của họ không phải là chuyện lựa chọn, hay là chuyện quyết định đạo đức, mà là họ có thể khám phá ra chúng một cách khoa học trong phạm vi lĩnh vực khảo cứu của họ. (Về điểm này, họ khác với kĩ thuật viên hay kĩ sư cải biến từng phần, và giống hệt như kĩ sư vật lí). Cả nhà lịch sử chủ nghĩa lẫn nhà Không tưởng đều tin rằng: Họ có thể tìm ra các mục tiêu hay mục đích thật của “xã hội” là gì; thí dụ, bằng cách xác định các xu hướng lịch sử của nó, hoặc bằng cách chuẩn đoán “các nhu cầu của thời đại họ”. Như thế, họ dễ chấp nhận một loại lí thuyết đạo đức lịch sử chủ nghĩa nào đó (xem mục 18). Không ngẫu nhiên khi hầu hết các tác giả, những người chủ trương “kế hoạch hoá” Không tưởng, đều nói với chúng ta rằng: Kế hoạch hoá là đơn giản không thể tránh được, vì lịch sử đi theo hướng này; và chúng ta phải lập kế hoạch, bất luận muốn hay không. [25]

Theo cùng phong cách lịch sử chủ nghĩa, các tác giả này quở trách các đối thủ của mình là lạc hậu về tinh thần, và tin rằng: Nhiệm vụ chủ yếu của họ là “đập tan thói quen cũ kĩ của tư duy, và tìm ra các chìa khoá mới cho sự hiểu biết thế giới đang thay đổi”. [26] Họ khẳng định: “Không thể ảnh hưởng đến, hay thậm chí, làm trệch đi một cách thành công” các xu hướng của sự thay đổi xã hội, cho đến khi chúng ta từ bỏ cách tiếp cận từng phần, hay “tinh thần ‘mày mò tẩn mẩn’”. Nhưng có thể nghi ngờ, liệu “tư duy ở mức kế hoạch hoá” [27] mới có gì mới mẻ hay không, như nó được cho là, vì chỉnh thể luận dường như là đặc trưng của tư duy khá cổ xưa, từ Plato trở đi. Đích thân tôi tin vào một lí lẽ biện hộ khá tốt cho quan điểm này, rằng: Cách tư duy chỉnh thể (dù về “xã hội” hay về “tự nhiên”) còn rất xa mới đại diện cho một trình độ cao hay giai đoạn mới nhất về phát triển của tư duy, mà là đặc trưng của giai đoạn tiền-khoa học.


Mục 23: Phê phán chỉnh thể luận

Sau khi đã tiết lộ thiên kiến riêng của mình, và đã phác hoạ quan điểm làm cơ sở cho phê phán của tôi, cũng như sự đối lập giữa cách tiếp cận từng phần và chủ nghĩa lịch sử và chủ nghĩa Không tưởng, bây giờ, tôi bắt đầu công việc chính của mình, khảo sát các học thuyết lịch sử chủ nghĩa. Tôi bắt đầu với một phê phán ngắn gọn của chỉnh thể luận, vì đây chính là là một trong những vị trí cốt yếu của lí thuyết cần tấn công.

Có một sự mơ hồ cơ bản trong việc sử dụng từ “toàn bộ - whole” trong văn khoa chỉnh thể luận. Nó được dùng để biểu thị (a) tổng thể (totality) tất cả các tính chất hay khía cạnh của một sự vật, và đặc biệt, tổng tất cả các quan hệ tồn tại giữa các thành tố của nó, và (b) các tính chất hay khía cạnh đặc biệt nhất định của sự vật được nói đến, cụ thể là những điều làm cho nó hiện ra như một cấu trúc có tổ chức, thay vì là một “đống đơn thuần”. Cái toàn bộ theo nghĩa (b) được làm thành đối tượng nghiên cứu khoa học, đặc biệt bởi cái gọi là trường phái tâm lí học “Gestalt[28] ; và thực ra, chẳng có lí do vì sao chúng ta lại không nghiên cứu các khía cạnh như vậy như các sự đều đặn của cấu trúc (thí dụ, tính đối xứng) có thể thấy trong các sự vật nhất định như các sinh vật, hay các trường điện, hay các máy móc. Có thể nói về các thứ có các cấu trúc như vậy, như lí thuyết Gestalt diễn đạt, rằng chúng là nhiều hơn tổng gộp - “nhiều hơn tổng đơn thuần của thành phần của chúng”.

Bất kể thí dụ nào của lí thuyết Gestalt cũng có thể được dùng để chứng tỏ rằng: Những cái toàn bộ theo nghĩa (b) là rất khác những cái toàn bộ theo nghĩa (a). Nếu, chúng ta suy xét cùng với các nhà lí thuyết Gestalt, thì một giai điệu là nhiều hơn tập hợp hay trình tự đơn thuần của các âm mà chúng ta chọn ra để xem xét. Nó là một khía cạnh có thể phân biệt rõ ràng khỏi các khía cạnh khác, như độ cao tuyệt đối của âm đầu tiên của các âm này, hay cường độ trung bình tuyệt đối của chúng. Và còn có các khía cạnh Gestalt khác thậm chí trừu tượng hơn các khía cạnh của giai điệu, thí dụ, nhịp điệu; vì xem xét nhịp điệu, chúng ta bỏ qua ngay cả độ cao tương đối, vốn quan trọng đối với giai điệu. Bởi là chọn lọc như vậy, nghiên cứu về một Gestalt, và cùng với nó, về bất kể cái toàn bộ theo nghĩa (b) nào, là khác biệt rõ ràng với nghiên cứu cái tổng thể, tức là, cái toàn bộ theo nghĩa (a).

Cho nên, sự thực là những cái toàn bộ theo nghĩa (b) có thể được nghiên cứu một cách khoa học không được viện dẫn đến nhằm biện hộ cho một đòi hỏi hoàn toàn khác, rằng những cái toàn bộ theo nghĩa (a) có thể cũng được nghiên cứu như thế. Đòi hỏi sau phải bị bác bỏ. Nếu chúng ta muốn nghiên cứu một sự vật, chúng ta nhất thiết phải chọn ra các khía cạnh nhất định của nó. Chúng ta không thể quan sát hay mô tả toàn bộ một miếng của thế giới hay của tự nhiên; thực ra, ngay cả toàn bộ một miếng nhỏ nhất cũng chẳng thể được mô tả như vậy, vì mọi mô tả nhất thiết phải mang tính chọn lọc. [29] Thậm chí có thể nói rằng: Những cái toàn bộ theo nghĩa (a) chẳng bao giờ có thể là đối tượng của bất kể hoạt động khoa học hay hoạt động khác nào. Nếu lấy một sinh vật và vận chuyển nó sang một chỗ khác, sau đó ta quan hệ với nó như với một cơ thể sống, bỏ qua nhiều khía cạnh khác của nó. Nếu chúng ta giết nó, thì chúng ta đã huỷ hoại các tính chất nhất định của nó, nhưng chẳng bao giờ tất cả. Thực ra, có lẽ chúng ta không thể phá huỷ tổng thể của các tính chất của nó và của tất cả các mối quan hệ nội tại giữa các thành phần của nó, ngay cả nếu chúng ta đập nát hay đốt cháy nó.

Nhưng thực ra, những cái toàn thể theo nghĩa tổng thể không thể là đối tượng nghiên cứu khoa học, hay của bất kể hoạt động nào khác, như điều khiển hay tái xây dựng, dường như đã tuột khỏi sự chú ý của các nhà chỉnh thể luận, ngay cả trong số họ, cũng có những người thừa nhận, như một quy tắc, rằng khoa học mang tính chọn lọc. [30] Họ không nghi ngờ khả năng hiểu biết khoa học về những cái toàn bộ xã hội (theo nghĩa tổng thể) vì họ dựa vào tiền lệ của tâm lí học Gestalt. Vì họ tin là sự khác biệt giữa cách tiếp cận Gestalt và sự nghiên cứu những cái toàn bộ xã hội (social wholes) theo nghĩa (a), bao hàm “cấu trúc của tất cả các sự kiện xã hội và lịch sử của một thời đại”, chỉ đơn thuần dựa vào sự thực, rằng một Gestalt có thể được lĩnh hội bằng cảm nhận trực giác trực tiếp, còn những cái toàn bộ xã hội là “quá phức tạp để thoáng nhìn là có thể hiểu được”, cho nên chúng “chỉ có thể được lĩnh hội từ từ sau suy nghĩ kéo dài, trong đó, mọi yếu tố được ghi chép, so sánh, và kết hợp”. [31] Tóm lại, các nhà chỉnh thể luận đã không thấy, rằng cảm nhận Gestalt đơn giản chẳng dính dáng gì đến những cái toàn bộ theo nghĩa (a) cả, rằng mọi sự hiểu biết, bất luận trực giác hay tản mạn, đều phải có các khía cạnh trừu tượng, và rằng, chúng ta chẳng bao giờ có thể lĩnh hội “cấu trúc cụ thể của bản thân thực tại xã hội”. [32] Do bỏ qua điểm này, họ khăng khăng cho rằng: Phải bổ sung sự nghiên cứu “chi tiết vụn vặt” của các chuyên gia bằng một phương pháp “tích hợp” hay “tổng hợp”, hướng tới việc xây dựng lại “toàn bộ quá trình”; và họ khẳng định rằng “xã hội học sẽ tiếp tục bỏ qua vấn đề căn bản, chừng nào các chuyên gia từ chối xem xét các vấn đề của họ như một tổng thể”. [33] Nhưng phương pháp chỉnh thể luận này nhất thiết chỉ đơn thuần là một chương trình. Chẳng bao giờ họ nêu ra được một thí dụ về mô tả khoa học của một tình trạng xã hội toàn bộ, cụ thể. Và nó không thể được trích dẫn, vì trong mỗi trường hợp như vậy, có thể luôn dễ để chỉ ra các khía cạnh đã bị bỏ qua; các khía cạnh tuy thế lại có thể là quan trọng nhất trong một bối cảnh khác nào đó.

Thế mà các nhà chỉnh thể luận không chỉ có kế hoạch nghiên cứu toàn bộ xã hội bằng một phương pháp không thể dùng được, mà họ cũng có kế hoạch điều khiển và tái kiến thiết xã hội của chúng ta “như một tổng thể”. Họ tiên tri rằng: “Quyền lực Nhà nước nhất thiết tăng lên, cho đến khi Nhà nước trở nên gần như đồng nhất với xã hội”. [34] Trực giác được đoạn này bày tỏ là đủ rõ. Nó là trực giác toàn trị. [35] Tuy nhiên, ngoài việc truyền đạt trực giác này, lời tiên tri còn có nghĩa gì? Thuật ngữ “xã hội”, tất nhiên, bao gồm mọi quan hệ xã hội, kể cả mọi quan hệ cá nhân; các quan hệ của bà mẹ đối với đứa con cũng như các quan hệ của viên chức lo phúc lợi trẻ em đối với mỗi người trong hai mẹ con. Vì nhiều lí do nên hoàn toàn không thể kiểm soát được tất cả, hay “gần như” tất cả, các mối quan hệ này; ngay chỉ vì mỗi lí do là mỗi sự kiểm soát mới đối với các quan hệ xã hội, chúng ta lại tạo ra một loạt các quan hệ xã hội mới cần phải kiểm soát. Tóm lại, tính không thể này là tính bất khả logic. [36] (Nỗ lực này dẫn tới một sự hồi quy [quay lui] vô tận; tình hình giống như thử nghiên cứu toàn bộ xã hội - việc phải bao hàm cả chính sự nghiên cứu ấy). Thế nhưng, không nghi ngờ gì là các nhà Không tưởng có kế hoạch, chính xác hơn, đi thử cái không thể; vì họ bảo chúng ta, bên cạnh các thứ khác, rằng thậm chí có thể “nhào nặn sự giao thiệp cá nhân theo một cách thực tế hơn”. [37] (Tất nhiên, chẳng ai nghi ngờ là những cái toàn bộ theo nghĩa (b) có thể được nhào nặn hay kiểm soát, hay thậm chí tạo ra, ngược với những cái toàn bộ theo nghĩa (a); chúng ta có thể tạo ra một giai điệu; song điều này chẳng liên quan gì đến các mơ ước kiểm soát toàn bộ Không tưởng cả).

Ngần ấy điều về chủ nghĩa Không tưởng. Trong chừng mực liên quan đến chủ nghĩa lịch sử, tình hình cũng tuyệt vọng như vậy. Các nhà chỉnh thể lịch sử chủ nghĩa thường quả quyết, bằng ẩn ý, rằng phương pháp lịch sử là thoả đáng cho việc nghiên cứu cái toàn bộ theo nghĩa tổng thể. [38] Nhưng khẳng định này dựa vào một sự hiểu lầm. Nó là kết quả của sự kết hợp một niềm tin đúng đắn, rằng sử học, ngược với các khoa học lí thuyết, quan tâm đến các sự kiện cụ thể riêng lẻ và các cá nhân riêng rẽ hơn là đến các quy luật chung trừu tượng, với một niềm tin sai lầm rằng các cá thể “cụ thể” có thể được đồng nhất với những cái toàn bộ theo nghĩa (a). Nhưng chúng không thể thực hiện được; vì sử học, giống như bất kể loại khảo sát khác nào, chỉ có thể đề cập đến các khía cạnh được lựa chọn của đối tượng mà nó quan tâm. Sai lầm khi đi tin là có một thứ sử học theo nghĩa chỉnh thể, một thứ sử học về “các Trạng thái của Xã hội” biểu hiện “cái toàn bộ của cơ thể xã hội” hay “tất cả các sự kiện xã hội và lịch sử của một thời đại”. Ý tưởng này xuất phát từ một quan niệm trực giác về lịch sử của nhân loại như một dòng khổng lồ và toàn diện của sự phát triển. Song không thể viết được một lịch sử như vậy. Mọi lịch sử thành văn đều là lịch sử về một khía cạnh hẹp nào đó của sự phát triển “tổng thể” này, và dẫu sao, cũng chỉ là lịch sử rất không đầy đủ, ngay cả của khía cạnh không đầy đủ cá biệt được chọn lựa ra này.

Các xu hướng chỉnh thể của chủ nghĩa Không tưởng và chủ nghĩa lịch sử thống nhất trong tuyên bố đặc trưng sau:

“Chúng ta đã chẳng bao giờ phải dựng lên và điều khiển toàn bộ hệ thống của tự nhiên một cách đầy đủ như chúng ta buộc phải làm hiện nay, với xã hội của mình, và vì thế, chúng ta đã chẳng bao giờ phải đào sâu vào lịch sử và cấu trúc của các thế giới cá thể của tự nhiên. Nhân loại hướng tới… điều tiết toàn bộ cuộc sống xã hội của nó, dẫu cho nó chẳng bao giờ thử đảm nhận việc tạo ra một tự nhiên thứ hai…” [39]

Tuyên bố này minh hoạ niềm tin sai lầm rằng: Nếu chúng ta muốn, như các nhà chỉnh thể luận, đề cập “toàn bộ hệ thống tự nhiên một cách đầy đủ”, sẽ hữu ích khi đi chấp nhận phương pháp lịch sử. Nhưng các khoa học tự nhiên, như địa chất học, chấp nhận phương pháp này, còn xa mới thấu hiểu “toàn bộ hệ thống” chủ đề của họ. Tuyên bố này cũng minh hoạ quan điểm sai lầm, rằng có thể “dựng lên” hay “điều khiển” hay “điều tiết” cái toàn bộ theo nghĩa (a). Rằng “chúng ta chẳng bao giờ phải dựng lên và điều khiển toàn bộ hệ thống tự nhiên” chắc chắn là đúng, đơn giản vì chúng ta thậm chí không thể dựng lên và điều khiển một miếng duy nhất của một bộ máy vật lí trong cái “toàn bộ” của nó. Những việc như vậy không thể làm được. Chúng là các mơ ước Không tưởng, hay có lẽ là những sự hiểu lầm. Và đi bảo chúng ta rằng: Ngày nay chúng ta buộc phải làm một việc bất khả thi về mặt logic, cụ thể là dựng lên và điều khiển toàn bộ hệ thống xã hội, và đi điều tiết toàn bộ cuộc sống xã hội, chỉ là một mưu toan điển hình để đe doạ chúng ta với “các lực lượng lịch sử” và “những phát triển sắp xảy ra”, những cái làm cho kế hoạch hoá Không tưởng là không tránh khỏi.

Ngẫu nhiên, tuyên bố được trích dẫn là một sự thú nhận lí thú về sự thực rất quan trọng, rằng không có sự tương tự vật lí của kĩ thuật cải biến chỉnh thể hay của “khoa học” tương ứng. Theo đuổi sự tương tự giữa khoa học tự nhiên và xã hội, vì thế, chắc chắn là hữu ích để làm rõ vấn đề ở đây.

Địa vị logic của chỉnh thể luận là thế đấy: Tảng đá mà chúng ta được cổ vũ xây dựng một xã hội mới trên đó.

Có thể thêm một nhận xét phê phán về những cái toàn bộ theo nghĩa (b), mà tôi thừa nhận có địa vị khoa học. Chẳng cần rút lại bất kể thứ gì tôi đã nói, tôi phải chỉ ra sự tầm thường cũng như tính mơ hồ của tuyên bố: Cái toàn bộ là nhiều hơn tổng của các phần của nó, một điều hiếm khi người ta nhận ra. Ngay cả ba quả táo trên một chiếc đĩa là nhiều hơn “tổng đơn thuần”, trong chừng mực là phải có các quan hệ nào đó giữa chúng (quả lớn nhất có thể hoặc không nằm giữa hai quả kia, v. v.): Các quan hệ không được suy diễn ra từ sự thực là có ba quả táo, và là điều có thể được nghiên cứu một cách khoa học. Cũng thế, sự đối lập giữa cách tiếp cận “nguyên tử” và Gestalt được quảng cáo nhiều là hoàn toàn vô căn cứ, chí ít trong chừng mực liên quan đến vật lí nguyên tử: Vì vật lí nguyên tử không đơn thuần “lấy tổng” của các hạt cơ bản của nó, mà nó nghiên cứu các hệ thống hạt từ quan điểm liên quan một cách xác định nhất với cái toàn bộ theo nghĩa (b). [40]

Ðiều mà hầu hết các nhà lí thuyết Gestalt hiển nhiên muốn khẳng định, là sự tồn tại hai loại của các thứ, “các đống”, trong đó, chúng ta không thể thấy rõ bất kể trật tự nào, và “những cái toàn bộ”, trong đó một trật tự hay một đối xứng hay một sự đều đặn hay một hệ thống hay một kế hoạch cấu trúc có thể được tìm thấy. Như thế, một câu như “Các cơ thể là toàn bộ”, bản thân nó rút gọn thành sự tầm thường rằng, trong một cơ thể, chúng ta có thể phân biệt trật tự nào đó. Vả lại, một cái gọi là “đống”, như một quy tắc, cũng có một khía cạnh Gestalt, như thí dụ được nhắc đến nhiều về trường điện. (Hãy xem cách đều đặn, theo đó áp suất tăng lên trong một đống đá). Như vậy, sự phân biệt không chỉ là tầm thường, mà là cực kì mơ hồ; và không thể áp dụng cho các loại khác nhau của các sự vật, mà chỉ cho các khía cạnh khác nhau của cùng một thứ.

© 2004 talawas



[1]Vấn đề là một vấn đề cổ xưa. Ngay cả Plato đôi khi cũng tấn công việc nghiên cứu “thuần tuý”. Về những người bảo vệ nó, xem T. H. Huxley, Science and Culture (1882), p. 19 f., và M. Polanyi, Economica, N. S., vol. VIII (1941), pp. 428 ff. (ngoài các sách được trích dẫn ở đó, xem cả Veblen, The Place of Science in Modern Civilisation, pp. 7 ff.)
[2]Kant, Dreams of a Ghost Seer, Part II, ch. III (Werke, ed. E. Cassirer, vol. II, p. 385).
[3]Xem Economica, vol. XIII (1933), p. 122.
[4]Về sự bào chữa cho thuật ngữ này, xem chú thích 18 dưới đây.
[5]So sánh với F. A. von Hayek, Economica, vol. XIII (1933), p. 123. “… kinh tế học đã phát triển chủ yếu như kết quả của việc điều tra khảo sát và bác bỏ các kiến nghị Không tưởng kế tiếp nhau…”
[6]Xem M. Ginsberg, trong Human Affairs (do R. B. Cartell và những người khác chủ biên), tr. 180. Phải thừa nhận, tuy vậy, rằng sự thành công của kinh tế học toán học chứng tỏ rằng: Chí ít một môn khoa học xã hội đã trải qua cách mạng Newton của nó.
[7]Xem Logic of Scientific Discovery (1959) của tôi, mục 15. (Các định đề tồn tại ở dạng phủ định). Lí thuyết có thể được đối sánh với Logic, Cuốn V, Chương 5, Mục 2 của J. S. Mill.
[8]Xem, thí dụ, M. R. Cohen, Reason and Nature, tr. 356 ff [và các trang tiếp]. Các thí dụ trong văn bản hình như bác bỏ quan điểm phản-tự nhiên chủ nghĩa cá biệt này.
[9]Một phát biểu tương tự của “qui luật tham nhũng” này được C. J. Friedrich thảo luận trong tác phẩm Constitutional Government and Politics (1937) rất lí thú và một phần mang tính kĩ thuật của ông. Ông nói về qui luật này: “Tất cả các khoa học tự nhiên không thể kiêu hãnh về một “giả thuyết” duy nhất ngang tầm quan trọng cho loài người” (tr. 7). Tôi không nghi ngờ về tầm quan trọng của nó; nhưng tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể thấy vô số qui luật có tầm quan trọng ngang vậy trong các môn khoa học tự nhiên, nếu chúng ta tìm kiếm chúng giữa các qui luật tầm thường hơn là giữa các qui luật trừu tượng hơn. (Hãy xem các qui luật như con người không thể sống mà không có thực phẩm, hoặc các động vật có xương sống có hai giống [đực, cái]). Giáo sư Friedrich cứ khăng khăng ủng hộ luận đề cho rằng: “Các môn khoa học xã hội không thể có lợi ích từ việc áp dụng các phương pháp của khoa học tự nhiên’ (op. cit. tr. 4). Nhưng, mặt khác, ông cố đặt cơ sở cho lí thuyết về chính trị học của mình trên một loạt các giả thuyết, mà về tính chất của chúng, các đoạn trích tiếp theo (op. Cit. tr. 14ff [và các trang tiếp]) có thể cho một ý tưởng: “Sự tán thành và sự e dè đều là sinh lực, tạo ra quyền lực”; chúng cùng nhau xác định “cường độ của tình thế chính trị”; và bởi vì “cường độ này được xác định bởi độ lớn tuyệt đối của sự tán thành hay e dè hay của cả hai, nó có lẽ được thể hiện tốt nhất bằng đường chéo của hình bình hành của hai lực này: Sự tán thành và sự e dè. Trong trường hợp đó, giá trị bằng số của nó sẽ bằng căn bậc hai của tổng của bình phương của giá trị bằng số của sự tán thành và e dè”. Đây là nỗ lực áp dụng định lí Pythagoras cho một “hình bình hành” của các lực (tuy không rõ vì sao chúng lại vuông góc với nhau) cái là quá mơ hồ để có thể đo được, đối với tôi dường như là một thí dụ không phải của chủ nghĩa phản tự nhiên mà đúng là của một loại chủ nghĩa tự nhiên hay “chủ nghĩa khoa học” mà, tôi thừa nhận, “các môn khoa học xã hội chẳng được lợi ích gì từ nó”. Có thể lưu ý rằng, các “giả thuyết” này khó có thể trình bày ở dạng kĩ thuật, trong khi, thí dụ, “qui luật tham nhũng” mà tầm quan trọng của nó được Friedrich nhấn mạnh rất thích đáng, lại có thể được trình bày ở dạng đó. Về nền lịch sử của quan điểm “khoa học chủ nghĩa” mà các vấn đề của lí thuyết chính trị có thể được hiểu bằng “hình bình hành của các lực”, xem cuốn sách của tôi, The Open Society and Its Enemies (tái bản có sửa chữa), chú thích 2 của chương 7.
[10]Giáo sư Hayek chống lại việc dùng thuật ngữ “kĩ thuật xã hội” “social engineering” (theo nghĩa từng phần, dần dần, từ từ) vì công việc kĩ thuật điển hình đòi hỏi sự tập trung mọi tri thức liên quan vào một người duy nhất, trong khi điển hình cho mọi vấn đề xã hội thực sự là tri thức cần dùng không thể được tập trung như vậy. (Xem Hayek, Collectivist Economic Planning, 1935, tr. 210). Tôi thừa nhận rằng: Sự thực này có tầm quan trọng căn bản. Nó có thể được trình bày bằng một giả thuyết kĩ thuật: “Trong phạm vi một nhà chức trách kế hoạch hoá, chúng ta không thể tập trung tri thức liên quan cho các nhiệm vụ như thoả mãn các nhu cầu cá nhân, hay sử dụng các kĩ năng và năng lực được chuyên môn hoá”. (Một giả thuyết tương tự có thể được đề xuất về tính không thể tập trung hoá sáng kiến liên quan đến các nhiệm vụ tương tự). Việc sử dụng thuật ngữ “kĩ thuật xã hội, cải biến xã hội - social engineering” bây giờ có thể được bảo vệ bằng cách chỉ ra rằng: Kĩ sư phải sử dụng tri thức kĩ thuật biểu hiện trong các giả thuyết này những điều thông báo cho anh ta về những hạn chế của sáng kiến riêng của anh ta cũng như của tri thức riêng của anh ta. Xem cả chú thích 52 dưới đây.
[11]Bao gồm, nếu có thể nhận được, cả tri thức liên quan đến các hạn chế của tri thức, như được giải thích ở chú thích trước.
[12]Hai quan điểm - rằng các định chế xã hội hoặc là “được thiết kế” hoặc là chúng chỉ “mọc lên” - tương ứng với các quan điểm của các nhà lí thuyết Khế ước Xã hội và các nhà phê phán họ, thí dụ, Hume. Nhưng Hume đã không từ bỏ quan điểm “chức năng” hay “công cụ chủ nghĩa” của các định chế xã hội, vì ông nói rằng: Con người không thể làm mà không có chúng. Lập trường này có thể được trau chuốt thành một giải thích kiểu Darwin về tính chất công cụ của các định chế không được thiết kế (thí dụ ngôn ngữ): Nếu chúng không có chức năng hữu ích nào, thì chúng chẳng có cơ hội để tồn tại. Theo quan điểm này, các định chế không được thiết kế có thể nổi lên như các hệ quả không chủ ý của các hành động duy lí: Hệt như một đường đi có thể được hình thành mà không có bất kể chủ ý nào để thực hiện, do người dân thấy thuận tiện để sử dụng một đường mòn đã có rồi (như Descartes quan sát). Hầu như chẳng cần nhấn mạnh, tuy vậy, rằng cách tiếp cận kĩ thuật là khá độc lập với mọi vấn đề về “xuất xứ”.
[13]Về cách tiếp cận “chức năng”, xem, thí dụ, “Anthropology as Basis of Social Science” của B. Malinowski trong Human Affairs (ed. Cattel), đặc biệt các tr. 206 ff. và các trang 239ff.
[14]Thí dụ này, khẳng định rằng hiệu suất của các “bộ máy” định chế bị hạn chế, và rằng hoạt động của các định chế phụ thuộc vào việc cung cấp nhân sự phù hợp, có lẽ có thể được so sánh với các nguyên lí của nhiệt động học, như định luật bảo toàn năng lượng (ở dạng trong đó nó loại trừ khả năng chế tạo động cơ vĩnh cửu). Với tư cách như vậy, nó có thể được đối sánh với mưu toan “khoa học chủ nghĩa” khác để phát triển một phép tương tự giữa khái niệm vật lí về năng lượng và một số khái niệm xã hội học như quyền lực; xem, thí dụ, Power (1938) của Bertrand Russell, tr. 10f., nơi loại mưu toan khoa học chủ nghĩa loại này được thử. Tôi không nghĩ là điểm chính của Russell - rằng “các dạng quyền lực” khác nhau như sự giàu có, sức mạnh tuyên truyền, sức mạnh thô bạo, đôi khi có thể được “chuyển đổi” lẫn nhau - có thể được trình bày ở dạng kĩ thuật.
[15]W. Lippmann, The Good Society (1937), Ch. XI, các tr. 203ff. Xem cả W. H. Hutt, Plan for Reconstruction (1943).
[16]Thành ngữ này K. Mannheim thường dùng trong cuốn Man and Society in an Age of Reconstruction của ông, xem Chỉ mục, Index, và thí dụ, các tr. 269, 295, 320, 381. Cuốn sách này trình bày kĩ lưỡng nhất một chương trình chỉnh thể và lịch sử chủ nghĩa mà tôi được biết, và vì thế, được lựa ra ở đây để phê phán.
[17]Xem Mannheim, ibid., tr. 337. Đoạn này được trích đầy đủ hơn ở mục 23, nơi nó cũng được phê phán. (Xem chú thích 42 dưới đây).
[18]“Vấn đề Biến đổi Con người” là tiêu đề của một chương của cuốn sách Man and Society của K. Mannheim. Trích dẫn tiếp theo là từ chương đó, tr. 199f.
[19]Xem J. S. Mill, Logic, Book VI, ch. X, mục I.
[20]Logic, Book VI, ch. X, mục 8. Đoạn tương tự của Marx (được trích ở mục 17) lấy từ lời nói đầu của lần xuất bản đầu tiên của Capital - Tư bản Luận
[21]Nhận xét này chứng tỏ rằng Thuyết Vị Lợi của Mill đã ngăn ông khỏi định nghĩa “có lợi – beneficia” như đồng nghĩa với “tiến bộ - progressive”; tức là, bất chấp thuyết tiến bộ của ông, ông đã không tán thành lí thuyết đạo đức lịch sử chủ nghĩa (so sánh mục 19) như được phát triển bởi Spencer và Engels (và ngày nay bởi C. H. Waddington; xem Science and Ethics của ông).
[22]Mill, ibid., mục 2 (tôi nhấn mạnh).
[23]Xem các mục 15 đến 17; đặc biệt xem Socialism, Utopian and Scientific [Chủ nghĩa xã hội, Không tưởng và Khoa học] của Engels.
[24]Tôi thảo luận điều này chi tiết trong The Open Society and Its Enemies.
[25]Xem, thí dụ, Man and Society của K. Mannheim, tr. 6 (và ở nhiều chỗ khác), nơi ông bảo chúng ta rằng “Chẳng còn bất kể lựa chọn nào “giữa kế hoạch hoá và không kế hoạch hoá”, mà chỉ có sự lựa chọn “giữa kế hoạch hoá tốt và tồi” mà thôi”; hoặc The Planning of Free Societies (1942) của F. Zweig, tr. 30, người trả lời cho câu hỏi, liệu một xã hội được kế hoạch hoá hay không được kế hoạch hoá là được ưa chuộng hơn, bằng cách nói rằng câu hỏi này không nảy sinh, vì nó đã được chiều hướng phát triển lịch sử hiện tại trả lời cho chúng ta rồi.
[26]K. Mannheim op. cit. [sách đã dẫn], tr. 33; các trích dẫn tiếp theo là ibid [cũng từ đó], tr.7.
[27]K. Mannheim, giống như Comte, phân biệt ba mức phát triển của tư duy: (1) thử và sai hay khám phá ngẫu nhiên, (2) phát minh, (3) kế hoạch hoá (ibid. tr. 150f.). Tôi không tán thành chút nào học thuyết của ông, đối với tôi, phương pháp thử và sai (1) dường như tiến tới gần phương pháp của khoa học hơn bất kể phương pháp nào của các “mức” khác.- Một lí do thêm cho việc coi cách tiếp cận chỉnh thể là tiền-khoa học, là nó chứa đựng một yếu tố của chủ nghĩa cầu toàn. Tuy vậy, một khi chúng ta nhận ra rằng: Chúng ta không thể tạo ra thiên đường trên trái đất mà chỉ có thể cải thiện sự việc một chút, chúng ta cũng phải nhận ra rằng: Chúng ta chỉ có thể cải thiện chúng từng tí một.
[28]Chú thích của dịch giả: Gestalt: tiếng Đức có nghĩa là dáng, hình.
[29]H. Gomperz, Weltanschauungslehre, II/I (1908), tr. 63, chỉ ra rằng: Một mẩu của thế giới, thí dụ như sự vỗ cánh bực dọc của một con sẻ, có thể được mô tả bằng các tuyên bố rất khác nhau như sau, mỗi tuyên bố tương ứng với một khía cạnh của nó: “Con chim này đang bay!” - “Một con sẻ bay lượn!” - “Nhìn xem, có một con vật ở đây.” - “Có cái gì chuyển động ở đây.” - “Năng lượng được chuyển đổi ở đây.” - “Đây không phải là một trường hợp về chuyển động vĩnh cửu.” - “Con vật đáng thương bị hoảng sợ!” Rõ ràng là chẳng bao giờ có thể là nhiệm vụ của khoa học khi đi hoàn tất một danh mục như vậy, một danh mục nhất thiết là vô tận. - F. A. von Hayek, trong Ethics, vol. LIV (1943), chú thích 5, phác hoạ một phê phán chủ nghĩa lịch sử rất giống với phê phán được đề xuất ở đây, trong văn bản.
[30]K. Mannheim (op.cit., tr. 167) mô tả khoa học chọn lọc hay trừu tượng như “một giai đoạn, qua đó mọi khoa học phấn đấu cho sự chính xác đều phải trải qua”.
[31]Với ba trích dẫn tiếp theo, hãy so sánh với Mannheim, op.cit., tr. 184; xem cả tr. 170, chú thích, và tr. 230.
[32]Ibid., tr. 230. Học thuyết cho rằng chúng ta có thể nhận được một loại hiểu biết cụ thể về “bản thân thực tại” được biết kĩ như một phần của điều có thể được mô tả về mặt kĩ thuật như chủ nghĩa thần bí; và sự hò hét cho “những cái toàn bộ” cũng thế.
[33]Xem op. cit., thí dụ, các tr. 26 và 32. Tôi phê phán thuyết chỉnh thể, không có nghĩa rằng tôi phản đối lời yêu cầu khẩn thiết cho sự hợp tác giữa các ngành khoa học khác nhau. Đặc biệt, khi chúng ta đối mặt với một vấn đề từng phần xác định có thể được đẩy mạnh bởi sự hợp tác như vậy, chẳng ai đi mơ ước chống lại việc đó. Nhưng đây là chuyện rất khác với kế hoạch để lĩnh hội những cái toàn bộ cụ thể bằng một phương pháp tổng hợp có hệ thống, hay cái gì đó thuộc loại ấy.
[34]Xem op. Cit., tr. 337; và chú thích 25 ở trên.
[35]Cách trình bày được trích là gần đồng nhất với cách trình bày của C. Schmitt.
[36]Các nhà chỉnh thể luận hi vọng là có cách thoát khỏi khó khăn này, bằng cách từ chối tính hợp lệ của logic mà, họ nghĩ, đã được thay thế bởi biện chứng. Tôi đã thử chặn đứng lối lập luận này trong “What is Dialectic?”, Mind, vol. 49 N. S., tr. 303ff.
[37]Xem K. Mannheim, op. cit., tr. 202. Có thể lưu ý rằng: Một thuyết chỉnh thể tâm lí học là rất thời thượng hiện nay đối với các nhà lí thuyết giáo dục.
[38]Học thuyết cho rằng lịch sử đề cập đến “cái toàn bộ cụ thể riêng lẻ”, có thể là các cá nhân, sự kiện hay thời đại, đặc biệt được Troeltsch tuyên truyền. Sự đúng đắn của nó được Mannheim liên tục giả thiết.
[39]K. Mannheim, op. cit., tr. 175 f. (tôi nhấn mạnh).
[40]Xem, thí dụ, nguyên lí loại trừ Pauli.- Đối với nhà khoa học xã hội, các ý tưởng như cạnh tranh hay phân công lao động phải là đủ rõ là cách tiếp cận “nguyên tử” hay “cá nhân chủ nghĩa” chẳng thể nào ngăn chúng ta không nhận ra rằng: Mọi cá nhân tương tác với tất cả những người khác. (Trong tâm lí học, tình hình lại khác, vì thuyết nguyên tử dường như không thích hợp ở đây - bất chấp nhiều nỗ lực thử áp dụng nó).