© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
13.7.2004
Mikhail Magid
Chế độ toàn trị - tương lai tươi sáng hay là quá khứ tối tăm
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3   4 
 
Khmer đỏ: Kịch bản của tương lai

Lịch sử loài người chưa từng chứng kiến chế độ phát xít sinh thái. Nhưng cũng có thể coi cuộc thí nghiệm do "Khmer đỏ" tiến hành vào giữa những năm 70 của thế kỉ trước như một hình mẫu. Dựa vào sự ủng hộ của một bộ phận nông dân, Khmer đỏ đã quyết định lùa hết dân thành thị về nông thôn. Họ đã lợi dụng lòng căm thù của nông dân đối với thị trường, những khó khăn của họ khi sự tương trợ cộng đồng bị phá huỷ và có người còn coi thành phố như là nguồn gốc của cái xấu, của tham những, thuế khoá nặng nề, của cải phi pháp và nguốn gốc ô nhiễm môi trường sinh thái. Khmer đỏ tuyên bố diệt trừ các thành phố và văn hoá thành phố vì đấy là nguồn gốc mọi tệ đoan, mọi thói xấu trong xã hội. Các thành phố đều trở thành chỗ không người, dân chúng bị lùa hết về các "công xã" sản xuất ở nông thôn. Đấy là các trại lao động được tổ chức theo mô hình của nhà máy công nghiệp, được điều khiển từ một trung tâm duy nhất, bên dưới là các đội sản xuất gồm 12 đến 15 người, nhưng không có máy móc. Người già và người ốm bị loại bỏ theo kiểu "chọn lọc tự nhiên". Người ta phải làm những công việc nặng nhọc và chết hàng trăm, thậm chí hàng ngàn một lúc; họ chết vì bệnh, vì đói và kiệt sức, vì bị bọn cai hành hạ. Bên cạnh các trại lao động còn có cả các trại giết người nữa. Riêng trại S-21 đã giết chết 30 ngàn người. Chỉ có 7 tù nhân trại này sống sót.

Tôn giáo, các bài dân ca và phong tục cổ truyền đều bị cấm. Thiết chế gia đình cũng không được tha. Tất cả các gia đình đều bị coi là bất hợp pháp. Lãnh đạo các công xã tự chỉ định vợ chồng cho mỗi người và các cặp cũng chỉ được gặp nhau có 6 lần trong một năm. Các thành viên gia đình không được sống cùng nhau: trẻ con phải tách khỏi cha mẹ ngay từ năm lên 6 tuổi để đưa vào các trại giáo dưỡng nhằn đào tạo lớp người tuyệt đối trung thành với chế độ mới.

Sách bị coi là có hại và đem đốt hết. Giai cấp nông dân mới phải làm việc 18 giờ mỗi ngày, lao động khổ sai còn đi kèm với giáo dục cải tạo theo tinh thần chủ nghĩa Mác-Lênin. Những người bất đồng chính kiến hoặc tỏ ra có cảm tình với trật tự cũ đếu bị giết hết. Trí thức, giáo viên, giảng viên đại học và nói chung những người biết chữ đếu bị thủ tiêu vì họ có thể đọc các tài liệu thù địch với lí tưởng Mácxít - Lêninít và có thể tuyên truyền các tư tưởng có hại trong quần chúng lao động. Tầng lớp tăng lữ, các nhà chính trị thuộc mọi xu hướng khác với đảng cầm quyền, những người có của cũng bị coi là những người thừa và bị thủ tiêu. 62 ngàn trong số 65 ngàn tu sĩ phật giáo bị giết trong 4 năm Khmer đỏ cầm quyền.

Mục đích của chế độ là xây dựng một nhà nước trên một ý thức hệ duy nhất và đồng chủng. Chính Pol Pot, lãnh tụ Khmer đỏ đã ra sắc lệnh về việc triệt hạ các dân tộc ít người. Sử dụng tiếng Thái, tiếng Việt và tiếng Hoa bị coi là mắc tội tử hình. Dân tộc Chăm bị thiệt hại nặng nề nhất: trong số hai trăm ngàn người vào năm 1975, sau khi chế độ Khmer đỏ sụp đổ chỉ chưa đầy một trăm ngàn người sống sót.

Theo đánh giá chung thì chế độ Khmer đỏ đã làm chết tổng cộng khoảng 2 triệu người, một số bị chết khi di chuyển từ thành phố về nông thôn (trước cuộc thí nghiệm 40% trong số 7 triệu dân Cămpuchia sống ở thành thị), một số bị chết vì không chịu nổi điều kiện sống quá ư thiếu thốn, vất vả, một số thì bị giết. Cuộc thí nghiệm kinh hoàng này chứng tỏ rằng việc phá huỷ một cách có hệ thống nền công nghiệp và bắt buộc mọi người phải trở về với đời sống nông nghiệp không những không đem lại hoà bình hạnh phúc của cuộc sống nông nghiệp cổ truyền mà chỉ gây ra biết bao tang tóc đau thương.

Các cuộc cải cách càng cấp tiến bao nhiêu thì việc đàn áp càng quyết liệt bấy nhiêu. Cuộc cải tạo ở Cămpuchia có thể coi là siêu cấp tiến, chưa từng có trong lịch sử loài người. Chưa có chế độ nào, kể cả trước và sau đó, từng tiến hành việc chặn đứng vòng quay của tiến bộ công nghệ như chế độ Khmer đỏ đã từng làm. Chưa bao giờ có những cuộc cải cách xã hội và diệt chủng tàn bạo đến như vậy. Trên thực tế chúng đã tổ chức được một lực lượng cảnh sát toàn trị, kết hợp được tư tưởng phát xít và chủ nghĩa bolsevic: tiêu diệt một cách có hệ thống các dân tộc ít người, nguyên tắc chọn lọc tự nhiên và đấu tranh sinh tồn (những điểm cơ bản của tư tưởng phát xít) và đàn áp tôn giáo một cách khốc liệt, trên thực tế chúng đã tiêu trừ hoàn toàn truyền thống tôn giáo và các phong tục cổ truyền khác, can thiệp sâu vào đời sống riêng tư của người dân (chủ nghĩa bolsevic). Chưa có chế độ nào trong thế kỉ XX từng giết đến 28% dân của chính nước mình, Khmer đỏ có thể đã giật giải quán quân về lĩnh vực này (chính Pol Pot từng nói rằng Cămpuchia chỉ cần khoảng 1 triệu người là đủ). Nếu việc hạt nhân hoá và sự tương trợ giữa các cá nhân trong xã hội ngày một giảm thiểu đến mức lối sống tập thể toàn trị trở thành hấp dẫn, còn cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu buộc chính phủ nhiều nước phải thay đổi triệt để điều kiện sống của dân chúng, đưa dân về sống ở nông thôn thì việc cải tạo xã hội và trấn áp sẽ sâu và rộng đến mức nào?


Đối trọng: Cộng đồng của các cộng đồng

Theo các nhà nghiên cứu thì trong tương lai có thể xảy ra hai khả năng: hoặc là nền kinh tế thị trường-công nghiệp hoá phải tự giới hạn, tự điều chỉnh hay sẽ nằm dưới quyền điều hành của các tổ chức sinh thái tự quản, các tổ chức này sẽ đặt ra các nguyên tắc kinh tế và tổ chức xã hội hoàn toàn mới, trên cơ sở phi công nghiệp hoá và phi thị trường; hoặc là nhà nước sẽ phải can thiệp, nhà nước sẽ đặt ra các hạn chế đối với công nghiệp, thậm chí giành toàn quyền quản lí xã hội (đấy chính là chủ nghĩa phát xít sinh thái).

Như vậy là đối trọng với chủ nghĩa phát xít sinh thái chính là tư tưởng thành lập các cộng đồng nhỏ, các cộng đồng này liên kết với nhau thành một hệ thống thông qua các dự án về kinh tế, văn hoá và xã hội. Dựa trên nguyên tắc do thành viên của các cộng đồng đặt ra như "phù hợp tự nhiên", tự hạn chế, tương trợ, sản xuất đủ dùng và trên cơ sở dân chủ trực tiếp cũng như tôn trọng quyền của các nhóm thiểu số; hệ thống này có thể giúp tránh được vực thẳm của cuộc khủng hoảnh sinh thái trong tương lai. Để làm được việc này thì điều cần thiết là đa số dân chúng phải hiểu các vấn đề sinh thái và tự nguyện đưa ra các giải pháp cho sự phát triển của xã hội và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về các giải pháp được chọn. Đây không phải là một dự án nhất thành bất biến mà có thể chỉ là một hình thái sinh tồn mới của loài người, trong đó sự phát triển và sáng kiến cá nhân được kết hợp một cách hài hoà với sự đoàn kết và đùm bọc của cộng đồng. Hiện nay ý tưởng "cộng đồng của các cộng đồng" chỉ là một giả thuyết về một trong những con đường phát triển của nhân loại mà thôi. Nhưng theo ý kiến của Gorz, Bukchean ở đọan trên?) và nhiều lí thuyết gia về chủ nghĩa xã hội sinh thái và chủ nghĩa vô chính phủ sinh thái thì các sáng kiến về việc thành lập các cộng đồng văn hoá xã hội kiểu đó đã được hưởng ứng ở châu Âu và châu Mĩ trong ba mươi năm qua cho phép ta nghĩ rằng hình thái xã hội như vậy là một lựa chọn có thể được chấp nhận trong tương lai.

Mối đe doạ của chủ nghĩa phát xít sinh thái đã được nhiều nhà văn, nhà xã hội học, triết học, sinh thái học cảnh báo. Hiện không ai có thể nói xác suất xuất hiện chủ nghĩa phát xít sinh thái lớn đến mức nào. Nhưng chỉ nội khả năng là điều đó có thể xảy ra cũng buộc chúng ta phải chú ý đến những quá trình đang diễn ra trên thế giới này, buộc chúng ta phải lưu ý đến những hành vi và thái độ của chính mình.

Mà cũng có thể tiến bộ công nghệ sẽ giúp loài người giái quyết được các hậu quả của khủng hoảng môi sinh và quá trình quan liêu hoá xã hội hoặc là ngăn chặn được chính những quá trình này?


Hậu công nghiệp: Đối trọng của chế độ quan liêu toàn trị

"Cuộc cách mạng hậu công nghiệp đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta", Alvin Toffler đã viết như thế. Đi kèm với nó là các hiện tượng khủng hoảng đang diễn ra nhãn tiền khắp thế giới bởi vì các cuộc cải cách cấp tiến bao giờ cũng tạo ra khổ đau và không phải tất cả mọi người đều có thể suy nghĩ và thích nghi kịp với những biến đổi đang diễn ra nhanh chóng hàng ngày. Nhiều thứ sẽ phải chết đi và nhiều thứ khác sẽ còn được sinh ra. Nhưng công nghệ cao (hi tech) sẽ làm cho con người ngày một tự do hơn. Các chế độ toàn trị đã cáo chung cũng vì lí do đó. Kim tự tháp quan liêu quá nhiều tầng nấc, quá nhiều nhánh đã làm cho các chế độ này mất hết hiệu năng trong xã hội thông tin công nghệ cao hậu công nghiệp.

Công nghệ hậu công nghiệp là gì và có thể sử dụng chúng để thúc đẩy quá trình giải phóng con người được không? Đây trước hết là công nghệ vũ trụ, là việc sản xuất người máy và các máy tính công suất lớn và việc ứng dụng chúng vào công nghiệp và cuộc sống thường ngày; rồi các nguồn năng lương mới, công nghệ sinh học và các phương tiện chuyển tải và lưu trữ thông tin mới, v.v. Theo Toffler và Bell thì đặc trưng cơ bản của công nghệ mới là: trí thông minh nhân tạo, nhỏ gọn và tiết kiệm năng lượng. Thái độ đối với công việc sẽ không còn như xưa, làm việc không còn là những động tác nhàm chán lặp đi lặp lại nữa, mà một quá trình chủ động, sáng tạo, người lao động sẽ có thể chủ động quyết định thời gian biểu của mình. Sẽ không còn những dây chuyền sản xuất hàng loạt nữa, thay vào đó là các chuyên gia có thể làm việc với các máy móc phức tạp và có thể tự mình ra quyết định. Thay cho những nhà máy với những dây chuyền to lớn, chuyên sản xuất ra các sản phẩm tiêu chuẩn hoá là những đơn vị sản xuất nhỏ, sạch về mặt sinh thái với các chuyên gia có tay nghề cao. Thay vì những thiết bị năng lượng đồ sộ tàn phá môi sinh sẽ là những thiết bị nhỏ, gọn, sử dụng năng lượng của gió, thuỷ triều, các dòng hải lưu, mặt trời..v..v.. Nhưng đấy chỉ là sự khởi đầu. Còn sau đó… Dân tộc, quốc gia, các tổ hợp công ty, công nghiệp độc quyền, trung tâm truyền hình thống nhất, các tổ hợp tôn giáo bao gồm hàng triệu người - tất cả đều là sản phẩm của quá khứ, là kết quả của quá trình công nghiệp hoá. Trung ương tập quyền, bộ máy quan liêu, phương pháp quản lí toàn trị phù hợp với giai đoạn sản xuất công nghiệp với tối đa hoá, tập quyền hoá, tiêu chuẩn hoá và chuyên môn hoá v.v. Tất cả sẽ đi dần vào quá khứ. Sẽ xuất hiện các quan hệ xã hội mới dựa trên cơ sở các khu vực nhỏ, tự trị, các đơn vị sản xuất không lớn, các tổ chức tôn giáo và văn hoá gọn nhẹ v.v. Đấy sẽ là các tổ chức bao gồm những người gần gũi với nhau về quan niệm, quyền lợi và nghề nghiệp v.v. Công nghệ mới sẽ giúp họ thu xếp cuộc sống riêng của mình, họ chỉ liên hệ với các nhóm khác khi thật cần thiết. Các hội đoàn như vậy sẽ hình thành và tan rã, sẽ liên kết với nhau thành mạng lưới, đồng thời phương tiện sản xuất và truyền thông hiện đại cho phép phát triển các mạng như thế trên toàn thể địa cầu. Ngoài các đặc trưng khác, đấy sẽ là một cơ cấu toàn cầu.

Thị trường và nền sản xuất hướng theo thị trường sẽ nhường chỗ cho sản xuất đơn chiếc, theo đơn đặt hàng do các cá nhân hoặc những nhóm nhỏ thực hiện bởi vì "hi tech" cho phép dễ dàng điều chỉnh các thông số của sản phẩm. Máy tính và các phương tiện truyền thông hiện đại cho phép kết nối tức thời giữa người sản xuất và người tiêu thụ nghĩa là có thể phát hiện được nhu cầu của dân chúng bằng phương pháp dân chủ trực tiếp. Sự chia tách giữa sản xuất và tiêu thụ vốn là đặc trưng cơ bản của thời kì công nghiệp hoá sẽ bị xoá bỏ. Thay cho quảng cáo sẽ là sự liên hệ trực tiếp, thực chất là xoá bỏ biên giới giữa sản xuất và tiêu thụ, người sử dụng có thể quyết định các thông số của sản phẩm hoặc là trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo ra sản phẩm.

Thay cho các tổ chức buôn bán, công nghiệp, tài chính to lớn là các tổ chức hoàn toàn mới, các tổ chức dựa trên cơ sở phi tập trung hoá, gồm nhiều trung tâm tài chính nhỏ phân bố theo khu vực, buôn bán lẻ, v.v. Nền dân chủ đại diện cũng sẽ trở thành dân chủ trực tiếp hoặc bán trực tiếp dựa trên cơ sở tìm hiểu nguyện vọng và quyền lợi của từng cá nhân riêng lẻ hay của nhóm nhỏ bằng máy tính và các phương tiện truyền thông khác. Như vậy là nhiều vấn đề liên quan đến việc cá nhân bị cơ cấu công nghiệp quan liêu to lớn đè nén sẽ trở thành quá khứ vì chính các cơ cấu này sẽ trở thành quá khứ, thay vào đó sẽ là các thiết chế xã hội mới, dân chủ hơn nhiều.


...Hay là nguy cơ một nền chuyên chế toàn trị mới?

Chưa thể nói quan điểm của Alvin Toffler và các môn đệ là đúng hay sai. Nhưng cần phải ghi nhận một điều là có vẻ như ông đã không chú ý đến một trong những mâu thuẫn cơ bản nhất của nền văn minh hiện đại - đấy là sự bất tương xứng giữa thiết bị công nghệ cao và trình độ văn hoá và đạo đức thấp của loài người hiện nay. Con người có biết cách sử dụng các công nghệ mới để mang lại hạnh phúc cho chính mình? Chiến tranh thế giới thứ hai, trại tập trung và hệ thống toàn trị… tất cả dường như mới xảy ra gần đây. Còn gì đáng sợ hơn một kẻ dã man được trang bị hệ thống máy tính và công nghệ sinh học? Tổng thống Bush đã tỏ ra ngạc nhiên khi nói rằng có nhiều người không chia sẻ "các giá trị Mĩ" rồi sau đó hạ lệnh cho máy bay đi bắn phá Iraq. Một uỷ viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung quốc công nhận rằng theo quan điểm của ông ta thì người Âu châu không bằng một con chó vì "dù sao chó cũng không giả bộ làm người". Hơn nữa liệu nền công nghệ mới, một nền công nghệ sinh ra trong lòng xã hội hiện đại có mục đích giải quyết những nhiệm vụ đặc trưng của chủ nghĩa tư bản, có thể góp phần vào việc giải phóng con người không? Cuối cùng, công nghệ có dẫn đến việc hình thành những hệ thống quản lí xã hội mới, cực kì phức tạp, cung cấp cho hệ thống quan liêu những phương tiện nô dịch mới, làm cho nó ngày một mạnh thêm?

Các cuốn sách của Alvin Toffler ra đời cách đây hơn hai mươi năm, đã đến lúc đánh giá một số kết luận được nêu trong đó. Đúng là với việc áp dụng tự động hoá trong những năm 60 và 70, cách mạng máy tính và hệ thống internet trong những năm 90, việc áp dụng "hi tech" trong tất cả các lĩnh vực như sản xuất, giáo dục, y học…đã làm diện mạo trái đất thay đổi hoàn toàn. Đúng là một số công nghệ mới chứa trong lòng nó tiềm năng mà Toffler và những lí thuyết gia về hậu công nghệ đã viết. Thí dụ số người tự sản xuất, những người có quyền làm chủ các kết quả công việc của mình đang ngày một tăng lên. Số lượng các đơn vị sản xuất nhỏ, tự chủ với các biện pháp tự quản cũng ngày một tăng. Internet đã tạo điều kiện cho người dân ở những vùng khác nhau, những nước khác nhau có thể liên lạc trực tiếp và tư do trao đổi ý kiến.

Nhưng còn một khía cạnh khác cũng không kém phần quan trọng. Thay cho các chính phủ quốc gia với những bộ máy quan liêu là siêu nhà nước-lục địa với những bộ máy siêu quan liêu của chúng. Bộ máy quan liêu tập quyền của Liên hiệp Âu châu đã kịp đưa ra hàng loạt cấm đoán và "chỉ thị quan trọng”, thí dụ như những hướng dẫn về kích thước bao cao su hay đường kính quả cà chua. Hay tổ chức IMF, theo nhà kinh tế học và chính trị học Nga, Boris Kagarliski, thì "quá nhiều chỉ đạo đến nỗi gần đây đối với một số nước hợp tác với tổ chức này thì nội việc nuôi bộ máy quan liêu đủ sức xử lí số liệu cũng đã trở thành vấn đề rồi". Cũng khó mà khác được bởi vì nền kinh tế thống nhất toàn cầu đòi hỏi phải có một hệ thống điều tiết toàn cầu.

Chỉ có các công ty lớn mới đủ sức áp dụng các sáng kiến mới, đòi hỏi nhiều vốn đầu tư (chỉ có các công ty này đủ vốn), các công ty nhỏ, xây dựng theo sơ đồ mạng đã thành hiện thực, nhưng đồng thời trong những năm 80 và 90 cũng có một làn sóng hợp nhất các công ty chưa từng xảy ra trong lịch sử. Hiện nay 2/3 nền kĩ nghệ thế giới nằm trong tay khoảng 500 tập đoàn siêu quốc gia, tất nhiên là quyền lực kinh tế và chính trị cũng tập trung vào tay các tập đoàn này. Trong khi đó hàng ngàn những nhóm sản xuất nhỏ và hàng triệu những "người sản xuất riêng lẻ mới" sẽ buộc phải cạnh tranh với nhau trong việc nhận hợp đồng từ những trung tâm tài chính và như vậy họ cũng không còn được độc lập với các tập đoàn siêu quốc gia cả về mặt kinh tế lẫn chính trị nữa.

Máy tính không chỉ được sử dụng để tìm hiểu nhu cầu của xã hội mà còn có thể được các chính phủ và các tập đoàn kinh tế lớn lợi dụng nhằm tăng cường sự kiểm soát đối với xã hội. Đối với các tập đoàn kinh tế và chính trị thì càng ngày con người càng trở nên "trong" hơn: nhờ bộ nhớ của máy tính người ta có thể tìm thấy trong chớp mắt một khối lượng thông tin khổng lồ, từ phiếu của bác sĩ tâm lí đến thư từ trao đổi giữa các cá nhân với nhau. Tất nhiên là có luật điều chỉnh việc sử dụng máy tính trong việc kiểm soát. Nhưng luật cũng chẳng có nghĩa lí gì, nhất là khi một người nào đó bị những tổ chức của chính phủ hay tư nhân quan tâm.

Hậu công nghiệp cho đến nay vẫn không giải quyết được vấn đề sinh thái. Vẫn còn đó cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa các tập đoàn với nhau nhằm giành giật thị trường hàng hoá và dịch vụ, vẫn còn đó việc mở rộng sản xuất nhằm tăng cường quyền lực kinh tế và chính trị của các tập đoàn, vẫn còn đó ưu thế của sản xuất so với tiêu thụ, kết quả là tiêu thụ vẫn ngày một tăng thêm; tất cả những điều vừa kể nhất định sẽ dẫn đến việc tăng như cầu về năng lượng. Lại phải xây thêm những thiết bị sản xuất năng lượng to lớn hơn nữa vì các nguồn năng lương mới chưa đáp ứng được như cầu của công nghiệp. Nguy cơ ô nhiễm các chất phóng xạ, trái đất bị nóng lên, v.v. vẫn còn đó.

"Marketing" hậu công nghiệp càng làm cho sản xuất tăng cường ưu thế của nó so với tiêu thụ. Trước đây nếu mỗi loại hàng hoá chỉ có vài kiểu mẫu đã được tiêu chuẩn hoá thì ngày nay các công ty đang đổ lên đầu người tiêu thụ hàng trăm kiểu mẫu, có thể hoàn toàn khác nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa là vai trò của người tiêu thụ đang tăng lên, ngược lại, chính khả năng lèo lái dư luận của người sản xuất đang được tăng cường. Ngay trong khi tạo ra sản phẩm cũng như khi quảng cáo chất lượng của nó người ta đã sử dụng tất cả: từ nhu cầu có thật cho đến tình cảm, tính tự tôn, sự lo lắng của người tiêu dùng; tất cả đều được đẩy đến cao trào miễn sao người tiêu thụ mua sản phẩm là được. Như vậy là hậu công nghiệp không hoá giải được đặc trưng cơ bản của nền kinh tế hiện đại, đấy là ưu thế của sản xuất so với tiêu thụ. Ngược lại, nó đang phát triển thêm xu hướng được mô tả trong tất cả cách sách giáo khoa về marketing: "các công ty không đáp ứng mà là tạo ra như cầu". Từng người, sau khi đã bị "xử lí" sẽ chỉ còn thấy ý nghĩa duy nhất của cuộc đời là mua sản phẩm tiêu dùng (của hãng cụ thể nào đó). Phải tìm được cơ chế tâm lí để có thể "giam" anh ta vào hàng hoá của công ty mình, làm cho hắn "nghiện" hàng của mình như nghiện ma tuý vậy. Rồi còn nền công nghiệp quảng cáo hùng hậu nữa, nó cũng tác động vào tâm lí người tiêu dùng. Nó thôi miên vào đầu óc người ta: "Hãy làm như quảng cáo nói, hãy mua cái quảng cáo bảo, chỉ có như vậy ngươi mới thành người hấp dẫn hay ít nhất ngươi cũng giữ được cái độc đáo của cá nhân mình".

Việc phát triển mạng lưới truyền hình không chỉ tạo ra các "hệ thống truyền hình khu vực" như Toffler tiên đoán mà còn dẫn đến việc thành lập nhiều tập đoàn thông tin toàn cầu, những tập đoàn này liên tục đổ lên đầu khán, thính giả của chúng biết bao nhiêu quảng cáo về kinh tế và chính trị. Thực ra hiện nay thương mại và chính trị cũng chẳng khác gì nhau, ở đâu cũng là những cuộc trình diễn (show), ở đâu cũng áp dụng kĩ nghệ marketing. Đấy là chưa nói lợi nhuận trong kinh doanh và chính trị còn hoà quyện với nhau thành lợi ích chung của ai đó.

Các phương tiện truyền thông đại chúng đã trở thành phương tiện chuẩn bị và tiến hành chiến tranh nữa. Năm 1990, trong thời gian chuẩn bị chiến tranh chống Iraq, hãng thông tấn PR của Mĩ đã nhận được đơn đặt hàng của chính phủ trong việc tổ chức chiến dịch tuyên truyền chống kẻ thù tương lai. Người ta đã cho phát tán thông tin về việc dường như binh lính Iraq tàn sát trẻ con Kuwait, sau này mới rõ là đấy chỉ là tin vịt. Nhưng bằng những cách tuyên truyền có chủ đích như vậy người ta đã lái được công luận và cả quốc hội ngả sang ủng hộ cuộc chiến. Trong thời gian chiến tranh ở Bosnia và Herzegovina trong thập kỉ 90 các phương tiện truyền thông đại chúng và các hãng thông tấn khối NATO đã tung ra các thông tin một chiều có lợi cho những người hồi giáo Bosnia, tạo ra cảm giác rằng chỉ có những nhóm vũ trang người Serbi là có lỗi trong những hành động bạo ngược chống lại thường dân. Đấy chính là lí do để người ta ném bom vào khu vực người Serbi. Năm 1998-1999, tại Kosovo tình hình cũng tương tự như vậy nhưng mức độ nghiêm trọng hơn: các phương tiện thông tin đại chúng đã thuyết phục được dân chúng phương Tây rằng hành động của người Serbi ở Kosovo có thể so sánh với những hành động tàn bạo của bọn phát xít trong thế chiến thứ hai, đồng thời những hành động bạo ngược của người Albania thì bị dấu nhẹm đi. Sau đó chính phủ các nước NATO tiến hành ném bom Nam tư, dường như để "đáp ứng nguyện vọng của xã hội". "Kosovo là cuộc chiến tranh thông tin đầu tiên", người phát ngôn của NATO, ông Shia, đã nói."Các nhà báo, giống như binh sĩ, họ có trách nhiệm giảng giải cho xã hội biết ý nghĩa quan trọng của cuộc chiến này. Nhiệm vụ của tôi là động viên họ thể hiện sự chân thành của những động cơ và hành động của chúng ta”

Truyền hình Nga, đặc biệt là các hãng thân chính phủ như ORT và RTR cũng có hành động tương tự khi loan tin về những hành động tàn bạo của du kích chống chính phủ ở Chechnya, trong khi lờ đi những tội ác chống lại loài người trong các vụ oanh kích của không quân Nga vào các khu dân cư hoặc trong thời kì “thanh lọc”. Tính chất khách quan giả tạo của truyền hình có sức thuyết phục bởi vì nó không chỉ thông báo các sự kiện mà còn chiếu các đoạn phim kèm theo lời bình. Tất nhiên phim và bình luận bổ sung cho nhau, tạo ra một bức tranh nhất định về sự kiện, tất cả những gì vượt ra ngoài bức tranh ấy đều bị bỏ qua, không có trong phim cũng chẳng được đưa vào lời bình. Cũng như quảng cáo, khán giả bị ép phải xem một bức tranh nhất định, vị trí cũng như kịch bản hành vi của anh ta cũng được xác định trước rồi. Đây không phải là đặc trưng riêng của quảng cáo và các buổi tuyên truyền chính trị mà là của mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Như vậy là người ta không cảm nhận các sự kiện một cách trực tiếp mà là gián tiếp, không sống bằng trái tim và khối óc của mình mà là đóng vai khán giả hoặc diễn viên của một vở diễn do người khác làm đạo diễn. Vấn đề không phải là và không chỉ là vô tuyến nói dối mà trước hết là nó tạo ra một thế giới ảo, trong đó mỗi người không còn là các cá nhân độc lập nữa mà đã trở thành những khán giả và diễn viên của những vở kịch. Một tờ báo bán tương đối chạy ở Nga, tờ “Ngày nay”, từng viết: “...Không được quên rằng truyền hình là một bộ điều tiết xã hội đầy quyền năng, một trong những đòn bảy quyền lực, nó làm cho hành vi của dân chúng trở thành dự đoán được, nó tạo ra khung hành vi...”

Hiện thực hậu công nghiệp chứa trong mình nó không chỉ những tiềm năng mà Toffler đã mô tả một cách đầy nhiệt tình mà còn chứa những xu hướng, thí dụ như nhà văn Nga Dinoviev đã viết: “Công nghệ mới đã mở rộng vô cùng vô tận tiềm năng của con người...nhưng cũng đặt con người đối diện với nguy cơ của tình trạng nô lệ mới dựa trên sự kiểm soát bằng máy tính, mánh khoé của quảng cáo và hiện thực ảo của các phương tiện truyền thông đại chúng. Thực chất của tình trạng này là người ta trở thành “trong suốt” trước chính quyền và các tổ hợp công ty và bị xỏ mũi một cách triệt để”.


Nô dịch tích cực và hiện đại hoá hậu công nghiệp

Việc áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất đã làm cho hình thức quản lí hành chính quan liêu bao cấp trở thành không hiệu quả. Trong công nghiệp các tầng nấc trong bộ máy càng ngày càng ít đi, quản lí càng ngày càng mềm dẻo hơn. Việc đưa các nhóm gọi là “nhóm chất lượng” vào hoạt động trong các xí nghiệp Tây Âu, đặc biệt là tại Nhật đã trở thành lí do để các môn đồ của lí thuyết hậu công nghiệp nói đến việc tăng cường vai trò và ảnh hưởng của từng các nhân cũng như của các đội sản xuất nhỏ. Vậy nhóm chất lượng là gì? Đấy là các nhóm nhân viên họp lại với nhau để cùng thảo luận các sáng kiến cải tiến kĩ thuật và đề đạt với cấp trên. Tất nhiên là người quản lí sẽ có quyết định cuối cùng. Nhưng ý kiến của các nhân viên đã được lắng nghe và trong trường hợp áp dụng thành công sáng kiến thì các nhân viên có công sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Như vậy là, theo các lí thuyết gia hậu công nghiệp, vai trò của các cá nhân và tập thể đã được nâng lên và cũng có nghĩa là lao động của họ đã có tính sáng tạo. Nhưng lại cũng có ý kiến cho rằng việc động viên năng lực của nhân viên trong nền sản xuất hiện đại không làm cho họ được tự do hơn, mà ngược lại, lại tạo ra những cơ chế kiểm soát và động viên có tính toàn trị mới.

Nguy cơ này đặc biệt rõ ở những nơi có các loại xí nghiệp gọi là “hương nghiệp” (chủ yếu là ở những nước như Nhật, Nam Triều tiên, Trung quốc, tuy nhiên công nghệ quản lí kiểu này cũng đang được áp dụng và ngày càng mở rộng ở Tây Âu, Mĩ, Nam Mĩ và cả nước Nga nữa). Công nghệ gì vậy? Đấy là một hình thức quản lí hiện đại, trong đó người nhân viên phải đồng nhất quyền lợi của mình với quyền lợi của doanh nghiệp và ban lãnh đạo doanh nghiệp. Mục đích và ý nghĩa cuộc đời của anh ta là sự hiệu quả và sự thịnh vượng của doanh nghiệp. Không quản lí nhân viên theo kiểu hành chính quan liêu được nữa thì ngược lại, cần phải cho anh ta thể hiện sáng kiến với hi vọng rằng anh ta sẽ đồng hoá mình với doanh nghiệp, với ban lãnh đạo, để anh ta trung thành tuyệt đối và tận tuỵ phục vụ chăng?

“Trong “các nhóm chất lượng” công nhân được huấn luyện để tự cảm thấy mình không chỉ là một phần của “của công ty” mà còn xem xét công ăn việc làm của mình trên quan điểm của người quản lí nữa”, Karl-Heinz Roth đã viết. “Nhà doanh nghiệp phải thường xuyên can thiệp và “hướng dẫn” công tác của các nhóm này cho đến khi trong đó xuất hiện những “con diều hâu” thường xuyên đề đạt kiến nghị lên cấp trên. Một đội trưởng thường đảm trách luôn chức vụ nhóm trưởng và tổ trưởng công đoàn và đấy chính là điểm tựa của chế độ toàn trị của ban quản lí xí nghiệp đối với doanh nghiệp. Các nhóm chất lượng buộc công nhân phải làm hết sức mình, còn những người vì lí do nào đó mà cản trở sản xuất sẽ bị tập thể phê bình và cắt tiền thưởng”.

Đấy chính là “hệ thống quản lí bằng stress”, nó có thể tồn tại lâu như vậy là do ban quản trị các doanh nghiệp đã tạo lập được một sự quản lí toàn diện và có tổ chức đối với tập thể người lao động. Mọi hành vi vượt ra khỏi qui ước hoặc bất kì biểu hiện chống lại quyết định nào của “nhóm chất lượng” hay tổ chức công đoàn đều bị xử lí nghiêm khắc. Ví nếu không có sự đồng thuận của tất cả mọi người, ngay cả người làm công nhật thì toàn bộ hệ thống không thể hoạt động được. Những thủ tục như đồng ca bài hát truyền thống của doanh nghiệp, xếp hàng chào nhau buổi sáng, v.v., giống như thời phát xít đều có chung mục đích là loại trừ mọi “điểm nóng”. Công nhân hãng Nissan từng kể trong một hội nghị công đoàn ở Barcelona (1991) rằng ở Nhật đang có biểu hiện của một cuộc khủng hoảng đã cận kề. Theo lời họ thì “stress cả về thể xác và tâm hồn đè lên các tập thể lao động đã vượt mọi giới hạn và đang trở thành vấn đề”. Điều lí thú là nếu trong những năm 50 các quan hệ như thế là nhằm làm cho người lao động gắn bó với xí nghiệp, họ không bao giờ bị cho thôi việc thì hiện nay sự đồng thuận mang tính toàn trị đi liền với việc cho thôi việc hàng loạt.

Vở kịch sản xuất trong đó mỗi người được giao một vai, việc tự đồng hoá với doanh nghiệp, lời thề trung thành với nó; tất cả những điều đó hoà quyện với vở kịch tiêu thụ các hàng hoá hoặc tin tức chính trị như đã nói ở trên. Vòng tròn đã khép kín. Mỗi cá nhân sinh ra trong xã hội hậu công nghiệp ngay từ tuổi ấu thơ đã là người tham gia và con tin của các “đại hí trường”. Hoàn toàn có khả năng là trong tương lai, trên khắp mọi ngóc ngách của hành tinh, dù dưới những mặt nạ khác nhau, đâu đâu cũng là một “hí trường” ồn ào, mà nội dung chính của nó là lợi ích vật chất và ước muốn nô dịch toàn diện. Mặt trái của nó là sự suy kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần của người dân, sự xuống cấp của văn hoá, là chiến tranh do sự đụng độ quyền lợi giữa các thế lực đang điều khiển thế giới, và khủng hoảng sinh thái. Không được quên rằng chúng ta đã phần nào thuộc về chính cái tương lai đó.


Đối trọng

G. Orwell, tác giả của rất nhiều tiểu luận về các vấn đề văn học, xã hội học và triết học, nổi tiếng với tác phẩm «1984», mô tả xã hội toàn trị. Nhưng ít người biết rằng Orwell cũng không hoàn toàn ưu ái xã hội dân chủ tự do đương thời, ông gọi đấy là xã hội băng đảng. Theo quan niệm của Orwell, chỉ có phong trào chống đối có tính quần chúng thỉnh thoảng lại làm nổ tung xã hội dân sự phương Tây mới có thể ngăn chặn nó trượt xuống tình trạng bạo ngược của chế độ toàn trị. Đồng thời những thũ lĩnh băng đảng-cầm quyền cũng nhận thức được hậu quả của các phong trào chống đối đó, họ sẽ phải cố giữ cho mọi việc nằm trong “khuôn khổ”, không dám làm những việc có thể đưa đến sự giận dữ của toàn xã hội.

Hannah Arendt cũng có quan niệm phê phán đối với xã hội hạt nhân phương Tây, cũng như nguyên tắc dân chủ đại diện và phổ thông đầu phiếu. Lí tưởng của bà là nền dân chủ và tự do của các thành phố-quốc gia Hi lạp cổ đại chứ không phải là các nước Âu, Mĩ ngày nay. Theo quan niệm của bà chính các thành phố-quốc gia Hi lạp cổ đại, nhỏ bé, nơi các vấn đề quan trọng sống còn được giải quyết trong các cuộc hội nghị toàn dân mới đúng là “vương quốc của tự do”. Dân chủ tại các quốc gia đó được xây dựng trên cơ sở sự tham gia của toàn dân vào đời sống xã hội, trong khi ngày nay người ta chỉ chú ý đến đời sống riêng tư. “Tham gia” đòi hỏi người ta phải nỗ lực và tích cực chứ không đơn thuần là đi bỏ phiếu. Tương tự như các thành phố-quốc gia, Arendt cho rằng môi trường thuận lợi nhất cho người ta “tham gia” chính là các tổ chức tự nguyện ở địa phương được thành lập theo sáng kiến của chính người dân. Không phải ngẫu nhiên mà bà coi một trong những hậu quả nghiệm trọng nhất của chế độ toàn trị chính là việc đàn áp sáng kiến tự do, tự phát của con người và chính những sáng kiến đó là biểu hiện của tinh thần cuộc chiến đấu chống lại chế độ toàn trị. Một nhà nghiên cứu nổi tiếng khác, ông Erich Fromm cũng có quam điểm tương tự. Nhà nghiên cứu chế độ toàn trị người Pháp, Guy Debord, coi những cuộc hội nghị của người lao động và các hội đồng đại biểu của họ là phương cách duy nhất để thiết lập mối liên kết sống động giữa người với người và đấy cũng là quá trình tạo lập sự quản lí xã hội một cách trực tiếp.

Liệu có mâu thuẫn không? Chính các hệ thống toàn trị cũng đã từng lợi dụng tính tích cực của quần chúng – “sáng tạo sống động của quần chúng”, như V. Lênin từng viết và Hitler từng sử dụng. Nhưng tất cả những sáng kiến của quần chúng trong các chế độ và phong trào toàn trị là được tổ chức, hướng dẫn, điều khiển từ bên trên, bởi lãnh tụ, còn những người bị lôi kéo vào chỉ là những con rối chứ không phải là những người tự nguyện tham gia để góp phần tổ chức chính đời sống của mình, theo ý mình.

Ngoài ra liệu có thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến việc hạt nhân hoá xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp, sự ghẻ lạnh của con người với nhau, sự phát triển của bộ máy quan liêu và các phương tiện điều khiển dư luận nếu không quay về với đời sống phù hợp tự nhiên.

Một người vô chính phủ, thành viên tích cực của phong trào FORA (một liên hiệp công đoàn có khoảng 200.000 đoàn viên, có thời là liên hiệp công đoàn lớn nhất Argentina) Abad de Santilian từng tuyên bố: “Không chỉ chủ nghĩa phát xít mà ngay nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa cũng là một hình thức bạo hành nguy hiểm nhất.... Bộ máy tư bản, nếu nó vẫn cứ còn như hiện nay thì trong tay chúng ta nó sẽ không phải là phương tiện để giải phóng con người, con người sẽ vẫn bị cái cơ chế này đè nén”. Santilian còn tuyên bố: “Công nghiệp hoá không phải là điều kiện cần. Con người đã sống hàng ngàn năm không có công nghiệp hoá, hạnh phúc của con người không phụ thuộc vào công nghiệp hoá”. Một người vô chính phủ Argentina khác, ông Ismael Marti, từng nói: “Không được chỉ nghĩ đến sản xuất mà phải nghĩ nhiều đến con người. Không phải con người sống vì xã hội mà xã hội có là vì con người”. Ông còn kêu gọi «trở về với tự nhiên, trở về với đời sống nông nghiệp. Chỉ có như vậy ta mới có thể vượt qua được nền sản xuất hàng hoá và trở về với cách phân phối tự nhiên”.

Có thể giả định rằng một phần nào đó của công nghệ hiện đại sẽ được sử dụng vào mục đích giải phóng con người và xã hội, nhưng tất cả các công nghệ đó sẽ chẳng mang lại điều gì khác hơn là tái tạo lại sự ghẻ lạnh giữa người với người và sự mất tự do (dù là dưới một dạng khác). Vì rằng những tập thể tự quản nhỏ sẽ không thể nào kiểm soát được quá trình sản xuất và trao đổi cực kì phức tạp, vốn là một phần tất yếu của các hệ thống công nghiệp và hậu công nghiệp toàn cầu hiện nay, họ không thể nào hiểu được bản chất của quá trình này. Việc hiểu biết một cách vụn vặt, rời rạc chứ không phải tổng thể cả quá trình sẽ đưa đến việc quá chuyên môn hoá và nhóm nọ không thể nào hiểu được mục đích cũng như quyền lợi của các nhóm khác (như thế sẽ không thể nào quản lí được xã hội). Như vậy là nhất định phải thành lập một bộ máy quan liêu-kĩ trị, bộ máy đó sẽ làm nhiệm vụ điều tiết toàn bộ xã hội. Công nghệ hậu công nghiệp sẽ cung cấp cho bộ máy đó những khả năng chưa từng có và sẽ dẫn tới những hình thức kiểm soát xã hội toàn trị mới về chất.

Lịch sử hiện đại phương Tây đã từng biết đến các phong trào quần chúng mạnh mẽ bao gồm cả các thành tố tự quản. Nhờ kết hợp các hành động bất tuân dân sự (biểu tình phản đối, bãi công, phong toả các con đường…) và các hoạt động có tính xây dựng như thành lập các hiệp hội độc lập, các quĩ tương trợ, các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ, trường học, chính quyền tự quản, các trung tâm văn hoá, nên các phong trào này đôi khi đã giành được những thành tích đáng kể. Như vậy là, quần chúng, một mặt đã cố gắng điều chỉnh hành vi của chính quyền, nhưng mặt khác đã cố gắng thành lập ra những hệ thống xã hội trên cơ sở đồng thuận và tôn trọng quyền cũng như sự tự do của mỗi thành viên. Nói một cách khác đây chính là những nhóm nhỏ trong đó mọi người quan hệ với nhau một cách thân thiện và gắn bó với nhau nhờ sự tương đồng về quyền lợi. Các nhóm đó tạo cho người ta điều kiện tham gia trực tiếp vào việc giải quyết các vấn đề, sống một cách trọn vẹn chứ không chỉ là người tham gia vào các vở kịch do các phương tiện thông tin đại chúng, nhà nước và các công ty lớn đạo diễn nữa.

Trong những năm 70 và 80 ở Cộng hoà dân chủ Đức đã từng có những phong trào quần chúng rộng lớn trong việc bảo vệ môi sinh, chủ yếu là để chống lại việc xây dựng các nhà máy điện và các cơ sở hạt nhân khác. Đã có hàng triệu người tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối và phong toả các công trường xây dựng. Phong trào này đã xây dựng được các cơ sở hạ tầng song hành với những cơ sở chính thức, của nhà nước. Hàng chục ngàn người tham gia vào các hợp tác xã. Trên thực tế những người tham gia phong trào không chỉ ngăn chặn chương trình hạt nhân mà trong nhiều trường hợp đã tự xây dựng được những cơ sở mới cho cuộc sống của cá nhân mình.

Năm 1985 ở Pháp đã có phong trào phản đối chương trình cải cách giáo dục, đánh vào túi tiền của tầng lớp sinh viên nghèo. Tất cả các trường đại học đều tham gia bãi khoá, riêng ở Paris đã có hơn một triệu sinh viên tham gia biểu tình phản đối. Kết quả: nhiều mục của chương trình cải cách đã phải huỷ bỏ.

Năm 1988 ở Anh có phong trào chống lại cải cách thuế khoá của chính phủ Thatcher. Chương trình này rõ ràng là một sự thụt lùi vì nó bổ một mức thuế đổ đồng theo đầu người, không phụ thuộc vào thu nhập thực tế. Hàng trăm ngàn người đã xuống đường biểu tình. Mười bốn triệu người không chịu đóng thuế. Tại trung tâm London có 250 ngàn người tham gia biểu tình và đụng độ với cảnh sát. Kết quả: mức thuế không được lòng dân bị bãi bỏ.

Năm 1995 tại Pháp 2 triệu công nhân và sinh viên đã tham gia một cuộc bãi công, bãi khoá kéo dài đòi huỷ bỏ một loạt cải cách hướng đến cắt bớt các ưu đãi xã hội và giảm hưu bổng. Các hiệp hội công nhân và sinh viên xuất hiện khắp nơi. Chính các tổ chức này chứ không phải bộ máy công đoàn chính thức, quan liêu quyết định phương sách đấu tranh và tiến hành đàm phán với chính quyền. Kết quả là chính phủ phải đưa một loạt sửa đổi chương trình cải cách.

Như nhà sử học và chính trị học hiện đại người Ý, Marco Revelli, đã viết: “Ta không nói về các cuộc cải tạo lớn, về đường sắt cao tốc, là những công trình có đầu tư lớn và hệ thống trung ương tập quyền. Ta nói về y tế cơ sở. Về giao thông trong các khu đô thị, về vệ sinh công cộng, về tổ chức thời gian rỗi, về giáo dục và nâng cao tay nghề, những việc đó có thể được các tổ chức tự quản hay các cá nhân riêng lẻ thực hiện, trên cơ sở tự nguyện... Khi đó sẽ cần đặt địa phương lên trước trung ương. Đồng thời sẽ phải công nhận “giá trị như nhau” của những khác biệt, sự thống nhất trong đa dạng và tiến đến một tình đoàn kết bình đẳng trong xã hội”

Những phong trào như vậy có trở thành một phản-lực mà từ đó sẽ xuất hiện các quan hệ phi độc đoán, phi toàn trị, các quan hệ dựa trên sáng kiến của chính quần chúng, dựa trên phong trào tự quản? Các sáng kiến đó có đủ sức ngăn chặn cuộc tấn công của làn sóng toàn trị mới? Chỉ có thời gian mới trả lời được mà thôi.


© 2004 talawas
Nguồn: Nguyên bản tiếng Nga:
http://avtonom.org/pub/magid_total.html, 09.7.2003