Hỏi (H): Ngày 30.04.75 anh dậy vào lúc mấy giờ?
Hà Nguyên Du (HND): Cả đêm trước đó, tôi không ngủ, tâm trạng rất là hoang mang và mệt mỏi, tới ăn cũng không được. Ông cậu tôi có làm nguyên một con vịt, tôi ăn không vô một miếng.
H:
Lúc đó anh đang ở đâu?
HND: Tôi đang ở Bình Thới, nhà của ông cậu tôi, còn gia đình, ông bà già và 7 người em đều ở quê thuộc tỉnh Tây Ninh. Lính được cho đi tìm gia đình thất lạc, đến phiên tôi đi phép, từ Bến Lức về đến Sài Gòn thì bị kẹt lại, mấy ngày trước 2 lần tìm cách mà lần nào cũng vậy. Quốc lộ 1 bị phong toả ở ngang quận Củ Chi, thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, ngang căn cứ Bắc Hà có lính Sư đoàn 25 ào ra, kéo giây kẽm gai không cho xe qua lại. Tôi lại trở về nhà ông cậu với cô bạn gái mới quen. Mấy ngày đó đang có thêm cô bạn, mình đang đi lính, độc thân, thành thử cũng… Mệt lắm, giống như là chuyện trong bài thơ “Phòng số 22” của Lê Thị Thấm Vân. Vậy mà, đêm 29, người em bà con nấu một nồi cháo, kêu tôi ăn một miếng dưỡng sức mà tôi ăn cũng không vô. Lúc đó, thật là… Hoang mang!
H: Anh phục vụ ở đơn vị nào vào thời điểm 75?
HND: Vào thời điểm 75, tôi là một trong số rất nhiều Sĩ quan di tản được gom lại để tái vũ trang và phối trí vào Sư đoàn 22 Bộ binh, cấp tốc đưa đi giữ gìn trục lộ 4 hầu bảo vệ Sài Gòn trong cơn bị đe doạ trầm trọng, chứ đơn vị trước kia của tôi đâu phải vậy! Sự thật, khi ra trường tôi là Sĩ quan Biệt động quân, mà lại thành Địa phương quân, vì phải đi theo kế hoạch của người bạn thân chung khoá, hứa sẽ giúp cả hai đứa về Bộ tư lệnh ở Sài Gòn nhưng bất ngờ không thành, tôi trở tay không kịp, đành nhắm mắt đưa chân, đổi đơn vị khác khi không còn đơn vị nào tốt để chọn khi ra trường. Tôi đang ở bên Địa phương quân, chính nhà thơ Kim Tuấn giới thiệu tôi với ông Trung tá… Đại tá Tiểu khu trưởng, xếp đặt cho tôi một công việc phù hợp với khả năng hơn. Ông này hỏi tôi văn nghệ thế nào, tôi trình ông thẻ nhà báo, tôi khoe thêm là tôi làm thơ và thường đi ca hát tài tử… Thế là ông đưa tôi vào làm việc ở Phòng CTCT/TLC (Phòng Chiến tranh Chính trị/Tâm lý chiến Tiểu khu Kontum
[1] ). Nơi đây họ biết khả năng tôi ngay và liền giao tôi đặc trách báo chí, tôi công tác qua lại với cục TLC để in báo, từ đó tôi quen với thi sĩ Du Tử Lê…
H: Vậy lúc di tản đường 7 anh cũng có mặt?
HND: Tôi đang công tác ở đơn vị cũ Địa phương quân trước tháng tư, đùng một cái rối ren, động tĩnh như thế, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 triệt thoái cùng nhiều đơn vị khác, tôi chạy tới Cam Ranh rồi ngủ lại một đêm ở nhà dân gần nhà dài chợ Phan Rang. Và rồi đến tỉnh Bình Tuy, bước xuống cảng, lúc ông Đại tá gì đó… to con ưa chửi thề lớn tiếng, ông đứng ngoài cảng ra lệnh phân loại, tôi thành phần độc thân lên tàu HQ 202, quân nhân có gia đình đi cùng lên tàu khác. Vô tới Vũng Tàu chiều ngày 7.4.75, tái phối trí vào Sư đoàn 22 và lưu lại ở Trung tâm Huấn luyện Lam Sơn 5 ngày
[2] . Tôi được làm Trung đội trưởng. Chỉ huy một trung đội thặng dư quân số, có gần bốn mươi người lính đủ loại, gốc từ Hải quân, Không quân cũng có. Tôi có tới 3 Trung sĩ Hải quân và 2 ông Trung đội trưởng Nghĩa quân… Tái vũ trang, đưa tôi vào Bến Lức, rồi đi Đức Hoà, Đức Huệ (12.4.75). Hành quân ngỡ như đụng trận mà không hẳn là đụng trận, bởi đêm đang di chuyển thì nổ cái ầm rồi thôi, tưởng đạp trúng mìn, mà là bị VC bắn B40. Sáng ra truy đuổi VC trên đường ruộng, bắn cả bằng đại liên 30 mãi mà không trúng. Tôi vô lục soát nhà dân cũng không kiếm ra súng đạn gì hết, tới một ngôi chùa, ở trong chùa đầy thanh niên trốn quân dịch, ai nấy mặt mày xanh mét. Tôi không bắt ai, nói tụi tôi đi kiếm VC không phải kiếm trốn lính. Đến 27.4.75, ngày tới phiên tôi đi phép, ra đường kế quận Bến Lức, đón xe vận tải về Sài Gòn, giữa đường gặp cô gái.
H: Cô bạn gái… Phòng số 22?
HND: Phải, cái cô chuyện như trong bài thơ của Lê thị Thấm Vân
[3] . Tôi ngồi kế tài xế thấy cô bé xinh quá, mặc áo vàng, có cái nốt ruồi giống như ca sĩ Phương Hoài Tâm, kêu xe ngừng lại. Cô này con một ông Thượng sĩ Cảnh sát ở Vũng Tàu, đi thăm người yêu là Trung sĩ Sư đoàn 22. Gặp tôi Thiếu uý, tôi rủ đi theo tôi về Sài Gòn chơi, cổ đi theo luôn, tôi dẫn về nhà ông cậu ở Sài Gòn, Bình Thới.
H: Anh đi xe đò bữa hôm đó còn mặc quân phục? Đường xá lúc đó chưa lộn xộn an ninh?
HND: Tôi mặc quân phục đàng hoàng, đeo lon Thiếu uý, có mang theo cây súng Colt 45 còn mới tinh. Cây súng này có một tiểu sử khá là đặc biệt, do mấy người lính trong Trung đội cho tôi, họ lượm được ở trong trại Qui Nhơn lúc bỏ thành phố
[4] . Nhưng tiếc nhất là tôi có một tập thơ tôi làm, chép đầy một cuốn vở 200 trang giấy học trò vào dịp đó bị mất. Mà thơ có mấy ai thuộc nhiều thơ chính mình, tôi chỉ thuộc thơ của người khác, đến giờ tập thơ đó tôi chỉ nhớ có mỗi một bài, còn bao thì lơ mơ…
H: Anh mất tập thơ ở Qui Nhơn?
HND: Bỏ trong ba lô, đi đâu tôi cũng ôm theo, lúc chạy lại không mất. Về tới Vũng Tàu bữa đi ra chợ mua đồ trang bị cho cuộc hành quân, tôi bỏ ba lô ở trong trại, nhưng ôi ai đó ẵm nguyên cái ba lô. Tôi có nhắn mấy thằng lính giữ mà đứa nào ăn cắp không hay, tiếc thật!
H: Rồi anh mất tập thơ, nhưng có cây súng ngắn, lại được cô bạn gái.
HND: Cô này theo tôi về nhà ông cậu, tôi dắt đi Sài Gòn chơi. Cũng tại vì cô này mà tôi không đi được năm 75. Lúc ra chợ Bến Thành sáng 30, cô nói anh mua cho em mấy cái son phấn trong chợ. Thành thử ra đi ngang chỗ trọ học lúc trước, có thằng bạn ở gần nhà mà tôi không vào. Tay này lính kiểng Biệt khu Thủ đô, có quen mấy bạn Hải quân ở bến tàu, nó nói nó chờ tôi đến chiều 30 mới lên tàu sang Mỹ. Bạn này học ra kỹ sư, giờ làm Giám đốc tới mấy hãng điện tử. Năm 90 tôi đi đợt đầu H.O.5, lúc mới chuyển từ San Antonio, bang Texas sang Cali, tôi ở nhà nó mấy tháng trước khi dọn xuống dưới này. Hồi đó nó mới mua căn nhà, sang trọng, phía trên đồi quận Cam đây này… Phải tôi tạt qua ngày hôm đó là hai đứa đã đi cùng. Tại cái cô áo vàng, với lại bữa đó trời mưa lớt phớt, tôi đã tới đầu hẻm, đứng nhìn thấy cái nhà mà không ghé vô.
H: Nghĩa là ngày 30, cô này còn ở với anh?
HND: Cô còn ở với tôi đến sáng mùng một, tôi đưa cô ra bến xe đò, còn tôi cũng lên xe đò về quê Tây Ninh. Đường hôm đó đông nghẹt, kẹt cứng hai chiều. Tôi ngồi trên nóc xe, đầu đội cái nón rằn ri, cái nón bo đi rừng này là món sau cùng mà tôi tiếc rẻ, người ta nói quăng luôn đi, coi chừng Việt cộng bắn ẩu, tôi nghĩ cái nón như lao động đội thôi, có hề gì, người ta nói Việt cộng bắt, kêu là ngoan cố, tôi phải quăng luôn.
H: Anh bận thường phục?
HND: Đêm 30 là thường phục rồi, bộ đồ lính tôi quăng trên mái nhà của ông cậu.
H: Còn cây súng cũng liệng nốt?
HND: Đâu có! Vậy mới đặc biệt. Lúc đó thì súng bỏ đầy đường rồi, nhưng 2, 3 bữa trước, mấy lần về Tây Ninh mà không được, thừa lúc cạn tiền, tôi ghé vô một thằng bạn con nhà giàu làm việc ở xã Tân Phú Thượng, Củ Chi, định hỏi mượn tiền nó thì gặp một sòng bài mà nó đang thua, nó xúi tôi và gạ gẫm bán cây súng mới của tôi 3.000 đồng! Vì lúc đi phép, lương lãnh được có nửa tháng
[5] , lại có cô bạn thì phải ăn xài, đâu còn đồng nào. Cây súng này, lúc đi chơi, lận vào hông thì nặng, tôi đưa cho cô kia giữ, bỏ trong cái túi xách Pan Am nhưng tôi gỡ băng đạn ra vì cũng phải cảnh giác. “Ngoài ta là địch”, biết đâu cô đó là “địch” thì sao? Tối ngủ ở nhà ông cậu, cái băng đạn vô nghĩa còn lại, không hiểu sao tôi nhét nó trong cột gạch ba-banh, thứ có mấy cái lỗ hổng ở phía trong. Nhưng, nghĩ cũng hiếm, lạ, cây súng thừa người ta cho, lại bán được ngay trước đó có mấy ngày để đắp vào khoảng thiếu tiền, thật là ăn khớp. Đó là may, kẻo không thì tiền đâu mà đi chơi với đào? Vả lại sau này rồi cũng quăng như người ta!!!
H: Hôm 30 chưa rời Sài Gòn anh có thấy bộ đội vào thành phố không?
HND: Không! Vì như kể trên, sáng 30 tôi còn đi chơi với cô bạn gái một chút rồi về lại nhà ông cậu. Sự thật hình như từ giữa trưa đến chiều bộ đội mới tràn vào thành phố. Những thời điểm đó thì từ dân đến quân ai mà chẳng lo sợ, hoang mang? Tôi nằm nhà ông cậu thì nào thấy ai, chỉ dám nhú ra đầu hẻm thì thấy tụi đeo băng đỏ lấy xe jeep của mình, đeo M16 lượm được lái khắp nơi, ra tùm lum đủ thứ lịnh lạc. Tôi đã tính ra trình diện ở Bình Thới nhưng nghĩ đang lộn xộn, nên để ý định ấy về quê…
H: Dọc đường có bộ đội, chốt nút gì không?
HND: Sáng mùng một, trên đường về quê trình diện, tôi không thấy gì cả, chỉ thấy rải rác xác người nằm cong queo trên lề đường, quần áo, quân trang, quân dụng của quân đội nằm khắp nơi. Trên đường đầy xe dân sự kẹt cứng hai chiều, người vô kẻ ra. Về tới quê tôi mới thấy có xe tăng ở quanh vòng đai. Ông bà già tôi lúc đó mắt đầm đìa vì còn đợi có mình tôi. 7 người em ai cũng ngóng nhốn nháo trước cửa nhà…
Hà Nguyên Du nguyên quán Tây Ninh. Sang Hoa kỳ H.O.5 năm 1990. Đã xuất bản: Trong Mùa Lá Xanh (1970) in chung, Lối Khác (1998), Anh Biết, Em Yêu Dấu (2001), Gene Đại Dương (2003). Sẽ in : 25 bài ca Tân Cổ Nhạc giao duyên (tên khác: Trường Khanh).
© 2004 talawas
[1]Thời chiến tranh, tổ chức hành chánh của miền Nam đặt dưới quyền của quân đội. Mỗi tỉnh cũng là một tiểu khu, tỉnh trưởng là một Trung ta’ hay Đại tá kiêm Tiểu khu trưởng. Các đơn vị Địa phương quân là lực lượng của Tiểu khu nên việc thuyên chuyển rất dễ thực hiện, ở đây là nội bộ, từ đơn vị tác chiến về pho`ng tham mưu cũng của Tiểu khu.
[2]Sư đoàn 22 “Trấn biên bình hải” là lực lượng chủ lực thuộc Quân khu 2 nhưng vào thời điểm này không còn nguyên vẹn nên được tái phối trí bằng đủ thứ lính vơ vét.
[3]Tạp chí Thơ số 17, mùa đông 1999, trang 142.
[4]Colt 45 là súng ngắn trang bị cho Sĩ quan chỉ huy hay lính mang máy truyền tin. Loại này rất thông dụng trong quân đội VNCH.
[5]Lương Thiếu uý là 28.000 cho độc thân, cộng thêm các thứ phụ cấp như tiền cho đơn vị nơi rừng núi, sình lầy v.v…