© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Ngày 30 tháng TÆ° của tôi
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
4.6.2004
Nguyễn Thị Ngọc Nhung
30.04
 


Trong khoảng hai tuần cuối của tháng tư, gần như ngày nào cũng có một đám chín, mười người bày hai cái bàn với biểu ngữ cổ võ cho cuộc chiến sắp tàn ở Việt Nam ngay khoảng sân lớn giữa San Francisco State University. Hôm H. và Th. rủ tôi với D. ra đó, vừa thấy mặt, anh Đ. đã gằn giọng.

"Đi về đi, ra đây làm gì?"

Đấy không phải là cái giọng hằn học ghét bỏ mà là cái giọng che chở kiểu hà tiện lời nói của anh tôi. Tôi không trả lời. Anh quay sang D.

"Mấy đứa về đi. Lát nữa có cảnh sát..."

Rồi anh bỏ lửng ở đấy. Rồi anh bỏ đi, chen vào đám đông càng lúc càng đông hơn trước mặt. Mọi người quanh tôi ít nhiều đều bị lôi cuốn vào cái không khí hậm hực. Họ không hò hét ủng hộ bên này thì cũng la ó phản đối bên kia. Số người tò mò theo dõi thì tụ tập xa hơn một chút hoặc lóng ngóng nơi những cửa kính mấy toà nhà quanh đó nhìn xuống.
Hai cái bàn ấy cắt đám đông làm đôi. Bên nào cũng có người vác cờ lâu lâu phất lên phất xuống theo lời hô lớn. Sát nơi bàn, có hai thứ cờ nhưng chỉ có cây cờ màu vàng ba sọc đỏ bị dựng ngược đầu. Cây cờ ngược đầu này được giữ trong tay một người có bắp thịt nở mặc quần đen cởi trần, chân mang giày vải đen kiểu Lý Tiểu Long. Thời đó Lý Tiểu Long đang ăn khách và thằng da vàng nào cũng được da đen lẫn da trắng ở San Francisco nhìn bằng cặp mắt e dè.

Tôi hỏi H. "Mấy người đó tính làm cái gì vậy?" sau khi đã cẩn thận trốn sau một băng ghế, trốn anh tôi chứ không phải trốn cảnh sát. H. nói.

"Đù...mmm... mấy thằng chả... đụ... tính giựt cờ lại. Đù mẹ… giờ còn… đụ… giở chuyện…đờ… mmmm."

Lối nói rắc tiếng chửi thề này nghe mãi đã quen, tôi không còn cảm thấy khó chịu. Với ai H. cũng một giọng. Tôi không rõ có phải vì H. thích thị oai kiểu anh chị du côn hẻm nhỏ mà thành ra có thói quen ăn nói dễ làm mất cảm tình của người lớn và đàn bà con gái.

Thật ra thì anh tôi đuổi tôi về cũng phải. Thế nào cũng có bạo động. Nhẹ thì chửi rủa xô đẩy. Nặng thì đánh nhau rồi bỏ chạy. Nhưng những lúc gần đây, đánh nhau rồi bỏ chạy ở những cuộc biểu tình như thế này xảy ra thường xuyên hơn trước. Cãi lý không xong thì chỉ có đánh nhau mà thôi. Bên quốc gia, bên phản chiến, bên thân cộng và bên ngoài bên trong. Bên nào cũng sẵn sàng đánh nhau vì không còn kiên nhẫn để lý cãi gì nữa.

Cảnh sát quanh quẩn mấy đường phố vây quanh trường nhưng chưa có người nào đặt chân vào khuôn viên. Họ chờ đợi. Nếu chỉ la ó cho đến khi khản giọng rồi giải tán có trật tự thì không sao chứ còn bạo động đánh đấm xảy ra thì họ buộc phải can thiệp. Rồi tùy không khí biểu tình và tùy đám đông, có khi họ hốt lung tung bất kể người tham dự hay kẻ tò mò. Anh đuổi tôi về vì biết rằng thế nào tôi cũng cứng đầu lang thang đâu đó theo dõi.

Tôi chỉ tò mò cái không khí náo động chứ trong tôi đầy chán nản. Rồi họ làm được gì ở cuộc biểu tình này, tôi tự hỏi. Tất nhiên mọi người, không phải chỉ riêng ở San Francisco mà là khắp nơi, đều theo dõi tin tức từng ngày một, đều cùng thấy những hình ảnh ghê rợn của cuộc di tản hỗn loạn, đều cùng nhận ra cái kết cuộc không lường ấy đang thành hình và không có bất cứ kêu gọi, hoà giải hay ngăn chận nào có thể níu giữ được bước chân của nó kể cả người trong cuộc. Nhưng rồi tôi cũng hiểu, mọi người đều cảm thấy mình phải làm một cái gì đó để lắng bớt cảm tưởng bất lực và mặc cảm tội lỗi ít nhiều mang nặng trong tâm trí.

Đám đông thỉnh thoảng xô đẩy lấn qua lấn lại rồi tản ra. Có lúc họ gầm ghè doạ dẫm đứng thật sát hét vào mặt lẫn nhau. Anh tôi và anh L. thầm thì toan tính. Tôi lo ngại vì không muốn thấy anh mình đấm đá với ai nhưng trong thâm tâm tôi biết rõ điều này sẽ không tránh được.

Tôi vẫn ghét bạo động nhất là từ khi chứng kiến cảnh ba bốn người cảnh sát vật khiêng một cô gái lên xe jeep hồi Tết Mậu Thân. Từ ban công nhà trên lầu nhìn xuống, tôi thấy rõ mọi chuyện. Khi xe chạy đi, tôi còn thấy người ngồi cạnh tài xế quay lại đánh tát túi bụi trong khi hai người ngồi sau giữ chặt tay chân chị khiến tôi vô cùng bất mãn. Chuyện không có gì. Chị ấy muốn qua Đa kao tìm thằng em vừa được sai đi chợ. Phiền nỗi là mỗi khi có tiếng nổ ầm bất ngờ thì giây kẽm gai lập tức được kéo ngăn không cho ai qua lại cầu Bông. Chị lo cho thằng em nên không chịu về nhà, cứ đứng đấy năn nỉ không xong rồi đến lời qua tiếng lại đưa đến chuyện cảnh sát hè nhau người nắm tay kẻ ôm cổ khiêng quăng lên xe. Cái hình ảnh ba bốn người đàn ông tấn công một người con gái hằn nét đậm hơn trong tôi khi vài tháng sau tôi lại thấy chị đi ngang nhà, quần áo lôi thôi, mặt mày đờ đẫn mắt nhìn xuống đất không giống người con gái linh hoạt ngày trước nữa. Và tôi cũng không bao giờ quên ánh mắt đe doạ của người cảnh sát vòng tay quật cổ chị ấy trước đó, lúc lên xe, tình cờ hắn ngước nhìn lên ban công nhà thấy tôi ngó xuống.
Trong đám đông sau lưng anh Đ. và anh L., tôi thấy hai chị em C. và Q. Họ thuộc về một nhóm khác tuy học chung trường SFSU nhưng lại mang tiếng thân cộng chỉ vì họ không tham dự những biểu tình chống lại hoạt động của nhóm sinh viên Việt bên Berkeley là nhóm có liên hệ mật thiết với sinh viên nội địa thân cộng hoặc phản chiến. Tôi ngạc nhiên vì nhớ cách đấy vài hôm, ở nhà một người quen, khoảng 9, 10 sinh viên gì đó họp lại bàn tán và trao đổi cách thức làm giấy tờ chánh thức lẫn không chánh thức cho gia đình, sau khi bàn tán lan man đủ thứ chuyện, có người bỗng nhắc đến chuyện đám người mỗi ngày dựng biểu ngữ giữa trường hoan hô Mặt trận Giải phóng miền Nam. Một chập sau bỗng có giọng giận dữ của người nào đó khá lớn "Đánh chết mẹ hai chị em C. Q. đi! Đồ phản quốc." Tôi bất mãn vì lời hăm doạ thô bạo hết sức vô lý nên nhớ mãi. Giờ bỗng dưng thấy hai chị ấy đứng chung với mọi người, mắt đỏ hoe và miệng cũng hò hét, không rõ người lớn giọng đe doạ hôm trước rồi sẽ nghĩ sao? Đám con gái học trò như tôi, người nào cũng sụt sịt mỗi ngày dăm ba bận. Khi nghe tin tức trên radio, khi thấy hình ảnh phóng sự trên truyền hình, khi túm lại hỏi han trao đổi cách làm giấy tờ, là thấy nước mắt. Bọn con trai khác hẳn. Họ không biểu lộ tình cảm như đám con gái bằng nước mắt mà bằng toan tính đủ thứ như chuyện mướn máy bay thuê phi công về rước thân nhân. Mới nghe qua tôi đã thấy vô lý nhưng hình như vẫn có người tin và rủ rê nhau theo đuổi dự tính ấy. Không rõ rồi họ gom được bao nhiêu tiền và đã điều đình với hãng máy bay nào.

Mọi náo động ồn ào gần như lặp lại quá nhiều lần nơi bãi cỏ xanh ngăn ngắt của trường rồi buộc phải đi tới tột điểm chỉ trong vòng mấy giây. Anh tôi và anh L. nhào tới. Họ quấn quíu với người cầm cờ vàng sọc đỏ ngược đầu. Đám đông la ó hỗn loạn hơn, người túm lại, người ào tới. Tiếng hét tiếng kêu thất thanh hỗn độn. Rồi đám đông đang loạn đả nơi hai cái bàn bỗng giãn ra như trong một trận đánh quyền Anh, họ cùng thở gấp gườm gườm nhìn nhau. Cây cờ vàng sọc đỏ nằm trong tay người nào đó tôi không còn nhớ, anh L. hay anh tôi, dựng thẳng ngay ngắn. Rồi vụt nhiên mọi người bỏ chạy tứ tán. "Cảnh sát tới! Cảnh sát tới!", "Police coming! Police coming!" Ở nơi trũng giữa bãi cỏ thật lớn, tôi có thể thấy cảnh sát cầm dùi cui đang chạy tràn xuống từ mấy dốc cao vây quanh. H. níu tay áo tôi thúc hối. "Bà này!" Điều ngạc nhiên là tôi không thấy D. đâu cả. H. đẩy tôi chạy vào toà nhà khoa học vì đấy là toà nhà gần nhất. Trong building đầy sinh viên chen nhau lóng ngóng nhìn qua khung kính trong. Tôi lên mãi lầu ba mới chen được một chỗ nhìn xuống bãi cỏ giờ chỉ còn mấy miếng cờ giấy nằm quấn trên bãi cỏ, bàn lật nghiêng, giấy vất lung tung vung vãi, xa xa vẫn thấy có người chạy tuy không có ai rượt theo cả. Cảnh sát tụm lại giữa sân, tiếng kêu gọi qua loa ồm ồm khuyên mọi người ra về. Phần lớn các lớp đều bãi sau đó. Đứng một lát tôi mới thấy D. xuất hiện cằn nhằn.

"Nãy giờ chạy đâu kiếm không ra?"

Tôi không trả lời quay ra nhìn xuống bãi cỏ. Không thấy anh tôi nơi nào cả cho đến khoảng chiều tối ngày 30.04, anh gọi.

"Có biết tin ông Minh đầu hàng chưa?"


*


Khi ông Minh tuyên bố đầu hàng, trước mặt của ông là một số ký giả lố nhố chụp hình đèn chớp nháy, tôi đang ngồi xếp bằng trên giường lưng dựa tường. T. ngồi bệt trên sàn trước mặt tôi. Chỉ có tôi và T. theo dõi truyền hình. Ba người kia đứng dựa cửa hút thuốc. Con chó nằm cạnh chân T. Bản tin tối quan trọng này đã cắt đứt chương trình thường ngày. Ngày hôm đó để lại trong tôi hình ảnh đứng ngồi của năm người và một con chó trong căn chung cư studio ở Daly City. Như một tấm ảnh chụp đã lâu, tôi hay tưởng tượng ra nó quăn góc vàng héo. Nhưng cái cảm tưởng mất mát và bị tước đoạt một thứ gì quan trọng trong đời thì hình như không chịu vàng héo như tấm ảnh ấy mà lúc nào cũng rình rập đợi dịp trồi lên khiến tôi ngột ngạt ấm ức.

Sau câu tuyên bố đó, tôi ngồi im không thấy gì hết, nước mắt tự động ứa ra càng lúc càng nhiều. Cảm tưởng mất mát quấn chặt lấy tôi. Ngay lúc đó tôi chỉ biết là tôi đã mất nơi về. Tôi chỉ biết là tôi đã bị bật rễ, ném vào cái thế giới tôi vẫn cho là tạm bợ, cái thế giới tôi buộc phải chen vào, kể từ đây.

Mọi thứ trong ký ức tôi kéo về thật nhanh. Trong chớp mắt tôi thấy lại tất cả thư từ kỷ vật đã để lại. Cũng trong chớp mắt ấy, tôi thấy nơi chốn tuổi thơ trải qua đã từng bị mất sau Mậu Thân, giờ đến nơi chốn của tuổi mới lớn cũng bị mất theo. Như người bị cướp của, tôi mang cảm tưởng đời tư bị xâm phạm hai lần. Nơi chốn đối với tôi vô cùng quan trọng vì đấy là nơi tôi về, chốn an lành sau cùng, trên cả hai nghĩa trừu tượng và thực tế.

Ở buổi chiều 30.04 đó, tôi chỉ biết là tôi chưa có một quyết định hẳn hòi khi ra đi. Tôi chỉ biết là tôi sẽ không bao giờ gặp lại bạn bè gia đình và nơi chốn. Mọi chuyện quanh tôi trở nên vô cùng đen tối. Tương lai tất nhiên là đen tối khi học hành chưa đến đâu, việc làm tạm bợ, toàn là bưng dĩa bưng ly, hay ngồi nhà bếp múc từng viên bơ tròn trịa vào cái ly giấy bé tí xếp đầy một khay lớn, mỗi buổi vài chục khay, mỗi tuần dăm ba ngày, hay đêm đêm cộng trừ nhân chia những con số dài ngoằn trên tập tường trình nhiều trang của ngân hàng, cho đến khi học xong, cho đến khi con lớn? Mãi đến giờ, tôi vẫn mang cảm tưởng chưa từ giã, chưa có quyết định đi hay ở, và đã bị tước đoạt cái quyết định ấy một cách trắng trợn vĩnh viễn. Sẽ không bao giờ tôi quay lại được thời điểm ấy để có quyết định rõ ràng biên biệt. Cái quyết định ấy chỉ để giúp tâm thần tôi yên ổn với món nợ, tôi cho là, chưa trả. Đời tôi dừng lại, mọi thứ khựng lại, trong một ngày không ai lựa chọn hay tiên đoán, hoàn toàn nằm ngoài tôi nhưng lại chi phối đời mình một cách thô bạo, rồi quẹo trái sang phải biến thành một tôi bây giờ.

Sau ông Minh là những hình ảnh hỗn loạn trên quốc lộ 1 được tóm tắt từng ngày với hình vẽ bản đồ chữ S dần nhuộm đỏ theo diễn biến. Mọi thứ được nhắc lại thể như khán giả cần phải ôn bài học tàn nhẫn của chiến tranh qua hình ảnh; thể như làm nặng thêm ảnh hưởng của câu tuyên bố được phần tích cực trong việc giải quyết cuộc chiến. Những đứa trẻ cười toe toét vác đồ trên lưng chạy, hay hè hụi nhau khiêng một cái sofa, tủ lạnh… Có đứa vô tâm cười toe khi nhận ra ống kính quay phim chỉa về phía mình. Người lớn thì day đi hay giấu mặt sau món đồ. Cũng có người chăm chú như vẫn thường làm chuyện khuân vác như thế. Ngoài khơi Vũng tàu, lắm thuyền bé thuyền lớn, kể cả thuyền thúng, người đeo ruột bánh xe loi ngoi tìm cách đến những tàu lớn. Những chiếc tàu lớn này như những cái phao khổng lồ sừng sững đợi. Họ cẩn thận không chiếu đoạn người sĩ quan cảnh sát nổ súng tự tử trước Quốc Hội, chỉ cho thấy lúc ông nghiêm chỉnh chào rồi sau đó là xác được ai xếp ngay ngắn nón đặt trên ngực. Mãi rồi tôi không còn biết hình ảnh nào là cũ là mới hay vừa xảy ra trong ngày. Tôi theo dõi với đầu óc tê dại. Hình ảnh vài đám đông hò hét hoan hô ở trung tâm thành phố hay bên đại học Berkeley tương phản quá sức với cảnh hỗn loạn bỏ chạy, đồ đạc gãy gọng vất loạn xạ, xác người bên lề đường.
T. quay lại vỗ vỗ đầu gối tôi.

"N. đừng khóc nữa. N. khóc hoài làm T. khóc theo đó."

Tôi nhìn cặp mắt đỏ ướt nước của T. tai vẫn loáng thoáng nghe tiếng nói chuyện của ba người nơi cửa trước. Dường như chỉ có tôi và T. mang cảm tưởng tối đen tuyệt vọng trong khi ba người kia hoặc thật sự bình thản hoặc chỉ giả vờ tán chuyện để che giấu cảm tưởng thật của mình. T. bảo tôi đừng khóc mà mắt T. đỏ ngầu ướt nhem.

Buổi chiều ở Daly City có khi xám xịt bất thần với đám sương mù ùn ùn kéo về từ biển. Giờ tôi chỉ nhớ là chiều, của ngày thứ mấy trong tuần thì lúc ấy tù mù. Giờ cũng vẫn tù mù. Có người nhắc tôi. Hôm đó thứ tư. À, thứ tư thì chắc tôi trốn học nên chiều ấy ngồi nhà để khóc với một người ngồi bên chân, với ba người tựa cửa hút thuốc và với con chó nằm trên sàn.

Con chó ngồi kế bên T. là con chó của tôi. Cả hai, chó và T. ở chung cư của tôi không chính thức. Chung cư không cho nuôi chó, và T. đang bị trục xuất vì ở quá hạn du lịch. Con chó đi lạc, một buổi đi học thấy nó lang thang, tôi huýt sáo gọi đùa, nó theo vào tận lớp học, theo lên xe buýt, biến thành chó của tôi. T. không đi lạc nhưng đổi giấy tờ sang du học sinh không xong nên bị đuổi về Pháp. Lúc ở nhà tôi, T. đang cầm tờ giấy trục xuất phải ra khỏi nước Mỹ trong vòng 36 giờ. Hôm đó, 30.04, có lẽ đã quá 48 hay 60 giờ rồi tôi không còn nhớ rõ. Con chó may mắn hơn T., chỉ bị "trục xuất" hơn một năm sau, khi tôi bắt đầu lơ đễnh không cẩn thận giấu nó như trước.

Trong ba người đứng nơi cửa hút thuốc, chỉ có mình Th. đã nhận được tin gia đình rời Việt Nam bình yên trước 30.04. Theo thói quen H. vẫn rắc tiếng chửi thề cách khoảng dăm ba chữ trong câu nói của mình. D. dịu dàng hơn và không chửi thề. Hình như cả hai đang trao đổi với Th. ý kiến về ông già của mình. Tôi tưởng tôi không nghe ra mà thật là vẫn nghe. Tôi không rõ đó là kiểu của con trai khi nói về bố mình. Càng tỏ vẻ bất mãn càng hay? H. chê ông già mình nhát. D. nhìn nhận ông già mình nhát hơn. Cả hai giống như đang so sánh xem ông già ai nhát hơn. Tôi không rõ khi chê bố mình nhát là cả hai dựa vào đâu để nói, nhưng mang tiếng là con trong nhà, chắc cũng có chút ít sự thật. Tuy vậy, tôi vẫn cho cả hai bất công khi nói về bố mình. Gia đình người nào cũng có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với chế độ miền Nam. Bố H. là công chức. Ba D. là sĩ quan, chưa kể mẹ D. làm phòng nhân viên sở Mỹ. D. nói tại ông già không dám cởi quân phục để đi trước đó vài ngày nên giờ cả nhà đều bị kẹt lại. Giọng D. thản nhiên khiến tôi bực bội nhưng không nói ra. Tôi vẫn bực D. từ đầu.

Tôi không cắt được riêng mỗi một ngày 30.04.75 bởi vì suốt ngày đó thật sự ra không có náo động nào hết mà chỉ có nước mắt của tôi và cảm tưởng bất lực lẫn mất mát đè nặng trong người cho đến hết ngày. Tôi không muốn ra khỏi cửa. Tôi tê cứng đầu óc. Nhìn đâu tôi cũng thấy đen tối. Tương lai bên này, tương lai bên kia. Những gì không biết không đoán được càng hãi hùng hơn bao giờ hết. Sau 30.04.75 không có gì đáng để nhớ nữa. Những gì dính dáng đến đất nước đã xa ấy chỉ còn là hình ảnh cứng ngắc trong tâm tưởng tôi, bản đồ chữ S dần nhuộm đỏ từ Bắc đến Nam qua nhiều ngày liên tiếp suốt tháng thấy trên truyền hình. Sinh hoạt đời sống buộc phải tiếp tục một cách bình thường trên bề mặt nhưng nén đầy buồn bã ở bên trong.

*


"Có biết ông Minh đầu hàng chưa?"

"Biết rồi."

"Hôm qua anh gọi được ba…"

"Hôm nay có gọi được không?" Tôi ngắt lời anh.

"Không. Ba nói là sẽ đến toà Đại sứ Mỹ lần chót xem có vào được không. Thấy người ta chen lấn quá ba nghĩ chắc không xong nhưng chưa thử thì làm sao biết được. Ba nói là người ta sao mình vậy, cũng phải bình tĩnh thôi. Giấy tờ anh gởi về ba nhận đủ hết nhưng không vào được toà Đại sứ thì coi như không. Hôm nhà chị V. đi có qua rủ nhà mình nhưng không nghe ba nói tại sao lại không đi chung. Phải đi thì đã ra khỏi nước rồi. Hôm nay thì không ai gọi đâu được hết. Tối nay anh gọi chị T. xem sao. Ê đừng có khóc nghe."

Tôi chối "Đâu có khóc đâu, em chỉ lo thôi."

"Tuần sau anh xuống Camp Pendleton. Gia đình chị V. đã tới rồi."

Tôi không kể với anh cách đó khoảng hai hay ba ngày, được điện tín của ba mẹ D. dặn đón một người bạn của bà sẽ ghé ngang San Francisco chờ đổi chuyến bay về một tiểu bang miền Đông. Người này làm chung sở Mỹ với bà và được chồng Mỹ làm giấy tờ dẫn về vào giờ chót. Khi đến motel gần phi trường, chồng cô đang ngủ, cô khép cửa đứng ngoài sân nói chuyện với chúng tôi. Phần lớn đều là tin tức về gia đình D. Cũng chuyện đã có giấy tờ, sẽ vào toà Đại sứ Mỹ, chỉ còn đợi ông già D. có dám bỏ trại mà đi hay không. Dĩ nhiên với sự kiện mẹ D. là nhân viên của hãng Mỹ thì việc ra đi này của gia đình D. có phần chắc chắn hơn nhà tôi chỉ là thương gia buôn bán. Không thấy cô nói gì đến chuyện tiền bạc nhưng không phải chuyện của mình nên tôi cũng không nhắc D. Đến lúc ra xe, cô tần ngần rồi chạy theo dúi vào tay tôi tờ giấy $20, thì thầm.

"Không có bao nhiêu nhưng em giữ cho cô vui."

Tôi từ chối không lấy nhưng cô lại nhễu nhão hơn. Cô đã khóc rấm rức ngay lúc bắt đầu kể chuyện.

"Giờ cô cũng không biết mình sẽ ra sao. Em lấy đưa lại cho D. giùm cô."

Không nhớ sau đó tôi đưa cho D. hay là từ chối. Sau này nữa mới biết là mẹ D. gởi cô vài ba trăm đô la gì đó (tuỳ theo người kể là mẹ D. hay cô em gái nào của D., con số này lên xuống từ vài trăm đến vài ngàn) nhờ đưa lại nên mới điện tín trước dặn đón. Bà cũng đã nhờ một người nào khác trong sở của bà khi về đến San Diego thì gọi cho D. nhưng chưa bao giờ có người gọi nhắn đến lấy tiền, và số điện thoại mẹ D. cho thì không là số đúng.
Một tháng sau ngày 30.04, cô ấy gọi điện thoại khóc lóc kể lể dông dài khá lâu với D. Thì ra người chồng Mỹ của cô đã có vợ và tất nhiên là bà ấy không cho cô và hai đứa nhỏ đặt chân vào nhà. Chuyện giấy tờ thì tôi không hiểu ông ấy làm cách nào mà lôi được cô và hai đứa bé ra khỏi nước. Rồi từ đó tôi bặt tin cô.

Cũng trong vòng một tháng sau đó, khi ký giả phóng viên còn lẩn quẩn được quanh Sài gòn chưa bị đuổi chính thức ra khỏi Việt Nam thì tôi thấy trang trại của gia đình mình trên một phóng sự mà tôi biết chắc là để trấn an thế giới bên ngoài Việt Nam. Tôi chắc vì đấy là trang trại của gia đình tôi gần Thủ Đức. Khi bất ngờ nhìn thấy, quả thật là tôi có hốt hoảng vì đấy là chuyện tình cờ không bao giờ ngờ được. Khu trại được mở cửa cho nhiều ký giả ngoại quốc chụp hình quay phim như một trại kiểu mẫu hoạt động tốt đẹp bình thường sau chiến thắng. Tôi lo đến quặn đau cả người. Lo vì những người gọi là coi trại không có mặt nào tôi quen cả. Những gì mình không biết, không được biết chỉ khiến nỗi lo thêm nặng thêm lớn. Cái đau này không phải là cái đau tưởng tượng hay cái đau tâm tưởng mà người ta hay nói, ở tôi nó là cái đau thể chất tôi vẫn có mỗi khi buồn phiền quá mức. Và cũng trong khoảng thời gian ấy, chiếc tàu Việt Nam Thương Tín rời Mỹ trở lại Việt Nam. Hôm từ giã có lễ tiễn đưa trang trọng với mấy cô mặc áo dài, hình như là áo dài hàng không Việt Nam, giờ tôi không chắc lắm, thượng cờ chào cờ hay gì gì đó tôi cũng không còn nhớ, chỉ nhớ là cũng thấy trên phóng sự truyền hình.

Vài ngày sau 30.04, T. về Pháp, tôi với D., H. và Th. dẫn theo con chó xuống Camp Pendleton dò hỏi tin tức nhưng không được vào trong. Cả bốn đứng ngoài trà trộn với nhiều người khác, phần lớn là sinh viên du học, một số ít có chồng Mỹ hoặc nhân viên sứ quán, vây quanh mấy tấm bảng với danh sách tên người đang ở trại. Với bấy nhiêu tên, nhiều, rất nhiều, lật đi lật lại mỏi cả tay, tôi vẫn không thấy tên cha mẹ trên danh sách. Tôi đọc cả những mẩu giấy nhắn tin đính đầy cả bảng, tất cả những chỗ nào có thể đính được, ngay cả chân bảng, những hàng chữ viết tay tìm nhau, báo cho nhau tin tức thân nhân. Đọc rồi về lại San Francisco, vẫn bốn người và một con chó.


Ghi chú:

Camp Pendleton là trại huấn luyện của Thuỷ Quân Lục Chiến gần San Diego, miền Nam California. Trại được dùng làm chỗ tạm chứa số người di tản quá lớn trong một thời gian quá ngắn không ai kịp sắp xếp dàn dựng chỗ ăn chốn ở cho bằng ấy người.