© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThế hệ @
26.5.2003
Lê Tần
Mình cần phải được làm chủ
 
Năm 1998, Lê Tần nổi lên như một "hiện tượng", được báo chí Australia và Việt Nam tới tấp đưa tin. Đó là lúc Tần nhận được giải thưởng: "Người Australia trẻ tiêu biểu của năm" khi vừa tròn 21 tuổi. Tần thừa nhận, đã có một bước ngoặt rất lớn trong đời cô sau khi nhận được giải thưởng này. Hơn 2 năm sau, Tần lại tự mình tạo ra một "bước ngoặt" mới khi quyết định từ bỏ nghề luật sư mà cô đã bỏ ra 5 năm theo học với một tấm bằng ưu tú, và bỏ luôn công việc ở một công ty luật lớn nhất Australia để mở công ty riêng.

Lê Tần và các cộng sự


Lý do nào khiến Tần quyết định "đánh đổi" một công việc ổn định, thu nhập cao (lương 65.000 AUD/năm cộng với 150.000 AUD/năm tiền thù lao được các tổ chức, công ty mời đi nói chuyện) với nhiều hứa hẹn thăng tiến để tự làm kinh doanh?


Freehills quả thật là ước mơ của nhiều người khi học luật, bởi đó vừa là công ty lớn, lại trả lương cao nhất trong số các công ty luật ở Australia. Riêng em được công ty ưu đãi nhiều nên thôi việc lúc đó cũng là quyết định lớn.

Nhưng ở Freehills, dù sao mình cũng chỉ là người làm công ăn lương, làm việc theo những ý tưởng mà người khác đã vạch sẵn. Còn với SASme, mình được làm chủ, được làm việc một cách năng động theo ý tưởng của mình. Nhưng quan trọng hơn là em tin vào sự phát triển của SASme, và tin rằng sự thay đổi sẽ giúp em làm được nhiều điều tốt hơn những gì khi đó em đang làm...


Ở tuổi 22, khởi nghiệp gần như từ con số 0, sau khi trang web của 6AM, từng đạt tới 20 triệu AUD (tên nhóm của Tần trước khi có SASme) đã phá sản, Tần có coi quyết định này là sự mạo hiểm không?

Mọi thành công đều ẩn chứa rủi ro. Vấn đề là mình có đủ năng lực và tự tin để vượt qua hay không. Nhưng bỏ lỡ cơ hội, cũng có nghĩa là thất bại...

*


Tần đã từng rất "quyết liệt" khi từ chối không theo con đường mà má cô đã vạch sẵn: Học ngành y (giống như mong muốn của mọi gia đình Việt Nam ở Australia) mà theo nghề luật. Bởi theo cách lý giải của Tần: Học luật sẽ giúp mình hòa nhập xã hội Australia tốt hơn. Nhưng đến khi được chính thức công nhận là luật sư, cũng là lúc Tần tuyên bố "rẽ ngang"... để dành hết thời gian và tâm sức cho "đứa con đẻ" của mình... SASme ra đời chính từ ý tưởng của Tần, Nam và Ngô Anh Đức.

Rời Việt Nam từ năm 3 tuổi, Tần sống cùng bà, má và em gái ở Australia như một người tị nạn. Thừa hưởng sự thông minh, sắc sảo của mẹ (bà Mai Hồ, sau này có thời gian làm thị trưởng thành phố Maribyrnong), cùng với bản tính chăm chỉ, quyết đoán và ham học hỏi, Tần đã tự vượt lên chỗ đứng nhỏ bé của mình nơi đất khách: Học giỏi, liên tục được "nhảy cóc" để giành được 2 tấm bằng tốt nghiệp đại học loại ưu (luật và kinh doanh) năm 21 tuổi.

Rồi sau khi nhận giải "Người Australia trẻ tiêu biểu" năm 1998, Tần trở thành đại sứ Australia trẻ ở châu Á, được bình chọn là 1 trong 30 phụ nữ Australia thành đạt dưới tuổi 30. Hiện nay, Tần còn là thành viên của nhiều tổ chức xã hội quan trọng: Uỷ ban dân quyền Australia, Uỷ ban quốc gia về giáo dục nhân quyền Australia, đại sứ đại diện cho địa vị của phụ nữ, thành viên của trung tâm vì sự phát triển trí tuệ (Đại học quốc gia Australia), thành viên của tổ chức toàn cầu...

Tần kể: "Có ý tưởng đúng, coi như đã thành công được quá nửa. Sở dĩ em được giải "Người Australia trẻ tiêu biểu" cũng nhờ những ý tưởng cải cách trong công tác cộng đồng. Một trong những vấn đề nhức nhối khi em bắt đầu tham gia công tác cộng đồng (năm 14 tuổi) là người Việt thất nghiệp quá nhiều: Trình độ chuyên môn không đáp ứng được yêu cầu và tiếng Anh quá kém. Em đã thử vào học các lớp tiếng Anh buổi tối dành cho những người tị nạn: Thầy cô giáo cứ nói, mấy ông mấy bà ngồi nghe, nói theo nhưng chẳng hiểu gì. "Người Việt, nhất là những người lớn tuổi, không thể học tiếng Anh như vậy được" - em nghĩ thế và đã đi tìm nguồn tài trợ để tổ chức các lớp tiếng Anh song ngữ cho cộng đồng... Các lớp học rất thành công.

Lại đến chuyện đi tìm việc. Trước đây, người Việt Nam đi tìm việc theo cách cứ gửi đơn đi, ai nhận thì nhận, không nhận thì thôi. Với những người trên 35 tuổi, đã có 2 năm thất nghiệp, khả năng xin được việc làm là số 0. Em thấy cần phải làm ngược lại. Em đến tìm gặp các công ty, các ông chủ, hỏi xem nhu cầu tuyển dụng lao động của họ ra sao, họ cần những kỹ năng gì... rồi về tổ chức, đào tạo cho bà con. Thời điểm đó, chính phủ Australia đang có chính sách quốc gia về lao động, nhằm hỗ trợ cho những người lâu năm không tìm được việc làm. Nhờ chính sách này, cùng những cố gắng trong việc đào tạo nghề, sau đó, mỗi năm trung tâm của em đã giúp được mấy trăm người có việc... 18 tuổi, em được bầu làm chủ tịch trung tâm hỗ trợ người Việt tại Australia"...

*



Tần nghĩ sao về công việc hiện nay?

Tuyệt. Nó cần đến mọi kiến thức và kỹ năng mà em tích lũy được. Từ luật, kinh doanh, đến những kỹ năng trong những năm làm công tác cộng đồng...SASme không phải là một công ty sản xuất cỡ nhỏ hoặc vừa. Nó là một công ty hoạt động trí tuệ: Tự phát minh, sáng chế, chuyển giao và chào bán công nghệ cho các công ty lớn nhất Australia, với nhiều nhà đầu tư tầm cỡ... Vì thế, cả 4 "trụ cột" của SASme: Tần, Nam và 2 Đức đều không thể thụ động... Nam chuyên về định hướng chính sách phát triển của công ty, Tần phụ trách đối ngoại và marketing, còn 2 Đức chuyên lo về kỹ thuật...


Ngoại trừ Tần, 3 thành viên chính còn lại của SASme đều là cựu sinh viên của trường trung học phổ thông Hà Nội - Amsterdam, vì sao Tần lại chọn làm với họ?

Tụi em chọn nhau. Bởi thiếu một trong 4 người đó sẽ không thể ra sản phẩm và không có SASme hôm nay. Em tự cho mình là người may mắn, mà đó là một trong những may mắn lớn, một đời người chưa chắc đã lặp lại... Cả 4 người đều trao tương lai của mình vào tay nhau, tin nhau tuyệt đối... SASme đã có những thời điểm rất gian nan: Trưa nắng 43 độ, em và Nam dắt nhau đi bộ ra tàu điện, chờ tiếp mấy chục phút ở ga để bắt tàu lên trung tâm thành phố, vì không có tiền đi taxi... Trong khi đó, lại không được để cho người khác thấy là mình đang khó khăn vì không ai muốn cộng tác với người đang gặp khó. Nếu không cùng là người Việt, khó có thể chấp nhận và chia sẻ được những khó khăn như thế...

*


Nhìn lại sự phát triển của SASme, Tần nói: "Em thấy thời gian trôi nhanh quá!". Từ một ý tưởng ban đầu, đến nay, sau 18 tháng, giá trị của SASme đã lên tới cả chục triệu USD, đã có chi nhánh tại Hà Nội, Ba Lan. Sản phẩm của SASme đã được ứng dụng rất rộng rãi trong mạng viễn thông và công nghệ không dây. Dự kiến sắp tới SASme sẽ mở chi nhánh ở Hong Kong, Hàn Quốc và cả ở thung lũng Silicon (Mỹ).

Tôi muốn nói thêm với độc giả rằng cả 4 đồng sáng lập của SASme vừa được Ernst & Young (một trong các tập đoàn kiểm toán, kế toán lớn nhất thế giới) đề cử để tranh giải "Nhóm chủ doanh nghiệp tiêu biểu năm 2002" của Australia.
Nguồn: Lao Động, 2002