© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThế hệ @
26.5.2003
Ngọc Thao
Thời của những vovo?
 
Đó là tên viết tắt của những kẻ vô vọng. Tôi ngồi viết những dòng này trong một cái có tên là Trung tâm tư vấn và dịch vụ Tin Học. Tuy nó cũng nằm trong địa phận Hà Nội, nhưng đó là một Hà Nội khác. Không có những quán cà phê nghệ sĩ chụm đầu hát Trịnh Công Sơn như trong phim Mùa hè chiều thẳng đứng của Trần Anh Hùng. Không có những văn phòng gắn máy lạnh với nhân viên đánh máy rào rào, nhưng chỉ gõ đúng vào một chữ cái trên bàn phím như trong phim Của rơi của đạo diễn Vương Đức, và cũng không có những biệt thự được tạp chí Nhà Đẹp chụp ảnh đăng lên. Đó là một ngôi nhà hai tầng xây qua quýt như tất cả các ngôi nhà cạnh nó, không bao giờ được quét vôi lại từ khi có nuớc vôi thứ nhất. Mỗi tầng khoảng muời bốn mét vuông, gồm hơn hai muơi chiếc computer đặt san sát cạnh nhau. Tôi có thể thoải mái đọc email của hai người ngồi ráp hai bên và "nghe" lỏm bốn người khác đang chat cái gì. Chưa bao giờ tôi thấy họ chat về một điều gì khác ngoài tán tỉnh yêu đương, thuờng là rất lỗ mãng, đúng là chí chát và chí choé. Họ viết email không về một chuyện gì ra ngoài những "dạo này bạn có khoẻ không, mình vẫn như xưa", nói chung không bao giờ ra câu cú chỉnh tề. Tiêu chuẩn là những câu như thế này: "E noi no bao ko biet A ko biet ma co anh A trg quyen xo roi bo ra xem den luc E hoi choi con nay ko fai ng tu te A ah chi E that long lo lang cho A." (Xin dịch sang tiếng Việt phổ thông: Em nói [thì] nó bảo [rằng] không biết anh, [nhưng] không biết mà có ảnh anh trong quyển sổ, rồi bỏ ra xem, đến lúc em hỏi [lại] chối. Con này không phải người tử tế anh ạ, chỉ [có] em [là] thật lòng lo lắng cho anh.) Cũng chưa bao giờ tôi thấy bất kỳ ai trong cái Trung tâm đó mở một trang web đọc một bài báo hay một thông tin. Đó là ở tầng 2. Tầng 1 là chiến trường 24/24 tiếng đồng hồ súng nổ, người rượt đuổi nhau, xe phi vèo vèo, các loại hình thù co giật, âm thanh ùng oàng gào rú. Có những người ngủ gục trên chiến trường ấy, tỉnh dậy lại tiếp tục ùng oàng.

Tất cả đều là những thanh niên thế hệ @, thế hệ quần ngáp, quần xệ, thế hệ tương lai của đất nuớc Việt Nam. Làm sao tôi có thể nhìn vào đó mà yêu tương lai được? Internet không thật sự mở ra cánh cửa nào cho những người trẻ ấy, mà chỉ là một trong những cống xả cho sự bế tắc và vô vọng của họ.

Giữa một thanh niên thành phố vùi tuổi trẻ vào những trò chơi điện tử và chí chát ở cái Trung tâm tư vấn và dịch vụ tin học kinh hoàng ấy với một thanh niên thành phố vùi tuổi trẻ vào văn phòng hiện đại của hãng BP, tất nhiên có một sự khác nhau lớn. Một người thỉnh thoảng đi nghe hoà nhạc ở Nhà hát lớn. Một người thỉnh thoảng đi xem ca nhạc Sài Gòn có các tiết mục hài ở Cung lao động Việt-Xô. Nhưng thật ra, cái vỗ tay của hai bên ở hai nơi, bên nào là vỗ tay thành thật hơn? Và tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào ai trong hai người ấy hơn? Nếu một ngày nào đó hãng BP rút đi mà rất tiếc là không thể đem theo người thanh niên Việt Nam kia ra nuớc ngoài, chắc chắn anh ấy/ chị ấy lại lên đường đi tìm một ông chủ nuớc ngoài mới. Khi nào không tìm được, nếu tìm mãi không được, có lẽ sớm muộn anh ấy/chị ấy cũng sẽ đi chơi điện tử và vào Cung Việt-Xô xem hài Sài Gòn cù không cười.

Tất cả không khác gì cái biểu tượng Việt Nam trong bộ phim Một người Mỹ trầm lặng, thông qua hình ảnh cô Phuợng. Tất cả hạnh phúc, tương lai, cái đẹp và sự hấp dẫn của cô ấy chỉ tồn tại khi có "viện trợ" nuớc ngoài. Không được người ngoại quốc này thì tóm người ngoại quốc kia, miễn sao được ăn theo. Mọi giá trị và lòng tự hào đều sụp đổ tan tành, nếu kẻ ngoại quốc kia bỗng nhiên không còn nữa. Một tương lai hoàn toàn phụ thuộc vào sự ban ơn (mà làm gì có sự ban ơn thuần túy chỉ vì tình nhân đạo) của người ngoài như vậy, không phải là vô vọng hay sao? Tôi vô cùng xấu hổ khi xem đến đoạn sau khi người tình Mỹ bị ám sát, cô Phuợng lại vui vẻ trở về, mặn mà với người tình Anh như xưa. Khi ông ấy nhắc đến anh người Mỹ, cô Phượng bèn bịt miệng ông bằng một cái hôn, vì chẳng có chuyện gì phải nhớ lại cả. Tôi không oán ông đạo diễn Úc, không oán ông nhà văn Anh đã nhìn Việt Nam như vậy. Họ đã nắm bắt đúng sự vô vọng của chúng ta. Nếu ở thời nay, cô Phựơng ấy, vốn là con một giáo sư kia mà, cũng đầy đủ cơ hội đào tạo, với ngoại ngữ, vi tính, chuyên môn, lịch duyệt giao tiếp, quan hệ xã hội để trở thành một bobo. Hay một vovo?

Tôi không muốn làm mếch lòng những bạn may mắn, học trường Am, rồi đang bay nhảy khắp nơi trên thế giới. Nhưng nếu thành thật với mình thì hãy xem, ngay cả cái trường Am, cái trường elite đó, cũng chỉ có thể ra đời và tồn tại với sự giúp đỡ của nuớc ngoài. Bao nhiêu phần trăm trong các bạn, hãy nói thẳng, khi trở về nuớc (trong trường hợp còn quay về nuớc) có thể tồn tại chứ chưa nói đến việc phát huy năng lực, nếu không bấu víu vào các cơ quan và tổ chức nuớc ngoài, các dự án nuớc ngoài? Bấu víu trực tiếp, hay bấu víu gián tiếp, bằng cách nhảy vào những địa vị thơm tho để huởng một phần của viện trợ nuớc ngoài rơi rớt xuống, sau khi đã bị những kẻ còn clever hơn nẫng đi phần lớn? Phần đông những người không được may mắn như thế sẽ thèm thuồng, tị nạnh, hoặc khâm khục suýt soa: "Anh ấy/chị ấy trẻ mà giỏi lắm". Nhưng cũng có một số nhỏ những người khác khinh bỉ cái "trẻ lắm giỏi lắm" mà họ cho là một thứ ròi bọ mới, thơm và sạch hơn ròi bọ kiểu "cổ điển", nhưng đều thuộc dòng ròi bọ. Một thứ bù nhìn mới, tuy biết nhiều thao tác tinh vi hấp dẫn hơn bù nhìn kiểu cũ, nhưng đều thuộc dòng bù nhìn. Tôi chỉ muốn nói rằng các bạn may mắn ấy đang ở trong một vị thế không dễ tỉnh táo để nhận ra mình thật sự là ai, có khả năng gì, có nguyện vọng gì. Hay mình chỉ là một sản phẩm do kẻ khác dựng nên, hoàn toàn phụ thuộc vào kẻ khác đó, và cũng vô vọng không hơn gì tất cả những kẻ không may mắn khác, mà không tự biết.

Thời nào Việt Nam cũng có những đứa con may mắn của nó, nhưng chưa thời nào những đứa con ấy có nhu cầu chia sẻ sự may mắn của mình cho đồng bào. Tôi chỉ muốn nói rằng không thể có tuyên ngôn về thế hệ trẻ Việt Nam nào chung cho tất cả. Giấc mơ về một nuớc Việt Nam đại đồng đã qua rồi. Nếu bạn thuộc về số 1% những kẻ may mắn, hài lòng với mình, không có nhu cầu nhận ra 99% còn lại, thì bạn chỉ nên tuyên ngôn với 1% ấy, vì 99% kia có thể coi tuyên ngôn của bạn là sự sỉ nhục.

Tôi sa vào mùi mẫn rồi thì phải. Vậy tôi xin phép không nói tới một đám đông khổng lồ của những thanh niên thậm chí không chơi điện tử, vì điện tử chứ có phải nuớc lã cho không đâu, họ chẳng biết mặt chiếc computer. Họ cũng không biết thảo luận về bất cứ một vấn đề gì, vì họ không có tiếng nói. Tất cả những biến chuyển với vận tốc chóng mặt của thế giới này trôi qua họ như những con tàu vũ trụ ngoài trái đất. Nếu mắt thuờng mà nhìn được, họ sẽ chỉ biết há hốc mồm nhìn theo. Sẽ có một bobo ngẫu nhiên tốt bụng đi qua, giúp miệng họ trở về vị trí như xưa: tức là ngậm miệng.

© 2003 talawas