© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
29.5.2004
Lê Tuấn Huy
Lực công và Lợi tư
 
Báo Tuổi Trẻ, trong ba ngày liên tiếp, 24 đến 26 tháng Năm (và sẽ còn tái tục?), đăng loạt phóng sự về tình trạng chung chi công khai tại cửa khẩu hải quan thành phố Hồ Chí Minh. Còn trước đó không lâu là loạt phóng sự gây nhiều phẫn nộ trong dư luận về nạn mãi lộ trên các tuyến quốc lộ.

Một lần nữa xin nhắc lại câu hỏi vốn tự hàm chứa lời đáp, và đã trở nên rất nổi tiếng, của Thứ trưởng Bộ Công an, tướng Lê Thế Tiệm: "Có cái gì đó ngoài đường mà ai cũng muốn gửi con em ra đứng?". Ở đây không chỉ là tiền, nó còn đang là một vấn nạn của bộ máy: quyền lực công được sử dụng phục vụ cho quyền lợi tư.

Anh cảnh sát giao thông đứng đó, nhân danh công vụ, nhận mãi lộ, tư túi. Nhân viên hải quan, không phải là tư vụ, nhưng lại mặc cả chung-chi "bồi dưỡng". Ông quan chức hay người công chức hành pháp, tư pháp, từ các cấp địa phương đến các ngành, ngồi đó, thay mặt nhà nước, mà lại hạch sách, nhận phong bì.

Đối tượng phải nộp mãi lộ, "mãi việc" (mà mãi lộ và bồi dưỡng hải quan cũng chỉ là biểu hiện cụ thể mà thôi) không chỉ là người dân, các đơn vị kinh tế tư nhân, mà cả những đơn vị nhà nước và đối tác công quyền khác. Hình thức "mãi việc" cũng nhiều, từ những đồng tiền trao tay trực tiếp trắng trợn như kiểu mãi lộ, phong bao, quà cáp "biết điều", đến sự "lại quả" nhiều cấp độ ở nhiều kiểu cách.

Các luật lệ, chính sách, cơ chế, không hợp lý và cả hợp lý (luật giao thông, chính sách thuế quan chẳng hạn) đều được tận dụng. Lực công được huy động và tận khai (thác) đến mức tối đa có thể để tận thu tối đa có thể cho lợi tư (cảnh sát giao thông bất kể đêm hôm khuya khoắt, hay đang ngủ tại trạm nhưng nhà xe cũng buộc phải đánh thức dậy để giao-nhận lộ phí…). Mà lòng tham nơi con người thì khó mà dừng lại trong hạn mức cho phép, nên đã tận khai người ta lại sẽ càng tận khai hơn nữa, vô hạn độ. Hệ quả: những bất hợp lý đến độ không thể bất hợp lý hơn (đường cao tốc cắm biển tốc độ rùa và những biển tốc độ tăng giảm đột ngột không thể tuân thủ được ở người cầm lái…), hạch sách, nhũng nhiễu, bất hợp lý trong thủ tục, không muốn - thậm chí ngầm cản trở - những thay đổi tiến bộ…; chốn công quyền trở thành nơi "kinh doanh", người ta bỏ "vốn" ra để kiếm một chỗ nơi đây để sau đó ra sức "thu hồi" có lãi (to) vốn đã bỏ ra…; đến biến thể của tình trạng mãi việc và tận khai lan sang cả địa hạt giáo dục, y tế - những nơi mà chức phận của nó vốn là cao cả [1] ; và rồi cải cách hành chánh chậm chạp, những tác động tiêu cực đến kinh tế, chính trị, xã hội.

Người cảnh sát giao thông, cán bộ hải quan, anh quan chức thì thực thi tác vụ bằng thái độ và cảm giác của cả một guồng máy sức mạnh phía sau mình, như sự hiện thân của chính sức mạnh công lực có tính cưỡng chế [2] . Người dân, các đối tác công hay tư khi tiếp xúc người cảnh sát giao thông, nhân viên hải quan, hay anh quan chức, họ không có cảm giác "giao dịch" tư riêng, mà là "giao dịch" công quyền, buộc phải thuần phục. Tiền mãi lộ, mãi việc, bồi dưỡng họ trao nộp cho người cảnh sát giao thông, nhân viên hải quan hay anh công chức bỏ túi tư. Biết vậy, nhưng cái đi vào nhận thức và thái độ tình cảm của họ không phải là hành động tư riêng của người cảnh sát giao thông, anh hải quan, hay người quan chức, mà là sự đánh giá lên con người công quyền và cơ quan công quyền, lên quyền lực nhà nước và lên đạo đức của thiết chế xã hội.

Một khi mà quyền lực công bị lợi dụng và biến thành công cụ để phục vụ cho quyền lợi tư, lan tràn, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, ở mức độ không kém phần phổ biến, và văn hoá phong bì trở thành một chuẩn mực ngầm ẩn (có tính) công khai nơi giao tiếp công, thì nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật khó tiến nhanh về phía trước, như Đảng, nhà nước, và nhân dân ta mong muốn.

26/05/2004

© 2004 talawas



[1]Điển hình là tình trạng người bác sỹ nhận hoa hồng (cao) từ việc kê toa cho bệnh nhân - một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến giá dược phẩm nhập ngoại tại Việt Nam cao hơn các nước khác - như một vấn nạn của ngành y tế, đang gây nhức nhối công luận.
[2]Về ý kiến này, xin xem thêm: Lê Tuấn Huy, Nghĩ về sự cấp thiết của đạo đức chính trị và giáo dục đạo đức chính trị, Tập san Khoa học Xã hội và Nhân văn (trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), số 23 - tháng 6.2003. Đây là một phiên bản được biên tập khác với Đạo đức chính trị và giáo dục đạo đức chính trị đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 8.2002 (hiện có tại talawas dưới tựa đề Đạo đức chính trị). Tập san KHXH&NV chọn đăng bài này từ một tham luận tại Hội nghị Khoa học Trẻ năm 2002 của trường.