© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Ngày 30 tháng TÆ° của tôi
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
12.5.2004
Đỗ Thành
Tháng Tư cát nóng
 
Thời gian tháng Tư 75 của tôi kết thúc sớm hơn ý nghĩ. Mới trước đó 2 hôm, tôi còn nhận được lệnh ra Tuy Hoà để xem việc di tản trên liên tỉnh lộ 7B diễn tiến ra sao. Một mình trên chiếc Jeep, có một tài xế và một hiệu thính viên truyền tin đi theo, thầy trò chúng tôi giao số mệnh cho sự rủi may dọc đường. Vũ khí trang bị chỉ gồm một khẩu súng colt 45, một M-16 và một khẩu chống tăng M-72 chưa giương. Phương tiện liên lạc là một máy G-105, mà chúng tôi thời ấy gọi đùa là "ông già cứng cựa", vì công suất rất mạnh, liên lạc trực tiếp với bộ Tổng tham mưu (TTM) mà không sợ địch xen vào nghe ngóng.

Trời tháng 4 nắng gắt, cái nóng hun hút như muốn thiêu mặt đường cho nhựa chảy nhão rạ. Hành trình suốt từ quốc lộ 1 Nha Trang trở lên hướng bắc, chắc chỉ còn có mình xe tôi chạy đơn độc, vì tất cả các xe khác, cả quân sự lẫn dân sự, đều đang ùn ùn kéo nhau từ ngược hướng chạy về. Thấy cảnh loe hoe của mấy thầy trò tôi đang lần mò đi về vùng di tản, ai nấy cũng thương nên đều giơ tay la lối chặn ngăn: trời ơi, người ta bỏ đi ráo mà còn loạng quạng về đó làm gì, trở ngược đầu xe lại đó. Tôi cám ơn cho những tấm lòng thương mến, song nhiệm vụ chưa tròn làm sao dám bỏ ngang.

Xe qua đèo Cù Mông, gặp một tay cầm khẩu M-14 cưa báng, mặt mày đỏ gay, giơ tay chặn lại. Thời buổi nhố nhăng, ai biết ai ra sao mà dám quyết định cho mình. Nhưng chạy vượt qua chắc không khỏi xe bị lật nhào vì tràng súng dữ, nên tôi dặn dò người trên xe chuẩn bị xem sao. Xe dừng. Người chặn mặc quần áo Biệt động quân, không cấp bậc, không mũ. Vừa nhìn thấy huy hiệu cấp trên cổ áo tôi, anh ta đã mở giọng bô bô: Anh Hai, đm, từ đêm qua bị liệng vô nằm ở xó đèo Cổ Mã này, lệnh lạc không rõ ràng chi cả. Tinh thần anh em chẳng còn chút gì muốn ở lại đối đầu, nên đàn em say khướt. Anh Hai cho em theo nhờ qua đèo, coi còn quán nào mở cửa, xuống uống tiếp, kẻo lỡ rồi toi mạng, chưa xỉn, uổng công. Sẵn dịp xin Anh Hai tặng chút đỉnh uống tiếp.

Tôi xoay nhanh ý nghĩ trong đầu, rồi ngầm đưa mắt cho tay đàn em hiệu thính sau lưng. Tôi dịch vào nửa ghế, chia cho tay chặn đường ngồi cạnh. Tôi liếc thấy tay đàn em của tôi đã cầm lên cây M16 và đồng thời cũng để ý hắn đã kéo khẩu M-72 sát vào người. Tôi lệnh cho tài xế tiếp tục chạy. Xe lên đèo, xé gió càng nghe cái nóng ngột ngạt hơn. Thỉnh thoảng nghe hây hây có một cơn lay nhẹ nhưng không đủ đưa chút thoáng mát vào người.

Người xin đi nhờ xe vẫn lải nhải nói đủ thứ chuyện. Hắn ta xưng là thiếu úy của toán nằm phục quân tại đây. Hắn say quá, nói năng líu ríu, nhưng tay thì vẫn lăm lăm khẩu M-14 bên người. Hắn chửi thề về một lệnh lạc nào đó khiến hắn nằm lo suốt từ buổi tối hôm qua. Tôi móc hết các túi, dồn khoản tiền còn lại đưa cho hắn. Đến chân đèo, thấy một quán bên đường còn bày mấy chai Con Cọp bia cao, hắn hối xe ngừng lại cho hắn xuống. Thầy trò tôi tiếp tục chạy ra Tuy Hoà. Cầu Đông Tác chật kín xe, người bên phiá xuôi Nam, còn phiá lên Bắc thì rộng thênh thang không có ai đi cả.

Qua con đường Trần Hưng Đạo lặng lẽ, của nhà đóng kín hai bên, chúng tôi vào tiểu khu Phú Yên trình diện. Tôi chuyển lại lệnh của Bộ TTM để xin Tiểu Khu chỉ thị tôi phải đi tới đâu. Đại Tá Gia, tỉnh trưởng và Trung Tá TMT đứng ở bậc thềm toà tỉnh, nhưng không nói cho tôi một lệnh rõ ràng nào cả. Ông chỉ dặn tôi: Anh nhận lệnh ra sao thì cứ thi hành như Bộ TTM chỉ thị. Còn bây giờ thì tôi chẳng còn đầu óc nào để giúp đỡ cho anh. Anh qua bên phi trường Đông Tác hoặc tìm đường chạy lên phiá sông Pa coi tình hình ra sao, tiện thể coi đoàn xe di tản về được chừng nào. Hay nếu anh muốn nhận lệnh xa hơn thì anh có thể xuống hầm chỉ huy hỏi ông tướng Cẩm còn chờ nghe tin tức ở đó. Vừa nói, ông vừa chỉ tay về phiá hướng xuống hầm.

Tôi chào ông và thầy trò ra xe chạy qua phiá phi trường. Qua đồn Quân cảnh vắng hoe, nóc nhà thờ Tuy Hoà như nằm co ro chờ một sự gì sắp xảy đến, xe chúng tôi chạy lẻ loi, dọc dài theo con phố đìu hiu. Đến phi trường Đông Tác, cảnh thảm thê hiện rõ ngời ngời. Sân bay vắng ngắt, đường băng lót vỉ sắt như bốc cháy thành lửa. Suốt theo đường băng, người đi lên đi xuống, mặt ngơ ngác như chẳng còn ai biết mình là ai. Ai găp tôi cũng níu lại hỏi han có thấy người nhà của họ ở đâu chỉ giúp. Người nào người ấy quần áo tả tơi, mắt khờ dại đi, có người loã lồ mà không còn thấy xấu hổ gì nữa. Họ vừa đi vừa nhìn lên bầu trời, nơi cái nắng chói chang đang chiếu vào người ho. Miệng lầm thầm kêu gọi con ơi, anh ơi, mẹ ơi, cha ơi. Họ là người từ phiá sông Pa mới được bốc về, thả xuống đó với tay không, cô độc, để trực thăng còn kịp quay lại phiá sông đón tiếp người sau. Tôi hỏi, nhưng không một ai còn đủ sáng suốt để nói được thực thể những gì mà họ thấy ở bên bờ sông Pa vừa chạy thoát về.

Tôi gọi về Bộ TTM báo cáo sự tình tại chỗ. Bộ TTM cũng không biết ra lệnh tiếp cho tôi làm gì. Tôi phân vân không hiểu phải tính toán thế nào đây nữa. Sau cùng tôi xin đề đạt được quay về Nha Trang, vì có ở lại tôi cũng chẳng thể cung ứng được tin tức gì hơn. Bộ TTM chấp thuận, thế là thầy trò lại lên đường. Xe qua Đồng Xuân, Đại Lãnh, Vạn Giả, Tu Bông, theo dòng xe ùn ùn lánh nạn. Đến Ninh Hoà, chúng tôi bị quân cảnh chặn bắt phải quay ra trình diện tiểu khu Phú Yên. Tôi trình bày sự việc vừa từ đó về, nhưng họ vẫn không để chúng tôi vào quận. Mãi đến lúc tôi phải trực tiếp trao đổi xin lệnh với Bộ TTM từ ông già G-105, họ chứng kiến nghe, mới chịu tháo dây concertina cho xe tôi qua.

Đuờng từ Ninh Hoà về Nha Trang giờ cũng vắng hoe, vắng hoắt. Nhà hai bên đường đã thấy nhốn nháo chuẩn bị hành trang. Đèo Rọ Tượng như nặng đi dưới cái nóng buổi chiều từ phiá biển Lương Sơn thổi hắt tới. Qua đèo Rù Rì vào khu vực trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế cũng vẫn chỉ thấy vẻ lo lắng, hoang mang. Những đồn đoán cắt đất đến Cù Mông, rồi Nha Trang không biết từ đâu loan ra tới tấp. Tôi qua thành phố Nha Trang mà không dám ghé nhà, cho lệnh xe chạy qua Ngã Ba Đại Hàn về Cam Ranh. Dọc đường, tin toà tỉnh và các cơ quan đang rục rịch tính chạy và trên đường đã thấy người đang di chuyển về phiá Nam.

Tôi vào bán đảo mang tâm trạng của một người vừa trở về từ một đổ vỡ. Cảnh trong bán đảo cũng không hơn gì. Đơn vị đã nhận lệnh thu gom đồ đạc sẵn sàng di chuyển để nhường doanh trại cho SD 23 từ BMT kéo về. Các quân dụng, đồ đạc đã được chất lên xe, nằm lềnh khềnh quanh doanh trại, chờ lệnh đi.

Qua ngày đầu tháng Tư, sự đợi chờ càng thêm sốt ruột. Sáng mùng 1 được lệnh ra đóng tại một bãi đất bên khu Army của Mỹ ngày xưa. Người càng lúc càng đông từ các nơi đổ về trút lên đảo. Người từ vùng 1 theo tàu về Sài Gòn, nhưng rồi được lệnh ghé bỏ lại Cam Ranh. Người từ Pleiku, Kontum theo trực thăng bỏ vào đầy bán đảo. Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân và bệnh xá đã thấy bỏ trống, vắng người. Nhảy dù, Thủy quân lục chiến, Biệt động quân, Bộ binh, có mặt khắp các nơi trong bán đảo.

Rồi tin đồn loan ra từ phiá bến tàu và sân bay Cam Ranh rằng đã có cảnh tranh giành nhau lên phi cơ hay tàu và dùng súng bắn lẫn nhau đổ máu. Sang ngày 2, quang cảnh Cam Ranh càng bát nháo vô cùng. Bên phiá Ban chỉ huy (BCH) /Tiếp vận, các cuộc họp hành diễn đi diễn lại. Tin tướng Trưởng, tướng Thi rút từ miền Trung về cũng đang mệt bệnh thảm thương. Chiếc áo treillis mang 3 sao với biển tên tướng Thi, ai giặt giạ phơi trên dây gần BCH/Tiếp vận, rung lạch bạch theo cơn gió như biểu thị một sự lẻ loi, mệt mỏi rã rời. Khắp bán đảo, người chạy đôn chạy đáo, giành cho mình một chiếc quân xa hay bất cứ loại xe nào di chuyển được, để cố đi tìm con, vợ lạc lõng từ Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn... Lo toan cá nhân đã khiến nhiều người bỏ bê đơn vị và gây ra những sự cau có hăm doạ dùng súng đạn với nhau nếu không được thoả mãn yêu cầu.

Chiều mùng 2 thì sự náo động đã diễn tiến khắp nơi. Tin toà tỉnh Nha Trang, thị xã Cam Ranh đã bỏ chạy, rồi tin tù được mở cửa, sổng phòng giam gây bắn cướp và tìm nhau trả oán làm mọi người khiếp đảm. Chỉ huy trưởng /Tiếp vận Cam Ranh đích thân xuống bến tàu trấn an sẽ thu xếp đủ phương tiện di tản cho tất cả mọi người, nhưng chẳng ai tin, và kết quả cũng bị một vài viên đạn vào người, bị thương tại chỗ. Dân Ba Làng, Bình Ba, Thủy Triều, ai có thuyền bè riêng thì chồng chất nhau lánh nạn ra khơi, ai không có thì đành nằm chờ giao số phận cho một thay đổi mới. Khắp nơi, cảnh bỏ đơn vị ồn lên từng loạt, người thương binh nằm trong quân y viện cảm thấy lo lắng bất toàn.

10 giờ đêm, không rõ do một lệnh ở đâu mà chẳng ai bảo ai, các đơn vị ùn ùn bỏ đảo. Địch đâu chưa thấy mà chỉ thấy cảnh tranh lấn nhau giành đường thoát thân làm ùn tắc khắp nơi. Từng loạt đạn bắn lên trời hay bắn vào nhau làm cho máu lại đổ, thây người lại ngã xuống. Thế là Cam Ranh vỡ rồi, cũng như sáng đó Qui Nhơn và Tuy Hoà đã vỡ , như chất xúc tác của ngòi nổ làm cho bánh pháo cối chạm nổ liên tục theo. Cổng bán đảo nêm cứng xe không chạy được, có xe tranh lao xuống ruộng giành quyền đi. Những người chặn xe xin đi nhờ, chẳng những không được cho theo mà vì trong cơn hốt hoảng, tài xế đã nhắm mắt húc bừa, hất họ sang một bên để lấy đường thoát hiểm. Thương nhất là có những thương binh đang điều trị với bàn chân còn lặc lià băng bó, vậy mà nghe tin tháo chạy cũng cố bò ra xin được cho theo. Người tài xế phân vân chưa biết làm cách nào giúp họ leo lên thành xe tải thì chính họ đã tự nguyện cột chặt khúc chân gẫy vào thân rồi cố víu hông xe leo lên để tránh địch. Cơ hồ đến lúc đó vì sợ chết và sợ địch trả thù mà họ không còn biết đau đớn và nề hà bất cứ một điều tệ hại nào cả.

29 năm qua rồi, 29 lần tháng Tư về trên quê mẹ, 29 lần tôi vẫn nhìn thấy cảnh hãi hùng như vừa diễn hôm qua. Không biết những người ngày xưa ở phi trường Đông Tác, những người quặt què ở bán đảo Cam Ranh đã tạm thoát đi, rồi sau đó ra sao? Đôi khi chợt nhớ về khung trời Đại Lãnh, núi Mẹ Bồng Con, vẫn thấy còn giật mình như vừa trải qua một cơn ác mộng. Sau này có đôi lần được nhìn lại những nấm mồ vô chủ bị vất nằm rải rác khắp quốc lộ 14, quốc lộ 1, tôi được biết những người đó đã nằm yên trên đoạn đường di tản. Có bao nhiêu nấm mồ đã được cải táng về chốn quê hay vẫn nhang tàn khói lạnh, không người thăm, rẫy cỏ.

Ngày vào trại tù, có lần gặp mớ xương người rã nát bên hông một buôn thiểu số khi đi lao động, chúng tôi đã biết được đó là của bạn bè đồng quân ngũ ngày xưa bị bỏ thây khi Khánh Dương bị vỡ. Chúng tôi đã xin người dân tộc nén hương, khấn vái hương linh người quá cố để xin được thu gom hài cốt vùi nông vào ven đường. Bây giờ 29 lần thời gian đổi thay, song liệu đã có ai được thân nhân đem về thờ phượng.

Cho nên rồi sẽ có lần thứ 30, lần thứ 31 và trăm vạn lần sẽ đến, biết khi nào những oan hồn uổng tử mới hết trở trăn trong bóng tối quê hương? Hôm nay được ngồi yên nơi đây với tuổi đời chồng chất, nắng tháng 4 quê người không độc mà sao vẫn thấy nóng như nung. Trái tim một ngày một nặng trĩu, nước mắt khô vì cát nóng bên nhà.

Buồn một phần vì ngày đi, ai cũng dặn nhau ghim trong lòng một hình ảnh khó quên. Vậy mà khi hơi rủng rỉnh một tí đã vội quên đi kỷ niệm. Ước ao một lần nào đó quê hương sẽ có một đại lễ rửa oan cho những hồn tức tủi, để mọi người được cùng nhau tưởng nhớ đến những ai đã nằm xuống giữa tháng Tư. Tôi xin viết cho những ai đã mất từ tháng Tư xưa và đồng thời để cùng nhau ôn lại về những người may mắn còn sống đến ngày nay. Liệu ai quên, ai nhớ, ai hững hờ, hỡi ai?



Đỗ Thành (Còn ký bút danh Thanh Sơn), hiện đang viết thường xuyên cho VNNB San Jose California, Đất Việt Colorado, Ngàn Thông Canada, Giao Mùa liên mạng. Cũng cộng tác với Suối Nguồn liên mạng, VHNT liên mạng, Hồn Quê liên mạng và thỉnh thoảng gửi bài cho Văn Nghệ Utah, Tin Văn Paris, Người Việt Utah.


© 2004 talawas