© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Ngày 30 tháng TÆ° của tôi
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
1.5.2004
Trịnh Thanh Thủy
Đếm ngược
 
Tôi chạy hốt hoảng tìm Ti, tìm Hát, tìm En trong giòng xe cộ xuôi ngược nhốn nháo. Không một chiếc xe ôm nào chờ chực ở góc đường. Tất cả phương tiện chuyên chở công cộng đều vắng bóng. Dường như họ ngầm bảo nhau biến mất khỏi thế giới loài người. Tôi nhận được tim mình đập nhanh và chân bước như trong chiêm bao. Cơn chiêm bao có vuốt của con ác thú cào nhẹ thành bao tử. Khuôn mặt thành phố câm lặng một cách ngột ngạt tưởng chừng có thể bùng cơn bão lửa. Tôi thấy đói, cổ họng khô ran, những chỗ da non gặp mồ hôi ẩm bắt đầu ngứa, hậu quả của ba ngày chưa tắm. Khi nhận được điện tín bố nhắn "Bà mất, về gấp". Tôi biết bố báo tin ngầm gia đình sắp đi. Tôi năn nỉ, cạy cục mãi thượng cấp mới cho phép về Sài Gòn chịu tang. Thật ra bà tôi mất lâu lắm rồi. Vừa trình diện bộ tổng tư lệnh xong được tin đêm nay di tản, tôi vội vã tìm phương tiện về nhà.

Suốt một tiếng đồng hồ tôi không tìm được xe nào chịu cho quá giang. Tôi lạc lõng giữa Sài Gòn mà như lạc giữa thành phố rong rêu bỏ hoang khi nền văn minh địa cầu sụp đổ. Tiếng gọi xe chìm vào hư không, mất hút vào bãi sậy ảo ảnh xao xác gió nóng. Đôi mắt Vi lúc ẩn lúc hiện. Mặt em thấm đẫm mồ hôi bên chai nước biển nối thòng sợi nylon xuống cổ tay gầy ốm. Em oà khóc, gào thét câu hận thù cay nghiệt khi phải phá bỏ đứa con đang thai nghén của mình. Tôi mím môi tàn nhẫn. Xin lỗi em, anh không còn chọn lựa nào khác.

Vi nằm bất động trên giường trong một góc khuất căn phòng bệnh viện. Tôi bảo em tôi đã lỡ lầm để một sự sống lọt vào khe hở đó có cơ hội tượng hình. Tôi từ chối quyền sở hữu nó. Tôi không có quyền tư hữu bất cứ một vật gì khi hiện tại và tương lai u ám, bất định. Tôi đã mất đi tuổi trẻ đời mình. Tôi không muốn gì nữa cả. Xin lỗi em, xin lỗi Vi. Em nhìn trừng trừng lên trần nhà, lại rấm rức khóc. Khóc đi em vì đó cũng là giọt nước mắt của tôi, thằng con trai khốn kiếp sợ hãi trách nhiệm, sợ hãi mối ràng buộc bên đời. Tôi, một con muỗi mùa đông say mê màu đỏ, hút hết dòng máu ấm trong em rồi vỗ cánh bay xa. Em giận dữ giơ tay quơ đập nguyền rủa. Chết đi mày, nếu có tái sinh cũng ngàn năm thân ruồi truyền kiếp.

Vi lắc lắc đầu, em tan giữa dòng người trôi chảy. Em xanh hơn lá mạ, tay không ngừng chỉ trỏ về hướng biển. Em xé tung áo quần mang chiếc bụng lớn chạy tràn trên cát. Biển xanh hơn em. Em loang loáng nước, loang loáng sóng, loang loáng thời gian. Tôi van em đừng chạy nữa. Tôi cần dừng lại. Tôi không thể đuổi kịp em. Mỗi người cần có một khoảng khắc thời gian để sống, để ngơi nghỉ. Vi càng chạy càng xa và chìm dần vào đường chân trời tím thẫm.

Tôi lột chiếc đồng hồ trên tay cho cuộc trao đổi. Người thanh niên đồng ý chở tôi về nhà. Tôi sẽ được gặp bố, mẹ, các em. Tôi phải đưa tất cả ra khơi đêm nay.

Ông Diệm đứng bên này bờ Bến Hải chõ kiếm sang phía Hà Thành hỏi ông Hồ: "Hoà hay Chiến?" Ông Hồ: "Chiến!" Ông Nhu vót tre, cắm cọc nhọn ra lệnh bọc làng vây xóm vào "Hàng rào ấp chiến lược". Mây to gió lớn tỉ tê tiếng hò ai oán, bầy dơi chập chờn bay. Lửa ngùn ngụt cháy, tăng bào rực đỏ. Trái tim Thượng Toạ Thích Quảng Đức nguyên vẹn tinh khôi một thể giữa đường phố Sài Gòn. Lòng dân ta thán, hơi cay mịt mù âm khí, tăng lữ, phật tử chật tù. Đại Sứ Cabot Lodge gãi đầu gãi tai hỏi thuộc hạ "Con chim nuôi để hót mà nó không chịu hót thì phải làm sao? Thuộc hạ nháy mắt "Giết, giết". Mụ phù thủy, tay không ngớt bỏ độc dược vào chếc nồi đen ngun ngút khói, miệng lẩm bẩm thần chú, trước mắt trang sách "Làm thế nào để giết một tổng thống" rộng mở. Hai anh em ông Diệm gục xuống ở một góc đường hầm.

Ti không biết làm gì khi cả nhà đi đâu mất, giao Ti nhiệm vụ trông nhà. Bố bảo ra bến Bạch Đằng tìm đường. Ti leo lên sân thượng ngồi ngắm chậu hoa Đại trổ bông vàng rực rỡ. Trời xanh lơ đãng thả vài cụm mây ngoằn nghèo che bóng nắng. Một chú ong mật bay vù vù vào mặt làm Ti hãi quá chạy bay xuống lầu ra đường đứng ngóng người. Từng đoàn xe nhà binh chạy qua thành phố. Những người lính có người cởi cả áo trận tung cao lên trời la to "Hoà bình rồi bà con ơi, hết chiến tranh rồi". Một cụ già nở nụ cười hiền khoe lợi móm mém. Một thằng bé ngu độn gọi mẹ ầm ĩ, chạy theo đoàn xe reo hò tở mở.

Ti tự hỏi chuyện gì đã xảy ra. Chuyện của người lớn, ban ngày, bóng tối, súng đạn hay chết chóc. Em mù tịt chỉ biết phải theo gia đình đến trọ nhà người quen gần phi trường Tân Sân Nhất một thời gian, sửa soạn cho chuyến đi xa. Bố mua chỗ trên máy bay làm giả gia đình một người me Mỹ để được theo cô ta di tản về Hoa Kỳ cùng với chồng. Nhưng phút cuối ông chồng Mỹ lên phi cơ bỏ cả cô me Mỹ ở lại. Thế là gia đình Ti lại lếch thếch kéo nhau về, từ giã căn nhà trọ. Căn nhà có nuôi một heo mẹ và đàn con mũm mĩm. Đêm Ti thường mất ngủ vì tiếng heo ủn ỉn dưới lầu. Em hay trằn trọc nghĩ tới những chiếc mõm hồng không ngừng cử động khi chăm chỉ mút vú mẹ. Em mơ hồ thấy các bầu vú hồng căng sữa nở những đoá sen bềnh bồng thơm ngát mùi mạch nha. Thứ mạch nha quánh mật, đọng vị ngọt nơi cổ người con gái mới chớm dậy thì. Cây kẹo tuổi nhỏ ngày lên tám chập chờn trở về khuấy nâu váng ký ức. Ngày thằng Ka rủ Ti vào phòng nó, đòi mút chung cây kẹo trên tay Ti. Em đã quỳ xuống theo lời nó chỉ, khi nó cởi cái quần đùi khét nắng và đất. Ka nghiêm mặt bảo "mút kẹo xong mày mút chim tao, mày sẽ thấy kẹo ngọt hơn". Ti làm theo như một cái máy. Cả hai thứ kẹo đều thấm vị ngọt đầu lưỡi. Em cười ngây ngô. Hình như hạnh phúc và ngây thơ hoà nhập làm một thể. Những đoá sen nuột nà đơm hạt đầu núm vú heo mẹ phơn phớt hồng. Ti thiếp đi trong đêm xanh.

Ồ anh En đã về rồi. Anh hối Ti xách quần áo ngồi lên xe anh chở ra bến Bạch Đằng. Mọi người đang đợi Ti cùng đi.

Ông Thiệu đứng bên này bờ Bến Hải chõ kiếm sang phía Hà Thành hỏi ông Hồ: "Hoà hay Chiến?". Ông Hồ: "Chiến!" Ông Mẫu giở chiếc nón phô diễn đầu mới cạo, bảo sinh viên trường Luật "Thày cạo đầu phản đối ông Thiệu bầu cử độc diễn". Vó ngựa đường mòn họ Hồ rồn rập. Kiến, giun bị giẫm nát bẹp gí, chuồn chuồn Hạ Lào cánh gãy như rạ. Lưỡi dao đã cắm sâu xuống rẻ sườn chữ S, máu đổ, thịt rơi. Rừng núi Trường Sơn thê thiết tiếng kèn đồng "Sinh Bắc, tử Nam". Ngày 28 tháng 3.1975, Ngôi Nhà Màu Trắng mở buổi họp Hội đồng An ninh Quốc gia định đoạt số phận tiểu quốc Việt, Miên, Lào. Ông Đán la thất thanh "Đà Nẵng thất thủ". Ngày 24 tháng 4, 1975, Nhà Trắng hạ lệnh Đông Dương di tản. Ông Thiệu vứt kiếm bỏ chạy trước. Chiến địa hoang tàn. Chỉ chạy mà không chống. Người đạp lên người. Ông Minh bảo ông Hồ, chúngta "Hoà, hoà". Ông Hồ: "Chiến!". Ông Hương chống gậy đứng nhìn chiếc xe tăng tràn vào Dinh Độc Lập.

Tôi ngồi thu mình trong góc nhỏ chiến hạm. Cả nhà tôi thu mình. Mọi người đều im lặng, không một tiếng thở mạnh. Đêm thẳm sâu thoang thoáng mùi dầu nhớt. Tàu chưa được lịnh nhổ neo. Tôi ước ao một cơn mưa đổ xuống làm tan đi thứ không khí đặc quánh, khó thở này. Cơn sợ nhen nhúm lúc càng lan rộng. Có một cái gì căng cứng ở phía bên dưới bụng tôi. Tôi nhận ra bọng đái mình đầy ắp. Từ chiều tới giờ lê la theo gia đình tìm đường, tôi chưa được đi tiểu. Anh Kh. theo lời dặn của anh Si dẫn tôi qua cổng gác. Những người lính Hải Quân đang ôm súng giơ tay chào. Bạn anh hỏi "Dẫn bồ theo hả". Anh Kh. lặng thinh nhỏ nhẹ bảo "Hát đừng sợ, bạn anh đùa thôi". Anh Kh. nắm tay tôi ân cần như cái nắm tay hai năm sau lúc anh ấy tỏ tình. Cuối cùng bạn anh nói lên HQ2 đi, ở đó có rất nhiều vị tướng, chắc an ninh hơn. Chúng tôi leo lên tàu rất vất vả vì chen lấn, ai cũng sợ bị bỏ lại. Tôi níu tay anh Kh. đi như người mộng du. Anh Si la: "En leo lên đi, vất cái túi đang mang xuống biển, cả dép nữa". Biển hun hút vực thẳm. Một người bị trượt ngã, rớt xuống nước nhanh như cánh diều đứt giây. Không ai buồn cứu. Bên tai tôi ồn ã tiếng la, réo gọi, nấc nghẹn, tuyệt vọng, hãi hùng. Tôi không kịp thấy bàn tay nào vươn lên từ mặt nước sánh đen. Những cặp mắt bàng hoàng không kịp nói điều gì hơn sự im lặng. Con người chỉ còn thuần loài thú hai chân săn tìm sự sống. Bản năng sinh tồn gầm lên tiếng rống dũng mãnh một con sư tử. Sóng thao thiết vỗ. Đêm vẫn xanh rất xanh. Bỗng có tiếng nổ lớn kinh hoàng. Sau này người ta kể đó là chiếc tàu có chở nhà văn Chu Tử bị trúng đạn pháo kích và ông đã thiệt mạng trong chuyến đi này. Lại có lịnh nhắc nhở mọi người phải giữ im lặng và bất động tuyệt đối.

Tôi thấy ươn ướt giữa hai đùi. Không giữ được nữa rồi. Nước tiểu lênh láng chảy xuống sàn tàu. Lần đầu tiên tôi đái dầm như đứa trẻ lên ba. Chưa bao giờ tôi thấy dễ chịu như thế này. Cái cảm giác dễ chịu đến thích thú chỉ mình mình biết, mình mình hay. Cái dễ chịu thả được dòng nước vàng óng ra khỏi thân thể một bầu căng cứng. Loại nước thải mặc tình tự do chảy qua ngõ ngách xuống đôi chân mỗi lần tắm, mỗi lần kỳ cọ. Nước sẽ bôi xóa tất cả, sẽ cuốn trôi những hạt bụi tròn đọng trên thân thể. Tôi đã hồn nhiên tắm, hồn nhiên đái không e dè, mắc cỡ cho đến một ngày tôi phát giác ra từ trước tới giờ mình bị nhìn trộm lúc tắm. Cái lỗ nhỏ ở góc phòng tắm mà người thanh niên ở trọ khoan đã cướp mất tuổi thơ trong sáng của tôi. Từ đó tôi không còn hồn nhiên đái khi tắm nữa.

Tôi giật mình tỉnh giấc, mở mắt để kịp thấy bóng người thanh niên mặc chiếc áo Hải Quân lực lượng người nhái vừa đứng lên. Hắn rút tay ra khỏi chỗ kín của tôi và lẩn vào bóng đêm nhanh như một con beo. Tôi nhận ra mình vừa bị rờ trộm. Sao trên trời lấp lánh sáng. Gió đồng loã thổi đen tâm hồn tôi lem luốc. Người con trai đã đánh thức tôi, đánh thức đợt cồn dục vọng ngoằn nghèo gợn sóng, dồn lên rồi gấp khúc. Cảm giác tưng tức bên dưới còn râm ran. Tựa như lần tôi bị gã con trai nào đó ấn cái vật nóng hổi vào phía sau mông trong một rạp chiếu bóng quá đông người đến nỗi không còn chỗ ngồi, tôi phải đứng mà xem. Tôi trở mình nằm sấp, dấu cái vật nhô cao ấy xuống sàn tàu. Đêm nở những cánh uất kim hương đen rực rỡ. Đèn của đệ thất hạm đội xa xa đủ màu nhấp nháy như hội hoa đăng. Đêm nay là đêm thứ ba gia đình tôi ngủ trên boong tàu trong sự gặp gỡ hoà bình sâu xa của trời và nước. Và tôi của tớ hớ, tênh hênh không chiếu trải, không mền che đậy điệm, hoa đào phơi phới tháng tư. Một chú ong vừa ghé ngang tính toan nếm mật. Chúng tôi chiếm một góc gần ổ máy tàu và được mọi người đặt cho cái tên rất thân tình "Gia đình bác Tám". Lê, người lính hải quân lúng túng đem khoe tôi tập thơ chép tay rất học trò. Bê, xum xoe bên mẹ tôi, trao tặng người mấy con cá nướng thơm phức mà mắt cứ nhìn chằm chằm vào ngực tôi. Đê, thản nhiên rủ tôi đi dạo trên boong, bỏ mặc những mắt nhìn phía sau. Sau ba đêm bình yên, người ta đã quên nỗi kinh hoàng. Sự sống mở toang cánh cửa. Thượng đế và tín ngưỡng không còn bị lạm dụng bởi sự nài nỉ, van xin hay nhắc nhở tới nữa. Con người trở về sinh hoạt bình thường, ăn, ngủ, thở và thèm khát những thứ bị thiếu thốn. Thực phẩm và nước uống thì không thiếu vì đây là một chiến hạm có dự trữ lương thực cho mấy tháng, mà tàu vì có nhiều vị tướng nên số người được phép lên tàu rất giới hạn. Những người lính Hải Quân theo tàu lênh đênh trên biển một thời gian dài, chưa kịp về thăm gia đình, giờ lại tiếp tục cuộc hải hành bỏ nước ra đi. Họ cô đơn, thèm khát mái ấm gia đình, muốn kể lể chia sẻ nỗi hoang mang, tâm tư bất ổn, thèm trò chuyện về một ước mơ chưa đạt. Họ tìm đến tôi như một chỗ tựa khoảnh khắc, vĩnh lặng để khoả lấp khoảng trống thời gian vô vị trên tàu. Nghĩ đến sự bất hạnh của họ, "lòng tôi chợt từ bi bất ngờ". Tôi mặc nhiên tha thứ cho hành động của thanh niên người nhái nọ. Tối mai tôi sẽ nói với anh Si cho tôi xuống hầm tàu ngủ gần anh. Dù tha thứ nhưng tôi vẫn không muốn việc này tái diễn.

Đại Dương gầm sóng, 81 con chuồn chuồn sắt tìm đường ra biển Nam Hải. Ông Ford bồi hồi xúc động "Chương sách Việt Nam từ nay khép lại". Ông Kissinger thôi vừa hôn vừa hát. Dọc con đường đến toà đại sứ Mỹ người dân và lính tranh nhau tháo gỡ và lấy cắp thực phẩm, đồ đạc, xe cộ của người Mỹ bỏ lại. Sài Gòn thất thủ thắp nến thay họ đổi tên. Một đại tá cảnh sát nghiêm chào bức tượng "Thương tiếc" rồi tự bắn vào đầu. Bõ già đứng dựa gác chuông nhà thờ làm dấu thánh "Giê su ma, lạy chúa tôi". Gió tháng tư thổi người ra biển khơi.

Từ sáng đến giờ ngoài việc xếp hàng ăn điểm tâm ra Ti không biết làm gì. Em vào thư viện đảo đọc sách chán, lại ra biển ngắm dã tràng, ngắm những đợt sóng vỗ bờ loang vào cát. Em thấy mình bé bỏng giữa mênh mang nước xanh. Hàng dương không ngừng xào xạc tấu điệu biển cả... Xa xa, một ngôi nhà biệt lập sừng sững đứng nghiêng triền đồi cuối đảo. Ti chợt rùng mình ghê sợ. Em nghe kể nơi đó giam giữ những người phạm tội. Nó như điềm dữ, bóng đêm, ác mộng mà mỗi lần liên tưởng em lại thấy lạnh ở sống lưng. Anh Th. nói anh Xê bị nhốt trong ấỵ. Anh Xê đã nổi loạn, đập phá, gây gổ, đánh nhau với ban quản đốc trại. Anh Xê và anh Th. đều yêu chị Hát. Nhiều lần nhìn ra hướng ấy, em cố hình dung, phía sau cánh cửa ghê khiếp kia là những thiên sứ bị đoạ ngồi ngóng đám con gái có đôi chân thuôn dài như đuôi cá. Có đêm em mơ thấy chị Hát xõa tóc hát bài ca trùng dương mê hoặc anh Th., anh Xê và những chàng trai khác. Ti nhớ mãi ngày em ngồi đàn piano trong thư viện đảo. Anh Th. đến làm quen và trò chuyện. Ngày hôm sau anh nhờ Ti trao một bức thư cho chị Hát. Em sững sờ và giận dữ. Thì ra anh Th. làm quen với em vì chị Hát, em buồn buồn nhưng vẫn trao chị Hát bức thư. Em núp trong bụi cây nhìn anh Th. hớn hở giấu trái táo sau lưng trân trọng trao tặng chị Hát. Mai cả nhà lên phi cơ đi Mỹ rồi, chị Hát ra bãi hát tiễn anh Th. bài Biển Nhớ. Anh Th nói anh không bao giờ quên chị Hát. Anh Th kể lể thằng Xê gây với anh nó bảo nó yêu em, anh nói anh cũng yêu em và anh không biết phải làm sao.

Em lại lang thang trên đảo. Em cần phải thăm từng gốc cây hốc đá. Một cặp tình nhân núp trong bụi che ngang tấm khăn tắm có lẽ đang âu yếm nhau. Em thấy được khuôn mặt người đàn ông da trắng và tấm giấy đô người con gái nhét vội dưới đống áo quần. Sáng qua trên đường đến nhà ăn, một ông Mỹ đã hỏi em "How much". Em đưa mắt nhìn chị Hát. Chị tức tưởi "Họ xem tất cả những người con gái Việt Nam như điếm."

Em đi tìm bố nuôi Tonỵ. Ông là một người Phi làm công trên đảo. Sáu tháng ở đây, sáu tháng về Phi. Ông thương em như con và dạy em học Anh văn. Ông hay đem kẹo bánh phân phát cho trẻ em. Em đến từ giã, bố Tony xúc động, trao em bức thư và một tờ giấy 20 đô. Ông bảo ông sẽ nhớ em lắm, qua Mỹ đừng quên ông. Ông nhắn, tiền ông cho em mua gì thì mua, nhưng thư đừng mở vội, đến Mỹ hãy mở. Em cảm động nhìn ông rưng rưng. Khuôn mặt đen rám nắng của ông sáng lên ánh chớp thân tình. Hôm sau vì tò mò, khi lên phi cơ em đã nhờ anh Si mở và đọc giùm. Anh Si cười hăng hắc chảy cả nước mắt. Anh nói với cả nhà, lão Phi nói thương thầm và đòi cưới con bé Ti làm vợ. Em chưng hửng. Trời, em xem ông ta như bố. Anh Si chua chát. Khờ quá bé ạ, đó là con đường tắt nhanh nhất cho ông ta trở thành công dân Mỹ như ước mơ. Thôi con Ti cứ lấy 20 đô ăn quà cho sướng, còn chuyện lão già thì quên đi. Em vẫn thấy bồi hồị. Nhớ dòng nước mắt rơm rớm lúc chia tay và tình cảm thân thương của người cha già cho con gái. Thật không tưởng tượng được, sao lại như thế?

Mai em đi rồi, cả nhà đi rồi. Từ giã đảo, từ giã những ngày dài bình yên.

Trong những trại tị nạn nơi đăng bố cáo tìm thân nhân lúc nào cũng là nơi đông đảo nhất. Trong túp lều Tín Ngưỡng các vị linh mục, tu sĩ làm phép cưới cho nhiều cặp tình nhân. Bệnh viện trại cũng nhoay nhoáy sản xuất hài đồng. Người Mỹ thở hắt ra rùng mình nhìn cuộc chiến tàn. Tính toán tổn thất có lẽ tới con số 50.000 quân nhân Mỹ. Phía Việt Nam có thể phỏng đoán con số 2 triệu rưỡi người. Báo "Sài Gòn giải phóng" tuyên bố Miền Nam phải trả nợ máu cho nhân dân. Từng đoàn người khăn gói vào trại cải tạo chuẩn bị cho một cuộc sống mới.

Con đường lên Processing Center không dài nhưng mỗi lần có việc phải lên đó tôi thấy mình như bước vào một thế giới khác. Ở đó tôi có thể xem Tivi, nói chuyện với những người sẽ phỏng vấn và bảo trợ mình. Tất cả tượng trưng cho người của thế giới bên ngoài trại. Một gia đình luật sư đã nhận bảo trợ gia đình tôi. Hai tuần nữa chúng tôi sẽ được về Los Angeles, sẽ thực sự đứt đuôi nòng nọc rùng mình biến hóa, thành một người khác, nói một ngôn ngữ khác. Việt Nam sẽ thuộc về quá khứ. Giấc mơ về một nơi nắng ấm Cali thành sự thực. Đoá hướng dương mọc hoang ven dốc đường ngạo nghễ khoe đài vàng lụa nõn. Lũ kiến đánh hơi ngọt thi nhau rồng rắn kéo đến làm thịt cái nhụy đầy ắp những hạt chín tròn mẩy nở. Ừ mảy nở như cặp mông của Nơ người con gái bò lạc, Fê bắt về được đêm qua. Tiên sư nó, làm cả lều không ngủ được. Fê thì thầm vào tai tôi : "Nó hành nghề ở Vũng Tàu, qua đây thiếu chịu không nổi, cho không. Tao làm trước, tụi bay xếp hàng phiên sau".

Đêm tháng tám Pendleton, sương muối dày đặc nhìn không rõ mặt nhau, lâu lâu tiếng sói tru dài đệm vào không gian điệu kèn u uất. Nơ tới chiếc ghế bố thằng Fê cắm cọc, căng vải trải giường bít bùng chung quanh từ hồi chiều. Con nhỏ thật thiện nghệ, chắc nó làm việc này mỗi đêm. Bố mẹ tôi kinh ngạc khi đi ăn cơm về thấy sừng sững nổi bật trong lều một căn phòng di động kín đáo, trắng toát. Tôi trằn trọc, Kh. đổi thế nằm. Có lẽ những thằng bạn tôi như tôi đang thao thức theo cơn động tình trên ghế bố thằng Fê. Hình như mọi người đều chờ một tiếng động khác lạ hơn tiếng ngáy đơn điệu mỗi đêm của thằng Pi. Thứ tiếng động nhịp nhàng, đều đặn hay rin rít của ghế bố nhún gặt vào mặt đất trải sỏi hoặc thứ âm thanh vừa ú ớ, vừa rền rỉ. Dù khác lạ thế nào chăng nữa, nó cũng sẽ tấu lên giữa khuya một hợp âm những nhịp sống nhân bản du dương trong cuộc sống con người đầy rỗng lặng.

Tôi sắp bước qua dấu khắc thay đổi đời mình. Thật không biết thu vén, chuẩn bị gì cho cuộc hành trình sắp tới. Không biết bỏ lại và mang theo những gì. Nỗi buồn chán tuổi trẻ, sự chán ngán chiến tranh, mớ kiến thức từ chương từ thưở còn đi học, lý tưởng, đạo đức, thành kiến, hay những cơn mơ hoang tưởng? Có lẽ tôi nên đi tay không hoặc với hình ảnh Vi điên loạn, trần truồng cuối đường chân trời và một chút hy vọng.



Trịnh Thanh Thủy

Bút hiệu khác: Tóc Dài. Định cư tại Nam California, Hoa Kỳ. Tác phẩm [in chung]: Giữa L và C (tập thơ, Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng phát hành, 2001) Cộng tác với: Tiền Vệ, talawas, Hợp Lưu, Văn, Chủ Đề, Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, Người Việt Hải Ngoại.

© 2004 talawas