© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
26.4.2003
Lê Tuấn Huy
Về lý thuyết "Sự xung đột của các nền văn minh" của Huntington
 
Chỉ trong vài năm đầu của thế kỷ 21 đã có nhiều dấu hiệu loan báo đây là thời đại của những nền văn minh "ngoài phương Tây". Những biến cố bi tráng trong tháng vừa qua dường như làm vững thêm lập luận của các chuyên gia từng cảnh giác về "xung đột của các nền văn minh". Cuộc chiến vừa qua tại một vùng thuộc nền văn minh Á Rập, dù mọi hệ quả hiện vẫn chưa thể thẩm định xác đáng được, đánh dấu một bước ngoặt trầm trọng trong mối quan hệ giữa văn minh phương Tây và những nền văn minh "ngoài phương Tây". Thế nhưng, chỉ ai đánh giá phương Tây như cứ địa của mọi dạng thức văn hoá, của mọi tiến triển văn minh hoặc thậm chí của tính nhân đạo thì mới phải lo sợ trước thời đại mới.
Thử giả định rằng nếu phương Tây chịu bỏ đi sự cao ngạo từ mấy trăm năm trở lại đây đối với các nền văn minh ngoài phương Tây và, bằng đường lối hoà nhã, thực tâm thừa nhận rằng không thể phân biệt "cao-thấp" hoặc "mạnh-yếu" giữa mọi nền văn hoá thì có lẽ mới có được tình trạng "chung sống hoà bình" thực sự có lợi cho tất cả, việc chưa từng có kể từ khi phát sinh chủ nghĩa thuộc địa của các nước châu Âu. Cũng nên để ý đến điều đã được lịch sử minh chứng là các nền văn minh nòng cốt ngoài phương Tây cho đến nay tỏ ra là vẫn có thể tôn trọng phương Tây và có thể sống chung với phương Tây, trừ trường hợp bị "tiếp xúc" với phương Tây như kẻ xâm chiếm hoặc kẻ đi bức hiếp.
Nhiều nguyên tắc xử lý quốc tế cố hữu hiện đang phải thay đổi ở mức độ không ngờ. Sinh hoạt kinh tế quốc tế đang nhường chỗ cho những sách lược hoàn toàn do tính toán chính trị. Tiến trình toàn cầu hoá đang có cơ khựng lại do những biến đổi chiến lược chi phối toàn cầu v.v.. Trong những năm gần đây có những lý thuyết mới dựa trên một số biến đổi này đã được đưa ra (Emmanuel Todd, Immanuel Wallerstein, …). Bài viết sau đây của tác giả Lê Tuấn Huy giới thiệu một cách phân tích và lý giải đến nay vẫn được xem là một cái mốc quan trọng cho mọi dự đoán tương lai bối cảnh thế giới.
talawas
Sự kiện có một không hai vào ngày 11/09/2001, mà có người xem như việc đem chiến tranh từ bên ngoài tiến hành trên đất Mỹ, đã bắt đầu được giới học thuật trên thế giới nhìn nhận, đánh giá về mặt triết học, chính trị học. Tuy vậy, bài viết này không đề cập đến những quan điểm đó, chỉ xin trình bày một ít thông tin và nhận định về một lý thuyết đã xuất hiện gần mười năm nay, mà theo cách nhìn của người viết, có thể ẩn chứa một phần gốc rễ triết học của vấn nạn có tính toàn cầu hiện nay - khủng bố. Đó là lý thuyết về sự xung đột của các nền văn minh.

Samuel P. Huntington là một nhà chính trị học, giáo sư tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ. Năm 1993, ông cho đăng tải "Sự xung đột của các nền văn minh" (The Clash of Civilizations) trên tờ Foreign Affairs. Sau đó, năm 1996, công trình này được nhà xuất bản Simon and Schuster (New York) ấn hành, với tựa đề "Sự xung đột của các nền văn minh và sự sắp xếp lại trật tự thế giới" (The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order). Việc chính thức công bố tác phẩm này như một lý thuyết mới đã nhận được nhiều phản hồi, từ nhiều góc độ, có khi lại rất trái ngược nhau.

Theo Huntington, có sáu nền văn minh chính, và thế giới bị phân cắt sâu sắc chính do sự phân lập văn minh này. Sáu nền văn minh đó là: 1. nền văn minh Phương Tây (Châu Âu và Bắc Mỹ), đứng trên cơ sở Thiên chúa giáo và Tin lành giáo, 2. nền văn minh Trung Hoa (Trung Hoa và phần lớn Đông Á), trên cơ sở của Khổng giáo, 3. nền văn minh Nhật bản, trên sơ sở đạo Shinto Nhật Bản, Phật giáo và Khổng giáo, 4. nền văn minh Hồi giáo (A rập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia), 5. nền văn minh Hindu (Ấn Độ), và 6. nền văn minh Slavo (Nga, Đông Âu) trên cơ sở Chính thống giáo. Ngoài ra, còn có hai trung tâm được xem là có khả năng trở thành những nền văn minh chính (candidate civilizations), là Mỹ Latin và Hạ Sahara.

Huntington xem những nước sau đây là các "quốc gia nòng cốt" (core state) của các nền văn minh: Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản. Nền văn minh Hồi giáo không có đại diện trong hàng ngũ những quốc gia này. Ông đồng thời cũng sử dụng khái niệm "torn country", để chỉ vùng lãnh thổ hay quốc gia bị phân cắt về mặt văn minh, là những nơi có hơn một nền văn minh cùng tồn tại, chẳng hạn như Mexico (văn minh Latin và Phương Tây), Liên bang Nam Tư trước đây (văn minh Chính thống giáo, Hồi giáo, Phương Tây), Kashmir (văn minh Hồi giáo và Hindu), Nga (văn minh Chính thống giáo và Phương Tây), Thổ Nhĩ Kỳ (văn minh Phương Tây và Hồi giáo).

Đại thể, văn hóa, theo Huntington, là "lối sống chung của con người cộng đồng", và văn minh là "những tập hợp văn hóa (culture groups) của con người cộng đồng, và là trình độ rộng lớn nhất của bản sắc văn hóa…, được xác định bởi… ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo, phong tục, các thiết chế, và bởi những chủ thể tự khẳng định (subjects self-identification) của cộng đồng"[1].

Huntington cho rằng chiến tranh giữa nước này với nước kia không phải là xung đột giữa các quốc gia mà chính là xung đột giữa các nền văn minh. Cũng theo ông, tiến trình xung đột này trên phạm vi thế giới là như sau. Đầu tiên, hàng mấy trăm năm trước, xung đột diễn ra trong nội bộ nền văn minh Phương Tây. Đến thế kỷ 20, là sự xung đột ý thức hệ, với một thế giới lưỡng cực và một phận được gọi là thế giới thứ ba, trung lập (Trung Quốc chẳng hạn). Và bước vào thế kỷ 21, theo ngôn từ của Huntington, dù có sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản, nay trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, không có nghĩa là sự thắng thế hoàn toàn của văn minh Phương Tây. Con người, từ sự đồng nhất mình với quốc gia và hệ tư tưởng, và trung thành với những giá trị này, xem đó là những chuẩn mực cho sự suy nghĩ và phụng sự của cá nhân, thì giờ đây sẽ được thay thế bằng sự đồng nhất và trung thành đối với nền văn minh của họ, cái mang ý nghĩa là "những thực thể văn hóa rộng lớn". Trật tự thế giới từ đây sẽ có những thay đổi cơ bản. Lần đầu tiên trong lịch sử, một thế giới mới được phân bố và cân bằng không trên cơ sở của một nền văn minh đóng vai trò thống trị hay trên cơ sở ý thức hệ, mà trên một cục diện đa văn minh, đa cực. Kết cấu đó đang được thể hiện ra với thành phần là các quốc gia nòng cốt và các nền văn minh khác. Và điều sẽ đến trong bối cảnh mới này là sự xung đột giữa các nền văn minh. Nguyên do của xung đột là xuất phát từ những khác biệt về giá trị, văn hóa, đạo đức, dân tộc tính, tôn giáo, nhân quyền… giữa các nền văn minh, cùng với lòng trung thành đối với những giá trị này. Xung đột không chỉ có giữa các nền văn minh chính, mà còn diễn ra bên trong một nền văn minh (Huntington nêu trường hợp Trung quốc - Việt Nam trong vấn đề Biển Nam Trung Hoa). Huntington cũng xem Trung Quốc và Hồi giáo là hai thế lực đem lại thách thức lớn nhất cho nền văn minh Phương Tây trong thế kỷ 21.

Giáo sư này sau đó cũng nêu một số chính sách mang tính nguyên tắc cơ bản để thế giới tránh xảy ra chiến tranh toàn cầu từ những xung đột văn minh, xin được nói đến ở phần dưới.

Sự phân chia văn minh của Huntington, trong cục diện thế giới ngày nay, và theo cách tiếp cận văn minh, là có thể chấp nhận được. Ta thấy, chẳng hạn, không có sự liên kết được sắp đặt từ trước, các nước Đông Á lại cùng nhau đồng thanh tôn vinh "giá trị Châu Á", bất kể sự khác biệt về chế độ chính trị. Hay như trường hợp các nước A Rập hiện nay, dù chưa thể xóa đi những dị biệt trong đối sách với Phương Tây và Israel, họ cũng đang lộ dần sự đoàn kết, như một khuynh hướng có thể đi tới, nhằm nâng cao thế lực của mình trong những vấn đề có liên quan.

Nhưng cũng ngay từ sự phân chia này, ta đã thấy những khập khểnh và những điều còn chưa hợp lý. Chẳng hạn, ở tình tiết cho rằng trước thế kỷ 20 là sự xung đột trong nền văn minh Phương Tây, vậy lý giải sao, chẳng hạn, trước cuộc chiến của Napoleon trên đất Nga - nơi thuộc một nền văn minh khác, vào thế kỷ 19? Rồi cũng trong thế kỷ này và trước đó nữa, là những cuộc chiến khiến hàng loạt nước Phương Đông rơi vào thân phận thuộc địa hay nửa thuộc địa? Và còn cuộc chiến tranh Nga - Nhật?

Nhưng so với khiếm khuyết sau đây, về mặt mức độ, thì những ví dụ trên vẫn còn chưa sánh bằng. Đó là việc Huntington đã không xét đến sự khác biệt giữa các nền văn minh cổ đại, nền văn minh tiền hiện đại, và nền văn minh hiện đại, tức nền văn minh công nghiệp. Đây là một thiếu sót từ nguồn gốc phương pháp luận, Huntington xét văn minh chỉ ở một chiều. Rõ ràng, ta thấy ông phân biệt các nền văn minh chỉ trên cơ sở dân tộc-tôn giáo, mà hạ thấp, thậm chí lờ đi một yếu tố mang tính cơ sở khác, là trình độ phát triển kinh tế, khoa học, tri thức, những bộ phận không thể nào thiếu được của một nền văn minh với tư cách một trình độ chiếm lĩnh thế giới. Điều này có liên quan mật thiết đến quan niệm về văn hóa và văn minh của ông, như đã nêu ở trên. Ở những định nghĩa đó (xin tạm gọi như vậy), cho dù có những hợp lý nhất định, nhưng đã đẩy sự đan xen giữa văn hóa và văn minh gần như đi đến chỗ đồng nhất. Nói cách khác, Huntington quan niệm văn minh thiên về văn hóa truyền thống, thiên về yếu tố địa-văn hóa, mà không quan niệm văn minh một cách toàn diện hơn.

Nhưng thiếu sót lớn nhất của Huntington lại là ở chỗ chỉ thấy quan hệ giữa các nền văn minh là sự xung đột, mà không thấy được sự giao hoán, sự kết hợp, sự chuyển hóa giữa các nền văn minh. Seizaburo Sato, tác giả người Nhật, khi phê phán điểm này, đã dùng khái niệm "cross-ferlitiration" để diễn đạt sự kết hợp đan chéo nhau, sự "hôn phối chéo" giữa các nền văn minh nguyên thủy, và cho ra những nền văn minh, những đặc điểm văn minh mới. Thực tế lịch sử đã ghi nhận những cuộc chiến mà ngoài những nguyên nhân sâu xa về kinh tế, đã có ít nhiều mang tính xung đột văn minh, như những cuộc Thập tự chinh vào thế kỷ 11-13; sự đàn áp Phật giáo của người Hồi giáo phương bắc trong cuộc xâm lược và thống trị của họ đối với Ấn Độ hồi cuối thế kỷ 12 đến đầu thế kỷ 16; hay ngay cả như sự cai trị thuộc địa trước đây, vốn là con đẻ của sự "tự kêu" và tính bóc lột dân tộc của chủ nghĩa tư bản tiền hiện đại, dưới một khía cạnh nào đó, đã là một sản phẩm trực tiếp của văn minh Phương Tây. Nhưng đồng thời sự giao hoán, kết hợp, chuyển hóa giữa các nền văn minh cũng không phải không để lại những dấu ấn đậm nét trong lịch sử thế giới. Sato nêu điển hình trường hợp nền văn minh Nhật Bản, coi đó như sản phẩm kết hợp giữa sự đồng hoá văn minh Trung Quốc và sự phát triển của văn hóa bản địa. Cũng như vậy, văn minh Tân Khổng giáo Trung Quốc đã không thể có được nếu không có sự tiếp xúc với văn hóa Hindu và văn hóa Hy Lạp cổ đại, đã du nhập vào đây trong khoảng thời gian thế kỷ 7-13. Những ví dụ này cũng tương ứng với Việt Nam chúng ta, nơi mà đã một mặt đồng hóa những giá trị văn minh Trung Hoa, một mặt bảo tồn và phát triển văn hóa Việt bản địa, và mặt khác, sau này lại có sự tiếp xúc có hiệu quả với văn minh Phương Tây[2].

Phê phán "Sự xung đột của các nền văn minh…" - khi nó không có cái nhìn toàn diện về văn minh, không đề cập đến bản chất kinh tế của các xung đột, không thấy được sự giao hoán, chuyển hóa, kết hợp của các nền văn minh và giữa các nền văn minh, điều đã tạo nên sự phát sinh, phát triển mới của mỗi nền văn minh, khi nó không thấy sự bổ sung giữa các nền văn minh - là thích đáng. Nhưng, cũng cần nhìn toàn cục hơn nội dung của tác phẩm này.

Phải nhận thấy rằng Huntington đã có những phân tích khá sâu sắc về sự hình thành, tồn tại của các nền văn minh, cho dù là đứng trên góc độ tôn giáo. Chẳng hạn ông cho rằng những nền văn minh cổ điển nào vẫn tồn tại được cho đến ngày nay chính là do nền tảng tôn giáo của nó được bảo vệ vững chắc bằng những quyền lực thế tục. Những đế quốc cổ điển như Mông Cổ, Rumani, đã không tồn tại được lâu vì thiếu yếu tố này. Hay như Phật giáo đã từng ảnh hưởng mạnh ở Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng nay sự ảnh hưởng như vậy chỉ còn ở những quốc gia ngoại vi của hai nước này, vì Phật giáo không có được sự ủng hộ của các lực lượng thế tục. Trong khi đó đạo Hindu và Nho giáo, nhờ điều này, lại trở thành những quyền lực thống trị quốc gia. Trường hợp Mỹ Latin và Hạ Sahara thì do tôn giáo của họ quá cô lập, đến nỗi văn minh của họ được kết tinh trước khi nhận được đầy đủ tính phổ quát tôn giáo, và sự đình trệ từ đây, trong việc phát triển văn minh-xã hội, đã khiến chúng không thể trở thành những nền văn minh chính.

Tuy nhiên, nội dung, mục đích của tác phẩm này không dừng lại ở sự phân chia, phân tích các nền văn minh, ở kết luận "xung đột", mà chúng chỉ là những tiền đề không thể thiếu để Huntington dẫn giải đến một trật tự thế giới thời hậu chiến tranh lạnh cùng với những nguy cơ của nó, đề ra những nguyên tắc quốc tế cơ bản để ngăn ngừa chiến tranh và chiến tranh toàn cầu.

Đã có một số nhận định cho rằng quan niệm các nền văn minh xung đột nhau là phương cách biện hộ cho sự áp đặt văn minh Phương Tây, cho những hành vi chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc trong thời kỳ mới. Thực tế, trong tác phẩm, Huntington chủ trương đa cực, đa văn minh cùng tồn tại, phát triển, dù rằng điều đó cũng chứa đựng nguy cơ từ chủ nghĩa dân tộc, từ những khác biệt giá trị. Ông cũng không chủ trương mở rộng sự bá quyền Phương Tây, mà chủ trương chung sống hòa bình, không can thiệp, rằng Hoa Kỳ và Phương Tây cần phải chấp nhận một trật tự thế giới mới trên cơ sở cục diện các nền văn minh và sự cân bằng giữa chúng.

Huntington nêu những nguyên tắc nhằm kiềm chế xung đột, những cái có thể dẫn đến chiến tranh, như sau: "Để tránh chiến tranh xảy ra giữa các nền văn minh lớn, đòi hỏi các quốc gia nồng cốt kiềm chế việc can thiệp vào những cuộc xung đột bên trong các nền văn minh", "Trong tình trạng hỗn độn của tôn giáo ở những nơi có sự chồng lấn, tiếp giáp [văn minh], các quốc gia nồng cốt cần khuyến khích hòa giải, để ngăn chặn hoặc hạn chế nguy cơ chiến tranh giữa các quốc gia hoặc các nhóm [sắc tộc, tôn giáo] xuất phát từ nguồn gốc văn minh của họ". Thêm vào, Huntington đề cập đến chính sách mà cộng đồng thế giới cần chống lại những hành động, những thái độ được xem là xa rời những giá trị con người trong thời đại văn minh, mà theo ngôn từ của vốn đã quen thuộc ở Phương Tây, là "thiếu văn minh", "dã man" (barbarism): "Con người trong mọi nền văn minh cần tìm kiếm và nỗ lực mở rộng những giá trị, những định chế, và những thực tế [cuộc sống văn minh] mà họ có được một cách phổ biến, đến với mọi người trong các nền văn minh khác", "Trong một cuộc xung đột lớn hơn, xung đột toàn cầu thật sự, giữa văn minh và dã man, những nền văn minh chính của thế giới, với sự hoàn thiện, phong phú về tôn giáo, nghệ thuật, văn hóa, khoa học, triết học, kỹ thuật, đạo đức, và với tình thương yêu, họ sẽ hoặc đoàn kết cùng nhau, hoặc đi đến chia rẽ. Trong những vùng nổi cộm, những xung đột văn minh là sự đe dọa lớn nhất đối với hòa bình thế giới, và một trật tự quốc tế trên cơ sở các nền văn minh là một sự bảo vệ chắc chắn nhất chống lại chiến tranh thế giới."[3]

Thực tế những năm gần đây, không thể không thừa nhận những dự báo và quan điểm của Huntington là có phần đúng, dù nếu xét toàn diện thì còn phải bàn đến nhiều vấn đề cụ thể trên bàn cờ chính trị thế giới. Chẳng hạn, ta thấy sự phân ly sắc tộc-tôn giáo ở Nam Tư đã khiến liên bang này phân rã, sự lớn mạnh của các thế lực Hồi giáo cực đoan, sự tăng cường thế và lực của Trung Quốc, sự can thiệp thô bạo của Phương Tây vào Kosovo, và thế giới sau một thời gian trải nghiệm đơn cực, đang dần lộ thế đa cực cùng với những nguy cơ tiềm tàng mới của nó.

Trở lại ngày 11/09/2001, bản thân lý thuyết về xung đột của các nền văn minh không thể tự nó giải thích trọn vẹn bản chất sự kiện. Điều đó còn cần đến một sự phân tích tổng hợp các mặt chính trị, kinh tế, ngoại giao, tôn giáo…, một cách cụ thể đối với những vấn đề quan hệ quốc tế có liên quan trong những năm gần đây và cả trước đó, cũng như chính sách của chính phủ Bush hiện nay. Tuy nhiên, "Sự xung đột của các nền văn minh" ít ra cũng cho chúng ta biết đến một cách tiếp cận khá độc đáo, ít ra nó cũng góp phần vào tính đa dạng, đa diện trong việc nhìn nhận các vấn đề của thế giới ngày nay, mà ta không thể không tính đến.

Tóm lại, trên cách tiếp cận văn minh, Huntington đã xây dựng một lý thuyết mới. Nó chứa đựng những phân tích sâu sắc, mới mẽ, đồng thời cũng có cả những thiếu sót không nhỏ về mặt nội dung, quan điểm, phương pháp luận. Nhưng phải thừa nhận rằng, trên hết, đây là một công trình chính trị học, một tác phẩm triết học chính trị bàn về bối cảnh thế giới thời kỳ hậu chiến tranh lạnh cùng với những nguyên tắc quốc tế cơ bản tương ứng với nó. Sự đúng đắn của nó đến đâu là điều còn cần đến sự kiểm chứng của thực tiễn và thời gian, nhưng gạn lọc từ lý thuyết này, các nhà triết học, chính trị học vẫn có thể tiếp nhận những giá trị nhất định trong cách nhìn nhận và lý giải những vấn đề có liên quan.

9. 2001

© 2003 talawas


[1]S. Huntington, "The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order", Chapter 01, Website http://washingtonpost.com.
[2]Chữ quốc ngữ với mẫu tự Latin là một minh chứng cho điều này, khi mà toàn bộ Đông Nam Á và phần lớn Châu Á, ngoài các quốc gia sử dụng Anh hay Pháp ngữ làm ngôn ngữ chính thức ra, thì chỉ có Việt Nam là đất nước có được một ngôn ngữ thuộc hệ thống mẫu tự Latin, hệ thống mẫu tự được cho là tiên tiến nhất.
[3]S. Huntington, "The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order", Chapter 12, Website http://www.lander.edu/atannenbaum/Tannenbaum courses folder/POLS 103 World Politics/103_huntington_clash_of_civilizations_full_text.htm