© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
17.10.2008
Phạm Phú Đức
Cách xưng hô và tính bình đẳng xã hội
 
Trong tập truyện ngắn The Boat, [1] ngoài cái tài hoa của một nhà văn trẻ gốc Việt hiếm hoi được giới phê bình văn học Tây phương tán thưởng (hiện gây tiếng vang đáng kể, và được lọt vào vòng chung kết của giải văn học Dylan Thomas Prize của Anh), [2] Nam Lê đã tài tình giới thiệu đến độc giả khắp nơi một phần từ vựng tiếng Việt mà chủ yếu là cách xưng hô. Các từ xưng hô trong gia đình như Ba, Má, Anh, Chị, Con được Nam Lê lồng vào mạch văn một cách tự nhiên nhưng không kém đặc thù.

Độc giả tác phẩm bằng tiếng Anh này có cảm nhận được mối quan hệ sâu sắc trong cách xưng hô Việt Nam không? Có lẽ là không. Bởi vì tác phẩm này chỉ là giới thiệu, trong khi sự quan hệ qua cách xưng hô Việt Nam cũng lắm phức tạp.

Là út trong một gia đình mười con, mà ba tôi cũng là út trong một gia đình mười con, và qua sự tiếp xúc với nhiều thành phần khác nhau từ các hoạt động xã hội lâu nay, tôi cảm nhận rõ thứ bậc trong gia đình cũng như sự phân biệt đẳng cấp và tuổi tác đối với người Việt.

Cách xưng hô Việt Nam tự trong bản chất hiếm khi coi đối tác là thứ bậc bình đẳng. Trong bài “Tiếng Việt: Mày, Tao, Mi, Tớ…”. [3] , nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc đã nhận định rất chính đáng. Thứ nhất, từ những người mới học tiếng Việt (ngoại quốc lẫn giới trẻ gốc Việt) cho đến những người cực kỳ thành thạo đều cảm thấy lúng túng trong cách xưng hô bởi nó dựa trên quan hệ đẳng cấp và tuổi tác (mà tuổi tác thì không dễ phân biệt). Thứ hai, từ tính phức tạp và có khi lắt léo trong cách xưng hô như thế, Nguyễn Hưng Quốc nghĩ đến hai điều trong văn hóa Việt Nam: một, người Việt biến việc sử dụng hệ thống từ vựng chỉ thân tộc thành hệ quy chiếu của quan hệ xã hội, nghĩa là xã hội được xem như một gia đình mở rộng, do đó cách gọi ông/bà, bác, chú/cô, anh/chị, và con/em được dùng từ trong nhà ra đến xã hội; hai, cách xưng hô như thế cho thấy tính cách cụ thể trong ngôn ngữ cũng như trong tư duy của người Việt, trong đó cá nhân không tồn tại như một thực thể độc lập mà chỉ được định nghĩa theo quan hệ nhất định. Thứ ba, khi phân tích cách xưng hô trong tiếng Việt, Nguyễn Hưng Quốc cho rằng nói nó hay cũng được, mà dở cũng được, và với tư cách người cầm bút thì chẳng thay đổi được điều gì.

Về cái hay, thì theo Nguyễn Hưng Quốc, cũng nhiều, thí dụ như cách xưng hô như thế cho thấy quan niệm về tình yêu và hôn nhân của người Việt, điển hình như chữ mình đứng ba ngôi (I, You and We). Cái dở, là “mọi cuộc đối thoại đều bất khả”, bởi từ khởi sự không có sự bình đẳng hay sòng phẳng, như luôn có sự khống chế, độc đoán và chèn ép từ phía trên, phía lớn tuổi hơn, có địa vị hơn. Nguyễn Hưng Quốc cũng nghĩ rằng vì như thế nên rất khó xây dựng một xã hội dân sự, trong đó tư cách mỗi người được xác định và tôn trọng trước pháp luật.

Phải chăng người cầm bút chẳng thay đổi được cái hay cái dở của cách xưng hô này? Rất có thể là như thế. Hơn nữa, có rất nhiều cản trở tâm lý nếu muốn thay đổi cách xưng hô xưa nay, bởi nó đã thấm quá sâu vào cung cách suy nghĩ và hành động của chúng ta. Khó bởi vì một, do thói quen, hai, do quá thân thiết hay kính trọng nhau và, ba, do mối tương quan hai chiều. Nhưng tạm để cái hay cái dở hay cái khó qua một bên, tôi tin rằng người cầm bút xã luận, và nhất là các nhà học giả về xã hội học, chính trị học, nhân chủng học v.v… có thể thực hiện các cuộc nghiên cứu khoa học để xem người Việt có thể thay đổi một số đặc tính trong cách xưng hô hiện nay để vừa duy trì được sự lễ phép, tương kính cần có trong các cuộc đối thoại, vừa tạo được sự bình đẳng và dân chủ hơn khi luôn có sự chênh lệch lớn giữa đẳng cấp và tuổi tác thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau.

Trong vấn đề xưng hô này, theo tôi, có hai cách giải quyết để chúng ta có thể đối thoại với nhau một cách tương đối bình đẳng và hiệu quả: một, phải thay đổi cách xưng hô sao cho vẫn duy trì được sự lễ độ, tương kính với nhau nhưng bình đẳng hơn; hai, với một tâm lý phức tạp gắn liền với giá trị đạo đức, văn hoá, truyền thống qua cách xưng hô xưa nay thì rõ ràng không dễ gì thay đổi sớm chiều, cho nên cần bắt đầu chậm nhưng chắc bằng sự thay đổi tư duy mà trong đó quan niệm bình đẳng cần được đề cao và thấm sâu vào tâm khảm của người Việt.

Về cách một, tôi nhìn thấy vai trò tiên phong của các tổ chức chính trị. Về cách hai, mỗi người đều phải nỗ lực thay đổi tư duy, ngay cả phải tự lột xác, nếu cần.

Tôi nhớ hồi còn sinh hoạt với Đảng Việt Tân, nhất là lúc mới tham gia, tôi đã mất một thời gian khá lâu để làm quen cách xưng hô trong đảng. Ngoài giờ họp, ai muốn xưng hô như thế nào thì tuỳ ý. Nhưng khi buổi họp chính thức bắt đầu, mọi người đều tự xưng là “tôi” với người khác, và gọi mọi người khác là chiến hữu cả. Nhỏ 18 tuổi gọi người trên 70 tuổi, có khi đáng tuổi ông mình, là chiến hữu. Khi cần gọi cụ thể ai đó thì nói chiến hữu rồi kèm theo tên (đầu). Có những trường hợp vợ chồng đều ở trong tổ chức, anh em ở trong tổ chức, cha con cũng ở trong tổ chức. Nhưng về cách xưng hô thì không có ngoại lệ. Nếu ai không quen lắm về cách xưng tôi thì xưng tên cũng được, nhưng đều gọi người khác là chiến hữu cả. Ông Chủ tịch, Tổng bí thư đảng cũng gọi các đảng viên khác là chiến hữu, và ngược lại, những người đó cũng gọi ông Chủ tịch, Tổng bí thư là chiến hữu. Lúc đầu, tôi không quen nên cũng lúng túng. Sau một thời gian thì cũng quen. Riết rồi hình như ai cũng quen. Điều rõ ràng, là trong cách xưng hô bình đẳng như thế, người ta cảm thấy tự tin hơn, không cảm thấy bị yếm thế, không cảm thấy bị phân biệt (phái tính, già trẻ, giàu nghèo, địa vị xã hội, tuổi đảng v.v…) gì cả. Bất cứ ai trong tổ chức, nếu muốn người khác lắng nghe phải biết lý luận một cách thuyết phục, không phải do tước vị đương nhiên tạo ra, không ngoại lệ đối với một giáo sư đại học, một luật sư chuyên môn, một chính trị gia kinh nghiệm v.v… Đứng trên nền tảng như thế, tự do ngôn luận dễ được bảo đảm và tôn trọng hơn. Nhưng không phải vì thế mà sự tương kính, lễ phép bị mất đi hay bị coi nhẹ.

Tất nhiên, có người sẽ bảo rằng đâu chỉ riêng Đảng Việt Tân như thế, mà đảng viên các đảng chính trị khác như Việt Nam Quốc dân Đảng cũng gọi nhau là đồng chí, và đảng viên Đảng Cộng sản cũng gọi nhau là đồng chí v.v... Cũng bình đẳng lắm. Mà rồi có thay đổi gì đâu? Thật vậy, cách xưng hô bình đẳng chỉ là một trong nhiều tiêu chí để đánh giá quyền tự do ngôn luận, tinh thần dân chủ cũng như tính chính đáng (legitimacy) của một đảng chính trị. Để nhận chân hoặc đo lường được các phẩm chất này của một đảng, chúng ta cần phải xét đến luật lệ và thủ tục (rules and procedures), tiến trình làm chính sách và thực hiện chính sách, tiến trình ứng cử và bầu cử trong đảng, cung cách cạnh tranh chính trị của đảng đó với các đảng khác, tư cách và tinh thần dân chủ của đảng viên và, có lẽ quan trọng nhất là, quan điểm đường lối và kế hoạch thực hiện mục tiêu chính trị của đảng đó như thế nào, vân vân… Tuy nhiên, đây không là trọng tâm của bài này nên không cần bàn thêm ở đây.

Trở lại, cách xưng hô bình đẳng chưa chắc đã là thước đo về tự do ngôn luận nhưng ít ra giảm thiểu một phần nào đó bất công đến từ vấn đề phân biệt đẳng cấp hay tuổi tác. Do đó cách xưng hô bình đẳng hơn có lẽ là phương cách tích cực để các cuộc đối thoại mang đến hiệu quả và xây dựng hơn.

Nếu các đảng chính trị có thể tạo ra một nếp văn hoá như thế, và có thể nói có nhiều ưu điểm hơn khuyết, thì không có lý do gì xã hội không thể thay đổi tư duy hay xây dựng lại nếp suy nghĩ và xưng hô có tính cách bình đẳng hơn. Tuy nhiên, trên bình diện xã hội rộng lớn, hơn hẳn các đảng phái, thì muốn thực hiện điều này đòi hỏi một sự thay đổi sâu sắc và cấp tiến về ý niệm bình đẳng.

Nói về bình đẳng xã hội, thì không thể không nhắc đến các quốc gia Bắc Âu. Ai cũng biết là Iceland, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan là những quốc gia được xem là đề cao, vừa trong tư tưởng lẫn hành động, sự công bằng bình đẳng nhất trong tất cả các xã hội hiện hữu. Tất cả các chỉ số về sự phát triển con người do Liên Hiệp Quốc thực hiện (UN Human Development Index) [4] đánh giá các quốc gia này đứng đầu bảng 15 nước (top 15) hầu như về mọi mặt (ngoài ra còn có Úc, Canada, Ireland, Thụy Sĩ, Nhật, Hoà Lan, Pháp, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Áo). Tất cả các nước này đều mang đặc tính của nền dân chủ xã hội (social democracy), dân chủ phóng khoáng (liberal democracy) hay dân chủ phóng khoáng tả khuynh (left-liberal democracy). Mặc dầu các đảng Xã hội Dân chủ tại nước Bắc Âu không còn giữ tư thế thượng phong như thời thập niên 1930 đến 1980, nghĩa là áp đảo chính trị hay nắm chính quyền, các xã hội này vẫn được xem là mẫu mực về sự công bằng, bình đẳng.

Nói về bình đẳng, cũng như công lý, tự do, dân chủ v.v…, thì hầu như mọi khuynh hướng chính trị, từ tả sang hữu, từ chủ nghĩa Mác-xít đến chủ nghĩa tự do phóng khoáng (liberalism) đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan phát-xít (fascism) đều đề cao các giá trị này, nhưng mỗi khuynh hướng, cũng như bên trong chính mỗi khuynh hướng này, đều có quan niệm khác nhau và diễn giải khác nhau. Nhà khoa học chính trị uy tín hàng đầu về chủ nghĩa đa văn hoá (Multiculturalism) Will Kymlicka đã nhận xét và tổng hợp phân tích rất kỹ lưỡng trong tác phẩm Triết học chính trị hiện đại: bản giới thiệu (Contemporary Political Philosophy: An Introduction). [5] Chẳng hạn, giữa hai khuynh hướng thoạt nhìn tưởng giống nhau - dân chủ xã hội và dân chủ phóng khoáng tả khuynh (left-liberal democracy) - nhưng triết lý có khác nhau. [6] Sự khác biệt chính yếu về quan niệm bình đẳng giữa hai trường phái này là sự đề cao, đối với Xã hội Dân chủ, là xã hội, và đối với Phóng khoáng Tả khuynh, là cá nhân. Đối với lý thuyết gia David Miller (người bênh vực chủ nghĩa xã hội dân chủ), thì một xã hội được xem có bình đẳng xã hội là một cộng đồng trong đó quan hệ của con người, và sự gắn bó tình cảm đối với người khác, không được cản trở bởi rào cản giai cấp. Tương tự, nhà xã hội chủ nghĩa người Anh Anthony Crossland biện luận rằng mục tiêu của công lý xã hội là để làm suy yếu đi sự phân tầng (phân chia tầng lớp giai cấp) sâu kín đang hiện hữu (kể cả những cảm nghĩ đến từ sự ghen tị và sự tự ti), và làm suy yếu đi những ngăn cách để giữa các giai cấp với nhau có thể hoà nhập một cách tự do. Và vì quan niệm như thế, cho nên riêng về mặt xưng hô, thì theo lý thuyết gia Michael Walzer (cũng bênh vực chủ nghĩa xã hội dân chủ), trong nền dân chủ xã hội, người ta gặp và chào nhau một cách bình đẳng. Người ta gọi nhau là “Mr” hay “Ms” thay vì gọi những người thuộc giai cấp thượng lưu là “sir” hay “madam”, và hạ lưu bằng tên đầu như Jones. Ý tưởng này đã được lịch sử xem là ý tưởng của một xã hội không phân biệt giai cấp hay vô giai cấp (classless society), không theo ý nghĩa của trường phái duy vật Mác-xít với ý định bãi bỏ lao động lãnh lương (hay tư sản và vô sản), mà chủ yếu theo ý niệm rằng địa vị giai cấp dù thế nào đi nữa cũng không nên là tiêu chí quyết định quan hệ xã hội của người đó.

Tuy có thể xuất phát từ nền dân chủ xã hội, nhưng quan niệm bình đẳng về cách xưng hô như trên ngày nay đã trở thành phổ biến và hiện thực đối với nhiều quốc gia trên thế giới, mà chủ thuyết chính trị nghiên về phóng khoáng tả khuynh đến tự do phóng khoáng. [7] Dù có nhiều sự khác nhau giữa nền dân chủ đặt nặng xã hội và nền dân chủ đặt nặng cá nhân, điều rõ ràng là nền tảng dân chủ đã tạo điều kiện để mang lại tính bình đẳng hơn giữa con người với nhau, qua đó góp phần mang lại sự bình thường hoá và giảm hình thức hoá trong cách xưng hô và giao thiệp giữa các thành phần xã hội khác nhau.

Do xu hướng trên ngày một lan rộng, một tiến trình ngược về cách xưng hô đã và đang diễn ra, ít nhất là trong vòng một hai thập niên nay, đặc biệt trong xã hội dân chủ Tây phương.

Chỉ nội cách đây vài thập niên, cách thức xưng hô ở trong trường (ở cả ba bậc đại học, trung học hay tiểu học) nói riêng và ở nhiều địa hạt xã hội Úc nói chung có thể nói vẫn còn mang nặng hình thức (formal). Nghĩa là vẫn chủ yếu sử dụng tước vị như Mr/Ms, Sir/Madam, hay Professor - Doctor v.v… đằng trước tên họ của một người khi chào hỏi hay gọi nhau. Nó hình thức và trang trọng, đúng ra là được trang trọng hoá (formalise) qua thời gian. Thời 1970, 1980 hay trước đó, không có sinh viên học sinh nào dám gọi giáo sư của mình bằng tên đầu (first name). Chỉ một hai thập niên nay, cách xưng hô như thế đã thay đổi nhiều. Nó được làm bớt trang trọng đi nhưng lại thân mật hơn, bớt câu nệ vai vế tước vị dù sự tương kính vẫn còn, và nói chung thì cái hình thức đã được làm giảm đi nhiều (informalise).

Tôi nhớ thời trung học, cách đây gần 20 năm, học sinh ở Úc thời đó phải gọi cô là “Ms”, thầy là “Mr”, và kèm theo sau là tên họ. Cách xưng hô như thế thể hiện sự kính trọng, không như kiểu gọi trổng. Thời trước nữa, tại nhiều trường học cô thầy cũng gọi sinh viên học sinh là “Ms” hoặc “Mr” và tên họ. Điều này cho thấy sự tương kính và tính bình đẳng là quan niệm nền tảng của cách xưng hô này. Tuy nhiều trường vẫn còn giữ truyền thống đó, thế nhưng giờ đây, có trường sinh viên học sinh bắt đầu gọi cô thầy bằng tên đầu, tức gọi thầy bằng John, cô bằng Caroline, chẳng hạn, ngay cả ở cấp bậc tiểu học.

Vì thế nên những năm qua khi trở lại đi học, điều làm tôi ngạc nhiên nhất có lẽ là sự bình thường hoá trong cách xưng hô. Khi viết email cho cô thầy, theo phép lịch sự cũng như sự kính trọng nằm trong tiềm thức, tôi luôn ghi rõ tước vị của họ, chẳng hạn như Giáo sư (Prof.) hay Tiến sĩ (Dr.) rồi đến tên họ; tất nhiên sau đó thì chỉ còn là “You”, “I”. Tôi ngạc nhiên vì: thứ nhất, các cô thầy nào cũng sốt sắng trả lời thư của mình; và thứ hai, ở cuối thư, họ chỉ ghi tên đầu, không có tên họ hay tước vị gì cả. Từ mấy năm nay, không có thư nào tôi gửi đi mà lại không được hồi âm tức khắc, trừ phi họ đi đâu xa. Hơn nữa, tôi không thấy cô thầy nào trịnh trọng ghi tước vị của mình ở cuối thư, mà chỉ đơn giản để “Thân chào, Ralph” (Kind regards, Ralph), chẳng hạn. Nhưng, không chỉ có thế. Ngay cả khi có giáo sư chuyên môn nào đó được mời đến để giảng dạy, thì sau phần giới thiệu sơ lược tiểu sử về lãnh vực chuyên ngành, công trình nghiên cứu và kinh nghiệm giảng dạy của người đó, cách xưng hô từ đó về sau vẫn chủ yếu là gọi nhau bằng tên đầu. Ở bậc cao học, vào giờ đầu tiên của tôi, thầy cô chủ nhiệm của bộ môn lên tự giới thiệu, sau đó đề nghị tất cả sinh viên lần lượt tự giới thiệu tên gì, từ đâu đến, học ngành gì v.v… để làm quen nhau. Tiếp theo đó, thầy cô thường nhấn mạnh rằng họ không phải đến đây để nói, để giảng, mà còn để nghe, để học, từ sinh viên. Đa số nếu không phải là tất cả quan niệm rằng không có câu hỏi nào là dở cả, nếu có chỉ là câu trả lời từ họ, cho nên đừng ngại hỏi bất cứ điều gì và bất cứ lúc nào. Điều đáng nói là đa số các giáo sư mà tôi có cơ hội học hỏi đều là những giáo sư có tên tuổi tại Úc và có khi trên thế giới nữa.

Tóm lại, nếu ngày xưa cách xưng hô được hình thức hoá, thì ngày nay rõ ràng đang có một tiến trình ngược diễn ra. Ngay cả trong văn viết, từ báo chí thông thường cho đến tạp chí chuyên môn, cách tham khảo (reference) đề cập đến một tác giả hay một chuyên gia nào đó, hay cách đề cập đến các vị tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng v.v… nào đó ngày nay cũng thay đổi nhiều, bớt trang trọng hoá đi. Tuy cách gọi trang trọng và hình thức như Mr/Ms hay thỉnh thoảng quá đề cao như Sir/Madam vẫn còn hiện hữu trong xã hội, đặc biệt trong các dịch vụ thương mại và công cộng, và vẫn sẽ tồn tại như thế với con người, nhưng ở các quốc gia có nền dân chủ lâu đời vững chắc, nơi tiến trình dân chủ hoá đã ăn sâu vào mọi mặt đời sống, sự bình thường hoá hay dân chủ hoá đó đã góp phần mang lại sự thân thiện, gần gũi cũng như bình dân hơn trong cách xưng hô với nhau.

Riêng tôi, mãi một thời gian rất lâu, nhất là sau khi cố gắng loại bỏ nhiều thành kiến vốn ăn sâu vào tâm thức của mình và phát huy ý thức giảm thiểu tâm lý phân biệt cấp bậc, dần dần nhiều sự bất công xã hội đã hiện rõ trong đầu tôi. Thí dụ như sự bất công đối với phụ nữ Việt Nam trên hàng ngàn năm qua (không riêng gì Việt Nam mà trên toàn thế giới), hay sự phân biệt giai cấp và đẳng cấp và tuổi tác v.v…

Ngày nay, đã đến lúc chúng ta phải nhận ra rằng nhiều thứ bất công trong xã hội không phải tự nhiên mà có, nhưng do con người và môi trường tạo ra (socially constructed). Cho nên để gỡ bỏ nó thì phải hiểu rõ nguồn gốc của nó; có khi phải bắt đầu bằng tiến trình ngược. Nghĩa là, thay vì tiếp tục cuốn vào (folding), thì cần phải mở ra (unfolding) những ẩn uất và khúc mắc đã bị quấn lại trước đây.

Nhưng trước nhất, và có lẽ quan trọng nhất, là nếu muốn xây dựng một xã hội bớt bất công hơn, thêm bình đẳng hơn, thì điều kiện quan yếu là cần phải nhìn xã hội với những con người bình đẳng. Vì mọi người đều khác, không ai giống ai, không ai bằng nhau về mọi mặt, cho nên khi nói bình đẳng thì không theo ý nghĩa nào khác ngoài tiêu chí: đó là một con người xứng đáng được tôn trọng đối xử như bao người khác, và do đó các quyền tự do chính trị, kinh tế, tôn giáo v.v… cần phải được bảo đảm.

Cái hay nhất của con người, theo tôi, là mặc dầu phần lớn chúng ta có một thân thể giống nhau, không có bất cứ một ai trong số 6.5 tỷ người hiện nay giống hệt một người khác về mọi mặt, kể cả song sinh. Mỗi người sinh ra đều có nét đặc thù riêng, và dù có được uốn nắn cách mấy (nurture) cái bản chất (nature) vẫn không hoàn toàn biến mất. Chúng ta khác nhưng giống, giống như khác, và đó là sự kỳ diệu của tạo hoá. Nhưng nhờ nhận thức được sự khác biệt đó, chúng ta hiểu được thêm về người, về mình. Do con người có khả năng so sánh phân biệt nên đã thu thập được một lượng kiến thức khổng lồ, giúp nhân loại trở nên văn minh hơn, nhưng cũng vì thế mà người ta trở nên phân biệt giai cấp, phân biệt chủng tộc v.v… để rồi phân biệt đối xử một cách tệ hại với nhau. Hiển nhiên, đại từ bi và bác ái như Đức Phật và Đức Chúa cũng phải phân biệt thiện ác, huống chi một người bình thường. Rõ ràng là không thể không phân biệt trong thế giới muôn màu muôn sắc và muôn người. Không thể không phân biệt cha mẹ, anh chị và em trong gia đình, nhất là vai trò và trách nhiệm của mỗi người. Không thể không phân biệt phái nam và phái nữ, và các phái khác. Nhưng khi phân biệt nam nữ rồi, chẳng hạn, thì người ta có thể thấy đa số (không phải là tất cả) phái nữ chân yếu tay mềm hơn phái nam, do đó không thể bắt họ chơi Tennis 5 ván (sets) như phái nam, mà phải chơi 3 ván mới xem là công bằng. Cũng không thể bắt họ phải làm việc nặng nhọc trong các công xưởng như phái nam. Nói cách khác, chúng ta cần phân biệt để tìm các biện pháp đối xử công bằng hơn, chứ không phải phân biệt rồi đối xử một cách bất công hơn, hay lờ đi những bất công hiển nhiên đó.


Vài suy nghĩ kết luận

Khi cách xưng hô Việt Nam hiện nay xem xã hội như một gia đình mở rộng lại thể hiện đầy tính cấp bậc tôn ti như thế, nghĩa là mang nhiều sự độc đoán và áp chế, thì vấn đề dân chủ hoá Việt Nam phải chăng cũng nên bắt đầu từ trong chính mỗi gia đình mà ra. Theo nhận xét chủ quan của tôi, nếu xã hội Việt Nam độc tài như thế nào thì bên trong gia đình Việt Nam nó cũng thể hiện như thế đấy. [8] Từ đó cho thấy những câu nói ngày xưa như “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, hoặc “Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” v.v… e rằng phải được xoá bỏ hay ít nhất là xem xét lại một cách nghiêm chỉnh. Nói tới đây, nghĩ lại thấy cũng rùng mình thật vì vào cuối thập niên 1930, khoảng 10 phần trăm dân số Việt Nam biết chữ, còn 90 phần trăm sống trong cảnh mù chữ. [9] Với một nước có nạn mù chữ cao như Việt Nam (trước 1930 còn cao hơn nữa) mà lại có quan niệm giáo dục gia đình như thế từ bao nhiêu thế kỷ qua thì làm sao dân tộc mình có thể ngóc đầu lên nỗi. Cũng may còn có châm ngôn mang tính cách mạng “Con hơn cha là nhà có phước”!

Không thể có một quốc gia dân chủ nào mà cách cư xử trong đa số gia đình ở đó độc đoán, ngược lại, không thể có một quốc gia độc tài nào mà cách cư xử trong đa số gia đình ở đó dân chủ. Cho nên để dân chủ hoá xã hội Việt Nam đến tận gốc rễ thì bắt buộc phải thay đổi chính trong đơn vị gia đình. Tất nhiên, cũng cần phải thay đổi thể chế chính trị, giáo dục, truyền thông, và nhiều thứ khác. Thí dụ, nhiều người đã đề nghị từ trước đến nay là chế độ cộng sản Việt Nam phải bỏ điều 4 Hiến pháp, phải chấp nhận đa nguyên đa đảng, phải tổ chức bầu cử tự do, và song song với các điều kiện trên thì các đảng phái chính trị trong ngoài phải liên minh để xây dựng sức mạnh dân tộc v.v… Nhưng chưa có đủ lực mà nói phải với trái thì không dễ gì người ta nghe đâu. Vậy trong khi chờ đợi biến cố chính trị to lớn xảy ra, mỗi người trưởng thành có thể tự xây dựng ý thức làm chủ vận mệnh của mình. Từ mỗi gia đình có thể tự trau dồi tính dân chủ, tính độc lập đã là món quà quý nhất không chỉ cho chính mình mà còn cho xã hội. Bởi điều kiện quan yếu cho một nền dân chủ bền vững là đa số công dân biết làm chủ vận mệnh của mình. Quan niệm bình đẳng, tương kính cần đi kèm với giáo dục gia đình. Một thiếu niên dưới 18 tuổi có thể chưa được xem là trưởng thành với đầy đủ ý thức, nhưng ngay từ bé, nếu nó không được đối xử bình đẳng và các quyền của nó không được tôn trọng thì nguy cơ để nó lớn lên trở thành một kẻ độc tài hay một nhà cách mạng (theo kiểu cứu cánh biện minh cho phương tiện) không phải là nhỏ. Trong khi đó, với những cha mẹ rất ý thức mà tôi được biết, họ luôn tìm cách đối thoại với con cái, biết lắng nghe chúng, luôn tìm cách giải thích những thắc mắc từ những câu hỏi mà nó nghĩ nó có quyền hỏi. Khả năng truyền thông của đứa bé cũng như khả năng suy nghĩ phê phán (critical thinking) cũng từ đó phát triển, và đứa bé đó khi lớn lên sẽ làm chủ được cuộc đời của mình, và không dễ gì bảo nó làm những điều mà nó thấy vô lý.

Khác với nhiều văn hoá chủ yếu coi cá nhân là nền tảng xã hội, văn hoá Việt Nam luôn coi gia đình là nền tảng xã hội. Bởi thế nên tính cá nhân không có chỗ đứng vững vàng trong xã hội này. Còn tính xã hội thì vẫn theo kiểu “Cha chung không ai khóc”. Vẫn theo kiểu xã hội chủ nghĩa Mác-xít, Lê-nin-nít hay Sta-lin-nít, không phải kiểu xã hội chủ nghĩ dân chủ (democratic socialism) hay dân chủ xã hội. Nghĩa là tinh thần trách nhiệm chung trong xã hội Việt Nam rất là khan hiếm.

Khi quan hệ trong gia đình có quá nhiều yếu tố cản trở mục tiêu dân chủ hoá, hiện đại hoá xã hội thì xã hội sẽ sao? Ngược lại, khi một xã hội đậm tính độc tài áp chế từ một đảng chính trị thao túng mọi mặt thì gia đình sẽ ra sao?

Nhìn về Việt Nam ở khiá cạnh đó mà không khỏi suy nghĩ lẫn quẫn về bài toán “con gà, cái trứng”.

Dân tộc Việt Nam cứ bị hết chế độ phong kiến và bọn quan lại dốt nát cai trị, đến chế độ thực dân, phát xít, độc tài, rồi cộng sản toàn trị, chưa kể cả ngàn năm lệ thuộc ngoại bang. Tính ra thì thời bình và hưng thịnh có nhưng không bao nhiêu, trong khi chiến tranh thì triền miên. Mà chưa kịp canh tân hay vì đầu óc bảo thủ thiển cận không chịu canh tân thì lại tiếp tục bị lệ thuộc. Riết rồi cả một dân tộc vẫn chưa thoát được cái bóng quá khứ, cái ảnh hưởng văn hoá lớn lao của thực dân (Trung Hoa và Pháp) trong thời hậu thực dân. Nói như Nguyễn Hưng Quốc: “Tâm hồn người Việt Nam lúc nào cũng bị giằng co giữa hai cực: chúng ta vừa thèm thuồng sức mạnh về kỹ thuật của Tây phương lại vừa lo bị biến thành những đứa con lai; vừa muốn duy tân lại vừa bảo thủ. Cứ một bước tiến lại một bước lùi.” [10] Và mỗi khi đề cao quốc hồn, quốc tuý, quốc gia dân tộc vì lý do chính trị thì lúc đó tinh thần bảo thủ và bài ngoại được dịp phát huy tối đa. Nhưng rốt cuộc, người dân, chứ không phải đảng cầm quyền hay một nhóm thiểu số cầm quyền, vẫn phải cam chịu một ách thống trị mà qua đó họ không khác gì nô lệ. Nghĩa là trên thực tế chẳng có quyền gì hết.

Có thể có người bảo rằng đề tài này nói về cách xưng hô và tính bình đẳng xã hội, sao lại chính trị hoá vấn đề? Thật ra, cách xưng hô Việt Nam gắn liền với văn hoá của chúng ta, mà văn hoá thì gắn liền với lịch sử, văn học, chính trị, tôn giáo v.v… Nếu an phận chấp nhận thì chẳng còn gì để nói, nhưng nếu nhìn thực trạng của đất nước và con người Việt Nam hôm nay thì có quá nhiều điều phải trăn trở suy tư. Tôi rời Việt Nam từ nhỏ, bây giờ là công dân Úc, và phần lớn thế hệ của chúng tôi, ngoài vấn đề làm từ thiện cho Việt Nam thì chẳng còn mấy ai quan tâm đến chuyện chính trị gì bởi họ thấy nó quá phiền phức. Đảng độc tài nào cũng chỉ muốn như thế: người dân đừng quan tâm đến chính trị, chỉ khi cần thì làm những gì họ muốn là được rồi. Khách quan mà nói thế hệ chúng tôi chẳng có trách nhiệm gì với những gì đã xảy ra trên quê hương từ năm 1945 đến 1975. Nhưng một cách rất tự nhiên có cái gì đó nó cứ thôi thúc mình, làm mình trăn trở mãi thôi, đặc biệt về cái văn hoá Việt Nam. Nói cho cùng, văn hoá là phương tiện dài hạn, chính trị là phương tiện ngắn hạn, nhưng cả hai không thể tách rời nhau, mà tương thuộc nhau (inter-dependent).

Với tôi, để xây dựng một xã hội bình đẳng, [11] dân chủ và tự do thật sự cho Việt Nam, chúng ta cần những giải pháp táo bạo và cách mạng. Nhưng Việt Nam không cần một cuộc cách mạng bạo lực nữa. Điều chúng ta cần là một cuộc cách mạng tư tưởng, là một cuộc giải phẫu tư duy, là những quan niệm triết học đề cao tính khoa học và khách quan, tính nghiên cứu và học thuật, và quan trọng nhất là tính độc lập và sáng tạo. Nhưng để bắt đầu một tiến trình dài như thế, cái có thể mất nhiều thế hệ, điều chúng ta cần là có thể đối thoại được với nhau một cách bình đẳng, tương kính. Muốn thực hiện điều này thì mỗi người cần ý thức về cách xưng hô, để khi nói chuyện với người nhỏ tuổi hơn, hay với người có địa vị hơn, thì cố phát huy lòng tự tin trong khi giữ được sự tương kính, chứ không theo kiểu coi thường kẻ dưới, luồn cúi kẻ trên. Điều chúng ta cần nữa là xây dựng cho mỗi người quan niệm về bình đẳng, công lý, dân chủ và nhân quyền. Đừng nói chữ “đồng bào” gì cho khách sáo, chỉ cần cố gắng xem mỗi người trên thế gian này, không phân biệt màu da chủng tộc phái tính v.v…, như những con người có quyền hạn và có tự do để sống xứng đáng với nhân phẩm của mỗi người.

Để có thể làm được như thế, có lẽ giải pháp rốt ráo và nhiều khả năng nhất là mỗi người, với khả năng và ý thức, phải dám tự vượt qua chính mình và những bức tường văn hoá - truyền thống đã vây quanh mình, từ những thời rất đỗi xa xôi. [12]

Melbourne 15/10/2008

© 2008 taalwas



[1]Nam Lê dùng từ xưng hô Ba, Ma, Anh, Chi và Child (Con) trong hai truyện ngắn “Love and Honor and Pity and Pride and Compassion and Sacrifice” (trang 1-30) và “The Boat” (trang 264-313) - The Boat, The Penguin Group, 2008.
[2]Bán tuần báo Việt Luận, phát hành tại Úc châu, http://vietluanonline.com/nhavanucgocviet.html.
[3]Nguyễn Hưng Quốc, ‘Tiếng Việt: Mày, Tao, Mi, Tớ…’, tạp chí điện tử Tiền Vệ, tháng 4 năm 2004, http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=2087.
[4]Xin đọc United Nations Development Programme, “Human Development Report 2007/2008”, pg. 1-384, http://hdr.undp.org/en/reports/global/hdr2007-2008/ (accessed on June 4th, 2008).
[5]Will Kymlicka, Contemporary Political Philosophy: An introduction, Oxford, University Press, 2nd edition, 2002, trang 195-199.
[6]Theo tôi, thì điển hình cho nền dân chủ xã hội là các quốc gia Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan, đặc biệt là từ thập niên 1930 cho đến 1970 khi các đảng Dân chủ Xã hội ở đây nắm chính quyền. Điển hình cho nền dân chủ phóng khoáng khuynh tả là các quốc gia Anh, Úc vào những khi các đảng Lao động ở đây nắm chính quyền.
[7]Nước Úc có nhiều đảng, nhưng hai (hay ba) đảng thay phiên nhau cầm quyền từ trước đến nay vẫn là Đảng Lao động (Labour Party) và Liên Đảng (Liberal Party và National Party). Nhiều học giả cho Đảng Lao động chủ yếu theo khuynh hướng xã hội dân chủ, nhưng điều này cũng gây nhiều tranh cãi. Đảng Tự do lấy khuynh hướng tự do phóng khoáng (Liberalism) làm nền tảng, nhưng ngay chính điều này cũng là đề tài có thể tranh cãi. Cựu Thủ tướng Malcolm Fraser cho rằng dưới thời ông nắm quyền (1975-1983) thì trung thành với chủ nghĩa tự do phóng khoáng, nhưng dưới thời của John Howard (1996-2007) thì không phải vậy. Một kết luận có thể rút ra được từ sự chuyển đổi (một cách khá bình thường và tự nhiên) quan điểm chính trị giữa các đảng, các lãnh tụ chính trị, hay các triết lý chính trị, là rằng ý thức hệ tuy quan trọng nhưng không phải là quyết định tất cả, và điều đó cho thấy tính thực dụng để uyển chuyển khi cần vận động để lên nắm quyền và trong khi nắm quyền là chiến lược và chiến thuật của các nhà chính trị chuyên nghiệp.
[8]Tương tự, nếu xã hội Úc dân chủ như thế nào thì gia đình Úc cũng dân chủ như thế đấy. Đây chỉ là một cách so sánh tương đối thôi, bởi tôi cũng thấy rõ nhiều gia đình Việt Nam ở Úc, tất nhiên không chỉ là Việt Nam thôi, vẫn tiếp tục hành xử một cách độc đoán.
[9]Xin đọc David G. Marr, (1981), Vietnamese Tradition on Trial 1920-45, University of California, Berkeley, trang 34. Nguyễn Hưng Quốc có trích dữ kiện này trong “Văn học trong một nước mù chữ”, http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=598. Ngoài ra, trong cuốn Việt Nam Quốc dân Đảng, Lịch sử đấu tranh cận đại, 1927-1954 của Việt Dân Hoàng Văn Đào cũng đưa ra dữ kiện như thế trong trang 22.
[10]Nguyễn Hưng Quốc, “Tính chất thuộc địa và hậu thuộc địa trong văn học Việt Nam”, Tiền Vệ, http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=141, 28/1/2000.
[11]Theo tôi, không có dân chủ thì không có tự do, còn bình đẳng, nếu có, cũng chỉ cho giai cấp thống trị. Không có tự do thì đừng nói bình đẳng và dân chủ. Và không tôn trọng bình đẳng thì dân chủ và tự do cũng sẽ đưa đến một xã hội đầy bất công.
[12]Ý niệm này tôi đã mượn từ nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc (2001) trong bài “Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn học Việt Nam”, tạp san văn học Việt, số 7, trang 240-263. Để tôn trọng tác giả, và để tránh sự tranh cãi không cần thiết, tôi xin nói rõ rằng Nguyễn Hưng Quốc chỉ nhận định chủ yếu như thế trong lãnh vực văn học, trong khi tôi hàm ý lãnh vực xã hội và chính trị.