© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
Loạt bài: Phóng sá»± dá»± thi
 1   2 
21.10.2003
Trần Ngọc Linh
Ca trù: di sản chẳng dễ bảo tồn
 
Nếu thử làm một phép tính đơn giản thì từ đầu thế kỷ 20 đến nay nghề hát Ca trù hay còn gọi là hát ả đào ở Hà Nội đã trải qua được khoảng năm thế hệ (ở đây chúng tôi tính cả những người từ các vùng quê lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề hát xướng này ngụ tại các giáo phường Khâm Thiên, Vạn Thái, Vĩnh Hồ, ấp Thái Hà…vv.). Ðơn cử thế hệ thứ nhất thì có cụ Như Tuyết, cụ Phó Thị Yến bên ấp Thái Hà; thế hệ thứ hai có cụ Quách Thị Hồ ở giáo phường Vạn Thái (phố Bạch Mai ngày nay), cụ Nguyễn Thị Phúc giáo phường Khâm Thiên; thế hệ thứ ba có cụ Phó thị Kim Ðức, cụ Nguyễn Thị Chúc người giáo phường Khâm Thiên, cụ Phạm Thị Mùi bên giáo phường Lỗ Khê; thế hệ thứ tư được biết đến với các nghệ sĩ Bạch Vân, Kim Dung, Trang Nhung, Thuý Hoà…vv. Và thế hệ thứ năm gồm khoảng gần 80 học viên của lớp Ca trù 2 tháng do Cục nghệ thuật biểu diễn đứng ra tổ chức dưới nguồn vốn tài trợ từ quỹ Ford khai giảng vào tháng 10/2002 tại Hà Nội. Bấy nhiêu thế hệ có người còn, người mất, người cao tuổi, kẻ còn đang thiếu niên, tất cả bấy nhiêu con người đã và đang tìm cách giới thiệu và bảo tồn Ca trù, một bộ môn nghệ thuật vô cùng độc đáo của dân tộc Việt. Thế nhưng cho đến ngày nay, người ta vẫn còn băn khoăn, thắc mắc, thậm chí là ngờ vực xung quanh một điều rằng: liệu thực chất Ca trù Hà Nội còn hay mất?

Với những gì mà chúng tôi liệt kê trên thì rõ ràng chúng ta thấy, mạch nguồn của bộ môn nghệ thuật bác học trên vẫn còn chảy đến tận ngày nay. Vậy, câu hỏi vừa được nêu lên kia chắc là thừa? Vâng có lẽ sẽ là đúng như vậy nếu như trong thế kỷ vừa qua có đến gần 30 năm, tức là từ năm 1954, người ta đã coi Ca trù như là một tàn dư của chế độ cũ, đại diện cho một lối sống ăn chơi, truỵ lạc, trác táng, thậm chí có người lại coi người đào nương như một loại gái làm tiền, anh kép đàn như một người môi giới, hoặc gán cho họ những lời lẽ thật tàn nhẫn và bẩn thỉu. Ðể đến nỗi sau một thời gian ngắn ngủi vô cùng, cả một cơ dinh nghề hát đồ sộ, đại diện cho một thú chơi tao nhã vào bậc nhất của văn nhân Việt Nam lúc bấy giờ bỗng chốc tan biến đi, hầu như không để lại dấu tích. Ðể đến nỗi cho đến ngày hôm nay, người ta phải loanh quanh. ôm đầu với những câu hỏi, liệu đâu là Ca trù thật, đâu la Ca trù giả, và Ca trù còn hay mất?

Trong một lần gần đây tiếp chuyện với nhà thơ Ngô Linh Ngọc, ông có tâm sự với chúng tôi là ngay cả đến bây giờ ông vẫn chưa hết bàng hoàng về sự ra đi quá nhanh chóng của Ca trù, một thú chơi đã gắn bó trong ông từ khi còn đôi tám tuổi, lúc bấy giờ đương còn là một cậu Tú. Ông vẫn còn nhớ như in là vào năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ đã có những ngày cả một toa tàu chở hơn 300 cô đầu lên mạn Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc để tản cư, ấy thế mà đùng một cái sau khoảng năm năm tư, sáu mươi, tất cả như chìm hết tăm, không còn để lại một dấu tích nào, có lẽ vì sợ mang tiếng xấu vì mọi người đã gán cho nghề nghiệp của họ. Ngay cả ông cũng phải giấu đi tài nghệ cầm chầu của mình. Mãi cho đến những năm 90 của thế kỷ trước, khi mà có một nghị quyết trung ương kêu gọi về việc phát triển văn hoá nghệ thuật dân tộc, ông Ngọc lại hăm hở tìm lại những người đào hát xưa nay mái đầu đã bạc trắng. ông đã làm ba bộ phim về Ca trù vào đầu những năm 80, bất chấp cả việc cho người khác ghi tên làm đạo diễn, để đổi lại việc cho Ca trù trở lại. Cùng với gần 20 buổi diễn thuyết của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát trước đó, thế giới đã phải công nhận Ca trù Việt Nam là một bộ môn ca nhạc thính phòng vô cùng độc đáo mà người được đại diện nhận vinh dự đó là nghệ nhân Quách Thị Hồ.


Nghệ nhân Quách Thị Hồ (hát),
nhà thơ Ngô Linh Ngọc (cầm chầu)


Những tưởng những cố gắng đó làm cho Ca trù trở lại, nên công quả, nào ngờ đã gần ba chục năm, người còn thì ít, người mất thì nhiều. Người còn lại thì toàn các cụ nghệ nhân già, nhớ ít nào thì được chăng hay chớ, lại khó truyền nghề được vì các cụ đã yếu cả rồi. Ðiểm qua đây mới thấy rằng các cụ nghệ nhân không truyền nghề lại được cho nhiều người lắm. Nghệ nhân Quách Thị Hồ không truyền lại được cho ai, Nghệ nhân Nguyễn Thị Phúc không truyền nghề lại được cho ai, nghệ nhân Phạm Thị Mùi có truyền lại được cho chị Mận và chị Lan, cháu ngoại của cụ, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc truyền lại được cho chị Ngọc Hân, duy có nghệ nhân Phó Thị Kim Ðức truyền nghề lại thật đầy đủ cho chị Nguyễn Thị Bạch Dương (về hát), anh Nguyễn Công Hưng (về đàn). Ðến đây thì chắc nhiều người thắc mắc và tự đặt ra một câu hỏi là thế các nghệ sĩ Ca trù bây giờ như Nghệ sĩ Kim Dung, Trang Nhung, Thuý Ðạt, Bạch Vân, Thuý Hoà thì ở đâu ra, học ở đâu? Xin thưa là họ cũng được học các cụ nghệ nhân, nhưng chưa được đầy đủ, mà phần nhiều là học mót. Ở đây chúng tôi xin phân bạch ra là giữa học nghề và truyền nghề có nhiều cái rất khác nhau. Ít nhất là khi truyền nghề thì các cụ nghệ nhân sẽ truyền lại tất cả những ngón nghề đặc biệt trong cuộc đời nghệ thuật đúc kết ra được hoặc có tính gia truyền. Ví dụ như trong Ca trù có một lối hát gọi là Hát Truyện, lối này hát rất khó, phần nhiều là những đào nương thật vững mới có thể hát được. Người hát Truyện bây giờ chỉ duy có nghệ nhân Phó Thị Kim Ðức là hát được truyện Phan Trần, lối này là khuôn riêng của ấp Thái Hà. Khi cụ Phó Thị Kim Ðức truyền nghề thì bây giờ chỉ có duy nhất chị Bạch Dương, học trò của cụ là hát được. Hơn nữa khi các nghệ nhân truyền nghề rồi thì phần lớn các cụ sẽ buông phách, thôi không hát nữa, chỉ để cho học trò mình hát, những yếu tố này việc học nghề không thể có được. Các nghệ sĩ Kim Dung, Trang Nhung, Thuý Ðạt… là được học nghề của cụ Nguyễn Thị Phúc, các cụ kép đàn Phó Ðình Kỳ, Ðinh Khắc Ban thông qua một lớp học 18 tháng do Bộ văn hoá đứng ra tổ chức vào những năm 80, nghệ sĩ Bạch Vân có được cụ Chu Văn Du truyền nghề, nhưng vì cụ Chu Văn Du là một kép đàn nên phần nhiều bị hạn chế bởi việc truyền dạy hát.


Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức (hát),
nghệ nhân Chu Văn Du (đàn),
nhà thơ Ngô Linh Ngọc (cầm chầu)


Ðấy là việc truyền dạy, còn chất lượng ra sao? Ta thử tham khảo một tài liệu bấy lâu nay vẫn được coi là một trong những công trình nghiên cứu đầy đủ nhất về Ca trù, đó là cuốn Việt Nam ca trù biên khảo do hai tác giả Ðỗ Bằng Ðoàn và Ðỗ Trọng Huề viết năm 1956 về việc dạy và học của Ca trù: "Ngày xưa ả đào học hát rất công phu, cô nào thông minh xuất sắc lắm cũng phải một năm mới cầm được phách để hát, còn lại trung bình học chuyên cần trong 5 năm". Trong khi đó vào những năm 80, Bộ Văn Hóa đứng ra tổ chức một lớp học 18 tháng để gìn giữ Ca trù. Nhưng đó chỉ là thời gian để làm quen tìm hiểu với cỗ phách cây đàn mà thôi, ấy là chúng tôi vẫn chưa kể ra còn có một lớp học 2 tháng do Cục nghệ thuật biểu diễn đứng ra tổ chức vào tháng 10 năm 2002, mới thấy là càng chưa thể tính đó là học Ca trù. Vậy để có một chất lượng thật sự thì phải học như thế nào? Theo nghệ nhân Phó Thị Kim Ðức, ngày nay muốn được truyền nghề Ca trù thì phải mất trên 3 năm, đó là khoảng thời gian tối thiểu và phải được sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại thu âm, máy quay…vv. Người học Ca trù sẽ học theo từng bước một, ban đầu là Ca phách, Ca đàn, học đánh phách, cuối cùng mới là học hát, riêng học hát ban đầu là học lấy tiếng để ăn đủ với phách, sau đó mới là học các kỹ thuật, lấy hơi, bắt câu, nhả chữ, đổ con kiến…vv. Ðặc biệt nhất là học phách, chiếm trọn một năm đầu khi học. Phách có trù có tất cả năm khổ với 87 tiếng nhưng để đánh được 87 tiếng đó cho ra tiếng phách của Ca trù thì đúng là phải học đến một năm. Bởi lẽ trong Ca trù quan trọng nhất là phách, người đánh đàn lấy trường độ của tiếng phách để giữ nhịp khi ra vào tiếng đàn cho đúng khổ, đúng với câu hát, người hát thì lấy trường độ của tiếng phách để đinh vào câu hát, phách nhanh thì hát mau, phách chậm thì hát thưa. Lấy cao độ của tiếng phách để giữa lấy hơi hát, tiếng phách rung mạnh mẽ thì bắt hơi bổng, phách rung nhẹ thị bắt hơi trầm, thế nên mới gọi là một tiếng đàn, một tiếng hát, một tiếng phách; tiếng phách là tiếng hát thứ hai của người đào nương, người nào hát được khuôn thì phải hát như vậy. Còn trống chầu khi muốn điểm trống để ngắt câu hát khi hết một khổ thì phải nhờ vào tiếng phách báo của đào nương, nếu biết được điều đó thì cầm chầu không bao giờ bị trệch cả. . Người hát như thế gọi là Hát Khuôn. Hát Khuôn khó bởi tính khuôn khổ đi theo từng quy luật nhất định, vì thế nên tuy các giáo phường xưa kia có những kiểu dạy và học khác nhau nhưng người ở giáo phương về khuôn khổ, năm khổ phách, năm khổ đàn đều nhất theo một. Chúng tôi còn nhớ có một lần CLB Bích Câu có mời cụ kép đàn Ngô Trọng Bình trong Thanh Hoá, và cụ Phạm Thì Mùi trong Ðông Anh ra hát, sau khi hát xong cụ Mùi mới bảo đùa môt câu: "Ông Thanh Hoá, bà Lỗ Khê, nhưng và vẫn cứ ăn chằn chặt, nghề chúng cháu là như vậy đấy các cụ ạ!". Vậy nếu xét theo tiêu chí khuôn khổ kia thì ngoài các cụ nghệ nhân và những người được truyền nghề thì các nghệ sĩ trên chẳng ai được gọi là người hát Ca trù cả.


Ca trù ở làng Mọc


Và nhiều người không biết được điều đó, chỉ mua băng về mà học nên mới có cơ sự là phách cứ đánh lung tung, hát một đằng, phách một nẻo, đàn muốn đi đâu thì đi, rồi cho quan viên muốn điểm trống vào chỗ nào cũng được. Thế nên bây giờ mới có chuyện ông nghệ nhân Ca trù Hà Tây, Báu vật nhân văn sống về Ca trù của đất nước Việt Nam, biểu diễn Ca Trù đánh phách bằng chân, tay đánh đàn, thỉnh thoảng điểm vài tiếng trống, miệng thì hát [1] . Năm ngoái chúng tôi có dịp điền dã về thăm CLB Ca trù Hà Tây thì thấy họ đào tạo Ca trù rất nhanh, muộn nhất là một tháng có thể là hát được, thấy chúng tôi có vẻ quan tâm họ liền mời ngay bằng một chiêu quảng cáo rất độc đáo: "Các em cứ về đây học, chỉ một tuần là có thể hát được"… Ca trù ở đất này có vẻ là dễ dãi quá.

Còn một yếu tố nữa để thấy cái hay của Ca trù là việc: tạo ra tiếng đặc trưng. Thực ra trong các bộ môn âm nhạc cổ truyền của nước ta, mỗi cái đều chứa trong nó những tiếng đặc trưng. Bởi thế nên người ta chỉ cần một tháng học là có thể đánh đủ số tiếng phách, nhưng cho ra cái tiếng phách của Ca trù không thể lẫn với phách của Chèo hay của Ca Huế thì phải mất một năm, hát là bốn năm, đàn là mười năm, trống chầu phải mất hai mẫu ruộng với một con bò thì mới đến các ca quán mà thưởng trống được, còn nều không anh hãy đứng chầu rìa. Bốn yếu tố hát, phách, đàn, trống hoà hợp vào nhau thì tạo thành một thứ âm thanh mê hồn, quyến rũ đến tuyệt vời. Thế nhưng chúng tôi còn nhớ đã hơn một lần, chính xác là một lần xem trên vô tuyến và một lần tham dự lễ bế mạc của lớp học 2 tháng đào tạo diễn viên trẻ hát Ca trù [2] , thì thấy cả một dàn độ 15 đàn và trống cộng thêm 40 người hát làm một dàn hợp xướng hát bài Hồng Hồng, Tuyết Tuyết của Ca trù, hệt như người ta đang thấy một rổ cá rô. Hỏi ra mới biết ý tưởng trên là do ông nhạc sĩ Vũ Duy Cương khởi xướng. Cõ lẽ sẽ hoàn thiện hơn nếu ông Vũ Duy Cương mặc áo đuôi tôm và…cầm một chiếc đũa chỉ huy. Người ta đang cổ suý cho phong trào giao lưu giữa Ðông và Tây mà.

Và rồi, khi muốn kiểm định xem đâu là Ca trù thật, giả? Trong khi kiến thức về nó lại theo kiểu đánh vần Ơ Tờ Nhót, người ta đành phải lấy một tiêu chí lấy thịt đè người tức là xem ở đâu đào tạo ra nhiều học sinh nhất thì ở đó là Ca trù xịn. Ðã có cả một hội đồng xét duyệt theo kiểu như thế và trao một cái bằng Báu vật nhân văn sống, nghệ nhân Ca trù cho một người trước đây vốn là một anh xẩm chợ. Rõ là xứ mù anh chột làm vua. Ðến đây chắc mọi người cũng có thể trả lời tiếp câu hỏi Ca trù liệu còn hay mất?

Còn nhớ câu chuyện về cụ Cả Tam, một nghệ nhân Chèo nổi tiếng, trước đây vì một lí do gì đó mà cụ đã thề quyết là đem nghề xuống dưới cửu tuyền chứ nhất định không chịu truyền lại cho ai. Khi đó vào những năm mới hoà bình lập lại ở miền Bắc, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi giữ gìn lấy vốn cổ để phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Người ta đã bắt đầu nghĩ tới việc giữ lại nghề hát Chèo. Lúc ấy, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã dẫn một đoàn lên Thái Nguyên để tìm cụ nhưng cụ nhất quyết không nhận. Sau phải cho cụ xem lời kêu gọi của Bác Hồ ra thì cụ mới giải lời thề, mở một lớp truyền nghề trên Thái Nguyên. Bây giờ nhìn lại Ca trù, cũng là một bộ môn nghệ thuật ca quý như vậy mà ngày càng bị chết dần, chết mòn bởi những lí do vô cùng đáng tiếc, làm cho chúng ta cảm thấy thật buồn. Lớp nghệ nhân thứ ba sắp qua đi, để lại hai thế hệ còn đang bơ vơ như một người đứng ở ngã ba ngã tư giữa lúc đưòng đông. Những nghệ nhân còn lại đó cần được một chính sách đãi ngộ đặc biệt để họ có thể giữ lại và truyền cho những thế hệ tiếp theo những gì quý giá, đẹp đẽ nhất của hòn ngọc Ca trù. Chứ đừng để sau này người ta không còn biết đến nó là cái gì, hoặc như một thứ nghệ thuật chắp vá. Những miếng vá không lành.





Phụ lục
Sơ lược về ca trù đương đại tại Hà Nội và vài vùng lân cận


1. Giáo phường Lỗ Khê

Thần tích tổ Ca trù ở Lỗ Khê:

Trời Nam mở vận, lịch đại tế vương trợ thuận phả lục
Giáo phường tổ sư
Các bề tôi ở viện Tập Hiền phụng soạn

Xưa, vào đời Lê Thái Tổ, trong nước ta, có người học Ðinh tên Lễ ở động Hoa Lư, huyện An Khang, phủ Trường Yên, đạo Thanh Hoá, đời trước từng được thụ phong, nối đời hưởng ấm, theo vua dấy nghĩa ở Lam Sơn chống lại Vương Thông đã được 10 năm. Ông lấy người con gái họ Trần, tên hiệu Minh Châu, là nhà truyền gia thi lễ, kế thế trâm anh, đúng thực cuộc hôn phối môn đăng hộ đối.

Một hôm, Ðinh công đi huyện Nga Sơn phủ Hà Trung, đạo Thanh Hoá thấy có một động ở bên bờ biển gọi là động Bích Ðào, người thời đó gọi là động Thần Tiên. Ông bèn xem xét. Lúc ấy mặt trời chưa đứng bóng, bèn nằm nghỉ. Bỗng nhiên, ông mộng thấy có hai cụ già ngồi đánh cờ vui vẻ dưới gốc cây đào. Có một cụ tự xưng: "Ta vốn ở trên điện Thừa Hoa, tên là Ðông Phương Sóc, ngày ngày thường giáng hạ đến các tiên cung trên biển". Nhân đó, ông nói: "Nhà người đức dày, đắc địa sinh con ắt được quý tử. Trời đã định rồi vậy! Sẽ gặp và lấy vợ Tiên đó".

Nói xong, theo đám mây bay lên không trung đi mất. Ông tỉnh dậy, khẩu chiến một bài thơ rằng:

Hải thượng quần tiên sự diểu mang,
Bích Ðào động khẩu thái hoang lương
Càn khôn nhất ngộ cùng Ðông Sóc
Vân thuỷ song nga lão bắc phương
Thạch cổ hữu thanh xao hiểu nguyệt,
Sa diêm vô vị niết thu sương,
Thế nhân khổ tác Thiên Thai mộng,
Thùy đức Thiên Thai triệu báo tường.

(Trên biển người tiên chuyện mãi vương
Bích Ðào cửa động quá thê lương
Một phen gặp gỡ cùng Ðông Sóc
Ðôi mắt nheo cùng khách Bắc phương
Ðá gõ âm vang lay bóng nguyệt
Muối rây vô vị ám thu sương
Người đời khổ mộng Thiên Thai mãi
Ai biết Thiên Thai cũng mộng trường.)

Ngày hôm đó, ông cùng binh sĩ trở về đồn sở. Bấy giờ Thái Tổ sai ông đem quân đi tuần phương Bắc để ứng phó với quân Minh. Ông tiến đến trang Lỗ Khê, huyện Ðông Ngàn, phủ Từ Sơn, thấy có một cuộc đất sơn thuỷ tình, có thế núi hình con phượng, hình cái đàn, là một thắng cảnh.

Ngay hôm đó, ông truyền cho nhân dân, binh sĩ thiết lập đồn sở và trú lại đó. Ðược vài tháng, bà Trần thị, vợ ông, một đêm nằm mộng thấy một con rắn xanh từ dưới đất vọt lên, trườn vào trong lòng bà. Bà hoảng sợ tỉnh dậy. Từ đó bà Minh Châu có thai. Ðến năm Quý Tỵ, tháng 4 mùng 6 sinh hạ một con trai. Ðứa bé thiên tư cao lớn, dáng vẻ tuấn tú kì lạ. Ông biết là "đắc địa sinh nhân", đặt tên là Dự và nuôi dưỡng đứa bé rất thành tâm.

Bấy giờ đang thượng tuần tháng Giêng, mùa xuân, Thái Tổ sai sứ giả đem thư tới, lệnh cho ông đi đánh giặc Minh ở Lạng Sơn. Ông liền hội họp binh sĩ, quyết đánh lớn một trận; nhưng đánh mãi mà chưa phân thắng bại. Ông đành trở về trang Lỗ Khê, đạo Kinh Bắc. Tháng lại ngày qua, Dự đã 12 tuổi, thiên tư dĩnh ngộ, học vấn tinh thông, cầm, kỳ, thi, họa, ca xướng thảy đều tinh luyện, chưa có bậc anh tài nào vượt được. Dự ngày ngày tìm học thể cách dạo đàn ở các giáo phường, nghe nói ở huyện Gia Ðịnh, Thuận An, có trang Ðông Cứu núi dựng chất chồng, dưới ở bến sông, trên có chùa Thiên Thai, chàng bèn đến đó. Tại đây, chàng gặp một người con gái có nhan sắc "chim sa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường", thật là thanh sắc vẹn toàn. Ðinh Dự bèn hỏi: "Nàng từ nơi nào lại, mà hai ta gặp nhau ở đây vậy?". Người con gái ấy đáp: "Thiếp là Ðường Hoa Hải Tiên người ở động Nga Sơn, Thanh Hoá. Nhân lúc nhàn rỗi, lấy việc đọc giáo phường, thể cách 9 lối ca làm nghề". Ðinh Dự nghe vậy, bèn cười nói rằng: "Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Nay người lấy cái hoà đức ở trên để dạy tôi hoà hợp ở dưới, cho nên lễ nghĩa của đạo với thể cách đàn của giáo phường là đồng hành vậy".

Thế rồi, chàng bèn cùng Ðường Hoa kết duyên chồng vợ, trở về nơi đồn trú là trang Lỗ Khê lập Giáo phường, cha mẹ đều rất vừa ý. Khoảng một năm sau, dạy xong nghề đàn, cũng lúc ấy, Thái Tổ sai sứ mang thư tới, nói rằng giặc Minh rất đông chia làm các đạo tiến vào nước ta. Vua kế cùng lực kiệt đành thúc thủ. Thái Tổ lo lắng lắm, sinh bệnh, bèn sai gọi Ðinh Lễ trở về Thanh Hoá, bàn định kế sách tiến quân. Ngày hôm đó, vợ chồng ông cùng con trai và nhân dân đem binh sĩ trở về Thanh Hoá. Bất đồ Ðinh Lễ và Minh Châu đi được nửa đường đều mất cả. Ðinh Dự và binh sĩ rước về quê cũ, chọn đất tốt để an táng. Sau đó vợ chồng Ðinh Dự mới tới nơi đồn sở của Thái Tổ tâu rằng: "Việc cha mẹ tôi do số trời, đều đã mất cả. Chúng tôi xin nguyện đàn hát để giải bệnh cho nhà vua".

Thái Tổ liền quyết chiến một trận, giặc Minh bị đánh tan. Ngài lên ngôi Hoàng Ðế. Nhà vua tưởng nhớ các công thần, nghĩa sĩ bèn cho gọi vợ chồng Ðinh Dự về kinh đô mở yến tiệc, thưởng công, ban tước.

Bấy giờ, Ðường Hoa phu nhân mới tâu với vua rằng: "Thiếp vốn do vượng khí của trời đất chung đúc mà sinh ra, biến hoá vô thường, tinh linh sáng suốt, bầu bạn cùng tiên, cai quản tam giới, biến hoá thiện duyên, chu du thiên hạ, dạy dỗ cho các phường để truyền lưu cổ tiếng thơm. Nay ngày tháng năm ở trần gian đã mãn, nguyện xin trở về thượng giới". Nói xong, khẩu chiếm một bài thơ rằng:

Gián phong triều tấu cửu trùng thiên
Tịch hệ thành môn tuyệt khả liên
Nghĩa chủ báo sinh thần thượng tiết
Thời nhân hột vị giáo phường hiền

(Can ngăn dâng tấu chín tầng trời
Chiều níu cửa thành xót mấy mươi
Nghĩa chúa báo đền tròn khí tiết
Người đời kể mãi chuyện không thôi)

Ngâm xong, bay lên không trung đi mất, tức là hoá vậy. Bấy giờ Ðinh Dự tưởng nhớ đến tình chồng vợ bị ý trời đoạt đi, bèn bái tạ nhà vua, và khẩu chiếm một bài thơ rằng:

Luỹ kế quân ân hốt khế nhiên,
Hiếu trung nhất tiết lưỡng kiêm toàn
Hạc quy hoa biểu thiên niên tại
Vạn sự tri tâm thác lão thiên

(Mấy kiếp ơn vua trọn tấm tình
Hiếu trung một tiết vẹn thanh danh
Hạc về, hoa biểu nghìa năm đó,
Muôn việc yên lòng gửi cõi xanh)

Ngâm xong, bèn ngửa mặt lên trời than rằng: "Không thể làm gì được nữa, cũng cùng một lý ấy", tức khắc biến thành một con rắn xanh thật dài, trườn qua trườn lại chỗ cột trụ rồi đi mất. Vua cho đôi vợ chồng này là bề tôi trung nghĩa. Bấy giờ là tháng 11 ngày 13, Ðinh Công và Hải Tiên cùng hoá vậy. Thái Tổ có thơ rằng:

Lộ kinh cổ miếu thụ liên thiên
Khái tưởng trung thần báo quốc niên
Thuỳ vị đặc trung hoàn thất hiếu
Ðắc trung tiện thị hiếu kiêm toàn.

(Lối qua miếu cũ ngút trời cây
Báo quốc trung quân tưởng những ngày
Ai bảo được trung đành dứt hiếu
Ðược trung lại hiếu vẹn tròn đầy [3] )

Ngày hôm đó, vua bèn truyền hịch cho thần tử các giáo phường trong khắp nước Nam, đến kinh đô rước mỹ tự về giáo phường của mình thiết lập từ đường để thờ phụng. Vua chuẩn cho các cửa đình trong khắp nước Nam đều có lệ: tiết Khai Hạ ngày xuân cầu phúc với số tiền là 3 mạch. Giáo phường dùng để cung đốn trong việc thờ cúng ở giáo đường.

Lê Thánh Tông hoàng đế ghi nhớ công tích của các bề tôi, có làm thơ, phổ vào lời ca để ghi lại điềm lành ấy, gồm các bài Quân đạo, Thần tiết, Quân Minh thần tiết, Dao tưởng anh hiền, Kỳ khí. Lại gia phong cho Ðinh Công là Thanh Xà Ðại Vương, gia phong Mãn Ðường Hoa làm Công chúa.

Chuẩn cho Sinh từ giáo phường ở trang Lỗ Khê, đạo Kinh Bắc thờ cúng, ban sắc để thờ. Thật vẻ vang thay !

Phụng khai các ngày sinh, hoá, các lệ và chữ huý cấm dùng như sau:
- Thần sinh: ngày 6 tháng 4
Lễ dùng trên cỗ chay, dưới trâu, bò, xôi, rượu, xướng ca 10 ngày.
- Thần hoá: ngày 13 tháng 11.
Lễ dùng trên cỗ chay, dưới lợn đen, xôi, rượu.
- Chữ huý: Các chữ Lễ, Châu, Dự, Hoa đều cấm.
Niên hiệu Hồng Ðức năm thứ 7 (1476), tháng Mạnh Xuân, ngày lành.
Ðông các Ðại học sĩ, thần Ðào Cử phụng soạn chính bản.
Niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 6 (1740), trọng thu tháng Tám, ngày lành.
Quản giám bách thần tri điện Hùng Lĩnh thiếu khanh thần Nguyễn Hiền sao như bản chính.
(Dịch từ AE a7/1 - từ trang 4a đến 8a).

Theo như bản thần tích tổ Ca trù của giáo phường Lỗ Khê thì ta có thể thấy được Giáo phường Lỗ khê là một trong những giáo phường lâu đời nhất còn tồn tại cho đến gần đây, ngày nay trở thành một làng Ca trù còn giữ lại được đình Ca công cũng như các nhi lễ thờ tế của giáo phường xưa.

Hiện nay tại làng Lỗ khê - Ðông Anh - Hà Nội còn lại hai cụ nghệ nhân còn hát Ca trù đó là cụ: Phạm Thị Mùi (79 tuổi) và cụ Nguyễn Thị Nhiên.
Trong đó có cụ Phạm Thị Mùi còn giữ lại được các thể như sau:

Bắc phản
Mưỡu
Hát nói
Gửi thư
Cung bắc
Tì bà
Hãm
Ngâm vọng
Sẩm cô đầu
Ca đàn
Dâng hương
Thét nhạc
Chước cẩm hồi văn
Ðọc thơ, thổng
Múa bỏ bộ
Ðọc phú.
Còn cụ Nguyễn Thị Nhiên giữ lại được các điệu như:
Bắc phản
Mưỡu
Hát nói
Gửi thư
Cung bắc
Tì bà
Hãm
Ngâm vọng
Sẩm cô đầu
Ca đàn
Dâng hương
Thét nhạc
Ðọc thơ, thổng
Múa bỏ bộ
Ðọc Phú.

Trong làng vẫn còn vài ông (50 - 70 tuổi) biết đàn. Thế hệ trẻ ngày nay có Chị Nguyễn Thị Lan là cháu ngoại của cụ Phạm Thị Mùi và có được cụ truyền nghề lại cho. Ngoài ra còn có các chị Mận, chị Thảo cũng được cụ dạy cho một số làn điệu. Kép đàn thế hệ trẻ thì có anh Nguyễn Văn Tuyến.


2. Ðình ca công Phượng Cách

Nằm tại Hà Tây hiện còn giữ lại đình ca công nhưng rất tiếc là không còn người hát.


3. Nghệ Nhân Phó Thị Kim Ðức.

Cụ là một nghệ nhân sau thế hệ cụ Quách Thị Hồ và Nguyễn Thị Phúc nhưng cũng đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của sử. Năm nay cụ 73 tuổi học Ca trù từ năm 6 tuổi, 12 tuổi đi hát, như vậy cụ đã có hơn 60 năm tuổi nghề. Trải qua nhiều mốc lịch sử quan trọng: Pháp đô hộ ở Việt Nam, Nhật vào Việt Nam đảo chính Pháp, Cách mạng tháng Tám, Pháp quay trở lại Việt Nam toàn quôc kháng chiến. Ðến năm 1954 khi Pháp thua trận tại Việt Nam thủ đô giải phóng cụ đã không theo các đào nương khác trở vào nam mà ở lại miền Bắc. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của cụ đã có nhiều sự kiện đáng ghi nhớ song điều đáng tự hào nhất là thường xuyên vào Phủ chủ tịch hát và ngâm thơ cho Bác Hồ. Cụ cũng đã từng hát các bài Ca trù mới ca ngợi cách mạng tại Hội trường Ba đình phục vụ các đại biểu trong và ngoài nước. Cụ đựơc bà trẻ của mình là Phó Thị Yến (là bà trẻ) và cụ thân sinh - nguyên là Quản ca của giáo phường Khâm Thiên - truyền dạy. Sau năm 1954 do hoàn cảnh lich sử nghệ nhân Phó Thị Kim Ðức đã chuyển sang hát Chèo và làm việc trong Ðài tiếng nói Việt Nam.

Từ năm 1954 đến những năm cuối những năm 80 đầu những năm 90 do hoàn cảnh lịch sử, đa số các nghệ nhân còn lại ở ngoài phía Bắc đã buông phách không ra hát nữa, người còn ra hát như cụ nghệ nhân Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc thì không truyền dạy cho ai. Hai thế hệ nghệ nhân đã về theo tổ tiên mà không để lại được gì. Cơ hồ môn nghệ thuật Ca trù đã được cả thế giới công nhận có nguy cơ bị mất không còn gì.

Với kinh nghiêm của hơn 60 năm tuổi nghề, cộng với việc ngay từ còn nhỏ đã được bà trẻ và cha dạy dỗ căn bản khuôn phép. Trước việc thất truyền của nghề tổ trong hơn 30 năm buông phách nghệ nhân Phó Thị Kim Ðức đã hoàn thành xong một công việc mà không một ai có thể làm nổi đó là việc ghi chép phục hồi lại một cách khuôn khổ nhiều điệu hát làm nền tảng cho việc dạy và học Ca trù. Một số làn điệu ca trù hiện giờ cụ Phó Thị Kim Ðức ghi lại được gồm có:

Bắc phản
Mưỡu
Hát nói
Gửi thư
Ðọc thơ, Thổng, Dồn
Ðọc phú
Chừ khi
Hát ru
Cung bắc
Tì bà
Kể truyện
Hãm
Ngâm vọng
Sẩm cô đầu
Ả phiền (ba mươi sáu giọng)
Giáo trống
Giáo hương
Thét nhạc
Hát giai
Bài bông (múa)
Ca đàn
Ðào luồn kép vói
v.v....

Như vậy có thể nói Nghệ nhân Phó Thị Kim Ðức đã giữ được nhiều nhất các thể điệu Ca trù. Ðó là phần khuôn khổ căn bản. Ngoài ra, Cụ còn nghiên cứu và biến tấu được các khổ phách với nhiều kỹ thuật đạt đến mức tuyệt kỹ. Hiện giờ cụ đã truyền lại được nghề tổ cho một số người thuộc thế hệ trẻ về phách, hát, đàn và các phép cầm trống chầu.


4. Nghệ Nhân Nguyễn Thị Chúc

Năm nay 73 tuổi, gốc Hà Tây là em họ của nghệ nhân Phó Thị Kim Ðức và cả hai cùng học một thầy, nhưng Nghệ Nhân Nguyễn Thị Chúc không phát triển được vả lại vốn các thể, làn điêu giữ lại được ít, hầu như do tuổi già nên cũng rơi vãi nhiều.
Các làn điệu còn giữ lại được:

Bắc phản
Mưỡu
Hát nói
Gửi thư
Cung bắc
Tì bà
Hãm
Ngâm vọng
Sẩm cô đầu
Ả phiền
Ca đàn
Dâng hương


5. Nghệ nhân - Nhà Thơ Ngô Linh Ngọc

Là một cuốn từ điển sống về văn hoá Ca trù - vốn là Nhà Thơ, đồng thời là một nghệ sĩ cầm trống chầu, với nhiều ngón trống tài hoa, song tuổi cũng đã cao (ngoài 80 tuổi). Công trình nghiên cứu: Tuyển tập thơ Ca trù tập 1, 2

Trong cuốn sách này, ngoài việc tập hợp các bài thơ Ca trù tiêu biểu, Nhà Thơ cũng đã nghiên cứu và tổng kết một cách chi tiết về các phép cầm chầu trong ca trù.


6. Nhóm ca trù Thái Hà.

Trước thuộc ấp Thái Hà cho nên đặt tên là Ca trù Thái Hà. Thời kỳ thịnh đạt nhất của Ca Trù Thái Hà gắn liền với tên tuổi của hai đào nương đó là cụ Phó Thị Yến và cụ Như Tuyết. Khoảng đầu thế kỷ 20, bà Như Tuyết đã được phong làm Ðào Ngự vào cung hát cho vua Khải Ðịnh. Hiện nay Nhóm Ca trù Thái Hà thành lập gồm 4 người:

Ông Nguyễn Văn Mùi (Trống)
Anh Nguyễn Văn Khuê (Ðàn)
Anh Nguyễn Văn Tiến (Ðàn)
Chị Nguyễn Thuý Hoà (Hát).

Trong đó Ông Nguyễn Văn Mùi học trống từ thế hệ trước trong gia đình. Anh Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Văn Tiến học đàn của Nghệ nhân Phó Ðình Kỳ. Chị Nguyễn Thuý Hoà có được đến thụ giáo cụ nghệ nhân Quách Thị Hồ và học theo phong cách hát và phách cụ Quách Thị Hồ. Tuy vậy tiếng phách cũng chưa được rõ ràng.


7. Nhóm ca trù Hà Tây

Hà Tây là một mảnh đất có truyền thống về Ca trù. Tư liệu để lại chứng minh rằng Hà Tây có nhiều giáo phường hát Ca trù ngay bên cạnh Thăng Long, thông qua hệ thống bia ký với nội dung bán bản quyền hát cửa đình giữa các giáo phường với nhau. Hiện giờ theo công trình Nghiên cứu của Thạc sĩ Nguyễn Xuân Diện thì hiện giờ tại Hà Tây có 31 văn bia vói nội dung như trên. Trong đó có 12 bia thuộc về thế kỷ XVII, 13 bia thuộc thế kỷXVIII, 7 bia thuộc thế kỷ XIX. Trong đó bia sớm nhất là bia Tân tạo tác bi văn khế hiện đang để tại đình làng Tiên Lữ xã Phụng Châu huyện Chương Mĩ, dựng vào năm 1657. Các bia phân bố hầu hết các huyện trong tỉnh Hà Tây hiện nay với các địa danh: Khanh Tân, Quảng An, Sơn Lộ, Long châu, Phương bản, Tiên Lữ, gần đây đã phát hiện thêm cả những tấm gỗ ghi khế ước về việc phân bố số tiền hát Cửu đình Thuỵ Phiêu huyện Ba Vì chứng tỏ Hà Tây được xem như một mảnh đất không những có những giáo phường lâu đời mà còn chứng tỏ Ca Trù phát triển rất lớn mạnh.

Hiện giờ tại Hà Tây hình thành một Nhóm Ca trù Hà Tây tập hợp được nhiều người tham gia. Ðã sưu tập được các làn điệu Ca trù hiếm ở tại Hà Tây:

Chước Cẩm Hồi Văn
Huỳnh Ðoài
Dựng Thi
Phú Huỳnh
Hát Cung Nao
Mưỡu Dựng

Dựng Thán Tức
Dựng Tàng thân điểu
Dựng Nam thán
Dựng Ðối văn

Ca trù Ca trù Hà Tây hiện có được một số làn điệu lạ, cũng như các làn điệu mà hiện nay vẫn còn đang hát như:

Phần hát nói
Phần hát mưỡu
Hát Bắc Phản
Hát Tì bà
Hát Ru
Hát Sẩm

Các làn điệu Ca trù Hà Tây (phách, hát, đàn) chủ yếu do Cụ Nguyễn Văn Khôi truyền dạy. Cụ Nguyễn Văn Khôi bị mù, nay đã 86 tuổi nên tiếng đàn, tiếng phách cũng có phần hạn chế.


8. Nhóm các nghệ sĩ Kim Dung, Trang Nhung, Thuý Ðạt.

Xuất thân từ các nghệ sĩ ngâm thơ, hát cải lương. Do trước đây có được học một khoá học hơn 20 tuần do Bộ Văn hoá tổ chức do Cụ Nghệ Nhân Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc và cả Nghệ Nhân đàn đáy Ðinh Khắc Ban giảng dạy nên có chuyển sang hát Ca trù.
Tuy vậy các nghệ sỹ này đềy yếu về phách - một trong những yếu tố quan trọng của nghệ thuật Ca trù.


9.Câu lạc bộ Hà Nội (Bích Câu)

Thành lập: năm 1991
Chủ Nhiệm CLB: Cô Lê Thị Bạch Vân
Ngày sinh hoạt: Chủ nhật tuần thứ 2 trong tháng và chủ nhật tuần thứ tư cuối tháng

Hiện giờ trong CLB có hai người hát chính là nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và cô Lê Thị Bạch Vân ngoài ra còn có chị Ngọc Hân học trò của Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc. Sau này có thêm chị Yên và chị Dung đuợc đào tạo từ lớp Ðào tạo diễn viên trẻ hát ca trù do quỹ Ford tài trợ dạy ở Nhạc viện Hà Nội tháng 10, 11 năm 2002 vừa qua. Kép đàn của CLB là ông Ngô Trọng Bình người Thanh Hoá.

Về chuyên môn:

* Cô Lê Thị Bạch Vân

Là học trò của nghệ nhân đàn đáy Chu Văn Du. Là người say sưa và nhiệt tình với nghệ thuật Ca trù. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn vẫn duy trì được hoạt động của Câu lạc bộ Ca trù Hà nội hơn 10 năm qua. Cô Lê thị Bạch Vân là người hát theo phong cách của cụ Quách Thị Hồ, và biết nhiều làn điệu ca trù. Tuy vậy giọng hát và tay phách vẫn có những hạn chế nhất định.

* Lê Ngọc Hân

Là học trò của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc nhưng cũng chỉ mới học trực tiếp được một vài làn điệu thông thường, phần nhiều là học qua băng, gần đây có tham dự lớp đào tạo diễn viên trẻ hát Ca trù do quỹ Ford tài trợ và được thụ giáo cô Thuý Hoà trong 2 tháng. Phách có pha thêm phong cách chị Thuý Hoà bên Nhóm Ca Trù Thái Hà.

* Vốn Ca Trù hiện có:

Phần hát nói
Phần hát mưỡu
Hát Bắc Phản
Hát Tì bà
Hát Ru
Hát Sẩm

* Chị Dung và chị Yên

Mới ra nhập CLB được chủ nhiệm Lê Thị Bạch Vân cử đi học lớp Ðào tạo diễn viên trẻ hát ca trù do quỹ Ford tài trợ dạy ở Nhạc viện Hà Nội tháng 10, 11 năm 2002. Hiện nay cũng chỉ mới hát được vài điệu học oử lợp mà thôi.

* Vốn Ca trù hiện có:

Phần hát nói (Hồng Hồng, Tuyết Tuyết).
Hát ru
Hát sẩm

* Kép đàn Ngô Trọng Bình

Ra nhập CLB cách đây 4 năm, là người Thanh Hoá. Nghệ nhân Ngô trọng Bình hoc đàn đáy từ nhỏ và đi đàn từ năm 13 tuổi. Do điều kiện lịch sử đã bỏ đàn suốt 53 năm. Gần đây khi tham gia câu lạc Bộ ca trù Hà nội mới đàn lại.

© 2003 talawas



Trần Ngọc Linh (1984) hiện học năm thứ 3 (khoá 46), khoa Văn học, trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn - Đại học quốc gia, Hà nội




[1]Báo Lao Ðộng, bài Phong tặng nghệ nhân dân gian, Tôn vinh các "báu vật nhân văn sống" của tác giả Việt Văn, số 112/2003 ra ngày 22 tháng 4 năm 2003, trích lời phỏng vấn ông GS. Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch hội đồng xét tặng
[2]Từ tháng 10 đến tháng 12 tại Nhạc Viện Hà Nội., Cục nghệ thuật biểu diễn đứng ra tổ chức một lớp "Ðào tạo diễn viên trẻ hát Ca trù" dưới nguồn vốn tại trợ của quỹ Ford
[3]Các bài thơ trong bản dịch này, do Việt Anh dịch thơ.