© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
8.8.2008
Phùng Nguyễn
Nỗi loay hoay của Lữ Phương
 
Lữ Phương là một trong những ngòi bút nghị luận ưa thích của tôi cho dù tôi chỉ mới được làm quen với văn chương của ông, trong đó có bài "Nói thêm một lần để không nói nữa" trên diễn đàn talawas gần đây. Chữ "lùm xùm" ông dùng rất đắt, rất tượng hình, rất thích hợp để mô tả những điều đã khiến ông phải lên tiếng thêm một lần nữa. Một "cái gì đó" không có hình thù rõ rệt, sù sì, tua tủa, gai gai, vương vướng, chỉ muốn vứt đi, rẫy bỏ đi mà không biết làm thế nào và bắt đầu từ đâu! Nó khiến chúng ta loay hoay, và trong bài viết "Nói thêm một lần để không nói nữa" đã khiến Lữ Phương không chỉ loay hoay mà còn, bằng vào sự loay hoay của mình, làm cho mối "lùm xùm" trở nên tệ hại hơn nữa!

Nỗi loay hoay xuất hiện rất sớm trong bài "Nói thêm một lần để không nói nữa", ở đoạn nói về việc Lữ Phương được giao phụ trách bộ phận “đọc và phân loại sách” xuất bản tại miền Nam trước ngày 30.04.1975 mà tôi trích dẫn dưới đây:

Lúc bấy giờ tôi còn là một đảng viên cộng sản, công việc tôi đảm nhận chỉ là một phần trong sự khởi đầu của một chính sách cải tạo xã hội theo đường lối cộng sản. Đó là kết quả tất yếu của một quan niệm chiến thắng về một cuộc chiến tranh. Những ai kết án những việc tôi làm vào lúc bấy giờ tất yếu cũng phải phủ định hoàn toàn ngày chung cuộc của cuộc chiến tranh ấy, kết án toàn bộ những người cộng sản, kết án tất cả những ai có quan hệ đến cộng sản...

Xin lưu ý phần chữ nghiêng ở trích dẫn trên. Tất nhiên là ông Lữ Phương, và nhiều phần là chỉ riêng ông, biết rõ mình muốn nói gì ở đây. Riêng cá nhân tôi thì chỉ biết vin vào sự kém cỏi của mình để biện giải cho việc không thể tìm ra sự liên hệ vô cùng "huyền nhiệm" giữa việc ông Lữ Phương làm vào lúc bấy giờ với ngày chung cuộc xảy ra trước đó, với toàn thể những người cộng sản, và đặc biệt với tất cả những người có quan hệ với cộng sản mà kết quả là ông Lữ Phương biến thành... cái rốn của vũ trụ và những "điều" liên hệ kể trên cứ xoay như chong chóng chung quanh để... bảo vệ ông!

Cũng may (cho tôi) là tôi không hề có ý định “kết án” ai hết, kể cả và nhất là ông. Tôi chỉ muốn đóng góp vài ý kiến thô thiển của mình nhân đọc bài của ông trên diễn đàn talawas. Thay vì đưa ra một số điều kiện mang hơi hướng “cả vú lấp miệng em” ngay cả trước khi phát biểu một điều gì đó cho ra hồn, tôi xin phép được đối thoại cùng ông dựa vào một số "luật chơi" tôi tự đề ra cho mình dưới đây:

Tôi sẽ, ngoại trừ trường hợp tối cần thiết, không sử dụng các nguồn tư liệu nào khác ngoài chính văn bản "Nói thêm một lần để không nói nữa" của tác giả Lữ Phương trong bài phản hồi này của mình. Như vậy, sẽ dứt khoát không có việc tam sao thất bổn, ông nói gà bà nói vịt, hoặc nhu cầu cãi vã nhau về sự chính xác của trích dẫn từ những nguồn khác. Thêm vào đó, tôi sẽ chấp nhận những lời biện giải trong văn bản của ông ở "giá trị bề mặt" của chúng, nghĩa là “Nói thêm một lần để không nói nữa" được giả định là đã viết ra dựa trên sự thành thật ở mức độ cao nhất từ góc nhìn/cảm nhận của tác giả Lữ Phương. Ngoài ra, tuy có đọc qua phần 2 và 3 của bài viết, chủ yếu dành cho giáo sư Nguyễn Văn Trung hơn bất cứ ai khác, tôi không có hứng thú và cảm thấy không cần thiết để lạm bàn hoặc sử dụng các phần này trong bài của mình. Tôi hy vọng là bạn đọc và ông Lữ Phương sẽ đồng ý với tôi là một môi trường đối thoại như thế công bằng và... văn minh hơn cái vị trí mà Lữ Phương muốn người tranh luận cùng ông phải ở vào.

Theo Lữ Phương, ông là một đảng viên cộng sản cho đến một thời điểm nào đó sau tháng 4/1975, khi ông "tự ý bỏ Đảng", hình như vào năm 1999. Là đảng viên, ông có bổn phận tuân hành lệnh và đặt mình dưới sự chỉ đạo của Đảng. Việc “đọc và phân loại sách” xuất bản ở miền Nam trước ngày 30.04.75, mặc dù do chính ông đề xướng với ước muốn làm giảm thiểu "những lạm dụng trong thời kỳ tiếp quản, lộn xộn, rối ren...", cũng thuộc về những hoạt động mang tính thừa hành nói trên của một đảng viên cộng sản!

Trong mọi trường hợp, tôi không hề gặp trở ngại tin vào những lời trình bày của Lữ Phương, và dựa trên "giá trị bề mặt" của chúng, tôi cho rằng ông là một người tốt và khí khái, không chỉ không chấp nhận thân phận "chậu kiểng" mà đã ít nhất một lần có những nỗ lực để cứu vãn một phần những thành tựu văn hóa văn học của miền Nam trong một giai đoạn vô cùng khó khăn. Điều này cần được ghi nhận, cho dù nỗ lực của ông đã không mang lại một kết quả cụ thể nào như thực tế đã chứng minh. Trong cùng một lúc, xuyên qua một số tuyên bố trong bài viết mà mục đích, theo tôi, để tự đưa mình ra khỏi cái "vũng lầy trách nhiệm", ông Lữ Phương đã giúp khẳng định một số điều vô cùng quan trọng mà cho đến hiện nay vẫn còn là đề tài tranh cãi giữa một số cá nhân và tập thể.

Câu tuyên bố của ông, "Nhưng một mặt khác, trên phương diện cá nhân, tôi có thể khẳng định rằng công việc mà tôi đảm nhận đó hoàn toàn không phải là một thứ 'chính sách khủng bố mang tính chất nhà nước (với) trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam sau 75,'..." cần được làm cho minh bạch. "Chính sách khủng bố mang tính chất nhà nước đối với trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam sau 75" là cụm từ mà, theo ông Nguyễn Trọng Văn, ông Nguyễn Văn Trung đã dùng để gọi chính cái điều mà Lữ Phương gọi là "cái gọi là chính sách cải tạo văn hoá ở miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975," hoặc là một phần của công cuộc "cải tạo văn hóa" này. Như vậy, có vẻ như hai người đang nói về cùng một điều với hai cái tên khác nhau. Theo tôi, cái tên của "chính sách" này không thực sự quan trọng, điều quan trọng là mục tiêu và đường lối thực hiện. Trước khi tiếp tục, cần phải minh bạch ở một điểm: Có hay không một chính sách khủng bố mang tính chất nhà nước đối với trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam sau 75? Tôi cho rằng có, vì những lý do sau đây.

Trong bài viết, Lữ Phương đổ trách nhiệm về những thất thoát lớn lao của văn hóa phẩm miền Nam lên cái "không khí cách mạng ồn ào" đã khiến dân chúng đem giao nộp đủ loại ấn phẩm và lên sự "quá đà" của thuộc cấp trong thời quân quản. Thế nào là "ồn ào?" Một khối dân chúng đã từng hàng ngày chịu đựng bom mìn, hỏa tiễn, đạn pháo, từ đủ mọi phe phái trong chiến tranh như người dân miền Nam, kể cả dân thành thị, chắc phải cần đến một điều gì đó "ghê gớm" hơn là sự "ồn ào" để có thể phản ứng một cách sợ hãi như thế. Ngay cả khi tôi chấp nhận lập luận của Lữ Phương về chuyện "ồn ào" và "quá đà", ông đã không hề đưa ra bất cứ bằng chứng nào về những nỗ lực của giới cầm quyền trong việc ngăn chặn và "sửa sai" những điều kể trên sau khi sự "ồn ào" đã đi qua, không chỉ trong vài tháng, vài năm đầu sau tháng 4/75 mà ngay cả sau vài thập kỷ. Cũng không nơi nào trong bài viết, Lữ Phương cung cấp chi tiết về "số phận" của các tác phẩm "được" ông phân loại C, D, và E. Ngoài ra, cũng không hề nghe ông nhắc đến bất cứ nỗ lực "xét lại" nào từ bất cứ ai trong giới cầm quyền hoặc giới làm văn học "chính thống" để trả lại công bằng cho các tác phẩm có giá trị văn học đích thực. Không thể cứ tiếp tục “ồn ào” và “quá đà” hàng chục năm trời mà không cảm thấy áy náy! Những điều Lữ Phương đã chọn không nói đến, cộng với sự vắng mặt của hầu như toàn bộ văn hóa phẩm ấn hành trước tháng 4/75 ở miền Nam trong sinh hoạt văn hóa giáo dục của cả nước trong ba thập niên qua, nhiều hơn là cần thiết để có thể đưa ra một nhận định chính xác về mục tiêu, đường lối thực hiện, và hậu quả của cái "chính sách" mà cái tên đã trở thành đề tài tranh cãi giữa Nguyễn Văn Trung, Lữ Phương và một số "nhân vật" khác. Như tôi đã nói ở một số nơi khác, đôi khi bằng chứng hùng hồn nhất là "sự vắng mặt" của một hay nhiều bằng chứng [khác].

Nếu tất cả những điều trên vẫn chưa đủ thuyết phục một ai đó về sự hiện hữu của một chính sách nhằm tiêu diệt nếu không toàn bộ thì cũng là đại bộ phận văn hóa miền Nam, chúng ta có thể điểm qua những đoạn văn rải rác trong bài viết của chính Lữ Phương. Ngay cả trước ngày "chung cuộc," ông Lữ Phương đã có kinh nghiệm khá cay đắng xuyên qua việc ý kiến của ông liên quan đến "sinh mệnh của cả một nền văn hoá" bị gạt bỏ trong buổi họp thông qua "chương trình hành động 10 điểm" của CPCMLTCHMNVN khi tình hình chiến sự đã lan tới Huế. Sau đó ông được biết "cái gọi là Chương trình 10 điểm đó đã được Bộ Chính trị duyệt và gửi đến các đài phát thanh để chuẩn bị phát đi tối hôm đó rồi!" Tôi không biết rõ nội dung của "chương trình hành động 10 điểm" này, nhưng ít nhất một số điều trong đó phải đủ nghiêm trọng để ông Lữ Phương, lúc bấy giờ là một thứ trưởng của CPCMLTCHMNVN, "đề nghị cho tranh luận tiếp "chừng nào ra lẽ mới thôi," bởi "vì đó là sinh mệnh của cả một nền văn hoá!" Không lâu sau ngày 30.04.75, cũng chính ông Lữ Phương, "trong một cuộc họp của Thành uỷ TP HCM bàn về 'bài trừ văn hoá phản động đồi trụy' do ông Võ Văn Kiệt chủ trì", đã phản đối ý kiến của đại diện Ban Tuyên huấn Thành ủy bấy giờ cho rằng "không cần phân loại cho rắc rối!". Tất nhiên ý nghĩa lời tuyên bố của thành ủy viên Trần Trọng Tân không cần làm rõ hơn nữa! Không khó khăn gì để kết luận từ những điều trên về cái "số phận" của nền văn hóa/văn học miền Nam mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã định sẵn cho!

*


Ngay từ những dòng đầu tiên trong bài "Nói thêm một lần để không nói nữa", Lữ Phương đã xác lập thế đứng của ông một cách rõ rệt, không cho phép người đọc nhầm lẫn hay tranh cãi: Ông hoàn toàn không có [và không chịu] trách nhiệm về một chính sách mà thực chất là, bất kể cái tên gọi, nhằm triệt tiêu nền "văn hóa đồi trụy" ở miền Nam lúc bấy giờ. Xin lưu ý bạn đọc, phần tuyên bố đã trích dẫn, "Nhưng một mặt khác, trên phương diện cá nhân, tôi có thể khẳng định rằng công việc mà tôi đảm nhận đó hoàn toàn không phải là một thứ 'chính sách khủng bố mang tính chất nhà nước (với) trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam sau 75' ..." không phải để phủ nhận sự hiện hữu của chính sách "khủng bố văn hóa" này mà chính là để phủ nhận sự dính líu vào và trách nhiệm nếu có của cá nhân ông Lữ Phương với một chính sách như vậy. Sự hiện diện của cụm từ "trên phương diện cá nhân" trong trích dẫn trên không hề là chuyện tình cờ!

Một điều đáng chú ý là trong bài viết của Lữ Phương, không tìm đâu ra cái tên của người hoặc cơ quan chủ quản trực tiếp chịu trách nhiệm về các hoạt động nằm trong chính sách cải tạo văn hóa miền Nam. Lữ Phương cho biết ông chỉ được trao nhiệm vụ “chỉ đạo” việc hình thành một bộ phận đọc và phân loại sách, và sau khi giao nộp danh sách các tác giả/tác phẩm thuộc loại A và B, đã không còn được giao cho bất cứ một công tác nào khác nữa. "Tất cả những gì tôi góp phần vào cái gọi là chính sách cải tạo văn hoá ở miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 chỉ có vậy, và chỉ có như vậy mà thôi", ông nhấn mạnh. Tiếp tục với việc chấp nhận giá trị bề mặt của các lời tuyên bố của Lữ Phương, người đọc phải đồng thời nhìn nhận vai trò "thừa hành" của ông trong chính sách này, một ông "thiên lôi," sai đâu đánh đó. Như vậy, chúng ta có thể lý luận là Lữ Phương, với tư cách một đảng viên ở vị trí thừa hành, có bổn phận và chỉ biết làm theo chỉ thị, không nên để ông chịu trách nhiệm về những điều vượt quá sự kiểm soát của ông!

Một lập luận như thế có vẻ chấp nhận được, và ngay từ đầu, tôi đã biểu lộ sự đồng tình, nếu Lữ Phương chỉ đơn thuần là một "thiên lôi". Sự thực là, bên cạnh tất cả những gì khác Lữ Phương đã là trong giai đoạn này, ông còn là một trí thức tên tuổi. Ở vị trí của một trí thức, Lữ Phương đã phải ý thức được khả năng hạn hẹp, hoặc đúng hơn, sự bất lực, của mình xuyên qua các sự kiện do chính ông dẫn ra ở trên (vụ "chương trình 10 điểm, thân phận "chậu kiểng", v.v...). Điều quan trọng hơn nữa, ông đã phải nhận ra rằng ngay cả cái ý định tốt đẹp của ông trong vụ "phân loại sách" cũng đã bị lợi dụng để phục vụ cho mục tiêu của Đảng, và điều này có thể đã làm trầm trọng hơn các tổn thất. Lữ Phương và nhóm thuộc cấp của ông có thể nào chứng minh rằng cái danh sách "A & B" do họ thành lập đã không được sử dụng như một “sổ bìa đen” và những tác giả có tên trong đó đã không bị sách nhiễu, thậm chí tù đày với những tội danh "chống cộng" hoặc "đồi trụy", những từ có thể làm chết người trong thời điểm này? Một cách khá mỉa mai, trong một khung cảnh "ồn ào" và "quá đà" như Lữ Phương mô tả, tôi e rằng chính sách "cá mè một lứa" của thành ủy viên Trần Trọng Tân có thể đã gây ra ít tổn thất hơn, bởi vì trong trường hợp vắng mặt của một danh sách cụ thể, một hay nhiều biện pháp "chung chung" có thể đã được áp dụng cho toàn thể giới viết lách miền Nam thay vì một hay nhiều biện pháp "đặc biệt" được dành cho các tác giả nằm trong sổ bìa đen. Không phải một ai đó đã nói là địa ngục được xây bởi lũ người tử tế hay sao?

Nếu ông Lữ Phương vẫn tiếp tục không cảm thấy mình có chút xíu trách nhiệm nào hết, và tôi đành tiếp tục chấp nhận, thì ít nhất ông, với khả năng tư duy của một trí thức tên tuổi, đã phải nghĩ đến và đã phải vô cùng thận trọng trong việc KHÔNG để những hoạt động tương lai của mình tiếp tục trở thành một thứ công cụ cho cái thế lực đen tối với khả năng hủy diệt "nền văn hóa của cả một dân tộc", điều mà theo ông, hoàn toàn đi ngược lại với ước muốn của mình! Đây là một luận điểm quan trọng và sẽ cần thiết được nhắc lại ở một phần sau.

Một vài hoạt động của ông Lữ Phương từ sau vụ "phân loại sách" đã ít nhất khiến cho người đọc có cơ sở để nghi ngờ sự "nhất quán" trong tính cách hoặc "sáng suốt" trong ý thức của ông! Sau khi rời khỏi chức vụ Thứ trưởng, có lẽ cùng lúc với cái tổ chức mà chức năng duy nhất là làm tấm bình phong cho một cơ cấu quyền lực khác, Lữ Phương "vẫn còn tin vào tính khả thi của một thứ chủ nghĩa xã hội 'đích thực'” và "vẫn còn đủ tinh thần cách mạng để vừa nuôi heo vừa hoàn thành cuốn Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam" mà ông "đã ký hợp đồng với Nhà xuất bản Văn hoá ở Hà Nội trước đó." Trong bài viết, Lữ Phương không nói gì về việc "bị Thành uỷ đả kích như một thứ Nhân văn-Giai phẩm, chống Đảng tinh vi" sau khi ông "phẫn nộ, bộc lộ qua hai bài viết xuất hiện trên nhật báo Tin sáng vào tháng 6-1979" có phải là "nguồn động viên" to lớn đã thúc đẩy ông cho ra mắt Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam hay không. Bởi vì ông không nói ra, tôi cho là không. Tuy nhiên, nếu sự thật chứng minh ngược lại thì cũng là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Chỉ cần xem qua số lượng bài vở nhằm đánh phá nhóm văn nghệ sĩ Nhân văn-Giai phẩm và những tên tuổi sừng sững của quý vị tác giả đàng sau các bài "công kích" đó trong loạt bài "Hồ sơ Nhân văn-Giai phẩm" trên diễn đàn mạng talawas.org thì cũng có thể hình dung được áp lực mà Lữ Phương có thể đã phải chịu đựng!

Chúng ta, tuy vậy, nên tiếp tục với giả định là Lữ Phương, hoàn toàn không bị khống chế bởi một áp lực nào, đã viết cuốn Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam với niềm tin vào tính khả thi của một thứ chủ nghĩa xã hội “đích thực” và với tinh thần cách mạng không lay chuyển của mình. Đây là một đức tính cao quý mà Lữ Phương, cùng với một số các đảng viên cộng sản trung kiên hiếm hoi khác, đã giữ được toàn vẹn và dựa vào đó, tiếp tục cho phép mình bay lượn thảnh thơi trên bề mặt của cái xã hội chứa đầy những thảm kịch kinh hoàng trong những năm đầu tiên của công trình cải tạo xã hội theo chiều hướng cộng sản (75-80). Tất nhiên một điều như thế chỉ có thể thực hiện được khi bạn không ở về phía của nạn nhân.

Hãy nói về cuốn sách đang là mục tiêu của cuộc thảo luận. Trong khi tôi sẵn sàng chấp nhận rằng Lữ Phương đã sử dụng và trích dẫn những nguồn tài liệu đáng tin cậy kể cả những tài liệu từ kẻ thù (Hoa Kỳ), điều này hoàn toàn không đủ để quyết định giá trị của Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Là một nhà nghiên cứu (tôi hy vọng như thế), Lữ Phương tất phải thừa hiểu quá trình chọn lọc dữ kiện để sử dụng cho một công trình nghiên cứu có thể bị ảnh hưởng bởi mục tiêu định sẵn, vốn đến lượt sẽ ảnh hưởng lên cách trình bày các sự kiện, và do đó, đến kết quả của công trình nghiên cứu này. Lữ Phương nhất định không thể không thừa nhận là đã có những dữ kiện cũng "đích thực" không kém đã không được sử dụng vì chúng hoặc là không phục vụ mục đích, hoặc có nguy cơ làm hỏng các lập luận dựa trên đó một hay nhiều kết luận mong muốn có thể được rút ra. Điều này là một "caveat" cho phần đông các công trình nghiên cứu kể cả các công trình được thực hiện trong những điều kiện xã hội/chính trị phóng khoáng nhất. Sách của Lữ Phương, ngược lại, được viết ra trong một môi trường chính trị vô cùng khắc nghiệt, và do đó, không thể loại trừ một khả năng rất lớn là công trình này không nhiều thì ít nằm dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của đảng cầm quyền. Cộng với "những lời lẽ thấm đẫm màu ý thức hệ lúc tôi [Lữ Phương] còn xác tín vào chủ nghĩa cộng sản" và "... trong một tâm thế thanh toán cuộc chiến tranh của Mỹ, những sai sót, những chi tiết thiếu kiểm tra, những cách diễn đạt quá lời là không tránh khỏi,... sự thiếu thận trọng do men say chiến thắng...", một người cả tin nhất cũng không thể bị thuyết phục bởi cái "giá trị vì tính chất đích thực" của một công trình như thế.

Điều này, sự "bất khả tín" của Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam, có vẻ như được cả chính ông Lữ Phương thừa nhận, bởi vì không ở đâu trong bài viết của mình, ông khẳng định một cách rõ ràng, minh bạch như hai với hai là bốn về giá trị thực sự của Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Điều gần nhất mà ông đã có thể đưa vào bài viết của mình là "cho đến nay tôi cho rằng những tài liệu tôi tìm được vẫn còn nguyên giá trị vì tính chất đích thực của chúng" và "... cho đến bây giờ, khi đọc lại, tôi vẫn không hề có ý định coi toàn bộ cuốn sách ấy như một dấu tích của quá khứ cần phải phủ định." Tính chất đích thực của tài liệu và liên hệ giữa điều này và giá trị "đích thực" của Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam vừa được tôi phân tích và rút ra kết luận ở phần trên. Về chuyện có nên phủ nhận một phần hoặc toàn bộ cuốn sách "như là một dấu tích của quá khứ" hay không là quyết định của cá nhân ông Lữ Phương, và nhiều phần là một quyết định dựa trên cảm tính chứ không nhất thiết trên giá trị tự thân, nếu có, của nó.

Không chỉ "bất khả tín" một cách vô hại, tôi có thể kết luận một cách an toàn là Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam nhất định đã không nhiều thì ít, thổi phồng vai trò của đế quốc Mỹ trong việc "nhào nặn và đồi trụy hóa" tư tưởng và văn hóa của nhân dân miền Nam, thổi phồng những điều gọi là thảm kịch văn hóa/xã hội như là hậu quả của sự "đồi trụy", thổi phồng "tội ác" của những người mà Lữ Phương cho là "làm chiến tranh tâm lý như một nghề kiếm sống". Ngay cả khi Lữ Phương biện minh, "đã hết sức chú ý phân biệt các ứng xử khác nhau về mặt con người: phân biệt những người tham dự trực tiếp với những người bị tác động, những người làm chiến tranh tâm lý như một nghề kiếm sống với những người thành thật tin vào chính nghĩa mình theo đuổi, những người là nạn nhân của sự huyễn hoặc với những người đứng lên phản kháng một cách có ý thức… tất cả tạo nên một thứ ‘quang phổ’ nhiều cung bậc, chứ không nhập chung vào một rọ để kết tội bừa bãi", từ chính những lời lẽ này, chúng ta đã có thể nhìn thấy một cách rõ ràng mục tiêu của Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam: kết án, và những bản án, vì những "bất cập" do chính Lữ Phương thú nhận, đã không được ban bố với sự công chính cần thiết mà một trí thức như Lữ Phương có thể có được trong thời điểm sách của ông được chuẩn bị và viết ra.

Thêm vào đó, như đã đề cập trong một phần trước và xin lập lại ở đây, với khả năng tư duy của một trí thức tên tuổi, ông Lữ Phương đã phải nghĩ đến và đã phải vô cùng thận trọng trong việc KHÔNG để những hoạt động tương lai của mình tiếp tục trở thành một thứ công cụ dành cho cái thế lực có khả năng hủy diệt "nền văn hóa của cả một dân tộc." Việc cho ra đời Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam vào năm 1981 là một điều, ở góc nhìn bao dung nhất, thiếu suy xét. Việc tiếp tục đặt xác tín vào và đánh cuộc với lương tri của mình lên Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam vào năm 2008 là một ứng xử... táo bạo, thậm chí quá đáng! Bởi vì, không thể bỏ qua "hiệu ứng", hoặc một cách chính xác hơn, hậu quả của sự hiện diện của cuốn sách nói trên vào năm 1981 và nhiều năm sau đó. Điều gì đã xảy ra cho các tác giả "lính đánh thuê" được "hân hạnh" nêu danh tính trong Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam? Cho tác phẩm của họ, đặc biệt những tác phẩm được viết ra không vì lý do "kiếm sống?" Cho "những người thành thật tin vào chính nghĩa mình theo đuổi", khi mà "chính nghĩa" không giống cái của Lữ Phương? Đã bao nhiêu lần Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam được sử dụng như chiếc đinh cuối cùng đóng lại tấm ván hòm kiên cố để chôn thêm một lần nữa cái xác ngắc ngoải gọi là văn học miền Nam? Liệu ông Lữ Phương có khả năng chứng minh là những điều trên đã không hề xảy ra?

*


Cho đến lúc này, tôi đã có những nỗ lực đáng kể để giữ "luật chơi" đề ra cho chính mình ở phần mở đầu. Tôi đã chấp nhận "giá trị bề mặt" của những dữ kiện do ông Lữ Phương cung cấp trong bài viết của ông, sử dụng chúng như là cơ sở của quan sát và phân tích, và từ đó rút ra những nhận xét mà tôi vừa trình bày cùng bạn đọc. Tôi tin rằng mình có đủ cơ sở để đi đến một kết luận an toàn về thực chất của cái gọi là "chính sách cải tạo văn hoá ở miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975". Chính sách này, trên thực tế, không gì khác hơn là công cuộc xóa bỏ sự hiện hữu của nếu không phải toàn bộ thì là phần lớn nhất và quan yếu nhất của nền văn hóa này. Về vai trò và trách nhiệm của ông Lữ Phương, tôi đã có những quan sát và phân tích dựa trên những dữ kiện do ông cung cấp và những đối chiếu tối cần thiết từ thực tế. Trong khi ghi nhận là Lữ Phương đã ít nhất một lần trong quá khứ có những nỗ lực để làm giảm thiểu những tổn thất cho văn hóa phẩm ấn hành trước 04/75 ở miền Nam, tôi nhận ra, và tin rằng ông cũng nhận ra, mặt giới hạn về khả năng/quyền lực của ông trong giai đoạn liên hệ. Như là một hệ quả của sự ý thức về giới hạn này, Lữ Phương lẽ ra đã phải vô cùng cẩn thận trong việc tự biến mình thành công cụ cho những thế lực đen tối. Những hoạt động sau đó của ông, đặc biệt trong việc sửa soạn và xuất bản Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam được phân tích thấu đáo, và tuyên bố của Lữ Phương về "giá trị dựa trên tính chất đích thực" của "công trình nghiên cứu" này được tôi chứng minh ngược lại. Không những vậy, đã có, trên thực tế, những tổn thất ở nhiều lãnh vực văn hóa và xã hội bởi vì hoặc bắt nguồn từ nội dung cuốn sách này, và tôi tin rằng tác giả của nó chia sẻ một phần không nhỏ trách nhiệm về những hậu quả mà ông đã có thể không lường trước.

Giống như một bài viết trước đây cũng trên talawas, "Khi nhà văn không chỉ là kẻ đồng lõa", việc sử dụng "Nói thêm một lần để không nói nữa" của Lữ Phương như là đối tượng thảo luận không phải là điều ngẫu nhiên, nhưng cá nhân của ông Lữ Phương không hề là mục tiêu chính. Trái với điều một số người tin tưởng, "trường hợp Lữ Phương" không phải là cá biệt. Trên thực tế, có không ít người ở vào trường hợp của ông và có cùng phản ứng như ông. Trong một cuộc chiến với hậu cảnh vô cùng phức tạp như chiến tranh Việt Nam, nhiều người đã lựa chọn cho mình một vị trí dựa trên một hay nhiều lý do. Họ sống chết với và chiến đấu cho lựa chọn của mình, và trong quá trình này, đôi khi để lại những thương tích cho kẻ vô can, thường là ngoài ý muốn. Có khi "vết thương" là những tổn thất không thể đảo ngược, như sinh mạng một ai đó chẳng hạn. Có khi là những vết cào xước - thường bắt nguồn từ những điều trá ngụy và nhân danh những điều cao cả nhất - trên khuôn mặt văn hóa và lịch sử của dân tộc, làm chúng méo mó, biến dạng. Những vết thương như thế sẽ một lúc nào đó trở thành những vết sẹo xấu xí, một thứ "nọc độc" văn hóa/lịch sử, vĩnh viễn không thể tẩy rửa! Những người đã để lại những vết cào xước độc hại này, trong phần đời sau đó của mình, đã có thể chọn một trong hai điều, hoặc tìm cách tháo gỡ mầm độc hại trong khi còn có thể, hoặc chối bỏ trách nhiệm. Một cách đáng tiếc, Lữ Phương và không ít những người khác, có vẻ như đã chọn lựa điều khó khăn nhất trong hai điều trên: quay lưng lại với trách nhiệm của mình!

Không ai cho rằng nhận lãnh trách nhiệm về những hành động sai trái của mình là điều dễ dàng - điều này cần đến một liều dũng khí không nhỏ, nhưng việc chối bỏ trách nhiệm thực ra còn khó khăn hơn gấp bội. Có rất nhiều điều người ta phải đương đầu. Trước hết, phải lý luận. Với tất cả mọi người, bạn lẫn thù, hoặc trong trường hợp Lữ Phương, ít nhất cũng với bạn bè và độc giả yêu cầu, về sự không dính líu của mình. Có khi còn phải đi xa hơn, ngược về quá khứ, để biện minh cho vị trí chọn lựa của mình bởi vì điều này sẽ là cơ sở cần thiết để biện minh cho hành động của mình vốn đến lượt đã để lại những hậu quả mà phần trách nhiệm mình không muốn thừa nhận. Có một vài người còn đi đến chỗ thái quá, bỏ ra suốt quãng đời còn lại để biện minh cho điều họ đã có lần thề thốt rũ bỏ, tự thuyết phục mình đắm mê thêm một lần nữa chiếc bong bóng xà phòng muôn màu muôn sắc đã một lần vỡ tung tóe trên niềm tin của họ. Và chính là ở đây, ngụy tín được tấn phong thành chân lý, và chân lý đích thực sẽ bị vùi dập. Hãy tưởng tượng một người đã phải mang vào mình bao điều hao tâm tổn trí như thế, bao nỗi loay hoay như thế, chỉ vì muốn... tránh né chính những điều này ở điểm xuất phát! Có một số người thất bại, nhưng cũng có người thành công trong nỗ lực "chối bỏ và biện minh cho sự chối bỏ" này, dựa vào khả năng biện thuyết bậc thầy của mình. Tuy vậy, tôi không cho rằng họ đã hoàn toàn thành công. Vẫn còn cái hàng rào cuối cùng mà họ lắm khi không thể dùng lý luận để vượt qua, đó là lương tri của chính họ. Và chính là ở đây, nỗi loay hoay bắt rễ và lớn lên, từng giờ, từng phút!

Trong một lần "google" gần đây với cụm từ khóa "Lữ Phương + Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng" tôi khám phá ấn bản 1981 của Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam vẫn tiếp tục được lưu hành ở nhiều thư viện trên cả nước. Tôi không biết ông Lữ Phương có nghĩ đến hiệu ứng của những điều "bất cập", nói một cách nhẹ nhàng, chứa đựng trong cuốn sách này lên người đọc thuộc nhiều thế hệ hay không?

Cái gì đã ngăn cản Lữ Phương thực hiện điều mà ông lẽ ra đã phải thực hiện từ lâu, đọc lại, viết lại, và loại bỏ tất cả những gì đã biến Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam trở nên không chỉ "bất khả tín" mà còn là một thứ "nọc độc văn hóa", làm méo mó diện mạo văn hóa và lịch sử của dân tộc, để tác phẩm này THỰC SỰ có được cái giá trị lịch sử bởi tính chân thực và công bằng của nó? Bất kể là vì điều gì, tôi tin là ông Lữ Phương đã để trôi qua cùng với tháng ngày một cơ hội gởi đến thế hệ con em một tín hiệu tích cực về khả năng tái tạo diện mạo "đích thực"của lịch sử bởi người trong cuộc, bên này hay bên kia chiến tuyến, những người đã vướng "nợ lịch sử" một cách vô tình hay cố ý. Riêng với ông Lữ Phương, và những Lữ Phương, như là một nhà trí thức, một hành động mang ý thức trách nhiệm như thế là điều vô cùng cần thiết cho chính họ. Bởi vì, bên cạnh tất cả những điều khác, còn có một điều gọi là sự lương thiện trí thức.

Tôi, vì một số lý do có liên quan đến những tao ngộ thú vị trong đời sống, đôi khi cho rằng "lương thiện trí thức" là một oxymoron. Theo một số từ điển Anh - Việt hiện hành, oxymoron là "từ nghịch hợp" hoặc "phép nghịch hợp", dùng để chỉ những nhóm chữ được hợp thành bởi các từ có ý nghĩa đối nghịch hoặc không "thuận thảo" với nhau. Ở đây, tất nhiên là "trí thức" và "lương thiện".

Tôi xin được chấm dứt bài viết này với một ước muốn: Ông Lữ Phương, và các quý ông Lữ Phương ở nhiều chiến tuyến khác nhau, sẽ không tự đưa mình vào vị trí phải đồng ý với tôi rằng "lương thiện trí thức" là một oxymoron!

30.07.2008

© 2008 talawas