© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
30.7.2008
Trần Thục Hân
Việt Nam - Thiếu tư duy cho đô thị kiểu mẫu
 
Nếu coi thông tư 15/2008/TT-Bộ Xây dựng “Hướng dẫn đánh giá khu đô thị mới kiểu mẫu” vừa ban hành là một bước tiến đầu tiên của nhận thức về một mô hình đô thị mới tốt nhất Việt Nam – thì sự nhận thức này ngắn hạn và đã bỏ qua khá nhiều yếu tố bản chất của một khu đô thị thực sự mới.

Chúng ta sẽ không mất thời gian điểm lại các thuyết đô thị học hiện đại, mà cần tìm kiếm từ tư tưởng, “nguyên lý phát triển đô thị bền vững trong kỷ nguyên khủng hoảng dầu mỏ và ấm nóng toàn cầu” những điều có thể soi sáng, nhận dạng trước một “khu đô thị mới (KĐTM) kiểu mẫu của Việt Nam” - để nó đáng được gọi là mẫu.


10 phút vĩ đại

Bao trùm lên mọi suy nghĩ của nhân loại lúc này là “Phát triển bền vững”. Ở Việt Nam cũng vậy, không một chính sách nào sống sót nếu đi ngược với bền vững. Bền vững không còn là ý muốn đối với giới hoạch định chính sách, nó bắt buộc người ta phải hành động. Rất tiếc 6 tiêu chí “KĐTM kiểu mẫu” của Việt Nam chỉ nhằm chủ yếu bổ sung các giá trị “tiện nghi” cho người sử dụng mà thiếu tư duy bền vững, hành động bền vững.

Học thuyết mới về đô thị (New urbanism, viết tắt NU) không còn mới, nó ra đời cách đây gần 30 năm tại Mỹ nhằm định hướng cho quy hoạch đô thị và cải cách các hoạt động kinh doanh bất động sản đã được kiểm nghiệm áp dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tờ New York Times nhận định “Đây là sự chuyển biến tổng thể quan trọng nhất về quy hoạch, kiến trúc”. Tuyên ngôn của NU: “Cho con người nhiều sự lựa chọn được sống ở những nơi ổn định, thuận tiện, thú vị và đưa ra các giải pháp cho vấn đề ấm nóng toàn cầu và cạn kiệt dầu mỏ”. NU cụ thể hoá với 10 nguyên tắc, trong đó nguyên tắc số 1 là “Số đông có thể đi bộ từ nơi ở đến nơi làm việc trong vòng 10 phút, thiết kế phải ưu tiên và tạo cảm giác an toàn, thoải mái cho người đi bộ”.

Nói nguyên tắc này tối quan trọng vì nó yêu cầu trước hết, trên hết địa điểm quần cư đó phải tạo ra việc làm thì mới giúp việc di chuyển hàng ngày của dân đô thị từ chỗ ở đến chỗ làm với 10 phút đi bộ (không với những phương tiện khác). 10 phút này thực chất là một cuộc cách mạng vĩ đại trong kiến tạo đô thị. Nó làm thay đổi hoàn toàn quan niệm của đô thị chức năng thế kỷ 20 chia nhỏ các nhiệm vụ cho từng vị trí quần cư – đô thị này để ngủ, đô thị kia chuyên dịch vụ thương mại, đô thị khác có nhiệm vụ sản xuất v.v... Nó chống lại việc các KĐTM xây lên chỉ làm “phòng ngủ” cho trung tâm thành phố, cứu người đô thị khỏi thảm cảnh mỗi ngày mỗi người mất hàng giờ di chuyển đến chỗ làm việc và về nhà trên những con đường ô nhiễm khói xăng, bụi bặm, đầy tai nạn giao thông rình rập... lượng lớn nhiên liệu (xăng dầu) chi cho giao thông không ngừng tăng lên tiêu hao túi tiền của họ. Và càng chi nhiều cho giao thông, càng ô nhiễm, và tất nhiên lại càng tốn tiền khắc phục ô nhiễm.

Đem nguyên tắc này soi vào các KĐTM của Việt Nam để thấy, hầu hết chúng chỉ là các khu bất động sản – chưa đáng gọi là KĐTM. Chúng đem lại nhiều lợi nhuận cho giới đầu tư trong giai đoạn khủng hoảng thiếu nhà ở - mà không tạo không gian sống toàn diện, bền vững cho con người. Bài toán xây KĐTM ở Việt Nam hầu như chỉ tính đến số lượng người ở với vài dịch vụ nhỏ, chưa có sự tham gia của các nhà hoạch định phát triển kinh tế và những doanh nghiệp kinh tế đô thị v.v... để trở thành một đô thị sinh ra các sản phẩm kinh tế. Về bản chất nó không tạo ra nhiều việc làm tại chỗ cho cư dân của nó (đô thị phụ thuộc).


Như đứa trẻ nuôi mãi không lớn...

Nguyên tắc quan trọng nữa NU: “Giảm thiểu tối đa những tác động vào môi trường, giảm nguồn nhiên liệu có hạn và phải tự vận hành”. NU đòi hỏi, như “cái cây hút nước, không khí, quang hợp tại chỗ” - KĐTM cần có khả năng tự khai thác xử lý nước sạch và nước bẩn, tự tạo ra điện năng v.v... với sự trợ giúp của các công nghệ tiên tiến.

Sự phát triển quá nóng ồ ạt KĐTM xung quanh trung tâm TP Hồ Chí Minh và Hà Nội hiện nay chắc chắn phá vỡ những kế hoạch sản xuất cung cấp nước và điện. Như đứa trẻ nuôi mãi không lớn, không tự lực nổi - các KĐTM của chúng ta, sẽ là gánh nặng ngày càng nặng, nếu cứ lệ thuộc hoàn toàn vào sự cung cấp năng lượng, nước sạch, xử lý nước thải của thành phố mẹ. Chưa nói việc chuyển tải quá dài từ nguồn cung cấp tập trung là phi kinh tế (thất thoát, đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn...) - mà do nhu cầu phát triển KĐTM không ngừng tăng, sẽ sớm dẫn đến tình trạng chính quyền thành phố không thể kiểm soát nổi - sự ô nhiễm do các chất thải hiện nay tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là ví dụ rõ nhất.

Vậy sau khả năng tự tạo ra công ăn việc làm, các KĐTM còn cần có khả năng dần dần tự tạo ra năng lượng, nước sạch... (tự vận hành) cho chính nó. Điều nghe có vẻ xa xôi, nhưng nếu từ bây giờ ý nghĩ này không xuất hiện trong đầu các nhà hoạch định chính sách – thì 5, 10 năm nữa Việt Nam không thể có các “KĐTM mới kiểu mẫu” theo chuẩn quốc tế?


Bỏ quên công nghệ xây dựng

Công nghệ xây dựng hiện nay (theo nghĩa rộng nhất của khái niệm này) đã bao gồm tất cả các thành tựu khoa học kỹ thuật giúp cho con người tổ chức nên nơi sống. Nhưng Việt Nam vẫn chủ yếu coi công nghệ xây dựng thuộc các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và kỹ thuật thi công... Ngay trong vật liệu xây dựng vẫn phần lớn khai thác đất làm gạch nung. Công việc nặng nhọc này đang và sẽ nhanh chóng phá huỷ tài nguyên đất có hạn. Tức là không thể bền vững. “KĐTM kiểu mẫu” phải là những đô thị đi đầu áp dụng những công nghệ xây dựng tiên tiến, hạn chế tối đa sự tàn phá môi trường. Tính tiên tiến của công nghệ vì thế cần có mặt trong các tiêu chí “đánh giá KĐTM kiểu mẫu” của Việt Nam.

Tóm lại KĐTM dù xuất hiện ở Việt Nam - Trung Quốc hay bất cứ nước nào cũng là “sản phẩm” của thời đại. Tất nhiên các yếu tố bản địa (địa lý, kinh tế, lối sống...) quyết không bỏ qua (nguyên tắc của NU), vì chính nó làm nên tính thời đại. Vậy sao chúng ta không tham khảo, sử dụng - lấy các quan điểm, tư tưởng tốt nhất của nó làm cơ sở xây dựng “tiêu chí đánh giá KĐTM của Việt Nam” thay bằng mất nhiều công sức tiền bạc tự làm tiêu chí chỉ của riêng Việt Nam, mà không gắn với thời đại?

Nhưng thưa, công việc này phải của nhà chuyên môn, của giới nghiên cứu đô thị (càng độc lập, khách quan càng tốt) chứ không do các nhà quản lý. Nhà quản lý chỉ “luật hoá” nó bằng quyết định thực hiện, đừng làm thay chuyên môn. Cải tiến cách làm “tiêu chí nhà nước” theo hướng này sẽ “nhàn” cho quản lý và đỡ “mang tiếng” chính họ.


Phụ lục 1
10 nguyên tắc của NU

Tóm tắt 10 nguyên tắc của NU có thể áp dụng cho từ quy mô của một công trình đơn lẻ cho đến cả một khu vực cộng đồng đô thị hay nông thôn
  1. Số đông có thể đi bộ được từ nơi ở đến nơi làm việc trong vòng 10 phút; thiết kế phải ưu tiên và tạo cảm giác an toàn thoải mái cho người đi bộ.
  2. Hệ thống mạng lưới phố phường có mối liên hệ với nhau làm phân tán giao thông (tránh tập trung cao).
  3. Trộn lẫn giữa các cửa hàng, văn phòng, chung cư và nhà ở biệt lập trong một địa điểm. Khuyến khích tập hợp sự đa dạng về nhóm người - độ tuổi, mức thu nhập, các văn hoá, và chủng tộc.
  4. Sự pha trộn các thể loại nhà, kích cỡ, và giá cả khác nhau được đặt gần nhau.
  5. Nhấn mạnh vẻ đẹp, thẩm mỹ, sự thoải mái cho con người, và tạo ra cảm quan tốt cho kiến trúc môi trường để nuôi dưỡng tinh thần con người.
  6. Có thể phân biệt rõ trung tâm và vành đai. Không gian công cộng nằm ở giữa trung tâm, không gian mở cho cộng đồng được thiết kế như là tác phẩm nghệ thuật (những sáng tạo) đô thị. Bao gồm phạm vi về sử dụng và mật độ trong vòng 10 phút đi bộ. Mật độ cao nhất tập trung trong khu trung tâm và mật độ giãn dần ra phía rìa đô thị. Làm biến mất ranh giới giữa cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo, bảo đảm cho sự phát triển và sinh tồn của thiên nhiên. Các dạng nhà ở và dạng phố phải phù hợp với từng địa điểm và tạo thành một thể liên tục từ đô thị tới nông thôn.
  7. Các công trình, khu ở, cửa hàng, và dịch vụ đặt sát nhau hơn, với mật độ dày đặc hơn để có thể dễ dàng đi bộ và tiếp cận với các địa điểm dịch vụ. Nâng cao hiệu quả sử dụng của các dịch vụ cũng như các nguồn tài nguyên.
  8. Giao thông thông minh - mạng lưới tàu chất lượng cao kết nối thành phố, thị trấn và các vùng lân cận với nhau. Sử dụng xe đạp, các phương tiện thô sơ và đi bộ là phương thức giao thông phổ biến thường ngày.
  9. Giảm thiểu tối đa những tác động vào môi trường và tự vận hành. Sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, tôn trọng hệ sinh thái và giá trị của hệ thống tự nhiên. Sử dụng năng lượng hiệu quả. Giảm thiểu sử dụng những nguồn nhiên liệu có hạn. Nhiều hàng hoá địa phương và nội địa hơn là nhập khẩu.
  10. Những điều trên gộp lại cùng với chất lượng cao về giá trị cuộc sống tinh thần sung túc, kiến tạo ra những địa điểm giàu có phong phú, nâng cao và truyền cảm hứng cho tinh thần cho con người.


Phụ lục 2
Thông tư số 15/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng: Hướng dẫn đánh giá, công nhận Khu đô thị mới kiểu mẫu

Theo thông tư, đó là khu ĐTM diện tích 50ha trở lên (nếu là khu cải tạo đô thị hiện tại có thể nhỏ hơn nhưng không dưới 20ha); dân số từ 5.000 người hoặc tương đương 1000 căn hộ, hộ gia đình (với các loại hình nhà ở), được Hội đồng đánh giá công nhận đạt 6 tiêu chí:
  1. Sự hình thành tuân thủ pháp luật: Có văn bản liên quan đến cơ sở pháp lý, phù hợp với quy hoạch xây dựng chi tiết đã phê duyệt…
  2. Hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hạ tầng xã hội đầy đủ : tỷ lệ lấp đầy theo quy hoạch tính theo diện tích lớn hơn 70%, với khu vực dân cư đạt 100%; cấp nước đảm bảo 150lít/người/ngày; tỷ lệ cây xanh công cộng từ 7m²/người; phân loại chất thải tại nguồn; chiếu sáng 100% khu dân cư, công cộng; có truyền hình cáp, internet...
  3. Xây dựng phù hợp quy hoạch, hài hoà cảnh quan: theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt, theo chấp thuận của cấp thẩm quyền về cốt nền, chiều cao, mật độ…
  4. Quản lý xây dựng và bảo trì công trình: theo quy định hiện hành về chất lượng công trình, an toàn lao động khi xây dựng; nghiệm thu công trình trước khi giao cho người mua; bảo trì định kỳ, thường xuyên…
  5. Môi trường văn hoá lành mạnh, thân thiện: xây dựng chế độ người dân tự quản, không có tệ nạn xã hội…
  6. Quản lý, sử dụng vì lợi ích xã hội: có Ban quản lý, lực lượng bảo vệ; có phương tiện cấp cứu khi gặp sự cố; quy định giá dịch vụ cho từng loại đối tượng có mức sử dụng tiện nghi khác nhau…

Quyết định công nhận KĐTMKM có thời hạn hiệu lực 05 năm; trước khi hết hiệu lực 01 năm được cấp thẩm quyền xem xét, đánh giá lại.

Thông tư này thay thế Thông tư số 10/2008/TT-BXD ngày 22.4.2008 hướng dẫn về việc đánh giá, công nhận KĐTMKM và có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.



Tác giả là thạc sĩ tại Đại học Auckland, New Zealand
Nguồn: Người đô thị ngày 25.7.2008